Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/12/2023

Biến cỏ dại thành tóc Phật, sư quốc doanh quả cao tay ấn !

Nhiều tác giả

Cuối năm nghĩ về phước báu dân tộc

Nhã Duy, 30/12/2023

Có lẽ xem vài tin tức về Xá lợi Phật mà youtube tự hiện lên pháp thoại "Phước báu cúng dường Xá lợi Phật" của thầy Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, nơi đặt "Xá lợi tóc" cho hàng vạn người đến chiêm bái và là đề tài bàn luận trên mạng trong tuần qua.

Chư Tăng đảnh lễ trước Tháp thờ lưu giữ Xá Lợi Phật và các vị Thánh Tăng

Sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia đến từ "phước báu" và chỉ cần đảnh lễ, cúng dường là tạo ra "phước báu" ?

Nghe tên và có đọc tin tức đó đây về vị sư này vài năm qua nhưng tôi chưa bao giờ xem qua pháp thoại của ông, một phần vì cái tiêu đề của đoạn phim cũng đã ít nhiều lồng chứa ý đồ kêu gọi Phật tử về "phước báu cúng dường" nên xem thử một đoạn phim để biết thêm về ông và xem ông ta kêu gọi ra sao. Xem cho biết chứ không phải để nghe "pháp thoại" từ một thanh niên xuất gia và tu tập trễ, lại chẳng mấy căn bản Phật pháp lại trở thành một trong những vị sư được chú ý và gây tranh cãi tại Việt Nam.

Ở phút thứ 18, thầy bảo rằng,  khi hàng vạn người thiện tâm đổ về chùa Ba Vàng để học theo thánh tổ Trần Nhân Tông và phát tâm đảnh lễ Xá lợi thì đó là một duyên lành, sinh ra phước báu và phước báu đó sẽ là phước báu chung của cả dân tộc, cả đất nước. Ông bảo, "một dân tộc có phước báu thì không ai có thể làm gì được và dân tộc đó sẽ phát triển".

Sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia đến từ "phước báu" và chỉ cần đảnh lễ, cúng dường là tạo ra "phước báu" hay sao ? Sự phát triển một quốc gia dễ dàng đến vậy sao ?

Một quốc gia phát triển là một quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng, có thể chế chính trị ổn định, có một xã hội văn minh và thu nhập cùng quyền tự do, nhân quyền của người dân cũng được phát triển và bảo vệ. Đó là vài điều căn bản nhưng không giới hạn ở ngần đó.

Tất cả những điều này đến từ hệ thống lãnh đạo quốc gia cùng trách nhiệm và sự đóng góp của người dân. Nó là chiến lược và những hành động cụ thể, rõ ràng, không mơ hồ hay ru ngủ bằng sự huyền hoặc hay "phước báu" như kiểu "pháp thoại" nói trên.

Nếu hàng vạn, hàng triệu người mà tin như vậy, đó là sự bất hạnh của một dân tộc chứ không phải là phước hạnh.

Một số người bảo rằng lỗi là do những người mê muội, mê tín hơn là những người có đức tin tôn giáo đích thực. Mà sự mê muội có thể đến từ sự cuồng tín tôn giáo hay chính trị, đến từ sự sùng bái cá nhân hay tinh thần dân tộc hảo, hiện hữu tại bất cứ quốc gia nào. Đó là vấn nạn đầy thách đố của quốc gia đó.

Quả không thể xem thường sự mê muội của số đông vì nó có khả năng phá hủy một quốc gia tàn khốc hơn người ta nghĩ. Nhưng xét cho cùng họ cũng là nạn nhân, là quân cờ của những cuộc tung hứng tinh vi, có hệ thống. Để rồi một lúc nào đó, hy vọng là họ cũng tự phát hiện ra mình là nạn nhân của những trò lừa đảo.

Còn phước báu dân tộc ư ?

Hãy xác định vị thế của dân tộc mình đang ở đâu ? Quốc gia mình đang tụt hậu hay phát triển so với thế giới về kinh tế và chính trị. Văn minh và đạo đức xã hội trong người dân như thế nào ? Và đời sống, niềm vui và sự tự do trong những quyền căn bản của con người có được ra sao. Chiến lược phát triển và kế hoạch thực hiện là gì ?

Bước vào năm mới, chừng nào một dân tộc còn đang loay hoay hay đang đối diện với quá nhiều vấn đề trong từng câu hỏi rất cũ như trên, phước báu dân tộc vẫn còn ở xa lắm, nếu đó là điều có thực.

Nhã Duy

(30/12/2023)

************************

Chuyện gian hàng bán Phật ở chùa Ba Vàng

Tuấn Khanh, RFA, 29/12/2023

Chỉ trong vài ngày, đại sự kiện được gọi là chiêm bái xá lợi tóc ở chùa Ba Vàng do ông Thích Trúc Thái Minh tổ chức đã để lại muôn vàn suy nghĩ cho nhiều người về đạo Phật hôm nay. 

matang0

Thích Trúc Thái Minh (người đi đầu), kẻ được coi như là một thủ lãnh trong việc tạo tiền của cho chùa Ba Vàng và là gương "điển hình học tập" của nhiều chùa nhà nước hiện nay, từng có phát ngôn khiến sững sờ nhiều người, rằng "nghèo khó càng phải nên cúng dường để có thể thoát nghèo". 

Trong lời quảng bá về sự kiện này, ngày 23/12, ông Thích Trúc Thái Minh viết trên Facebook cá nhân, nói là đã thỉnh được một sợi tóc của Đức Phật Thích Ca từ quyền sở hữu của chùa Parami và Bảo tàng Xá Lợi Phật Quốc tế Parami, thành phố Yangon, Myanmar do Thượng tọa Sayadaw U Wepulla làm trụ trì.

Ngày hội thúc giục đến xem "xá lợi tóc", về mặt tạo thương hiệu, đúng là đã thành công mỹ mãn khi khiến hàng ngàn người ở miền Bắc tụ về, làm chật cả những con đường đi đến chùa Ba Vàng. Họ xếp hàng rồng rắn đi từng bước để được nhìn thấy một sợi tóc lơ lửng di chuyển. Thật như một phép lạ khi sợi tóc của Đức Phật lại uyển chuyển lay động. Trong các bức ảnh và video của chùa Ba Vàng phát trên các trang mạng, gương mặt nhiều cụ già vừa sợ hãi vừa sùng kính, tròn miệng nhìn sợi tóc đó.

