Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/01/2024

Người Campuchia nghĩ gì về cuộc chiến của Việt Nam với Khmer Đỏ ?

Sorky Sum, RFA

Cách đây 45 năm, ngày 7/1/1979, Việt Nam tiến quân vào Phnom Penh lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Sau khi lật đổ Khmer Đỏ, Việt Nam đã dựng nên một chính phủ tại Phnom Penh do mình bảo trợ. Sau đó, Việt Nam tiếp tục đóng quân tại Campuchia đến năm 1989.

vietcam1

Một góc thủ đô Phnom Penh ngày nay - Reuters

Trong khi ở Việt Nam chỉ có một góc nhìn duy nhất cho rằng Việt Nam đã giải phóng Campuchia khỏi ách thống trị tàn bạo của Khmer Đỏ, thực tế cuộc chiến phức tạp hơn rất nhiều so với những gì truyền thông trong nước loan kể. Công chúng Việt Nam cũng hiếm khi được lắng nghe quan điểm của người Campuchia ngày nay về cuộc chiến năm xưa.

Nhân sự kiện 45 năm Việt Nam tiến quân vào Phnom Penh (năm 1979), RFA tiếng Việt xin giới thiệu một cuộc trao đổi với ông Sorky Sum, một nhà nghiên cứu về lịch sử hiện đại Campuchia và là Biên Tập viên cao cấp của Ban Khmer, Đài Á Châu Tự do, về góc nhìn của ông nói riêng và công chúng Campuchia nói chung đối với cuộc chiến này. 

RFA : Xin ông cho biết các học giả, trí thức và công chúng nói chung ở Campuchia ngày nay nhìn cuộc chiến của Việt Nam ở Campuchia 45 năm trước như thế nào ?

Sorky Sum : Đây là một vấn đề rất gây tranh cãi ở Campuchia. Một số người nghĩ rằng Việt Nam đã đến Campuchia để cứu người dân nước này khỏi nạn diệt chủng của Khmer Đỏ. Một số người khác lại nghĩ Việt Nam có một kế hoạch khác, còn việc giải cứu người Campuchia khỏi nạn diệt chủng chỉ là một "by product", tức là một kết quả phụ xuất hiện do làm một việc gì đó, ban đầu không nghĩ tới nhưng sau đó đã xảy ra.

Tôi đã đọc nhiều nghiên cứu và nói chuyện với nhiều học giả, nhà báo, nhà chính trị Campuchia có liên quan đến sự kiện này. Một số họ cho rằng mục đích ban đầu của Việt Nam khi tấn công Campuchia không phải là cứu người dân Campuchia mà chỉ là thay thế các lãnh đạo cộng sản của Đảng Cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) khi đó quá thân Trung Quốc và thù ghét Việt Nam. Việt Nam muốn thay thế các lãnh đạo Khmer Đỏ thù ghét họ bằng các lãnh đạo Khmer Đỏ khác, dễ thương với Việt Nam hơn. Các lập luận này dựa trên mấy dự kiện sau đây.

Một số học giả chỉ ra rằng ngay trong năm 1979, sau khi lật đổ Khmer Đỏ, Việt Nam mở tòa án xét xử các lãnh đạo Khmer Đỏ, lúc này đã tháo chạy vào rừng ở biên giới với Thái Lan. Trong phiên toà vắng mặt này, Việt Nam chỉ xét xử hai người là Pol Pot và Ieng Sary. Trong khi đó, Khmer Đỏ có rất nhiều lãnh đạo khác, cũng phạm tội ác rất lớn. Nhiều người đặt ra một giả thuyết là có thể Việt Nam muốn mở cơ hội cho những lãnh đạo khác của Khmer Đỏ quay trở lại. Hà Nội lúc đó chỉ muốn thay thế các lãnh đạo của Khmer Đỏ bằng những người khác. 

Tôi từng phỏng vấn ông Bùi Tín, một nhà báo Việt Nam (RFA chú thích : Ông Bùi Tín, 1927-2018, từng là Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân), người từng theo đội quân Việt Nam đến Campuchia năm 1979. Ông nói với tôi rằng lý do Việt Nam tấn công Campuchia vì Khmer Đỏ tấn công Việt Nam. Ông nói rằng trong chiến tranh Việt Nam, chính quyền miền Bắc quyết tâm sắt đá phải thống nhất hai miền Nam Bắc. Do đó, Việt Nam sau 1975 không có lợi ích gì để tấn công Campuchia. 

