Thấy gì từ phiên tòa xét xử 100 người vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk ?
Đặng Đình Mạnh, BBC, 17/01/2024
Phiên tòa xét xử vụ án nổ súng tấn công trụ sở chính quyền xã tại tỉnh Đắk Lắk một lần nữa khơi lại những mâu thuẫn tích tụ lâu nay ở Tây Nguyên. Áp dụng hình thức xét xử lưu động đối với phiên tòa này cũng là điều đáng nói.
Gần 100 bị cáo trong phiên xét xử lưu động tại tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam, với cáo buộc "khủng bố" sau vụ xả súng khiến chín người thiệt mạng ở Tây Nguyên
Ngày 16/01/2024, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án nổ súng của đồng bào người Thượng tấn công vào trụ sở chính quyền xã vào trung tuần tháng 6/2023 ra xét xử lưu động theo thủ tục hình sự sơ thẩm. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày.
Báo chí trong nước khi đưa tin phiên tòa đều gọi các bị cáo là "khủng bố", tạo ra cái nhãn "có tội" cho tất cả những người này dù chưa hề có bản án có hiệu lực của tòa.
Theo dõi qua quá trình chính quyền trong nước tổ chức đàn áp người Thượng một cách có hệ thống kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua, dù không tán thành việc dùng bạo lực của một số bị cáo, nhưng tôi thấy rõ ràng hành vi tấn công của người Thượng là phản ứng từ sự dồn nén, phẫn uất quá lâu của họ, mà sự kiện ngày 11/06/2023 tựa như một sự tức nước vỡ bờ.
Sự đàn áp của chính quyền với đồng bào người Thượng thể hiện rõ nét nhất qua hai lĩnh vực : tôn giáo và đất đai.
Về tôn giáo và đất đai
Hiến pháp Việt Nam long trọng thừa nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng qua nhiều vụ án đàn áp tôn giáo mà người viết đã từng bào chữa với tư cách là luật sư, liên quan đến : Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Công giáo, Tin lành, Pháp Luân Công… nhất là sau những chuyến đi lên Tây Nguyên tham gia bào chữa trong nhiều vụ án, bao gồm cả vụ án sát hại linh mục Trần Văn Thanh, người viết càng có cơ sở để khẳng định rằng quyền tự do tôn giáo chưa bao giờ tồn tại ở Việt Nam.
Có thể thấy chính quyền có chủ trương đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống, rộng khắp trên toàn lãnh thổ và khốc liệt nhất là trên cao nguyên với đồng bào người Thượng. Nhiều linh mục Công giáo và mục sư Tin lành truyền giáo tại khu vực Tây Nguyên là nhân chứng của chuyện này.
Về đất đai, trước nay, vùng Tây Nguyên vẫn là nơi sinh sống truyền thống từ tổ tiên bao đời của người Thượng. Đến thời điểm sau năm 1975, chính quyền trong nước dần dần đưa dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào xâm chiếm đất đai của người Thượng.
Đó là chưa kể chính quyền cũng ra tay cướp đoạt đất đai của họ.
Gần đây nhất là việc cưỡng chiếm đất đai, nhà cửa của hàng chục hộ dân ở 2 xã Ea Ktur và Ea Tieu mà không hề bồi thường trong dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh và đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột. Việc thứ hai là chính quyền đã huy động cảnh sát cơ động đến để đàn áp, đánh đập, gây thương tích cho đồng bào người Thượng đang phản đối chính quyền cho xây dựng, xả thải vào hồ Ea M’tá.
Trước đó, đồng bào người Thượng đã từng xuống đường vào các năm 2001, 2004 và 2008 để phản đối một cách ôn hòa các chính sách chèn ép, đối xử bất bình đẳng với người dân tộc. Đổi lại, chính quyền đều tổ chức đàn áp đối với họ.
Cho nên, sự kiện một số đồng bào người Thượng phải sử dụng súng bắn vào trụ sở chính quyền vào tháng 6/2023 có thể là tiếng nói phản kháng, uất ức, tức nước vỡ bờ của họ đối với chính quyền mà thôi.
Về việc xét xử lưu động
Việc chính quyền đưa ra xét xử hình sự lưu động đối với 100 người Thượng tại Đắk Lắk vào ngày 16/1/2023 là một sự kiện hết sức đáng lên án, gây ngạc nhiên với công chúng hiểu biết về các hoạt động tư pháp nước nhà, nhất là trong bối cảnh hình thức xét xử này đã được ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị dừng thực thi từ năm 2018 vì mặt hạn chế của nó.