Chỉ một ngày sau sự kiện chấn động ở chùa Ba Vàng – một ngày trước lễ Giáng Sinh – thu hút không chỉ dân trong vùng, mà gần như toàn bộ người dân miền Bắc mộ tín, tin tức và hình ảnh đã lan nhanh tới miền Nam, đồng thời xuất hiện cùng những lời tố giác của không ít người, về sợi tóc huyền bí lơ lửng như vậy. Rất nhiều dẫn chứng cho thấy, vật thể đó, được gọi tên là "xá lợi", được bán dẫy đầy trên shopee – một hệ thống mua bán trực tuyến rất quen thuộc trong nước, giá dao động từ 500 đến 900 ngàn đồng.

Nhiều người cũng chỉ ra, đây không là tóc, mà là một loại cỏ, tên thường gọi là pili (tên khoa học là heteropogon contortus). Ở một số làng quê Việt Nam, cỏ này hay gọi là cỏ Đồng Hồ. Rất lạ, cỏ này khô, khi gặp nước thì tự chuyển động. Cũng có người trình diễn trực tuyến "xá lợi tóc" mà họ có được, cùng sự mỉa mai.

Chùa Ba Vàng im lặng trước các phát hiện đời thường này, không trả lời gì về các câu hỏi của bất kỳ ai đặt ra, ở các trang liên quan đến chùa. Nhưng ngược lại thì rất nhiều đệ tử của ông ta xuất hiện ở mọi nơi để nguyền rủa về những kẻ "không hiểu biết", rằng họ sẽ bị đọa đày xuống địa ngục. Họ "giảng" bằng những bài luận sâu sắc rằng đây là chuyện mà kẻ phàm phu không thể hiểu. Nhưng điều quan trọng nhất mà người ta nhìn thấy Phật giáo miền Bắc sau nhiều năm phát triển rối loạn là sự hỗn mang của mê tín nhân danh Phật giáo.

Hầu hết lời phản ứng và vạch trần đều xuất hiện từ những người Phật tử ở miền Nam. Một số vị thầy tu không kiềm chế được cũng viết đôi ba lời xa gần để chê cười câu chuyện trục lợi của chùa Ba Vàng.

Phải nói, từ câu chuyện này, mới thấy sự khác biệt rõ của nội hàm Phật giáo miền Bắc và miền Nam. Thật cảm phục trước sức mạnh bản thể của Phật giáo ở miền Nam, vốn trải rộng từ thế kỷ trước, đã tạo ra một tín ngưỡng nguyên khôi và sâu rộng ở mỗi con người, đủ để hàng triệu người theo Phật về sau, biết, tỉnh táo và ghê sợ trước câu chuyện hoang đường mang dấu ấn chùa Ba Vàng nói riêng, và cả phía Bắc nói chung.

Chỉ ở miền Bắc mới có những người mộ tín đến chùa và nhét tiền vào tay tượng Phật để thể hiện một tinh thần vay-trả : Tiền đặt xuống để đổi lấy ân phước ngày sau. Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý hình thành từ năm 1981, có một loại ngôn từ phát triển rầm rộ thúc hối người đến chùa phải tận hiến cúng dường, thậm chí phải đóng góp tiền bạc, không được tiếc nuối, để chuộc lại những tội lỗi tiền kiếp, hiện kiếp của mình.

Thích Trúc Thái Minh, kẻ được coi như là một thủ lãnh trong việc tạo tiền của cho chùa Ba Vàng và là gương "điển hình học tập" của nhiều chùa nhà nước hiện nay, từng có phát ngôn khiến sững sờ nhiều người, rằng "nghèo khó càng phải nên cúng dường để có thể thoát nghèo". Trong một video thuyết giảng, Thích Trúc Thái Minh còn nói rằng "tại sao lại bỏ tiền cúng dường, vì Phật dạy là phải cúng dường".

Nói để biết, là trong cuộc trình diễn sợi tóc lơ lửng của chùa Ba Vàng trong mùa Giáng Sinh ở Việt Nam, số người đến chiêm bái sự huyễn hoặc đó kèm theo việc cúng dường hiển nhiên đã làm cho chùa Ba Vàng bội thu trong mùa cuối năm này. Rất công phu cho chuyện marketing cọng cỏ lơ lửng, Thích Trúc Thái Minh còn làm cả một video hoằng pháp về chuyện "Phước báo cúng dường xá lợi Phật". Rất giỏi thao túng tâm lý và tác động quần chúng u mê, Thích Trúc Thái Minh đã kinh doanh Phật giáo như một món hàng tín ngưỡng. Tiền thu được của chùa Ba Vàng từ tín đồ từng được báo Tuổi Trẻ ghi nhận là "một tháng thu hơn bốn tỷ đồng".

Chuyện làm giàu ở các chùa không phải chỉ riêng ở chùa Ba Vàng mà gần như ở tất cả các chùa của nhà nước biết hưởng lợi thế của thời thu tiền tự do. Sốt ruột trước những số tiền không biết về đâu như vậy và làm giàu cho những người mặc áo vàng da trắng mặt trơn, Bộ Tài chính Việt Nam từng ra công văn số 11752/BTC-HCSN, buộc kiểm tra và báo cáo kết quả về công tác quản lý tiền công đức.

Suốt nhiều thập niên, nhà nước Việt Nam cố gắng dựng nên một "đạo Phật mới" trải rộng của thời đại cộng sản, với sự hỗ trợ của những kẻ lãnh đạo Phật giáo có khả năng thu hút công chúng. Điều này cũng có nghĩa, một khi "Giáo hội mới" phát triển thì cũng sẽ khiến người ta quên đi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội truyền thống có từ năm 1964 ở Việt Nam.

Nhưng đến ngày hôm nay, thì nhìn lại, mọi chuyện dường như đã vượt khỏi sự kiểm soát của những người suy tính về một Giáo hội Phật giáo mới. Những "thủ lĩnh áo vàng mới" đều là những kẻ không đủ đức độ cũng như học thuật, và một khi chạm tay vào danh và lợi, thì những thủ lĩnh đó chỉ còn kịp khoác chiếc áo và cất lời hô xung trận kiếm tiền. Nếu không "leo" lên hệ thống trực tuyến để nói những lời điên dại tấn công những tôn giáo khác nhằm chứng minh sự đắc lực của mình thì họ cũng truyền bá những điều quái dị u mê nhân danh Phật giáo, để làm mê hoặc tín đồ.

