Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/01/2024

Xung quanh vấn đề sức khỏe, sống chết của ông Nguyễn Phú Trọng

Song Chi

Cuối cùng sau khoảng hai tuần vắng mặt, ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện tại kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 15/1 tại Hà Nội, dập tắt mọi đồn đoán râm ran trong dư luận về sức khỏe của ông suốt những ngày qua. Mặc dù vậy, xem video clip người ta có thể thấy sức khỏe của ông càng kém hơn trước : ông bước đi rất chậm, và phải có người khác, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nắm tay dìu đi, còn khi đứng lên chào cờ thì phải bấu vào bàn và được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đỡ dậy…

trong5

Ông bước đi rất chậm, và phải có người khác, như Chủ tịch quốc hội còn khi đứng lên chào cờ thì phải bấu vào bàn và được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đỡ dậy…

Dư luận lại được dịp bàn tán là ông Trọng "giả chết để bắt quạ". Hoặc có ai đó đã tung cái tin ông Trọng qua đời, hoặc có khả năng không qua khỏi, với dụng ý gì đó. Dụng ý gì không biết nhưng đối với lòng dân, nếu ông Trọng chỉ cần vào trang mạng xã hội có lượng người Việt sử dụng nhiều nhất là Facebook, ông sẽ thấy người dân nghĩ gì, cảm thấy ra sao trước tin ông qua đời. Và cái câu mà ông từng tự hào nói về Việt Nam trên trường quốc tế "mình phải thế nào thì người ta mới thế chứ" lại vận vào chính ông.

Gần 13 năm làm Tổng bí thư – ông Nguyễn Phú Trọng là người như thế nào ?

Có rất nhiều tên gọi, "biệt danh" tốt và xấu khác nhau giành cho ông Nguyễn Phú Trọng, những người ca tụng, nịnh nọt thì gọi ông Trọng là "nhân sĩ Bắc Hà", "người cộng sản cuối cùng", "người đốt lò vĩ đại"… những người chỉ trích, chê bai thì gọi là "Trọng lú", "nhân vật hám quyền lực", "kẻ độc tài"…

Nhưng có một điều người ta phải thừa nhận, kể từ sau thời Lê Duẩn cho tới nay, ông Nguyễn Phú Trọng là người có quyền lực lớn nhất. Về chức vụ, ngoại trừ ông Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam cũng là Chủ tịch nước đầu tiên và giữ cương vị này trong một thời gian dài (đến tháng 9/1969) và ông Trường Chinh, đang làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được bầu giữ cương vị Tổng bí thư thay cho ông Lê Duẩn qua đời tháng 7/1986 và đảm nhiệm đến tháng 12/1986, đến nay mới có ông Nguyễn Phú Trọng một mình từng ngồi luôn 2 ghế Tổng bí thư và Chủ tịch nước trong giai đoạn 2018–2021 sau cái chết đột ngột của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, và cũng là người đã bất chấp điều lệ đảng, vẫn tiếp tục tái cử lãnh đạo khi đã ngoài 65 tuổi và ngồi thêm nhiệm kỳ thứ ba trong chức vụ Tổng bí thư.

Nếu như "ưu điểm" của ông Trọng so với nhiều nhân vật chop bu khác khiến đảng cộng sản phải chọn ông cho dù tuổi đã cao, nhiều tật bệnh, năng lực hạn chế (như chính ông thừa nhận) là tương đối ít tham nhũng và vẫn kiên định với con đường xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác Lênin, thì mặt khác, ông lại có nhiều "khuyết điểm" nặng nề và rất khó sửa khác.

npt2

Nguyễn Phú Trọng là một con người tham quyền lực nhưng lại có quyền lực hơn mọi lãnh đạo gần đây, và thần phục Tàu tuyệt đối !

Một con người thần phục Tàu và cực kỳ tham vọng quyền lực !