Vì lẽ, xét xử lưu động là tàn tích xét xử man rợ, vô nhân đạo từ xa xưa để lại mà khi đó, việc xét xử không phải bằng một hội đồng xét xử mà hầu như bằng cả cộng đồng như bộ tộc cùng tham gia xét xử. Thậm chí, việc thi hành án được thực hiện ngay tại chỗ bằng cách đám đông ném đá trừng trị người bị xét xử.
Tuy luật về tố tụng hình sự Việt Nam chưa từng quy định thủ tục xét xử lưu động, nhưng nhiều tòa án đã tùy tiện quyết định việc xét xử lưu động các vụ án hình sự. Thậm chí, đã từng có bị cáo tự tử vì xấu hổ khi biết vụ án mình sẽ bị đưa ra xét xử theo thủ tục lưu động trước công chúng tại địa phương nơi người này sinh sống.
Hơn nữa, thủ tục này cũng không bảo đảm một loạt nguyên tắc hình sự căn bản như "Suy đoán vô tội", hoặc "Một người chỉ được xem là tội phạm khi có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật", hay "Nguyên tắc thẩm phán độc lập xét xử" và "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật"... Vì lẽ, khi đưa ra xét xử, thì bị cáo vẫn chưa phải là tội phạm, do đó, trình bày hành vi của họ như một hành vi tội phạm ra trước mặt công chúng là bất hợp pháp và không chính đáng. Chưa kể rằng thái độ xét xử của hội đồng xét xử và phản ứng của công chúng qua diễn biến trong phiên tòa cũng sẽ tạo sự tác động qua lại, làm ảnh hưởng đến sự độc lập xét xử của thẩm phán, cũng như yêu cầu xét xử khách quan của hội đồng xét xử.
Ngoài ra, việc xét xử lưu động còn gây hậu quả kéo dài cho đến khi người bị xét xử đã thụ án xong, trở về địa phương, thì sự hòa nhập của họ với xã hội sẽ càng khó khăn với những định kiến trước đó của công chúng địa phương đối với họ qua phiên tòa lưu động.
Thế nên, đánh giá tổng quát, quyết định xét xử lưu động của chính quyền tỉnh Đắk Lắk không chỉ không chính đáng, mà còn vi phạm một loạt nguyên tắc hình sự cơ bản, trong đó có cả vấn đề phân biệt sắc tộc và là sự vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng.
Tôi nghĩ rằng, thế giới văn minh cần lên án loại hình này của nền tư pháp trong nước.
Đặng Đình Mạnh
Nguồn : BBC, 17/01/2024
Tác giả Đặng Đình Mạnh, một luật sư nhân quyền, từng tham gia Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trong gần 28 năm. Tháng 6/2023, luật sư Mạnh sang Mỹ tị nạn.
**************************
100 bị cáo trong vụ bạo động Đắc Lắc bị đưa ra xét xử
VOA, 16/01/2024
Tòa án tỉnh Đắc Lắc hôm 16/1 đã đưa ra xét xử vụ tấn công đẫm máu vào các trụ sở chính quyền xã cách nay hơn 7 tháng mà họ gọi là ‘khủng bố’ với số bị cáo lên đến 100 người, báo chí trong nước đưa tin.
Các bị cáo vụ tấn công Đắc Lắc đối mặt mức án lên đến tử hình (Ảnh chụp màn hình TTXVN)
Các bị cáo này bị truy tố về các tội : ‘Khủng bố chống chính quyền nhân dân’ với 53 bị cáo ; ‘Khủng bố’ với 45 bị cáo ; ‘Che giấu tội phạm’ với 1 bị cáo trong khi bị cáo còn lại bị xét xử về tội ‘Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép’.
Trong số này, có 6 bị cáo ở nước ngoài được xét xử vắng mặt về tội ‘Khủng bố’, theo cổng thông tin điện tử Chính phủ. Những người này, vốn đang bị chính quyền truy nã, bao gồm các ông Y Mút Mlô, Y Bút Êban, Y Niên Êya, Y Cik Niê, Y Chanh Byă và Y Quynh Bdap.
Khung hình phạt dành cho các tội danh này lên đến 20 năm tù, tù chung thân, hoặc tử hình, theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Các bị cáo chủ yếu là người dân các sắc tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 56 tuổi. Các nghi phạm này dù vẫn chưa bị tòa án kết tội nhưng họ đều bị báo chí trong nước đồng loạt gọi là ‘khủng bố’.