Những "thủ lĩnh áo vàng" ngày càng lộ nguyên hình là những kẻ buôn thần bán thánh, những nhà thu hút đầu tư và tài chính từ hàng hàng lớp lớp những "thiện nam, tín nữ" mù dốt Phật pháp nhưng mê đắm "chùa to, Phật lạ". Những "thủ lĩnh áo vàng" giỏi mở các gian hàng buôn bán Phật, độc quyền và thao túng, trong sự dõi theo bất lực của chính những kẻ dựng nên hình hài cho họ.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 29/12/2023

*****************************

Ma tăng, báo đảng, cặp đôi hoàn hảo lừa người, dối Phật

Gió Bấc, RFA, 28/12/2023

"Theo thông tin từ chùa Ba Vàng, từ ngày 23/12 đã có hàng vạn người dân, Phật tử đổ về đây chiêm bái xá lợi tóc của Đức Phật được cho là có từ 2.600 năm trước.

xaloi1

Hình ảnh "Xá lợi Phật" được trưng bày tại chùa Ba Vàng

Theo chùa Ba Vàng, xá lợi được trưng bày là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương buôn người Myanmar hơn 2.600 năm trước…

Theo đại diện chùa Ba Vàng, xá lợi tóc của Đức Phật có khả năng chuyển động như một vật thể sống. Xá lợi tóc với hình dạng giống một sợi tóc bình thường nhưng lại uyển chuyển qua trái, qua phải, quay tròn, cong lên rồi cụp xuống mà không hề có một sự tác động nào. Thậm chí, khi gặp vật cản, sợi tóc còn có thể tự bật ra ngoài. Đến nay, khoa học vẫn chưa thể lý giải việc một sợi tóc mấy nghìn năm không hỏng lại có thể chuyển động như vậy" (1).

Đọc thông tin sặc mùi lá cải, phảng phất mê tín dạng ma vú dài, quỷ nhập tràng, thiên linh cái…, các bậc lão thành cách mạng, các đảng viên kiên trung với chủ nghĩa Mác Lê vô thần nhất định sẽ cho rằng đây là thông tin bịa đặt xuyên tạc của các thế lực thù địch, của bọn Việt Tân tuyên truyền mê tín dị đoan. Sợi tóc tồn tại 2600 năm lại biết tự chuyển động… hẳn nhiên là trò lừa đảo. Báo chí cách mạng, báo chí chiến đấu cho xã hội tiến bộ không thể nào là cái loa nhắm mắt đưa tin một chiều theo lời kể của chỉ một nguồn tin chính là nơi tạo ra sự kiện hoang đường.

Khởi nguồn thông tin này chính là đồng chí ma tăng Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng một thời lừng lẫy hốt tiền oan gia trái chủ và sáng kiến khất thực thu tiền nhân đại lễ Vu Lan. Sau thời gian bị dư luận bóc mẻ, phải thực hành sám hối đại tăng, đình chỉ các chức vụ ở Trung ương Giáo hội Phật Giáo Quốc Doanh. Thầy Thái Minh xảo ngôn trên fb thúc giục đám con nhang móc túi cúng dường sợi tóc hệt như trò oan gia trái chủ trước đây.

 "Đại chúng được chiêm bái, đảnh lễ và cúng dường Xá lợi tóc của Đức Phật và Xá lợi thân của Ngài, đây là nhân duyên hy hữu thù thắng. Thầy Thái Minh tin rằng, nếu ai với tâm tin kính, hiểu được Đức Phật là một con người chân thật, là bậc vĩ nhân siêu việt với lòng từ bi rộng khắp thì dù chỉ một lần khởi tâm hoan hỷ, tán thán, Cúng Dường cũng được vô lượng công đức phước báu, và được nhân duyên tu tập kéo dài nhiều kiếp" (2)

Qua lời kêu gọi thần thánh đó và qua nhiều lần thúc giục Phật tử hãy tập trung đến chiêm bái theo thời hạn đã định giống như lời rao mại dô của các gánh sơn đông mãi võ hay các em gái bán đồ lót online, mục đích chiến dịch sợi tóc xá lợi Phật lần này là rù quến Phật tử con nhang Cúng Dường càng nhiều càng tốt.

Báo chí, mạng xã hội a dua theo Ba Vàng Thái Minh lừa dối người dân quả là bọn xấu, phải động. Chắc chắn là như vậy. Các cụ cách mạng lão thành, các dư luận viên thế hệ kế thừa nhất định sẽ xông lên, đập cho nó chết.

Nhưng…

Xin thưa rằng trăm lần không ! Vạn lần không ! Không phải bọn xấu. Bài viết bơm hơi, cổ súy cho trò lừa sợi tóc Phật 2600 năm là của báo Thanh Niên thuôc Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam.

Người ta không lạ gì báo Thanh Niên với tiền án tiền sự năm 2007 từng làm cái loa cho Masan tung tin nước tương truyền thống nhiễm chất 3 MCPD gây ung thư. Chiến dịch này tiêu diệt hàng loạt hương hiệu nước tương, giúp Chinsu tăng doanh thu hàng ngàn tỉ, độc chiếm thị trường. 

Năm 2016, Thanh Niên phất cờ tung tin nước mắm truyền thống nhiễm Asen gây bão dư luận, suýt giết chết nước mắm lâu đời của Việt Nam cũng để giúp nước muối pha hóa chất Nam Ngư của Masan độc chiếm thị trường. May là cộng đồng mạng, các nhà sản xuất nước mắm đấu tranh lật ngược thế cờ. Báo Thanh Niên đánh tráo khái niệm, Asen trong nước mắm truyền thống là đạm hữu cơ không độc hại khác với Asen vô cơ. Nam Ngư không có Asen vì không làm từ cá, không có đạm hữu cơ. Phó Tổng Biên Tập, Tổng Thư Ký Tòa Soạn Báo Thanh Niên phải bị kỷ luật (3).

Nhưng một con én đâu làm cả mùa xuân, miếng ngon giữa đàng đâu thể xơi một mình một cổ. Vụ sợi tóc 2600 năm này Thanh Niên đâu chỉ nuốt một mình. Đồng điệu, đồng thanh với Thanh Niên còn có Đại Đoàn Kết của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Tiền Phong của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản, Người Đại biểu Nhân dân của Quốc hội và rất nhiều tờ báo quốc doanh khác cùng khuếch đại. Để bạn đọc không mất thời gian tra cứu link, chúng xin gửi kèm hình ảnh một số trang báo online tiêu biểu.

