Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/01/2024

Khi những người con của núi rừng phải bỏ làng, bỏ xứ ra đi

Song Chi

Khi những người con của núi rừng Tây Nguyên phải bỏ buôn làng, bỏ xứ ra đi...

Câu chuyện của Y'Chuân Mlô

Y'Chuân Mlô, sinh năm 1985, người dân tộc Ê Đê, quê quán tại buôn Ko Đung, xã Ea Nuol, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Buôn Ko Đung có khoảng 500-600 hộ gia đình sinh sống, tất cả đều là người dân tộc Ê Đê. Cũng như hầu hết đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số khác, đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, làm rẫy làm nương trên những mảnh đất bao đời của ông bà tổ tiên để lại. Nhưng rồi đất đai của đồng bào bị nhà nước cưỡng chế rất nhiều để lấy đất cho những doanh nghiệp nhà nước hoặc đám tư bản thân hữu làm ăn, đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số bị mất đất, bị đẩy lùi sâu vào những vùng đất khô cằn, khó sống hơn. Như khu vực Y'Chuân Mlô sinh sống và các buôn làng gần đó, nhiều lần bị nhà nước cưỡng chế, thu hồi đất đai trong giai đoạn từ 1995-2008. Không có đủ đất canh tác, nhiều người dân phải bỏ vào Sài Gòn, Bình Dương đi làm thuê hay đi làm công nhân.

bolang0

Y'Chuân Mlô - Ảnh minh họa

Gia đình Y'Chuân Mlô có 3 anh em. Y'Chuân là thứ hai, có một anh trai, một em gái. Gia đình anh cũng làm nghề nông. Y'Chuân đi học đến lớp 3, lớp 4 là nghỉ vì gia đình không có điều kiện, phải làm nương làm rẫy phụ bố mẹ, cả nhà ai cũng chỉ học lở dở vài năm như vậy. Không chỉ điều kiện khó khăn của từng gia đình, mà điều kiện trường lớp cũng khó khăn : lớp 1, lớp 2 thì học ngay trong buôn, lớp 3, lớp 4 thì đi bộ ra xã cách khoảng 5, 6 cây số, lên cấp hai, cấp ba thì phải xuống huyện cách khoảng hai mươi mấy cây số hoặc đi ra tỉnh Đắk Lắk-huyện lại xa hơn tỉnh, từ buôn ra tỉnh chỉ cách khoảng 11 cây. Với lứa tuổi thanh thiếu niên vốn lười đi học, phải siêng năng có ý chí lắm mới leo lên đến cấp ba, hoặc tốt nghiệp phổ thông.

Y'Chuân Mlô bắt đầu quan tâm đến chính trị từ đầu năm 2000. Xuất phát từ việc anh chứng kiến cảnh đồng bào người dân Tây Nguyên tại các buôn làng, các huyện và các dân tộc thiểu số khác bị nhà nước tịch thu đất đai, không được tự do tôn giáo, bị xách nhiễu, đàn áp đủ thứ. Hầu hết người Ê Đê ở Tây Nguyên là theo đạo Tin Lành, số lượng ít hơn là Công giáo. Đối với người theo đạo Tin Lành, nhà nước Việt Nam buộc họ phải từ bỏ các nhóm/tổ chức/hệ phái Tin Lành khác nhau, chỉ được phép theo Tin Lành Miền Nam Việt Nam là tổ chức đã bị nhà nước kiểm soát, khống chế, ai không theo thì bị xách nhiễu, thậm chí bị bắt giam, đánh đập. Người theo đạo Công giáo cũng bị đàn áp.

Từ năm 2001-2008 ở Tây Nguyên bắt đầu có những cuộc biểu tình lớn của đồng bào các sắc dân bản địa, số người bị xách nhiễu, tra hỏi, bị bắt giữ vài ngày cho tới bị đánh đập, giam giữ dài ngày rất nhiều, không ai có con số chính xác là bao nhiêu.

