Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/01/2024

Giấy chứng nhận nghề nghiệp và quy định mặc đồng phục : tại sao ?

Diễm Thi - RFA

Nhà giáo có cần thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp khi đã có bằng sư phạm ?

Diễm Thi, RFA, 22/01/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đưa ý kiến quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Trao đổi với truyền thông trong nước, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lý giải, giấy chứng nhận nghề nghiệp giúp việc hành nghề của giáo viên thuận lợi hơn, tôn vinh nhà giáo và theo thông lệ nhiều ngành nghề khác. Ông dẫn chứng ở nhiều nước, giấy chứng nhận nghề nghiệp là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên. Ông Đức khẳng định, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí.

nhagiao1

Giáo viên trường Chu Văn An, Hà Nội tham gia khóa đào tạo học trực tuyến. Ảnh chụp ngày 14/2/2020. Reuters

Ở Việt Nam, trường cao đẳng sư phạm hay đại học sư phạm là những trường do Nhà nước thành lập với mục tiêu được nói là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trình độ cao đẳng ; đào tạo những giáo viên và những nhà giáo dục nắm vững tri thức chuyên môn, có khả năng hoạt động giáo dục, giảng dạy và học tập suốt đời, có nhân cách và những phẩm chất của người thầy. Một số nhà giáo cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là việc thừa thãi, vô lý.

Thầy giáo Ngọc Sơn ở Sài Gòn nói với RFA sáng 22/1 :

"Nói chung, một khi người ta được đào tạo qua trường Cao đẳng sư phạm hay Đại học sư phạm thì họ đã có đầy đủ chức năng dạy học. Bây giờ lại lập thêm một cái giấy phép con thì mình thấy nó vô lý vô cùng. Điều cần thiết là loại tính Đảng ra khỏi môi trường giáo dục thì tự khắc giáo dục sẽ tốt lên, cần gì phải cấp ba cái giấy phép con ngớ ngẩn. Không biết mấy ổng hóng hớt ở đâu. Người ta có cái gì là mấy ổng phải có cái đó. Nhiều khi mấy ổng còn tự nghĩ ra những loại giấy tờ rất là tào lao để hành hạ giáo viên như chứng chỉ tin học, chứng chỉ tiếng Anh… nhưng thực chất những cái đó toàn là mua không. Ở trên bắt thì giáo viên cũng phải làm thôi".

Tháng 9/2015, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành một loạt thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 yêu cầu giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học. Đầu tháng 2 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư số 01, 02, 03, 04 có hiệu lực ngày 20/3 cùng năm, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập.

Giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng và được tăng lương theo quy định. Loạt thông tư mới này thay thế các thông tư liên tịch trước đó, chính thức bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho thầy cô trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Tuy vậy, theo truyền thông Nhà nước, từ khi các thông tư số 01, 02, 03, 04 ra đời, giáo viên cả nước phải tự bỏ tiền ra học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với mức học phí khoảng 2,5 triệu đồng.

Giáo sư Mạc Văn Trang nói với RFA quan điểm của ông về việc này, hôm 22/1/2024 :

"Người giáo viên đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm theo mục tiêu đào tạo của Nhà nước. Họ ra trường, được nhận về trường để qua thời kỳ gọi là thực tập nghề nghiệp. Thế thì Hội đồng của trường người ta đã chứng nhận họ đủ tiêu chuẩn để dạy học rồi thì không cần giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa. Trước nay chỉ thế thôi. Bây giờ bày đặt ra bao nhiêu là chứng chỉ. Trước đây là chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ ; giờ thì chứng chỉ nghề nghiệp…bao nhiêu là giáo viên họ kêu ca. Học chẳng ra cái gì cả, tập trung vài ba buổi rồi nộp tiền thi. Mỗi chứng chỉ giáo viên mất vài triệu xong về vứt xó. Đó là điều vô lý và làm khổ giáo viên. Họ làm tất cả chỉ vì tiền.

Ở các nước người ta có hội nghề nghiệp, sau khi đã thành nghề thì các hội đó cấp giấy chứng nhận hành nghề. Ở Việt Nam không có hội đó mà do Nhà nước làm hết. Mà Nhà nước thì đã đào tạo người ta rồi không cần phải làm thêm cái gì nữa cả. Việt Nam cứ bày đặt ra những cái chứng chỉ, những cái giấy này giấy kia thực sự chỉ gây phiền phức và tốn. Hội đồng trường đã đánh giá rồi thì ai sẽ cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa ? !"

