Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan
Thanh Phương, RFI, 10/01/2024
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay, 10/01/2024, trong các cuộc họp hai ngày 8 và 9/01 tại Washington, các quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc đã tuyên bố với các đồng nhiệm Mỹ rằng Bắc Kinh "sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp, bất cứ nhân nhượng nào" về Đài Loan và yêu cầu Hoa Kỳ "ngừng cung cấp vũ khí" cho hòn đảo.
Ảnh do Bộ Quốc Phòng Mỹ cung cấp : Phiên họp cấp cao quân sự Mỹ-Trung Quốc tại Washington, ngày 09/01/2024. AP - Alexander Kubitza
Các cuộc họp quân sự cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ năm 2021 đã được tổ chức tiếp theo sau thỏa thuận giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái.
Những tuyên bố nói trên của các quan chức quân sự cao cấp Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh vào thứ bảy 13/01, cử tri Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc hội mới, trong các cuộc bầu cử mà chủ đề bao trùm là quan hệ giữa hòn đảo với Hoa Lục. Trong những ngày cuối, các ứng cử viên ráo riết thu phục những cử tri còn do dự
Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre tường trình :
Xe của các ứng cử viên Tổng thống và Quốc hội ngày 13/01 tới chạy liên tục trên đường phố tại các thành phố lớn của Đài Loan, phát ra những khẩu hiệu như : "Bầu cho chúng tôi là bỏ phiếu để bảo vệ Đài Loan !".
Một ứng cử viên Quốc hội thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền khẳng định : "Chúng tôi muốn bảo vệ hòa bình bằng mọi giá, chúng tôi không hề muốn khiêu khích Trung Quốc ! Nhưng để tránh chiến tranh, chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng đó, chính vì vậy mà chúng tôi đã kéo dài thời gian thi hành quân dịch và đã mua thêm nhiều vũ khí phòng thủ từ Hoa Kỳ".
Đối đầu với đảng cầm quyền, Quốc Dân Đảng đề nghị công nhận về mặt lý thuyết rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Hôm qua, ứng cử viên của đảng này, ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu Ih), đã diễu hành trên đường phố Đài Bắc, cố gắng tập hợp mọi lực lượng đối lập.
Ông tuyên bố : "Tôi muốn lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với các đảng đối lập để bảo vệ Đài Loan và bảo vệ các thế hệ tương lai".
Cũng như rất nhiều người dân Đài Loan, người phụ nữ này vẫn chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai. Bà nói : "Ai đắc cử cũng được, điều duy nhất mà chúng tôi muốn đó là duy trì hòa bình cho Đài Loan".
Theo kết quả các cuộc thăm dò cuối cùng vào đầu tháng này, ứng cử viên của đảng cầm quyền vẫn dẫn trước mấy điểm, trong khi đó thì bầu cử Quốc hội được dự báo là sẽ rất sít sao".
Theo hãng tin AFP, trong các cuộc họp tại Washington, các quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc còn yêu cầu Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện quân sự, cũng như những hành động "khiêu khích" ở Biển Đông. Tại vùng biển tranh chấp này hôm thứ năm tuần qua Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thao dượt quân sự đúng vào lúc quân đội Philippines cũng đang tập huấn với quân đội Hoa Kỳ.
Về phần mình, Washington nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của tự do hàng hải" trước những hành động sách nhiễu "liên tục" của Trung Quốc nhắm vào những tàu của Philippines "hoạt động hợp pháp" tại Biển Đông.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 10/01/2024
************************
Trung Quốc dồn áp lực lên Đài Loan trước bầu cử
Reuters, VOA, 10/01/2024
Trung Quốc hôm 9/1 đe dọa các biện pháp thương mại mới chống lại Đài Loan, trong khi Đài Loan tố cáo Bắc Kinh "uy hiếp kinh tế" trước cuộc bầu cử quan trọng vào cuối tuần trên hòn đảo này và cũng bày tỏ sự tức giận trước việc Trung Quốc bất ngờ phóng vệ tinh qua không phận của họ.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến DPP Lại Thanh Đức hôm 9/1/2024 nói ông sẽ duy trì hiện trạng và theo đuổi hòa bình thông qua sức mạnh nếu đắc cử.
Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 13/1 đang diễn ra trong bối cảnh khẩu chiến gay gắt giữa Đài Loan và Trung Quốc, vốn coi hòn đảo này là lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Đài Loan.
