Lần ‘ẩn hiện" mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng và những đồn đoán liên quan !
Diễm Thi, RFA, 16/01/2024
Ông Nguyễn Phú Trọng vào ngày 26/12/2023 xuất hiện trong cuộc gặp người đứng đầu đảng cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii khi ông này đến thăm Việt Nam.
Từ trái qua : Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến tham dự lễ khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội hôm 15/1/2024 - AFP
Sau đó, ông Trọng không xuất hiện để đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trong chuyến thăm hai ngày 6 và 7/1/2024 ; tiếp đó, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cũng không ra mặt tiếp Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 đến 13/1/2024.
Mạng báo Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết ông Trọng phải nhập viện. Đây cũng là thông tin được mạng xã hội đồn đoán khi ông Trọng vắng mặt trong các buổi tiếp đón các nguyên thủ Indonesia và Lào.
Đến sáng 15/1/2024, ông Trọng xuất hiện tại lễ khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội với tư cách "khách mời và lãnh đạo Đảng, Nhà nước".
Chuyện một số lãnh đạo đột nhiên không xuất hiện trước công chúng một thời gian rồi lại xuất hiện, hoặc tử vong như trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh đi Mỹ, ông Trần Đại Quang đi Nhật, ông Phùng Quang Thanh đi Pháp… khiến công luận đặt ra nhiều đồn đoán.
Trung tá bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA quan điểm của ông về chuyện ông Nguyễn Phú Trọng vừa qua :
"Theo luật, sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia cho nên họ không có nghĩa vụ phải cung cấp cho người khác biết. Vì bí mật nên họ làm gì là quyền của họ, người dân không có quyền được biết ; không có quyền giám sát. Mà chính vì không được biết nên dân mới bàn tán, có thể đúng có thể trật, có thể vừa đúng vừa trật. Ở Việt Nam đó là chuyện bình thường. Không có thông tin chính thống cho nên thông tin lan truyền trên mạng có thể đúng, có thể sai, và chính quyền có thể căn cứ vào chuyện nói sai để bắt với tội tuyên truyền sai sự thật gây hoang mang dư luận.
Về mặt Nhà nước, họ có quyền không thông báo tình trạng sức khỏe lãnh đạo. Về phía người dân thì họ có quyền suy đoán nhưng suy đoán có khi vô tình rơi vào cái bẫy người ta dựng lên. Thực tế như vậy.
Ở Trung Quốc ngày xưa, khi ông Đặng Tiểu Bình lên, ổng để ‘bức tường dân chủ’ ở Bắc Kinh. Ai có ý kiến gì thì viết lên. Thời ông Mao thì có ‘trăm hoa đua nở’ ai muốn nói gì thì nói. Nhưng khi dân nói ra, biểu lộ chính kiến thì bị bắt với lý do ý kiến đó gây hoang mang, gây dao động hay xúc phạm lãnh đạo chẳng hạn".
Cuối tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định 1295 của Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế. Theo đó, hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe... của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng thuộc danh mục ‘tối mật’.
Việc ông Trọng "biến mất" đưa đến nhiều đồn đoán trong công chúng. Có dư luận cho rằng ông Trọng sắp chết do bệnh nặng ; có dư luận cho rằng ông Trọng "giả chết bắt quạ". Ông Trần Tiến Đức, cựu cố vấn của Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nhận định với RFA, có thể đây là trò chơi chính trị nội bộ :
"Chuyện các vị lãnh đạo biến mất rồi lại xuất hiện thì cũng cần tìm hiểu xem lý do là gì. Nhưng chính trường Việt Nam họ cũng quen với việc đó rồi. Nhiều khi thật ra đấy là những trò chơi chính trị nội bộ. Theo tôi, đông đảo công chúng người ta cũng không quan tâm lắm những chuyện ấy. Ở Việt Nam bây giờ cũng như Liên Xô trước đây, sức khỏe lãnh đạo bao giờ cũng là tuyệt mật. Chính vì thế nên chuyện nội bộ lãnh đạo họ có chuẩn bị lực lượng thay thế hay không thì cũng không ai biết.
Công chúng thì không biết nhiều thông tin về sức khỏe của họ. Chỉ khi nào họ xuất hiện trước công chúng thì cứ nghĩ là họ khỏe. Nhưng công chúng có sự quan sát thấy ông đi đúng không vững vàng, phải dựa vào cái này cái nọ thì họ nghĩ ông không được khỏe lắm. Cũng có vị lãnh đạo thừa nhận sức khỏe họ không đủ nhưng họ vin vào bây giờ được Đảng tín nhiệm nên buộc phải thực hiện trọng trách Đảng giao… Những chuyện như thế không phải chỉ một lần mà đã xảy ra đến hai lần nên công chúng cũng chẳng quan tâm lắm".