Trong đợt biểu tình vào năm 2001 thì Y'Chuân Mlô chưa tham gia, nhưng anh bắt đầu tham gia từ năm 2004. Giai đoạn đó những cuộc biểu tình ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, có sự tham gia của hàng chục ngàn người thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… Đồng bào đi bộ hoặc lên xe máy cày cầm khẩu hiệu, biểu ngữ đòi quyền lợi cho các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số, quyền được tự do tôn giáo, đòi trả lại đất đai bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cưỡng chế, đòi thả tù nhân lương tâm chính trị bị đàn áp.

Nhà cầm quyền Việt Nam đưa lực lượng công an và cả quân đội từ Hà Nội và Thanh Hóa xuống phong tỏa khu vực Tây Nguyên và đàn áp. Có cả trực thăng. Quân đội xử dụng lựu đạn hơi cay, hoặc súng gây mê bắn thẳng vào dân, người dân bị ngất xỉu rất nhiều.

Cuộc biểu tình diễn ra từ đêm 9/4 đến ngày 12/4 thì bị dập tắt.

Năm 2008 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục thi hành chính sách cưỡng chế đất đai, gia đình Y'Chuân Mlô có 3héc ta đất ở Sêrêpôk 3 và gần 100 hộ gia đình trong buôn đều bị cưỡng chế đất đai, và các huyện khác cũng vậy. Đồng bào bức bối, phẫn uất nên lại tính chuyện biểu tình.

Y'Chuân Mlô được xét là người cầm đầu cho cuộc biểu tình năm 2008.

Anh tiếp tục kêu gọi tất cả các huyện, buôn làng để tham gia quộc biểu tình tại tỉnh Đắk Lắk. Các cuộc biểu tình do người dân tự phát, liên lạc với nhau bằng điện thoại hoặc trực tiếp gặp nhau, kêu gọi nhau phải đi. Cũng như những lần trước, đồng bào chỉ có tay không chống lại chính quyền súng ống, trang bị vũ khí phương tiện các loại. Cuộc biểu tình diễn ra từ ngày 12/8 đến ngày 22/8. Cũng như những lần trước cuộc biểu tình bị đàn áp dữ dội, có lẽ còn dữ dội hơn năm 2004 ; lúc đầu thì chính người Kinh ở phố do bị chính sách tuyên truyền của nhà nước đã ném đá vào những người biểu tình, sau đó là công an, nhiều người biểu tình bị đá trúng đầu, gục ngã, máu tòe loe. Công an còn dùng cây dài cả 2 m đánh vào những người biểu tình, rồi lựu đạn cay, súng hơi mê lại được sử dụng. Nhiều người chết, rất nhiều người bị bắt, một số khác thì bỏ chạy qua Campuchia, Thái Lan.

Đến ngày 31/8/2008 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bao vây nhà bắt khẩn cấp Y'Chuân Mlô đưa lên đồn công an tỉnh Đắk Lắk. Y'Chuân Mlô bị bắt nhốt khoảng 1 tháng, bị thẩm vấn, điều tra liên tục. Trong quá trình này anh bị công an đánh đập tàn bạo bằng đủ mọi cách từ dùng tay chân đấm đá, dùng cây gỗ, dây cao su, roi điện dí điện để ép cung. Khi Y'Chuân Mlô bị ngất xỉu không tỉnh được, công an buộc phải đưa anh đi Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk cấp cứu. Anh nằm ở đó 15 ngày. Khi anh tương đối hồi phục thì họ lại đưa qua công an tỉnh điều tra tiếp, cố ép cung cho ra ai là người cầm đầu, ai tổ chức những cuộc biểu tình. Y'Chuân Mlô chỉ lặp đi lặp lại không có ai cầm đầu, không có tổ chức nào từ bên ngoài xúi giục cả, đồng bào bức xúc, tự phát mà đi thôi.

Trong thời gian bị tạm giam để điều tra này, Y'Chuân Mlô thấy có 2 người, cũng là người Ê Đê đi biểu tình, một người ở Buôn Đung, xã Cư Êbur, Buôn Mê Thuột, một người ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lăk bị đánh và chích roi điện đến mức phải đưa đi cấp cứu, sau đó không thấy đâu nữa. Vài ngày sau thì công an thông báo hai người này đã chết.