Chính phủ Đài Loan cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch can thiệp bầu cử chưa từng có, sử dụng mọi thứ từ hoạt động quân sự đến trừng phạt thương mại để chuyển phiếu về phía các ứng cử viên mà Bắc Kinh có thể ưa thích.
Trung Quốc coi cuộc bầu cử này là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, đồng thời cho rằng các cáo buộc can thiệp là "thủ đoạn bẩn thỉu" của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền ở Đài Loan nhằm cố gắng giành được sự ủng hộ.
Ứng cử viên tổng thống của DPP Lại Thanh Đức hôm 9/1 nói ông sẽ duy trì hiện trạng và theo đuổi hòa bình thông qua sức mạnh nếu đắc cử, vẫn để ngỏ khả năng giao tiếp với Bắc Kinh với các điều kiện tiên quyết là bình đẳng và phẩm giá.
Bắc Kinh tố cáo ông là người theo chủ nghĩa ly khai và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy nền độc lập chính thức của Đài Loan đều có nghĩa là xung đột.
Mặc dù vậy, ông Lại cam kết sẽ cố gắng hợp tác với Trung Quốc.
Ông Lại nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: "Hòa bình là vô giá và chiến tranh không có người chiến thắng". "Hòa bình mà không có chủ quyền cũng giống như Hong Kong. Đó là hòa bình giả tạo".
Bắc Kinh không bị lay chuyển trước những nỗ lực tiếp cận của ông Lại.
Vào tối 9/1, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ đang xem xét các bước tiếp theo để đình chỉ nhượng bộ thuế quan đối với các sản phẩm bao gồm nông nghiệp và ngư nghiệp, máy móc, phụ tùng ô tô và dệt may từ Đài Loan, tiếp nối động thái như vậy được thực hiện đối với một số sản phẩm hóa dầu vào tháng trước.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói: "Chính quyền Đài Loan đã không thực hiện các biện pháp hiệu quả để dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với Trung Quốc. Thay vào đó, họ đã tham gia vào các hoạt động chính trị nhằm cố gắng đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm".
Văn phòng Đàm phán Thương mại của Đài Loan phản ứng bằng cách kêu gọi Trung Quốc "ngưng ngay việc sử dụng biện pháp uy hiếp kinh tế để cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử của Đài Loan".
Báo động giả và khí cầu Trung Quốc
Thêm vào bầu không khí căng thẳng, một cuộc họp báo hôm 9/1 tại Đài Bắc của Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp đã bị gián đoạn bởi âm thanh của cảnh báo trên điện thoại di động từ chính phủ cảnh báo về một cuộc không kích có thể xảy ra của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng sau đó đã phải xin lỗi sau khi bản cảnh báo bằng tiếng Anh đề cập đến "phi đạn" nhưng trong tiếng Trung là "vệ tinh". Cảnh báo được đưa ra cùng thời điểm truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận việc phóng một vệ tinh khoa học.
Tuy nhiên, ông Ngô mô tả vụ phóng này là một phần của mô hình quấy rối đối với Đài Loan, giống như những trường hợp khinh khí cầu Trung Quốc được phát hiện phía trên hòn đảo này gần đây.
"Với những mối đe dọa như vậy đối với Đài Loan, tôi nghĩ chúng ta nên tỉnh táo và không nên bị khiêu khích".
Phe đối lập Đài Loan đã nhảy vào cuộc, đổ lỗi cho chính phủ đã đánh lừa công chúng.
Đài Loan đã phàn nàn kể từ tháng trước về việc khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan nhạy cảm, một số đã đi qua hòn đảo này, điều mà Bộ Quốc phòng Đài Loan gọi là nỗ lực chiến tranh tâm lý, mặc dù không trực tiếp nói rằng các khinh khí cầu này nhằm mục đích gián điệp.
Bộ Quốc phòng cho biết trong cuộc họp báo riêng hôm 9/1 rằng họ chưa tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ nào của khinh khí cầu và hiện không xem xét việc bắn hạ chúng.
Ông Wang Chia-chun từ phòng kế hoạch chiến đấu chung của Bộ cho biết : "Chúng tôi sẽ không tấn công và tiêu diệt do sự quấy rối của khinh khí cầu".
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc thường tránh bình luận công khai về cuộc bầu cử, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu đầu năm rằng việc Trung Quốc "thống nhất" với Đài Loan là điều không thể tránh khỏi.
