Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/01/2024

50 năm mất Hoàng Sa : nỗi đau và nỗi hận vẫn còn nguyên

Nhiều tác giả

'Vấn đề chủ quyền lãnh thổ không của riêng ai'

Bùi Thư, BBC, 19/01/2024

Kỷ niệm 50 Hải chiến Hoàng Sa, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc chia sẻ với BBC News tiếng Việt quan điểm cũng như những trải nghiệm của ông gắn với sự kiện lịch sử này.

haichien1

Các nhà hoạt động hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 14 tháng 3 năm 2016

Ngày 13/1/1974, Trung Quốc cho tàu đến quần đảo Hoàng Sa. Lúc bấy giờ, cụm đảo phía tây của quần đảo đang nằm dưới quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa, trong khi Trung Quốc đã chiếm cụm phía đông từ nhiều năm trước, bất chấp việc Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo.

Cuộc chiến ngắn ngủi vào ngày 19/1 kết thúc với việc Việt Nam Cộng Hòa thua trận và Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.

Nửa thế kỷ đã đi qua nhưng đối với người Việt Nam nói chung, không phân định Việt Nam Cộng Hòa - một chế độ đã chấm dứt, hay Việt Nam xã hội chủ nghĩa - thể chế hiện tại - đều đeo mang nỗi mất mát chung - một phần biển đảo mà họ luôn coi là của mình đã bị Trung Quốc chiếm đóng.

Cuộc biểu tình 1974

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày cận Tết Nguyên Đán năm 1974. Ông đang học phổ thông vào thời điểm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra khắp miền Nam.

Tài liệu do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công bố cho thấy nhiều hội đoàn, trường học, tôn giáo, hội sinh viên đã tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành và đưa ra tuyên bố nhằm lên án Trung Quốc và ủng hộ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn phát hành vào tháng 3/1974 ghi lại rằng, sinh viên Đại học Văn khoa và Minh Đức đã tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong sự kiện mà họ gọi là "biến cố Hoàng Sa".

Thời điểm đó, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng đưa ra những phản ứng mạnh mẽ với những bản tuyên bố, tố cáo hành động của Trung Quốc và những văn bản, những chiếu vua để chứng minh rằng Hoàng Sa là thuộc về Việt Nam và là chủ quyền mà chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ không bao giờ từ bỏ.

"Sau khi ăn tết xong, cả học sinh miền Nam xuống đường để biểu tình và tôi là người tham gia. Sự kiện đó nó đi với tôi suốt đời", nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc rưng rức khi nhớ lại không khí năm ấy.

haichien2

Dòng người biểu tình chống Trung Quốc tập trung trước Nhà hát Lớn Hồ Chí Minh ngày 11/05/2014 để thể hiện lòng yêu nước và phẫn nộ trước việc Trung Quốc cho dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam

Ông còn nhớ cảm giác tự hào của cậu bé 15 tuổi được hòa chung vào dòng người biểu tình để bảo vệ chủ quyền quê hương, cùng nhau hô vang khẩu hiệu của trường ông ở Vĩnh Long - "Thủ Khoa Huân ta nhắn về phương Bắc/ Đừng ngông cuồng mưu nhổ vẩy rồng Nam".

Sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 1974 từ đó phần nào định hình con đường của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc về Biển Đông và hải đảo Việt Nam.

"Phải nói rằng cả cuộc đời tôi là Biển Đông. Tôi chẳng sợ việc gì hết. Bảo vệ Tổ quốc không có tội. Chỉ có lợi dụng các sự kiện lịch sử, lợi dụng cái hoàn cảnh này nọ để gây rối, để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc thì mới đáng bị lên án.

"Dù chế độ ở đất nước này nó thay đổi thế nào, theo tiến trình lịch sử hiện đại mà chúng ta chưa biết, nhưng dứt khoát chúng ta phải khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Và chúng ta phải làm mọi giá, kể cả hy sinh xương máu, để đòi lại đất mẹ Việt Nam", nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc bày tỏ với BBC.

50 năm mất Hoàng Sa

Quan sát những động thái và yêu sách của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, ông Đinh Kim Phúc mô tả chúng như "những vệt dầu loang". Trong đó, cuộc Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 là một điểm mốc đánh dấu tham vọng tiến về phương Nam của Trung Quốc, một tham vọng không bao giờ dừng lại, mà sau này đúc kết thành đường lưỡi bò chín đoạn.

Ông Phúc nhắc lại từ thời Mãn Thanh (năm 1909), Trung Quốc đã cho khảo sát Hoàng Sa và tuyên bố chủ quyền ở vùng đất này và gọi là Tây Sa. Đến năm 1925, yêu sách chủ quyền đó "bò xuống tận đảo Tri Tôn" - thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đầu thập niên 1930, Trung Quốc bắt đầu tranh chấp đến quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và một loạt nước khác cũng tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ hoặc một phần.

Leo thang trong tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đã bùng nổ thành bạo lực trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, sự kiện đánh dấu việc Trung Quốc chiếm hoàn toàn quần đảo này từ Việt Nam Cộng Hòa, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.

Nói đến đây, không thể bỏ qua sự kiện ngày 21/2/1972, khi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đến Trung Quốc nhằm chấm dứt 20 năm băng giá trong quan hệ Mỹ-Trung. Đây được coi là cột mốc đánh dấu mang tính thay đổi cục diện thế giới, biến "cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai nước hai bên Thái Bình Dương" thành hiện thực.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng "cái bắt tay giữa Trung Quốc và Mỹ đã bán đứng các đồng minh, cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa".

"Chính cái bắt tay đó dẫn đến cuộc hải chiến Hoàng Sa, là Mỹ đã làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam.

"Còn mối quan hệ giữa hai miền nam bắc thì chúng ta biết rằng nhiệm vụ cao nhất lúc bấy giờ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Họ tin rằng những người anh em, người đồng chí Trung Quốc, sau này hòa bình rồi sẽ giải quyết một cách êm ấm. Chính sự cả tin vào tinh thần quốc tế vô sản, vào người anh em cộng sản mà chúng ta phải trả giá cho đến ngày hôm nay", ông Phúc nhận định.

Play video, "50 Hải chiến Hoàng Sa : Con gái tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa nói gì", Thời lượng 8,08

Sự nóng lạnh giữa Hà Nội và Bắc Kinh

Việt Nam Cộng Hòa đã chấm dứt tồn tại vào ngày 30/4/1975, nhưng di sản của chính thể này để lại, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là một điều quan trọng đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, khi xét về mặt công pháp quốc tế.

Điều quan trọng là trong tiến trình này, vấn đề chủ quyền phải được duy trì liên tục, không gián đoạn hay cắt khúc giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay.

Lúc sinh thời, nhà ngoại giao Dương Danh Dy - cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc - đánh giá Hội nghị Thành đô năm 1990 đã gây "hậu quả tai hại".

Viết cho BBC hồi năm 2014, ông Dương Danh Dy nêu rằng phía Việt Nam đã "hoàn toàn cho qua vấn đề" sau khi nghe Giang Trạch Dân nói trong diễn văn rằng quan hệ hai nước từ nay "hãy gác lại quá khứ, hướng tới tương lai".

Thực tế, Hà Nội trung thành với cam kết của mình, giữ quan hệ hòa hoãn với Bắc Kinh. Đơn cử, ngày 18/1/1950 đánh dấu việc Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao và công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, nay là nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

haichien3

Mao Trạch Đông gặp các "đồng chí" Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh vào năm 1973, một năm sau thì Trung Quốc đánh Hoàng Sa

Một số nhà báo nói với BBC rằng, ngày 18/1 là dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước nên Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Ngoại giao thường có chỉ đạo các tòa soạn tránh các nội dung có thể ảnh hưởng quan hệ hai nước. Vì vậy, việc đưa tin về chủ quyền biển đảo, nhắc đến Trung Quốc như kẻ thù, đặc biệt là kỷ niệm về Hải chiến Hoàng Sa thường bị hạn chế.

Nhưng ngược lại, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Trung Quốc luôn khẳng định "chủ quyền thuộc ngã" : Tây Sa, Nam Sa là của họ và phải dựa trên nguyên tắc đó để giải quyết những vấn đề chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Phúc nói thêm rằng, đến nay, tuy Việt Nam có hơn 200 đầu sách chuyên về chủ quyền lịch sử của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều tư liệu quý giá khác nhưng sự tuyên truyền về chúng lại "phụ thuộc vào quan hệ nóng lạnh giữa Hà Nội và Bắc Kinh".

"Do đó, chúng ta thấy rằng ngày kỷ niệm 19/1, rồi đến 17/2, rồi 14/3, hiếm khi chính thức nêu lên tên Trung Quốc, hay gọi là các cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng ý chí độc lập, ý chí ngoan cường của người Việt Nam không hề bị nguội lạnh.

"Trong bối cảnh của chính trị Việt Nam hiện nay, phải nói thật là nhà cầm quyền rất kỵ khi nhắc đến bốn từ Việt Nam Cộng Hòa, rất kỵ khi xuất hiện lá cờ vàng ba sọc đỏ vì nó là một thể chế chính trị của quá khứ. Nhưng không có nghĩa rằng chúng ta quên đi những đóng góp to lớn của những người thuộc lực lượng quân đội của Việt Nam Cộng Hòa", ông Phúc khẳng định.

Bùi Thư

Nguồn : BBC, 19/01/2024

***************************

Việt Nam có thể làm gì với vị thế là nước yếu hơn ?

Carl Thayer, BBC, 19/01/2024

Sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, các chuyên gia cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cần học cách cân bằng giữa hợp tác và đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

haichien4

Giáo sư Carl Thayer là nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm

Hợp tác là xu thế chung hiện nay và việc Việt Nam tăng cường hợp tác với Trung Quốc là điều tất yếu. Tuy nhiên, chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa luôn là vấn đề nhức nhối lâu dài trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt tại nhà riêng ở Úc, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, Carl Thayer, cho rằng trận hải chiến ngày 19/1/1974 đánh dấu bước đi đầu tiên trong hành động quyết đoán và đưa ra yêu sách chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.

