Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/05/2024

Được Mỹ công nhận là kinh tế thị trường…

Thanh Phương - Lê Đăng Doanh

Không đơn giản đối với Việt Nam

Mặc dù đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, từ hơn hai thập niên qua, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia mà Hoa Kỳ xem là những nền kinh tế phi thị trường. Tổng cộng danh sách này hiện có 12 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác cũng thuộc Liên Xô cũ.

kttt1

Tầu container tại cảng Sài Gòn, Việt Nam, ngày 03/05/2020. Nếu Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được hưởng thuế suất rất thấp hoặc bằng 0%. AP - Hau Dinh

Hàng hóa nhập từ những nước bị xem là nền kinh tế phi thị trường vẫn bị Hoa Kỳ áp thuế "chống phá giá". Trong thương mại quốc tế, bị xem là phá giá khi hàng xuất khẩu của một quốc gia cố tình được định giá thấp hơn giá trong nước, và như vậy là gây bất lợi cho các ngành công nghiệp của quốc gia nhập khẩu hàng. Thuế "chống phá giá" chủ yếu nhằm bù đắp cho sự chênh lệch giữa giá hàng được xuất khẩu và giá bình thường của hàng đó.

Trong thời gian gần đây, Hà Nội đã thúc giục chính quyền tổng thống Joe Biden nhanh chóng công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, bởi vì đối với họ, Việt Nam đã thực hiện đủ những cải cách kinh tế để xứng đáng được hưởng quy chế đó. Hơn nữa, nhân chuyến viếng thăm Hà Nội của tổng thống Biden tháng 9 năm ngoái, hai nước đã nâng quan hệ song phương lên thành "đối tác chiến lược toàn diện", tức là Việt Nam đã xem Hoa Kỳ ngang hàng với Trung Quốc và Nga. Đối với Hà Nội, việc Washington vẫn xem Việt Nam là "nền kinh tế phi thị trường" gây cản trở cho việc tăng cường quan hệ giữa hai nước, trong khi những nước lớn khác như Nhật Bản, Úc, Anh Quốc và Canada đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. 

Vài ngày sau khi tổng thống Biden đặt chân đến Việt Nam, Hà Nội đã nộp đơn xin Hoa Kỳ cấp quy chế kinh tế thị trường và một tháng sau đó, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu tiến trình xem xét dỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia bị áp thuế phá giá. Theo quy định của phía Mỹ, Bộ Thương mại có tổng cộng 270 ngày, tức là đến tháng 7 năm nay, để hoàn tất việc xem xét và đưa ra kết luận.

Được xem là kinh tế thị trường sẽ mang lại những thay đổi nào cho kinh tế Việt Nam ? Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Hà Nội ngày 21/05/2024, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết : 

"Hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu như Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là kinh tế thị trường thì rất nhiều mặt hàng sẽ có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất rất thấp và điều sẽ kích thích mối quan hệ kinh tế giữa hai nước và thúc đẩy luồng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, có lợi cho cả hai bên.

Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường và với việc đầu tư của các công ty Hoa Kỳ vào công nghiệp bán dẫn, thì điều này sẽ mang lại cho Việt Nam rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển xuất khẩu, cũng như đóng góp cho tăng trưởng kinh tế".

Như vậy là nếu thoát khỏi thuế chống bán phá giá, hàng hóa của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường Mỹ.

Ngày 08/05/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần trực tuyến về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó họ đã nghe những lập luận của cả bên chống và bên ủng hộ. Quyết định công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường cho tới nay vẫn gặp sự phản đối của các nhà sản xuất thép và các nhà nuôi nuôi tôm Mỹ, cũng như một số nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, tuy được các tập đoán ngành bán lẻ và các tập đoàn những ngành khác ủng hộ.

Theo hãng tin Reuters, trong cuộc điều trần hôm đó, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, ông Ted Osius, nguyên đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, tuyên bố : "Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường rồi, vì đã đáp ứng tiêu chuẩn chủ chốt đó là khả năng chuyển đổi tiền tệ".

Nhưng Liên minh Tôm miền Nam gồm các ngư dân và nhà chế biến tôm Hoa Kỳ cho biết họ phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường, vì theo họ, vẫn còn các rào cản về quyền sở hữu đất đai của Việt Nam, luật lao động của Việt Nam còn yếu kém và thuế đánh vào tôm ở Việt Nam thấp hơn, gây tổn hại cho các thành viên của Liên minh. 

Việc nâng cấp quy chế của Việt Nam cũng gặp phải sự phản đối đáng kể tại Quốc hội Hoa Kỳ, với 8 thượng nghị sĩ và 31 dân biểu Hạ viện đưa ra lập luận tương tự với bộ trưởng thương mại Gina Raimondo. Theo họ, việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ hỗ trợ các công ty nhà nước Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào Việt Nam, bằng cách giúp họ lách thuế nhập của Mỹ dễ dàng hơn.