Ông Lại nói với các phóng viên rằng cuộc bầu cử sẽ đóng vai trò như một "bằng chứng cho cam kết của chúng tôi đối với nền dân chủ" đồng thời lưu ý rằng sự can thiệp bầu cử mà Trung Quốc bị cáo giác là "nghiêm trọng nhất".
Reuters
Nguồn : VOA, 10/01/2024
************************
Phó tổng thống Đài Loan : Duy trì "nguyên trạng" quan hệ hai bờ eo biển, nếu đắc cử tổng thống
Trọng Thành, RFI, 09/01/2024
Bốn ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-Te), phó tổng thống, ứng cử viên có nhiều khả năng về đầu, hôm nay 09/01/2024, khẳng định sẽ tiếp tục chính sách của tổng thống tiền nhiệm Thái Anh Văn nếu đắc cử, nhằm duy trì "nguyên trạng" quan hệ giữa hai bờ eo biển.
Ứng cử viên Lại Thanh Đức (Lai Ching-Te) phát biểu trong chiến dịch tranh cử tổng thống Đài Loan, ngày 06/01/2024. AP - ChiangYing-ying
Theo Reuters, trong cuộc họp báo hôm nay, ứng cử viên Lại Thanh Đức khẳng định "Hòa bình là vô giá, và sẽ không có bên nào thắng cuộc, nếu chiến tranh xảy ra". Phó tổng thống Đài Loan cho biết sẽ "hoàn toàn để ngỏ cửa" cho đối thoại và hợp tác với Trung Quốc "trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng", cho phép giảm nguy cơ căng thẳng gia tăng giữa hai bờ eo biển.
Ứng cử viên tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức cũng tố cáo Trung Quốc gia tăng can thiệp vào bầu cử Đài Loan "mạnh mẽ chưa từng có", "ngoài các đe dọa về chính trị và quân sự, Trung Quốc cũng sử dụng tất cả các phương tiện kinh tế, chiến tranh tâm lý, bóp méo thông tin, hù dọa, kích động". Theo Nikkei Asia, ông Lại Thanh Đức đã cảnh báo là nếu ứng viên tổng thống do Bắc Kinh hậu thuẫn đắc cử, thì Đài Loan có nguy cơ trở thành "một Hồng Kông mới".
Phó tổng thống Đài Loan nhấn mạnh : "Chấp nhận nguyên tắc Một nước Trung Hoa theo quan điểm của Trung Quốc sẽ không mang lại một nền hòa bình thực sự", và việc nỗ lực gìn giữ hòa bình "phải dựa vào việc củng cố sức mạnh vũ trang, chứ không phải vào thiện chí của kẻ xâm lược", "kinh nghiệm của Tây Tạng, Tân Cương trong quá khứ và Hồng Kông mới đây chứng minh cho điều này".
Nhìn sang Bắc Kinh, về hồ sơ Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm nay, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) nhấn mạnh tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong cuộc gặp tháng 11/2023 với chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa hẹn "không ủng hộ" Đài Loan độc lập. Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại là Bắc Kinh và Washington hồi năm ngoái "với các nỗ lực to lớn đã nối lại được đối thoại, và quan hệ song phương ngừng xuống cấp và bước đầu bình ổn", và lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi Washington "trở lại với chính sách duy lý và thực tế" trong quan hệ với Trung Quốc.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 09/01/2024
************************
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông từ ngày 8/1
Reuters, VOA, 08/01/2024
Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật ở một số khu vực trên Biển Hoa Đông từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều vào 8 và 9 tháng 1, theo cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc.
Ảnh minh họa một cuộc tập trận của Trung Quốc và Nga ở Biển Hoa Đông.
Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố hôm 8/1 rằng không có tàu thuyền nào được phép đi vào khu vực được chỉ định.
Tuyên bố cho biết cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển ngoài khơi Ninh Ba và Chu Sơn, các thành phố cảng nằm ngay phía nam trung tâm tài chính Thượng Hải.
Trước đó, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin hôm 30/12 rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho lực lượng bảo vệ bờ biển tăng cường các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo nhỏ ở Hoa Đông do Tokyo kiểm soát nhưng cũng bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, vẫn theo Reuters.
Để đáp lại mệnh lệnh mà báo cáo cho biết được ông Tập đưa ra vào tháng 11, lực lượng bảo vệ bờ biển đã vạch ra kế hoạch cử tàu tuần tra hàng ngày trong năm 2024 gần các đảo nhỏ mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Điếu Ngư ở Trung Quốc.
