Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/01/2024

Pháp khó "chen chân" vào thị trường vũ khí Việt Nam

Nguyễn Thế Phương, Thu Hằng

Năm 2023, Việt Nam và Pháp đánh dấu kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Pháp là đối tác thương mại Châu Âu lớn thứ hai của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực từ khoa học công nghệ đến văn hóa. Về quốc phòng, hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028 và Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng.

vietphap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 04/11/2021.  AP - Lewis Joly

Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng giữa hai nước hiện chỉ dừng ở "phần mềm". Hoạt động song phương gần đây nhất là Đối thoại hợp tác và chiến lược quốc phòng Việt - Pháp lần thứ ba tại Paris ngày 18/12/2023. Theo trang Vietnam News ngày 20/12, hai bên nhất trí trong thời gian tới, "tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng thiết thực, hiệu quả […] nghiên cứu ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác, huấn luyện, tăng cường hợp tác quân y, hợp tác về an ninh biển, an ninh mạng, chống khủng bố và khắc phục hậu quả sau chiến tranh".

Dù Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, Pháp vẫn không thể "chen chân" với các đối tác khác của Hà Nội. Lý do tại sao ?

RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, tại Canberra, Úc.

---------------------

RFI : Một số nhà sản xuất vũ khí, trang thiết bị quốc phòng Pháp tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 và cho biết sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Hiện giờ Pháp hợp tác với Việt Nam trong những mảng nào ?

Nguyễn Thế Phương : Hiện nay, quan hệ quốc phòng Việt-Pháp có nhiều mảng khác nhau, có cả mua bán vũ khí, nhưng phần lớn liên quan đến những lĩnh vực hợp tác mang yếu tố ngoại giao quốc phòng. Ví dụ Pháp hỗ trợ Việt Nam mảng gìn giữ hòa bình. Pháp đào tạo cho các sĩ quan Việt Nam một số mảng như quân y, tình báo, công nghiệp quốc phòng. Hai bên phối hợp tăng cường thấu hiểu lẫn nhau, như trao đổi quan điểm trong các tổ chức đa phương.

Mối hợp tác như vậy nổi trội hơn hẳn so với "phần cứng", ví dụ mua bán vũ khí. Hiện nay, chỉ có Airbus là có hợp tác quốc phòng "sâu rộng" với Việt Nam. Nhưng phải nói Airbus không phải là của Pháp mà là của Châu Âu. Mua bán ở đây chủ yếu là máy bay trực thăng. Việt Nam hiện có tầm 12-15 máy bay trực thăng mua từ Airbus. Mối quan hệ giữa quân đội Việt Nam với Airbus cũng tương đối ổn khi mà danh mục mua sắm vũ khí của Việt Nam đang quan tâm tới rất nhiều loại máy bay. Mục đích chủ yếu hiện nay mới là tìm hiểu và xem sắp tới Việt Nam có thể hợp tác nhiều hơn với Pháp hay không, đặc biệt là thông qua Airbus.

Ngoài lĩnh vực hàng không còn phải nói đến lĩnh vực vũ trụ khi mà Pháp hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề chế tạo một số loại vệ tinh nhỏ, ví dụ VNREDSat. Đó là một loại vệ tinh mà Việt Nam và Airbus hợp tác với nhau liên quan tới hàng không vũ trụ. Còn những vấn đề mua bán vũ khí không được nổi trội lắm.

Hiện tại, hợp tác quốc phòng Việt-Pháp không nổi bật lắm khi so với hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước khác, ví dụ với Israel hay với Ấn Độ.

RFI :Vũ khí, khí tài của Pháp - một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới - vắng bóng trong kho của Việt Nam. Đâu là lý do giải thích cho hiện tượng này ?