Sau thời gian bị đình chỉ, hiện nay Thích Trúc Thái Minh đã được phục hồi thậm chí còn thăng chức trong Trung ương Giáo hội Phật giáo Quốc doanh, trong đó có chức vụ Phó Ban Truyền thông Trung ương. Tiếng nói Thái Minh chính là tiếng nói của giáo hội. Quyền lực, tiền bạc trong trong tay Thái Minh nên báo đảng và ma tăng đồng thanh, đồng hành, đồng lõa là chuyện bình thường.

Thông tin lừa dối hoang đường của báo Thanh Niên lập tức bị dư luận phản ứng, phê phán về sự vô lý của sợi tóc 2600 năm, nhiều người chỉ ra rằng mạng mua bán shopee hiện đang rao bán đầy loại cỏ có tính năng ngo ngoe y hệ sợi tóc xá lỵ Phật của Thái Minh. Báo Thanh Niên lập tức có bài đỡ gạt là "Xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm trưng bày ở chùa Ba Vàng gây hoài nghi".

Bài báo mượn lời chức sắc Phật giáo Quốc doanh, quan chức địa phương Quảng Ninh kiểu không biết, không nghe huề cả làng.

"Việc chùa Ba Vàng trưng bày và đưa ra thông tin xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm khiến nhiều người hoài nghi. Một số người còn tìm thấy thông tin trên mạng xã hội bày bán xá lợi với hình dáng tương tự có giá 500.000 đồng/sợi (?).

Trước thông tin nói trên, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho biết : "Chúng tôi chưa nắm được thông tin về việc chùa Ba Vàng trưng bày xá lợi tóc Đức Phật có từ 2.600 năm trước. Giáo hội cũng chưa nhận được thông tin liên quan".

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng, chùa Ba Vàng trưng bày xá lợi nói trên là việc nội tự không cần phải xin phép. Đơn vị cũng cử cơ quan chuyên môn để làm rõ thông tin sự việc trên" (4).

Bài báo này vẫn là một thái độ, thủ thuật lấp liếm, trí trá, vô trách nhiệm không thể chấp nhận được với nghề báo. Nhà báo trẻ Nguyễn Dân đã làm cuộc điều tra bỏ túi, vạch ra sự dối trá của thông tin từ chùa Ba Vàng và báo Thanh Niên.

"Theo thông tin từ chùa Ba Vàng, "xá lợi tóc" của Phật Thích Ca được thỉnh từ chùa Parami của Myanmar. Nhưng mà mình đã đi Myanmar, chùa nổi tiếng nhất là chùa Shwedagon ở Yangon. Ngôi chùa này ngoài nổi tiếng vì được dát hàng tấn vàng và đá quý thì còn được biết đến là nơi cất giữ 8 sợi tóc của đức Phật Thích Ca. Mình cũng đã thử search thông tin về chùa Parami thì ngoài thông tin của trang thaythichtructhaiminh.com lẫn facebook nói về "xá lợi tóc" của Phật thì thông tin rất lõm bõm và không có kiểm chứng, đại khái năm 1979 có thầy Sayadaw trụ trì chùa Parami đã đi khắp các nước để thu thập các mẫu vật được tin là "xá lợi" của đức Phật và các đệ tử của ngài rồi sau đó thành lập ra "Bảo Tàng Xá Lợi" vào năm 2019 tại Malaysia để lưu giữ các "xá lợi" đó. Hoàn toàn không có thông tin "xá lợi tóc ngọ nguậy" của ông Thái Minh chùa Ba Vàng".

Đáng nói là Nguyễn Dân đã nêu lên vấn đề cốt lõi của Phật Pháp là giáo lý giải thoát bằng sự giác ngộ của con người chứ không phải do phù phép siêu nhiên nào. Phật không yêu cầu lễ bái dù theo pháp môn nào cũng hướng phật tử thực hành giới định tuệ chứ không phải chăm chăm vào việc Cúng Dường.

"Nhưng nếu có "xá lợi tóc", tức tóc của ông Thích Ca năm xưa thì sao ? Thì chẳng sao cả. Di sản của Phật Thích Ca năm xưa là chỉ cho nhân loại con đường của sự giác ngộ. Bảo vật là PHÁP chứ không phải là các viên xá lợi hay nhục thân vô tri. Tay Phật chỉ trăng thì trăng mới là nơi hướng tới chứ không phải tay Phật. Cúng bái, lạy lục một sợi tóc ngo ngoe (thực ra là cỏ Pili) thì đó là sự cuồng tín, ngu độn mà nói thẳng là do "thằng" Thích Trúc Thái Minh bày ra để làm tiền" (5).

Thâm thúy và nhẹ nhàng, nhà báo Tăng Bá Sên đã nêu câu nói quan trọng của Đức Phật trong Kinh Kim Cương, một kinh điển mẫu mực của Phật Giáo Đại Thừa : "Này Tu Bồ Đề, Cái thân tướng này, không phải thật là thân tướng của Như Lai" (6) !

Thật vậy, trong Kinh Kim Cương, đức Phật còn có bài Kệ làm rõ hơn tính sắc không của tạo vật

"Nếu thấy ta bằng sắc tướng

Nghe ta bằng âm thanh

Người này đi đường tà

Không thấy được Như-Lai" (7).

Như vậy đã quá rõ, chuyện sợi tóc 2600 của đức Phật vừa là trò lừa trẻ con, kính lễ cúng dường cho dù là với sợi tóc thật của đức Phật cũng là tà đạo. Tại sao chính quyền, đảng quang vinh lãnh đạo toàn diện lại nhắm mắt làm ngơ cho ma tăng Thái Minh đồng hành với báo đảng lừa bịp móc túi dân ?

Nhà báo Tâm Chánh nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị lừng lẩy một thời đã có stt ngắn liên hệ việc chính quyền ngăn cấm triển lãm chân dung nhiều nhà văn hóa một cách vô lối và việc chính quyền buông tay nhắm mắt trước trò mê tín lừa đảo công chúng công khai rầm rộ này. "Mấy bức tranh gò đồng triển lãm thì phải xét duyệt, còn cọng lông ngọ nguậy đem ra chiêm bái thì chỉ là chuyện của chùa. Nhà đương cục nào đúng đây ?" (8).

