Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/12/2023

Vì sao Việt Nam - Trung Quốc lần đầu hợp tác "chống ly khai" ?

Nguyễn Anh Tuấn

Trong Tuyên bố Chung được cho là dài nhất giữa hai nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc nhân chuyến thăm lịch sử đầu tháng 12/2023 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lần đầu tiên hai nước nhắc đến khái niệm an ninh chế độ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác bảo vệ an ninh chế độ của nhau.

Tuyen_bo_chung_Viet_Nam_Trung_Quoc - 1

Lần đầu tiên hai nước nhắc đến khái niệm an ninh chế độ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác bảo vệ an ninh chế độ của nhau.

Hai nước đã liệt kê hàng loạt biện pháp nhằm đạt được mục tiêu, song đáng chú ý là lần đầu tiên Bộ Công an của hai nước cam kết "hợp tác giao lưu tình báo nhằm chống ly khai và chống can thiệp"

Vì sao lại có nội dung "chống ly khai" trong Tuyên bố Chung ? Vì sao Việt Nam lại chọn hợp tác với Trung Quốc để "chống ly khai" ?

Cuộc tấn công tháng 6

Tháng 6 vừa qua, trong một diễn biến gây chấn động, hàng chục người bản địa Tây Nguyên được cho là đã tấn công trụ sở hai xã ở tỉnh Đăk Lăk và sát hại một số cán bộ và công an. 

Ở một quốc gia mà lực lượng công an dày đặc cùng với khoản ngân sách an ninh khổng lồ, thật khó tin khi vụ tấn công như thế có thể xảy ra. Thế trận an ninh nhân dân mà Bộ Công an tự hào lâu nay đóng góp vào ổn định chính trị ở Việt Nam có vẻ không phải lúc nào và ở đâu cũng hiệu quả.

Nhà cầm quyền đương nhiên nhanh chóng coi vụ tấn công là "khủng bố" và khởi tố gần 100 người liên quan, nhưng lại phủ nhận yếu tố mâu thuẫn sắc tộc của vụ việc. 

Tuy nhiên 3 tháng sau khi sự việc xảy ra, trong một phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc Hội vào tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ thừa nhận nguyên nhân sâu xa của sự việc là "những vấn đề kinh tế - xã hội của đồng bào trong vùng ; phân hóa giàu nghèo ; quản lý đất đai" - nghĩa là gián tiếp thừa nhận yếu tố mâu thuẫn sắc tộc của vụ việc. 

Những nguyên nhân Bộ Công an chỉ ra đều không dễ giải quyết một sớm một chiều, để ngỏ cho những sự việc tương tự có thể xảy ra và leo thang. 

Viễn cảnh bùng phát chủ nghĩa ly khai ở Tây Nguyên tưởng đã chìm khuất sau làn sóng biểu tình đầu thập niên 2000 nay bỗng xuất hiện trở lại, không khỏi khiến chính quyền lo lắng và tìm cách ứng phó. 

Trung Quốc : vấn đề tương đồng, giải pháp tương tự

Việt Nam và Trung Quốc không chỉ tương đồng về đa dạng sắc tộc mà còn giống nhau ở cách lực lượng nắm quyền ở hai quốc gia xử lý những vấn đề sắc tộc. 

Đơn cử, hai đảng cộng sản cầm quyền đều ra sức khuếch trương diễn ngôn "đại đoàn kết dân tộc" để che đây cho những chính sách mang màu sắc thực dân nội địa của họ, bao gồm di dân ồ ạt, chiếm đoạt đất đai và xâm phạm tín ngưỡng. 

Các sắc tộc bị áp bức như người Duy Ngô Nhĩ hoặc Tây Tạng đã phản kháng, song việc gia tăng đàn áp và giám sát ở một mức độ chưa từng thấy, đặc biệt kể từ khi Tập Cận Bình nắm quyền tối cao, đã giúp Trung Quốc kiểm soát được tình hình. Bằng chứng là trong nhiều năm qua đã không có một cuộc nổi dậy đáng chú ý nào từ cộng đồng các sắc dân thiểu số ở nước này. 

Những người nắm quyền ở Việt Nam có thể coi đó là một thành tích đáng ngưỡng mộ, xét quy mô dân số Trung Quốc cũng như mức độ phức tạp của những mâu thuẫn sắc tộc ở quốc gia này. 

Dĩ nhiên là vì theo đuổi cùng một triết lý và mô hình chính trị, có thể họ cũng phớt lờ mức độ phi nhân của những giải pháp mà đồng nghiệp Trung Quốc đang áp dụng, vốn đã đến mức bị cộng đồng quốc tế coi là diệt chủng, miễn sao là đạt được những mục tiêu an ninh chế độ.

Đó có thể là lý do khiến họ muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong việc "chống ly khai" và đưa nội dung này vào Tuyên bố Chung mới nhất của hai nước, điều sẽ còn đem đến nhiều hệ quả chưa thể lường trước.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 26/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Anh Tuấn
Read 377 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)