Vài tháng sau nhà cầm quyền đưa Y'Chuân Mlô ra xét xử. Tòa xử tại Đắk Lắk, không cho người nhà, thân nhân các bị cáo được biết, không có bất cứ ai được tham dự, phiên tòa xét xử 7 người kể cả Y'Chuân Mlô, tất cả đều là người Ê Đê, đều tham gia biểu tình và bị khép tội tội phá hoại chính sách đoàn kết điều luật 87. Y'Chuân Mlô bị tuyên án 8 năm tù. Trong phiên tòa này, người bị tuyên án nặng nhất là 10 năm tù, nhẹ nhất 6 năm tù.

Sau phiên tòa, Y'Chuân Mlô bị đưa về giam ở trại giam số 5 huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian anh ở tù, gia đình muốn đi thăm nhưng chính quyền xã, huyện tạo áp lực, gây khó khăn đủ thứ cộng thêm hoàn cảnh kinh tế eo hẹp thành ra gia đình không đi thăm được mà chỉ gửi quà thăm nuôi, 1 lần 5 kg, mà cũng phải 2,3 tháng gửi một lần, có khi một năm chỉ gửi 2 lần. Đến trại giam cán bộ kiểm tra rất kỹ, gói mì tôm thì họ lột ra, bóp nát hết, cá khô thì xé vụn ra… rồi mới cho nhận. Còn gọi điện thoại về nhà, theo nguyên tắc, luật pháp quy định tù nhân có quyền gọi điện về nhà hàng tháng, nhưng có lẽ Y'Chuân Mlô và các tù nhân người dân tộc thiểu số không nắm vững quyền lợi của mình ra sao, hoặc có thể cán bộ trại giam cũng biết vậy nên vi phạm quyền của tù nhân, mỗi lần tù nhân như Y'Chuân Mlô muốn gọi điện thoại về nhà lại phải làm đơn xin, lâu lâu 2, 3 tháng họ cho gọi một lần.

Y'Chuân Mlô nhận thấy tù nhân thuộc các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số bị phân biệt. Chẳng hạn, khi ở trại giam tù nhân phải nói tiếng Kinh, không được nói tiếng dân tộc của mình, ví dụ như tiếng Ê Đê. Có người không nói được tiếng Kinh nhiều, nói vài câu chuyển qua nói tiếng Ê Đê, cán bộ nghe được, đánh hoặc bắt làm kiểm điểm, hù dọa đủ thứ. Cũng có thể họ làm như vậy do không nghe được tiếng của các sắc dân bản địa, sợ người tù trao đổi những thông tin gì đó với nhau. Nhưng ngay trong đời sống hàng ngày, Y'Chuân Mlô cũng đã nhận thấy chính sách của nhà cầm quyền đối với các sắc dân bản địa có phân biệt rất rõ ràng, lúc người dân tộc đi làm giấy tờ như làm Chứng minh nhân dân hay làm giấy khai sinh cho con nhỏ thì rất khó khăn, cán bộ hẹn ngày này hẹn ngày kia 3, 4 tháng mới xong, nếu người Kinh thì làm liền chỉ trong vòng 2, 3 ngày. Đi học ở trường thì hoàn toàn chỉ dạy tiếng Kinh. Con em của đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số nếu muốn học tiếng của dân tộc mình, chỉ có thể học khi đi theo đạo, ví dụ như đạo Tin Lành, đạo Công giáo, các mục sư, linh mục, thầy truyền đạo, sẽ dạy học kinh, học chữ.

Người Ê Đê đa phần đạo Tin Lành. Nếu đi theo Tin Lành Miền Nam Việt Nam thì nhà nước cho xây nhà thờ, làm lễ, nếu đi theo những chi nhánh Tin Lành khác thì phải làm lễ tại nhà, cầu nguyện thờ phượng Chúa nhiều nhất là 10 người với nhau, không được nhóm họp tụ tập đông người.