Stt của Tâm Chánh được đông đảo cộng đồng hưởng ứng. Câu hỏi này tự nó đã có sự trả lời. Vấn đề là thái độ. Liệu công chúng còn có thể im lặng chịu đựng sự lừa dối, sự ngu dân, sự trấn lột về vật chất và cả tinh thần cho đến bao giờ ?

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 28/12/2023

1. https://thanhnien.vn/hang-van-nguoi-chiem-bai-xa-loi-toc-duc-phat-tai-chua-ba-vang-18523122714370601.htm

2. https://www.facebook.com/ThayThichTrucThaiMinh/posts/pfbid02XrMit3xgvhKV...

3. https://www.sggp.org.vn/nuoc-mam-truyen-thong-duoc-minh-oan-post338367.html

4. https://thanhnien.vn/xa-loi-toc-duc-phat-2600-nam-trung-bay-o-chua-ba-vang-gay-hoai-nghi-185231227204301402.htm

5. https://www.facebook.com/ech.ao.7/posts/pfbid02FGKrKWru5bAyFTAVzRdfbppoc...

6. https://www.facebook.com/tang.b.sen/posts/pfbid06XGJrzAZw3m6UE6J8VaAQYSU...

7. https://thuvienhoasen.org/a15622/kinh-kim-cang-bat-nha-ba-la-mat

8. https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/pfbid02AgQA4VMtBPS5Ufw4K5JGfZGEQFLMK8Gq39vXaJiymKVMFYjrcQAP5YZeYfKUEsEHl

*************************

Lạy "xá lợi tóc" ở chùa Ba Vàng

Viết từ Sài Gòn, RFA, 28/12/2023

Khi sống quá lâu trong chuồng trại, dù không muốn, con người vẫn phải nhiễm mùi chuồng trại, đó là lẽ tất yếu. Nhìn lại một quá trình dài sống trong nền chính trị hà khắc, một chiều và độc đoán, với nền giáo dục trên đe dưới búa, luôn sản xuất ra bạo lực, lòng tham và bất tín, bất phẩm hạnh... Thì rất khó để tin rằng dân không bị ngu hóa, rất khó để tin rằng con người không trở nên mụ mị và mê tín.

xaloi2

Hình ảnh được cho là xá lợi tóc Đức Phật đang được trưng bày ở một ngôi chùa tại Quảng Ninh

Chuyện lạy cọng cỏ (hay cọng lông, có thể là lông nhân tạo ?!) được cho là xá lợi tóc của Đức Thích Ca ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh chỉ là một biểu hiện chứ không phải hiện tượng.

Bởi hiện tượng có tính độc sáng, không hoặc ít lặp lại, nhưng tâm trí của số đông người Việt hầu như luôn trong tình trạng mê tín, sự mê tín chiếm đa phần dân số kéo theo hành vi mê tín diễn ra khắp nơi, khắp các tầng lớp nhân dân và khắp các ngõ ngách đủ cho thấy rằng đây là một biểu hiện của một tập tính nhân dân. Vấn đề là tập tính này có và bùng phát từ bao giờ ?

Thời Pháp Thuộc, những địa danh có gắn với chữ Rượu như Tiệm Rượu, Phố Rượu, Làng Rượu, Suối Rượu... vẫn con lưu danh đến ngày nay là dấu vết của quá trình ngu dân hóa trên một bộ phận không nhỏ nhân dân có nguy cơ nổi loạn, chống lại toàn quyền.

Cách hay nhất để triệt tiêu những thành phần chống đối, phản tỉnh, suy tư là ngu dân hóa, làm tê liệt khả năng nhận biết xã hội, nhận biết khoa học và suy tư, chiêm nghiệm của họ. Công nghiệp sản xuất rượu một thời của toàn quyền Pháp tại Việt Nam cho thấy điều này, ít ra, nó cũng giúp toàn quyền đỡ phải lo lắng và thu về một mối lợi không nhỏ từ dân bản địa.

Nhưng đó là thời người dân còn lạc hậu, u mê, chưa tiếp cận với khoa học, còn bây giờ, thế kỉ 21, thế giới phẵng, con người có thể tiếp cận bên ngoài bằng một cú nhấp chuột, thông tin có thể bị chặn, bị tường lửa nhưng không phải bít đường, thế nhưng tại sao người ta vẫn u mê ?

Bởi, thế giới đã phân cực, tại một quốc gia lạc hậu, mới và đang phát triển như Việt Nam, mức độ phân cực càng cao hơn. Một Việt Nam phân cực với hai thái cực rõ rệt : Cư dân thời đại số và ; Cư dân đỏ.

Xét về tương quan, cư dân thời đại số chiếm không quá bán trên toàn dân số, trong đó, ngay cả cư dân thời đại số cũng phân cực làm hai nhóm rõ rệt : Cư dân tự do và ; Cư dân đỏ.

Cư dân tự do tìm các giá trị tự do, tri thức, văn hóa, tiến bộ và chân ái trên không gian của họ, thông qua các kết nối viễn liên và quốc nội.

Cư dân đỏ tiếp xúc không gian mạng để tìm các thông số bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của họ cũng như tìm đánh cư dân tự do, công kích và phá rối cư dân tự do nhằm thiết lập cho họ một không gian an toàn về chính trị, họ được hưởng lợi trên không gian an toàn đó.

Cư dân đỏ, ở đây khái niệm Đỏ phải được hiểu theo một nội hàm rất rộng, đỏ không có nghĩa chỉ đảng viên cộng sản, mà một người cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thích nghi với thời đại mới, bị cuốn hút vào lợi ích cũng như các cơ hội trong thời đại mới, rõ ràng họ phải được xem là cư dân đỏ, bởi tâm thức của họ đã đỏ.

Một bà bán nước chè vỉa hè, một cô gái trẻ bán cà phê vỉa hè, một người bán vé số, một người bán chè, bán xôi, bán bánh cuốn, một ông xe ôm... những kẻ sẵn sàng lăn xả, thậm chí động thủ để bảo vệ chỗ ngồi, góc vỉa hè, chỗ để cái bàn, cái ghế trước một người khác cũng có chung công việc kiếm cơm, sẵn sàng lấn lướt người khác bằng sức mạnh, bằng mối quan hệ quen biết với cán bộ, công an của mình... Họ mới thực sự là cư dân đỏ.