Nguyễn Thế Phương : Có khá nhiều lý do. Hợp tác quốc phòng Việt-Pháp thực ra đã được khởi động từ những năm 1990 khi Việt Nam bắt đầu bình thường hóa với các nước phương Tây, cũng như tìm cách hội nhập với thế giới. Một trong những nước đầu tiên mà Việt Nam tiếp cận liên quan đến vấn đề hiện đại hóa, chính là Pháp. Điển hình là hợp đồng Việt Nam muốn mua khoảng 12 máy bay Mirage-2000 của Pháp trong những năm 1995-1996. Hợp đồng đó bị đổ bể bởi vì trong giai đoạn đó Việt Nam vẫn bị cấm vận vũ khí. Mỹ là nước ngăn cản thương vụ đó.

Từ giai đoạn đó cho tới gần đây, rõ ràng là vũ khí Pháp, đặc biệt là các vũ khí mang tính "nóng", tức là đánh nhau được và các vũ khí phức tạp, hoàn toàn không thể chen chân vào thị trường vũ khí Việt Nam được.

Thứ nhất là do vấn đề chính trị, cấm vận vũ khí tới tận 2016 Mỹ mới dỡ bỏ. Thứ hai là vấn đề tích hợp. Điểm này cũng giống với tất cả các loại vũ khí phương Tây khác khi mà Việt Nam đã sử dụng vũ khí hệ Nga-Liên Xô quá lâu. Có nghĩa là toàn bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, huấn luyện, mua sắm liên quan đến hệ vũ khí Nga-Liên Xô nên khi chuyển đổi một hệ vũ khí khác thì sẽ rất tốn kém. Nhưng đó chỉ là một phần. Điểm tiếp theo là giá của vũ khí, đặc biệt là các loại như máy bay, tầu chiến, có nghĩa là các loại vũ khí lớn của Pháp quá mắc. Điều này dẫn tới Việt Nam khá e ngại mua các loại vũ khí của Pháp nói riêng. Vì ngoài Airbus, Pháp còn có nhiều nhà thầu lớn như Dassault, nhưng những loại vũ khí đó so với nhu cầu của Việt Nam hiện tại thì giá thành mắc. Cho nên Việt Nam phải có những lựa chọn khác, rẻ hơn nhưng phù hợp với chi phí vận hành, bảo dưỡng, huấn luyện mà Việt Nam hiện có. Đó cũng là một trong những ba lý do chính.

Ngoài ra còn có những lý do đằng sau, ví dụ liên quan đến tham nhũng. Ví dụ hợp đồng Việt Nam mua ba máy bay vận tải tầm trung của Airbus. Mặc dù không liên quan đến Pháp lắm nhưng có vấn đề liên quan đến cách hai bên mua sắm vũ khí. Quá trình mua sắm vũ khí gặp phải một số bất trắc dẫn tới là hai bên nhiều khi không tìm được tiếng nói chung để có thể đi tới hoàn tất hợp đồng đó. Tham nhũng là một phần. Đây là một yếu tố phụ.

Do đó, vũ khí Pháp, cho tới thời điểm hiện tại, hầu như vắng bóng trong toàn bộ quá trình thảo luận liên quan đến hiện đại hóa, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

RFI :Chúng ta thấy Pháp bán vũ khí cho Indonesia, Malaysia. Ngoài những lý do như vừa nêu về giá, khả năng tích hợp, cấm vận cho đến năm 2016, liệu còn có trở ngại nào khác không, ví dụ vấn đề địa-chính trị, điểm nóng Biển Đông có liên quan đến Trung Quốc ?

Nguyễn Thế Phương : Vấn đề ở đây không phải là từ phía Pháp mà là nhu cầu, cũng như sự lựa chọn của Việt Nam như thế nào. Vấn đề chính từ phía Việt Nam cũng không hẳn là vấn đề lo ngại Trung Quốc hay điều gì khác. Bởi vì nếu lo ngại với Trung Quốc thì Việt Nam đã không hợp tác sâu hơn với Mỹ về vấn đề quốc phòng. Tức là Việt Nam đã hợp tác với Mỹ rồi thì không có cớ gì mà không hợp tác với Pháp được cả. Phải nhấn mạnh như vậy !

