Vì sao Pakistan và Iran tấn công nhau lúc này và liệu xung đột có leo thang ?
Roohan Ahmed, BBC, 19/01/2024
Chín người được xác nhận đã thiệt mạng do các cuộc không kích của Pakistan nhắm vào nơi bị nghi là chỗ ẩn náu của phiến quân ở tỉnh Sistan và Baluchistan của Iran vào sáng thứ Năm.
Người dân tập trung cạnh đống đổ nát sau cuộc tấn công của quân đội Pakistan vào một ngôi làng của Iran ở tỉnh Sistan và Baluchestan
Bộ Ngoại giao Pakistan mô tả các cuộc tấn công vào sáng thứ Năm (18/1) là "một cuộc tấn công quân sự chiến lược và đồng bộ nhằm vào các căn cứ cụ thể ở Iran".
Còn quân đội Pakistan cho biết trong một tuyên bố rằng "những nơi ẩn náu được các tổ chức khủng bố sử dụng đã bị không kích thành công trong một cuộc tấn công dựa trên các thông tin tình báo".
Các cuộc tấn công diễn ra sau hàng loạt vụ công phá bằng tên lửa của Iran vào nơi ẩn náu được cho là của tổ chức cực đoan Jaish al-Adl, nằm ở tỉnh Balochistan của Pakistan.
Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, có hai trẻ em thiệt mạng và ba bé gái bị thương trong cuộc tấn công của Iran, khiến Pakistan phải triệu hồi đại sứ của mình từ Tehran về Pakistan.
Bất chấp các cuộc tấn công, mỗi quốc gia đều khẳng định rằng bên kia không phải là mục tiêu dự kiến ; cả Iran lẫn Pakistan đều tuyên bố sẽ tấn công các nhóm chiến binh dân tộc chủ nghĩa Baloch đóng trên lãnh thổ của bên còn lại.
Chúng ta biết gì về các cuộc tấn công của Pakistan ?
Quân đội Pakistan cho biết, dựa trên thông tin tình báo, họ đã nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA) và Mặt trận Giải phóng Balochistan (BLF) ở Iran, các nhóm bị cáo buộc hoạt động khủng bố trong lòng Pakistan.
Quân đội cho biết máy bay không người lái tự sát, hỏa tiễn, tên lửa và các loại vũ khí khác đã được sử dụng trong chiến dịch này và phải hết sức thận trọng để tránh 'thiệt hại ngoài dự kiến'.
Tuyên bố chỉ đích danh một số "kẻ khủng bố" kiểm soát các căn cứ và cho biết Quân đội Pakistan luôn sẵn sàng đảm bảo an ninh đất nước.
Phó Thống đốc An ninh tỉnh Sistan-Baluchestan của Iran, Ali Raza Marhmati, nói với đài truyền hình Iran rằng vụ tấn công được thực hiện lúc 04 :05 sáng giờ địa phương và nhắm vào một ngôi làng gần thành phố Saravan của Iran, gần biên giới Pakistan và cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 1800km về phía đông nam.
Quân đội Giải phóng Baloch, Mặt trận Giải phóng Baloch và Jaish al-Adl là ai ?
Một số tổ chức ly khai Baloch đã hoạt động ở tỉnh Balochistan của Pakistan trong nhiều thập kỷ và các tổ chức này đã nhận trách nhiệm đứng sau nhiều cuộc tấn công chết người nhằm vào lực lượng an ninh, cảnh sát và các địa điểm quan trọng của Pakistan.
Hai nhóm lớn nhất là BLF, do Tiến sĩ Allah Nazar Baloch lãnh đạo và BLA, do Bashir Zeb lãnh đạo.
Chính quyền Pakistan trong vài năm qua đã tuyên bố rằng các chiến binh có liên quan đến các tổ chức ly khai này đã ẩn náu ở Iran.
Sau cuộc không kích của Pakistan, BLF đã đưa ra tuyên bố phủ nhận rằng nhóm này có bất kỳ căn cứ nào tại Iran hay bất kỳ chiến binh nào của họ bị thương.
BLF được biết là hoạt động tích cực trong và xung quanh khu vực Makran của Balochistan và đã nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Pakistan trong thời gian gần đây.
Vào tháng 1/2022, tổ chức bị cấm này đã tấn công một trạm kiểm soát của quân đội Pakistan ở thành phố Gwadar, Balochistan, khiến 10 binh sĩ Pakistan thiệt mạng.
