Liệu ông Biden sẽ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường trước khi hết nhiệm kỳ ?
Việt Nam yêu cầu Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường
Ngày 8/9/2023, hai ngày trước chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Biden tới Việt Nam và nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Chính phủ Việt Nam đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), yêu cầu "Đánh giá hoàn cảnh thay đổi" về tình trạng nền kinh tế phi thị trường (Non Market Economy - NME) của Việt Nam (1).
AFP
Hiện Việt Nam cùng 11 quốc gia khác nằm trong danh sách các quốc gia thuộc kinh tế phi thị trường, trong đó có cả Nga, Trung Quốc và một số nước thuộc Liên Xô trước đây (2).
Thời điểm đệ đơn này của Việt Nam cho thấy sự tính toán và đã nhận được tín hiệu chấp thuận từ phía Mỹ cho vấn đề này, vì trong Tuyên bố chung Việt - Mỹ tháng 9/2023, hai bên có nhắc tới nội dung này (3).
Ngày 24/10/2023, DOC đã ra thông báo cho biết đã nhận được đơn của Bộ Công Thương Việt Nam và DOC "sẽ bắt đầu xem xét tình trạng kinh tế phi thị trường từ phía Việt Nam… DOC sẽ xem xét cẩn thận các thông tin do Chính phủ Việt Nam đệ trình liên quan đến cải cách thị trường và sẽ hoàn thành việc xem xét một cách nhanh chóng nhất có thể, theo luật pháp Hoa Kỳ" (4).
Theo quy định, DOC sẽ có 270 ngày để hoàn thành việc đánh giá này, tính từ ngày 24/10/2023 (5). Quy trình đánh giá sẽ bao gồm cả thời gian lấy ý kiến của công chúng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Những bất lợi cho Việt Nam khi còn là kinh tế phi thị trường
Quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế cũng là quá trình Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện thương mại. Kể từ vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên với Việt Nam vào năm 2002, Hoa Kỳ đã coi Việt Nam là kinh tế phi thị trường (6). Trong hơn 21 năm qua, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản (như mật ong, phi lê cá, tôm…) và các sản phẩm công nghiệp (máy giặt, móc treo quần áo, hộp giấy…) (7). Trước đây, khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đồng ý với các thành viên WTO khác coi là kinh tế phi thị trường cho đến ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục coi Việt Nam là kinh tế phi thị trường cho tới tận bây giờ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, cho đến năm 2023 vừa qua, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD. Trong khi Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 75,5 tỷ USD ; xuất siêu sang EU ước đạt 26,2 tỷ USD" (8). Cả Hoa Kỳ và EU đều xếp Việt Nam trong danh sách kinh tế phi thị trường.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết tháng 11/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 239 vụ việc điều tra từ 24 thị trường (9) ; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với 56 vụ việc, chiếm khoảng 24% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra (10).
EU là thị trường nước ngoài quan trọng thứ ba đối với hàng Việt Nam từ 2020 cho tới nay. Vì vậy, việc được hai nền thị trường nhập khẩu lớn công nhận là nền kinh tế thị trường (Market Economy - ME) có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Việc Việt Nam vẫn bị coi là quốc gia kinh tế phi thị trường sẽ gây bất lợi cho các công ty của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ hay EU, vì sẽ khiến giá bán tại các thị trường này lên rất cao, vì bị áp thuế cao, chưa kể các chi phí theo đuổi việc khiếu kiện cũng sẽ khiến giá thành đội cao hơn, do đó sẽ mất đi tính cạnh tranh với hàng hoá của các quốc gia khác. Theo một chuyên gia Mỹ, "đây không phải là một vấn đề đơn giản. Hậu quả của việc bị chỉ định là kinh tế phi thị trường là các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt rất nhiều với các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, đặc biệt là thuế chống bán phá giá" (11).