Bản thân Y'Chuân Mlô gia đình trước kia theo Tin Lành Phúc Âm. Từ năm 2004, 2005 khi đi sinh hoạt, tham gia biểu tình thấy nhiều người đi theo Tin Lành đấng Christ anh liền đi theo. Theo Y'Chuân Mlô, Tin Lành Phúc Âm hay Tin Lành đấng Christ cũng không khác gì nhau, cũng thờ phượng Chúa, tuy nhiên đồng bào không muốn theo Tin Lành Miền Nam Việt Nam vì do nhà nước kiểm soát, làm cái gì, kể cả đọc kinh cũng nhà nước soạn rồi cho đọc theo, người dân Ê Đê không thích bị kiểm soát như vậy.

Đến năm 2018 Y'Chuân Mlô được ra tù. Ở nhà trong thời gian anh ở tù, người vợ lấy nhau từ năm 2006, có với nhau một đứa con gái sinh năm 2007 đã bỏ đi lấy chồng khác, mang theo cả đứa con gái.

Ra tù, Y'Chuân Mlô lại quay lại làm nương rẫy. Vì vẫn còn bị quản chế 5 năm tại địa phương nên sau khi ra khỏi tù, Y'Chuân Mlô nếu muốn đi đâu ra khỏi buôn phải báo trước, chính quyền địa phương chấp thuận mới được đi, nếu không sẽ bị phạt nặng, bị bắt tù trở lại. Tuy nhiên anh vẫn tiếp tục những hoạt động ôn hòa đòi hỏi tự do, dân chủ của mình.

Năm 2017 Y'Chuân Mlô lập gia đình với người vợ thứ hai. Cả hai người vợ đều là người Ê Đê.

Sống chung với nhau 1 thời gian ngắn, H Bhét Niê, vợ Y'Chuân Mlô nghe người của VINACO giới thiệu đi làm ở Saudi Arabia, họ nói làm bên đó "việc nhẹ lương cao". Năm 2018 H Bhét Niê quyết định đi làm xa xứ, từ đó hai vợ chồng không liên lạc được với nhau, muốn liên lạc nhưng không biết gọi ở đâu, làm sao, Y'Chuân Mlô tiếp tục những công việc đấu tranh ôn hòa đòi tự do tôn giáo, đòi trả lại đất đai của tổ tiên tại vùng Tây Nguyên, lên tiếng vì tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và lại bị công an huyện Buôn Đôn bắt giam 2 ngày năm 2018. Lúc đó anh bị cáo buộc theo Tin Lành đấng Christ là chống lại nhà nước, phản động, là tổ chức Fulro Đề Ga. Và bị công an dùng tay đánh vào đầu, dùng dùi cui đánh vào ngực, vào xương sườn.

Vào tháng 9/2019 công an huyện, và công an tỉnh đến nhà muốn bắt. Y'Chuân Mlô sợ rằng nếu bị bắt sẽ bị kết án tù còn nặng nề hơn lần trước nên đã chạy trốn sang Thái Lan. Anh đi đường bộ xuyên biên giới từ 21-24/9/2019 tới Thái Lan. Ở đây anh gặp những người Ê Đê đi trước, được họ cho ở nhờ. Ngày 26/9 anh đến văn phòng Liên Hiệp Quốc xin tỵ nạn chính trị. Phải gần một năm sau anh mới được cấp bạt/thẻ Liên Hiệp Quốc.

bolang1

Y'Chuân Mlô tại Thái Lan - Ảnh minh họa

Thời gian đầu Y'Chuân Mlô theo anh em đi làm chui, ai thuê gì làm nấy, trồng hoa, làm phụ hồ… Có được chút tiền trả tiền phòng, ăn uống. Anh phải thuê chung với đồng bào Ê Đê vì ở một mình không đủ tiền trả.

Vợ anh đã về nước từ năm 2020. Nhưng mãi đến 6/2021 hai vợ chồng mới liên lạc được với nhau.

