Ngày 24/9/2024, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc và gặp gỡ các tập đoàn công nghệ như Apple, Meta, cùng nhiều công ty lớn khác. Tại đây, ông đề nghị các lãnh đạo doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực yêu cầu Washington xóa tên Việt Nam khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường (NME).
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tô Lâm bên lề Khóa họp 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York hôm 25/9/2024 – Andrew Caballero-Reynolds / AFP
-------------------------------
Kinh tế Thị trường (Market Economy - ME) là quy chế mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nỗ lực trong nhiều năm gần đây để thuyết phục Hoa Kỳ công nhận. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang bị treo lơ lửng và phụ thuộc một phần vào kết quả cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ. Trong khi Harris và Trump cạnh tranh tại các bang chiến trường, thì Việt Nam đang đối mặt với khó khăn do các thông tin tiêu cực về đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign direct investment - FDI). Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ministry of Planning and Investment - MPI) từng cảnh báo về làn sóng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Việt Nam, và đánh giá rằng chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đã không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong nước cũng như quốc tế (1).
Ngày 27/9/2024, Thứ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì cuộc họp về "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn". Mục tiêu là thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan rộng (2). Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ dài hạn. Trong khi đó, Việt Nam đang gặp khó khăn cấp thời với "thuế tối thiểu toàn cầu", gây áp lực lên sự thu hút đầu tư. Chính sách "thuế tối thiểu toàn cầu" nhằm ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận đến các quốc gia có mức thuế thấp. Trong bối cảnh xuất hiện chính sách thuế tối thiểu như vậy, nhiều tập đoàn đã chuyển hướng đầu tư ra khỏi Việt Nam do Hà Nội thiếu các quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Việt Nam từ lâu đã vận động chính quyền Hoa Kỳ nên công nhận nền kinh tế thị trường của mình dựa trên những cải cách trong những năm qua. Việc vẫn giữ nhãn kinh tế phi thị trường (Non-Market Economy – NME) ảnh hưởng đến quan hệ song phương, theo nhận định của Hà Nội, nhất là khi Mỹ đang coi Việt Nam như đối trọng với Trung Quốc. Ngày 25/9, tại New York, Tổng thống Biden và Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp nhau rất nồng ấm, cam kết cùng đẩy mạnh hợp tác, nhưng bản thân chính quyền Biden (chỉ còn tồn tại hơn một tháng nữa) đã không đưa ra bất cứ cam kết khả quan nào về yêu cầu của Việt Nam. Lý do giản dị là vì, ME họat động theo những nguyên tắc độc lập, chính quyền không thể can thiệp, giống kiểu can thiệp của Nhà nước Việt Nam vào quá trình quản trị kinh tế trong nước. Khi được hỏi liệu tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam có được thảo luận trong hôm 25/9 hay không, một quan chức cấp cao của Mỹ trả lời các phóng viên : "Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rộng rãi về hợp tác kinh tế và các kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam", vẫn Reuters cho hay (3).
Trong các cuộc gặp tại New York, ông Tô Lâm đã đề nghị các lãnh đạo doanh nghiệp như Apple, Meta và các công ty tài chính khác ủng hộ Hà Nội trong các nỗ lực yêu cầu Washington xóa tên Việt Nam khỏi danh sách NME, và đẩy mạnh hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Nhưng Google, hãng khổng lồ về công nghệ của Mỹ, lại tuyên bố liên tiếp trong hai ngày đầu tuần về việc đầu tư tổng cộng ba tỷ đô la vào Malaysia và Thái Lan để xây các trung tâm dữ liệu, thay vì chọn Việt Nam, dù trước đó, hãng từng có cân nhắc về việc đầu tư vào Việt Nam (4).
Hôm 1/10/2024, theo bản tin của Reuters và báo đài nước ngoài, Google và chính quyền Malaysia đã làm lễ động thổ xây dựng một trung tâm dữ liệu kiêm vùng lưu trữ dữ liệu đám mây (cloud region) trị giá hai tỷ đô la. Google nói rằng khoản đầu tư này sẽ tạo ra 26.500 việc làm và đóng góp hơn ba tỷ đô la vào nền kinh tế Malaysia trong thời gian từ nay đến năm 2030. Trước đó một ngày, Google cũng khẳng định sẽ đầu tư một tỷ đô la vào một trung tâm tương tự ở Thái Lan, tạo ra trung bình 14.000 việc làm mỗi năm từ nay đến năm 2029. Trong khi đó, chỉ cách đây hơn một tháng, hôm 29/8, Reuters và các báo đài nước ngoài đưa tin rằng Google "đang cân nhắc việc xây một trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam", có thể là tại một nơi gần thành phố Hồ Chí Minh. Nếu điều này trở thành hiện thực, đó sẽ là dự án đầu tiên thuộc dạng này ở Việt Nam, do một hãng công nghệ lớn của Mỹ đầu tư (5).
Vậy là các phát ngôn có cánh dành cho Việt Nam trong diễn văn cuối cùng của Tổng thống Biden ở Liên Hợp Quốc, những cái bắt tay nồng ấm giữa các nhà lãnh đạo Washington và Hà Nội đã không thúc đẩy được câu chuyện kinh tế thị trường của Việt Nam. Chính bản thân Bộ Kế hoạch và đầu tư phải thừa nhận, các chủ trương ưu đãi đầu tư của Việt Nam chỉ tập trung vào miễn, giảm thuế và ưu đãi về tiền thuê đất, mà không chú trọng các ưu đãi dựa trên chi phí. Điều này khiến sức cạnh tranh của Việt Nam giảm dần và không khuyến khích đầu tư lâu dài. Việc Việt Nam không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác ; đồng thời sẽ giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất, giảm cầu về lao động (6).
Trong trường hợp Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ; không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng cao. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không sớm nội luật hóa để điều chỉnh mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên tương đương với mức thuế tối thiểu toàn cầu (15%), Việt Nam sẽ không thu được phần thuế chênh lệch, các công ty đầu tư tại Việt Nam cũng không được hưởng ưu đãi này, vì sẽ bị các quốc gia của công ty mẹ thu về. (7)
Trần Hiếu Chân
Nguồn : RFA, 05/10/2024
Tham khảo :
Lời tòa soạn : Bài viết dưới đây của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ là phần bổ sung thêm vào các luận cứ của ông trong buổi hội luận trên VOA tiếng Việt ngày 1/8/2024 về đề tài "Liệu Việt Nam có sẽ được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường ?" Ở thời điểm này thì mọi chuyện đã rõ, Hoa Kỳ đã không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tiến sĩ Vũ, hiện định cư tại Oslo, Na Uy, là học giả nghiên cứu kinh tế và chính trị độc lập, đưa thêm các luận cứ bổ sung dưới đây. (VOA)
Quốc Kỳ Việt Nam và Hoa Kỳ trong lễ đón tiếp quan chức quốc phòng Mỹ tại Hà Nội, tháng 6/2015. Hình minh hoạ.
***
Xung đột thương mại Mỹ - Trung
Khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt các quyết định áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc, tạo ra một hiệu ứng quan trọng : Các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc hoảng sợ và phải tìm kiếm một kế hoạch phòng bị trong trường hợp mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi.
Kế hoạch kiềm chế Trung Quốc thật ra đã có từ thời Tổng thống Barack Obama với kế hoạch xây dựng Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kế hoạch Xoay trục về Châu Á (Pivot to Asia). Tuy nhiên đây là kế hoạch dài hơi, cần thuyết phục và lôi kéo nhiều đối tác, và vì vậy chưa có nhiều tác dụng.
Nếu áp dụng chính sách thương mại tự do TPP, hàng hóa giá rẻ sẽ theo chính sách này mà vào Hoa Kỳ. Do đó TPP gặp phải sự chống đối của các nghiệp đoàn. Việc đồng ý công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng có tác dụng tương tự, hàng hóa Việt Nam giá rẻ cũng sẽ vào Hoa Kỳ, và các nghiệp đoàn cũng sẽ chống. Chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ bầu cử Hoa Kỳ, thật là một nhạy cảm chính trị để có thể cho phép công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường tại thời điểm này.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden kế tục các chính sách thuế đối với Trung Quốc của Donald Trump và đẩy mức thuế nhập khẩu lên cao hơn nữa và mở rộng ra nhiều mặt hàng.
Dù bị Mỹ coi là nước có nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc nhưng sự đối xử của Mỹ đối với Việt Nam dễ chịu hơn nhiều, dù đôi khi vẫn bị kiện tụng chống bán phá giá đối với một số mặt hàng như thuỷ hải sản. Chi phí cho việc kiện tụng rất tốn kém, tốn thời gian, và thường ít có phần thắng.
Khi bị xem là một nền kinh tế phi thị trường, đối với mỗi vụ kiện, vì giá cả hàng hóa của Việt Nam không được xem là trao đổi dựa trên nguyên tắc thị trường, nếu đưa ra tòa án phân xử, họ buộc phải lấy giá ở một thị trường tương tự để tham chiếu giá sản xuất ra mặt hàng trước khi phán xét rằng hàng hóa có phải là bán phá giá hay không. Nền kinh tế thường được tham chiếu là Indonesia. Thông thường khi được tham chiếu như vậy, bên bị kiện sẽ bị thiệt hại rất lớn. Trái lại, khi được xem là một nền kinh tế thị trường, việc kiện tụng buộc phải lấy giá cả trong nước và bên bị kiện có lợi thế hơn. Khi mà bên kiện thấy bên bị kiện có lợi thế hơn thì chắc chắn họ sẽ không kiện làm gì. Một số hàng Việt Nam lúc này sẽ không chịu thuế chống bán phá giá.
Mỹ áp chính sách nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam từ rất lâu, nhưng cho đến gần đây Việt Nam mới tích cực và cố gắng giải thích và làm áp lực để Mỹ công nhận là kinh tế thị trường. Một lý do lớn, là nếu trong trường hợp Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, các công ty Trung Quốc sẽ tràn ngập đầu tư vào Việt Nam để lắp ráp đơn giản và đóng gói sản phẩm của họ với nhãn hiệu "Made in Vietnam" và dễ dàng xuất đi Hoa Kỳ mà không phải chịu thuế từ 25 đến 50% như hiện nay. Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn, nhưng ngược lại chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ trở nên vô hiệu. Việt Nam sẽ tăng nhập siêu từ Trung Quốc, và xuất siêu sang Hoa Kỳ. Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng phần lợi mà Hoa Kỳ sẽ ngày càng thiệt.
Việt Nam gia nhập "Vành đai – Con đường"
Hoa Kỳ chắc chắn biết rằng Việt Nam đã chính thức quyết định trở thành một đối tác chính thức của chiến lược "Một Vành Ðai - Một Con Ðường" của Trung Quốc.
Tháng Sáu vừa rồi, Thủ Tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc và đã quyết định thúc đẩy một loạt các dự án nhằm kết nối Việt Nam với Trung Quốc. Bên cạnh thúc đẩy các đặc khu kinh tế dọc biên giới, Việt Nam sẽ hợp tác với Trung Quốc để xây dựng ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ; Đồng Đăng - Hà Nội ; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Một dự án khác quy mô hơn mà chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy là dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Cho đến nay, chưa công khai rõ ai sẽ là đối tác để thực hiện. Nhưng nhiều khả năng đó cũng sẽ là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Việc hợp tác với Trung Quốc trong các dự án này chắc chắn sẽ khiến Việt Nam trói buộc vào các mối quan hệ với Trung Quốc và các dự án này dễ dàng trở thành một đòn bẩy để Trung Quốc có những yêu sách nhất. Nếu không, số phận của các dự án của Việt Nam sẽ tương tự như dự án xe lửa Subic-Clark của Philippines.
Dự án xe lửa Subic-Clark nối hai vùng thương mại của Philippines vốn trước đây từng là hai căn cứ quân sự của Mỹ. Subic từng là căn cứ hải quân, còn Clark từng là căn cứ không quân của Hoa Kỳ. Dự án xe lửa Subic-Clark là một phần của hành lang kinh tế Luzon vốn nối Subic, Clark, Manila với Batangas, tất cả đều nằm trên hòn đảo Luzon. Dự án này được triển khai bởi Trung Quốc vào khi mà mối quan hệ mặn nồng giữa Philippines và Trung Quốc được dẫn dắt bởi tổng thống Philippines là Rodrigo Duterte. Sau khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines lên, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trở nên rạn nứt vì Ferdinand Marcos Jr. cứng rắn hơn với các yêu sách và hành động xâm lấn của Trung Quốc trên vùng biển của mình. Ferdinand Marcos Jr. muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Mối xung đột đó đã dẫn đến việc Trung Quốc rút khỏi dự án. Giờ đây Philippines đã phải tìm kiếm các đối tác từ Nhật và Mỹ để khởi động lại dự án này.