Những đảng viên cộng sản, đặc biệt các quan chức, đương nhiên là cư dân đỏ. Và đây là các cư dân đỏ tiêu biểu, chung quanh họ có rất nhiều cư dân đỏ khác chịu ảnh hưởng của họ và được họ che chở trong chiếc dù đỏ của họ. Sự che chở và dựa dẫm có tính đối lưu hai chiều này tạo ra một hệ thống đỏ trên cơ sở quyền lợi, lợi ích vật dục.

Cư dân đỏ có mặt ở khắp mọi nơi, khắp các lĩnh vực, đặc biệt, lĩnh vực tôn giáo, đây là điểm hội tụ của cư dân đỏ và cũng là nơi giải bày nguyện vọng, khao khát, thèm muốn cũng như tham vọng của họ. Sự giải bày này được trình diễn thông qua các hoạt động tôn giáo mang đậm sắc thái và tính chất của nhóm cư dân này.

Cầu lộc, cầu tài, vay lộc, vay chức tước, hóa vàng mã càng nhiều càng thỏa chí, thậm chí đốt cả xe tải vàng mã và cúng cả trăm con gà luộc, sắp gà từ đầu ngõ vào đến tận đền, tận bàn thờ... là những kiểu biểu hiện tâm linh của nhóm cư dân đỏ. Tâm linh của cư dân đỏ không liên quan đến khoa học tâm linh mà là một kiểu tâm lý mê tín chất chứa tham vọng và niềm tin mãnh liệt vào thế giới thần linh đang phục vụ cho tham vọng của họ.

Trường hợp đám đông lạy "xá lợi tóc" ở chùa Ba Vàng là một biểu hiện trong hoạt động tâm linh của nhóm cư dân đỏ này. Họ, có thể là chủ doanh nghiệp, nhà buôn, nhà giáo, quan chức, gia đình cán bộ, nhà báo (gồm cả báo Thanh Niên), thậm chí nhà văn, nghệ sĩ... Bởi trong không gian sinh hoạt thường ngày của họ, họ luôn hướng đến lợi ích vật dục và trải nghiệm, chịu nhiều thiệt thòi, bất an, thậm chí trả giá cay đắng trong hệ thống, liên minh của họ. Điều này dẫn đến tâm lý bất an và cầu cạnh vào thế giới vô hình, cho dù nó rất mơ hồ và không có gì để xác tín.

Trường hợp các nhà sư như Thích Chúc Thái Minh, Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ... và rất nhiều nhà sư khác tương tự, họ là những tiêu điểm tâm linh của cư dân đỏ, tạm gọi là tiêu điểm đỏ. Khác với các sư thuần đạo, những sư tiêu điểm đỏ này cùng hướng với cư dân đỏ và có tính chất dẫn đường, từ việc chuộng bằng cấp, chức sắc, bày trò cho đến các hành tung mờ ám, ngụy tín... đều mang dáng dấp chế độ.

Chế độ cộng sản ngay từ đầu đã mê tín hóa nhân dân bằng cách thần thánh hóa Hồ Chí Minh, biến vị lãnh tụ này thành một thần tượng bất tử và thành một ông thánh trong hàng các thánh tôn thờ, thậm chí, có nhiều trường hợp đặt Hồ Chí Minh ngang với Phật Thích Ca (như chùa Đại Nam ở khu du lịch Đại Nam, đặt tượng Hồ Chí Minh ngồi ngang với Thích Ca và Trần Nhân Tông, hình ảnh này diễn ra rất nhiều ở các chùa phía Bắc) và hình ảnh Hồ Chí Minh được thờ ở vị trí cao nhất trong gian thờ của các gia đình tộc người thiểu số cũng như các gia đình cán bộ ở Hà Nội, các tỉnh miền Bắc Việt Nam.

Những tiêu điểm đỏ là những người dẫn dắt tâm linh cho cư dân đỏ. Họ làm nhiệm vụ điều hợp niềm tin cho nhóm cư dân của họ bằng các hoạt động đánh vào tâm lý tổn thương từ những mất mát chiến tranh, từ các ẩn ức của thời kinh tế tập trung bao cấp và từ các đổ vỡ tâm lý do nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa gây ra (trục vong, giảng đạo về bồ tát Hồ Chí Minh, nói nhảm trong quá trình thuyết pháp, mê tín hóa kinh Phật...). Nó như một sự cân bằng tâm lý nhằm ổn định xã hội có tính đặc thù của nhóm - cư dân đỏ.

Chuyện Phật tử lạy một cọng cỏ lipi hay cọng lông nhân tạo ở chùa Ba Vàng, đương nhiên có kèm theo nghi thức cúng dường và tạo ra khoản thu không hề nhỏ cho các sư trong chùa này, nhìn từ bề ngoài, đương nhiên đó là một sự ngu dân và đám dân đen đã bị mê tín hóa đến tột cùng. Nhưng nhìn sâu vào bản chất, đó là một hoạt động tâm linh có tính đặc thù của một nhóm cư dân với đặc tính đỏ.

Bởi đừng bàn đến chuyện dân trí ở nhóm cư dân đặc thù này, dân trí của họ chính là Đỏ. Những hoạt động nào có tính đỏ, kèm theo lời hứa hay niềm tin về lợi lộc, vinh thân phì gia, đó chính là khoa học, là văn hóa và là tâm linh của họ.

Điều này ngược chiều với cư dân tự do, những cư dân luôn hướng đến các giá trị tự do, khoa học, dân trí, văn hóa, tiến bộ và tâm linh. Các cư dân tự do sẽ thất vọng, thậm chí tuyệt vọng trước hiện trạng xã hội diễn ra bởi các cư dân đỏ.

Nhưng, hầu như không có ai tin rằng Việt Nam đã thực sự phân cực, một thứ vĩ tuyến 17 khác, một loại vĩ tuyến tư tưởng, ý thức hệ, văn hóa, niềm tin và lợi ích đã hình thành trong xã hội này, nó chia đôi đất nước mà không cần ranh giới địa lý.

Cái ranh giới lớn nhất giữa cư dân đỏ với cư dân tự do trong đất nước này là một tiếng thở dài tuyệt vọng !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 28/12/2023

***************************

Chùa Ba Vàng có thật sự thỉnh được xá lợi tóc của Đức Phật về Việt Nam ?