Câu chuyện của H Bhét Niê

H Bhét Niê, người dân tộc Ê Đê, sinh năm 1993 tại xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk nhưng lớn lên ở xã Easin huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lăk, Từ chỗ H Bhét Niê sống đến chỗ Y'Chuân Mlô đi xe máy mất khoảng 2 tiếng.

Nhà H Bhét Niê có 6 chị em, tất cả đều là gái, H Bhét Niê là thứ ba, trên có 2 chị, dưới có 3 em. Cả nhà làm nghề nông. H Bhét Niê đi học được tới lớp 5.

H Bhét Niê quen Y'Chuân Mlô thông qua mạng xã hội facebook. Đến năm 2017 thì lập gia đình với nhau. Không có làm lễ gì, chỉ là H Bhét Niê theo chồng, về ở nhà chồng. Trước đó H Bhét Niê không biết và cũng không quan tâm gì đến "chuyện chính trị", nghe Y'Chuân Mlô kể từng bị tù vì những hoạt động của mình thì cũng biết vậy thôi.

Được một thời gian, cán bộ xã--cũng là người Ê Đê, tới nhà giới thiệu chỗ làm ở Ả RẬp Xê Út. Công ty tuyển dụng là VINACO. Sau khi đồng ý thì họ đóng phí mọi thứ cho H Bhét Niê, đưa cho H Bhét Niê 7 triệu sắm sửa, lo liệu việc nhà trước khi đi. Trong tháng 3/2018 H Bhét Niê ra Thanh Hóa 2 tuần tập trung tại ký túc xá học tiếng 2 tuần, thời gian ngắn ngủi nên chỉ học sơ sơ vài câu. Ở đây cô gặp nhiều người Kinh, người Gia Rai cùng đăng ký đi làm, còn Ê Đê lần đó thì chỉ có một mình cô. Ngày 9/4/2018 H Bhét Niê lên máy bay sang Ả Rập, ngày 10/4 tới Ả Rập. Khi tới nơi H Bhét Niê được ông chủ ra đón.

Gia đình mà cô phải làm việc sống ở Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia. Gia đình có 7 người, hai vợ chồng ông bà chủ khoảng ngoài 60 tuổi và 5 người con đã trưởng thành. Công việc mà H Bhét Niê phải làm thật ra là giúp việc nhà nhưng không hề "việc nhẹ lương cao" như công ty tuyển dụng và những người môi giới mô tả mà cô phải làm rất nhiều, làm tất cả mọi việc trong nhà, ngôi nhà thì rất rộng, có 3 tầng với rất nhiều phòng. Cô phải lau dọn hết từ tầng dưới đến tầng trên, riêng nhà vệ sinh đã 10 cái. Việc nấu nướng thì bà chủ nấu nhưng cô phải chuẩn bị sẵn mọi thứ. Lau dọn các phòng, lau chùi nhà, chiều chuẩn bi cho họ nấu ăn xong dọn tiếp, làm cả ngày không hết việc, rồi còn làm ở ngoài sân tưới cây, tưới hoa, quét sân, rửa xe, giặt đồ ủi hàng đống đồ, quần áo giặt bằng máy nhưng đồ cứng thì ho để cho cô giặt tay… Họ không cho nghỉ. Sáng dậy 5g, tối 2,3 giờ mới được nghỉ, mỗi ngày H Bhét Niê chỉ ngủ được 1, 2 tiếng. Ăn thì nhà chủ chỉ cho ăn một bữa tối. Nếu đói phải tự bỏ tiền ra mua. Và cũng chỉ ăn đồ thừa của nhà chủ, họ ăn xong, chia cho cô một ít, còn lại cất vào hộp dành cho người vô gia cư.

Tiền lương mỗi tháng 1.500 Ria. Đổi ra tiền Việt được 9 triệu. Nhưng cũng phải đòi thì mới trả. H Bhét Niê làm hơn 2 năm, chỉ có 1 chủ. Cực nhọc đã đành, nhưng họ đối xử không tử tế, đánh chửi đủ thứ. Lúc thì bà chủ, lúc thì ông chủ đánh. Bất cứ khi nào họ nói cô không hiểu hoặc làm vỡ đồ một tí là bị đánh. Cô bị tát vào mặt, đập vào đầu, vào người. Mấy người con cũng rất khó tính. Họ đều giống nhau không ai đối xử tốt với cô.