Theo các sử liệu mà ông dẫn chứng, nếu nhìn lại 50 năm trước, sẽ thấy đó là bước đầu tiên của quá trình xâm lược thực sự của Trung Quốc, thông qua việc sử dụng vũ lực dưới mức lực lượng vũ trang, sẽ thấy chính Việt Nam Cộng Hòa đã nổ súng trước, giúp Trung Quốc củng cố luận điệu rằng họ chỉ phản công và tự vệ.

"Cũng từ đó dẫn đến việc [Trung Quốc] mở rộng và xây dựng các căn cứ ở Hoàng Sa, mà ngày nay chúng ta thấy đã mở rộng sang quần đảo Trường Sa", nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm cho biết.

Thế lưỡng nan của chính phủ Việt Nam

Đã 50 năm trôi qua nhưng mức độ thông tin về Hải chiến Hoàng Sa vẫn hết sức hạn chế trong hệ thống giáo dục và báo chí ở Việt Nam. Trong khi đó, những người Việt Nam ở hải ngoại và một bộ phận trong nước coi sự hi sinh của hơn 70 người trong Hải chiến Hoàng Sa là đáng được tôn vinh.

Nhà nghiên cứu độc lập Song Phan từ Sydney cho rằng tiền thân của nhà nước Việt Nam hiện nay là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vốn trước đây đã có thái độ lập lờ trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Theo ông, những sách giáo khoa, bản đồ in hình Hoàng Sa cho Trung Quốc và công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 đã gây ra những hệ lụy khó sửa chữa trong vấn đề Hoàng Sa.

Bắc Kinh tới nay vẫn sử dụng thư của ông Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai năm 1958, nói đây là chứng cứ Việt Nam từ bỏ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

"Có lẽ vì thế nên chính phủ Việt Nam dè dặt đối với các phát ngôn có thể làm vị thế phe mà họ từng cho là tà ngụy có thể tỏa sáng hơn mình trong vấn đề bảo vệ chủ quyền vốn là vấn đề thiêng liêng đối với dân tộc", ông Song Phan nói với BBC.

Việc đề cao vai trò của Việt Nam Cộng Hòa với tư cách là nhà nước có chủ quyền tại Hoàng Sa và tôn vinh binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa có vẻ có lợi cho lập trường chủ quyền của Việt Nam, nhưng điều đó có thể ảnh hưởng tới tính chính danh của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa trong công cuộc mà họ gọi là chống Mỹ cứu nước và giải phóng miền Nam.

"Việt Nam thích nêu bật thành tích do lực lượng cộng sản thực hiện, và chính phủ hiện nay không muốn thừa nhận vai trò của những con rối của Mỹ, hay chế độ kẻ thù, trong vấn đề này [chủ quyền]", Giáo sư Carl Thayer nhận định.

"Đối với bất kì một người khách nào đến Việt Nam như tôi, đều sẽ thấy rằng tinh thần chống Trung Quốc trên Biển Đông luôn âm ỉ, và có thể dâng cao mạnh mẽ như 2014, khi Việt Nam nổ ra các cuộc biểu tình, sau đó dẫn tới việc các nhà máy Trung Quốc bị đốt phá", ông chia sẻ.

Ông Thayer cho rằng chính quyền hiện nay bắt đầu có sự thừa nhận miễn cưỡng, bằng chứng là vào năm 2014, kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, truyền thông Việt Nam đã được phép đưa tin về trận chiến. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều học giả nói Việt Nam không còn chia cắt mà đã thống nhất rồi, phải ghi nhận những người này là liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

"Chính phủ muốn thao túng và kiểm soát tinh thần dân tộc, hơn là đối mặt với tinh thần độc lập dân tộc từ người dân".

"Và đó là thế lưỡng nan đối với chính phủ trong việc làm thế nào để dung hòa lòng dân với nỗ lực kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc của chính họ", giáo sư Carl Thayer kết luận.

haichien5

Các nhà hoạt động đặt hoa tưởng niệm tại Hà Nội vào ngày 19/1/2017, trong một cuộc biểu tình kỷ niệm 42 năm Hải chiến Hoàng Sa

Việt Nam có thể làm gì ?

Từ 1974 trở đi, Trung Quốc bắt đầu thành lập các khu hành chính để quản lý và ban lệnh cấm đánh cá hàng năm được áp dụng từ vĩ tuyến 16 trở lên ở Biển Đông.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, tình hình ở khu vực trở nên bất ổn, thường có tin ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc truy đuổi khi đánh bắt cá gần quần đảo Hoàng Sa, hay như các sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, các vụ căng thẳng khác giữa tàu bè của hai nước…

Và cho tới tận ngày nay, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào tháng 12/2023 và trao đổi với ông Nguyễn Phú Trọng thì vấn đề Biển Đông vẫn là vướng mắc chính trong mối quan hệ.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng nếu Việt Nam im lặng và chấp nhận những gì Trung Quốc đang làm và những điều khác thì sau này Trung Quốc có thể tranh luận rằng Việt Nam đã không phản đối, do đó Việt Nam đã chấp nhận luật của chúng tôi, và chấp nhận rằng những ngư dân này đang đánh bắt cá bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh rằng thực tế không phải là như vậy.

Cũng theo ông, cách tiếp cận Việt Nam cần chú trọng là phải tiếp tục phản đối.

"Đối với mọi hành vi mà Trung Quốc khiêu khích hoặc thực hiện, Việt Nam đều phải đưa ra tuyên bố ngoại giao hoặc khiếu nại với Trung Quốc để chứng minh rằng Việt Nam không chấp nhận những yêu sách và khẳng định của Trung Quốc".

Nhà nghiên cứu Song Phan nói với BBC rằng, so về thực lực, Việt Nam không thể sánh được với Trung Quốc về mọi mặt, do đó có vẻ ngoài cách tiếp cận pháp lý, Việt Nam hầu như khó có lựa chọn nào khác.

"Luật quốc tế hiện đại không còn thừa nhận việc thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực nên đây là một điểm yếu về mặt pháp lý của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhất là với cụm đảo phía tây mà họ rõ ràng đã giành lấy được thông qua sử dụng vũ lực năm 1974. Do đó, đây chắc chắn là một điểm mà Việt Nam cần khai thác trong tuyên truyền và trong đấu tranh bằng pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa", ông Song Phan nêu ý kiến.

Nhưng cũng theo ông, ngay cả trong cách tiếp cận pháp lý, Việt Nam cũng không thể đưa ra vấn đề về giải quyết chủ quyền (trong tranh chấp chủ quyền tòa án quốc tế chỉ có thể thụ lý những vụ hai bên đều thừa nhận có tranh chấp và cùng đồng ý đưa ra tòa) mà chỉ có thể làm tương tự như cách Philippines đã làm, chẳng hạn nhờ tòa tái xác nhận tính vô hiệu của đường lưỡi bò phần phía Việt Nam, khẳng định các thực thể địa lý ở Hoàng Sa chỉ là các đảo đá không có vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam… tức là những vấn đề chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS.

"Nếu được tòa xử thắng như Philippines trong những vấn đề trên chẳng hạn (mà tôi tin khả năng thắng rất cao), thì Việt Nam có cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để đấu tranh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế mỗi khi Trung Quốc xâm phạm các quyền trên biển của mình như trong vụ đặt giàn khoan năm 2014, các vụ khảo sát địa chất năm 2019, 2020, các vụ quấy rối thăm dò, khai thác ở khu vực bãi Tư Chính mấy năm gần đây, các vụ hiếp đáp ngư dân thường xuyên ở khu vực Hoàng Sa…"

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng nhấn mạnh rằng hiện nay và có vẻ trong tương lai, Việt Nam bị ràng buộc rất sâu đậm với Trung Quốc, nhất và về chính trị và kinh tế, nên việc chọn thời điểm để thực hiện lựa chọn pháp lý này cũng là điều cần cân nhắc cẩn thận vì nguy cơ bị trả đũa với tác động xấu khó lường.

"Các cách nói 'giành lại Hoàng Sa' hay 'đòi lại Hoàng Sa' chỉ là những khẩu hiệu nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam hết đời này sang đời khác khắc ghi rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của cha ông để lại mà họ có nhiệm vụ phải tìm cách khôi phục lại dù cho đến chừng nào, chứ khó có thể có tính thiện thực ngay cả trong một tương lai không gần", ông Song Phan đánh giá.

Nguồn : BBC, 19/01/2024

*************************

Chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh và cơ hội để đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế

BBC, 19/01/2024

Nhân kỷ niệm 50 sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 1974, một câu hỏi được đặt ra là liệu đây có phải thời điểm để Việt Nam đòi lại chủ quyền biển từ Trung Quốc bằng cách đưa vụ việc ra tòa quốc tế hay không ?

haichien6

Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp cận một tàu dân sự Philippines (trái) đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho ngư dân và quân đội Phillippines trên Biển Đông ngày 10/12/2023

Trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu Biển Đông Phạm Ngọc Minh Trang, thành viên Quỹ Max Planck vì Hòa bình Quốc tế và Pháp quyền tại Đức, nói với BBC News Tiếng Việt rằng : "Vấn đề Hoàng Sa năm 1974 khó có thể giải quyết bằng con đường tòa án".

Lý giải điều này, bà Trang nói rằng "sự kiện tại Hoàng Sa năm 1974 là việc một quốc gia sử dụng vũ lực đánh chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác và điều này hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế".

"Tuy nhiên, việc khởi kiện tại các tòa án quốc tế cần có sự đồng ý của cả hai quốc gia liên quan.

"Và như chúng ta đã biết, Trung Quốc luôn có thái độ kiên quyết chống lại việc mang các tranh chấp tại Biển Đông ra tòa".