Ngoài ra, BLF còn bị cáo buộc tấn công người lao động nhập cư và người dân địa phương.
Tiến sĩ Allah Nazar Baloch (trái) và Bashir Zeb (phải)
BLA ly khai ra đời vào đầu những năm 1970 khi một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại nhà nước Pakistan nổ ra ở Balochistan trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính phủ của cựu Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto.
Sau cuộc đảo chính do nhà độc tài quân sự Zia ul-Haq lãnh đạo, các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Baloch đã dẫn đến việc tạm thời chấm dứt cuộc nổi dậy vũ trang và các hoạt động của BLA cũng vơi dần.
Tuy nhiên, xung đột lại bùng nổ dưới thời cựu Tổng thống Pervez Musharraf, sau khi Nawab Khair Bakhsh Murri, một thủ lĩnh theo chủ nghĩa dân tộc của Baloch, bị bắt vì tội sát hại một thẩm phán Tòa án Tối cao.
Một loạt cuộc tấn công mới nhằm vào các cơ sở chính phủ và lực lượng an ninh ở các khu vực khác nhau của Balochistan bắt đầu vào khoảng năm 2000, bạo lực từ đó gia tăng và lan rộng đến các khu vực khác nhau của Balochistan.
Hầu hết các cuộc tấn công này tiếp tục được BLA thực hiện và chính phủ Pakistan đã liệt BLA vào danh sách các tổ chức bị cấm vào năm 2006.
Tổ chức này cũng phản đối dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan và đã tấn công các mục tiêu Trung Quốc ở Pakistan bằng các cuộc tấn công liều chết trong một số hoạt động gần đây.
BLA tuyên bố thực hiện cuộc tấn công đầu tiên như vậy vào tháng 8/2018 gần thị trấn Dalbandin, nhắm vào một chiếc xe buýt chở công nhân Trung Quốc tại mỏ vàng và đồng Saindak. Chỉ có kẻ đánh bom tử vong trong vụ tấn công.
BLA sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi vào tháng 11/2018, do ba tay súng và những kẻ đánh bom liều chết thực hiện và giết chết ít nhất bốn người khác.
Iran đã bắn tên lửa tương tự như thế này vào các căn cứ phiến quân ở Pakistan
Jaish al-Adl (hay "Quân đội Công lý và Bình đẳng") là một nhóm chiến binh vũ trang chống lại chính phủ Iran.
Nhóm này tự mô tả là "người bảo vệ quyền của người Sunni" ở tỉnh Sistan-Baluchestan của Iran, là mục tiêu của các cuộc tấn công của Iran vào Pakistan.
Jaish al-Adl đã nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Iran trong quá khứ (chủ yếu ở tỉnh Sistan-Baluchestan) và Iran tuyên bố rằng họ có sự hậu thuẫn của Mỹ và Israel.
Tình báo Mỹ cho rằng nhóm này có liên quan đến vụ tấn công cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hồi năm 2005.
Năm 2009, Iran bắt giữ Abdolmalek Rigi, người đứng đầu nhóm chiến binh với cáo buộc đánh bom lực lượng an ninh Iran và là điệp viên của Anh và Mỹ. Rigi bị hành quyết bằng hình thức treo cổ vào năm 2010.
Mohammad Abbasi, một cựu nhà ngoại giao Pakistan làm việc ở Iran vào thời điểm đó, nói rằng Pakistan đóng một vai trò quan trọng trong vụ bắt giữ Rigi.
Vì sao chuyện tấn công lại xảy ra lúc này ?
Nhà phân tích Syed Mohammad Ali nói với BBC rằng hiện tại Iran đang chịu áp lực - cả trong nội bộ lẫn từ các đồng minh Hamas, Hezbollah và Houthis - để vận hành đất nước.
Theo ông, Iran đã tấn công ở Iraq, Syria và sau đó là Pakistan nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi những vấn đề nội bộ và tình hình ở Trung Đông.
Theo nhà phân tích, vào đêm tiến hành các cuộc tấn công, đã có cuộc gặp giữa quan chức Pakistan và Iran, nhưng Pakistan bị Iran tấn công mà không hề có hành động khiêu khích gì nên Pakistan trả đũa.
Tiến sĩ Kamran Bukhari thuộc Viện Chiến lược và Chính sách New Lines ở Washington nói rằng "Pakistan có thể đã quyết định đáp trả vì họ không muốn cho phép Iran cư xử với Pakistan theo cách mà Iran thường làm với Iraq".