Cả nhà đi làm cả ngày, hai vợ chồng ông bà chủ thì ở nhà. Cô nhận thấy gia đình họ cũng giàu, nhà to rộng, có 5 xe hơi, có tài xế nhưng người làm thì chỉ có mình H Bhét Niê. Cô làm quần quật, cuối tuần, quanh năm không được nghỉ. Trưa đói cô gửi tiền cho họ mua mì gói, bánh mì, vừa làm vừa ăn cho đỡ đói. Nhà họ ăn 2 bữa/ngày. Không biết có phải do văn hóa, lối sống ở xứ họ hay chỉ riêng gia đình này cô không biết, nhưng họ thường ngủ từ nửa đêm 12 giờ khuya tới 12 giờ trưa, không ăn sáng, tầm chiều mới ăn trưa, tối ăn bữa chiều khoảng 8,9 giờ xong 12 g đi ngủ còn H Bhét Niê thì làm tiếp tới 2, 3 giờ sáng. Trong lúc làm thì không cho sử dụng điện thoại, không cho liên lạc với gia đình, cô cũng không liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam hay bất cứ ai. Chưa kể ông chủ và cả hai người con trai thỉnh thoảng lựa những lúc không có ai lại tìm cách đụng chạm vào người cô, hoặc thình lình ôm lấy cô từ phía sau làm cô hết sức hoảng sợ, vùng ra và bỏ chạy. Cũng may là rất ít khi nhà không có ai và chưa có chuyện gì xảy ra.

Suốt hơn 2 năm ở đó H Bhét Niê không bao giờ đi ra đường, không biết cái gì bên ngoài ngôi nhà chủ. Hợp đồng làm việc 2 năm nhưng khi đến ngày đến giờ gia đình chủ không cho về, nói nào đang dịch Covid, nào không có vé máy bay v.v… Họ còn dụ là sẽ tăng lương. Trong tháng 12/2020 vì đòi về nhiểu lần không cho, H Bhét Niê quyết định khóa cửa tự nhốt mình ở trong phòng, bắt ông chủ phải cho về mới ra, 3 ngày không ăn gì. Cuối cùng họ cũng trả đủ tiền lương, nhưng không hề tăng lương trong 7, 8 tháng làm thêm cuối cùng như đã hứa, và họ cũng cho về nhưng tiền vé cô phải chịu.

Chuyến bay về Quảng Ninh, phải ra cách ly ở Nam Định vì Việt Nam thời điểm đó vẫn đang dịch, tiền mua vé máy bay hết ba mươi mấy triệu, tiền cách ly tầm hơn 3 triệu. Cuối cùng sau hơn 2 năm đi làm như nô lệ, H Bhét Niê về nhà hai bàn tay trắng. Mặc dù vậy sau này khi biết được thêm những câu chuyện của những người phụ nữ đi làm lao động ở xứ người theo diện "xuất khẩu lao động, H Bhét Niê cho là mình vẫn còn may mắn vì nhiều người còn bị quấy rối tình dục, cưỡng hiếp hay bị quỵt tiền không trả, bị đánh đập đến thương tật, khổ nhục trăm bề !

Khi về đến nhà nghe gia đình nói H Bhét Niê mới biết chồng đã chạy sang Thái Lan, nhưng không có cách gì liên lạc được vì chồng đã đổi nick trên facebook. Cô lại ra rẫy làm nông.

Đến tháng 6/2021 sau khi dò tìm một thời gian cô lần ra được nick mới của chồng trên Facebook và gọi cho anh.

