Dân số Trung Quốc giảm trong năm thứ hai liên tiếp, làm tăng thêm mối lo ngại về sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy dân số nước này đạt 1.409 tỷ người vào cuối năm 2023 - giảm 2,08 triệu so với năm 2022.
Mức giảm mới nhất này cao gấp đôi so với năm trước, đánh dấu lần giảm dân số đầu tiên sau 60 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc giảm dân số này là điều được trông đợi sẽ diễn ra, do sự mở rộng của tầng lớp thành thị và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục.
Bắc Kinh hôm thứ Tư cho biết tỷ lệ sinh hiện đã giảm xuống còn 6,39 trên 1.000 người, ngang bằng với các quốc gia Đông Á tiên tiến khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc đã có tỷ lệ sinh giảm đi trong nhiều thập kỷ sau khi áp dụng chính sách một con gây tranh cãi vào thời thập niên 1980 nhằm kiểm soát tình trạng dân số quá đông vào thời điểm đó.
Chính phủ đã dỡ bỏ chính sách này vào năm 2015 để cố gắng ngăn chặn tình trạng giảm dân số và cũng đưa ra một loạt các biện pháp khuyến khích khác, chẳng hạn như cho các khoản trợ cấp và chi trả để khuyến khích mọi người lập gia đình. Vào năm 2021, chính phủ tiếp tục nới lỏng giới hạn, theo đó cho phép các cặp vợ chồng có tối đa ba con.
Tuy nhiên, các chính sách này đã không tạo mấy tác động, do những người trẻ tuổi ở các thành phố hiện đại cảm thấy có những trở ngại như chi phí sinh hoạt và các ưu tiên dành cho công việc sau thời kỳ Covid kéo dài ba năm.
"Vợ chồng tôi muốn có con nhưng hiện tại chúng tôi không đủ khả năng trang trải", Wang Chengyi, một phụ nữ 31 tuổi ở Bắc Kinh, nói.
Cô nói với BBC rằng vợ chồng cô cần tiết kiệm tiền thêm ba năm nữa mới có đủ tiền chi phí sinh con - đặc biệt là tính đến phí tổn học tập.
"Tôi rất muốn mang thai khi còn trẻ để tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại tôi không có đủ tiền nên phải hoãn lại. Tôi thấy thật xấu hổ và đôi khi còn có cảm giác sợ hãi", cô nói.
Các chuyên gia hôm thứ Tư nhắc tới chuyện đại dịch tác động vào việc khiến cho tỷ lệ sinh giảm nhanh hơn. Tuy nhiên, họ cho rằng các vấn đề kinh tế cơ bản đóng vai trò quan trọng hơn.
Người dùng internet Trung Quốc trong hôm thứ Tư cũng nhắc tới áp lực chi phí.
"Nếu bạn để mọi người sống dễ dàng hơn, an toàn hơn, tất nhiên sẽ có nhiều người muốn có con hơn", một người dùng viết trong một bình luận có lượt thích cao nhất trên Weibo.
Dân số Trung Quốc giảm trong những năm gần đây. Chính sách Một Con được nước này áp dụng từ 1979 đến 2016
Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc đang đi theo mô hình của các quốc gia đã nhanh chóng phi công nghiệp hóa, mặc dù tốc độ thay đổi rất nhanh.
"Không có gì đáng ngạc nhiên. Họ có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới nên điều này đúng là xảy ra – dân số ngừng tăng và bắt đầu giảm", Giáo sư Stuart Gietel-Basten, chuyên gia chính sách dân số tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói.
"Bây giờ mọi chuyện gần như đã chốt lại... đây chỉ là năm tiếp theo trong kỷ nguyên mới về tình trạng dân số Trung Quốc giữ nguyên hoặc suy giảm".
Khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc là mối lo hàng đầu trong năm 2023, khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng địa ốc lan rộng, chi tiêu tiêu dùng giảm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao sau đại dịch.
Dữ liệu hàng năm hôm thứ Tư đã xác nhận những khó khăn – cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn ba thập kỷ – với GDP tăng trưởng ở mức 5,2%, đạt 126 nghìn tỷ nhân dân tệ (17,5 nghìn tỷ USD) vào năm 2023.
Điều này đánh dấu hiệu suất yếu nhất kể từ năm 1990 - không tính những năm đại dịch - với tốc độ tăng trưởng GDP là 3%, thấp kỷ lục vào năm 2022.
Trung Quốc cũng báo cáo hôm thứ Tư rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong tháng 12 là 14,1% - sau khi lên tới 21,3% vào tháng 6, là thời điểm mà kể từ sau đó Trung Quốc tạm thời ngưng công bố số liệu hàng tháng.
Dữ liệu dân số mới nhất nhiều khả năng sẽ càng khẳng định thêm một số nỗi lo về nền kinh tế - do Trung Quốc từ lâu đã dựa vào lực lượng lao động đang già đi làm động lực chính cho nền kinh tế.
Đất nước này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và hưu bổng khi dân số nghỉ hưu tăng lên - dự kiến sẽ tăng 60%, đạt 400 triệu người vào năm 2035.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nước này có thời gian và nguồn lực để quản lý quá trình chuyển đổi lực lượng lao động.
"Trung Quốc không khác gì các quốc gia khác đã phi công nghiệp hóa và chuyển sang lĩnh vực dịch vụ. Dân số trở nên có trình độ học vấn, tay nghề cao và khỏe mạnh hơn. Họ muốn làm những công việc khác hơn là làm việc trong các nhà máy hoặc xây dựng", Giáo sư Gietel-Basten nói.
"Chính phủ nhận thức được điều này và đã lên kế hoạch cho việc này trong thập kỷ qua và vì vậy dự kiến sẽ tiếp tục đi theo hướng này".
Từng là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã bị Ấn Độ vượt qua vào năm ngoái, theo Liên Hiệp Quốc. Dân số Ấn Độ hiện đang ở mức 1,425 tỷ người.
Frances Mao
Nguồn : BBC, 17/01/2024