Khái niệm "quốc gia kinh tế phi thị trường" theo quy định tại Đạo luật về Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 (Omnibus Trade and Competitiveness Act of 1988- viết tắt là OTCA) có nghĩa là "bất kỳ quốc gia nước ngoài nào mà cơ quan quản lý xác định không hoạt động theo nguyên tắc thị trường về cơ cấu chi phí hoặc giá cả, do đó việc bán hàng hóa ở quốc gia đó không phản ánh giá trị hợp lý của hàng hóa" (12).
Cũng theo đạo luật này thì quốc gia kinh tế phi thị trường sẽ được xác định bởi sáu yếu tố, bao gồm :
(i) mức độ mà đồng tiền nước đó có thể chuyển đổi sang đồng tiền của nước khác ;
(ii) mức độ mà mức lương ở nước đó được xác định thông qua thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý ;
(iii) mức độ mà các công ty nước ngoài khác được phép liên doanh hoặc đầu tư khác ở nước đó ;
(iv) mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất ;
(v) mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp ; và
(vi) các yếu tố khác mà cơ quan quản lý (tức là DOC) cho là phù hợp (13).
Các quy định này cũng được nhắc lại giống như trên trong Đạo luật Thuế quan năm 1930 (Tariff Act of 1930), Mục 771(18)(B).
Như vậy, mặc dù các yếu tố để xác định một nước là ME hay kinh tế phi thị trường được qui định cụ thể trong pháp luật Hoa Kỳ nhưng những tiêu chí để đánh giá khi nào một yếu tố đã được thoả mãn thì lại không được xác định cụ thể. Do đó, quyết định của DOC về việc một nước có nền kinh tế thị trường hay không được ban hành chủ yếu dựa trên quan điểm khá chủ quan của cơ quan này.
Đối với EU cũng tương tự như vậy. EU chỉ đơn giản là có một danh sách được cập nhật định kỳ nhưng không có tiêu chí lựa chọn nào được công bố. Chính vì vậy, một nghiên cứu của UNDP cho rằng : "Mức độ tùy ý này mang lại sự phân loại dựa trên những cân nhắc chính trị hơn là kết quả thực nghiệm" (14).
Lập luận của Việt Nam
Lập luận của Việt Nam trong đơn gửi lên DOC thể hiện như sau :
"(i) Đồng tiền của Việt Nam được chuyển đổi sang tiền tệ của nước khác một cách minh bạch dựa trên nguyên tắc thị trường, công bằng và không phân biệt đối xử. Bộ Tài chính Mỹ trước đó khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ ;
(ii) Mức lương ở Việt Nam được xác định thông qua thương lượng tự do giữa Người lao động và Ban quản lý. Mức độ tham gia của Chính phủ vào việc đàm phán tiền lương là hạn chế ;
(iii) Việc liên doanh hoặc đầu tư khác của doanh nghiệp nước ngoài được phép thực hiện tại Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Từ năm 2018 đến tháng 6/2023, cả nước có 14.553 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 102,24 tỷ USD từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ ;
(iv) Chính phủ Việt Nam không sở hữu hoặc kiểm soát ở mức độ đáng kể các phương tiện sản xuất ;
(v) Chính phủ Việt Nam không có quyền kiểm soát đáng kể đối với việc phân bổ nguồn lực hoặc các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp ;
(vi) Các yếu tố khác cho thấy nền kinh tế Việt Nam vận hành theo nguyên tắc thị trường như có khuôn khổ pháp lý cơ bản về phá sản doanh nghiệp, tính minh bạch trong hệ thống quản trị doanh nghiệp, đảm bảo hệ thống pháp luật thống nhất, đa dạng hóa và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại" (15).
Vấn đề kinh tế phi thị trường rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Quốc gia này đã chính thức công bố một Đề án nhằm "Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại" (16). Việt Nam cũng đã nhiều lần nỗ lực đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại về tình trạng kinh tế phi thị trường. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập vấn đề này khi gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 19/9/2023 tại Washington (17). Trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tại San Francisco ngày 15/11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng tiếp tục nhắc lại vấn đề này (18).