Một nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa méo mó
Bên cạnh các yếu tố chiến lược mang tính địa chính trị, thương mại, và mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được đề cập ở trên vốn có thể gây tổn hại một cách trực tiếp cho các chính sách của Hoa Kỳ, một loạt các vấn đề về các cấu trúc kinh tế của Việt Nam không thể hiện rằng nó hoạt động theo một quy chế thị trường.
Thứ nhất là thị trường nhà đất. Thị trường nhà đất không hoạt động một cách lành mạnh theo nguyên tắc của thị trường. Giới tư bản đỏ với sự chống lưng của các quan chức dễ dàng giành được các mảnh đất ở vị trí tốt. Nhà nước cũng dễ dàng giao đất cho những công ty ưa thích với những mức giá rẻ bèo.
Thứ hai là luật lệ không công bằng đối với các tác nhân khác nhau trong nền kinh tế. Những người có mối quan hệ tốt, hoặc có tiền, có thể nhận được một sự đối xử và một bản án tốt hơn.
Thứ ba là thị trường tài chính. Một số tác nhân kinh tế có mối quan hệ tốt với chính quyền có thể tiếp cận được những cơ hội tốt để nhận được những khoản vay dễ dàng và ưu đãi hơn. Các công ty nhà nước cũng nhanh chóng nhận được các khoản cứu trợ và hỗ trợ nếu nó thua lỗ.
Thứ tư là thị trường hối đoái. Thị trường hối đoái hầu như bị kiểm soát chặt chẽ. Việc chuyển đổi tiền Ðồng sang một loại tiền tệ khác rất khó khăn và với một tỉ giá không theo thị trường mà tỉ giá này được kiểm soát hoàn toàn bởi chính phủ Việt Nam.
Thứ năm là lương bổng. Việc không tồn tại một công đoàn độc lập hoạt động vì ý nguyện của công nhân khiến cho lương bổng và các điều kiện làm việc của công nhân không được xem là đạt được do sự thoả thuận.
Thứ sáu là việc đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước không như nhau. Ðiều oái ăm là chính phủ Việt Nam lại có quá nhiều ưu đãi với các doanh nghiệp nước ngoài so với các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài được miễn giảm thuế doanh nghiệp trong một thời gian, rồi miễn giảm thuế đất... Ðó là những điều mà nhiều doanh nghiệp trong nước khó mà nhận được ngoại trừ những doanh nghiệp thân hữu.
Có thể nói những tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá rằng một nền kinh tế hoạt động theo nguyên tắc của thị trường trong đó nhà nước chỉ đứng bên ngoài, không can thiệp với từng cá nhân một, và đối xử công bằng với tất cả các tác nhân kinh tế, đã không đạt được nếu không muốn nói là vi phạm hầu như tất cả. Trong trường hợp nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ công nhận rằng các sai phạm mang tính cơ cấu về chính sách kinh tế của chính quyền Việt Nam là bình thường. Và chấp nhận điều đó sẽ khiến Mỹ mất uy tín khi Washington khó mà bảo vệ các luận điểm của mình trước các chất vấn của các đối tác kinh tế khác rằng tại sao họ cũng như Việt Nam mà lại không được công nhận là nền kinh tế thị trường. Hoặc là họ sẽ nói rằng là một nền kinh tế thị trường dưới nhãn quan của Mỹ thì việc đó đồng nghĩa với việc cho phép nhà nước được quyền can thiệp một cách có chọn lọc vào các vấn đề có tính căn bản như trên. Hoặc điều này cũng đồng nghĩa rằng nền kinh tế thị trường và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo hướng nhà nước can thiệp vào thị trường một cách thô bạo, bất chấp và ngẫu hứng, là một. Ðó quả thực là một thảm hoạ cho chính sách của Hoa Kỳ.
Có gì để trao đổi cho một quan hệ mới ?
Trước khi Việt Nam muốn Mỹ công nhận mình là một nền kinh tế thị trường, ngoài việc tự mình cải cách về luật lệ và chính sách nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn trên, Việt Nam cần phải chuẩn bị một món quà để ra mắt cho một mối quan hệ. Món quà đó chắc chắn không phải là những tù nhân lương tâm, bởi vì không có gì ô nhục hơn là đem những công dân ưu tú của mình ra để làm hàng hóa trao đổi.
Một món quà như vậy sẽ phải đi cùng với các giá trị văn minh, dân chủ, và lương thiện, để khởi đầu cho một mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong công cuộc xây dựng nên một tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Nhưng trước khi nghĩ tới một món quà để khởi đầu cho một mối quan hệ mới, Việt Nam chắc chắn phải nghĩ tới việc đón nhận thêm nhiều các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư. Không ai có thể vận động hành lang cho một mối quan hệ thương mại giữa hai nước tốt hơn các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Họ có một truyền thống lâu đời, họ có kết nối, có tiền, và quan trọng là giữa những người Mỹ với nhau, mọi thứ hoạt động dựa trên niềm tin danh dự (credit).
Đừng tưởng mình cao giá
Người Việt trong nước ít đi xa nên có xu hướng nghĩ thế giới chỉ có mỗi mình Việt Nam, Việt Nam là nhất. Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ cũng vậy. Họ cũng nghĩ Việt Nam như cô gái mà Hoa Kỳ muốn tán tỉnh và một trong các lý do đó là vị thế địa chính trị. Một suy nghĩ thật buồn cười.
Trong suy nghĩ của tôi, Việt Nam có tiềm năng để trở thành một quốc gia hùng mạnh. Nhưng sự hùng cường đó chỉ có thể có được khi người dân được khai phóng, được tự do suy nghĩ, được giáo dục, được trau dồi tinh thần khiêm tốn, cầu tiến, thật thà, và suy nghĩ tích cực. Nó cần một quá trình. Những điều đó chỉ có thể tạo ra trong một thể chế mới, một thể chế trọng tự do và trọng các giá trị con người.
Về mặt địa lý ngay ở thời điểm này, các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ rải rác ở Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Guam, Singapore đã đủ để Hoa Kỳ đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có thể tiếp cận với các cơ sở quân sự của Úc và Thái Lan. Hoa Kỳ không nhất thiết cần Việt Nam như một đối tác trong chiến lược bao bọc Trung Quốc. Cái mà Hoa Kỳ cần ở Việt Nam là đừng ngã về phía Trung Quốc cho ý đồ của Bắc Kinh quấy phá khu vực hay làm mất ổn định khu vực như cái cách mà Việt Nam từng làm cho Liên Xô, diễu võ giương oai với các nước trong khu vực sau năm 1975. Hoa Kỳ cũng hiểu rõ rằng giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam chắc chắn không muốn ngã hoàn toàn vào lòng Trung Quốc bởi vì những bài học lịch sử cho thấy Việt Nam không có một tương lai nào nếu phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Nhưng điều chắc chắn hơn là không một lãnh đạo nào của Việt Nam có thể công khai ngã vào Trung Quốc mà không sớm bị hạ bệ bởi ý thức độc lập của người dân Việt Nam rất cao.
Do đó, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có lẽ chỉ dừng lại ở mức hiện nay và khó có thể tiến xa hơn nếu Việt Nam không có một sự đột phá để cải cách thể chế chính trị sang hướng dân chủ hơn. Mà khi không có một sự thay đổi về thể chế thì việc xem xét Việt Nam như một nền kinh tế phi thị trường vẫn sẽ tiếp tục.
Quả bóng cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam giờ đây chủ yếu nằm trong chân của Việt Nam, chứ không phải Hoa Kỳ.
Nguyễn Huy Vũ
Nguồn : VOA, 08/08/2024
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng Việt Nam nên coi việc chưa được Mỹ công nhận có nền kinh tế thị trường là 'cơ hội' để nỗ lực đổi mới, cải thiện, tiến bộ, đáp ứng tốt hơn các tiêu chí được Bộ Thương mại Mỹ định danh, trong khi nên hướng tới tương lai đổi mới kinh tế đi kèm cải tổ chính trị, xã hội sâu rộng.
Nguồn : VOA, 03/08/2024
Việt Nam phản ứng về việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
RFA, 03/08/2024
Hai Bộ Ngoại giao và Công thương Việt Nam phản ứng đối với quyết định chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường mà phía Hoa Kỳ công bố hôm 2/8.
Những người mua bán đồng nát đạp xe trên đường phố Hà Nội hôm 30/4/2024 - AFP
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà phạm Thu Hằng trong cuộc họp báo ngáy 3/8 tại Hà Nội trả lời báo giới là Việt Nam thất vọng trước quyết định của phía Hoa Kỳ.
Còn Bộ Công thương ngay sau khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ công bố quyết định chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường ra thông cáo cho rằng việc chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường đồng nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.
Thông báo của Bộ Công thương Việt Nam nêu rõ :"Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…".
Bộ Công thương cho rằng trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá…
Bộ Công thương cũng gửi lời cảm ơn 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Hiệp hội các nhà bán lẻ Hoa Kỳ và mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân nói trên.
Nguồn : RFA, 03/07/2024
*****************************
Giới lập pháp Mỹ hoan nghênh việc không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
VOA, 03/08/2024
Các nghị sĩ Hoa Kỳ vào ngày 2/8 hoan nghênh quyết định của Bộ Thương mại nước này về việc không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong khi Hà Nội lên tiếng rằng họ "lấy làm tiếc" về quyết định này.
Trụ sở Bộ Thương mại Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.
Thượng nghị sĩ Bill Cassidy ra tuyên bố có đoạn: "Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường và quyết định ngày hôm nay khẳng định thực tế đó", ý nói đến tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 về việc tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.
"Đây là một chiến thắng cho những người nuôi tôm, cá da trơn ở bang Louisiana và việc làm cho người Mỹ", vị thượng nghị sĩ đại diện cho bang Louisiana viết.
Ông Cassidy lập luận rằng Việt Nam không có nền kinh tế thị trường vì đồng tiền nước này không được tự do chuyển đổi, thiếu quyền lao động và có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước.
"Việc xem xét này là một ý tưởng tồi mà lẽ ra không nên được xem xét ngay từ đầu", Thượng nghị sĩ Tom Cotton của bang Arkansas viết trên trang X. Ông bày tỏ rằng việc Việt Nam tiếp tục bị xếp vào diện nền kinh tế phi thị trường "là một thắng lợi cho bang Arkansas - đặc biệt đối với công nhân ngành thép và người nuôi cá da trơn".
Tương tự, Dân biểu Rick Crawford, đại diện bang Arkanzas trong Hạ viện Mỹ, viết trên trang X: "Điều này lẽ ra không bao giờ nên là một cuộc tranh luận ngay từ đầu. Việt Nam là một nước cộng sản, nơi doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế".
"Trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ tàn phá các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ vốn đã bị thiệt hại do các hoạt động thương mại không công bằng của Việt Nam. Làm như vậy sẽ dẫn đến chuyện thuê mướn bên ngoài thay cho công ăn việc làm của người Mỹ và gây tổn hại cho người lao động Mỹ", ông Cassidy nhận định.
Dân biểu Crawford lập luận rằng nếu trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ khuyến khích "các hành vi độc hại" như bán phá giá thép, kiểm soát giá cả và mở đường cho Trung Quốc lợi dụng đất nước láng giềng làm bàn đạp để lách các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Trước đó trong cùng ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra tuyên bố rằng họ quyết định là Việt Nam sẽ tiếp tục bị xác định là một nước có nền kinh tế phi thị trường, phục vụ mục đích tính thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
"Kết luận này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam không thay đổi", vẫn tuyên bố của DOC.
Vào tháng 9/2023, vài ngày trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính quyền Việt Nam gửi đơn đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Từ tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành quá trình xem xét yêu cầu của Hà Nội. Bộ này cho hay trong thời gian qua họ đã nhận được hơn 36.000 trang đóng góp ý kiến từ các ngành sản xuất nội địa của Mỹ cũng như từ chính phủ Việt Nam.
"Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao và trân trọng sự tham gia rộng rãi của các ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ cũng như của Chính phủ Việt Nam vào quá trình minh bạch và bán tư pháp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Quyết định này được đưa ra dựa trên quá trình đánh giá kỹ lưỡng tất cả ý kiến được gửi đến", tuyên bố viết.
Ngay sau tuyên bố của DOC, Bộ Công thương Việt Nam hôm 2/8 bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định trên.