Giáo sư Qandeel Abbas thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quaid-e-Azam nói với BBC rằng có những khu vực ở cả hai bên biên giới Iran-Pakistan nơi phe ly khai và phiến quân đặt ra thách thức chung cho cả hai nước.
Theo Giáo sư Abbas, cả Iran và Pakistan đều đã thực hiện hành động chống lại phiến quân xuyên biên giới với sự đồng ý của quốc gia kia, mặc dù chính quyền của cả hai nước không xác nhận cũng không phủ nhận các báo cáo về hành động đó.
Ông lưu ý rằng không có binh sĩ nào được điều động dọc biên giới dài 1.000 km giữa Iran và Pakistan cho đến năm 2013, bất chấp bạo lực của phiến quân, nạn buôn người và buôn lậu ma túy.
Theo Giáo sư Abbas, cả Pakistan và Iran đều coi nhóm chiến binh Jaish al-Adl mà Iran nhắm tới là một mối đe dọa và hiện đang xem xét khai thác tình hình hiện tại để có lợi cho mình.
Chuyện gì tiếp theo ?
Người Pakistan đã theo dõi sát sao các sự kiện
Các nhà quan sát theo dõi sát sao Iran và Pakistan tin rằng căng thẳng gần đây giữa hai nước sẽ có tác động tiêu cực đến toàn khu vực.
Nhà phân tích Bukhari có trụ sở tại Washington nói với BBC rằng "Đợt tấn công đầu tiên giữa hai nước đã xong và bây giờ quả bóng một lần nữa lại lăn về chân Iran : họ phản ứng thế nào trước hành động của Pakistan vẫn phải chờ xem", nhưng ông dự kiến các cuộc tấn công sẽ tạm dừng.
Ông nói rằng quyết định của Pakistan nhắm mục tiêu vào nhóm chiến binh chống Pakistan trên đất Iran thay vì người Iran có thể khiến Pakistan được xem là trả đũa mà không dẫn đến leo thang thêm, nhưng ông không loại trừ khả năng có những cuộc đụng độ tiếp theo sau.
Tuy nhiên, Baqir Sajjad, nhà báo và nhà phân tích đến từ Pakistan, tin rằng căng thẳng giữa nước có thể gia tăng nữa trong tương lai.
Ông nói với BBC rằng "có vẻ như căng thẳng giữa hai nước sẽ không đột ngột giảm sau cuộc phản công của Pakistan vào các chiến binh đóng quân ở Iran".
"Những người theo đường lối cứng rắn ở Iran sẽ nhất quyết trả đũa Pakistan. Sự ngờ vực ngày càng gia tăng giữa hai nước có thể thúc đẩy một làn sóng phiến quân mới giữa Iran và Pakistan ở khu vực Balochistan, làm trầm trọng thêm tình hình an ninh vốn đã phức tạp trong khu vực".
Roohan Ahmed
Nguồn : BBC, 19/01/2024
****************************
Căng thẳng Iran-Pakistan bắt nguồn từ vùng biên giới bất ổn, không phải từ xung đột ở Trung Đông
Reuters, VOA, 19/01/2024
Cuộc tấn công của Iran vào Pakistan trong tuần này đã gây ra sự đáp trả quân sự nhanh chóng và làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn lớn hơn trong khu vực, được thúc đẩy bởi những nỗ lực của Iran nhằm củng cố an ninh nội bộ thay vì tham vọng ở Trung Đông, theo ba quan chức Iran, một người trong nội bộ và một nhà phân tích nói với Reuters.
Các nhà hoạt động biểu tình ở Lahore vào ngày 19/1/2024, sau khi Iran tiến hành cuộc không kích ở tỉnh Baluchistan phía tây nam Pakistan.
Hai nhà phân tích và hai trong số các quan chức này cho biết cả hai nước láng giềng được trang bị vũ khí hạng nặng, thường xuyên xảy ra bất ổn ở biên giới, dường như muốn cố gắng kiềm chế những căng thẳng do các cuộc xâm nhập xuyên biên giới nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây.
Iran đã gây chấn động khắp khu vực hôm 16/1 bằng một cuộc tấn công tên lửa nhằm mục tiêu mà họ mô tả là phiến quân Hồi giáo Sunni cứng rắn ở tây nam Pakistan. Hai ngày sau, Pakistan đã tấn công để trả đũa những người mà họ cho là phiến quân ly khai ở Iran. Đây là cuộc không kích đầu tiên của chiến đấu cơ trên đất Iran kể từ cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988.
