Chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Việt Nam được ca ngợi là thắng lợi của quốc gia Đông Nam Á khi đã thành công trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với cả siêu cường là Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm 2023, điều mà không quốc gia nào làm được.
Bộ Ngoại giao nhắc lại, Đài Loan tuyệt đối không phải là một phần của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hai bên không trực thuộc lẫn nhau, Đảng cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ thống trị Đài Loan và không có quyền đại diện cho nhân dân Đài Loan trên trường quốc tế - Ảnh : Bộ Ngoại giao / Taiwan Today
Trong lúc báo giới khu vực và quốc tế ca ngợi sự khéo léo của Đảng cộng sản Việt Nam khi đã cân bằng được sự ép từ hai cường quốc, thì Đài Loan lại lên tiếng phản đối.
Nguyên do là vì trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc nhân dịp hai nước quyết định nâng cấp quan hệ ngoại giao qua chuyến thăm mới nhất của ông Tập Cận Bình trong hai ngày 12 và 13/12/2023, thì đại diện nước chủ nhà, Tổng bí Nguyễn Phú Trọng, đã tuyên bố "công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc", và "kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức".
Tuyên bố trên của Việt Nam đã lập tức khiến Bộ Ngoại giao của Đài Loan lên tiếng đáp trả. Trong thông cáo được đưa ra hôm 14 tháng 12, chính quyền Đài Bắc cho rằng tuyên bố chung mà hai tổng bí thư hai Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đưa ra là "sai lệch nghiêm trọng so với thực tế".
Tuy đổ lỗi cho Đảng cộng sản Trung Quốc là đã cố tình tuyên truyền sai lệch về "chủ quyền" của Đài Loan, nhưng bộ ngoại giao của đảo quốc này cũng không quên đề nghị Việt Nam chớ nghe theo Trung Quốc để rồi làm suy yếu chủ quyền cũng như gây tổn thương tình cảm của nhân dân nước này.
Phía Đài Loan cũng nhắc nhở Việt Nam về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ giữa hai bên, bằng cách nêu ra thực ra tế Đài Loan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thư tư ở Việt Nam, cũng như là điểm đến hàng đầu của lao động và du học sinh người Việt.
Trên thực tế, Đài Loan trong những năm gần đây nổi lên là nước có mức đầu tư rất lớn vào Việt Nam. Báo chí trong nước cũng đưa tin về việc các doanh nghiệp Đài Loan đang tích cực đầu tư và mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, thì Đài Loan đang nổi lên như là một đối tác quan trọng.
Vậy thì điều gì khiến Đảng cộng sản Việt Nam phải đề cập đến vấn đề Đài Loan trong tuyên bố chung với Trung Quốc, để rồi khiến chính quyền hòn đảo này phản ứng tiêu cực ?
Trao đổi với đài RFA, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhận định rằng Việt Nam không có lựa chọn nào khác trong trường hợp này :
"Nếu Việt Nam từ bỏ chính sách một Trung Quốc thì sẽ phải hứng chịu sự trả đũa khủng khiếp từ phía Đại Lục. Tôi cho rằng Việt Nam đã phải làm việc cực chẳng đã đối với toàn bộ bản tuyên bố chung. Ngoài ra, còn có cả yếu tố bày biện nhằm lấy lòng Trung Quốc, nói cách khác thì việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc là điều cần thiết, bởi vì Việt Nam có đường biên giới chung với Trung Quốc, có nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, và cả tranh chấp trên Biển Đông.
Nếu nhìn vào cách mà Trung Quốc đối xử với Philippines, một dạng sách nhiễu và đe dọa cấp thấp, đó là điều mà Trung Quốc có thể làm với Việt Nam".