Bộ Công thương nói thêm rằng họ sẽ "nghiên cứu, phân tích" các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ "để bổ sung, hoàn thiện lập luận" và sẽ gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Mối quan hệ này được nâng cấp trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden hồi tháng 9/2023.
Trong năm qua, hàng chục các nhà lập pháp lưỡng đảng Hoa Kỳ, trong đó có cả Thượng nghị sĩ JD Vance, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, lên tiếng kêu cầu DOC không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, do nước này chưa hội đủ các tiêu chí theo luật định của Mỹ.
"Tôi hy vọng chính phủ của chúng ta sẽ nỗ lực hợp tác với Việt Nam trong tương lai để khuyến khích thương mại công bằng và cải cách kinh tế có hệ thống để một ngày nào đó Việt Nam có thể được chào đón vào cộng đồng các nền kinh tế thị trường", Dân biểu Crawford nêu kỳ vọng.
Nguồn : VOA, 03/08/2024
****************************
Mỹ vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế "phi thị trường"
Minh Anh, RFI, 03/08/2024
Bộ Thương Mại Mỹ ngày 02/08/2024 cho biết Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xếp Việt Nam thuộc diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Quyết định này đã gây thất vọng cho Hà Nội, đối tác mà Washington không ngừng nỗ lực lôi kéo để chống Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Antony Blinken gặp bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25/03/2024. AP - Mark Schiefelbein
Sau một năm dài xem xét, bộ Thương Mại Mỹ, trong thông cáo, khẳng định, "Việt Nam sẽ tiếp tục bị xếp vào diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường để tính thuế chống bán phá giá tại Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam". Thông cáo nêu thêm, điều này có nghĩa là "phương pháp được sử dụng để tính thuế của Mỹ chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn được giữ nguyên".
Bộ Công thương Việt Nam đã có phản ứng, lấy làm tiếc về việc Hoa Kỳ vẫn không muốn công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường mặc dù nền kinh tế đất nước đã có những "cải thiện tích cực" gần đây.
Theo Reuters, những người phản đối việc nâng cấp quy chế cho Việt Nam đã phản bác rằng những cam kết chính sách của Hà Nội không tương xứng với các hành động cụ thể và hoạt động như một nền kinh tế có kế hoạch do Đảng cộng sản cầm quyền quản lý. Họ còn lập luận rằng Việt Nam ngày càng được các công ty Trung Quốc sử dụng làm trung tâm sản xuất để lách lệnh hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Theo nhiều nhà quan sát được Reuters trích dẫn, việc bộ Thương Mại Mỹ quyết định duy trì nhãn "nền kinh tế phi trường" đối với Việt Nam có thể gây bất lợi cho mối quan hệ Hà Nội – Washington. Theo giáo sư chính trị Edmund Malesky, giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Duke, giới lãnh đạo Việt Nam xem quyết định này là một "chuẩn mực quan trọng trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ cũng như việc đạt được mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước".
Quyết định này đưa ra vào lúc Washington gia tăng các nỗ lực thắt chặt quan hệ với Hà Nội trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, vấn đề nâng cấp quy chế nền kinh tế như Việt Nam mong muốn và xem đấy như là nền tảng cho mối quan hệ Việt – Mỹ, đã trở nên khó xử khi Mỹ đang bước vào mùa bầu cử tổng thống cũng như việc đôi bên kiên định lập trường của mình về quyền người lao động.
Minh Anh
*****************************
Mỹ từ chối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
VOA, 02/08/2024
Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 công bố rằng Việt Nam sẽ tiếp tục bị phân loại là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, sau khi trì hoãn đưa ra quyết định này trong thời gian Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một người bán hàng rong ngồi trước khu vực xây dựng một tòa cao ốc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mỹ vừa từ chối yêu cầu của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường.
"Kết luận này có nghĩa là phương pháp tính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn giữ nguyên", bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Thương mại Mỹ ban đầu dự kiến đưa ra quyết định này vào ngày 26/7 nhưng thông báo lùi thời hạn này thêm 1 tuần với lý do mà họ đưa ra là gián đoạn về công nghệ thông tin. Ngày 26/7 cũng là ngày Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cùng Tổng thống Joe Biden nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9 năm ngoái.
Việt Nam đã mong đợi được Mỹ đưa ra khỏi danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường do có sự can thiệp sâu rộng của Nhà nước vào nền kinh tế theo định danh của Mỹ. Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trong năm qua đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này và cho rằng điều này sẽ có lợi hơn cho quan hệ hai nước.
Bộ Công thương hôm 2/8 nói rằng họ "lấy làm tiếc" về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
"Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt nam vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ", Bộ Công thương được Tuổi Trẻ trích dẫn khi phản ứng về quyết định của Hoa Kỳ. "Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng ‘giá trị thay thế’ của một nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá".
Hàng chục nhà lập pháp Mỹ trong những lần khác nhau đã gửi thư lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để yêu cầu bộ này không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam với lý do rằng Việt Nam vẫn vận hành như một nền kinh tế kế hoạch được điều chỉnh bởi các nghị quyết của Đảng cộng sản. Các thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ cũng đã nêu ra những quan ngại về quyền lao động hay mối liên hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên liệu sản xuất.
Bộ Công thương cho rằng nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt nam "một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 71 nền kinh tế khác đã công nhận", trong đó bao gồm Anh, Canada, Australia và Nhật Bản, theo Tuổi Trẻ.
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ nói với VOA vào tháng trước, khi trả lời yêu cầu bình luận về những phản đối và quan ngại của các nhà lập pháp Mỹ cũng như các nhà sản xuất thép ở Hoa Kỳ, rằng bộ sẽ xem xét tất cả những điều đó khi đưa ra quyết định.
Ngay sau khi Bộ Thương mại đưa ra kết luận bác bỏ yêu cầu cấp quy chế thị trường của Việt Nam, ông Kevin Dempsey, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Sắt và Thép Hoa Kỳ (AISI) hôm 2/8 cho biết AISI hoan nghênh quyết định này.
"Cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam là không thích đáng dựa trên thực tế – xét đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong việc lách luật thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hoá Trung Quốc và các quốc gia khác, việc thao túng tiền tệ, các hạn chế xuất khẩu liên tục đối với nguyên vật liệu thô để sản xuất thép và các hoạt động hạn chế thương mại khác của Việt Nam", ông Dempsey, người đã ra điều trần trước Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5, nói trong một tuyên bố.
Giải thích lý do AISI hoan nghênh việc này, ông Dempsey nói rằng nếu Việt Nam, quốc gia mà ông cho là "tham gia vào nhiều hoạt động thương mại không công bằng", được Mỹ nâng cấp lên kinh tế thị trường thì việc này sẽ "khuyến khích gian lận thương mại nhiều hơn nữa trong khi gây tổn hại cho ngành thép của Hoa Kỳ và nhiều ngành công nghiệp khác tại Mỹ".
Trong khi các nhà sản xuất của Mỹ phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam thì những nhà bán lẻ ở Mỹ lại ủng hộ việc này. Ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, nơi ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam, nói tại buổi điều trần của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 rằng "Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường".
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh nói rằng ông "không hoàn toàn ngạc nhiên và ủng hộ" quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
"Việc thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào thời điểm này là không thực tế, là một sai lầm địa chính trị chiến lược và gây bất lợi cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ", Luật sư Khanh, cũng là tổng thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam, nói.
Bộ Công thương Việt Nam, khi đệ trình yêu cầu việc rà soát quy chế kinh tế phi thị trường lên Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 9/2023, nói rằng Việt Nam đã có những cải cách trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Mỹ xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, và cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Bộ này nói hôm 2/8 rằng trong thời gian tới, họ sẽ "nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt nam của Bộ Thương mại Mỹ". Mục tiêu, mà theo Bộ này cho biết, là để "bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị thương mại hai chiều lên đến hơn 120 tỷ USD vào năm ngoái. Hoa Kỳ đã khởi xướng nhiều vụ kiện chống bán phá giá của một số mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, như tôm và thép, trong những năm qua.
Theo Tuổi Trẻ, Bộ Công thương khẳng định rằng họ sẽ "đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam".
Dù bị Mỹ chối nâng cấp lên nền kinh tế thị trường, nhưng với việc Mỹ đang tìm cách đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia được Hoa Kỳ chọn cho việc hợp tác ở các nước bằng hữu giữa bối cảnh Washington tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và trên thế giới.
Luật sư Khanh cho biết ông ủng hộ việc đưa Việt Nam trở thành "đối tác thân thiện, tích cực và đáng tin cậy trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ nếu Việt Nam "quyết tâm điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính trị, kinh tế hướng tới nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh".
Nguồn : VOA, 02/07/2024
****************************
Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'
BBC, 02/08/2024
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm nay 2/8 đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từ chối nâng cấp Việt Nam từ nền kinh tế phi thị trường lên thành nền kinh tế thị trường.
Cùng ngày, Bộ Công thương Việt Nam cho biết "lấy làm tiếc" về quyết định của phía Mỹ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này, trong đó có việc nhà nước vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng của Đảng cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tệ nạn tham nhũng.
Đây được coi là một bước thụt lùi đối với nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ - thị trường quan trọng nhất của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã tăng cường vận động hành lang để Mỹ xem xét việc nâng cấp này kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023.
Mỹ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường từ năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.
Hiện chỉ có 12 quốc gia bị Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam.
Mỹ từ chối dựa trên lý do gì ?
Chính phủ Việt Nam được xem là vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh kinh tế
Quá trình Mỹ xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường - mà Bộ Thương mại Mỹ gọi là Cuộc đánh giá điều chỉnh tình huống (CCR) - được thực hiện theo Đạo luật Thuế quan 1930.
Theo đó, định nghĩa thuật ngữ "quốc gia với nền kinh tế phi thị trường" là một quốc gia mà Bộ Thương mại không xác định là "hoạt động theo các nguyên tắc thị trường về cấu trúc chi phí hoặc giá cả, để việc bán hàng hóa tại quốc gia đó không phản ánh giá trị công bằng của hàng hóa".
Điều 771(18)(B) của đạo luật liệt kê sáu yếu tố mà Bộ Thương mại Mỹ phải xem xét trong bất kỳ cuộc điều tra nào được thực hiện để đánh giá một quốc gia là nền kinh tế thị trường hay phi thị trường, bao gồm :
- Khả năng chuyển đổi đồng tiền.
- Tiền lương được xác định thông qua thương lượng tự do
- Cho phép đầu tư nước ngoài
- Sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất
- Sự kiểm soát của nhà nước đối với giá cả và sản xuất của các công ty
- Các yếu tố khác mà phía Mỹ xem là quan trọng
Văn bản của Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 nêu :
Kể từ khi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra quyết định về tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam (2002), Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các cải cách đáng kể theo định hướng thị trường để thúc đẩy phát triển hệ thống kinh tế dựa trên thị trường hơn.
Những cải cách này đã giúp làm cho tiền đồng của Việt Nam dễ dàng chuyển đổi hơn, tăng cường sự mở cửa của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài, và dần giảm bớt sở hữu của chính phủ đối với các phương tiện sản xuất trong nền kinh tế.
Mặc dù đã có những cải cách theo định hướng thị trường, chính phủ vẫn giữ vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa độc lập và tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối để ảnh hưởng đến giá trị của tiền đồng.
Các công đoàn lao động vẫn bị chi phối bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do nhà nước kiểm soát, cản trở việc đàm phán tập thể và cuối cùng tạo điều kiện cho mức lương và chi phí lao động bị kìm hãm.
Mặc dù Việt Nam đã thực hiện các bước để làm cho môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn, các rào cản đối với tiếp cận thị trường, sự thiếu minh bạch của các quy định và luật lệ, các hạn chế về quyền kiểm soát doanh nghiệp và sở hữu nước ngoài vẫn tồn tại.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đặc trưng bởi sự sở hữu và kiểm soát đáng kể của nhà nước đối với các phương tiện sản xuất, đặc biệt là đối với các công ty và đất đai.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định giá và phân bổ tín dụng ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp nhà nước kiểm soát một lượng tín dụng cho vay không tương xứng, bên cạnh các lợi thế khác, mặc dù hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước tương đối thấp hơn so với các doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Chính phủ Việt Nam cũng tuân theo chỉ đạo của nhà nước để truyền đạt các mục tiêu của mình cho nền kinh tế về kết quả kinh doanh và phân bổ tài nguyên, và các biện pháp kiểm soát giá cả do chính phủ thực hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến giá hàng hóa ở Việt Nam.
Cuối cùng, ảnh hưởng của Đảng cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tham nhũng vẫn xảy ra đã tiếp tục làm suy yếu một số sáng kiến cải cách của Việt Nam.