Cảnh Chân, VNTB, 28/12/2023

Thông tin do chùa Ba Vàng công bố, những ngày qua có hơn 40.000 người đến chiêm bái xá lợi tóc và xá lợi thân của Đức Phật, Thánh Tăng. Tuy nhiên, theo xá lợi tóc đang trưng bay tại chùa này chỉ là một loại cỏ dại có phản ứng khi gặp nước.

xaloi3

Hơn 40.000 người đến chiêm bái xá lợi tóc tại chùa Ba Vàng

Dùng tay trần cầm nắm quốc bảo 2600 năm ?

Theo truyền thuyết, hơn 2600 năm về trước, dưới gốc cây Bồ đề, vào tuần thứ 7 sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng đạo, có hai anh em thương buôn người Myanmar đến đảnh lễ, cúng dường và quy y Ngài. Sau đó, hai anh em thỉnh cầu Đức Phật từ bi ban cho một báu vật để được lễ bái, cúng dường. Phật Tổ đã nhổ 8 sợi tóc trên đầu, trao cho hai anh em.

8 sợi tóc này được hai nhà buôn đưa về quê nhà, xây tháp để thờ cúng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử với vô vàn những biến cố về văn hóa, chính trị,… 8 sợi tóc của Như Lai vẫn còn nguyên vẹn, được gìn giữ và phụng thờ tại Myanmar, trở thành bảo vật quốc gia.

Xá lợi tóc này là quốc bảo của Myanmar, các nhà sư chùa Shwemawdaw đã xây một bảo tháp cao 114 m để lưu giữ xá lợi tóc của đức Phật. Ngọn tháp cao nhất Myanmar được bao quanh bởi khoảng 5.000 viên kim cương đơn thể hoàn chỉnh. Các đỉnh chóp được dát vàng lấp lánh phủ những 60 tấn vàng nguyên chất. Ngôi sao trên đỉnh tháp gắn viên kim cương 76 carats chỉ để lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật (1).

Kể lại câu chuyện về xá lợi tóc của Đức Phật và tầm quan trọng của nó với người dân Myanmar để thấy rằng việc thỉnh xá lợi về Việt Nam trưng bày la không hề dễ dàng. Thế nhưng theo những video do chùa Ba Vàng đăng trên các kênh truyền thông của họ thì việc trưng bày, bảo quản rất đơn giản. Không hề có tủ kính, ông Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng thậm chí còn dùng tay trần để cầm nắm vào "xá lợi tóc" 2600 năm.

Và đặc biệt là không có sự xuất hiện của chư tăng phía Myanmar, đối với quốc bảo, họ phải cử người theo hộ tống chứ không thể giao hết cho phía chùa Ba Vàng như vậy được.

"Xá lợi tóc" tại chùa Ba Vàng chỉ là một loại cỏ dại ?

Một số người dân cho rằng xá lợi tóc này là giả. Hiện nay trên các trang thương mại điện tử như Shopee cũng có rao bán loại "xá lợi tóc" này với giá từ 500.000-900.000 VNĐ. Trên sàn Ebay, loại "xá lợi" này cũng được rao bán tràn lan với giá 48USD.

Theo tìm hiểu của phóng viên VNTB, có một loại cỏ rất giống "xá lợi tóc" đang trưng bày tại chùa Ba Vàng. Đó là hạt giống cỏ Pili (Heteropogon contortus).

xaloi

Ảnh minh họa cỏ "Pili" (Heteropogon contortus)

Heteropogon contortus là một loại cỏ bụi nhiệt đới mọc nhiều ở Nam Phi, Nam Á, Bắc Úc và Tây Nam Bắc Mỹ. Hạt của loài hòa thảo này có phần đuôi có thể uốn éo như nhảy múa khi tiếp xúc với nước, nhìn giống như một sợi tóc.

Một số video từ phía người dân cho thấy loại cỏ này cũng có mọc tại Việt Nam. So sánh hình ảnh hạt cỏ từ clip của người dân với các video "xá lợi tóc" do chùa Ba Vàng công bố thì có thể nói hai loại này là một.

Chị Q.N. một ngươi dân ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB : "Tôi không dám nói chùa Ba Vàng, hay ông Thích Trúc Thái Minh lấy cọng cỏ lừa người dân. Nhưng cọng tóc hơn 2600 năm mà biết chuyển động thì phản khoa học và có phần mê tín dị đoan lắm. Hơn nữa việc mượn được quốc bảo của Myanmar về nước mình trưng bày, mà không thấy bảo quản, dùng tay trần cầm nắm thì tôi thấy vô lý lắm".

"Để mang được bảo vật lịch sử 2600 năm của dân tộc họ về nước mình thì chùa Ba Vàng phải có quan hệ cực kỳ thân thiết và có tầm ảnh hưởng rất lớn với lãnh đạo nhà nước cấp cao và các chức sắc tôn giáo Myanmar. Phải làm siêu đại lễ cung thỉnh long trọng, gặp gỡ ngoại giao nhiều bên chứ không dễ dàng gì. Nhưng tới nay vẫn không có thông tin gì từ phía Myanmar mà chỉ là tin một chiều từ phía chùa Ba Vàng, và cũng không có video đại lễ "mượn" xá lợi tóc của Đức Phật. Nên tôi rất nghi ngờ về chuyện này". Chị Q.N. bày tỏ quan điểm.

Cảnh Chân

Nguồn : VNTB, 28/12/2023

Tham khảo

(1) https://daidoanket.vn/hang-nghin-nguoi-ve-chua-ba-vang-chiem-bai-xa-loi-toc-duc-phat-10270026.html

******************************

Trụ trì chùa Ba Vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự

Hoài Nguyễn, VNTB, 28/12/2023

Về mặt pháp lý cho thấy đã có thể xem xét trách nhiệm của dấu hiệu truyền bá hành vi mê tín của chùa Ba Vàng.

xaloi5

Việc chùa Ba Vàng trưng bày và đưa ra thông tin xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm khiến nhiều người hoài nghi. Một số người còn tìm thấy thông tin trên mạng xã hội bày bán xá lợi với hình dáng tương tự có giá 500.000 đồng/sợi (?).

Một bản tin trên trang web của chùa Ba Vàng cho biết :

"Từ ngày 11/11/Qúy Mão (tức ngày 23/12/2023), tại chùa Ba Vàng, hàng vạn nhân dân, Phật tử nô nức về chiêm bái, đảnh lễ xá lợi tóc của Đức Phật – một bảo vật vô giá. Đó là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho hai thương buôn người Myanmar hơn 2600 năm trước. Chương trình chiêm bái xá lợi tóc đặc biệt này sẽ diễn ra đến hết ngày 15/11/Quý Mão.