Cái chính vẫn là liên quan tới vấn đề giá cả, cũng như lợi ích của loại vũ khí. Bởi vì hiện nay, so với các loại vũ khí Pháp, đặc biệt là những loại vũ khí lớn như máy bay chiến đấu, tầu chiến, thì lựa chọn thay thế của Việt Nam rất là nhiều. Mặc cho cuộc chiến của Nga ở Ukraina, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Nga hiện nay vẫn tốt. Ngoài ra còn có rất nhiều quốc gia khác có thể cung cấp vũ khí tương tự với giá rẻ hơn, ví dụ trong tương lai là Hàn Quốc hoặc các quốc gia Đông Âu như CH Séc và đặc biệt là Mỹ, khi mà quan hệ Việt-Mỹ giờ đã lên mức "đối tác chiến lược toàn diện" thì khả năng trong tương lai ngắn, tầm 5 năm nữa, Mỹ chuyển giao cho Việt Nam một số loại vũ khí "bự", chẳng hạn máy bay, có tin đồn Mỹ có thể cung cấp F-16 cho Việt Nam.

Điều này dẫn tới khả năng cạnh tranh của các loại vũ khí Pháp nói riêng và Tây Âu nói chung ở thị trường Việt Nam hiện nay tương đối là yếu và khả năng có được một hợp đồng lớn nào đó giữa Việt Nam và Pháp hiện nay khá là thấp.

Ngoài những vũ khí mà Tây Âu có thế mạnh, như trực thăng, cũng như những loại máy bay vận tải tầm trung, thì còn có khả năng nhưng thị trường đó hiện cũng bị cạnh tranh rất gay gắt, trong đó phải kể đến những nước có thể cạnh tranh nhất, ví dụ Nga - thị trường truyền thống của Việt Nam, tiếp theo là Hàn Quốc khi họ bắt đầu vươn lên thành một quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 4, thứ 5 trên thế giới. Do đó, khả năng cạnh tranh của vũ khí Pháp hiện nay ở thị trường Việt Nam cũng xuống đi rất nhiều.

Nói tóm lại vẫn là yếu tố khả năng cạnh tranh của vũ khí Pháp và nhu cầu của Việt Nam thông qua đánh giá về giá cả cũng như lợi ích mà vũ khí đó mang lại cho Việt Nam cũng như với chiến lược quốc phòng tổng thể của Việt Nam. Còn vấn đề liên quan đến địa-chính trị cũng có nhưng không quan trọng trong cân nhắc của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến mua bán vũ khí hoặc tiềm năng hợp tác quốc phòng với Pháp.

RFI :Vậy trong tương lai, Pháp và Việt có thể tiếp tục hợp tác trên khía cạnh nào ?

Nguyễn Thế Phương : Vấn đề có thể được đẩy mạnh trong tương lai là hai bên tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng. Ví dụ Pháp và Việt Nam có một số chương trình hợp tác chung để phát triển chung một loại vũ khí nào đó hoặc phát triển được một công nghệ vũ khí nào đó cho Việt Nam. Điều này có thể có khả năng xảy ra, thậm chí là còn cao hơn rất nhiều so với việc Việt Nam mua một loại vũ khí nào đó của Pháp. Bởi vì chính sách hiện nay của Việt Nam cũng là ưu tiên tăng cường kết nối giữa Việt Nam và các nước tiên tiến và giúp đỡ Việt Nam phát triển công nghiệp quốc phòng thay vì mua sắm vũ khí của nước ngoài.

Ưu tiên này cũng dẫn tới khả năng trong tương lai ngắn sẽ không có một hợp đồng lớn nào liên quan đến kiểu mua máy bay, tầu ngầm, tầu chiến mà chỉ là những "phần mềm" đằng sau : hợp tác về gìn giữ hòa bình, huấn luyện cũng như là liên quan tới công nghiệp quốc phòng là chủ yếu. 

RFI :RFI tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 15/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thế Phương, Thu Hằng
Read 162 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)