Hành trình Mỹ xem xét việc nâng cấp cho Việt Nam
Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội tháng 9/2023 và hai nước nhân dịp này đã nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện
Tài liệu từ Cục Quản lý Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ mà BBC có trong tay, có tên "Kết quả cuối cùng của Đánh giá điều chỉnh tình huống đối với Thuế chống bán phá giá", viết :
Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định rằng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam) vẫn là một quốc gia nền kinh tế phi thị trường (Non Market Economy-NME) theo Luật Thuế chống bán phá giá (Antidumping Duty-AD) của Hoa Kỳ do sự ảnh hưởng liên tục và sâu rộng của chính phủ đối với các hoạt động kinh tế của quốc gia này.
Văn bản nêu bối cảnh từ khi Việt Nam bị Mỹ xếp vào nhóm các nước có nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 và hành trình Mỹ xem xét nâng cấp Việt Nam lên thành nền kinh tế thị trường theo đề nghị của Hà Nội.
Năm 2002 : Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nhất quán coi Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường trong tất cả các cuộc điều tra và xem xét hành chính liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Vào ngày 8/9/2023, chính phủ Việt Nam đã gửi một bức thư đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu xem xét lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam trong bối cảnh của một cuộc đánh giá điều chỉnh tình huống (Change Circumstances Review-CCR) đối với lệnh Thuế chống bán phá giá (AD) đối với mật ong thô từ Việt Nam.
Đáp lại, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng một cuộc CCR về NME và công bố trên Tạp chí Liên bang vào ngày 30/10/2023. Cuộc xem xét này kiểm tra liệu Việt Nam có vẫn là một quốc gia NME theo luật AD hay không.
Để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của công chúng và các bên liên quan trong cuộc điều tra này, Bộ Thương mại Mỹ đã mời công chúng cho ý kiến về tình trạng kinh tế của Việt Nam như một quốc gia NME.
Tất cả các ý kiến và phản hồi đã được nhận vào ngày 21/12/2023 và 1/2/2024.
Vào ngày 8/3/2024, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã nhận được thông tin mới từ một số ngành công nghiệp trong nước cáo buộc rằng Chính phủ Việt Nam đã gửi các tuyên bố sai lệch và bỏ sót các sự thật quan trọng liên quan đến các cải cách được cho là của Việt Nam.
Các cáo buộc này được gửi đến trong bối cảnh Mỹ đang xem xét tình trạng NME của Việt Nam.
Vì Bộ Thương mại Mỹ có quyền bảo vệ tính toàn vẹn của các thủ tục của mình, họ đã chấp nhận thông tin cáo buộc này như một phần của hồ sơ hành chính và cho phép tất cả các bên liên quan cũng như công chúng gửi ý kiến về những cáo buộc này cho đến ngày 5/4/2024.
Vào ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại cũng đã tổ chức một phiên điều trần công khai về CCR liên quan đến tình trạng quốc gia NME của Việt Nam. Phiên điều trần này đã cho phép các bên liên quan và công chúng tham gia vào cuộc điều tra bày tỏ quan điểm của họ.
Nguồn : BBC, 02/07/2024
******************************
Hoa Kỳ tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường
RFA, 02/08/2024
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vào ngày 2/8 công bố quyết định tiếp tục xếp kinh tế Việt Nam vào dạng phi thị trường.
Hà Nội từ nhiều năm qua đã tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhằm giúp giảm thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. AFP
Thông cáo của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ nêu rằng : "Kết luận (không công nhận nền kinh tế Việt Nam là thị trường) có nghĩa phương pháp được sử dụng để tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ vẫn như cũ".
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 24/7 cho biết bộ này đã lùi lại thời điểm đưa ra quyết định có công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không cho đến đầu tháng 8. Lý do vì trục trặc mạng internet sau sự cố phần mềm CrowdStrike.
Theo dự kiến, quyết định vừa nêu của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ lẽ ra được công bố vào thứ sáu ngày 26/7. Nhiều nhà sản xuất ở Mỹ trong lĩnh vực thép, tôm, nông dân sản xuất mật ong phản đối quyết định công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên những nhà bán lẻ ở Mỹ và một số tập đoàn lại ủng hộ.
Hà Nội từ nhiều năm qua đã tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhằm giúp giảm thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Reuters trích dẫn một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại Mỹ cho biết do sự cố về mạng internet, ngày đưa ra quyết định cuối cùng sẽ được kéo dài thêm tổng cộng sáu ngày nữa.
Reuters dẫn lời một người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cho biết một số nhỏ các hồ sơ nộp liên quan đến chống phá giá và chống trợ cấp đã bị gián đoạn do vụ CrowdStrike khiến hệ thống máy tính toàn thế giới bị ảnh hưởng.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, thời hạn cho các hồ sơ này cũng sẽ được gia hạn cùng với thời hạn đưa ra quyết định về quy chế thị trường đối với Việt Nam, dự kiến vào ngày 2/8.
Ngày 26/7, ngày dự kiến đưa ra quyết định ban đầu, cũng trùng đúng vào ngày quốc tang ở Việt Nam sau khi ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng qua đời.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 26/7 nhân chuyến công du Châu Á. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken đến thăm gia đình ông Trọng vào cuối tuần đó.
Nguồn : RFA, 02/07/2024
Mỹ sẽ công bố quyết định có công nhận Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường hay không vào ngày thứ Sáu 2/8, chậm hơn một tuần so với dự kiến.
Việt Nam được cho đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc nâng cấp trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, sự kiện có thể đưa ông cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Ảnh trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/2/2024
Thời gian Washington công bố quyết định đã được hoãn thêm một tuần, thay cho ngày 26/7.
Bộ Thương mại Mỹ viện dẫn lý do hoãn là sự cố "màn hình xanh" CrowdStrike.
Tuy nhiên thời hạn 26/7 cũng được xem là 'bất tiện' vì trùng với ngày Quốc tang Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, theo Reuters.
Trước đó, vào ngày 8/9/2023, chính phủ Việt Nam đã đệ đơn chính thức yêu cầu phía Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, viện dẫn những cải cách kinh tế trong các năm gần đây.
Mỹ đã bắt đầu quy trình xem xét kéo dài 270 ngày.
Việt Nam được cho là đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc nâng cấp này trước cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ, sự kiện có thể đưa ông cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Không chỉ chính thức đề nghị Washington trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, chính phủ Việt Nam còn thuê hẳn một công ty của Mỹ để giúp cho quá trình này .
Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây, ông Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế đối với Việt Nam vì mức thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Dưới thời chính quyền Trump, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.
Ông Trump được cho là đã bắt đầu điều tra việc bán phá giá của Việt Nam ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021. Và khả năng ông Trump sẽ tái khởi động tiến trình này nếu đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.
Mỹ liệt kê Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam.
Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ đặt ra sáu tiêu chí để xác định một quốc gia có đủ điều kiện để được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không :
- Khả năng chuyển đổi đồng tiền.
- Tiền lương được xác định thông qua thương lượng tự do
- Cho phép đầu tư nước ngoài
- Sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất
- Sự kiểm soát của nhà nước đối với giá cả và sản xuất của các công ty
- Các yếu tố khác mà phía Mỹ xem là quan trọng.
Việt Nam nằm trong danh sách 12 nước bị Mỹ đưa vào danh sách là nền kinh tế phi thị trường bên cạnh Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan.
Việt Nam có đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ ?
Trả lời BBC News tiếng Việt hôm 28/7, Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao chuyên ngành kinh tế tại Đại học Deakin (Úc) cho rằng theo quan điểm của ông, Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nếu tính đến tốc độ cải tổ mà Việt Nam đã và đang thực hiện từ thời kỳ Đổi mới vào năm 1986 cho tới nay.
Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và hiện tại đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với nhiều quốc gia như Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (2000).
"Những hiệp định tự do thương mại đã ký kết đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế toàn cầu với luật chơi cạnh tranh gắt gao và đồng thời thúc đẩy Việt Nam áp dụng những hành vi cạnh tranh tự do".
"Một điểm nữa thể hiện Việt Nam đã phát triển rất nhanh từ một nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường là sự ra đời của các công ty tư nhân và các công ty khởi nghiệp. Lĩnh vực tư nhân phát triển đi kèm với sự giảm số lượng các công ty nhà nước thông qua việc cổ phần hóa các công ty nhà nước cỡ nhỏ và vừa", Tiến sĩ Công Phạm đánh giá.
Ông đề cập đến những yếu tố sau đây, khiến Mỹ có thể cân nhắc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào ngày 2/8, bao gồm :
- Lĩnh vực kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh chóng và nay chiếm gần 45% tỷ trọng của GDP, đóng góp một phần ba ngân sách nhà nước, 40% vốn đầu tư và sử dụng 85% lao động của cả nước.
- Việt Nam đã cải cách luật đầu tư nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
- Việt Nam hiện tại đã phát triển một môi trường cạnh tranh thị trường trong các lĩnh vực, ví dụ ngành bán lẻ hiện tại có các công ty nội địa và quốc tế hoạt động như Winmart, Co.Opmart, và các công ty bán lẻ nước ngoài như Aeon và Big C...
- Luật pháp cũng phát triển để hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tư nhân. Việt Nam đã ban hành luật bảo về quyền sở hữu trí tuệ, Luật Doanh Nghiệp và Luật đầu tư. Những bộ luật này đã ra đời từ giữa năm 2000 và đã được sửa đổi nhiều lần đã trở thành các yếu tố quan trọng tạo ra môi trường minh bạch và dự đoán được. Dù quyền sở hữu đất đai vẫn do nhà nước kiểm soát, nhưng quyền sử dụng đất có thể được chuyển nhượng, cho thuê dài hạn và sử dụng làm tài sản thế chấp.
- Thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển nhanh với mức ốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đáng kể qua thời gian.
- Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm. Theo Bộ Lao động – thương binh và xã hội, dự báo cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo là còn khoảng 0,9%.
Việt Nam và Mỹ đạt những bước tiến đáng kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào năm 2023, quan hệ hai nước đã được nâng vượt mức lên tầm Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong cấp bậc quan hệ ngoại giao của Việt Nam.
Tiến sĩ Công Phạm đánh giá về Mỹ và Việt Nam nên cần tìm được tiếng nói đồng điệu vào thởi điểm này.
"Trong tiếng Mỹ thường nói, điệu nhảy tango cần có hai người. Nói cách khác, để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương cả hai nước đều phải học bước đều cùng nhịp với nhau. Đặc biệt là bước đi đầu tiên. Hà Nội rõ ràng trông đợi Washington đưa Việt nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường. Hiện nay danh sách này bao gồm Trung Quốc và Nga, các đối thủ địa chính trị của Washington và các nước trong vòng ảnh hưởng của hai nước này".
"Rõ ràng đặt Việt Nam trong danh sách các nước thuộc nhóm này không giúp loại bỏ những nghi ngại của Hà nội về sự nghiêm túc của Washington trong phát triển mối quan hệ song phương. Đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có các đồng minh của Washington như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và Anh đã công nhận tư cách nền kinh tế thị trường của Việt Nam", ông đánh giá.
Tiến sĩ Công Phạm cho biết nếu Mỹ công nhận Việt nam là nền kinh tế thị trường phù hợp với chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ có mục tiêu cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực cũng xây dựng lại chuỗi cung ứng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ý kiến phản đối Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội từ ngày 10 đến 11/9/2023
Tuy nhiên, những người phản đối việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đã đưa ra lập luận rằng các cam kết chính sách của Hà Nội đã không đi đôi với những hành động cụ thể và nền kinh tế Việt Nam đang không vận hành theo quy luật thị trường, mà nằm dưới sự kiểm soát của Đảng cộng sản Việt Nam.
Bài viết của Reuters hôm 25/7 dẫn nhận định của Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá quyết định sắp tới sẽ "mang tính đau đớn" cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden, "xét về những mong muốn có phần đối chọi nhau, vì họ phải cân nhắc giữa việc thu hút Việt Nam và làm hài lòng các nhóm vận động ngành lao động và công nghiệp trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 đang đến gần".
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đã làm gia tăng thêm áp lực cho phía Mỹ trong việc lôi kéo Việt Nam trước sự đối đầu Mỹ - Trung", ông đánh giá.
"Những ngày đầu của chính quyền mới ở Việt Nam rất quan trọng trong việc xác định hướng đi tương lai của Việt Nam.