Một số học giả khác thì nói rằng họ không tìm được tài liệu gốc nào ở giai đoạn đó của Việt Nam nói rằng Việt Nam tấn công Campuchia để cứu người dân mà chỉ nói là tấn công Campuchia vì Khmer Đỏ xâm lược Việt Nam. Khmer Đỏ khi còn cầm quyền đã không chỉ giết người Campuchia mà giết cả người Việt ở Campuchia mà khi đó chính phủ Việt Nam cũng không đến cứu họ.

Nhiều người Campuchia biết ơn Việt Nam vì Việt Nam đã cứu họ khỏi nạn diệt chủng, mặc dù mục đích ban đầu của Việt Nam không phải là cứu người dân Campuchia. Mặc dù việc cứu người dân chỉ là "by product" (kết quả phụ), nhưng nhờ cuộc xâm lược đó mà họ sống sót. Nhưng đồng thời họ cũng nghĩ rằng Việt Nam khi đó không nên đóng quân đến 10 năm như vậy. 

Nhiều người Campuchia nghĩ rằng giá mà khi đó, sau khi lật đổ Khmer Đỏ, Việt Nam liên lạc với Liên Hiệp Quốc, đề nghị cộng đồng quốc tế giúp đỡ, còn mình thì rút quân. Nhưng Việt Nam đã không làm như vậy. Ngược lại, Việt Nam đã cho phép cả một dòng người Việt di cư tràn vào Campuchia. Việt Nam dựng nên chính quyền mới ở Phnom Penh nhưng lại can thiệp sâu vào chính quyền đó, bắt giam cả thủ tướng, không cho Campuchia quyền độc lập chính trị thực sự. Đó là điều người Campuchia không đồng ý. 

RFA : Xin ông nói rõ hơn các ý : Việt Nam không cho Campuchia độc lập thực sự ra sao ? Việc bắt Thủ tướng Pen Sovann khi đó như thế nào và người dân Việt di cư sang Campuchia ra sao ? 

Sorky Sum : Tôi đã có dịp phỏng vấn ông Pen Sovann về giai đoạn lịch sử đó. Ông Pen Sovann là người được Việt Nam đưa lên làm thủ tướng chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia do mình dựng lên, sau khi lật đổ Khmer Đỏ. 

Việt Nam đưa ông Pen Sovann lên thủ tướng vào tháng 7 năm 1979 nhưng rồi đến tháng 12 năm đó, Việt Nam bỏ tù vị thủ tướng này. Họ đưa ông tới Hà Nội, giam giữ 10 năm. Đến 1992, sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia thì mới thả ông ra. 

Ông Pen Sovann tập kết ra miền Bắc Việt Nam từ năm 1954, lấy vợ là người Việt Nam và rất thân thiết với Việt Nam. Nhưng theo những gì ông kể với tôi thì ông phản đối chính sách của Việt Nam khi đó đối với Campuchia sau khi chiếm đóng. 

Chính sách của Việt Nam mà ông Pen Sovann phản đối mạnh mẽ nhất là Việt Nam cho phép một dòng người Việt di cư sang Campuchia, sống thành cộng đồng ở Phnom Penh và Biển Hồ Tonle Sap. Và rồi Việt Nam bỏ tù ông 10 năm ở Hà Nội, từ cuối năm 1981 đến 1992. 

Ông Pen Sovann nói với tôi là ông Hunsen, người sau này là thủ tướng, khi đó là người dẫn quân đến nhà ông, đọc tuyên cáo bắt ông. Bản tuyên cáo nói rằng đầu óc ông "quá hẹp hòi khi phản đối người Việt Nam di cư đến". 

Ngoài ra, theo ông Pen Sovann kể, có một việc khác ông làm Việt Nam ghét là ông nói chuyện thẳng với Liên Xô chứ không thông qua Hà Nội. Ông làm vậy vì ông là thủ tướng, ông muốn là người tự chủ ra quyết định mình làm gì. 

Hà Nội không hài lòng về hành động "qua mặt" đó của ông Pen Sovann. Còn người Campuchia thì không muốn bị người khác chỉ đạo là nên làm gì. Ai cũng muốn tự chủ cả. Campuchia là một quốc gia có chủ quyền nhưng thủ tướng của họ lại có thể bị một nước khác bắt mang đi bỏ tù. 