Chiến thuật ‘vùng xám’

Mặc dù vậy, không phải là đã hết cách để đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang đề cập tới chiến thuật ‘vùng xám’ (grey zone operations) mà Trung Quốc hiện đang áp dụng.

Một ví dụ gần đây là việc một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông hồi tháng 11/2023 nhằm buộc tàu này phải thay đổi lộ trình.

Bà Trang nhận định rằng hình thức xung đột có cường độ chậm này được Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều hơn trong năm qua để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Việt Nam và Philippines thường xuyên là mục tiêu của các hoạt động như vậy.

Các quốc gia có quyền lợi hợp pháp trên vùng biển này hoàn toàn có thể áp dụng Công ước Luật Biển để đơn phương khởi kiện Trung Quốc ở một số vấn đề liên quan, theo chuyên gia Phạm Ngọc Minh Trang.

haichien7

Tàu Hải tuần 03 của Cục Hải sự thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc chuẩn bị rời cảng Hải Khẩu ở Hải Nam để tuần tra Hoàng Sa vào ngày 8/6/2023

Các tình huống ‘vùng xám’

‘Vùng xám’ được định nghĩa là "một không gian hoạt động nằm giữa chiến tranh và hòa bình, liên quan đến các hoạt động mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng, theo tác giả Collin Koh trong bài "David và Goliath : Các nước Đông Nam Á có thể chống lại chiến lược vùng xám hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông… với sự trợ giúp " trên Tạp chí Hải quân Mỹ.

Các hoạt động này thường dưới ngưỡng một cuộc xung đột vũ trang (ví dụ như Trung Quốc sử dụng vòi rồng và laser, hay đơn vị thực hiện các hành vi này không phải hải quân mà là hải cảnh và tàu cá) và trong hầu hết các trường hợp, thường làm mờ đi ranh giới giữa các hoạt động quân sự và phi quân sự.

Theo định nghĩa này, các tình huống ‘vùng xám’ thường bao gồm : 1. Sự việc đã rồi ; 2. Sự mơ hồ mang tính răn đe ; 3. Chiến tranh hỗn hợp (ủy quyền).

Các nước Đông Nam Á giáp Biển Đông đã gặp phải cả ba hình thức này do Trung Quốc gây ra.

Sự việc đã rồi : Trung Quốc xây dựng và củng cố các công trình quy mô lớn ở Biển Đông, dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn hiện trạng. Các nước đối thủ sẽ không thể đảo ngược tình thế trừ phi họ phá hoặc chiếm các tiền đồn nhân tạo này, mà điều đó có nghĩa là bước vào một cuộc xung đột vũ trang toàn diện với Bắc Kinh.

Sự mơ hồ mang tính răn đe : Là một loạt các hành động dưới ngưỡng xung đột vũ trang, một số có vẻ vô hại hoặc vụn vặt, nhưng theo thời gian sẽ làm xói mòn quyền lực hoặc vị thế của các nước là nạn nhân. Bắc Kinh đã thông qua luật hàng hải mới nhằm tăng cường sự quản lý của nước này ở Biển Đông, dù chúng vi phạm luật quốc tế.

Chiến tranh ủy quyền : Ví dụ tiêu biểu nhất là các hoạt động của Lực lượng Dân quân Hàng hải thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân Dân Trung Quốc với các hoạt động "kéo bầy đàn, đâm va và đánh chìm tàu cá nước ngoài tại các vùng biển tranh chấp".

Thách thức

haichien8

Chuyên gia cho rằng các nước cần phối hợp để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc trên Biển Đông

Theo bà Phạm Ngọc Minh Trang, điều khó của việc đối phó với các hành vi này trên thực địa là "chúng ta vừa phải biết kiềm chế để không đẩy tình hình lên thành một cuộc xung đột vũ trang, vừa phải ngăn không cho Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền trong vùng biển của Việt Nam" (quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa).

Ngoài ra, vấn đề còn do các hoạt động ‘vùng xám’ của Trung Quốc thường không được chú ý, theo bài viết nhan đề "Làm thế nào để giúp ASEAN giải quyết thách thức ‘vùng xám’ trên Biển Đông " của tác giả Đỗ Hoàng đăng trên website Viện Hòa bình Hoa Kỳ.

Lý do là các tàu dân quân của Trung Quốc thường tắt hệ thống định vị tự động (AIS) và thay vì thế dùng máy phát sóng tần ngắn, do đó khó bị định vị. Hệ thống AIS cũng có thể bị can thiệp và không phản ánh được bức tranh toàn cảnh. Ví dụ, trong một vụ việc xảy ra trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2023, các tàu khảo sát của Trung Quốc bật AIS và bị các công cụ theo dõi nguồn mở phát hiện, nhưng rất khó giải mã các xu hướng hành vi và hoạt động của các tàu này.

haichien9

Một tàu cá hoạt động gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 8/2022

Giải quyết thách thức ‘vùng xám’

Đó là khi các sáng kiến tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA) của các tổ chức quốc tế như QUAD (bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) và Liên minh Châu Âu (EU) có thể phát huy tác dụng, theo tác giả Đỗ Hoàng.

Các sáng kiến này có thể cung cấp nhiều lớp dữ liệu thời gian thực trong một khu vực địa lý rộng lớn, vượt qua giới hạn của các công cụ giám sát bằng định vị hiện có bằng cách tích hợp cơ sở dữ liệu dựa trên quang điện, tần số vô tuyến, trí tuệ nhân tạo và các cơ sở dữ liệu khác, để phát hiện các tàu khi thiết bị định vị của chúng bị tắt và để cung cấp ảnh chất lượng cao về hoạt động của các tàu này, theo tác giả Đỗ Hoàng.

Với nhiều nước Đông Nam Á có nguồn lực hạn chế, việc có MDA tốt sẽ mang lại các cách thức hiệu quả hơn để triển khai lực lượng nơi cần họ nhất. Trong các thập kỷ trước, Đông Nam Á là bên hưởng lợi cơ bản từ hỗ trợ của Mỹ trong xây dựng năng lực an ninh hàng hải, tập trung phần lớn vào MDA.

Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã nhận hệ thống máy bay không người lái ScanEagle và được tạo điều kiện triển khai tối ưu năng lực hàng hải vốn hạn chế để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.

Mặc dù vậy, theo ông Collin Koh, các nước cùng có quyền lợi trong khu vực Biển Đông cần có nhiều năng lực về khí tài hơn để có thể đối phó hiệu quả hơn với các lực lượng của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Các cường quốc ngoài khu vực đã tăng cường hỗ trợ cho hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực. Các ví dụ bao gồm việc chuyển giao các tàu tuần tra cũ của Cảnh sát biển Hoa Kỳ cho Việt Nam và Philippines và việc Nhật Bản cung cấp các tàu tuần tra ngoài khơi đã qua sử dụng và mới cho Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Tuy nhiên, những nỗ lực này không đủ để giúp các quốc gia Đông Nam Á lấp đầy khoảng trống năng lực của họ. Nếu không có sự can thiệp đáng kể hơn của Mỹ và đồng minh, sự bất cân xứng về lực lượng hàng hải giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại. Các biện pháp giúp các quốc gia này tăng cường năng lực đóng tàu trong nước sẽ giúp họ tự đóng tàu tuần tra ngoài khơi, ông Collin Koh phân tích.

Cung cấp năng lực vật chất để các nước này chống lại sự o ép trên biển của Trung Quốc là cần thiết. Nhưng chỉ tặng thiết bị cho các đối tác sẽ không đủ nếu không đi kèm với những nỗ lực củng cố các yếu tố vô hình quan trọng như ý chí chính trị quốc gia và hợp tác liên ngành.

Do mối quan hệ không rõ ràng giữa Hải quân Trung Quốc (PLAN), Cảnh sát biển Trung Quốc, tức Hải cảnh (CCG) và Dân quân biển có vũ trang của Trung Quốc (PAFMM) ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á buộc phải xem xét lại và tăng cường các nỗ lực hàng hải liên ngành của mình.

Điều quan trọng nữa là không được đánh mất nhu cầu bao quát là đảm bảo một cách tiếp cận nhất quán, rõ ràng và đồng lòng giữa các bộ ban ngành chính phủ, và giữa các quốc gia, đối với hành vi vùng xám hung hăng của Trung Quốc, ông Collin Koh chỉ ra.

Cuối cùng, theo bà Minh Trang, có thể phân tích và đánh giá các hoạt động "vùng xám" này bằng luật quốc tế, quan trọng nhất là Công ước Luật biển 1982 mà đa số các nước ASEAN cho rằng là khuôn khổ pháp lý cơ bản và đầy đủ nhất để thực hiện các hành vi trên biển.

Trong Công ước Luật biển, các quốc gia có quyền đơn phương khởi kiện ở một số vấn đề liên quan, và nếu áp dụng tốt các biện pháp này, việc mang Trung Quốc ra toà án quốc tế là hoàn toàn khả thi, bà Trang nói.

Nguồn : BBC, 19/01/2024

*************************

Không có cuộc tưởng niệm đông người và công khai nào diễn ra

RFA, 19/01/2024

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 19/1/2024 - 50 năm sau ngày Hải chiến Hoàng Sa, không có cuộc tưởng niệm đông người và công khai nào diễn ra ở Việt Nam, trong khi một số trí thức và người hoạt động chỉ có thể thực hiện nghi lễ ở tư gia của họ để tưởng nhớ ngày này.

haichien10

Người dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc và đòi lại Hoàng Sa - AFP

Trong nhiều năm trước, giới hoạt động và người dân thường tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm của Hà Nội, tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng tại thành phố Hồ Chí Minh, hoặc một số nơi khác để thắp hương, và tuần hành để tưởng niệm các tử sĩ.