Hiện nay Việt Nam đã được 72 quốc gia trên thế giới công nhận là một nền kinh tế thị trường (ME), trong số đó có nhiều quốc gia có thể chế tương tự Mỹ và cũng là đồng minh thân thiết của Mỹ như Australia, Vương Quốc Anh, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Những ý kiến chống đối
Thẩm quyền xác định một quốc gia là kinh tế phi thị trường hay ME thuộc về DOC, theo quy định của OTCA. Theo đó, OTCA trao cho DOC quyền quyết định hành chính quan trọng trong việc xác định khi nào một quốc gia nước ngoài là kinh tế phi thị trường hay không (19). Việc xác định tình trạng kinh tế phi thị trường có thể được thực hiện "đối với bất kỳ quốc gia nước ngoài nào vào bất kỳ lúc nào" và có hiệu lực cho đến khi bị DOC thu hồi quyết định một cách rõ ràng (20). Hơn nữa, các quyết định của DOC không phải chịu sự xem xét tư pháp trong bất kỳ cuộc điều tra chống bán phá giá nào (21).
Tuy nhiên, DOC hay Chính phủ Mỹ nói chung, cũng chịu sự chi phối nhất định của hệ thống chính trị đảng phái, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang gần kề.
Ngày 11/12/2023, ba Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hoà trong Thượng viện Liên bang Hoa Kỳ đã gửi thư tới DOC để ngăn cản việc công nhận Việt Nam là ME.
"Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan ngại của chúng tôi về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường (kinh tế phi thị trường) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quá trình được công bố gần đây thách thức cả trật tự thông thường và lẽ thường. Việt Nam có thể là một đối tác quan trọng trong khu vực nhưng lại không có nền kinh tế thị trường. Một quyết định vội vàng nâng Việt Nam lên vị thế nền kinh tế thị trường sẽ làm suy yếu việc thực thi luật thương mại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, khuyến khích và tạo lợi thế cho các đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời gây tổn hại cho các ngành công nghiệp Mỹ và người lao động của họ…" (22).
Kết luận
Có lẽ chúng ta vẫn phải chờ quyết định cuối cùng từ DOC vào tháng 7/2024. Dựa trên bối cảnh chiến lược Mỹ đang cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc : Mỹ một mặt tìm cách hạn chế sự phát triển của Trung Quốc, mặt khác, Mỹ đang áp dụng chính sách friendshoring để khuyến khích nhiều công ty Mỹ đến Việt Nam đầu tư và hoạt động, thì có thể nói Việt Nam đang gặp rất nhiều thuận lợi dưới thời Chính quyền Biden. Thách thức rất lớn chính là những vấn đề ẩn chứa trong chính trị nội bộ của nước Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 đang cận kề, chủ trương của ông Donald Trump và Đảng Cộng hoà sẽ có những khác biệt trong chính sách đối ngoại. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể hy vọng Chính quyền Biden trước khi kết thúc nhiệm kỳ, có thể tặng một món quà lớn cho Hà Nội bằng việc rút lại việc áp dụng kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam.
Hà Lệ Chi
Nguồn : RFA, 01/02/2024
Tham khảo :
1. https://media.squirepattonboggs.com/pdf/trade/United-States-Vietnam-as-a-Market Economy-ME-Request.pdf
2. https://www.trade.gov/nme-countries-list
5. https://www.govinfo.gov/content/pkg/FR-2023-10-30/html/2023-23849.htm
6. https://www.usitc.gov/publications/701_731/pub4083.pdf
7. https://www.federalregister.gov/documents/search?conditions[term]=antidumping+|+tarrif+vietnam
8. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/12/diem-sang-xuat-nhap-khau-cuoi-nam-2023/
13. 19 U.S.C. §1677(18)(B) (2006).
15. https://media.squirepattonboggs.com/pdf/trade/United-States-Vietnam-as-a-Market Economy-ME-Request.pdf
19. 19 U.S.C. §1677(18)(B) (2006).
20. 19 U.S.C. §1677(18)(C) (2006).
21. 19 U.S.C. §1677(18)(D) (2006).