So với thời kỳ đầu với Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… thế hệ quan chức cộng sản sau này hầu hết không còn tin gì vào chủ nghĩa xã hội, vào học thuyết Mác Lê hay lý tưởng của đảng, họ bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ là để bảo vệ những quyền lợi của mình và của con cháu mình, họ cũng chẳng còn tin vào Nga hay Tàu nhưng vì hèn, vì sợ mất đảng, mất chế độ mà quỵ lụy với Tàu…

Nhưng, riêng ông Nguyễn Phú Trọng thì dường như lại có phần giống với thế hệ lãnh đạo trước kia – vẫn bám vào lý luận Mác Lênin, bám vào chủ nghĩa xã hội, đồng thời có nhiều nét nguy hiểm – một con người tham quyền lực nhưng lại có quyền lực hơn mọi lãnh đạo gần đây, và thần phục Tàu tuyệt đối !

Một mặt, Nguyễn Phú Trọng nhất nhất học theo Tập Cận Bình. Họ Tập có phong trào chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi" thì Nguyễn Phú Trọng cũng nêu cao quyết tâm chống tham nhũng qua chiến dịch "đốt lò". Nhưng tham nhũng ở Trung Quốc hay ở Việt Nam thì không thể nào tiêu diệt được, một khi hai quốc gia này còn tồn tại mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng với quyền lực của đảng cộng sản đứng trên cả luật pháp, tư pháp, hành pháp lẫn truyền thông và người dân thì hoàn toàn không có quyền mở miệng. Cho nên chống tham nhũng ở hai quốc gia này chỉ là tiêu diệt phe cánh mà thôi. Ông Trọng cũng học theo họ Tập tiêu diệt tất cả những ai có nguy cơ ngáng đường hoặc có khả năng thay thế mình.

Đảng cộng sản Trung Quốc vào ngày 25/2/2018 đã đề xuất bỏ điều khoản giới hạn thời kỳ nắm quyền hai nhiệm kỳ của chủ tịch trong hiến pháp nước này, mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền vĩnh viễn, chẳng khác nào một ông Vua. Nguyễn Phú Trọng có lẽ cũng mơ có quyền lực lớn như thế, nhưng dù cho hiện tại ông Trọng đã diệt hết mọi đối thủ chính trị thì từ tầm nhìn, tư duy, năng lực, cho tới bản lĩnh, ông Trọng vẫn cứ thua Tập Cận Bình rất xa, và cũng không có được uy tín, thiện cảm hay sự kính nể của dư luận nhân dân có hiểu biết, quan tâm về chính trị. Ông Trọng vẫn bị "chết" với cái xú danh "Trọng lú" chả biết có từ bao giờ.

Mặc khác, Nguyễn Phú Trọng lại thích tạo phong cách giản dị, liêm khiết, ăn mặc xuề xòa như cách lãnh đạo thời kỳ đầu và cũng muốn được như Hồ Chí Minh nên cho báo chí bơm thổi, tụng ca về mình, có những bài báo còn gọi ông Trọng là "Người", là "Ngài", hơn cả Hồ Chí Minh hồi xưa chỉ được gọi là "Người" !

Đó là một con người bề ngoài thì ra vẻ khiêm nhường, khiêm tốn, đạo đức, nhưng bên trong thì tham vọng quyền lực rất lớn. Bề ngoài thì lì lì, như lú lẫn, nhưng bên trong thì nghĩ trăm mưu nghìn kế diệt đối thủ, lúc nào cũng "nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn", tuổi cao, sức yếu, tài không bao nhiêu, nhưng nhất định không chịu nhường ghế mà cứ ngồi đó để đưa đất nước này đi theo con đường chủ nghĩa xã hội "không biết đến hết thế kỷ này đã có hay chưa". Mang tiếng là ít gì cũng "Cử nhân Văn chương" Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là Tiến sĩ ngành khoa học lịch sử ở Liên Xô cũ, thực ra là Tiến sĩ ngành xây dựng đảng, rồi thì được phong là Giáo Sư (bằng cấp lãnh đạo nước này lúc nào cũng rất to, chính trị gia các nước nghe cứ mà phát sốt), nhưng thơ phú thì như vè, nói năng thì toàn những lập luận giáo điều, xơ cứng ! Còn tình trạng nhân quyền, đàn áp báo chí, đàn áp bắt bớ những người bất đồng chính kiến, đàn áp tất cả những ai có chút trong xã hội, đàn áp tôn giáo…dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng thì càng tồi tệ, u ám hơn !