Kyodo cho biết, các tàu bảo vệ bờ biển cũng sẽ chịu trách nhiệm tiến hành kiểm tra tại chỗ các tàu đánh cá Nhật Bản nếu cần thiết, Kyodo cho biết.
Mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc từ lâu đã bị cản trở bởi tranh chấp lãnh thổ đối với nhóm đảo nhỏ không có người ở.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã nhắc lại những quan ngại sâu sắc của Nhật về vấn đề này khi ông hội đàm với ông Tập tại Hoa Kỳ vào tháng 11, chính phủ Nhật Bản cho biết vào thời điểm đó.
Reuters
Nguồn : VOA, 08/01/2024
*************************
Đài Loan đả kích khí cầu Trung Quốc là đe dọa an toàn, chiến tranh tâm lý
Reuters, VOA, 07/01/2024
Bộ quốc phòng Đài Loan ngày thứ Bảy cáo buộc Trung Quốc đe dọa an toàn hàng không và tiến hành chiến tranh tâm lý nhắm vào người dân trên đảo bằng một loạt khí cầu gần đây được phát hiện gần hoặc bên trên đảo, vài ngày trước cuộc bầu cử quan trọng của Đài Loan.
Ảnh minh họa cờ Trung Quốc và Đài Loan sau khung kính vỡ
Khả năng Trung Quốc sử dụng khí cầu để do thám đã trở thành vấn đề toàn cầu vào tháng 2 năm ngoái khi Mỹ bắn hạ thứ mà họ nói là khí cầu do thám của Trung Quốc. Trung Quốc nói đó là khí cầu dân sự vô tình bay lạc hướng.
Đài Loan đang hết sức cảnh giác hoạt động quân sự và chính trị của Trung Quốc trước cuộc bầu cử tổng thống và viện lập pháp vào ngày 13 tháng 1. Đài Loan nói rằng Trung Quốc đang gây áp lực quân sự và kinh tế nhằm cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử.
Trung Quốc coi hòn đảo này thuộc chủ quyền của mình, một tuyên bố mà chính phủ Đài Loan bác bỏ.
Kể từ tháng trước, bộ quốc phòng Đài Loan đã báo cáo một số trường hợp khí cầu Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan nhạy cảm. Tuần này họ cho biết một số khí cầu bay qua đảo Đài Loan gần các căn cứ không quân lớn.
Trong một phát biểu hôm thứ Bảy, bộ nói những khí cầu này là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với an toàn hàng không quốc tế do đường bay của chúng.
"Chúng tôi cũng lên án việc Trung Cộng coi thường an toàn hàng không cũng như coi thường an toàn của hành khách trên các chuyến bay qua eo biển Đài Loan và quốc tế", phát biểu nói.
Bộ cho biết phân tích của họ kết luận rằng những khí cầu này là một phần trong chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan "trong nỗ lực sử dụng chiến tranh nhận thức để ảnh hưởng đến tinh thần của người dân chúng ta".
Nhận định này mạnh hơn những phát biểu trước đây của Đài Loan nói rằng các khí cầu dường như chủ yếu dùng để theo dõi thời tiết, do có nhiều gió vào thời điểm này trong năm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước từ chối bình luận về khí cầu tại cuộc họp báo hàng tháng.
Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân tiến cầm quyền, phát biểu tại một sự kiện tranh cử hôm thứ Bảy rằng Trung Quốc đang sử dụng tàu chiến, máy bay chiến đấu và tin giả để "chia rẽ Đài Loan".
"Tôi kêu gọi tất cả các bạn bằng lá phiếu thiêng liêng của mình hãy nói với thế giới rằng Đài Loan sẽ không đầu hàng một chế độ chuyên quyền mà sẽ tiếp tục lựa chọn dân chủ và tự do".
Trong một phát biểu riêng rẽ vào ngày thứ Bảy, bộ quốc phòng Đài Loan cho biết trong 24 giờ trước đó họ đã phát hiện thêm hai khí cầu Trung Quốc, một trong số đó bay qua cực bắc của hòn đảo trong một khoảng thời gian ngắn.
Trong bốn năm qua Đài Loan đã phàn nàn về hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc như máy bay chiến đấu thường xuyên bay qua eo biển như một phần của chiến lược "vùng xám" nhằm làm suy yếu Đài Loan bằng các hành động tiến công nhưng không tới mức xung đột toàn diện.
Reuters
Nguồn : VOA, 07/01/2024