Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/12/2023

Nhìn từ quản trị đại học : cứ trúng vào cấp ủy là có thể làm tốt quản trị ?

Mai Lan

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, đã có một số ý kiến trao đổi về nguồn lực trong giáo dục đại học ở Việt Nam.

daihoc1

Từng là Phó Trưởng ban thường trực của Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng có cách nói mạnh mẽ, trực ngôn. Xin được trích giới thiệu ở đây ý kiến về chuyện quản trị đại học của ông Vũ Ngọc Hoàng, qua đó gợi mở nhiều tầng nấc khác về "cơ cấu nhân sự" mà Đảng thực hiện lâu nay trong bối cảnh có quá nhiều vụ bê bối tham nhũng đang… bùng nổ.

Ông Vũ Ngọc Hoàng diễn giải : "Lâu nay ở Việt Nam ta nhiều khi cũng chưa thấy hết vấn đề, suy nghĩ đơn giản và dễ dãi trong việc bố trí người làm công tác quản trị, đó là chưa kể những yếu tố tiêu cực tác động vào công tác cán bộ. Không ít trường hợp ai trúng vào cấp ủy hay hội đồng nhân dân thì nghĩ là sẽ làm được, có thể phân công phụ trách, coi đó là yếu tố đứng đầu hơn các yếu tố khác.

Cấp ủy viên và đại biểu hội đồng nhân dân đối với nước ta đương nhiên là rất quan trọng, nhưng công tác Đảng và đoàn thể khác với quản trị đại học.

Đúng ra phải nắm vững tiêu chí đầu tiên phải là người có khả năng quản trị công việc đặc thù của ngành này. Người có khả năng quản trị tốt mà không hoặc chưa đảng viên thì vẫn có thể phụ trách được chứ sao đâu. Thời Bác Hồ còn sống nước ta đã sử dụng bộ trưởng, phó thủ tướng và quyền chủ tịch nước không phải đảng viên đó chứ đâu xa lạ.

Còn trong đảng viên vẫn có nhiều người khác không phải cấp ủy viên nhưng biết làm quản trị chứ sao lại không có. Nhiều cơ sở đào tạo tốt xét đến cùng sẽ thấy chủ yếu là do bố trí đúng người đứng đầu, những nơi có vấn đề và bê bết cũng như vậy, chính là do người đứng đầu yếu kém.

Nhìn lại từ trước đến nay, từ cơ sở lên đến trên cao, việc bố trí người phụ trách lĩnh vực văn hóa và giáo dục thử xem những ai xứng đáng là "tư lệnh" giỏi ?

Nói thật là không nhiều, hay đúng hơn là rất ít. Thế thì làm sao mà có thắng lợi trong khi nhớ lại thời chiến tranh đã tập họp được rất nhiều tướng giỏi, nên mới thành công đó chứ.

Cũng có người làm được, có khả năng và bản lĩnh, nhưng tính nết "không vừa ý" cấp trên thế nào đó nên bị bật ra ngoài.

Khi nói đến kế hoạch phát triển thì nhiều người thường nêu câu hỏi đầu tiên là tiền đâu để mà thực hiện. Tiền đương nhiên là cần phải có. Có thực mới vực được đạo như người xưa đã nói. Nhưng có lẽ câu hỏi đầu tiên là ai sẽ quản trị chứ chưa phải tiền đâu.

Người quản trị giỏi họ biết trả lời câu hỏi tiền đâu, biết sử dụng tiền ít để làm ra nhiều hơn, hoặc cuối cùng họ thay đổi căn bản kế hoạch để có lối ra khả thi hơn. Người không biết quản trị có khi tiền nhiều nhưng vẫn thất bại và mất luôn cả tiền, cả người, cả lòng tin.

Các nước phát triển họ có nhiều kinh nghiệm đào tạo đội ngũ giỏi về quản trị. Những con người ấy tất nhiên vẫn có một phần do năng lực tự nó, nhưng nhìn chung chủ yếu vẫn là do đào tạo mà thành.

Nhà nước cần quan tâm đầu tư cho đào tạo đội ngũ quản trị, vừa hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao kinh nghiệm, vừa có chính sách khuyến khích khởi nghiệp. Ở những trường đào tạo xuất sắc, sau khi học sinh ra trường họ không chú trọng hàng đầu việc xin việc làm được hay không, mà là những học sinh ấy đã tạo ra được bao nhiêu việc làm cho mọi người, đó chính là sự thành công trong khởi nghiệp.

Điều này không phải nói riêng cho ngành sư phạm mà là nói chung đối với giáo dục đại học.

Ở các nước phát triển, mà nước ta trước đây cũng có thời kỳ như vậy, các trường sư phạm thường tuyển người giỏi. Chứ không phải "chuột chạy cùng sào". Tất nhiên người giỏi thì phải có chế độ lương thích đáng, mà thực ra ở cấp các trường chỉ cần đưa ra cơ chế phù hợp và bố trí đúng người cầm đầu rồi tự họ tạo ra lương cho cả đơn vị. Còn tư lệnh vùng, tư lệnh ngành tất nhiên phải trong tương quan chung với các ngành khác, tức là trong bài toán chung. Nhưng trước tiên phải chọn được người giỏi đi rồi chính họ sẽ tham gia giải quyết bài toán đó.

Cán bộ quản trị là nhân tố chính tạo ra thương hiệu của nhà trường và của ngành. Nói đến việc xây dựng thương hiệu thì trước tiên phải nói đến yếu tố quản trị. Hàng chục năm qua, để xây dựng mô hình trường thuộc tốp cao, nhà nước ta cũng đã từng có đầu tư đáng kể về tài chính (hàng trăm triệu USD cho mỗi nơi) vào một số địa chỉ nhưng kết quả vẫn không thành, đó là do chưa đầu tư đúng mức cho nhân tố con người – quản trị.

Những người quản trị ngành mà yếu kém thì có khi chẳng những không giúp được gì cho ngành, lại còn cản trở kìm hãm, gây nên sự cố, có tội hơn là có công, mặc dù nhiều lúc cũng nhận được giấy khen của nơi nào đó. Nước ta lâu nay nhìn chung vẫn chưa có một đội ngũ quản trị giỏi, mấy chục năm nêu ra mục tiêu có những trường tốp cao của thế giới, nhưng mãi không đạt được đó thôi.

Thực tế này thêm một lần nữa chỉ ra rằng nước ta rất cần đội ngũ quản trị đại học giỏi. Mà có đúng là ta chưa có hay đã có đội ngũ này, mà không phát huy họ được, do cơ chế quản trị tồi ? Rất có thể cả hai khả năng ấy đều có. Cần quan tâm hàng đầu để xây dựng đội ngũ này, từ việc phát hiện người có triển vọng, đến việc đào tạo và sau đó là tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ…".

…Như vậy, nhìn qua lăng kính nhân sự quản trị đại học mà ông Vũ Ngọc Hoàng biện giải, có thể hình dung ra vì sao lửa lò tham nhũng ở Việt Nam luôn… dư dả ‘củi’ (!?)

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 26/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan
Read 150 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)