Giữa tháng 4/2019, các trang mạng xã hội dồn dập đưa tin ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ trong chuyến thăm tại Kiên Giang rồi đưa về bệnh viện tỉnh, rồi về thành phố và rồi đưa về Hà Nội. Trong khi đó, báo chí Nhà nước hoàn toàn im lặng, không đưa bất cứ thông tin nào về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Khoảng một tháng sau, truyền thông trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra trước Quốc hội đọc tờ trình tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO vào ngày 29/5/2019. Tuy nhiên đến thời điểm đó, ông Trọng không xuất hiện mà người đọc tờ trình là bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Đến ngày 18/6/2019, truyền thông Nhà nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm vào ngày hôm sau. Tin vừa loan thì bị gỡ xuống. Đến ngày 19/6, báo Nhà nước cho hay ông Trọng "bận công tác" nên không thể tham dự cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội như đã thông báo.
Tình hình sức khỏe của các vị lãnh đạo, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng được dư luận quan tâm, bởi ông Trọng với chức danh là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng thực tế ông là lãnh đạo cao nhất nước, bởi theo Hiến pháp Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo toàn diện. Chẳng những dư luận thắc mắc về tình hình sức khỏe của ông Trọng, mà dư luận còn đặt câu hỏi về người thay thế, nếu ông Trọng có mệnh hệ gì.
Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA quan điểm của ông :
"Tôi thấy rằng ở Việt Nam, về mặt phẩm chất, năng lực thì tất cả các cán bộ họ cũng na ná như nhau. Mục đích hoạt động của từng cá nhân cán bộ cũng như của cả Đảng cộng sản Việt Nam không phải vì lợi ích của đất nước Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Thế cho nên, việc người này hay người kia đi chữa bệnh vài ba tháng, nửa năm, thậm chí qua đời thì cũng không ảnh hưởng gì đến lợi ích của đất nước, của nhân dân cả. Thực tế là khi công chúng nghe tin lãnh đạo cao nhất nước bị ốm hay sắp mất thì người ta tỏ ra vui mừng".
Ông Trí nói thêm, chuyện sinh-tử là chuyện rất bình thường của mỗi con người nhưng Chính phủ cũng phải nói dối, chẳng hạn như ông Hồ Chí Minh chết ngày 2/9/1969 nhưng lại công bố chết vào ngày 3/9. Đến năm 1989 mới có nghị quyết của Bộ chính trị khẳng định ông Hồ chết vào ngày 2/9/1969. Ông Trí kết luận, những điều đó khiến công chúng ngày càng mất niềm tin vào thông tin từ cơ quan chính thống.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 16/01/2024
*************************
Nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ ốm nhẹ’
VOA, 16/01/2024
Có những chỉ dấu cho thấy việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong nhiều ngày chỉ là do ‘ốm nhẹ’ và có khả năng chính quyền lợi dụng việc này để ‘dẹp loạn trên mạng xã hội’, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với VOA.
Ông Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/9 năm 2023
Sau nhiều ngày vắng bóng thì cuối cùng ông Trọng đã xuất hiện trở lại tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 vào sáng ngày 15/1 năm 2024, hình ảnh trực tiếp của các kênh truyền hình cho thấy cũng như báo chí trong nước đồng loạt loan tin.
Theo đó, khi được xướng tên, ông Trọng dường như đứng lên một cách khó nhọc với hai tay ghì chặt vào bàn để nhận tiếng vỗ tay chúc mừng của các đại biểu Quốc hội trong khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngồi sát bên dường như có ý muốn đỡ ông Trọng đứng dậy.
Sự xuất hiện trở lại này của ông Trọng ngay lập tức đã dập tắt những đồn đoán râm ran trên mạng xã hội về việc ông Trọng đã rơi vào hôn mê hay thậm chí là đã qua đời và đang được chuẩn bị hậu sự.
Đây không phải là lần đầu tiên những tin đồn trên mạng xã hội về sức khỏe của tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam bị chứng tỏ là sai. Hồi tháng Tư năm 2019, ông Trọng cũng từng bị đồn là bị đột quỵ khi ông vắng mặt suốt một tháng sau chuyến kinh lý đến tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, sau đó ông đã xuất hiện trở lại trong trạng thái khoẻ mạnh và thực thi chức trách cho đến nay.
Trên trang cá nhân của mình, facebooker Hoàng Dũng, một trong những người đưa tin về việc ông Trọng đã chết và nội bộ Đảng cộng sản đang tìm người kế nhiệm, đã đăng bài xin lỗi vì đã ‘bị việt vị’.
"Nhận được tin Trọng (qua đời), mình có kiểm tra chéo, có thẩm định nhưng đã bị cảm xúc chi phối dẫn đến việc tin chắc rằng Trọng đã chết. Thực ra, chỉ ở mức nhập viện", facebooker đồng thời là nhà hoạt động này viết hôm 16/1, một ngày sau khi ông Trọng tái xuất.