Cuộc tấn công hôm 16/1 là một trong những cuộc tấn công xuyên biên giới mạnh mẽ nhất của Iran nhằm vào nhóm chiến binh Sunni Jaish al-Adl ở Pakistan, nhóm mà Iran cho rằng có liên kết với Nhà nước Hồi giáo. Nhiều thành viên của Jaish trước đây thuộc nhóm chiến binh Jundallah. Nhóm này hiện đã không còn tồn tại và họ từng cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo.
Động thái này làm tăng thêm lo ngại về tình trạng bất ổn ở Trung Đông, vốn đã lan rộng kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10. Lực lượng dân quân đồng minh của Iran từ Yemen đến Lebanon đã tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ và Israel, bao gồm cả hoạt động vận chuyển hàng hải trên Biển Đỏ, để bày tỏ sự cảm thông với người Palestine ở Gaza.
Cuộc tấn công diễn ra một ngày sau khi Iran tiến hành các cuộc tấn công ở Iraq và Syria. Iran nói các cuộc tấn công lần lượt nhắm vào các hoạt động gián điệp của Israel và Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, đòn ăn miếng trả miếng giữa Iran và Pakistan xảy ra rất xa khu vực chiến tranh, tại những vùng biên giới xa xôi, nơi các nhóm ly khai và phiến quân Hồi giáo từ lâu đã thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu của chính phủ, và các quan chức ở Pakistan và Iran thường cáo buộc nhau đồng lõa trong các vụ gây đổ máu.
Gregory Brew, nhà phân tích tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro quốc tế, nói các cuộc tấn công của Tehran phần lớn là do mối lo ngại ngày càng tăng của Iran về mối đe dọa bạo lực dân quân trong nước sau vụ đánh bom chết người ngày 3/1 do nhóm Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm.
"Có rất nhiều áp lực trong nước buộc phải ‘làm điều gì đó’ và giới lãnh đạo đang đáp lại áp lực đó", ông Brew nói.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran và Pakistan chưa đưa ra bình luận với Reuters.
Bộ trưởng thông tin Pakistan cho biết các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự hàng đầu của nước này sẽ tiến hành đánh giá an ninh vào ngày 19/1 về tình trạng bế tắc.
Pakistan đã triệu hồi đại sứ của mình từ Iran để phản đối vụ tấn công hôm 16/1. Về phần mình, Tehran lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Pakistan hôm 18/1, nói rằng nhiều thường dân đã thiệt mạng và triệu tập nhà ngoại giao cấp cao nhất của Pakistan ở Iran để đưa ra lời giải thích.
Nhưng trong các tuyên bố của mình, cả hai chính phủ đều không tìm cách liên hệ với cuộc chiến ở Gaza hoặc với các cuộc tấn công do mạng lưới dân quân Ả Rập liên minh với Iran từ Địa Trung Hải đến vùng Vịnh thực hiện nhằm hỗ trợ người Palestine.
Iran đã gây sức ép với Islamabad trong nhiều năm để giải quyết sự hiện diện của phiến quân gần biên giới nước này, theo ông Brew. Nhà phân tích tại Eurasia Group cho rằng, các cuộc tấn công tên lửa là dấu hiệu cho thấy Tehran đã mất kiên nhẫn.
Iran chắc chắn sẽ tiếp tục coi vai trò và ảnh hưởng của mình ở Trung Đông là trung tâm cho các mục tiêu an ninh của mình.
Ông Brew nói rằng cuộc tấn công của Iran vào Pakistan cũng nhằm thể hiện quyết tâm của nước này, với cả kẻ thù và đồng minh, để tự vệ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khu vực ở Gaza.
Còn theo ông Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington của Mỹ, căng thẳng song phương về an ninh biên giới là vấn đề lâu dài giữa Iran và Pakistan.
Ông Kigelman cho rằng sẽ khó giảm được việc leo thang trước mắt, "do đang có căng thẳng và nhiệt độ cao".
Tuy nhiên, không nước nào có vẻ sẵn sàng cho xung đột. Trong các tuyên bố công khai, cả hai nước đều nhận thấy các cuộc tấn công của họ không nhằm vào công dân của nhau và ra tín hiệu rằng họ không muốn leo thang căng thẳng.
