Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/01/2024

Đài Loan có tổng thống mới, Trung Quốc cay cú trong bất lực

Rupert Wingfield-Hayes - Minh Anh - Thùy Dương

Đài Loan chọn tổng thống mà Trung Quốc có ác cảm

Rupert Wingfield-Hayes, BBC, 14/01/2024

Tiếp theo là gì ?

Bắc Kinh gọi ông Lại Thanh Đức là "kẻ gây rắc rối" và một "kẻ ly khai" nguy hiểm. Nay, ông ấy sẽ trở thành vị tổng thống tiếp theo của Đài Loan.

dailoan1

Ông Lại Thanh Đức trong một cuộc vận động tranh cử ở Đài Bắc

Việc Trung Quốc tuyên bố Đài Loan thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình không có gì mới – Bắc Kinh coi hòn đảo là một phần lãnh thổ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu thống nhất Đài Loan. Nhưng vào năm ngoái, những lời đe dọa này đã được gia tăng.

Thế nhưng, bất chấp những lời cảnh báo tiếp tục từ phía Trung Quốc đối với việc bỏ phiếu cho Đảng Dân tiến cầm quyền (DPP), hàng triệu người dân Đài Loan đã đến các điểm bỏ phiếu trong bầu trời đầy nắng và ấm áp hôm thứ Bảy 13/1 chỉ để thực hiện điều đó.

Họ chọn bầu vị bác sĩ chuyển sang làm chính trị gia, cựu phó tổng thống 64 tuổi làm người dẫn dắt Đài Loan đi trong mối quan hệ dễ chọc giận Trung Quốc.

Đây là nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có đối với DPP một đảng phái chính trị mà Bắc Kinh coi là quá thiên về hướng vi phạm vào giới hạn chịu đựng của Bắc Kinh - chủ đề Đài Loan độc lập.

Cách ông Lại ứng phó với Bắc Kinh và cách Bắc Kinh phản ứng với ông Lại sẽ định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Bà Thái 3.0 – hay sự khởi đầu hoàn toàn mới ?

Ông Lại đã cam kết nhiệm kỳ của ông sẽ là sự tiếp nối tám năm của người tiền nhiệm, bà Thái Anh Văn.

Thậm chí trong bài phát biểu hôm thứ Bảy 13/1, ông đã rất thận trọng trong ngôn từ và đề nghị đối thoại, hợp tác.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Lại thường nhắc đi lặp nhắc lại công thức của bà Thái, đó là "không cần tuyên bố độc lập, bởi vì Đài Loan đã là một nhà nước có chủ quyền độc lập – tên là Trung Hoa Dân Quốc – Đài Loan".

Tuy nhiên, ông Lại đã từ lâu được xem một người cứng rắn hơn người tiền nhiệm theo đường lối thận trọng Thái Anh Văn.

Ông đã kinh qua những cấp bậc trong đảng DPP, với tư cách thành viên của thành phần "làn sóng mới", ủng hộ Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập.

Ông Lại và phó tổng thống Đài Loan, bà Tiêu Mỹ Cầm là những người bị Bắc Kinh có ác cảm và ngờ vực sâu sắc. Hai người đã bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc lục địa và Hong Kong.

Bà Tiêu, có mẹ là người Mỹ và cha là người Đài Loan, cũng là đại diện mới nhất của Đài Loan tại Hoa Kỳ.

Vì vậy, Trung Quốc không có khả năng có bất kỳ cuộc đối thoại nào với tân tổng thống Đài Loan. Hai bên đã không thiết lập đường dây liên lạc chính thức nào kể từ năm 2016. Trung Quốc đã dừng kênh liên lạc này vào thời điểm đó, do bà Thái bác bỏ việc thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc đại lục.

Kết quả hôm thứ Bảy 13/1 cũng đồng nghĩa với chuyện sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng rất căng thẳng vốn đã tồn tại trên eo biển Đài Loan, với việc tàu thuyền và máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập gần như thường nhật.

Bắc Kinh có thể phát đi tín hiệu không hài lòng với một màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn, như họ đã từng làm khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc vào năm 2022. Đài Bắc khi đó đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành tập trận giả định bao vây đánh chặn hoàn đảo này.

Trung Quốc cũng có thể gia tăng áp lực về kinh tế và quân sự, bằng cách lôi kéo thêm các quốc gia nhỏ, vốn hiện vẫn công nhận Đài Loan là quốc gia có chủ quyền, và trừng phạt thêm những công ty, sản phẩm và người Đài Loan.