"Xin được nhận lỗi về việc đưa tin sai vừa rồi", ông Dũng viết và nói thêm rằng ‘chắc chắn trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục bị niềm tin ông Trọng (sức khỏe yếu) chi phối’ nhưng ông ‘sẽ cân nhắc kỹ hơn’.
Ông Hoàng Dũng thừa nhận khi loan tin về ông Trọng ông ‘hy vọng vào những xáo trộn mạnh mẽ trong nội bộ của họ’.
Trong một bài viết được nhiều người chia sẻ lại trên Facebook, trang ‘Nam Quốc Sơn Hà’ cho rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện là ‘cái tát cho những cái miệng độc của bè lũ chống phá’ và gọi những người loan tin về sức khỏe ông Trọng là ‘bọn cơ hội chính trị, bọn thoái hóa biến chất, bọn ưng khuyển chống phá cách mạng’.
"Một lần nữa, chúng ta thấy rõ bộ mặt của chúng", trang ‘Nam Quốc Sơn Hà’ viết.
‘Dẹp tan dư luận’
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà quan sát chính trị và là blogger thường được biết đến với tên gọi Ba Sàm, cho biết trong thời gian ông Trọng biến mất, ông nhận được ba luồng tin khác nhau là ‘ông Trọng qua đời’, ‘ông Trọng hôn mê sâu’ và ‘ông Trọng bị ốm nên nhập viện’.
"Hai cái tin đầu đã chứng tỏ là sai, còn tin thứ ba cho rằng ông chỉ bị cảm cúm gì đấy thôi là đúng, vì qua hình ảnh trên truyền hình tôi thấy ông Trọng còn hát Quốc ca được", ông Vinh nói.
"Ông ấy chỉ bị ốm nhẹ nhưng vì cẩn trọng nên ông ấy được nhập viện và không tham gia các cuộc gặp quan trọng", blogger này nhận định. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ‘chắc chắn ông Trọng yếu hơn trước do mới bệnh dậy’.
Ông Vinh cho rằng việc ông Trọng có mặt tại phiên khai mạc một kỳ họp Quốc hội là cần thiết và ‘cũng là để đánh tan dư luận’. Theo quan sát của ông, lần này chính quyền Việt Nam đã có phản ứng nhanh hơn trong việc đối phó với tin đồn trong khi hồi năm 2019, tin đồn về ông Trọng ‘đột quỵ’ đã âm ỉ được 10 ngày thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, mới lên tiếng là ‘ông không được khỏe’.
Theo phân tích của ông thì bộ máy tuyên truyền của chính quyền Việt Nam ‘đã được đắc ý’ và nhân cơ hội này đả phá các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
"Họ muốn cảnh báo dư luận mạng xã hội và vỉa hè đừng có đồn đoán lung tung, đừng có bịa đặt làm hoang mang dư luận mà hãy chờ thông tin chính thức của Nhà nước".
Ông cho rằng giả sử ông Trọng qua đời hay nằm liệt giường thì Việt Nam ‘sẽ rơi vào khoảng trống quyền lực’ kích hoạt cuộc đua tìm người chấp chính. "Hoàn cảnh rất nhạy cảm phù hợp với mong muốn của nhiều người loan tin đồn", ông nói.
Nhận định về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, blogger Ba Sàm nói ‘nếu như hết sức giữ gìn, hạn chế những hoạt động xuất hiện hay đi lại thì ông ấy có thể giữ được sức khoẻ để cầm cự đến Đại hội Đảng’.
Tại kỳ Đại hội Đảng kế tiếp vào năm 2026, Đảng cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ chỉ định người thay thế ông Trọng, người đã nắm quyền Tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp, nhiều hơn bất cứ ai kể từ thời ông Lê Duẩn.
Hai cuộc tiếp xúc vừa rồi với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 năm ngoái theo ông Vinh là ‘quá dồn dập, không tốt cho ông Trọng’.
"Người đã từng bị tai biến thì rất dễ bị lại, mà đã bị lại thì sẽ rất nặng", ông cảnh báo.
Khi được hỏi liệu Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam có chuẩn bị ‘kế hoạch B’ cho trường hợp sức khỏe ông Trọng xấu đi hay không, ông Vinh nói ‘họ có kế hoạch dự phòng nhưng khó mà vừa ý ông Trọng’.
"Tôi tin là ông Nguyễn Phú Trọng chưa ưng ý và yên tâm được một ai để kế nhiệm ông", ông Vinh nói. "Có lẽ người ông tương đối tin tưởng thì vẫn còn non, không có đủ uy tín và quyết tâm làm tới cùng công cuộc đốt lò này".
Nguồn : VOA, 16/01/2024