Theo ông Kugelman, cả hai nước có thể hoan nghênh đối thoại song phương và khả năng hòa giải của bên thứ ba từ một quốc gia như Trung Quốc, nước vốn có quan hệ tốt và có đòn bẩy với cả hai nước. Ông nói : "Ngoại giao sẽ rất quan trọng kể từ đây trở đi".
Nguồn : VOA, 19/01/2024
*****************************
Tấn công cường quốc hạt nhân Pakistan, Iran muốn phô trương sức mạnh quân sự
Thanh Hà, RFI, 19/01/2024
Iran đã mượn tay Hamas gián tiếp khai mào xung đột ở Gaza, qua trung gian Hezbollah ở Liban khuynh đảo thêm Israel, châm thêm củi lửa cho phe Houthi ở Yemen làm tê liệt giao thương quốc tế ở khu vực Hồng Hải, kích động lực lượng dân quân Irak đẩy liên quân do Mỹ đứng đầu ra khỏi quốc gia ngay sát cạnh.
Một tên lửa được phóng lên trong một cuộc tập trận tại miền nam Iran. Ảnh được cung cấp ngày 19/01/2024 via Reuters – Wana News Agancy
Tehran trong tuần này dường như muốn mở thêm mặt trận mới, dùng tên lửa để gây sự với Pakistan, quốc gia Hồi Giáo duy nhất có vũ khí hạt nhân. Cộng Hòa Hồi Giáo Iran theo đuổi những mục đích gì và có đang lao vào một "trò chơi" nguy hiểm ?
Căng thẳng giữa Iran và Pakistan chung quanh đường biên giới, kéo dài từ hơn 20 năm qua, đã đột ngột lại bùng lên hôm Thứ Ba 16/01, khi Tehran dùng tên lửa đạn đạo oanh kích vùng Sistan Balouchistan thuộc Pakistan. Iran viện cớ đây là sào huyệt của quân "khủng bố" Hồi Giáo theo hệ phái Sunni giống như Pakistan. Gây hấn với nước láng giềng sát cạnh, Tehran biết chắc là Islamabad sẽ phản công. Hôm qua, 18/01, tên lửa của Pakistan đã nhắm vào lãnh thổ của Iran.
Trước mắt, giao tranh giữa hai quốc gia Hồi Giáo thù nghịch với nhau này dừng lại ở đó. Ngoại trưởng hai nước đều khẳng định "không nhắm vào quốc gia anh em" ở bên kia biên giới, mà chỉ tấn công vào các "tổ chức khủng bố" và thậm chí là hành xử vì "an ninh chung" của đôi bên.
Trong hai đợt tấn công qua lại, thiệt hại nhân mạng hiện rất hạn chế : 11 người tử vong cho cả hai phía. Giới quân sự ghi nhận : Dường như cả Tehran và Islamabad cùng muốn chứng minh căng thẳng vẫn được "khoanh vùng" ở khu vực biên giới và những đợt oanh kích 3 ngày qua có mức độ "chính xác cao", chứng tỏ ngành tình báo của cả Iran lẫn Pakistan cũng "rất lợi hại" và "hiệu quả".
Nhưng thực tế là chưa bao giờ giao tranh xảy ra giữa hai nước Hồi Giáo này, ngoại trừ hồi năm 2017 khi quân đội Pakistan bắn hạ một chiếc drone của Iran "bay lạc vào không phận Pakistan".
Iran theo hệ phái Shia, là kẻ thù của Israel và Mỹ. Trái lại, Pakistan, theo hệ phái Sunni, có một mối quan hệ khá mật thiết với Hoa Kỳ. Xung đột lần này giữa hai quốc gia lại diễn ra trong bối cảnh chiến tranh ở Gaza đã kéo dài từ hơn 100 ngày kể từ khi phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas được Iran yểm trợ tấn công Israel và bắt giữ hàng trăm con tin. Nhà nước Do Thái trong tay thủ tướng Benjamin Netanyahu thề "tiêu diệt đến chiến binh Hamas cuối cùng", đẩy hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza vào một thảm họa nhân đạo, theo như thẩm định của Liên Hiệp Quốc.
Pakistan không là mục tiêu duy nhất Iran nhắm tới. Một ngày trước khi tấn công Sistan Balouchistan, cũng Iran đã viện cớ tiêu diệt "tên gián điệp làm tay sai cho Israel" để tấn công vùng Kurdistan thuộc Irak và vào Syria để triệt hạ "quân khủng bố thánh chiến" đe dọa an ninh của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.