Hình ảnh một chính khách, lãnh đạo quốc gia trông cũ kỹ, lạc hậu so với thế giới !

Một trong những bài báo nịnh bợ lộ liễu đăng trên một trang web rất khả nghi cách đây mấy năm là thaotin.net viết về ông Trọng : "Chiếc áo cũ rách cổ tay và nhân cách giản dị của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng" ! Thật ra thời ông Hồ, ông Duẩn, thậm chí đến thời ông Linh, ca tụng lãnh đạo ăn mặc giản dị, áo rách cũng còn hợp người hợp cảnh, còn thời đại bây giờ lãnh đạo là phải ăn mặc cho tử tế, tác phong hiện đại, văn minh, trông con người nhìn là biết có bản lĩnh, có đầu óc ; ngay như họ Tập bây giờ cũng ăn mặc bệ vệ, đi đâu cũng có phu nhân sang trọng đi kèm, vậy mà lũ bồi bút vẫn cố mà khen cái sự giản dị áo rách của ông Tổng ! Áo rách, áo cũ, tác phong quê mùa chỉ là tiểu tiết, đáng nói hơn, là đầu óc, tư duy cũ kỹ, bảo thủ, lạc hậu của ông Trọng, mở miệng ra là lý luận Mác Lenin, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sự ưu việt của đảng...

Chưa kể, giữa tình cảnh đất nước đang bị Trung Quốc o ép về mọi mặt, người dân rất mong nhìn thấy một chính khách, một lãnh đạo quốc gia mạnh mẽ, đầy bản lĩnh, dám ăn to nói lớn nghĩ lớn làm việc lớn, có tham vọng đưa đất nước trở thành một cường quốc trong khu vực và không sợ hãi trước bất cứ mưu đồ xâm lăng, thôn tính của bất cứ cường quốc nào, chứ không phải cái vẻ khiêm nhường "nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn", sức khỏe thì quá bết bát như ông Trọng ! Nhưng tất nhiên, một lãnh đạo như thế chỉ có thể tìm được trong một cơ chế tự do, dân chủ với lá phiếu của người dân chứ không phải trong một thể chế chính trị độc tài đang ở vào thời kỳ mục ruỗng như ở Việt Nam. Và một con người do một thể chế như vậy tạo ra như ông Tổng Trọng, tất cả thì giờ lẫn mưu mô dành để diệt phe này phe kia và nghĩ cách làm sao để đảng cộng sản tồn tại lâu dài, kể cả dựa vào Trung Quốc, thì làm sao mà dám nghĩ đến chuyện thay đổi, bỏ đảng, bỏ Tàu !

Cuối cũng, nhìn lại 13 năm, việc lớn nhất mà ông Trọng luôn tự hào là "đốt lò" chống tham nhũng thì có thành công không, hay càng chống tham nhũng càng nghiêm trọng, với những vụ án kỷ lục về số quan chức bị "những chàm", kỷ lục về mức độ liện quan của các ban, ngành, về số tiền tham nhũng, hối lộ và về sự phi nhân, vô lương tâm như những vụ đại án Test Kit hay "chuyến bay giải cứu"…

Nói như dân trên mạng :

"Cái lò là do cụ xây

Củi thì từ cây do tay cụ trồng".

Đảng cộng sản đang khủng hoảng nhân sự : sau ông Trọng, ai sẽ lên thay ?