Thời gian này ở Việt Nam nhiều lần H Bhét Niê bị công an mời lên xã "làm việc", lúc đó vì có một cô gái cũng sang Saudi Arabia làm người giúp việc bị chết là H Xuân Siu, người dân tộc Gia Rai, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa H Xuân đi lao động cũng là Công ty cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế Vinaco có trụ sở ở Thanh Hóa. H Xuân Siu, chết ngày 18/7/2021, ra đi vào tháng 8/2018 khi em gần 15 tuổi, tức là chưa đủ tuổi lao động nhưng những người môi giới, tuyển dụng đã làm lại giấy tờ, nâng khống tuổi H Xuân Siu lên cho đủ tuổi. Lại thêm chuyện các cô đi làm giúp việc hết hạn nhưng chưa được về Việt Nam do đang dịch bèn đưa hình, đưa thông tin lên mạng cầu cứu. Những chuyện này báo chí truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại đưa tin liên tục, báo chí trong nước cũng đưa tin, ầm ỹ lên rồi các tổ chức xã hội dân sự, nhân quyền người Việt ở nước ngoài vào cuộc giúp đưa sự việc đến với quốc tế nên nhà nước Việt Nam buộc phải hành động, đưa máy bay sang đón những người phụ nữ Việt Nam đi làm giúp việc ở Saudi Arabia về v.v…vTuy nhiên, những sự việc này H Bhét Niê hoàn toàn không biết gì. Khi công an gọi lên điều tra, vặn hỏi, cô mới biết.

Thêm một lý do khiến công an "mời" H Bhét Niê là vì mối quan hệ với Y'Chuân Mlô.

Sau một chuyến đi làm xa với nhiều trải nghiệm cay đắng, cô chỉ muốn ở nhà, khi người của công ty liên lạc dụ cô đi làm tiếp, H Bhét Niê trả lời dứt khoát không muốn đi nữa.

Sau này cô thấy những người môi giới của các công ty tuyển dụng người đi lao động xuất khẩu vẫn tìm tới buôn nơi cô ở và các buôn khác, tìm cách dụ dỗ mọi người đi làm, nhưng nếu có bất cứ ai hỏi đi làm xa có sướng không thì cô đều khuyên họ đừng đi.

Lúc đầu H Bhét Niê nghĩ thôi cứ ở nhà làm nương rẫy cũng ổn nhưng rồi càng ngày mọi chuyện càng phức tạp, cô bị mời lên xã, huyện "làm việc" hoài, công an hết hỏi cô Y'Chuân Mlô đang ở đâu, làm gì, quan hệ với ai lại hù dọa cô Y'Chuân Mlô là thành phần phản động, đang bị nhà nước Việt Nam truy nã, không cho cô liên lạc với chồng, nếu không cũng sẽ bị bắt. Càng ngày H Bhét Niê càng sợ hãi.

bolang2

H Bhét Niê cùng chồng là Y'Chuân Mlô tại Thái Lan

Được sự động viên của Y'Chuân Mlô, ngày 28/11/2022 H Bhét Niê quyết định sang Thái Lan xum họp với chồng.

Cuộc sống hiện tại của hai vợ chồng

Hiện tại hai vợ chồng Y'Chuân Mlô--H Bhét Niê thuê nhà ở chung với hai vợ chồng một người em họ hàng. Y'Chuân Mlô đã được văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc phỏng vấn 2 lần nhưng chưa cấp quy chế tỵ nạn. Còn H Bhét Niê thì chưa được phỏng vấn.

Hai vợ chồng sống ở Bang Yai, cách Bangkok khoảng hai mươi mấy cây số. Người Ê Đê từ Việt Nam chạy sang Thái Lan sinh sống, tỵ nạn gần ngàn người. Ngày Chủ Nhật khi đi lễ nhà thờ Thái họ lại có dịp gặp gỡ đồng hương chuyện trò cho khuây khỏa.