Theo giới phân tích quốc tế, việc Tehran huy động "tên lửa đạn đạo" đề trừ khử mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia chỉ là một cái cớ để Iran phô trương với Hoa Kỳ và đồng minh của Washington ở Cận Đông là Israel. Trong chưa đầy một tuần, Iran gây hấn với cả từ Pakistan đến Irak và Syria như để nhắc nhở quốc tế về "mức độ hiệu quả của các chương trình tên lửa đạn đạo" của mình : Tên lửa Iran là một loại vũ khí lợi hại, có độ chính xác cao và ít gây tử vong cho thường dân.
Theo lời nhà nghiên cứu độc lập, chuyên về tình hình Trung Đông Eva Koulouriostis, được truyền thông Thụy Sĩ trích dẫn, Iran hiện đang sở hữu một khối lượng tên lửa đạn đạo đủ loại (tầm ngắn, tầm trung và tầm xa). Đó là những loại vũ khí "tự tạo" nhờ một đội ngũ các chuyên gia rất giỏi. Vẫn theo chuyên gia này, khó để thẩm định được là Iran đang nắm giữ bao nhiêu tên lửa, nhưng rõ ràng là Iran có hẳn những nhà máy và kho cất giữ vũ khí riêng, trên lãnh thổ của mình. Một số nguồn tin tình báo từ các nước Ả Rập và kể cả của phương Tây cho rằng Tehran có khoảng 60.000 tên lửa. Nhưng theo nhà nghiên cứu độc lập này, qua việc Iran cung cấp tên lửa cho nhiều phe, từ phong trào Hamas của người Palestine, đến phiến quân Houthi ở Yemen và cả Hezbollah ở Liban, kho vũ khí này của Iran ước chừng tối thiểu phải là "200.000 đơn vị".
Hãng tin Pháp AFP trích lời ông Jeremy Binnie thuộc cơ quan tình báo của Anh chú ý đến kỹ thuật chế tạo tên lửa của Iran "đã không ngừng được cải tiến". Vào thập niên 1980, tầm bắn của tên lửa Scud chỉ chừng 300 cây số, giờ đây tên lửa Iran có tầm bắn lên tới 1600 km và còn hơn thế nữa. Ngoài ra, nhờ Tehran "phô trương" vũ khí kỳ này mà giới trong ngành xác nhận được là Iran đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình phát triển tên lửa, đã dựa vào nhiều điểm tựa vững chắc, mà đứng đầu là Liên Xô trước kia cũng như Liên Bang Nga ngày nay.
Cuối cùng, một số chuyên gia được AFP trích dẫn không phủ nhận là tham vọng về "tên lửa đạn đạo" của chế độ Hồi Giáo ở Tehran báo trước tham vọng của Iran trong lĩnh vực hạt nhân.
Tuy nhiên, việc cùng lúc mở nhiều "mặt trận", dù một cách gián tiếp qua trung gian "trục kháng chiến" như giải thích của Tehran, có thể là dấu hiệu Iran đang khẳng định vị trí cường quốc khu vực không thể thiếu và ảnh hưởng của Iran càng lúc càng lớn, đủ để dám "gây sự" cả với một quốc gia có vũ khí hạt nhân như Pakistan. Thông điệp này trước hết nhắm gửi đến Hoa Kỳ, Israel và các đồng minh của họ trong khu vực. Có một yếu tố cho phép tạm trả lời là hiện tại chưa chắc Iran đang lao vào một cuộc chơi "nguy hiểm", bởi vì vào năm bầu cử tổng thống, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chỉ phản ứng chừng mực, tránh đổ thêm dầu vào lửa để phải can thiệp bằng quân sự.
Thanh Hà
***********************
Căng thẳng với Iran : Pakistan khẩn cấp triệu tập hội đồng an ninh quốc gia
Thanh Hà, RFI, 19/01/2024
Thủ tướng Pakistan Anwaar Ul Haq Kadar hôm nay 19/01/2024 triệu tập khẩn cấp "hội đồng an ninh quốc gia" để bàn cách đối phó với loạt tấn công bằng tên lửa và drone của Iran vào lãnh thổ Pakistan. Islamabad đã trả đũa loạt tấn công đó. Xung đột ở biên giới hai nước làm tổng cộng 11 người thiệt mạng cho cả hai phía, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Vụ oanh kích của Pakistan nhắm vào một ngôi làng thuộc tỉnh Baloutchistan của Iran ngày 18/01/2024. via Reuters – Video Obtained by Reuters
Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Iran và Pakistan "kềm chế", trong khi đó Trung Quốc, một đối tác kinh tế quan trọng của cả Tehran lẫn Islamabad, đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải.