"Quyết định sẽ phụ thuộc nhiều vào việc các mối lo ngại về cuộc bầu cử tổng thống có quan trọng hơn các mối lo ngại về cạnh tranh giữa các siêu cường hay không, và liệu Nhà Trắng muốn gây tác động đến Bộ Thương mại hay khuyến khích bộ này đưa ra quyết định công bằng".
Trước đó khi Mỹ cân nhắc quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đã có sự chỉ trích ngay từ nội bộ.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, viện dẫn mức thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia hiện hơn 100 tỷ USD và việc chính phủ Việt Nam kiểm soát "giá cả và sản xuất thông qua các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hoặc được nhà nước trợ cấp", ông nêu trong một lá thư ngày 24/7 được ký tên chung với sáu thượng nghị sĩ khác.
Hồi tháng 1/2024, một lá thư gửi đến Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo , do 31 nhà lập pháp Mỹ ký tên chung, trong đó đại diện là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Họ cho rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thay đổi quy chế và việc đáp ứng mong muốn của Hà Nội sẽ là "sai lầm nghiêm trọng".
Theo 31 nhà lập pháp này, việc trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có thể đe dọa người lao động và nhà sản xuất Mỹ, trong khi thúc đẩy kinh tế Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, khiến ngành này "dễ bị xảy ra tình trạng lao động cưỡng bức".
Hơn nữa, chính Bộ Thương mại Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để lách thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Các nhà lập pháp cũng lưu ý Bộ Thương mại phải xem xét các vấn đề lao động nghiêm trọng ở Việt Nam, như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, gần 80% lao động Việt Nam làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, có ít hoặc không có bảo hộ lao động.
Bên cạnh đó, khi xét đến yếu tố "thương lượng tự do về mức lương" - một trong 6 tiêu chí để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường - thì Việt Nam - nơi chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nằm dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN - được cho là không đáp ứng.
Việt Nam hiện không có công đoàn độc lập để đại diện cho tiếng nói người lao động. Việc này được xem là không phù hợp với các quy định quốc tế về quyền người lao động, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Việc Việt Nam cho bắt giữ hai nhà cải cách công đoàn hồi tháng Năm cũng làm dấy lên quan ngại về việc Việt Nam có đang thực sự muốn phê chuẩn Công ước 87 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về công đoàn độc lập hay không.
Nguồn : BBC, 29/07/2024
Hoa Kỳ nói gì, Việt Nam biện hộ ra sao ?
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023 để nâng cấp quan hệ hai nước lên "đối tác chiến lược toàn diện", Việt Nam đã gửi yêu cầu Hoa Kỳ công nhận mình có kinh tế thị trường. Trong tuyên bố chung của hai nước, Tổng thống Biden khẳng định sẽ xem xét yêu cầu này. Rất nhanh chóng, ngày 30/10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng quá trình đánh giá lại tình trạng "nền kinh tế phi thị trường" của Việt Nam. Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là "nền kinh tế phi thị trường" vào năm 2001 để chống bán phá giá và trợ cấp.
Một nữ công nhân làm việc trong một xưởng may tư nhân ở Hà Nội, tháng 1/2021 - Reuters
Kết quả sẽ được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố trước ngày 26/7/2024. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh câu chuyện này.
Hoa Kỳ xác định sáu tiêu chí để xem xét một quốc gia có "kinh tế thị trường" hay không. Một là tiền tệ của quốc gia đó có thể hoán đổi với các đồng tiền khác không. Hai là người lao động có quyền thương lượng mức lương với chủ lao động hay không. Ba là doanh nghiệp trong nước có được phép liên doanh với nước ngoài hoặc doanh nghiệp nước ngoài có quyền đầu tư hay không. Bốn là chính phủ có kiểm soát phương tiện sản xuất hay không. Năm là chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng hay không. Và cuối cùng là Bộ Thương mại có thể xem xét các yếu tố khác mà Bộ cho là phù hợp.
Ngoại trừ tiêu chí cuối cùng còn chưa rõ ràng, liệu Việt Nam có đáp ứng được đầy đủ năm tiêu chí đầu tiên hay không ?
Hà Nội cũng đã đưa ra 6 lập luận để biện hộ cho "nền kinh tế thị trường" của mình. Trao đổi với RFA, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, nguyên Trưởng khoa Kinh tế Đại học Houston at Downtown, cho rằng những lý lẽ mà Việt Nam đưa ra để biện hộ rằng mình có "kinh tế thị trường" đều thất bại phần lớn.
Việt Nam cho rằng đồng tiền của Việt Nam được chuyển đổi sang đồng tiền của các nước khác một cách minh bạch dựa trên nguyên tắc thị trường, công bằng và không phân biệt đối xử. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Tuy vậy, theo Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, Việt Nam vẫn thặng dư thương mại hơn 130 tỷ USD với Hoa Kỳ và thặng dư tài khoản vãng lai 5,8% GDP. Do đó, nước này vẫn nằm trong danh sách cần theo dõi xem có thao túng tiền tệ hay không.
Hà Nội cũng cho rằng mức lương ở Việt Nam được xác định thông qua thương lượng tự do giữa người lao động và người chủ. Mức độ tham gia của Chính phủ vào việc đàm phán tiền lương là hạn chế.
Về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ chỉ ra là Việt Nam đã cam kết với Hoa Kỳ và EU là sẽ tuân thủ Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Tự do lập hội và Bảo vệ quyền thành lập tổ chức công đoàn độc lập vào cuối năm 2023. Nhưng nay đã đến giữa năm 2024 nước này vẫn chưa tuân thủ. Mới đây, Hà Nội bắt ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Ông Bình được cho là đang vận động phê chuẩn Công ước 87 của ILO, nhằm đảm bảo cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập.
Giáo sư Chữ nhận xét rằng vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình đánh dấu lần đầu tiên một nhà cải cách của Chính phủ bị giam giữ trong những năm gần đây.
Một nhà hoạt động khác vì quyền của lao động là ông Vũ Minh Tiến, Trưởng phòng Chính sách, Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng bị bắt vào tháng 4/2024. Ông cũng được cho là người vận động phê chuẩn Công ước 87 của ILO. Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho biết đó là chưa kể đến nhiều nhà hoạt động khác vì quyền lợi của người lao động bị vu oan, phải trốn khỏi Việt Nam hoặc bị bắt, bỏ tù với mức án dài hạn.
Và cho đến nay, Việt Nam vẫn không cho phép thành lập tổ chức công đoàn độc lập trong nước.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức ngoại vi của Đcộng sản Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Chữ chỉ ra là Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hiện nay là ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam nhiệm kỳ 2015–2020. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thay mặt các thành viên tiến hành thương lượng tập thể theo hình thức "xin cho".
Hà Nội cũng cho rằng Việt Nam lâu nay trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hà Nội có thể dễ dàng nêu điều này để cho thấy Việt Nam thỏa mãn yêu cầu thứ ba về kinh tế thị trường mà Hoa Kỳ đặt ra. Tuy vậy, Giáo sư Chữ chỉ ra là Hoa Kỳ có thể "cau mày" nhìn vào danh sách các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà Hà Nội ban hành cho năm 2024.
Hà Nội cũng cho rằng họ không sở hữu hoặc kiểm soát ở mức độ đáng kể các phương tiện sản xuất. Nhưng Giáo sư Chữ chỉ ra là thị trường xăng dầu, điện lực là thị trường độc quyền của nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu và bán vàng. Thị trường điện lực và dầu khí có ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất, do đó, chính phủ Việt Nam có quyền kiểm soát đáng kể về giá cả thông qua kiểm soát các ngành này.
Trao đổi với RFA, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết, về mặt luật pháp, các tiêu chí về "kinh tế thị trường" đã được Mỹ nêu ra trong luật thuế quan từ 1930. So với các tiêu chí này thì Việt Nam có thể được xem là nước có kinh tế thị trường. Nhưng vấn đề công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường hay không lại phụ thuộc nhiều vào nội tình nước Mỹ. Ông nói :
"Nói một cách thẳng thắn thì Việt Nam so với nhiều nước khác gần như đã đáp ứng các tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường. Nhiều đối tác lớn khác như Nhật, Úc, Anh cũng đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Việc Mỹ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường có lẽ là chuyện sớm muộn thôi.
Nhưng vấn đề là ở thời điểm hiện nay, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì việc Mỹ áp đặt thuế quan lên một số mặt hàng xuất siêu vào Mỹ sẽ trở nên khó hơn. Điều đó làm cho hàng hóa Việt Nam bán Mỹ càng nhiều hơn, gây khó khăn cho các nhà sản xuất Mỹ. Hiện nay ông Tổng thống Biden đối diện với một áp lực lớn.
Nếu ông Biden thông qua việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì sẽ mất lòng giới công đoàn trong khi cuộc bầu cử đã đến gần. Còn nếu ông Biden không thông qua thì Việt Nam có thể đưa chuyện này ra báo chí. Việt Nam có thể đặt câu hỏi tại sao chúng tôi đạt được việc này việc kia nhưng không được công nhận là kinh tế thị trường. Điều đó có thể gây khó cho ông Biden là chính quyền của ông đã hành xử không hợp lý, không đúng với luật mình đề ra.
Đó là lý do hiện nay là thời điểm nhạy cảm, có nhiều khúc mắc trong chuyện Việt Nam ép Mỹ công nhận mình có kinh tế thị trường".
Trao đổi với RFA, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ ở Đại học Houston at Downton cho rằng khái niệm "kinh tế thị trường" đã biến đổi liên tục qua nhiều thế kỷ. Bây giờ, không còn một cách hiểu thống nhất về "kinh tế thị trường". Cho nên cách ứng xử đối với thị trường ở mỗi thời, mỗi nước cũng khác nhau. Ông nói :
"Bây giờ khái niệm kinh tế thị trường là một cái tương đối khó khăn để nói. Danh từ này đã phổ biến, in sâu vào mọi người, đến nỗi ai cũng nói được, cũng như từ "yêu" vậy. Ai cũng biết nhưng nếu được hỏi "yêu là gì ?" thì khó mà nói được. Bây giờ khi nói về "kinh tế thị trường, mọi người sẽ đồng hóa với Adam Smith, trong khi đó, cái "kinh tế thị trường" đó thực ra không còn nữa".
Giải thích thêm về vấn đề trên, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho biết giả thuyết của Adam Smith (1723 - 1790) về khả năng tự điều tiết của thị trường đã trở nên phổ biến từ thế kỷ 18. Nhưng sang đến thế kỉ 20, ngay cả ở các nước tư bản tự do, không còn một thị trường thuần túy tự do mà không có sự can thiệp của chính phủ nữa.
Câu hỏi đặt ra ra là một khi các quốc gia đều can thiệp vào thị trường, đâu là cơ sở để Hoa Kỳ xác định nước này có kinh tế thị trường, nước kia không có ?
***********************
Cả Chính phủ Mỹ và Việt Nam đều can thiệp vào thị trường : đâu là sự khác biệt ?
Có một thực tế là chính phủ Hoa Kỳ và tất cả các nước tư bản phát triển khác đều can thiệp vào nền kinh tế. Vậy phải hiểu thế nào khi Hoa Kỳ đặt ra sáu tiêu chí để đánh giá sự can thiệp vào nền kinh tế của chính phủ các nước khác ? Sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vấn đề can thiệp vào thị trường là gì ?
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Reuters
Câu chuyện này ngày càng được sự quan tâm của công chúng khi hạn chót 26/7/2024 để Bộ Thương mại công bố kết quả đánh giá Việt Nam có kinh tế thị trường hay không đang đến gần.
Giải đáp vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho biết tất cả các nước trên thế giới tự do ngày nay đều có nền kinh tế với mức độ can thiệp khác nhau của chính phủ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mục tiêu của các biện pháp can thiệp. Giáo sư Chữ chỉ ra ba mô hình can thiệp là mô hình "chính sách kinh tế thị trường", "chính sách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" và "chính sách kinh tế thị trường xã hội".
Các nước dân chủ tự do can thiệp vào thị trường là để cải thiện phúc lợi của người dân. Sự can thiệp của chính phủ đóng vai trò thấp hơn so với vai trò của thị trường. Chính phủ can thiệp vào nền kinh tế để đảm bảo tính hiệu quả, tăng trưởng và ổn định, giống như nền kinh tế Mỹ. Đó là "chính sách kinh tế thị trường".
Ngoài ra, ở một số nước dân chủ, vai trò của chính phủ trong nền kinh tế tương đối cao so với vai trò của thị trường, nhưng không tập trung nguồn lực vào tay một đảng chính trị mà nhằm bảo đảm sự công bằng/bình đẳng và ổn định xã hội. Đó là một số nền kinh tế ở các nước Bắc Âu. Giáo sư Nguyễn Văn Chữ gọi đó là "chính sách kinh tế thị trường xã hội".