Ngoài ra, việc đưa người Việt sang Campuchia cũng tạo ra tâm lý sợ hãi của Campuchia. 

Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ, nhưng vì những lý do nêu trên mà nhiều người Campuchia khi đó nghĩ rằng Việt Nam sẽ không lật đổ Khmer Đỏ rồi về. Họ tin là Việt Nam có một kế hoạch nào đó, có thể là sẽ ở lại Phnom Penh mãi mãi. 

Cộng đồng người Việt hình thành trên hồ Tonle Sap cũng là một vấn đề lớn với Campuchia ngày nay. Vì khi có một cộng đồng sống trên hồ như vậy thì đương nhiên hồ Tonle Sap sẽ bị ô nhiễm nặng. Người ta xả mọi thứ rác sinh hoạt hàng ngày xuống hồ, trong khi đó là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho Campuchia, đặc biệt là Phnom Penh. Chính phủ Campuchia từng có một dự án đưa cộng đồng người Việt ra khỏi Tonle Sap, bằng cách chỉ định cho họ một khu vực trên đất liền, nhưng dự án này thất bại. Nhiều người Việt lại quay trở lại hồ vì khu vực trên đất liền không đủ cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề vượt ngoài khả năng giải quyết của Campuchia. 

RFA : Không "bàn" về quá khứ, nhìn nhận thực tại, theo ông, hai nước Campuchia và Việt Nam ngày nay nên làm gì để mối quan hệ hai nước phát triển bền vững, hòa bình, hai nước cùng thịnh vượng ?

Sorky Sum : Thật không may, hai đất nước Campuchia và Việt Nam là hai láng giềng nhưng trong lịch sử có rất nhiều chuyện buồn. Trong quá khứ, Việt Nam đã xâm lược Campuchia nhiều lần. Mảnh đất Khmer Krom (Khmer Hạ, tức Đồng bằng Sông Cửu Long ngày nay) từng là đất của Campuchia nhưng bây giờ là lãnh thổ Việt Nam. 

Tôi nghĩ hai nước phải tìm cách sống hòa bình cùng nhau, hòa hợp với nhau, vì chắc chắn hai nước sẽ là láng giềng mãi mãi. Campuchia không thể tự mình di chuyển đi châu lục khác để không làm láng giềng của Việt Nam được. 

Việt Nam là một cường quốc, rất mạnh so với Campuchia. Campuchia bây giờ có 17 triệu người, còn Việt Nam là hơn 100 triệu người. Campuchia lại bị Việt Nam xâm lược nhiều lần cho nên tâm lý người Campuchia luôn lo lắng, phòng thủ. 

Đối với dư luận công chúng Campuchia thì để quan hệ hai nước tốt đẹp hơn, Việt Nam phải trở nên "có thể tin cậy được". Là nước lớn hơn, mạnh hơn, Việt Nam nên là bên chủ động giúp cho mối quan hệ này trở thành mối quan hệ hai bên đều tin cậy lẫn nhau. 

Tôi xin lấy một ví dụ. Người Campuchia không đủ mạnh để nói về cộng đồng Khmer Krom ở Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Nhưng họ rất quan tâm đến những người Khmer Krom ở Việt Nam bị truy tố ra tòa vì các quyền con người cơ bản. Ai cũng biết Việt Nam là nước cộng sản, nơi các quyền con người cơ bản của mọi người dân đều không được tôn trọng chứ không chỉ riêng người Khmer Krom, nhưng tôi biết đó là một vấn đề người Campuchia quan tâm, dù không chính thức nói ra. 

Khi lãnh đạo hai nước gặp nhau, Việt Nam thường yêu cầu Campuchia đối xử tốt với cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia. Nhưng ngược lại, Campuchia không thể yêu cầu Việt Nam đối xử tốt hơn với cộng đồng người Khmer bản địa ở Đồng bằng Sông Cửu Long ngày nay. Hai bên có sự chênh lệch về quyền lực. Một bên lớn, một bên nhỏ hơn. 

Chúng ta cần một mối quan hệ bình đẳng giữa hai nước, không phải theo cách quan hệ giữa "anh lớn" và "em nhỏ". Việt Nam và Campuchia nên cố gắng duy trì một mối quan hệ hài hòa (harmony) giữa hai bên.

RFA : RFA tiếng Việt xin cảm ơn ông Sorky Sum đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 03/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Sorky Sum, RFA
Read 473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)