Cái khổ là suốt một thời gian dài đấu đá tranh giành quyền lực đã khiến cho chung quanh ông Trọng bây giờ toàn những khuôn mặt kém tài thiếu đức nhưng lại thừa thủ đoạn, thừa tham lam -tham tiền, tham quyền- và coi đất nước này, dân tộc này như những thứ sở hữu riêng của đảng, của phe nhóm để mà tha hồ cầm cố, đổi chác, khai thác, vơ vét, bóc lột. Thử hỏi Tổng Trọng đi thì ai lên, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hay ai khác ?

tbt0

Thử hỏi Tổng Trọng đi thì ai lên, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hay ai khác ?

Tất cả đều có những tì vết của mình. Tô Lâm dưới mắt thế giới là một tội phạm, thông qua vụ chủ mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay giữa Berlin và một kẻ tham nhũng, thất nhân tâm đã ngồi ăn "bò dát vàng" tại một trong những nhà hàng đắt đỏ nhất ở London khi cả nước vừa trải qua nhiều tháng trời phong toả do đại dịch, nhiều người dân mất việc làm, đứt bữa, không có gì ăn. Còn trong mắt người dân thì Tô Lâm như một hung thần gian ác với bao nhiều vụ đàn áp nhân dân, kinh hoàng như tội ác Đồng Tâm hay nhỏ nhen như bắt ông cựu đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vì dám chỉ trích ngành công an. Phạm Minh Chính thì dính vào vài vụ tham nhũng, kể cả mối quan hệ bị đồn đãi với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị AIC đang bị truy nã. Vương Đình Huệ mặt mũi sáng sủa, nhưng lại cũng vướng lùm xùm vài vụ tình ái. Võ Văn Thưởng ít scandal, sự nghiệp chính trị có nhiều điểm giống ông Trọng, và cũng là dân tuyên giáo, kiên định với chủ nghĩa Mác Lenin nhưng lại còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, nếu có lên chắc chắn sẽ không được những tay khác kiêng nể. Tóm tại, chả có người nào thực sự có năng lực, bản lĩnh mà lại ít tai tiếng cả.

Nhìn rộng hơn, không một ai trong số ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 mới nhất gồm 16 người, có được một khuôn mặt nào có tài, có đức, biết nghĩ cho dân cho nước. Nếu có một cuộc bầu cử tự do, cho phép lập các đảng phải đối lập, cho phép cạnh tranh, tranh luận về đường lối, chính sách với các ứng cử viên của các đảng khác, cho phép báo chí độc lập được quyền khui ra mọi thông tin về đời tư, quá khứ, năng lực của từng người và cho phép người dân được bỏ phiếu chọn lựa… chắc chắn tất cả cái đám bất tài nhưng quá khứ đầy tì vết và tài sản thì bất minh này sẽ không thể nào mà lọt qua được vòng sát hạch.

Sự khủng hoảng nhân sự này đã diễn ra từ mấy năm nay, những nhân vật do chính Nguyễn Phú Trọng nhắm tới như Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng thì cuối cũng cũng bị rớt hoặc phải rút vì "lý do sức khỏe" hết sức khó hiểu.