Tuy ông Vũ Minh Đức, một viên chức trong Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định với truyền thông Nhà nước là việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp đơn giản và miễn phí, nhưng theo một số giáo viên mà RFA trao đổi, việc này chắc chắn sẽ tăng thêm chi phí, nguồn lực xã hội với những thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan ; gây lãng phí lớn thời gian, công sức của giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục. Hơn nữa, tất cả các giáo viên dù dạy học trong môi trường công lập hay tư thục đều đã qua những quy định về xét tuyển, tập sự ; qua sát hạch, thử việc… mới được ký hợp đồng giảng dạy, nên việc phải có chứng nhận nghề nghiệp là điều vô lý.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nói với RFA sáng 22/1 :

"Thật là kỳ cục. Cái ông cán bộ văn phòng nào đó ngồi phòng lạnh nghĩ ra những cái giấy tờ, chứng chỉ hết sức quái đản. Giáo viên đã học chuyên ngành sư phạm là họ đã đủ tư cách để di dạy học. Mà họ đã đi dạy thì họ là những thầy cô giáo. Thế mà bây giờ có kẻ nghĩ ra thầy cô giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Thế thì các ngành nghề khác cũng phải có chứng nhận hết à ? ! Đây là điều vô lý.

Không biết ông bà lãnh đạo Việt Nam nào ngồi nghĩ ra những cái giấy tờ, những cái giấy tờ chứng nhận chứa danh, nghề nghiệp này kia… nó cực kỳ lãng phí, vô ích và không cần thiết một tí nào cả. Cái này chúng ta phải xem lại tư cách đạo đức của mấy ông bà được nhân dân nuôi mà ngồi ngồi nghỉ ra những cái gây ra tốn kém ngân sách, thời giờ và công sức của nhân dân như thế".

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới vào chiều 18/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra con số thiếu giáo viên của cả nước là hơn 118.000 ; hơn 9.000 giáo viên bỏ nghề.

Cách đây đúng một năm, hôm 22/1/2023, nhằm mùng Một Tết Quý Mão, Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Kim Sơn gửi tới giáo viên, phụ huynh và xã hội những mong muốn của mình rằng, "chỉ mong đội ngũ nhà giáo có sức khỏe tốt, niềm tin, tiếp tục gánh vác nhiệm vụ đổi mới, tiếp tục đổi mới bản thân, phương pháp, cách thức, phát huy sáng tạo của mình, để có năm học mới hoàn thành tốt trách nhiệm, một năm hạnh phúc với nghề nghiệp, với học trò".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 22/01/2024

***************************

Quy định mặc đồng phục qua chuyện cắt quần học sinh !

RFA, 22/01/2024

Mạng xã hội gần đây chia sẻ thông tin về việc một nữ sinh ở Hà Nội bị đội xung kích của trường cắt quần do mặc sai quy định về trang phục.

nhagiao2

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

Trả lời báo Nhà nước vào ngày 21/1, đại diện Trường THPT Phan Huy Chú - Quốc Oai - Hà Nội xác nhận vụ việc liên quan một nữ sinh lớp 10 của trường mặc quần jean đi học sai quy định vào ngày 18/1 và đã bị ‘xử lý’ bằng cách cắt quần của nữ sinh.

Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, khi trả lời RFA về vấn đề này hôm 22/1, nói :

"Tôi cho rằng hành vi cắt quần học sinh như thế là vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng, phải kỷ luật nghiêm khắc những giáo viên, những lãnh đạo chủ trương hành vi đó. Đồng phục học sinh theo quy định của bộ giáo dục là tùy các trường đặt mẫu đồng phục, để vận động học sinh ăn mặc cho đẹp, chứ không phải bắt buộc phải có đồng phục. Hoặc các trường muốn học sinh mặc đồng phục để nhận diện ra trường mình".

Theo thầy Khoa, nhà trường chỉ có quyền vận động học sinh, chứ không thể cưỡng bức các em bằng cách cắt quần như thế. Thầy Khoa nói tiếp :

"Học sinh mặc quần jean vào trường không phải là đồng phục thì chúng ta có những biện pháp nhắc nhở, xử lý… ví dụ như là nhắc nhở trước lớp, có một số trường bắt các em lau bảng, lau bàn, dọn vệ sinh để cảnh cáo các em… chứ không có quyền phạt học sinh bằng cách hạ hạnh kiểm học sinh nghiêm trọng. Hiện nay, với sự phát triển mạnh của internet, của mạng xã hội… thì những hành vi ấy phải được lên án công khai và phải bị xử lý nghiêm khắc".