Hàng ngày H Bhét Niê ở nhà, lo việc nhà, và trông giúp đứa con gái 2 tuổi của cặp vợ chồng người em họ còn Y'Chuân Mlô đi làm chui bất cứ khi nào có việc. H Bhét Niê không xin được việc vì không biết tiếng Thái, Y'Chuân Mlô cũng không biết tiếng nhưng đàn ông đi làm việc nặng như phụ hồ, bốc vác… người Thái lại nhận. Bên cạnh đó Y'Chuân Mlô tiếp tục hoạt động trong nhóm Người Thượng Vì Công lý. Liên lạc với đồng bào trong nước, tìm hiểu tình hình rồi lên tiếng, cung cấp thông tin, viết báo cáo cho các tổ chức, chính phủ quốc tế khi có những chuyện đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam đối với các sắc dân bản địa, tình trạng của anh em tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị…

Cả hai vợ chồng đều không biết tương lai rồi sẽ ra sao nhưng đều mong muốn được đi sang nước thứ ba vì sống ở Thái Lan đối với người tỵ nạn Việt Nam ngày càng nguy hiểm. Đã có những vụ công an Thái phối hợp với công an Việt Nam bắt giữ, trục xuất về nước những người vì lý do chính trị đang tỵ nạn ở Thái Lan, kể cả bắt cóc đem về nước…

Câu chuyện của hai vợ chồng Y'Chuân Mlô--H Bhét Niê chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện về người bản địa, người dân tộc thiểu số dưới chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam. Họ bị thu hồi đất đai từ thời tổ tiên để lại, không được tự do thể hiện niềm tin tôn giáo lại bị đối xử phân biệt rõ ràng so với người Kinh…nhưng khi vì phẫn uất đứng lên biểu tình thì họ bị đàn áp, bị tống vào tù với những bản án vô cũng nặng nề, khắc nghiệt. Cuộc sống sau khi ra tù cũng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ và rất khó tìm được đường sống. Nếu có nghe lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" mà đi lao động xa xứ thì cũng bị bóc lột như nô lệ, bị đánh đập, với phụ nữ thì còn bị lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp…Người nghèo và đồng bào các sắc dân bản địa nằm trong nhóm có số lượng nhiều nhất chấp nhận đi "lao động xuất khẩu" hoặc bị lừa sang Campuchia làm việc trong các sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ, và thực tế là đồng tiền kiếm được chả bõ so với những cay đắng, nhọc nhằn, tủi nhục phải chịu đựng !

Còn đối với những người ở lại thì Tây Nguyên bây giờ cũng không còn là Tây Nguyên ngày xưa nơi những người dân bản địa có thể sống yên vui, đoàn kết bên nhau. Mấy chục năm dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản cầm quyền, vùng đất Tây Nguyên và đời sống của các sắc dân bản địa ở đây đã bị thay đổi đến tận gốc rễ. Về đất đai, một mặt nhà cầm quyền khuyến khích người Kinh từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào định cư rất nhiều, rồi chính quyền địa phương cưỡng chế đất của đồng bào bản địa để dành đất cho những nông trường, doanh nghiệp của những kẻ có tiền, đám tư bản thân hữu mọc lên, đồng bào không còn đủ đất để mà canh tác, mà sinh sống nữa. Môi trường sống, thiên nhiên bị hủy hoại khi rừng bị tàn phá với tốc độ kinh hoàng, rồi các công ty khai thác bauxite ảnh hưởng rất nặng đến đời sống của dân làng khi xả nước thải ra suối, hồ, tràn tới nương rẫy, ngấm vào đất…Những phong tục tập quán dần dần mất đi, đồng bào dần dần bị đồng hóa, nhà sàn cũng không còn, chỉ còn trong… khu du lịch (!), quần áo, phong tục cưới hỏi, ma chay bây giờ đều giống như người Kinh, ngay những lễ hội với những dụng cụ âm nhạc truyền thống cũng không còn, mỗi lần có khách du lịch hay có đoàn muốn làm phim về thì phải đi gom tìm chỗ này chỗ kia hoặc mượn lại trang phục, dụng cụ âm nhạc trong bảo tàng, dựng lại lễ hội v.v… Từ đất đai, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo đều không còn hoặc bị đàn áp, kìm nén…đồng bào còn con đường nào ngoài việc phải bỏ buôn làng mà đi ?

Song Chi

Nguồn : RFA, 17/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 226 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)