10 năm trước, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa, trung tâm Minh Triết của giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã tổ chức buổi hội thảo về cuộc chiến Hoàng Sa, qua đó giới thiệu bà Huỳnh Thị Sinh, vợ của Trung tá hải quân Nguỵ Văn Thà - Hạm trưởng chiến hạm HQ-10 Nhật Tảo.

Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa của các nhân sĩ trí thức sau đó còn tổ chức quyên góp tài chính để mua được hai căn hộ cho gia đình của hai Hạm trưởng và Hạm phó của chiếc HQ-10, làm nơi thắp nhang đàng hoàng cho các ông.

Hiện nay, việc tập trung đông người là chuyện hoàn toàn không thể khi an ninh chặn những nhân vật bất đồng chính kiến ngay tại nhà và bố trí nhiều lực lượng ở những nơi người hoạt động thường tụ tập, trong khi nhiều nhà hoạt động tích cực nhất đang bị cầm tù.

Một ngày trước, một số tổ chức xã hội dân sự độc lập như Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Lập quyền dân, Bauxite… kêu gọi giới hoạt động và người dân tự tìm hình thức tưởng niệm cho riêng mình.

Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cho biết ông đã rời Thành phố Hồ Chí Minh nhiều ngày nay và thực hiện việc tưởng niệm một mình ở bãi biển Nha Trang.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong buổi trưa ngày 19/1 :

"Trong ba ngày nay tôi đã bị theo dõi rất là kỹ, tôi không thể về tới Sài Gòn mà để đi ra Bến Bạch Đằng được. Cho nên tôi phải chuyển một phương án khác là tôi làm ở một cái vùng biển mà nơi đó có tượng Trần Hưng Đạo rất là lớn trước cái Học Viện Hải Quân Nha Trang.

Thắp hương chỗ ông Trần Hưng Đạo xong rồi xong tôi xin phép mang cái vòng hoa đi xuống bãi biển ngay cái chỗ đó là tàu bè của trước đây của Hải quân Việt Nam thường hay ra vô và và neo đậu thì tôi tới đó tôi làm cái lễ ở đó, ngay tại cái mí nước".

Ông Nguyễn Khắc Mai- nhà nghiên cứu và là cựu cán bộ cao cấp của Ban Dân vận Trung ương, cho RFA biết ông thực hiện nghi lễ này ở nhà, thay vì ra trung tâm Hà Nội như nhiều năm trước :

"Sáng hôm nay tôi làm một cái bàn thờ nhỏ có cái bài vị hương linh của 74 liệt sĩ Hoàng Sa, rót rượu và tưởng nhớ các vị anh hùng".

Ông cũng bày tỏ hy vọng các hoạt động tưởng niệm của những nhân sĩ, trí thức sẽ có tác động thúc đẩy Nhà nước Việt Nam quyết tâm mạnh hơn trong vấn đề khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và tố cáo tội ác của Trung Quốc dùng chiến tranh chiếm biển đảo.

Nhà văn quân đội Nguyễn Nguyên Bình, con gái của cố Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cho biết bà cũng tưởng niệm các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa bằng hình thức tương tự.

Bà nói trong tin nhắn gửi RFA :

"Mấy năm trước những người yêu nước như chúng tôi, dẫu chỉ là tự phát nhưng vẫn khá đông đảo ở các địa điểm công cộng trên nhiều thành phố từ Bắc đến Nam. Nhưng nay do đã có hiện tượng ‘người ta’ dùng mọi cách phá bĩnh, thậm chí bắt bỏ tù người đi tưởng niệm. Vậy nên năm nay mọi người bảo nhau tưởng niệm tại nhà.

Hơn nữa, tuy đã nói trước về ý định tưởng niệm tại nhà mà nhiều người còn bị canh chặn không được ra khỏi nhà. Tôi không hiểu tại sao, lực lượng nào mà lại sợ việc tưởng niệm về Hoàng Sa đến thế ?"

Nhiều nhân sĩ trí thức như hai vợ chồng ông bà Mạc Văn Trang và Nguyễn Thị Kim Chi, người hoạt động và thân nhân tù nhân lương tâm ở cả Hà Nội và TP HCM cho RFA biết lực lượng an ninh địa phương đưa nhân viên đến gần nhà họ để canh gác, không cho họ đi ra ngoài. Có trường hợp an ninh đi theo sát khi họ đi công việc.

Một nhà hoạt động ở Hà Nội cho biết nhiều an ninh và dân phòng được huy động gần khu vực tượng đài Lý Thái Tổ.

Bình luận về sự khác biệt trong việc tưởng niệm Hoàng Sa trong năm nay và nhiều năm trước, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người đứng đầu tổ chức Diễn đàn Xã hội Dân sự, nói với RFA :

"Tôi không biết rõ an ninh họ cấm đoán như thế nào nhưng mà số những người đi đầu trong những cái cuộc tưởng niệm như thế thì phần lớn là bị bắt mất rồi hoặc phải di tản nước ngoài.

Số còn lại thì rất là ít và có thể là họ cũng bị ngăn cản nên là những cuộc tưởng niệm như thế mấy năm nay là nó ít đi".

Tuy nhiên, ông cho rằng việc ngăn cản của lực lượng an ninh không ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của người dân về ngày 19/01 hay là những cái sự kiện khác liên quan đến Trung Quốc bởi vì mọi người vẫn có những cách khác nhau để nhắc nhở nhau về những sự kiện như vậy.

Một nhà hoạt động ở Hà Nội phát biểu trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh :

"Một sự thật là lòng yêu nước và tự hào của người Việt sẽ không bao giờ mất đi. Tuy nhiên, áp lực không nhỏ của nhà cầm quyền từ phía Bắc Kinh khiến chúng ta cần suy nghĩ lại cách thức thể hiện chính kiến.

Tôi thấy là có thể nhiều cách khác nhau thể hiện việc đấu tranh này. Việc tập trung đông người là không khả thi. Nhưng tập trung thành một nhóm nhỏ trực tuyến có nghìn người tham gia và làm truyền thông thì hoàn toàn có thể làm được. Mà tiếng vang của nó lan tỏa cũng rất tốt".

Truyền thông Nhà nước nói gì về ngày này ?

haichien11

Biểu tình ở Hà Nội ngày 24/7/2022 chống Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông (Fb)

Dịp kỷ niệm 10 năm trước, các tờ báo Nhà nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên... đưa các tuyến bài rầm rộ về cuộc Hải chiến Hoàng Sa gọi thẳng tên Việt Nam Cộng Hòa. Trái ngược hẳn với điều đó, trong vài ngày gần đây, Thông tấn xã Việt Nam cùng một vài tờ báo chỉ đưa tin lẻ tẻ về các cuộc thăm gặp của chính quyền địa phương với các nhân chứng Hoàng Sa, hay thành phố Đà Nẵng (quản lý huyện đảo Hoàng Sa trên giấy tờ) tổ chức triển lãm hình ảnh và hiện vật về Hoàng Sa và Trường Sa.

Thậm chí, Đài Truyền hình Việt Nam VTV còn đưa tin Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến toà Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội để dự kỷ niệm 74 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của hai quốc gia cùng chung ý thức hệ cộng sản.

Phát biểu tại buổi lễ ngày 18/1, ông Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc bày tỏ sự thất vọng về nội dung mà truyền thông Nhà nước đưa tin trong dịp 50 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

"Năm nay, chúng ta tưởng niệm 50 năm ngày hải chiến Hoàng Sa và 75 vị anh hùng của Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân, đáng lẽ ra báo chí Việt Nam phải nhắc lại thời điểm 50 năm một phần lãnh thổ Việt Nam đã rơi vào tay Trung Quốc, một phần quần đảo Trường Sa vẫn còn nằm trong tay Trung Quốc.

Nhưng có một điều rất ngạc nhiên là báo chí mấy ngày qua, nhất là ngày nay 19/1, chỉ có rải rác một số bài nhắc về những kỷ niệm, hồi ký, dấu ấn trong bảo vệ chủ quyền chứ không nhấn mạnh đến vấn đề đấu tranh về mặt công pháp quốc tế để mà chúng ta tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa".

Có 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tử trận trong cuộc chiến ngắn ngủi trước Trung Quốc ở Hoàng Sa, tuy nhiên năm 2014, thêm gia đình trung sĩ Phạm Ngọc Đa thuộc chiến hạm HQ-10 gửi cho báo Thanh Niên giấy báo tử về việc ông qua đời khi đang lênh đênh trên biển sau ba ngày chiến hạm này bị chìm.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lưu ý rằng, tuy tình hình trên Biển Đông hiện nay không căng thẳng như 10 năm trước nhưng cũng rất đáng quan ngại vì trong tháng vừa qua, tàu lớn nhất của Trung Quốc ba lần xâm phạm khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, đe doạ và tạo áp lực lên việc khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

Ông cho rằng tất cả những vấn đề đó đã không được dư luận quan tâm, và có một phần nguyên do là việc quan hệ Việt-Trung trở nên nồng ấm hơn sau chuyến thăm Hà Nội của Tập Cận Bình tháng trước.

Theo ông, quá trình đấu tranh về chủ quyền ở Biển Đông lâu dài, và Việt Nam phải tiếp tục tái khẳng định chủ quyền của mình ở đây, đồng phải tìm ra những biện pháp để đối phó với âm mưu thôn tính trọn Biển Đông của Trung Quốc.

"Báo chí trong mấy ngày qua đã không nhấn mạnh và cũng không đề ra những cái biện pháp để tiếp tục đấu tranh khẳng định chủ quyền và giải quyết tình hình an ninh trên Biển Đông bằng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bằng công pháp quốc tế, bằng Luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982.

Trách nhiệm đó thuộc về các nhà trí thức Việt Nam, báo chí Việt Nam đã làm nguội lạnh đi tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, đã làm gián đoạn quá trình mà tiếp tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa cũng như vấn đề an ninh khu vực", ông phát biểu.