Cũng theo truyền thông Nhà nước, đại diện Trường THPT Phan Huy Chú cho biết, trường đã mời các học sinh và gia đình đến làm việc. Vị này cho biết thêm, nhà trường có nội quy học sinh mặc đồng phục đi học hàng ngày, không mặc quần jean, đi dép lê, đeo khuyên tai, nhuộm tóc không đúng quy định... Nếu vi phạm nhà trường sẽ ‘nhắc nhở học sinh thực hiện đúng nội quy’.

nhagiao3

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định với RFA hôm 22/1/2024 :

"Thật ra theo tôi biết thì cũng có nước hoặc ngay trong một nước có nhiều quy định khác nhau về đồng phục. Có nước thì họ thoải mái mặc gì cũng được, còn nước thì bên cạnh các trường bắt buộc mặc đồng phục thì có những trường chấp nhận mặc khác nhau. Vấn đề chưa phải là mặc đồng phục hay không, mà cách đối xử với việc mặc đồng phục. Như việc lấy kéo cắt quần, cắt áo của người ta, nhất là trong nhà trường, cái đó phản giáo dục cực kỳ".

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng so sánh với việc cắt tóc, cắt quần ngay sau 1975 :

"Ngày trước, sau 1975 đã từng có các đội cờ đỏ, thậm chí công an đứng ở ngã tư đường, thanh niên đi ngang mặc quần ống loe là họ cắt, hoặc tóc dài quá thì họ đè đầu xuống cắt một miếng tóc. Việc cắt ngày đó và cắt quần học sinh trong nhà trường hiện nay cũng không xa nhau bao nhiêu. Trước đây người ta dị ứng chuyện đó như thế nào, thì bây giờ chắc người ta dị ứng còn nhiều hơn. Tại vì ngày trước còn cho rằng tình hình chính trị xã hội khác, bây giờ mấy chục năm rồi mà đầu óc đó không mảy may suy suyển, cái đó mới kinh khủng".

Các trường học tại Việt Nam đều có những lý do riêng cho việc sử dụng đồng phục. Có trường cho là định hướng nhận diện thương hiệu trường hay sự nghiêm trang, chỉn chu khi đến lớp... Bên cạnh đó, đa số các nhà trường khi bắt học sinh sử dụng đồng phục đều cho rằng ‘đồng phục giúp học sinh nghèo bớt mặc cảm, tự ti’.

Liên quan vấn đề này, Thầy Đỗ Việt Khoa nói :

"Thật ra đồng phục các trường đều nói là để không tạo ra sự khác biệt cho hoc sinh, để nhận diện học sinh của trường mình một cách dễ dàng, để những học sinh giàu và nghèo không mặc cảm khoảng cách… Nhưng thực sự biện pháp ấy hình như không có tác dụng. Một ít đồng phục bây giờ làm cho người ta nghèo đi, học sinh mặc đồng phục thì rất nhiều nơi đồng phục xấu xí lắm. Đồng phục không phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội ở nhiều địa phương. Như Hà Nội kinh tế phát triển, nhưng đồng phục nhiều nơi may rất xấu và rất rẻ tiền. Một số nơi đồng phục có tác dụng để lãnh đạo kiếm chác, ví dụ như trường Vân Tảo cũ của tôi".

Một phụ huynh ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho RFA biết ý kiến của mình :

"Trẻ con đi học thì cũng nên cho chúng mặc đồng phục cho giống nhau ở trong trường, nhưng càng ngày đồng phục càng trở thành một cái món để cho phụ huynh phải lo lắng. Bởi vì nào là phải mua nguyên cái áo ở trường để có cái phù hiệu của trường, rồi đã vậy quần áo mặc tập thể dục cũng là của trường nữa… Thành ra một gia đình mà có ba con đi học thì phụ huynh cũng có một nỗi lo rất lớn".

Dư luận mạng xã hội cho rằng, đừng lấy lý do phá vỡ phân biệt giàu nghèo để bắt học sinh mua đồng phục… vì có thể bộ đồng phục lại trở thành gánh nặng của phụ huynh.

Nguồn : RFA, 22/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 217 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)