Trong khi đó, chính sách kinh tế của các quốc gia độc đảng thì tập trung vào việc bảo vệ quyền lực của đảng cầm quyền. Các chính sách này tập trung nguồn lực quốc gia vào tay các tổ chức kinh tế do "nhà nước" (và cũng là đảng cầm quyền) quản lý. Ông gọi đó là "chính sách kinh tế của chủ nghĩa xã hội".
Việt Nam thuộc nhóm nào ? Theo Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, không khó để thấy nước này thuộc nhóm thứ ba : đặt phần lớn nguồn lực quốc gia vào tay doanh nghiệp nhà nước để bảo vệ cơ sở kinh tế của đảng cầm quyền.
Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, Mỹ can thiệp vào thị trường với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, như cấm bán chip tiên tiến cho Trung Quốc, hoặc để thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Do đó, họ chỉ làm chính sách nâng đỡ chứ không can thiệp.
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh Hoa Kỳ và các nước tư bản phát triển có chính sách nâng đỡ cả một ngành kinh tế, ở tầm vĩ mô, chứ không can thiệp ở tầm vi mô như Việt Nam. Chính phủ các nước phát triển đều có hỗ trợ nghiên cứu. Những hỗ trợ này là hỗ trợ cho cả một ngành, một thị trường, chứ không nhắm đến một doanh nghiệp cụ thể. Ví dụ, nếu họ muốn hỗ trợ ngành xe điện, họ sẽ đầu tư vào nghiên cứu để phát triển công nghệ này, hoặc có chính sách như hỗ trợ đầu tư, giảm thuế cho việc đăng kí xe. Nhưng từng doanh nghiệp cụ thể sẽ phải tự phát triển sản phẩm và thị trường của họ, cạnh tranh với nhau để sinh tồn và phát triển. Đối với Mỹ, như vậy vẫn thỏa mãn điều kiện của "kinh tế thị trường", vì chính phủ chỉ kiến tạo sự phát triển, tạo cơ chế để các tác nhân trong nền kinh tế tự phối hợp với nhau để thị trường vận hành. Trong trường hợp này, Việt Nam có thể nói Hoa Kỳ làm như vậy, ngay cả trong vấn đề hỗ trợ nghiên cứu thì cũng là can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, ở đây vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa hai quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp :
"Đó là sự can thiệp ở tầm vĩ mô. Nó khác với cách can thiệp của Việt Nam là can thiệp ở tầm vi mô. Chính phủ Việt Nam có thể can thiệp bằng cách cung cấp nguồn lực về tài chính, đất đai cho từng doanh nghiệp nhà nước cụ thể, để những doanh nghiệp này thống lĩnh thị trường, đè bẹp các doanh nghiệp tư nhân khác trong ngành. Nó tạo ra những lợi ích riêng cho một nhóm nào đó hoặc theo đuổi một mục đích nào đó.
Đó là sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam. Nếu Việt Nam can thiệp giống như Mỹ, thì ví dụ, Việt Nam có thể hỗ trợ cho kỹ sư đi học. Chẳng hạn đào tạo kỹ sư nông nghiệp, ví dụ như kỹ sư nuôi tôm, hoặc giảm thuế cho cả ngành nuôi trồng tôm. Khi đó, đây là sự can thiệp vĩ mô, chứ không phải là can thiệp vào từng cá nhân, doanh nghiệp cụ thể. Các doanh nghiệp cụ thể sẽ phải cạnh tranh với nhau. Nếu can thiệp như vậy thì vẫn được chấp nhận là kinh tế thị trường. Cái đó tùy thuộc vào cách mình can thiệp".
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đối với cách can thiệp vào thị trường còn nằm ở sự khác biệt về vai trò của luật pháp. Đối với Mỹ, để đưa ra hành động thì Mỹ sẽ ra luật trước, rồi dựa vào luật để quyết định. Ông nói :
"Ngược lại, vấn đề của Việt Nam là nước này có luật nhưng không hành xử không theo luật. Đó là sự khác biệt rất lớn giữa một bên là theo luật và một bên hành xử không theo chuẩn, thậm chí không theo luật lệ nào cả".
Theo một số nhà quan sát, với sự nổi lên về mặt quyền lực của ông Tô Lâm, có khả năng Việt Nam sẽ nới lỏng một số kiểm soát để đáp ứng các yêu cầu về nhân quyền của Hoa Kỳ và EU. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, ngay cả khi Việt Nam chấp nhận những điều này, điều đó không có nghĩa là họ sẽ thực hiện những cải cách thực chất. Ông nói :
"Vì lợi ích kinh tế của Việt Nam thì có thể ông Tô Lâm sẽ làm nhưng ta thấy họ có nhiều cách làm. Họ có thể hứa hẹn sẽ làm nhưng rồi không làm. Việt Nam rất là giỏi chuyện này : hứa làm rồi không làm. Vấn đề họ xích lại gần Mỹ, họ có thể nói chúng tôi đồng ý cho thành lập công đoàn độc lập. Nhưng rồi cái đó cũng giống như vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền. Mấy ổng đều nói mình tôn trọng những điều đó nhưng mấy ổng đàn áp phía sau thì đâu có ai biết. Chắc hẳn họ sẽ nới lỏng vấn đề công đoàn độc lập, nhưng họ mở đường phía trước thì luôn đặt thêm bẫy, anh đi quá một chút là họ sẽ chụp anh lại ngay lập tức. Đó là vấn đề rất tế nhị ở bên trong. Chẳng hạn, mấy ổng cho phép lập công đoàn độc lập nhưng chỉ ở cấp cơ sở, không có cấp cao hơn thì anh có làm được gì đâu".
Nguồn : RFA, 10/07/2024
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa lên tiếng đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường và giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2045 của đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper tại trụ sở chính phủ Việt Nam vào ngày 18/6/2024.
Mỹ đang xem xét yêu cầu của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách 12 nước mà Hoa Kỳ coi là các nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Trung Quốc và Nga. Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/7.
Đề nghị được ông Quang đưa ra trong buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Marc Knapper, vào chiều 18/6, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Tại buổi tiếp ở Hà Nội, ông Quang đã "đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam ; hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2045 cũng như các mục tiêu, cam kết quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu ; tăng nguồn lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh…", bản tin cho hay.
Ông Quang là quan chức mới nhất của Việt Nam đưa ra lời kêu gọi mà trước đó đã được nhiều lãnh đạo của Việt Nam đưa ra trong nhiều dịp, gồm cả tại các diễn đàn ở Mỹ hay khi tiếp xúc với các quan chức Mỹ tại Việt Nam.
Phó thủ tướng Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Đại sứ Knapper đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, đặc biệt đối với sự kiện hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.
Về phần mình, Đại sứ Knapper nhấn mạnh đến những thành tựu trong việc thực hiện các cam kết song phương cũng như khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao có sự khởi đầu nhanh chóng sau khi hai bên nâng cấp quan hệ.
Nhà ngoại giao Mỹ nói Hoa Kỳ ủng hộ và mong muốn hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, theo TTXVN.
Hai bên cũng đồng ý sẽ gia tăng chia sẻ, trao đổi thông tin để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc có thể nảy sinh trong quá trình hợp tác giữa hai nước.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 8/5 đã tiến hành các phiên điều trần để xác định xem Việt Nam có đủ tiêu chuẩn để được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không. Các cuộc thảo luận này, được tổ chức trực tuyến từ Washington DC, có sự tranh luận từ những người ủng hộ và những người phản đối chỉ định này.
Đây là một phần trong quá trình đánh giá đang diễn ra, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7, và được xem là một bước quan trọng trong việc xác định vị thế kinh tế của Việt Nam trên toàn cầu, theo Reuters.
Năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen ủng hộ cho các nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế và tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kêu gọi Mỹ nhanh chóng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, mong muốn của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất thép của Mỹ và nông dân nuôi tôm ở Vịnh Mexico, trong khi các nhà bán lẻ và các lĩnh vực kinh doanh khác lại biểu lộ sự ủng hộ.
Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam, vốn thường cao hơn đối với các nước bị phân loại là nền kinh tế phi thị trường. Chẳng hạn, theo Reuters, trong năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vẫn duy trì mức thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm đông lạnh Việt Nam, trong khi tôm từ Thái Lan, được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, chỉ chịu mức thuế 5,34%.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ sử dụng các tiêu chí cụ thể để đánh giá tình trạng nền kinh tế thị trường của một quốc gia. Các tiêu chí này bao gồm khả năng chuyển đổi tiền tệ, tiền lương lao động được ấn định thông qua thương lượng, mức độ cởi mở đối với liên doanh và đầu tư nước ngoài, quyền sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với các nguồn lực sản xuất, và việc kiểm soát phân bổ nguồn lực và ra quyết định kinh tế liên quan đến giá cả và sản lượng.
Nguồn : VOA, 18/06/2024
Không đơn giản đối với Việt Nam
Mặc dù đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, từ hơn hai thập niên qua, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia mà Hoa Kỳ xem là những nền kinh tế phi thị trường. Tổng cộng danh sách này hiện có 12 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác cũng thuộc Liên Xô cũ.
Tầu container tại cảng Sài Gòn, Việt Nam, ngày 03/05/2020. Nếu Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được hưởng thuế suất rất thấp hoặc bằng 0%. AP - Hau Dinh
Hàng hóa nhập từ những nước bị xem là nền kinh tế phi thị trường vẫn bị Hoa Kỳ áp thuế "chống phá giá". Trong thương mại quốc tế, bị xem là phá giá khi hàng xuất khẩu của một quốc gia cố tình được định giá thấp hơn giá trong nước, và như vậy là gây bất lợi cho các ngành công nghiệp của quốc gia nhập khẩu hàng. Thuế "chống phá giá" chủ yếu nhằm bù đắp cho sự chênh lệch giữa giá hàng được xuất khẩu và giá bình thường của hàng đó.
Trong thời gian gần đây, Hà Nội đã thúc giục chính quyền tổng thống Joe Biden nhanh chóng công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, bởi vì đối với họ, Việt Nam đã thực hiện đủ những cải cách kinh tế để xứng đáng được hưởng quy chế đó. Hơn nữa, nhân chuyến viếng thăm Hà Nội của tổng thống Biden tháng 9 năm ngoái, hai nước đã nâng quan hệ song phương lên thành "đối tác chiến lược toàn diện", tức là Việt Nam đã xem Hoa Kỳ ngang hàng với Trung Quốc và Nga. Đối với Hà Nội, việc Washington vẫn xem Việt Nam là "nền kinh tế phi thị trường" gây cản trở cho việc tăng cường quan hệ giữa hai nước, trong khi những nước lớn khác như Nhật Bản, Úc, Anh Quốc và Canada đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Vài ngày sau khi tổng thống Biden đặt chân đến Việt Nam, Hà Nội đã nộp đơn xin Hoa Kỳ cấp quy chế kinh tế thị trường và một tháng sau đó, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu tiến trình xem xét dỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia bị áp thuế phá giá. Theo quy định của phía Mỹ, Bộ Thương mại có tổng cộng 270 ngày, tức là đến tháng 7 năm nay, để hoàn tất việc xem xét và đưa ra kết luận.
Được xem là kinh tế thị trường sẽ mang lại những thay đổi nào cho kinh tế Việt Nam ? Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Hà Nội ngày 21/05/2024, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết :
"Hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu như Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là kinh tế thị trường thì rất nhiều mặt hàng sẽ có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất rất thấp và điều sẽ kích thích mối quan hệ kinh tế giữa hai nước và thúc đẩy luồng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, có lợi cho cả hai bên.
Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường và với việc đầu tư của các công ty Hoa Kỳ vào công nghiệp bán dẫn, thì điều này sẽ mang lại cho Việt Nam rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển xuất khẩu, cũng như đóng góp cho tăng trưởng kinh tế".
Như vậy là nếu thoát khỏi thuế chống bán phá giá, hàng hóa của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường Mỹ.
Ngày 08/05/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần trực tuyến về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó họ đã nghe những lập luận của cả bên chống và bên ủng hộ. Quyết định công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường cho tới nay vẫn gặp sự phản đối của các nhà sản xuất thép và các nhà nuôi nuôi tôm Mỹ, cũng như một số nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, tuy được các tập đoán ngành bán lẻ và các tập đoàn những ngành khác ủng hộ.
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc điều trần hôm đó, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, ông Ted Osius, nguyên đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, tuyên bố : "Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường rồi, vì đã đáp ứng tiêu chuẩn chủ chốt đó là khả năng chuyển đổi tiền tệ".