Nguồn : RFA, 19/01/2024

***************************

50 năm Hải chiến Hoàng Sa : ‘Cả hai miền Nam-Bắc đều đã bị đồng minh phản bội’

Lưu Tường Quang, Khanh Nguyễn, BBC, 18/01/2024

"Tôi chỉ tiếc là nếu lúc đó, Việt Nam Cộng Hòa có chút hòa bình thật, Biển Đông hôm nay đã có nhiều điều thú vị hơn", luật sư Lưu Quang Tường chia sẻ nhân dịp 50 năm Hải chiến Hoàng Sa.

haichien12

Bà Bùi Thị Minh Hằng (phải) hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 24/07/2011

Ông Lưu Tường Quang là luật sư, nhà báo, nhiều năm cố vấn trong hệ thống dịch vụ công cho chính phủ Úc và nguyên trưởng nhiệm SBS Radio, cơ quan phát thanh văn hóa đa nguyên của Úc trong 17 năm.

Trước năm 1975, chức vụ cuối cùng của ông là quyền Tổng thư ký Bộ Ngoại giao cho đến khi vượt biển ra đi.

Kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa, BBC News tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với ông về quá khứ lẫn tương lai của biến cố này.

BBC : Đã 50 năm trôi qua kể từ Hải chiến Hoàng Sa, với kết cục là Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo. Từng là một công dân Việt Nam Cộng Hòa, ký ức của ông về sự kiện này là gì ?

Lưu Tường Quang : Lúc bấy giờ tôi đang phục vụ tại Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở Canberra, Úc. Chúng tôi nhận được tin này rất sớm qua cổng điện tử trung ương Bộ Ngoại giao tại Sài Gòn cũng như nguồn tin từ các hãng thông tấn quốc tế.

Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã mở một cuộc họp báo để mạnh mẽ tố cáo cuộc xâm lăng của Bắc Kinh, đồng thời luật sư Vương Văn Bắc, Tổng trưởng Ngoại giao, đã chính thức chuyển công hàm với đầy đủ bằng chứng lịch sử đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, mà Việt Nam Cộng Hòa có tư cách là quan sát viên, để phản đối và lên án Bắc Kinh đã vi phạm luật quốc tế, khi mở cuộc xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tất nhiên tất cả các nhiệm sở ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa đều nhận được chỉ thị vận động các quốc gia thân hữu, kể cả Úc.

Tại Canberra, công việc của chúng tôi không dễ dàng vì Thủ tướng Úc lúc ấy là một chính trị gia thiên tả, ông Gough Whitlam. Tháng 12 năm 1972, sau khi thắng cử, ông Whitlam đã đảo ngược chính sách của Úc, chấm dứt công nhận pháp lý (de jure recognition) Trung Hoa Dân Quốc và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Úc lúc bây giờ là Don Willesee không thiên tả nhưng không thể nào làm trái đường lối của thủ tướng Whitlam.

Còn một lý do khác nữa mà Canberra không chỉ trích Bắc Kinh, đó là đi theo lập trường và phản ứng của Mỹ trong vấn đề này. Mặc dù có lời yêu cầu của Việt Nam Cộng Hòa nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã từ chối yểm trợ hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong một phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Một tướng lĩnh Mỹ đã nói nước Mỹ coi các thực thể tại Hoàng Sa như là những mỏm đá không có tầm chiến lược quan trọng. Tiến sĩ Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia kiêm Ngoại trưởng, sau này đã bào chữa với lập luận là lúc bấy giờ Washington đã phải đối phó với các diễn tiến khác quan trọng hơn, chẳng hạn tình hình căng thẳng tại Trung Đông.

Rõ ràng là chính phủ Mỹ đã đánh giá sai lầm về tầm quan trọng ở Biển Đông lúc bấy giờ.

BBC : Truyền thông không chính thức trong nước ngày hôm nay nhưng vẫn có ý nói rằng Hải chiến Hoàng Sa 1974 là vô ích, và sự hi sinh là không cần thiết, vì rõ là Việt Nam Cộng Hòa yếu thế hơn Trung Quốc. Ông nghĩ sao về những nhận định này ?

Lưu Tường Quang : Theo ý tôi đây là nhận xét nông cạn vô ý thức của những lực lượng dư luận viên do nhà nước kiểm soát. Nếu lập luận này phản ánh nhận định chính của giới lãnh đạo Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thì chính họ phải hổ thẹn khi đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng, đã ra lệnh cho bộ đội đồn trú ở Gạc Ma, không được nổ súng vào năm 1988 (?).

Sau này Hà Nội đã tìm cách sửa chữa lịch sử khi ghi nhận là đại tướng Lê Đức Anh chỉ ra lệnh "không được nổ súng trước". Tất nhiên là 64 bộ đội tại Gạc Ma đã không còn cơ hội nào nổ súng sau đó. Các quân nhân bị thảm sát tại Trường Sa được nhà nước gọi là "liệt sĩ".

haichien13

Hình ảnh 64 chiến sĩ hy sinh vào năm 1988 tại Gạc Ma

Hoàn toàn khác với trận hải chiến Trường Sa, 74 chiến sĩ hải quân của Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu dũng mãnh và chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc, kể cả Hạm trưởng chiến hạm HQ-10, cố trung tá Ngụy Văn Thà… Chi tiết về trận hải chiến này đã được phổ biến rộng rãi, có lẽ cũng không cần phải nhắc lại thêm.

BCC : Cũng có ý kiến tại Việt Nam hôm nay, nói việc mất đảo Hoàng Sa là lỗi yếu kém của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa nên lúc này không thể giải quyết tranh chấp được, ông nghĩ sao ?

Lưu Tường Quang : Trong bối cảnh sau Hiệp định Paris 1973, Việt Nam Cộng Hòa đã phải đối phó với tình trạng vô cùng nguy kịch thù trong giặc ngoài, tức là các binh đoàn của Bắc Việt đang tiến vào lãnh thổ của miền Nam, mà quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải đứng lên để bảo vệ sự vẹn toàn của Tổ quốc, chống lại Cộng sản Bắc Kinh xâm lược.

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam Cộng Hòa không phải là nạn nhân duy nhất. Philippines và các nước nhỏ khác tại Đông Nam Á đều ít nhiều chia sẻ số phận này. Mất đất, mất đảo vào tay Trung Cộng không phải chuyện của riêng Việt Nam Cộng Hòa, mà cũng là câu chuyện của nhà nước Việt Nam hôm nay.

Nhưng đặc biệt với câu chuyện Hoàng Sa, 50 năm đã trôi qua, những người Việt bất cứ ở nơi đâu đều tri ân và tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng vị quốc vong thân trong cuộc hải chiến chống xâm lược 19/1/1974 đó.

haichien14

Các nhà hoạt động hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 14/3/2016

BBC : Hãy tưởng tượng cuộc chiến Nam-Bắc Việt vẫn chưa chấm dứt đến ngày hôm, cục diện thì tương tự như Nam-Bắc Hàn, theo ông, Hoàng Sa có trở thành như là một đồn trú quân sự quan trọng của Trung Quốc để áp chế cả Việt Nam như lúc này hay không ?

Lưu Tường Quang : Trong số ba quốc gia bị chia đôi, kể cả Tây và Đông Đức, Việt Nam là nơi duy nhất mà phe Cộng sản đã chiến thắng quân sự. Cố Nghị sĩ John McCain, một tù binh tại Hỏa Lò, và sau này với tư cách và nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, người hết lòng cổ xúy tái bang giao song phương, đã nói thẳng là "the wrong guy won the war in Vietnam" (kẻ xấu đã thắng).

Tất nhiên, trong giả thuyết nói trên, Việt Nam Cộng Hòa sẽ giàu mạnh hơn về mặt phát triển tương tự Hàn Quốc. Nhưng về mặt an ninh quốc phòng, Việt Nam Cộng Hòa cũng phải đối diện với mối đe dọa lớn lao hơn với các căn cứ quân sự của Bắc Kinh tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong thực tế, đây cũng là mối đe dọa chung cho chính nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một chế độ Cộng sản là đồng chí, anh em với Trung Quốc.

BBC : Nếu Việt Nam không đưa vấn đề Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực ra trước tòa án quốc tế thì tư cách về chủ quyền của họ có bị vô hiệu theo thời gian ? Ông đánh giá thế nào về khả năng nhà nước Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ?

Lưu Tường Quang : Tranh chấp lãnh thổ và vùng biển không phải là điều gì mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng chiếm hữu lãnh thổ bằng một cuộc xâm lăng vũ trang là không bao giờ được công nhận theo luật quốc tế.

Thí dụ cụ thể hiện nay là cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine, kể cả việc Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimea hồi 2014 và việc Israel chiếm đóng lãnh thổ của Palestine tại Trung Đông.

Cũng trên cơ sở này, chúng ta biết chắc là việc Bắc Kinh chiếm đóng bằng cuộc xâm lăng vũ trang đảo Hoàng Sa của Việt Nam là không thể nào được công nhận.

Vấn đề được đặt ra là liệu đến thời hiệu 50 năm mà Việt Nam không khởi kiện Bắc Kinh trước một tòa án quốc tế, thì việc xác quyết chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bị suy yếu hay không còn hiệu lực, lập luận này tôi chưa tìm thấy một án lệ cụ thể nào.

Một ví dụ mà chúng ta có thể nêu ra trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, việc chiếm hữu phần đất trước kia gọi là Thủy Chân Lạp (kể cả đảo Phú Quốc) mà ngày nay gọi là Đồng bằng sông Cửu Long, phía Phnom Penh không có cơ sở pháp lý nào để đòi lại cả.

Thật ra trong thế kỷ trước, một số chính trị gia Khmer đã tung các chương trình vận động kiện Việt Nam ra trước tòa án quốc tế để lấy lại đảo Phú Quốc, nhưng sau cùng đều đã bỏ cuộc. Không có ai trong số những chuyên gia luật quốc tế tin rằng Campuchia đã có cơ sở pháp lý để thành công.