Cần phải thừa nhận, trong những năm gần đây vấn đề Đài Loan đang trở thành chủ đề nhạy cảm đối với Trung Quốc, nước đang ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc bảo vệ cái mà họ cho là chủ quyền lãnh thổ đối với hòn đảo tự trị này. Điều này khiến bất cứ quốc gia nào cũng phải dè chừng khi đề cập đến Đài Loan, ngay cả Hoa Kỳ cũng không ngoại lệ.
Chính quyền Trung Quốc cũng không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để đạt được mục đích cô lập Đài Loan, và khẳng định tuyên bố chủ quyền của họ. Trong trường hợp này, theo ông Bill Hayton, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, thì rất có thể phía Trung Quốc đã đòi hỏi nội dung liên quan đến Đài Loan được thêm vào bản tuyên bố chung với Việt Nam. Ông nói thêm :
"Có thể có hai lý do. Thứ nhất là phía Trung Quốc yêu cầu và Việt Nam chấp nhận, tôi không nghĩ là Việt Nam sẽ nêu vấn đề này ra nếu Trung Quốc không đề nghị".
Còn lý do thứ hai, theo vị học giả có nhiều năm nghiên cứu chính trị Việt Nam và Trung Quốc, là do Việt Nam muốn nhận lại gì đó từ Trung Quốc. Có thể là một sự đối đãi đặc biệt nào đó. Hay sự yên ổn trên Biển Đông.
Cùng với vấn đề Đài Loan, Việt Nam còn đề cập thêm đến các vấn đề ở Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng trong bản tuyên bố chung, và gọi đây là "các vấn đề nội bộ" của Trung Quốc. Ám chỉ không nên có sự can thiệp từ bên ngoài.
Chính quyền Trung Quốc đang hứng chịu chỉ trích từ cộng đồng quốc tế do các chính sách đàn áp nhắm vào người Hồi Giáo ở Tân Cương, người Tây Tạng, và người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Bằng việc gọi đây là "vấn đề nội bộ" của Trung Quốc, có lẽ Việt Nam muốn tránh việc các nước Phương tây sử dụng vấn đề nhân quyền để chỉ trích chế độ cộng sản Trung Quốc, rồi liên luỵ đến Việt Nam, theo ông Bill Hayton.
"Có thể, do vấn đề ý thức hệ chính trị, Đảng cộng sản Việt Nam sợ rằng Hoa Kỳ nói riêng và Phương tây nói chung sẽ sử dụng những vấn đề này để phá hoại sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Do đó, để bảo vệ sự thống trị của Đảng cộng sản, thì đã tuyên bố rằng đây là những vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Quay trở lại sự phản đối của chính quyền Đài Loan, có thể thấy rõ là nội dung của bản tuyên bố do Bộ Ngoại giao nước này đưa ra, đã tránh chỉ trích Việt Nam một cách trực tiếp. Do đó, theo giáo sư Carlyle Thayer thì chính quyền Đài Loan sẽ không có phản ứng tiêu cực nào đối với Việt Nam. Bởi cả hai bên đều sẽ thiệt hại.
"Đài Loan sẽ không làm gì tổn hại đến Việt Nam bởi họ biết rằng chính họ cũng sẽ thiệt hại. Họ sẽ không chấm dứt quan hệ kinh tế với Việt Nam chỉ vì họ không thích tuyên bố trên. Cả hai đều có rất nhiều để mất".
Còn về phía Việt Nam, tuy công khai chấp nhận chính sách ‘một Trung Quốc’ và tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ ủng hộ một cuộc xâm lược của Trung Quốc nhắm vào hòn đảo tự trị. Theo ông Bill Hayton :
"Dù không có bằng chứng nhưng tôi nghĩ khả năng cao Việt Nam sẽ phản đối Trung Quốc có hành động quân sự chống lại Đài Loan. Rõ ràng Đài Loan đang có rất nhiều hoạt động đầu tư ở Việt Nam, cho nên Việt Nam sẽ không muốn có bất cứ điều gì xảy ra ảnh hưởng xấu đến hiện trạng".
Trường Sơn
Nguồn : RFA, 19/12/2023