Nhưng Liên minh Tôm miền Nam gồm các ngư dân và nhà chế biến tôm Hoa Kỳ cho biết họ phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường, vì theo họ, vẫn còn các rào cản về quyền sở hữu đất đai của Việt Nam, luật lao động của Việt Nam còn yếu kém và thuế đánh vào tôm ở Việt Nam thấp hơn, gây tổn hại cho các thành viên của Liên minh.
Việc nâng cấp quy chế của Việt Nam cũng gặp phải sự phản đối đáng kể tại Quốc hội Hoa Kỳ, với 8 thượng nghị sĩ và 31 dân biểu Hạ viện đưa ra lập luận tương tự với bộ trưởng thương mại Gina Raimondo. Theo họ, việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ hỗ trợ các công ty nhà nước Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào Việt Nam, bằng cách giúp họ lách thuế nhập của Mỹ dễ dàng hơn.
Roy Houseman, đại diện của liên minh các nhà sản xuất thép lớn của Mỹ, United Steelworkers Union (USW), nói thêm rằng thay đổi quy chế cho Việt Nam sẽ "làm xói mòn cơ sở sản xuất trong nước của chúng ta, làm suy yếu khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ... và củng cố vai trò của Việt Nam như một kênh trung chuyển hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng".
Đối với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các tiêu chuẩn do Hoa Kỳ đặt ra để công nhận là kinh tế thị trường còn quá xa so với tiêu chuẩn hiện nay của Việt Nam :
"Giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì mối quan hệ đã phát triển tốt đẹp và giữa hai nước hiện nay đang có quan hệ hợp tác chiến lược. Riêng về kinh tế, Hoa Kỳ có những tiêu chuẩn về nền kinh tế thị trường, trong đó đòi hỏi phải có đồng tiền được chuyển đổi đầy đủ, tức là trong bất kỳ tình huống nào, trong nước và ngoài nước, đồng tiền đều có thể được chuyển đổi sang ngoại tệ.
Một điều kiện nữa là giữa người sử dụng lao động và người lao động phải được tự do thỏa thuận tiền lương, rồi thì phải có công đoàn độc lập, v.v…
Đó là những tiêu chuẩn mà hiện nay còn xa so với những tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng, do điều kiện phát triển cụ thể của Việt Nam. Vì vậy, tôi thấy đây là một cuộc điều tra, xem xét khó khăn.
Hoa Kỳ dự kiến đến tháng 7 sẽ có tuyên bố kết luận về điều này. Tôi hy vọng là việc xem xét này sẽ không gây cản trở cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, vì hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam".
Theo Reuters, trong cuộc điều trần hôm 08/05, các luật sư đại diện Việt Nam khẳng định rằng việc tăng lương ở Việt Nam là kết quả của thương lượng giữa người lao động với chủ công ty. Nhưng tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) cho biết Việt Nam vẫn không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về quyền lao động để có thể được xem là nền kinh tế thị trường. Theo HRW, thật sai lầm khi nói rằng công nhân Việt Nam có thể tự thành lập công đoàn, hoặc nói rằng tiền lương của họ là kết quả của thương lượng tự do.
Theo ông Lê Đăng Doanh, tiêu chuẩn liên quan đến công đoàn độc lập có lẽ sẽ là trở ngại lớn nhất cho việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường :
"Việt Nam chưa có trả lời về việc có thay đổi quy chế hiện nay hay không. Trong nước chưa thấy có sáng kiến hay đề nghị nào về việc xem một Luật Công đoàn, trong đó có công đoàn độc lập.
Vì vậy tôi nghĩ là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cần tiếp tục có những trao đổi sâu sắc và đầy đủ để hai bên hiểu biết nhau đầy đủ hơn. Hiện nay Việt Nam quan niệm công đoàn là phải do Đảng lãnh đạo, cho nên hoạt động của công đoàn về nhiều mặt rất là năng động, nhưng đều dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cơ quan đảng. Ngay cả công đoàn ở các doanh nghiệp tư nhân cũng phải được đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở các doanh nghiệp đó. Cho nên Việt Nam cũng yêu cầu thành lập các tổ chức đảng ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài".
Ngoài hai tiêu chuẩn về khả năng chuyển đổi tiền tệ và về lao động, quốc gia muốn được Mỹ công nhận là kinh tế thị trường còn phải cho phép liên doanh hoặc hình thức đầu tư nước ngoài khác. Hoa Kỳ cũng sẽ xem xét chính phủ của nước đó có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất hay không, cũng như có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, giá và quyết định sản lượng hay không. Một tiêu chuẩn khác có thể là nhân quyền ở Việt Nam.
Vấn đề là chính phủ Hoa Kỳ xem xét cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong bối cảnh đang diễn ra chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Theo hãng tin Reuters, tổng thống Joe Biden đang muốn thu hút lá phiếu từ giới lao động, nhất là những công nhân ngành thép ở Pennsylvania, được xem là một bang dao động (swing state) có vai trò quan trọng đối với kết quả bầu cử.
Ông Biden gần đây đã phản đối kế hoạch của hãng thép Nhật Bản Nippon Steel mua lại hãng US Steel ở Pittsburgh, đồng thời kêu gọi phải đánh thuế cao hơn với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ấy là chưa kế đến khả năng cựu tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11 và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh :
"Theo những thông tin mà tôi được biết, nếu ông Trump thắng cử, ông sẽ lập lại những yêu cầu, những lời hứa của ông và điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Tức là có thể ông Trump sẽ đánh thuế và sẽ xem xét lại những cam kết mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được trong thời tổng thống Biden".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 27/05/2024
Việt Nam ráo riết vận động Mỹ để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Vì sao ?
VOA, 08/04/2024
Các lãnh đạo Việt Nam trong nhiều tháng qua đã ráo riết vận dụng tất cả những cơ hội có thể để yêu cầu Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, một quy chế mà Hà Nội muốn có được nhằm tránh những bất lợi khi phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (thứ nhất từ phải) và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng (thứ hai từ phải) thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thử 3 từ trái) và các quan chức chính Hoa Kỳ tại Washington DC hôm 25/3.
Từ Chủ tịch nước cho đến người đứng đầu ngành Công an, các lãnh đạo hàng đầu nhà nước Việt Nam đều đưa ra những lời kêu gọi khi gặp các quan chức Mỹ hay khi tham gia các sự kiện trên đất Hoa Kỳ, trong một nỗ lực cho thấy sự khẩn thiết của Hà Nội để có được sự công nhận của Washington.
Những nỗ lực này được khởi động mạnh mẽ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hạn chế biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập từ Việt Nam và kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong các cuộc gặp tại Washington vào tháng 9 năm ngoái.
Sau đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã dùng các diễn đàn khác nhau tại Mỹ để đưa ra lời kêu gọi tương tự. Gần đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, khi phát biểu tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington hôm 26/3, cũng đã kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Còn tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ có tiếng nói để chính quyền Washington sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam khi tiếp Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Procter & Gamble tại Hà Nội vào đầu tháng 3.
Thậm chí Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng tham gia nỗ lực vận động của Hà Nội khi đề nghị Mỹ sớm hoàn tất quá trình xem xét và công nhận/cấp Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper hôm 4/3.
Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường, vốn được xem là những nước độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại. Trung Quốc và Nga cũng nằm trong danh sách này của Washington vì có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.
Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội hồi tháng 9, Việt Nam đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ để yêu cầu đánh giá lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam. Chính quyền Biden vào tháng 10 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam sau khi quốc gia Đông Nam Á lập luận rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách, vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá, do đã có những cải cách kinh tế trong những năm gần đây.
Đề nghị để Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cũng được nêu trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi hai nước nâng cấp hai bậc chưa từng có tiền lệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
"Nhận được quy chế kinh tế thị trường là ưu tiên ngoại giao cao nhất của lãnh đạo Việt Nam trong năm nay, đặc biệt sau khi nâng cấp hai bậc trong quan hệ ngoại giao (với Mỹ) vào mùa thu năm ngoái", Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, chuyên về các vấn đề chính trị và an ninh Đông Nam Á, nhận định. "(Các lãnh đạo) Việt Nam đang thực sự gắn việc thực hiện tuyên bố tầm nhìn chung với việc nhận được quy chế đó".
Trong tuyên bố chung, Mỹ nói rằng sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ. Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào giữa tháng 7 sau quy trình 270 ngày xem xét và đánh giá.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2023 hơn 125 tỷ USD, theodữ liệu của US Census. Mỹ cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, trong đó chủ yếu là điều tra chống bán phá giá với 25 trên 56 vụ việc tính đến tháng 8/2023, theothống kê của Trung tâm WTO.
"Nếu được công nhận, khi đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá, doanh nghiệp Việt sẽ không chịu cách tính toán bất lợi nói trên", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), đượcVnExpress trích lời nói.
"Ngoài những lời kêu gọi của thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao và phó thủ tướng, chính phủ Việt Nam còn thuê cả một công ty vận động hành lang ở (Washington) DC để giúp giành được sự ủng hộ của quốc hội (Mỹ)", Giáo sư Abuza, tác giả cuốn sách "Đổi mới chính trị ở Việt Nam đương đại", nói.
Tương tự, ông Murray Hiebert, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC, cũng nói rằng ông có biết việc Việt Nam đang vận động hành lang ở thủ đô Mỹ để có được quy chế nền kinh tế thị trường.
"Tôi hiểu tại sao Việt Nam đang vận động hành lang", ông Hiebert, người từng là giám đốc cấp cao về Đông Nam Á tại Phòng Thương mại Mỹ, nói. "Quan hệ Mỹ-Việt đã đi xa đến vậy và việc giữ quy chế phi thị trường thì không công bằng cho lắm vì hầu hết các nước bị quy chế này là Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, vốn là những nước không mấy thiên thiện với Mỹ. Vì vậy tôi nghĩ [việc Mỹ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường] sẽ là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đã được nâng tầm".
Có hàng trăm công ty và tổ chức vận động hành lang đang hoạt động ở Washington DC trong nhiều lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế. Mộtđiều tra của nhà báo Greg Rushford hồi năm 2017 cho thấy chính phủ Hà Nội bỏ ra triệu đô la để vận động các chính sách có lợi cho Việt Nam từ vấn đề Biển Đông cho đến nhân quyền.
Vì lo ngại ông Trump ?
Cả Giáo sư Abuza và nhà nghiên cứu Hiebert cũng đều cho rằng Việt Nam muốn vận động mạnh mẽ với chính quyền Biden trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra mà có thể có sự thay đổi về người đứng đầu Nhà Trắng.
"Ông Trump đã khởi động một cuộc điều tra đối với việc phá giá của Việt Nam ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ông ấy có thể lại làm như vậy một lần nữa", ông Hiebert nói.
Tổng thống Donald Trump, hiện đang là ứng viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước ứng viên của Đảng Dân chủ là Tổng thống Joe Biden, đã từng đe dọa áp thuế hàng nhập khẩu từ Việt Nam vì thặng dư thương mại cao với Mỹ và liệt Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ khi còn đương nhiệm. Bộ Thương mại Mỹ dưới thời chính quyền Biden đã cho Việt Nam ra khỏi danh sách này.
Một quan chức chính phủ Việt Nam yêu cầu dấu tên nói vớiDeutsche Welle , hãng phát thanh truyền hình quốc tế Đức, rằng Hà Nội "rất mong muốn" chính quyền Biden đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường trước kỳ bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11.
Luật sư Lê Quốc Quân cũng cho rằng Việt Nam đang vận động ráo riết để được Mỹ công nhận vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay.
"Vì nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng thì sẽ khó cho Việt Nam vì (ông Trump) từng tuyên bố Việt Nam thâm dụng về tài chính và xuất khẩu rất lớn (đối với Mỹ)", Luật sư Quân, chuyên theo dõi chính trị và nhân quyền Việt Nam, nói trong một buổi hội luận của VOA.
Tại một sự kiện của CSIS ở Washington hôm 23/1, Đại sứ Dũng nói rằng : "Chúng tôi muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường của Mỹ".
Nhưng cuộc vận động của Việt Nam đang vấp phải những phản đối từ trong nước Mỹ.
Hai nhóm gồm hơn 30 nhà lập pháp Mỹ hồi cuối tháng 1 đã gửi các bức thư chung tới Bộ trưởng Raimondo đểkêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng và cho rằng việc cấp quy chế này cho quốc gia Đông Nam Á sẽ là "một sai lầm nghiêm trọng".