Chiến lược của ông Lại trong việc đối đầu với sự đe dọa quân sự từ Trung Quốc là tiếp tục những gì bà Thái đã thực hiện.

Ông Lại đã hứa chi tiêu ngân sách nhiều hơn cho nền quân đội của Đài Loan, tiếp tục chương trình tự đóng tàu ngầm, và thiết lập một mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Bà Thái đã đặc biệt thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ với Washington.

Nhưng sẽ có những quan ngại từ Mỹ về việc nhiệm kỳ tổng thống của ông Lại sẽ mang tính khiêu khích hơn, khi mà ông vốn là một chính trị gia ủng hộ việc Đài Loan độc lập.

Tuy nhiên, người cùng liên danh tranh cử với ông Lại là bà Tiêu lại là một sự tái đảm bảo đối với chính quyền của ông Biden. Bà nhiều khả năng sẽ đảm nhận vai trò đi đầu trong việc thuyết phục Hoa Kỳ rằng có thể tin tưởng vào việc ông Lại sẽ không khiêu khích Bắc Kinh.

‘Tập Cận Bình phải học cách im lặng’

Dù ông Lại có đi nước cờ cẩn trọng đến mức nào, thì Bắc Kinh không thể làm ngơ trước thông điệp mà chiến thắng của ông mang đến.

Các cuộc thăm dò cho thấy đây là cuộc chạy đua rất sít sao nhưng DPP đã chiến thắng với tỷ lệ cách biệt lớn hơn kỳ vọng.

dailoan2

Ông Lại Thanh Đức (trái) được trông đợi sẽ tiếp nối chính sáchcủa người tiền nhiệm Thái Anh Văn (giữa). Ở bìa phải hàng đầu là bà Tiêu Mỹ Cầm, một ngôi sao đang lên của Đảng Dân tiến, là phó tổng thống đắc cử

"Họ đang nói với Trung Quốc là chúng tôi sẽ không lắng nghe các người nữa, tương lai của chúng tôi là sẽ do chính chúng tôi định đoạt, vì vậy Tập Cận Bình cần phải học cách im lặng trong cuộc bầu cử của chúng tôi", một người ủng hộ DPP trẻ tuổi nói với BBC sau khi kết quả trở nên rõ ràng.

Ông Hầu Hữu Nghi (Hou You-ih) và Quốc dân Đảng (KMT), đảng đối lập chính, đã tiến hành một chiến dịch cho thấy những nỗi lo sợ rất thật của người dân Đài Loan về khả năng Trung Quốc tấn công hòn đảo.

Nếu Quốc dân Đảng chiến thắng thì việc đó có thể dẫn tới việc Trung Quốc nhẹ giọng trong việc ra những tuyên bố chống Đài Loan và đe dọa quân sự, và rất có khả năng Bắc Kinh sẽ đồng ý đối thoại với ông Hầu.

Ông Tập đã gặp ông Mã Anh Cửu, cựu Tổng thống Đài Loan, thuộc Quốc dân Đảng hồi năm 2015. Đó là lần đầu tiên mà hai lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc đã gặp mặt trực tiếp kể từ khi cuộc nội chiến Trung Quốc chấm dứt vào năm 1949.

Thế nhưng những người phản đối Quốc dân Đảng thì cáo buộc đảng này có thái độ khuất phục trước Trung Quốc và không bảo vệ hòn đảo một cách nghiêm túc, khi ngăn chặn việc gia tăng ngân sách quốc phòng và giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự xuống còn bốn tháng.

Nỗi lo sợ còn từ việc chính phủ của Quốc dân Đảng có thể khiến Đài Loan dễ bị tổn thương hơn. Các đồng minh mạnh của Đài Loan như Mỹ, đã viện trợ vũ khí cho hòn đảo này sẽ đặt câu hỏi về lý do tại sao họ nên cam kết bảo vệ cho Đài Loan nếu chính hòn đảo này không biết tự vệ một cách nghiêm túc.

Đài Loan hiện có mức ngân sách dành cho phòng vệ là 2,5% GDP, thấp hơn nhiều so với Mỹ, hay các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc trước những thách thức an ninh nghiêm trọng.

Vì vậy, các cử tri dường như đã đưa ra một lựa chọn rõ ràng. Họ hiểu được sự nguy hiểm từ Bắc Kinh và họ thật sự muốn đối thoại. Thế nhưng Quốc dân Đảng không lấy lòng được các cử tri trẻ tuổi, những người ngày càng tự nhận mình là người Đài Loan hơn là Trung Quốc.