Thật ra trong những năm gần đây, một gương mặt quan chức cực kỳ hiếm hoi của Đảng cộng sản Việt Nam mà theo người viết bài này, còn "sáng sủa", có kiến thức, có năng lực là ông Phạm Bình Minh, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (2011–2021), con trai của cố bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Tiểu sử trên Wikipedia cho biết, ông Phạm Bình Minh tốt nghiệp trường Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao Việt Nam)… tốt nghiệp thạc sĩ Luật và Ngoại giao tại Trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher trực thuộc Đại học Tufts (Fletcher School of Law and Diplomacy, Tufts University, Massachusetts), ông thuộc lớp sinh viên đầu tiên qua Hoa Kỳ học dưới sự tài trợ của học bổng Fulbright. Ông từng làm Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Công sứ, Phó Đại sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ v.v… Ông sử dụng tiếng Anh trôi chảy. Với một quá trình học hành, kinh nghiệm ngoai giao với các nước phương Tây, ông Phạm Bình Minh chắc chắn là có quan điểm cởi mở, phóng khoáng hơn đối với các nước dân chủ phương Tây. Ngoài ra còn có ông Vũ Đức Đam, nguyên Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo phòng chống Covid–19 của Chính phủ ; cũng từng đi học ở Bỉ, làm luận án Phó Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Cả hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đều từng làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên ông Vũ Đức Đam khi xử lý đại dịch Covid-19 thì lại lộ ra sự chủ quan, duy ý chí, thiếu tình người. Cả hai nhân vật này đều đã rớt vì phải chịu trách nhiệm chính trị trong những vụ án Test Kit Việt Á hay chuyến bay "giải cứu".

Có vẻ như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã giành lại được vai trò kiểm soát của đảng đối với chính phủ, cũng như giành được quyền lực tuyệt đối trong tay, đã cùng với phe nhóm của mình loại bỏ hết những người hiếm hoi có năng lực, có đầu óc cởi mở để chỉ chọn chung quanh mình hoặc là những nhân vật xuất thân từ công an như Phạm Minh Chính, Tô Lâm hoặc dễ kiểm soát như Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng.

Nếu vừa rồi ông Trọng ra đi, đảng cộng sản chắc chắn phải loay hoay đau đầu tìm người thay thế. Và chừng nào chưa tìm ra người thì họ chắc vẫn không để cho ông Trọng chết, nếu ông có hôn mê đi chăng nữa thì vẫn để ống thở chờ họ đấu đá, sắp xếp với nhau cái đã. Nay ông đã vượt qua, trở lại với cương vị của mình, nhưng tình trạng khủng hoảng nhân sự trên thì vẫn còn đó.

Tương lai của Việt Nam vẫn chưa có gì sáng sủa

Ở các nước dân chủ, một vị Tổng thống, Thủ tướng có ra đi bất ngờ, bộ máy chính phủ cho tới quốc gia đó vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí như nước Bỉ trong hai năm 2010-2011 không có chính phủ sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ do bất đồng về vấn đề di trú, nhưng đất nước vẫn vận hành… bình thường.

Ngược lại ở các quốc gia độc tài, nhất là độc tài độc đảng như các nước do đảng cộng sản lãnh đạo, quyền lực thường tập trung tối đa vào tay một người, lại không chuẩn bị sẵn người kế thừa, lại chỉ chăm chăm tiêu diệt hết những gương mặt sáng giá, nên khi người đó ngã xuống, thường có sự khủng hoảng. Trong một số trường hợp, cái chết của một nhân vật như vậy có thể dẫn tới một bước ngoặt, một sự thay đổi. Nhưng nhìn vào tình hình Việt Nam hiện nay, xét từ sức ép bên ngoài hay sức ép bên trong -- của người dân và cả chính bên trong đảng cộng sản, đều không có dấu hiệu gì là như vậy.

Bất cứ ai có lòng quan tâm đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và theo dõi tình hình chính trị ở Việt Nam đều thấy rõ đảng cộng sản và cái thể chế độc tài toàn trị này đã mục nát, thối ruỗng, có "đốt lò" bao nhiêu hay có ai lên làm Tổng bí thư, Thủ tướng thì cũng vậy. Tuy nhiên đảng cộng sản Việt Nam sẽ không chịu chết ngay cho mà cũng chẳng có thế lực nào từ bên ngoài hay từ dân chúng dẫn đến sự kết thức đó, đảng sẽ cứ tiếp tục thối ruỗng như vậy khá lâu nữa, và sự tồn tại đó chỉ càng làm trì hoãn, làm mất đi cơ hội thay đổi của Việt Nam, và di họa để lại càng nặng nề hơn mà thôi.

Song Chi

Nguồn : RFA, 15/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 831 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)