Lý do cũng dễ hiểu, vì trong quá trình Nam tiến, dân tộc Việt Nam đã chiếm hữu vùng đất phương Nam phì nhiêu này một cách hòa bình trải qua nhiều thế kỷ. Và trong nhiều trường hợp còn có sự thỏa hiệp giữa xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn và các vua chúa địa phương lúc bấy giờ.

Cần phải nói rõ trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, tuy Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có những sai lầm nghiêm trọng (như công hàm Phạm Văn Đồng 14/9/1958), nhưng hôm nay nhà nước Việt Nam là nhà nước kế thừa tiếp nối lập trường chính danh của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhà nước thống nhất địa lý hôm nay, và Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, đã có lập trường và cách ứng xử theo tiêu chuẩn quốc tế, mỗi khi Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. Như vậy, để không có ai hiểu lầm rằng "im lặng như là đồng ý", hoặc chấp nhận nên không lên tiếng phản đối.

Theo tôi, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam đang cân nhắc phương án kiện hay không kiện Trung Quốc như một thái độ chính trị. Giới lãnh đạo Hà Nội đều biết rõ là Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, và nếu kiện thì theo mô thức mà Philippines đã theo đuổi trong vụ kiện Trung Quốc ra trước tòa trọng tài quốc tế The Hague.

Tòa án này đã ra phán quyết hồi tháng 7 năm 2016, hoàn toàn bác bỏ lập luận quyền lịch sử của Bắc Kinh và coi đường lưỡi bò chín đoạn là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Hầu hết các chuyên gia về công pháp quốc tế và các vấn đề Biển Đông đều đồng ý - và bản thân tôi cũng tương tự - là một vụ kiện theo mô thức của Philippines, Việt Nam không thể thua, nhưng điểm khó khăn là việc thi hành phán quyết cuối cùng đó.

BBC : Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc cam kết "chia sẻ tương lai", nếu Việt Nam không chính thức kiện Trung Quốc, chuyện sẽ giằng dai không hồi kết, mà phần hi sinh ở giữa vẫn chủ yếu là ngư dân Việt Nam ?

Lưu Tường Quang : Trong chuyến công du vào tháng 12 năm 2023, có vẻ như ông Tập Cận Bình đã thành công hơn trong nỗ lực ép buộc Việt Nam tham dự vào sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), nhân kỷ niệm 10 năm của kế hoạch này.

Việt Nam không còn chần chờ được nữa, mà đã phải cam kết một kế hoạch Hai hành lang, Một vành đai (Two Corridors, One Belt). Và đó là cách chấp nhận cộng đồng chia sẻ tương lai với Bắc Kinh.

Nhà nước Việt Nam có thể nghĩ rằng họ tránh vỏ dưa, nhưng rồi vẫn đạp phải vỏ dừa. Tôi nghĩ đây là chỉ sự khác biệt về mỹ từ, có lẽ để xoa dịu công luận. Bắc Kinh vẫn giữ nguyên cụm từ Hán Việt là cộng đồng chung vận mệnh nhưng dịch sang tiếng Anh là cộng đồng chia sẻ tương lai.

Tôi tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng quá đắc ý về chính sách "Cây tre", mà quên rằng cây tre đứng lẻ loi một mình thì có thể bị trốc góc trong một cơn bão mạnh. Chỉ có bụi tre mới có thể trụ lại, đúng theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải cần có thêm nhiều đồng minh, thay vì lẻ loi trong quỹ đạo Bắc Kinh với chính sách gọi là "Bốn Không" và "Một Tùy".

Ngay lúc này tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo Hà Nội đã bỏ mất cơ hội để cải thiện thế đứng đối với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, khi phải nhượng bộ quá nhiều các chính sách bên ngoài Biển Đông. Một trong những hậu quả thấy rõ là ngư dân Việt Nam tiếp tục bị đàn áp, đe dọa.

Nhưng quyền lợi của Tổ quốc Việt Nam tại Biển Đông không chỉ là đánh bắt hải sản, mà còn là những vụ lợi kinh tế khác như dầu khí và chiến lược an ninh quốc phòng.

BBC : Trước cột mốc 50 năm quần đảo Hoàng Sa bị mất vào tay một quốc gia đang có mối ngoại giao thâm sâu với nhà nước Việt Nam hôm nay, ông có suy nghĩ gì ?

Lưu Tường Quang : Nhìn lại lịch sử từ sau Thế chiến II, Việt Nam - cả Bắc lẫn Nam (khi đất nước bị chia đôi) - đều đã là nạn nhân của chính sách đại cường, cả hai đều đã bị đồng minh phản bội.

Cũng có thể chúng ta nên nhìn lại một phần của quá khứ, khi đi tìm một con đường cho tương lai trong vấn đề Biển Đông, mà cuộc tranh chấp có thể còn tiếp tục nhiều thập niên nữa.

Đầu năm 1975, Hội đồng Liên bộ của Ủy hội Quốc gia Dầu hỏa Việt Nam nhóm họp tại Sài Gòn, mà tôi có mặt với tư cách là đại diện Bộ Ngoại giao. Ông Bùi Diễm, từng là Đại sứ Việt Nam tại Washington, đã ghi chú rất kỹ phần trình bày của kỹ sư Trưởng nhiệm Trần Văn Khởi về những khám phá mới của việc khai thác, tuy chỉ là phác thảo ban đầu nhưng đầy hứa hẹn tại vùng biển ngoài khơi Nam Việt Nam.

Phiên họp này đã dành nhiều thì giờ thảo luận một kế hoạch thu hút đầu tư Hoa Kỳ và Úc cũng như các quốc gia dân chủ phương Tây khác. Đây là một hình thức ngoại giao kinh tế của nền thế kỷ trước.

Tiếc thay, chính thể Việt Nam Cộng Hòa không có đủ thì giờ cũng vào thời điểm ấy Bắc Việt đã mở những cuộc tấn công tràn vào tỉnh Phước Long, mà Washington lại im lặng, không có phản ứng.

Từ đó miền Bắc như được khuyến khích và bắt đầu chiến dịch gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh, để tiến sĩ Henry Kissinger có thể nham nhở mỉm cười tuyên bố "Hòa Bình trong tầm tay". Tôi chỉ tiếc là nếu lúc đó, Việt Nam Cộng Hòa có chút hòa bình thật, Biển Đông hôm nay đã có nhiều điều thú vị hơn.

Khanh Nguyễn thực hiện

Nguồn : BBC, 18/01/2024

****************************

50 năm mất Hoàng Sa : Việt Nam không dễ kiện Trung Quốc

Hoàng Việt, RFA, 18/01/2024

Ngày 19/1/1974, Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc đó, quần đảo này do Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Ngày 19/01/2024 là tròn 50 năm Trung Quốc xâm lược và đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Nhân dịp này, RFA có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh về các khả năng kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, do một số đặc điểm riêng của tòa án quốc tế, việc đưa được Trung Quốc ra tòa là điều vô cùng khó khăn. 

haichien15

Các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), 2021 - ITLOS

RFA : Hiện có bảy toà án quốc tế. Trong đó, loại trừ một số tòa có tính khu vực, không liên quan đến Việt Nam và Biển Đông, chúng ta còn có các tòa án có thể liên quan đến Hoàng Sa là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Trong các tòa án quốc tế này, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra toà án nào để đòi lại Hoàng Sa ? Tại sao ?

Hoàng Việt : Thứ nhất là chúng ta sẽ loại trừ Tòa án Quốc tế về Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea). Tòa án này chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến Luật biển Quốc tế. Mà trong Luật biển Quốc tế thì không có vấn đề nào liên quan đến chủ quyền đối với các thực thể địa lý mà chỉ liên quan đến các vấn đề về biển như lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế… Tòa án này cũng yêu cầu phải có tất cả các bên cùng chấp nhận ra tòa. 

Tòa án thứ hai là Tòa án Hình sự Quốc tế (International Court of Criminal). Đây là tòa đã truy tố tổng thống Nga Putin năm 2022 vì cuộc xâm lược Ukraine, dựa trên đơn đề nghị của khoảng 40 quốc gia. Tòa này không giải quyết các vấn đề biên giới và lãnh thổ. 

Cơ bản nhất có hai tòa giải quyết các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ. Tòa thứ nhất là tòa PCA, tức "The Permanent Court of Arbitration" (Tòa Trọng tài Thường trực). Tòa này là tòa lâu đời nhất, ra đời từ 1911 đến nay. Tòa PCA đã mở văn phòng ở Hà Nội. Đây không phải là tòa thông thường mà là tòa trọng tài. 

Tòa thứ ba là Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice.) Đây là một cơ quan tư pháp của Liên Hiệp Quốc. Nó là được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp quốc, là một cơ quan chính thống của Liên Hiệp Quốc. 

Tòa này đã giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ, biên giới gữa các quốc gia. Nó là một những tòa quốc tế quan trọng nhất hiện nay. Nếu Việt Nam muốn kiện Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa thì cũng sẽ đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật biển hoặc Tòa Trọng tài Thường trực.

Nhưng điều quan trọng nhất là các tòa án quốc tế này đòi hỏi tất cả các quốc gia liên quan đều phải cùng đưa ra tòa. Một trong những vấn đề quan trọng nhất của quan hệ quốc tế theo Liên Hiệp Quốc là chủ quyền quốc gia. 

Tòa không thể vượt quá chủ quyền quốc gia. Khi mà một quốc gia nào đó không chấp thuận thì tòa không được đem vụ kiện đó ra xét xử. Liên Hiệp quốc thiết kế cơ chế như vậy để yêu cầu tất cả các bên tranh chấp một thực thể địa lý nào đó phải cùng đồng thuận ra tòa giải quyết. 

RFA : Có phải vì Liên Hiệp Quốc muốn tránh trường hợp một quốc gia bị một quốc gia khác đơn phương đưa ra tòa án quốc tế, trái với ý chí của quốc gia đó ?