Roy Houseman, đại diện của liên minh các nhà sản xuất thép lớn của Mỹ, United Steelworkers Union (USW), nói thêm rằng thay đổi quy chế cho Việt Nam sẽ "làm xói mòn cơ sở sản xuất trong nước của chúng ta, làm suy yếu khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ... và củng cố vai trò của Việt Nam như một kênh trung chuyển hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng". 

Đối với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các tiêu chuẩn do Hoa Kỳ đặt ra để công nhận là kinh tế thị trường còn quá xa so với tiêu chuẩn hiện nay của Việt Nam :

"Giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì mối quan hệ đã phát triển tốt đẹp và giữa hai nước hiện nay đang có quan hệ hợp tác chiến lược. Riêng về kinh tế, Hoa Kỳ có những tiêu chuẩn về nền kinh tế thị trường, trong đó đòi hỏi phải có đồng tiền được chuyển đổi đầy đủ, tức là trong bất kỳ tình huống nào, trong nước và ngoài nước, đồng tiền đều có thể được chuyển đổi sang ngoại tệ.

Một điều kiện nữa là giữa người sử dụng lao động và người lao động phải được tự do thỏa thuận tiền lương, rồi thì phải có công đoàn độc lập, v.v…

Đó là những tiêu chuẩn mà hiện nay còn xa so với những tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng, do điều kiện phát triển cụ thể của Việt Nam. Vì vậy, tôi thấy đây là một cuộc điều tra, xem xét khó khăn.

Hoa Kỳ dự kiến đến tháng 7 sẽ có tuyên bố kết luận về điều này. Tôi hy vọng là việc xem xét này sẽ không gây cản trở cho mối quan hệ hợp tác kinh tế, vì hiện nay Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam". 

Theo Reuters, trong cuộc điều trần hôm 08/05, các luật sư đại diện Việt Nam khẳng định rằng việc tăng lương ở Việt Nam là kết quả của thương lượng giữa người lao động với chủ công ty. Nhưng tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) cho biết Việt Nam vẫn không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về quyền lao động để có thể được xem là nền kinh tế thị trường. Theo HRW, thật sai lầm khi nói rằng công nhân Việt Nam có thể tự thành lập công đoàn, hoặc nói rằng tiền lương của họ là kết quả của thương lượng tự do.

Theo ông Lê Đăng Doanh, tiêu chuẩn liên quan đến công đoàn độc lập có lẽ sẽ là trở ngại lớn nhất cho việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường : 

"Việt Nam chưa có trả lời về việc có thay đổi quy chế hiện nay hay không. Trong nước chưa thấy có sáng kiến hay đề nghị nào về việc xem một Luật Công đoàn, trong đó có công đoàn độc lập.

Vì vậy tôi nghĩ là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cần tiếp tục có những trao đổi sâu sắc và đầy đủ để hai bên hiểu biết nhau đầy đủ hơn. Hiện nay Việt Nam quan niệm công đoàn là phải do Đảng lãnh đạo, cho nên hoạt động của công đoàn về nhiều mặt rất là năng động, nhưng đều dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cơ quan đảng. Ngay cả công đoàn ở các doanh nghiệp tư nhân cũng phải được đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở các doanh nghiệp đó. Cho nên Việt Nam cũng yêu cầu thành lập các tổ chức đảng ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài".

Ngoài hai tiêu chuẩn về khả năng chuyển đổi tiền tệ và về lao động, quốc gia muốn được Mỹ công nhận là kinh tế thị trường còn phải cho phép liên doanh hoặc hình thức đầu tư nước ngoài khác. Hoa Kỳ cũng sẽ xem xét chính phủ của nước đó có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất hay không, cũng như có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, giá và quyết định sản lượng hay không. Một tiêu chuẩn khác có thể là nhân quyền ở Việt Nam. 

Vấn đề là chính phủ Hoa Kỳ xem xét cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong bối cảnh đang diễn ra chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Theo hãng tin Reuters, tổng thống Joe Biden đang muốn thu hút lá phiếu từ giới lao động, nhất là những công nhân ngành thép ở Pennsylvania, được xem là một bang dao động (swing state) có vai trò quan trọng đối với kết quả bầu cử.

Ông Biden gần đây đã phản đối kế hoạch của hãng thép Nhật Bản Nippon Steel mua lại hãng US Steel ở Pittsburgh, đồng thời kêu gọi phải đánh thuế cao hơn với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ấy là chưa kế đến khả năng cựu tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11 và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh :

"Theo những thông tin mà tôi được biết, nếu ông Trump thắng cử, ông sẽ lập lại những yêu cầu, những lời hứa của ông và điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Tức là có thể ông Trump sẽ đánh thuế và sẽ xem xét lại những cam kết mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được trong thời tổng thống Biden".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 27/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Lê Đăng Doanh
Read 519 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)