Thủ tướng Pakistan hôm qua đã vội vã về nước, rút ngắn chương trình làm việc tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos. Vào đầu giờ chiều nay, ông chủ trì cuộc họp "hội đồng an ninh quốc gia" với sự tham dự của tổng tham mưu trưởng quân đội và lãnh đạo tình báo quân sự Pakistan.
Cuộc họp diễn ra sau đợt oanh kích Tehran tiến hành hôm Thứ Ba 16/01 và hai ngày sau đến lượt Islamabad cũng bắn tên lửa để đáp trả. Iran là quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Shia, còn Pakistan theo hệ phái Sunni. Pakistan là đồng minh của Mỹ ở Nam Á và hiện là quốc gia Hồi Giáo duy nhất trên thế giới có vũ khí nguyên tử.
AFP nhắc lại từ hai thập niên qua, xung đột vẫn âm ỉ ở khu vực đường biên giới khoảng 1.000 km giữa Pakistan và Iran do các cuộc tấn công do những lực lượng nổi dậy tiến hành. Nhưng chưa khi nào hai quốc gia Hồi Giáo này mở rộng xung đột sang lãnh thổ của nước láng giềng. Các cuộc tấn công gần đây càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vào lúc chiến sự bùng phát ở Gaza, Israel đối đầu với phong trào Hồi Giáo Hamas do Tehran yểm trợ. Iran cũng bị cho là hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen liên tục tấn công vào các tàu chở dầu và chở hàng bị xem là có liên hệ với Israel đi qua khu vực Hồng Hải.
Xung đột với Iran diễn ra vào lúc Pakistan chuẩn bị bầu lại Quốc Hội vào ngày 08/02/2023 và trong bối cảnh Islamabad đang đối mặt với một thách thức lớn về an ninh, như giải thích của thông tín viên Sonia Ghezali từ Islamabad :
"Các cuộc tấn công đã gia tăng đáng kể. Năm ngoái, số nạn nhân đã tăng lên mức kỷ lục trong 6 năm trở lại đây, với hơn 1500 thường dân, nhân viên an ninh và quân nhân thiệt mạng, theo Trung Tâm Nghiên Cứu về An Ninh, trụ sở tại Islamabad.
Mối đe dọa chính xuất phát từ tổ chức TTP – Tehreek e Taliban Pakistan, rất năng động ở tỉnh Khyber Pakhtinkwha, sát với biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Đây là nơi phe nổi dậy này nương náu. Ngoài ra còn phải kể đến các nhóm ly khai vũ trang trong vùng Baloutchistan, giáp ranh với Iran. Các nhóm này cũng thường xuyên tấn công vào lực lượng an ninh Pakistan. Ngoài ra còn có tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, thường tấn công vào cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Shia và đại diện của chính quyền Islamabad.
Thêm vào đó, Pakistan đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế kéo dài. Islamabad không đủ phương tiện để can thiệp ở ngoài lãnh thổ. Tình hình an ninh của Pakistan đang xấu đi vài tuần lễ trước bầu cử Quốc Hội dự trù diễn ra vào ngày 8 tháng 2 tới đây. Tuần trước Thượng Viện đã bày tỏ lo ngại về tình trạng mất an ninh tại Pakistan trong bối cảnh nước này chuẩn bị bầu cử".
Thanh Hà
**************************
Đến lượt Pakistan tấn công "nơi trú ẩn của khủng bố" ở Iran
Phan Minh, RFI, 18/01/2024
Chính quyền Islamabad hôm nay, 18/01/2024, tuyên bố đã thực hiện "các cuộc tấn công nhắm vào những nơi ẩn náu của khủng bố" ở Iran vào đêm qua. Cuộc tấn công của Pakistan, đã khiến ít nhất 9 người chết, diễn ra một ngày sau khi Tehran bị cáo buộc không kích vào lãnh thổ Pakistan khiến 2 trẻ em thiệt mạng.