Hoàng Việt : Cũng có thể là như vậy. Điều quan trọng nhất là nguyên tắc của Liên Hiệp quốc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Đây là nguyên tắc tối thượng. Không ai có thể áp đặt một quốc gia ở một tòa án quốc tế khi mà quốc gia đó không chấp nhận giải quyết bằng phương án đó. 

Điều khó khăn nhất khi muốn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chính là phải có sự chấp thuận của Trung Quốc đối với việc ra tòa. 

RFA : Tòa Trọng tài thì khác gì với các tòa khác ? Nếu Việt Nam sử dụng tòa trọng tài thì vụ việc có thể tiến triển như thế nào ?

Hoàng Việt : Ví dụ trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, người ta sẽ lập một hội đồng trọng tài. Các trọng tài phân xử sẽ được tuyển chọn từ các trọng tài viên của tòa ITLOS (Tòa án Quốc tế về Luật biển.) Tức đó là một cơ chế mềm dẻo. 

Tòa trọng tài (Tribunal) là tòa chỉ lập ra khi có một vụ án, chỉ để xét xử vụ kiện đó. Khi xét xử xong thì nó giải tán. Còn tòa án (Court) là luôn luôn có sẵn, luôn tồn tại. 

Trong quá khứ, có một số vụ kiện để chúng ta hiểu nếu áp dụng kiểu tòa án này thì vụ kiện có thể xảy ra như thế nào.

Ví dụ như vụ án Yukos của Nga. Khi chính phủ Nga quốc hữu hóa tập đoàn Yukos thì đã quốc hữu hóa cả số vốn đầu tư của một số chủ đầu tư nước ngoài. Các chủ đầu tư nước ngoài này đã kiện chính phủ Nga ra tòa án quốc tế. Đó sẽ là một tòa trọng tài để phân xử đúng sai giữa hai bên. 

Trong vụ án này, chính phủ Nga đã phản đòn bằng một bước đi hoàn toàn hợp pháp và hiệu quả. 

Hội đồng tòa trọng tài phán quyết Nga thua cuộc, phải đền bù hơn 50 tỷ USD. Phía Nga đã tìm kiếm một tòa thường trực tại Hà Lan nằm ở nơi có trụ sở của PCA. Tòa này có quyền xét lại phán quyết của PCA. Trong khi đó, PCA không được xem xét phán quyết đó. 

RFA : Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì đã đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực chứ không phải bằng thương thuyết và thỏa ước thì có thể kiện như thế nào ? Diễn biến có thể ra sao ?

Hoàng Việt : Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 thì đã trái Hiến chương Liên Hiệp quốc. Điều 2 của Hiến chương đã quy định rằng tất cả các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. 

Năm 1970, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ra Nghị quyết 2625, khẳng định rằng kể từ đó về sau, mọi vùng lãnh thổ được thụ đắc bằng vũ lực sẽ không được công nhận. 

Chính vì vậy, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực năm 1974, khi Nghị quyết 2625 đã có hiệu lực, nên quốc tế vẫn chưa công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối quần đảo Hoàng Sa. 

Vấn đề khó khăn nhất của Việt Nam khi muốn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là Trung Quốc cũng phải đồng ý ra tòa. Nhưng Trung Quốc không bao giờ đồng ý ra tòa. Họ khẳng định chỉ đàm phán song phương, không chấp nhận giải quyết với một bên thứ ba, bao gồm cả tòa án. Vì vậy, việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là bất khả thi. 

RFA : RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, nhà nghiên cứu Hoàng Việt sẽ trao đổi những điều Việt Nam có thể làm ngay cả khi Trung Quốc không chấp nhận ra tòa án quốc tế.

Nguồn : RFA, 18/01/2024

****************************

Những điều có thể làm ngay cả khi không thể kiện Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa

Hoàng Việt, RFA, 18/01/2024

Ở phần trước  nhà nghiên cứu Hoàng Việt trao đổi với RFA về những trở ngại về cơ chế và luật pháp quốc tế khiến cho việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề Hoàng Sa trở nên vô cùng khó khăn. Ở phần này, ông chia sẻ với RFA về những điều có thể làm ngay cả khi Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với Hoàng Sa ngày nay cần được đặt trong khung cảnh quan hệ quốc tế rộng lớn hơn. 

haichien16

Năm 1996, Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng cho Hoàng Sa, một yêu sách bất hợp pháp - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

RFA : Tòa ICJ (Tòa án Công lý Quốc tế) có cơ chế tham vấn. Nếu Việt Nam không kiện được vì Trung Quốc không chịu ra tòa thì liệu có thể xin tòa cho ý kiến tư vấn hay không ? Ý kiến tư vấn thì không có giá trị pháp lý, nhưng nếu Việt Nam tự tin vào bằng chứng lịch sử của mình, nếu tòa đưa ra một ý kiến tư vấn có lợi cho Việt Nam thì điều đó cũng có ý nghĩa về mặt khẳng định chính nghĩa của mình ?

Hoàng Việt : Tòa ICJ có thẩm quyền tư vấn. Tòa này đã đưa ra nhiều ý kiến tư vấn cho nhiều vụ tranh chấp. Mặc dù những tư vấn đó không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó rất quan trọng vì có thể tạo ra tính chính danh, chính nghĩa cho bên được tòa xác nhận là đúng. 

Nhưng trong Hiến chương Liên Hiệp quốc, ở điều 95 có nhắc, và trong quy chế về Tòa ICJ thì từ điều 65 đến 68 thì có quy định về chức năng tư vấn của tòa. 

Chức năng tư vấn này được thiết kế cho các tổ chức quốc tế. Liên Hiệp quốc nhận thấy là các tổ chức quốc tế cũng có quyền và có nhu cầu được tư vấn về tranh chấp. 

Chính vì vậy, thủ tục để yêu cầu tòa ICJ tư vấn cũng khác, tức là phải thông qua một tổ chức quốc tế. 

Nếu Việt Nam muốn tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn thì phải thông qua một tổ chức quốc tế, trong trường hợp Hoàng Sa thì chính là Đại hội đồng Liên Hiệp quốc. Ở đây thì chúng ta phải có được hai phần ba thành viên, trong số 196 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc đồng ý. 

Nếu Việt Nam muốn Tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn thì trước hết phải thuyết phục được một số lượng lớn quốc gia như vậy đứng về phía mình, chống lại Trung Quốc. Trung Quốc đã một cường quốc, có tầm ảnh hưởng lớn toàn cầu. Cho nên tôi nghĩ đó là điều không phải dễ.

RFA : Như phân tích của ông, việc đòi loại Hoàng Sa là điều vô cùng khó khăn. Dùng lực lượng quân sự thì đương nhiên không được, mà dùng biện pháp pháp lý là kiện Trung Quốc ra tòa cũng chưa làm được. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiện Trung Quốc ở những khía cạnh khác liên quan đến Hoàng Sa không ? Ví dụ như đường cơ sở thẳng Trung Quốc vẽ quanh quần đảo này năm 1996. Đường cơ sở thẳng này rõ ràng bất hợp pháp, trở thành "căn cứ" để Trung Quốc đòi hỏi một cách bất hợp pháp 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh Hoàng Sa.

Hoàng Việt : Nói chung là việc kiện Trung Quốc để lấy lại chủ quyền đối với Hoàng Sa là vấn đề khó. Nhưng với các vấn đề khác có liên quan thì không phải là không làm được. 

Ví dụ như câu chuyện Philippines kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật biển. 

Đối với tòa này, việc Trung Quốc chấp nhận tham gia hay không thì không phải là yếu tố quyết định để mở phiên tòa. 

Trong phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, chúng ta thấy là Trung Quốc đã không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ. Thậm chí, Trung Quốc còn quay sang tấn công lại phán quyết này. Nhưng phán quyết này vẫn là một chiến thắng của người Philippines. Phán quyết này sau đó đã đóng vai trò quan trọng trong luật biển quốc tế nói chung. 

Như vậy, Việt Nam có thể xem xét sử dụng một công cụ tương tự như vậy. Tức là mang vấn đề ra một tòa trọng tài. 

Việt Nam có thể yêu cầu tòa giải thích một số vấn đề của quần đảo Hoàng Sa mà liên quan đến vấn đề biển. 

Trung Quốc vẽ một đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào năm 1996. Theo Luật biển, đường cơ sở thẳng vẽ xung quanh các đảo thì chỉ áp dụng cho quốc gia quần đảo. Trung Quốc là một quốc gia lục địa, không phải là quốc gia quần đảo. 

Vậy đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tuyên bố xung quanh quần đảo Hoàng Sa có hợp pháp hay bất hợp pháp. Đó là một vấn đề Việt Nam có thể đưa ra. 

Điều thứ hai mà Việt Nam có thể đưa ra là trong phán quyết năm 2016, trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, tòa đã phán quyết về Trường Sa. Theo phán quyết này, quần đảo Trường Sa không có đảo mà chỉ là đá hoặc bãi ngầm lúc chìm lúc nổi. Như vậy nó thu hẹp tranh chấp rất nhiều. 

Việt Nam có thể kiện theo hướng yêu cầu một phán quyết như vậy đối với Hoàng Sa. Các thực thể địa lý ở Hoàng Sa là đảo, đá, hay lúc chìm lúc nổi ? 

Ngoài ra, đối với Trường Sa, tòa PCA năm 2016 đã đề cập đến vấn đề cấu trúc mang tính tập thể thì sẽ tạo thành cấu trúc toàn bộ như thế nào. Vậy Hoàng Sa có gì tương tự hay không ? 

Đương nhiên, Việt Nam phải cân nhắc nhiều vấn đề khác khi đưa Trung Quốc ra tòa. Biện pháp pháp lý là một khía cạnh, nhưng chính trị là khía cạnh khác quan trọng không kém. 