Kể từ năm 2002, khi Mỹ bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với cá phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam, Washington coi quốc gia Đông Nam Á là một "nền kinh tế phi thị trường". Trong 21 năm qua, Mỹ đã áp thuế chống phá phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông sản và công nghiệp.
Trong yêu cầu gửi lên Bộ Thương mại Mỹ, Chính phủ Việt Nam nói rằng trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những bước phát triển và cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là về 6 yếu tố quyết định quy chế NME do Hoa Kỳ đặt ra.
Phát biểu tại Washington DC hồi tháng 1, Đại sứ Dũng nói rằng nếu Bộ Thương mại Mỹ không cấp quy chế cho Việt Nam thì sẽ là điều "rất tệ cho hai nước". Còn Ngoại trưởng Sơn vào tháng trước, khi nói tại Viện Brookings, cho rằng mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và Mỹ sẽ có lợi cho Washington trong những lĩnh vực quan trọng, như chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và trí tuệ nhân tạo, mà Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.
Nhưng theo Giáo sư Abuza, Mỹ "không thể trông cậy vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì nước này không có tư cách nền kinh tế thị trường". Ông cho rằng "Việt Nam trước đây đã thao túng tiền tệ và khu vực nhà nước vẫn nhận được quá nhiều sự trợ cấp và bảo hộ
Vị giáo sư này cho biết ông không ngạc nhiên khi có những nhà lập p".háp Mỹ phản đối việc cấp cho Việt Nam Quy chế kinh tế thị trường bởi ông cho rằng đây là "một trong số ít công cụ mà Quốc hội phải có để giành được một số nhượng bộ từ chính phủ Việt Nam về tình trạng nhân quyền đang suy giảm nhanh chóng" tại quốc gia Đông Nam Á.
Tương tự, Luật sư Nguyễn Văn Đài, khi nói trong buổi hội luận của VOA, cho rằng việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường là công cụ cuối cùng của Mỹ để gây áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong vấn đề cải thiện các điều kiện nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam".
Theo nhà nghiên cứu Hiebert, hiện cũng đang phụ trách nghiên cứu cho tổ chức tư vấn chiến lược Bower Group Asia ở Washington, nhân quyền vẫn là một vấn đề trong quan hệ Mỹ-Việt Nam và "Quốc hội Mỹ tỏ ra thất vọng trước tình hình nhân quyền của Việt Nam… và đã lên tiếng về điều đó".
Báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) về tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam, đưa ra hôm 4/3, khuyến cáo Quốc hội Mỹ "xem xét thành tích nhân quyền của Việt Nam, mà một số nhà quan sát cho là yếu kém và đang xấu đi". Báo cáo nói rằng Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, vốn cấm Mỹ hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam và yêu cầu cơ quan hành pháp chú trọng hơn nữa đến việc đảm bảo tự do internet ở Việt Nam, có thể là "một công cụ tiềm năng cho các thành viên Quốc hội" để dùng cho quá trình xem xét và đánh giá.
Nguồn : VOA, 08/04/2024
***************************
Chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi
Tuyết Nhung, Một Thế Giới, 17/11/2022
Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho Việt Nam trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại Diễn đàn Thương mại Việt - Mỹ thường niên năm 2022 ngày 17/11. Theo đó, thứ trưởng cho biết dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương với Mỹ, nhưng thách thức đặt ra với Việt Nam cũng không hề đơn giản. Đó là việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Mỹ đối với hàng hóa của Việt Nam.
Hiện Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, dẫn đến việc phải sử dụng nước thứ 3 để đánh giá mức độ thiệt hại, gây thiệt thòi rất lớn cho Việt Nam trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7.2019, tới tháng 9.2022 đã có nhiều sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ.
Ví dụ, trong vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Mỹ không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Mỹ cáo buộc 110%.
Nhìn vào danh mục hàng hóa giao thương giữa hai nước thời gian qua, có thể thấy Việt Nam đã trở thành một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế Mỹ, ngoài các liên kết chuỗi truyền thống như thiết bị điện tử, bông, gỗ, nông sản... hai nước còn nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là kinh tế số.
Ngoài ra, Mỹ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu nông-lâm-thủy sản lớn của Việt Nam. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các cơ quan Mỹ xem xét, hỗ trợ nghiên cứu tiền khả thi việc thành lập trung tâm chiếu xạ hàng hóa xuất khẩu và hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn, nhân sự để thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy tối đa nguồn lực về nông nghiệp, cung cấp những sản phẩm nông sản đa dạng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho người tiêu dùng Mỹ, thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỉ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Dự kiến, con số này còn tăng hơn vào cuối năm 2022. Hiện Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ 2 có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỉ USD với Việt Nam.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Nhiều năm qua, Mỹ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỉ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Giai đoạn 2020-2022, mặc dù đại dịch và xung đột thương mại, địa chính trị diễn biến gay gắt, nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ.
Bà Pamela Phan - Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách khu vực Châu Á (Bộ Thương mại Mỹ) đánh giá quan hệ Việt Nam - Mỹ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại đóng vai trò trung tâm.
Cả khu vực công và tư của Mỹ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến mới, các lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay như kinh tế số, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính...
Tuyết Nhung
Nguồn : Một Thế Giới, 17/11/2022
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong buổi gặp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 25/3/2024.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC, vào ngày 25/3/2024. AFP
RFA phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập liên quan vấn đề này.
RFA : Thưa tiến sĩ, trong những năm gần đây, lãnh đạo Việt Nam luôn đề nghị, hoặc yêu cầu Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Theo ông, những điều gì cần thiết mà Việt Nam cần thực hiện để được Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường ?
Nguyễn Trí Hiếu : Để được công nhận là nền kinh tế thị trường thì điều đầu tiên là phải có một thị trường cạnh tranh. Một thị trường mà có những thành phần được ưu tiên, chẳng hạn như những doanh nghiệp có vốn nhà nước, chiếm một vị trí ưu tiên, thì đó không phải là một thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Nếu có hiện tượng như thế thì nền kinh tế đó chưa thể được xem là một nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, tất cả những vấn đề thuộc về luật lệ phải thông thoáng hơn. Không những là nó không chồng chéo nhau, mà nó còn phải được cởi mở hơn để tất cả những thành phần kinh tế có thể phát huy được sức mạnh của nó. Còn bây giờ có những luật lệ hạn chế sự phát triển của các thành phần trong xã hội. Dĩ nhiên, một nền kinh tế như thế chưa thể được xem là một nền kinh tế thị trường.
Điều thứ ba, một nền kinh tế thị trường là một nền kinh tế trong sự phát triển ở mức cao. Tức là những thành phần kinh tế có một sức cạnh tranh, lực lượng lao động có tay nghề với những sản phẩm tốt cho thị trường.
Thành ra, một nền kinh tế thị trường không những phải là một nền kinh tế thị trường có cạnh tranh, luật lệ không chồng chéo, thông thoáng, mà những thành phần tham gia vào thị trường đó phải ở mức độ cao. Chứ nếu ở mức độ thấp thì chưa thể coi đó là một nền kinh tế thị trường thực thụ.
RFA : Thưa tiến sĩ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng cộng sản Việt Nam coi là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo. Điều này có là một bước cản để Hoa Kỳ và EU chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường không ?
Nguyễn Trí Hiếu : Tại thời điểm này, chắc chắn những nền kinh tế lớn trên thế giới, những chính phủ tư bản trên thế giới vẫn chưa xem nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường thực thụ, bởi chính ngay tại cái định nghĩa ‘Việt Nam là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Thế thì, những chính phủ cũng như những kinh tế gia ngoài Việt Nam vẫn xem cái đuôi ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ là một cái cản trở cho nền kinh tế Việt Nam trở thành một nền kinh tế cạnh tranh thực sự. Mà điều đó có lẽ cũng không sai, bởi trong một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì vai trò của nhà nước trong nền kinh tế còn rất mạnh mẽ. Có thể nói là còn rất nặng nề.
Với tất cả những yếu tố đó, các nước phương tây vẫn chưa chấp nhận Việt Nam như là một nền kinh tế thị trường. Về tính khả thi thì tại thời điểm này chưa thể được nhưng có thể trong một tương lai gần.
RFA : Theo ông, đến khi nào Việt Nam mới được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường ?
Nguyễn Trí Hiếu : Tôi nghĩ rằng trong một tương lai gần là bởi vì những cố gắng của chính phủ Việt Nam để tiến lên nền kinh tế thị trường. Phải ghi nhận những cố gắng đó. Thế nhưng, có thể nói, có một bước tiến thì lại có một bước lùi thành ra nền kinh tế Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ. Một nền kinh tế có thể nói là thị trường, nhưng lại có những khía cạnh phi thị trường. Với những cố gắng rất đáng kể của chính phủ, tôi nghĩ là trong khoảng thời gian ba năm sắp tới, nếu chính phủ có những cải tổ mạnh mẽ về các thủ tục hành chính, về cải thiện môi trường, về thể chế (là bộ máy của nền kinh tế) thì Việt Nam có thể được các nước tây phương công nhận là nền kinh tế thị trường.
RFA : Xin ông cho biết những bước lùi là gì ?
Nguyễn Trí Hiếu : Những bước tiến thì rõ rồi, như gia nhập vào những cộng đồng kinh tế thế giới, rồi những cải tổ luật lệ cho nó phù hợp với một nền kinh tế thị trường, những luật về cạnh tranh… Điều đó thì rõ ràng.
Còn những bước lùi là vấn đề như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa hoàn hảo ; vẫn còn gặp những trở lực. Rồi những quyền lực mềm ; những lợi ích nhóm… là những hiện tượng tiêu cực. Những lợi ích nhóm đó dựa vào thế lực của chính trị. Thành ra, một mặt có sự tiến bộ nhưng mặt khác lại có những lực lượng chống lại sự tiến bộ đó. Nó kéo lùi lại nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn như vụ Vạn Thịnh Phát, SCB… rõ ràng kéo lùi tiến trình kinh tế thị trường. Các nhà bình luận, các nhà quan sát ở nước ngoài cũng nhìn thấy rõ đó là những bước lùi của Việt Nam.
RFA : Một số nhận định cho rằng, cái đuôi ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ chỉ là tên gọi, chứ thực chất thì khác. Ông nhận định sao về điều này ?
Nguyễn Trí Hiếu : Điều đó không đúng. Nếu nói cái đuôi ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ chỉ là một cụm từ để nhận định hình thức tổ chức của nền kinh tế Việt Nam, chứ thật sự nó không đóng vai trò hay là không thực chất như tên gọi, là không đúng. Cái định hướng xã hội chủ nghĩa nó ở trên tất cả mọi phương diện.
Chúng ta thấy rằng, mỗi năm Tổng bí thư đưa ra những định hướng cho nền kinh tế Việt Nam từ đầu não của Đảng cộng sản. Tổng bí thư luôn luôn nhắc đến định hướng của Marx và Lenin. Và từ những định hướng như thế thì cái đường lối, cái kế hoạch kinh tế nó cũng đi theo. Thành ra, không thể nói nó chỉ cái tên gọi chứ không phải là thực chất. Bây giờ có bỏ cái đuôi đó đi thì nó cũng vẫn vậy mà thôi.
RFA : Ông có nghĩ rằng một ngày nào đó, khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì cái đuôi ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ sẽ không còn ?
Nguyễn Trí Hiếu : Chế độ ở Việt Nam là một chế độ xã hội chủ nghĩa thành ra Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không từ bỏ cụm từ ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ đâu. Từ đó, chuyện bỏ cái đuôi ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ sẽ là một vấn đề lớn. Đề xuất này, nếu có, sẽ gặp đối lực vô cùng lớn lao và sẽ không thể thực hiện được ; không thể xảy ra trong khoảng 20 năm nữa.
RFA : Ngoài những điều chính Việt Nam cần thay đổi như ông đã đề cập, còn những điều gì Việt Nam cần cải thiện, thưa tiến sĩ ?
Nguyễn Trí Hiếu : Vài năm nữa, có thể Việt Nam sẽ được công nhận là nền kinh tế thị trường nếu những cải cách mạnh mẽ hơn. Đẩy lùi được nạn tham nhũng, tham ô ; đẩy lùi nạn lợi ích nhóm ; kiến tạo một xã hội công bằng hơn, cạnh tranh hơn. Ngay cả về vấn đề nhân quyền, tôn giáo cũng phải được cải thiện. Với xu hướng đó thì Việt Nam có thể được công nhận là một nền kinh tế thị trường.
RFA : Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đã dành thời gian cho RFA.
Nguồn : RFA, 26/03/2024