Xá lợi tóc Phật được lưu giữ hàng nghìn năm tại Myanmar, nay xuất hiện lần đầu tiên tại chùa Ba Vàng. Bắt nguồn từ nhân duyên đoàn chư Tăng, Phật tử chùa Ba Vàng đến chiêm bái xá lợi tại chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế Parami (Myanmar). Tại đây, phái đoàn đã có lời mời Hòa thượng trụ trì chùa Parami về chùa Ba Vàng dự lễ "Kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh". Quý Thầy đã hoan hỷ nhận lời và còn hoan hỷ cung thỉnh bảo vật xá lợi tóc của Đức Phật về Việt Nam, góp phần cho đại lễ thêm long trọng.

Vì nhân duyên đặc biệt và hiếm có đó mà rất đông nhân dân, Phật tử thập phương có cơ hội được tận mắt chứng kiến sự vi diệu nhiệm màu của tóc Phật – minh chứng cho năng lực của Ngài dù Ngài đã nhập diệt" (*).

Phía chùa Ba Vàng kêu gọi :

"Xá lợi tóc là vô cùng linh thiêng, cao quý ; cho nên những ai dù chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường cũng được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau. Bởi năng lực của Ngài vẫn còn đang hiện diện trên thế gian này thông qua xá lợi tóc chuyển động ; cho nên khi chúng ta bạch Phật thì Ngài vẫn gia hộ.

Quý nhân dân, Phật tử hãy sắp xếp thời gian về chùa Ba Vàng chiêm bái, đảnh lễ xá lợi tóc của Đức Phật trong khoảng thời gian từ ngày 12/11/QM – 15/11/Quý Mão (tức ngày 24-27/12/2023). Và trong khoảng thời gian nhân dân, Phật tử về chiêm bái, nhà chùa có chuẩn bị cơm, nước miễn phí để phục vụ".

xaloi6

Đông đảo người dân tới chiêm bái xá lợi tóc Đức Phật tại chùa Ba Vàng

Với tình tiết cụ thể như trên, về mặt pháp lý cho thấy đã có thể xem xét trách nhiệm của dấu hiệu truyền bá hành vi mê tín của chùa Ba Vàng.

Điều 320 Bộ luật hình sự quy định tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau :

"Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan

Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm : a) Làm chết người ; b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên ; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

Ở đây, hành vi kêu gọi mọi người về chùa Ba Vàng để chiêm bái "Xá lợi tóc" của Phật để được Phật gia hộ, là một hành vi màu sắc mê tín, dàn dựng nhằm mục đích tập họp đám đông tạo quảng bá cho mùa lễ hội Tết sắp đến. Bởi về mặt sinh học, tóc khi còn sống thì không gọi là xá lợi.

Ngoài ra trong Kinh Sanadantta (tức kinh Trường Bộ), đạo sĩ Bà la môn Sanadanta mô tả đức Phật : "Samon Gotama cạo bỏ râu tóc xuất gia, sống không gia đình". Như vậy, theo kinh điển chính thức, đức Thích ca đã cạo bỏ râu tóc thì lấy gì mà nhổ 8 sợi cho thương lái như điều mà chùa Ba Vàng đang tuyên truyền ? (**)

Từ cách là một công dân, qua trang Việt Nam Thời Báo, người viết yêu cầu chính quyền làm rõ vấn đề trên, tránh mê tín dị đoan, trục lợi ngu dân. Mặt khác, trách nhiệm tương ứng cũng được được đặt ra với tổ chức tỉnh Hội Phật giáo ở địa phương về hành vi này của pháp nhân chùa Ba Vàng.

Cũng xin nhắc lại : trước đó có một thời gian dài chùa Ba Vàng đã thuyết giảng về "vong báo oán" và đưa ra những nghị thức của lễ cúng giải oan được cho là đã thu về hàng trăm tỷ đồng của bá tánh. Lúc dịch giã Covid đang bùng phát mạnh ở Việt Nam, trụ trì chùa Ba Vàng đã đích thân thuyết giảng tu tập 49 ngày để hồi hướng ‘hóa giải’ virus Corona.

Đúng 19g ngày 26/1/2020, trên trang web chuabavang.com.vn và trang facebook "Thích Trúc Thái Minh" cùng lúc phát trực tiếp chương trình "Tu tập hồi hương hóa giải dịch nạn virus Corona". Qua đoạn video livestream cho thấy, buổi thuyết giảng của trụ trì chùa Ba Vàng có hàng trăm người tham gia, trong đó rất đông thanh niên trẻ và các sư thầy khác. Đoạn phát sóng trực tiếp lễ tu tập hóa giải nạn dịch cúm Corona cũng thu hút tới hơn 3 ngàn người theo dõi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ngay trong quá trình phát sóng livestream nhiều cộng đồng mạng đã vào bình luận với những ý kiến trái chiều, trong đó đa số chỉ trích trụ trì chùa Ba Vàng…

Và giờ thì đến chuyện "Xá lợi tóc Phật" của trụ trì chùa Ba Vàng. Các dấu hiệu truyền bá mê tín của nhà sư Thích Trúc Thái Minh dường như đã thành hệ thống, cần thiết xem xét xử lý bằng một phiên tòa theo quy định của pháp luật.

Bài kệ trong kinh Kim cang, "Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai", phải chăng là một lời nhắc nhở về hiện tượng sùng bái xá lợi như những gì đang diễn ra ở chùa Ba Vàng ?

Nói thêm, trên trang bán hàng điện tử trực tuyến Shopee rao bán vật phẩm hệt như cái đang được trưng bày ở chùa Ba Vàng mang tên là "Bảo Tháp Xá Lợi, Xá Lợi Tóc Phật tự chuyển động", giá 10 triệu đồng (***).

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 28/12/2023

Chú thích :

(*) https://chuabavang.com/soi-toc-xa-loi-toc-cua-duc-phat-duoc-trao-lai-tu-hon-2600-nam-truoc-da-co-mat-tai-chua-ba-vang-d7717.html

(**) https://chuabavang.com/thong-bao-su-kien-dac-biet-le-chiem-bai-xa-loi-toc-duc-phat-d7705.html

(***) https://shopee.vn/product/93117869/22161744693

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nhã Duy - Tuấn Khanh - Gió Bấc - Viết từ Sài Gòn - Cảnh Chân - Hoài Nguyễn
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)