Mặc dù số lượng bị cáo đông đảo và trao đổi tại tòa phải thông qua phiên dịch nhưng phiên tòa sơ thẩm dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày, theo VnExpress. Chỉ riêng phần thủ tục phiên tòa cho 100 bị cáo đã kéo dài 3 tiếng đồng hồ.
Số luật sư và trợ giúp viên pháp lý giúp bào chữa cho các bị cáo là 19 người. Có 15 bị hại được xác định, trong đó có cơ quan công quyền và công an các xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin.
Phiên tòa theo dạng lưu động, tức là không diễn ra tại tòa án mà tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ba Thuột, cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết. Công tác an ninh cho phiên tòa được đảm bảo nghiêm ngặt.
VnExpress dẫn kết quả điều tra cho biết nhóm bị cáo đang bị truy nã hiện đang sống ở Mỹ là những người đã ‘dụ dỗ, kích động, lôi kéo, chỉ đạo’ những bị cáo trong nước thành lập nhóm vũ trang lấy tên là ‘Lính Đề Ga’ và thực hiện cuộc tấn công ngày 11/6 nhằm lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập ‘Nhà nước Đề Ga’.
Trong quá trình điều tra, các bị cáo được cho là đã nhận tội và nói lý do họ phạm tội là do ‘thiếu hiếu biết hoặc do bị đe dọa’. Họ cũng bày tỏ ăn năn và xin khoan hồng, VnExpress cho biết.
Đối với 6 người ở Mỹ đang được xét xử vắng mặt, Tòa án Đắc Lắc sẽ phối hợp với các giới chức trong nước và ở Mỹ để đưa họ về Việt Nam quy án sau khi có bản án, cũng theo trang mạng này.
Trong cuộc tiếp xúc báo chí tại Hà Nội hôm 24/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã nói Mỹ ‘lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất với việc sử dụng bạo lực để đạt mục đích’ và hứa sẽ phối hợp với Việt Nam để ‘làm rõ những kẻ đứng sau ở Mỹ’.
Vụ tấn công bằng súng và dao vào rạng sáng ngày 11/6 năm 2023 tại trụ sở Ủy ban Nhân dân và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur đã khiến 9 người chết, trong đó 2 cán bộ xã, 4 công an viên và 3 dân thường.
Công an Việt Nam đánh giá vụ tấn công này là ‘đặc biệt nghiêm trọng’ do nó xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Nguồn : VOA, 16/01/2024
**************************
Việt Nam mở phiên xử vụ tấn công "khủng bố" ở Tây Nguyên
Trọng Thành, RFI, 16/01/2024
Hôm 16/01/2024, tại miền Trung Việt Nam khai mạc phiên tòa xét xử khoảng 100 bị cáo, bị cáo buộc tham gia vào cuộc "tấn công khủng bố" nhắm vào trụ sở chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên hồi tháng 6/2023, khiến 9 người chết.
Ảnh do Thông tấn xã Việt Nam cung cấp ngày 16/01/2024 : Các bị cáo trong phiên xử vụ tấn công "khủng bố" tại Đắk Lắk, Việt Nam. AFP - STR
Vụ việc xảy ra ngày 11/06/2023. Nhóm tấn công, di chuyển bằng xe máy, đã dùng súng tấn công vào hai trụ sở chính quyền, thuộc hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk. Bốn công an, hai viên chức địa phương và ba thường dân đã thiệt mạng trong vụ này. Hầu hết những người tham gia vụ tấn công đã bị bắt giữ sau đó. Công an Việt Nam thu được tổng cộng 23 súng, hai lựu đạn, hơn 1.000 viên đạn.
Theo truyền thông nhà nước, 98 người trong vụ án này bị cáo buộc "khủng bố", hai người khác bị cáo buộc "che giấu tội phạm". Sáu người khác hiện đang bị truy nã.
Một số báo chính thức trong nước nói đến một vụ tấn công nhằm "lật đổ chính quyền". Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin chi tiết về động cơ và mục tiêu thực sự của những người tiến hành các cuộc tấn công ở Đắk Lắk. Theo AFP, "từ lâu nay, Tây Nguyên vốn là nơi diễn ra nhiều hành động phản kháng chính quyền, đặc biệt là chống chính sách trưng dụng đất đai."
Trọng Thành