Và điều này bất chấp sự thật là Quốc dân Đảng hiện nay hiếm khi nói đến thống nhất, hoặc thậm chí "một Trung Hoa", thay vì đó nói rằng muốn bảo vệ nền hòa bình và an ninh của Đài Loan thông qua mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh.

Vài tháng qua, rõ ràng Đài Loan đã chịu những tổn thất lớn nhất. Các cuộc bầu cử tạo ồn ào trong dư luận, và nền dân chủ còn non trẻ và niềm háo hức mạnh mẽ khi đi bỏ phiếu.

Nền dân chủ tương tự đó cũng khiến sự bất mãn với Đảng Dân tiến ngày càng trở nên rõ rệt – giá nhà ngày càng tăng, đồng lương thì không tăng và cơ hội việc làm ngày càng bị thu hẹp, đã đẩy các cử tri trẻ ngày càng rời xa đảng này.

Và đó là lý do tại são Đảng Dân tiến có thể bị mất thế đa số trong Quốc hội. Quốc dân Đảng thì có liên minh với đảng thứ ba, là Đảng Nhân dân Đài Loan, có khả năng tập hợp các ghế trong quốc hội để giúp siết chặt sự kiểm soát đối với việc ban bố luật – là một cơ hội để ngăn chặn chương trình nghị sự của ông Lại Thanh Đức.

Con đường phía trước vẫn không có gì là bằng phẳng cho Tổng thống Lại. Bên ngoài chính phủ và quốc gia láng giềng khổng lồ của ông vốn vẫn dành cho tân tổng thống Đài Loan một sự ác cảm, nhiệm kỳ của ông ấy sẽ còn bị định hình bởi một cuộc bầu cử khác ở phía kia của Trái Đất.

Ông sẽ phải sẵn sàng cho một đồng minh từ Nhà Trắng rất khác biệt nếu Donald Trump tái đắc cử, trở thành tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ.

Rupert Wingfield-Hayes

Nguồn : BBC, 14/01/2024

*******************************

Đài Loan kêu gọi Bắc Kinh "tôn trọng kết quả bầu cử tổng thống"

Minh Anh, RFI, 14/02/2024

Kết thúc một cuộc vận động tranh cử mang đậm dấu ấn áp lực ngoại giao và quân sự từ Trung Quốc, hôm qua, 13/01/2024, phó tổng thống mãn nhiệm Lại Thanh Đức đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với hơn 40% lá phiếu ủng hộ.

dailoan3

Phó tổng thống Đài Loan mãn nhiệm Lại Thanh Đức giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tổng thống ngày 13/01/2024. AP - Louise Delmotte

Theo kết quả kiểm phiếu gần như chính thức, ông Lại Thanh Đức, ứng viên đảng Dân Tiến về đầu với 40,2% lá phiếu cử tri ; Hầu Hữu Nghi đảng đối lập Quốc Dân Đảng và chủ trương xích lại gần Trung Quốc được 33,4% phiếu bầu và ứng viên thứ ba Kha Văn Triết đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) ở vị trí thứ ba với 26,4% lá phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua cũng cho phép bầu chọn mới 113 nghị sĩ Quốc hội, và trong cuộc bỏ phiếu này, đảng Dân Tiến của ông Lại Thanh Đức mất đa số tuyệt đối. Điều này có nghĩa là đảng Dân Tiến phải kết hợp với một đảng thứ ba, đảng TPP của cựu đô trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết.

Theo nhiều nhà quan sát, đảng TPP đã gây bất ngờ trong suốt chiến dịch vận động tranh cử khi đề cập đến các chủ đề như giá nhà ở, mức lương thấp, tình trạng tham nhũng cũng như nhiều vấn đề xã hội khác khiến giới trẻ Đài Loan lo lắng.

AFP cho biết, ngay sau kết quả bầu cử, bộ Ngoại Giao Đài Loan, trong thông cáo kêu gọi Bắc Kinh "tôn trọng kết quả bầu cử, đối mặt với thực tế và nên từ bỏ trấn áp Đài Loan".

Tổng thống tân cử Lại Thanh Đức, 64 tuổi, con trai một thợ mỏ, tốt nghiệp trường đại học Harvard Hoa Kỳ, cùng với phó tổng thống, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi Khim), cựu đại diện Đài Bắc ở Washington, sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/05/2024.

Từ Đài Bắc, thông tín viên đài RFI, Adrien Simorre cho biết đôi nét về tổng thống tân cử Đài Loan :

"Đây là một nhân vật bí ẩn nhưng không khoan nhượng. Đây là cách những người biết ông ấy mô tả về tân lãnh đạo của Đài Loan, Lại Thanh Đức, đã đắc cử một cách thoải mái ngày hôm qua trước đối thủ Quốc Dân Đảng.

Lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở ngoại ô Đài Bắc, trở thành bác sĩ, Lại Thanh Đức đã dấn thân vào chính trường sau những đợt tập trận lớn của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan năm 1995.

Theo những người thân cận của ông, thì giai đoạn này đã khiến ông tin rằng phải dấn thân để bảo vệ nền dân chủ của hòn đảo, một mục tiêu mà ông chưa bao giờ rời bỏ kể từ đó.

Nhưng Trung Quốc tỏ ra cảnh giác về ông. Lại Thanh Đức được coi là người xuất thân từ một cánh trong đảng Dân Tiến, ủng hộ chính thức đòi độc lập cho Đài Loan, nghĩa là tuyên bố một nước Cộng Hòa Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Lại Thanh Đức từ nhiều tháng nay lặp lại rằng ông không có ý định nào vượt lằn ranh đỏ do Bắc Kinh vạch ra. Hơn nữa, vừa mới đắc cử, Lại Thanh Đức đã nhắc lại sự gắn bó của ông với nguyên trạng và, xin trích, "không khiêu khích Trung Quốc".

Dù vậy, tân lãnh đạo cũng nhắc lại những đường lối chính của đảng mình, đặc biệt là việc củng cố quốc phòng cho quần đảo và cuộc chiến chống sự can thiệp của Trung Quốc."

Minh Anh

Nguồn : RFI, 14/01/2024

************************

Bắc Kinh : Thống nhất Đài Loan với Hoa Lục là điều "không thể tránh khỏi"

Thùy Dương, RFI, 14/01/2024

Ngay sau khi kết quả bầu cử Đài Loan được công bố vào đêm qua 13/01/2024, Bắc Kinh đã khẳng định việc Trung Quốc thống nhất Đài Loan là điều "không thể tránh khỏi". Sáng hôm nay, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định trên mạng xã hội X : "Đài Loan là của Trung Quốc".

dailoan4

Cử tri ủng hộ đảng Dân Tiến vui mừng thắng lợi sau kết quả bầu cử ngày 14/01/2024. AP - ChiangYing-ying

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết chi tiết :

"Vào đêm qua, khi kết quả bầu cử Đài Loan được công bố, các mạng xã hội và các trang truyền thông Nhà nước Trung Quốc im lìm như có thể nghe được cả tiếng muỗi đang vo ve. Đó là một sự im lặng đáng ngạc nhiên nếu so với niềm hân hoan của các cử tri đảng Dân Tiến ở Đài Loan. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là 69%, thấp hơn tỉ lệ 74% được ghi nhận hồi năm 2020, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi Đài Loan chuyển sang chế độ dân chủ, có một đảng thắng cử ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Người Trung Quốc không được nghe nhắc đến điều này. Phải đợi đến 22h45 thì thông cáo của phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan, thuộc chính phủ Trung Quốc, mới được Tân Hoa Xã đăng tải. Phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan, Trần Bân Hoa (Chen Binhua), cho rằng kết quả bầu cử không đại diện cho ý kiến ​​đa s c tri Đài Loan, và nht là làm không thay đổi bt c điu gì trong mc tiêu Bc Kinh đã đề ra. Nhân vt này tuyên b : "Quyết tâm thng nht quc gia ca chúng ta vng như bàn thch", trong khi các cư dân mạng có tư tưởng dân tộc nổi cơn thịnh nộ trên các mạng xã hội và đề nghị Quân đội Giải phóng Nhân dân có sự can thiệp nhanh chóng vào Đài Loan.

Sự kiêu ngạo dân tộc quá đà cũng đã nhanh chóng bị kiểm duyệt ? Đúng vậy, các nhà kiểm duyệt làm việc cả trong ngày cuối tuần ở Trung Hoa đại lục".

Về phản ứng của Đài Bắc, sau khi thông cáo của Văn phòng Sự vụ Đài Loan, thuộc chính phủ Trung Quốc, được công bố, bộ Ngoại Giao Đài Loan hôm nay 14/01 ra thông cáo lên án "những bình luận vô lý và sai lầm" của Bắc Kinh, đề nghị Trung Quốc "tôn trọng kết quả bầu cử" tổng thống Đài Loan, "đối diện với thực tế và từ bỏ việc đàn áp Đài Loan".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 14/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Rupert Wingfield-Hayes, Minh Anh, Thùy Dương
Read 8682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)