Nếu Việt Nam thắng kiện Trung Quốc nhưng phán quyết đó không thực thi được trong thực tế thì sao ? 

Chúng ta biết cái yếu nhất của luật pháp quốc tế là không có biện pháp cưỡng chế nếu bên thua kiện không tuân thủ. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp Trung Quốc. Vụ kiện Philippines cho thấy rõ điều này. 

Cho nên Việt Nam phải cân nhắc điều sau đây : Chúng ta có nên chấp nhận lấy một chiến thắng tại tòa nhưng không có giá trị thực thi trong thực tế, để đổi lấy những sức ép kinh tế rất mạnh trên thực tế từ phía Trung Quốc ? Trong khi đó, Việt Nam còn có nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị, chiến lược với Trung Quốc.

Năm nào lãnh đạo Việt Nam khi gặp Trung Quốc thì cũng phải yêu cầu họ mở cửa nông sản để bà con nông dân Việt Nam thu được lợi ích. 

Sau khi Philippines thắng cuộc trong vụ kiện Trung Quốc năm 2016 thì Trung Quốc đã trả đũa bằng cách ngay lập tức chặn Philippines xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Chuối là mặt hàng nông sản lớn mà Philippines xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là chưa kể Trung Quốc còn gây sức ép lớn lên Philippines về mặt ngoại giao ở khác mặt trận khác nữa. 

Đó là khó khăn của các nhà lãnh đạo. Họ sẽ phải suy tính hết để quyết định chọn phương án nào.

RFA : Như vậy việc Việt Nam kiện Trung Quốc không thể chỉ xem xét vấn đề pháp lý. Việt Nam sẽ phải đặt nó trong một bản đồ lớn hơn ?

Hoàng Việt : Đúng vậy. Đặc biệt, ngày nay, thế giới đang trở nên hỗn loạn. Chiến tranh nổ ra khắp nơi, luật pháp quốc tế đôi khi không giữ được. Mặc dù Mỹ và Phương Tây đang tìm cách duy trì một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nhưng luật lệ đó đang bị một số quốc gia khác vươn lên để thay đổi nó. Chúng ta đã thấy điều đó ở cuộc chiến Ukraine, cuộc chiến ở Trung Đông. Những điều đó cho thấy ranh giới luật pháp quốc tế rất mong manh. 

Cho nên lãnh đạo các nước đều có khó khăn của họ. Mục tiêu quan trọng nhất của họ bây giờ là giữ được đất nước không bị cuốn vào chiến tranh, giữ được hòa bình và tạo ra không gian để phát triển. Đó mới là cái khó. 

RFA : RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 18/01/2024

****************************

50 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa : Chính phủ cần xây đài tưởng nhớ sự kiện này !

RFA, 18/01/2024

Các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) độc lập yêu cầu chính quyền Việt Nam ghi sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa 50 năm trước vào lịch sử của dân tộc, đồng thời xây đài tưởng nhớ.

haichien17

Người dân Hà Nội tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Sa trong ngày 19/01/2017 - AFP

Tuyên bố về 50 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm được các tổ chức như Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Lập quyền dân, Diễn đàn Bauxite Việt Nam… công bố vào ngày 15/01, bốn ngày trước ngày tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa, trong đó 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tử trận và bị Trung Quốc chiếm giữ quần đảo này từ đó tới nay.

Tuyên bố nhắc lại khi đó Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Bắc Kinh đã lợi dụng cuộc nội chiến ở Việt Nam để sử dụng vũ lực chiếm đoạt quần đảo.

Theo tuyên bố, Trung Quốc là phía xâm lược còn các quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa) đã hy sinh trong trận chiến chống quân xâm lược. Do vậy, họ nên được vinh danh như những anh hùng của dân tộc và Việt Nam cần phải công nhận sự cống hiến xương máu của họ trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Trưởng ban Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương, nhắc lại quan điểm này trong cuộc phỏng vấn trả lời Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 18/01 :

"Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước của mình thì phải được tưởng nhớ phải được tôn vinh. 74 người chiến sĩ hy sinh ở Hoàng Sa cũng thế thôi, cũng trong tinh thần như vậy".

haichien18

Biểu tình chống Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6/2018 (AFP)

Trên các tờ báo Nhà nước những ngày gần đây rất ít tin về sự kiện 50 năm ngày mất Hoàng Sa, nếu có thì chỉ vài bài nói về việc chính quyền địa phương thăm hỏi những nhân chứng - là những quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa từng làm việc trên quần đảo Hoàng Sa.

Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận sự hy sinh của họ một cách chính thức và tổ chức tưởng niệm ngày này, ngược lại khi người dân tổ chức tưởng niệm trong nhiều năm trước đây thường bị sách nhiễu, đàn áp.

Ông Lê Thân- chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cho rằng Hà Nội nên đối xử bình đẳng với tất cả những người đã ngã xuống trong mọi cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nhà nước Việt Nam cần vinh danh những người lính tử trận ở Hoàng Sa và các liệt sĩ chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, cũng như 64 liệt sĩ Gạc Ma- những người đã bị hải quân Trung Quốc sát hại khi cưỡng chiếm thực thể này ở quần đảo Trường Sa năm 1988.

Tuyên bố cũng kêu gọi Nhà nước cần truyền thông rộng rãi cho nhân dân, đặc biệt là các thanh thiếu niên luôn luôn ghi nhớ việc Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế trong vấn đề Hoàng Sa.

Trong tuyên bố này, các tổ chức và các nhân sĩ ký tên đề nghị chính quyền tiếp tục đấu tranh kiên quyết, bền bỉ bằng mọi hình thức, biện pháp với Trung Quốc nhằm đòi lại Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Khắc Mai, đại diện cho tổ chức Lập quyền dân ký trong tuyên bố, nói :

"Tiếng nói của chúng tôi là chắc chắn chỉ là một nhóm nhưng mà nó cũng tiêu biểu cho một cái tinh thần hiểu biết và trách nhiệm công dân của mình đối với đất nước với tổ quốc Mà 50 năm đã qua, nhân dân thì yêu cầu đảng cầm quyền và Nhà nước có nhiều hoạt động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tất nhiên là hòa bình thôi

Nhưng mà phải đưa nó ra thành ra luật pháp quốc tế kêu gọi thế giới nó phân tích nó phê phán nó ủng hộ mình và nó lên cái cuộc xâm lược đấy của Trung Quốc. Phải coi trọng đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa bằng tư pháp, luật pháp và dư luận quốc tế".

Theo ông, Nhà nước Việt Nam phải có những cái tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ về vấn đề này và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, chứ không lên tiếng một cách máy móc và hời hợt như trong nhiều thập niên qua.

"Tôi chỉ hy vọng là Nhà nước phải coi trọng nhiều các hoạt động luật pháp và dư luận hơn nữa về vấn đề bảo vệ chủ quyền của ta ở Hoàng Sa, đặc biệt là cho ngư dân tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt và để khẳng định chủ quyền của mình ở đấy", nhà nghiên cứu 92 tuổi ở Hà Nội nói.

Sau khi xâm chiếm Hoàng Sa, năm 1988, Trung Quốc lại xua quân đánh chiếm Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Trong nhiều năm gần đây, Bắc Kinh đã cải tạo và biến các đảo chiếm được từ Việt Nam thành những căn cứ quân sự, uy hiếp các đảo và cả đất liền của Việt Nam.

Ông Lê Thân đề nghị chính quyền, ngoài việc cố gắng giữ nguyên hiện trạng, bên cạnh đó cần tiếp tục đấu tranh pháp lý để khẳng định "Hoàng Sa là của Việt Nam" và để đến thời cơ chính muồi "cũng chỉ có thể lấy lại bằng vũ lực chứ không có cách gì khác".

Trong thập niên trước, nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số địa phương khác phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong các dịp tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa (19/1) hay Gạc Ma (14/3), nhân sĩ trí thức và người dân thường tập trung ở tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội hay tượng đài Đức Thánh Trần ở Thành phố Hồ Chí Minh để tưởng niệm.

Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, bên cạnh việc hàng trăm người bất đồng chính kiến bị bắt giam, thì lực lượng an ninh cũng thường ngăn chặn khiến các cuộc tưởng niệm công khai, đông người không thể diễn ra. Do vậy, các tổ chức XHDS kêu gọi người dân thực hành việc tưởng niệm các liệt sĩ Hoàng Sa theo cách của riêng mình.

Ông Lê Thân nói : "Trong điều kiện này cũng khó tập trung thì mỗi người tự làm một phút mặc niệm trong cái ngày 19/1 để tưởng nhớ 74 người anh hùng đã hi sinh vì Tổ quốc. Cái đó động viên tạo ra một phong trào để động viên cho thế hệ trẻ cũng như nhắc nhở bà con mình về ccuộc chiến ở Hoàng Sa".

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Pháp cho rằng tuyên bố trên của các tổ chức và nhân sĩ rất đáng được trân trọng. Ông cho rằng Hà Nội phải có một động thái mạnh, như long trọng ra một tuyên bố trước quốc dân đồng bào cũng như trước cộng đồng quốc tế. Mục đích để cho tranh chấp vẫn còn tồn tại và Việt Nam luôn quan tâm đến việc giành lại các vùng lãnh thổ đã mất của mình.

Nội dung của tuyên bố này tố cáo Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp quốc khi sử dụng vũ lực để xâm chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam.

Tuyên bố cũng cần đưa ra các chứng cứ lịch sử và các cơ sở pháp lý để chứng minh Việt Nam có chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ; đồng thời vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ mình trong nỗ lực đòi lại công lý.

Theo ông, việc xây dựng đài liệt sĩ Hoàng Sa hay viết lại lịch sử sẽ không đủ để Việt Nam thuyết phục được cộng đồng các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và ủng hộ chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa.

Nguồn : RFA, 18/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Thư, Carl Thayer, BBC, RFA, Lưu Tường Quang, Khanh Nguyễn, Hoàng Việt,
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)