Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2023

"Lò" ông Trọng chuẩn bị đốt củi Việt Á !

Diễm Thi

Vụ Việt Á cũng là đại án tham nhũng, tiêu cực với quy mô lớn từ cấp trung ương đến tận cấp cơ sở. Một số nhà quan sát nhận định, vụ án này có ý nghĩa lớn trong chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng. "Đốt lò" là chiến dịch được ông Trọng khởi xướng từ năm 2013 trên cương vị Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng cộng sản Việt Nam.

vieta1

Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 dọc theo một con phố ở Hà Nội vào ngày 18/8/2021. AFP

Hai phiên sơ thẩm liên quan vụ án Việt Á dự kiến được mở vào ngày 27/12/2023 và 3/1/2024. Phiên đầu tiên do Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xét xử tổng Giám đốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ Việt-Á, ông Phan Quốc Việt ; cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự thuộc Học viện Quân y - thượng tá Hồ Anh Sơn ; cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học- Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-Cn, ông Trịnh Thanh Hùng và bốn bị cáo khác.

Phiên mở ngày 3/1/2024 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử 38 bị cáo, trong đó có cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA về vụ án Việt Á hôm 19/12 :

"Vụ án Việt Á đã phơi bày trọn vẹn khuyết tật của một chế độ chuyên chế. Mà đặc điểm của chúng là thực thi quyền lực quốc gia mà không hề có sự giám sát nào cả. Cho đến khi phát hiện ra khuyết tật, thì cũng không thể giải quyết vì lỗi hệ thống. Những sự giám sát Đảng như Ủy ban Kiểm tra Đảng, giám sát chi bộ Đảng có Ban Kiểm tra đảng, hoặc giám sát chính quyền như Viện Kiểm sát Nhân dân, Thanh Tra Nhà nước, thanh tra các ban ngành, thì tất cả đều tê liệt. Cho nên, việc "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn vô dụng và vô vọng".

Trong bài viết có tựa "Vụ kit test Việt Á : Một kiểu tham nhũng trần trụi, bất chấp !" trên báo Pháp Luật hồi tháng 8 vừa qua, Tiến sĩ Cao Vũ Minh nhận định về vụ án Việt Á : "Hành vi ngụy tạo, nâng khống giá để trục lợi trong cơn bĩ cực không chỉ làm tha hóa cán bộ từ cấp bộ trưởng đến cán bộ ở nhiều địa phương, mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước,

Xử lý nghiêm các vi phạm về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy rất khó khăn nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn khẳng định không có vùng cấm, ngoại lệ. Việc một số ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng sai phạm, bị khai trừ Đảng, bị truy tố hình sự trong thời gian qua đã khẳng định rõ ràng những cam kết trên".

Ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng một Ủy ban nhà nước trực thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và cựu thành viên Ban tư vấn về một số vấn đề chính sách của Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam thời kỳ trước đây, nhận định với RFA về vụ án Việt Á hôm 19/12 :

"Tôi nghĩ rằng việc xử phải công khai và đúng đắn thì mới thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam. Còn nếu cứ xử qua loa, đại khái thì nó thể hiện vẫn có những vùng cấm trong việc chống tham nhũng.

Tôi nghĩ rằng, nếu cứ phạm tội rồi ra tòa nộp lại tiền thì sẽ không đúng với luật pháp đâu, vì trước pháp luật người giàu, người nghèo như nhau. Tiền tham nhũng là tiền bắt buộc phải nộp lại chứ nó không thể là tình tiết để giảm nhẹ. Theo tôi, việc chống tham nhũng phụ thuộc nhiều vào thể chế, vào hệ thống hành pháp, tư pháp. Tất cả phải hoạt động một cách công khai, minh bạch".

vieta0

Phiên xử Chuyến bay giải cứu. AFP

Phiên xử vụ Việt Á khiến dư luận nhớ đến vụ xử đại án "Chuyến bay giải cứu". Phiên xử bị dư luận cho là không nghiêm minh khi phiên tòa phải tạm dừng để các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả trước khi viện kiểm sát đề nghị mức án. Theo hội đồng xét xử, việc nộp tiền này là cơ sở để cơ quan công tố căn cứ đề xuất mức án phù hợp.

Dư luận lo ngại vụ án Việt Á sẽ lại "giơ cao đánh khẽ" như một số vụ án gần đây, chẳng hạn như vụ tai nạn giao thông gây chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận, xử vào ngày 5/12/2023. Tại tòa, cựu thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh, người gây ra cái chết cho nạn nhân chỉ bị tuyên 14 tháng tù về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" gây chết người. Đây là bản án được cho là rất nhẹ nếu so với hàng loạt án tù lên đến 10 năm với tội "Tuyên truyền chống Nhà nước" hay tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" trong mấy năm qua.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA suy nghĩ của ông :

"Ý kiến cho rằng có hiện tượng "giơ cao đánh khẽ" theo tôi đánh giá là hoàn toàn có cơ sở. Việc đưa ra các ý niệm "nhận hối lộ không vụ lợi sẽ không bị truy tố" để giải cứu các quan chức là đảng viên cao cấp là một minh chứng".

Vị luật sư này dẫn phát biểu của ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương chiều 22/11 vừa qua rằng, số tiền nhận hối lộ trong vụ án Vạn Thịnh Phát là lớn nhất từ trước tới nay. Tuy vậy, những ai nhận số tiền hối lộ lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị truy tố, xét xử, còn người nhận ít, không vụ lợi sẽ không bị xử lý về mặt hình sự, mà chỉ bị xử lý về kỷ luật Đảng và hành chính.

Trước đó, vào tháng 8/2023, tại buổi họp báo về phương hướng xử lý những người phạm tội liên quan đến vụ án Việt Á, ông Nguyễn Văn Yên cũng nhắc lại chỉ đạo của Đảng . Theo đó, sẽ có một nhóm được cho là "thứ yếu" và sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kết luận điều tra cho thấy trong hai năm đại dịch Covid-19, Công ty Việt Á thu lợi bất chính hơn 1.230 tỉ đồng do nâng giá bộ kit test từ 143.461 đồng lên 470.000 đồng một bộ. Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu bộ xét nghiệm và đã tiêu thụ cho các đơn vị, cơ sở y tế hơn 8,3 triệu bộ. Số tiền "hoa hồng" mà Công ty Việt Á chi cho các đối tác trên toàn quốc là 800 tỷ đồng.

Hôm 22/8/2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi công điện đến lãnh đạo bốn tỉnh thành gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An nêu rõ, thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.

Lúc bấy giờ, Tiến sĩ Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám quốc tế EXSON ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không ai đi xét nghiệm cả thành phố gần 10 triệu dân để đi tìm người nhiễm, ngoại trừ người ta cần phải tiêu thụ lượng kit, test nào đó, phục vụ lợi ích cho các tập đoàn dược. Ông phân tích với RFA vào tối 23/8 :

"Không ai đem hết dân của một thành phố ra mà xét nghiệm cả. Giả dụ hôm nay xét nghiệm 10 người thì có ba người dương tính, bảy người âm tính. Ngày mai trong bảy người âm tính có thể có thêm một người dương tính, mốt thêm một người nữa thì chuyện xét nghiệm nó trở thành vô nghĩa".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 19/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 187 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)