Bộ ngoại giao Pakistan tại Islamabad, ngày 18/01/2024. AFP – Aamir Qureshi
Từ Tehran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết cụ thể :
"Các quan chức địa phương đã xác nhận những cuộc tấn công do Pakistan tiến hành ở vùng Saravan. Theo phó thống đốc tỉnh, 3 phụ nữ và 4 trẻ em, tất cả là người nước ngoài, đã thiệt mạng trong cuộc oanh kích tại một ngôi làng ở biên giới giữa hai nước.
Đây là lần đầu tiên Pakistan tấn công vào các mục tiêu ở Iran. Theo Islamabad, các mục tiêu nhắm tới là căn cứ của hai lực lượng ly khai sắc tộc Baloch ở Pakistan : Quân đội Giải phóng Balochistan và Mặt trận Giải phóng Balochistan.
Iran lên án những cuộc tấn công của Pakistan và yêu cầu Islamabad giải trình ngay lập tức. Các cuộc tấn công này được tiến hành 2 ngày sau các cuộc oanh kích của Iran nhắm vào hai mục tiêu ở Pakistan. Theo Tehran, đó là các căn cứ của tổ chức Hồi Giáo cực đoan Iran theo hệ phái Sunni.
Các chiến binh của tổ chức này thường xuyên thực hiện các hoạt động ở vùng Sistan Balouchistan chống lại lực lượng an ninh Iran. Tehran khẳng định các chiến binh của Jaish al-Adl xâm nhập vào Iran từ Pakistan.
Giờ đây phải xem liệu hai nước có kiểm soát được những căng thẳng ở biên giới, hay xung đột sẽ lan rộng ở khu vực nhạy cảm này".
Đang dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thụy Sĩ, thủ tướng tạm quyền của Pakistan, Anwar-ul-Haq Kakar, đã quyết định rút ngắn chuyến đi vì "những diễn biến căng thẳng ở trong nước".
Phan Minh
************************
Islamabad lên án Iran không kích vào lãnh thổ Pakistan
Anh Vũ, RFI, 17/01/2024
Theo AFP, hôm nay, 17/01/2024, Islamabad tố cáo Tehran đã tiến hành không kích vào lãnh thổ Pakistan tối qua làm 2 trẻ em thiệt mạng. Đây là đợt không kích mà Iran tiến hành sau các đợt tấn công tương tự vào các mục tiêu tại Irak và Syria mà họ khẳng định là để tiêu diệt "các nhóm khủng bố chống Iran".
Một cuộc tập trận của Không quân Iran ở miền trung nước này. Ảnh được đăng trên trang mạng chính thức của quân đội Iran ngày 24/07/2023. AP
Chính quyền Pakistan lên án vụ không kích gần biên giới hai nước là hành động "hoàn toàn không thể chấp nhận" và không thể biện minh. Islamabad cho biết đã triệu mời đại diện ngoại giao của Iran lên để phản đối Tehran xâm phạm chủ quyền Pakistan.
Hãng tin Iran Mehr cho biết cuộc tấn công "bằng tên lửa và drone" này nhằm vào tổng hành dinh tại Pakistan của nhóm thánh chiến Hồi Giáo Jaish al-Adl để đáp trả hành động "xâm phạm an ninh" của Iran.
Theo hãng tin AFP, Jaish al-Adl, được thành lập từ năm 2012, bị Tehran coi là nhóm khủng bố. Từ nhiều năm nay, nhóm này đã tiến hành nhiều vụ tấn công trên lãnh thổ Iran. Hoa Kỳ cũng xếp Jaish al-Adl trong danh sách khủng bố.
Hôm nay, bộ trưởng quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani tuyên bố Iran "không đặt giới hạn cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia và nhân dân mình". Trước đó một hôm, Iran đã bắn hàng loạt tên lửa hành trình vào các mục tiêu mà họ coi là tổng hành dinh của khủng bố tại Syria và vùng tự trị của người Kurdistan tại Irak.
Các vụ tấn công của Iran gây nhiều lo ngại giữa lúc tại Trung Đông, cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hamas của người Palestine tại dải Gaza vẫn diễn ra ác liệt. Cùng lúc, lực lượng phiến quân Huthi tại Yemen, được Iran hậu thuẫn, gia tăng tấn công vào các tàu hàng trên Hồng Hải.
Trung Quốc, nước có quan hệ mật thiết với cả hai nước, hôm nay đã kêu gọi các bên "kiềm chế" và "tránh các hành động làm bùng phát căng thẳng".
Anh Vũ