Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/08/2024

Việt Nam chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

Nhiều nguồn tin

Việt Nam phản ứng về việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

RFA, 03/08/2024

Hai Bộ Ngoại giao và Công thương Việt Nam phản ứng đối với quyết định chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường mà phía Hoa Kỳ công bố hôm 2/8.

kttt6

Những người mua bán đồng nát đạp xe trên đường phố Hà Nội hôm 30/4/2024 - AFP

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà phạm Thu Hằng trong cuộc họp báo ngáy 3/8 tại Hà Nội trả lời báo giới là Việt Nam thất vọng trước quyết định của phía Hoa Kỳ.

Còn Bộ Công thương ngay sau khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ công bố quyết định chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường ra thông cáo cho rằng việc chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường đồng nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Thông báo của Bộ Công thương Việt Nam nêu rõ :"Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…".

Bộ Công thương cho rằng trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá…

Bộ Công thương cũng gửi lời cảm ơn 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Hiệp hội các nhà bán lẻ Hoa Kỳ và mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân nói trên.

Nguồn : RFA, 03/07/2024

*****************************

Giới lập pháp Mỹ hoan nghênh việc không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam

VOA, 03/08/2024

Các nghị sĩ Hoa Kỳ vào ngày 2/8 hoan nghênh quyết định của Bộ Thương mại nước này về việc không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong khi Hà Nội lên tiếng rằng họ "lấy làm tiếc" về quyết định này.

kttt7

Trụ sở Bộ Thương mại Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

Thượng nghị sĩ Bill Cassidy ra tuyên bố có đoạn: "Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường và quyết định ngày hôm nay khẳng định thực tế đó", ý nói đến tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 về việc tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

"Đây là một chiến thắng cho những người nuôi tôm, cá da trơn ở bang Louisiana và việc làm cho người Mỹ", vị thượng nghị sĩ đại diện cho bang Louisiana viết.

Ông Cassidy lập luận rằng Việt Nam không có nền kinh tế thị trường vì đồng tiền nước này không được tự do chuyển đổi, thiếu quyền lao động và có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước.

"Việc xem xét này là một ý tưởng tồi mà lẽ ra không nên được xem xét ngay từ đầu", Thượng nghị sĩ Tom Cotton của bang Arkansas viết trên trang X. Ông bày tỏ rằng việc Việt Nam tiếp tục bị xếp vào diện nền kinh tế phi thị trường "là một thắng lợi cho bang Arkansas - đặc biệt đối với công nhân ngành thép và người nuôi cá da trơn".

Tương tự, Dân biểu Rick Crawford, đại diện bang Arkanzas trong Hạ viện Mỹ, viết trên trang X: "Điều này lẽ ra không bao giờ nên là một cuộc tranh luận ngay từ đầu. Việt Nam là một nước cộng sản, nơi doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế".

"Trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ tàn phá các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ vốn đã bị thiệt hại do các hoạt động thương mại không công bằng của Việt Nam. Làm như vậy sẽ dẫn đến chuyện thuê mướn bên ngoài thay cho công ăn việc làm của người Mỹ và gây tổn hại cho người lao động Mỹ", ông Cassidy nhận định.

Dân biểu Crawford lập luận rằng nếu trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ khuyến khích "các hành vi độc hại" như bán phá giá thép, kiểm soát giá cả và mở đường cho Trung Quốc lợi dụng đất nước láng giềng làm bàn đạp để lách các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

Trước đó trong cùng ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra tuyên bố rằng họ quyết định là Việt Nam sẽ tiếp tục bị xác định là một nước có nền kinh tế phi thị trường, phục vụ mục đích tính thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

"Kết luận này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam không thay đổi", vẫn tuyên bố của DOC.

Vào tháng 9/2023, vài ngày trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính quyền Việt Nam gửi đơn đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Từ tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành quá trình xem xét yêu cầu của Hà Nội. Bộ này cho hay trong thời gian qua họ đã nhận được hơn 36.000 trang đóng góp ý kiến từ các ngành sản xuất nội địa của Mỹ cũng như từ chính phủ Việt Nam.

"Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao và trân trọng sự tham gia rộng rãi của các ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ cũng như của Chính phủ Việt Nam vào quá trình minh bạch và bán tư pháp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Quyết định này được đưa ra dựa trên quá trình đánh giá kỹ lưỡng tất cả ý kiến được gửi đến", tuyên bố viết.

Ngay sau tuyên bố của DOC, Bộ Công thương Việt Nam hôm 2/8 bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định trên.

Bộ Công thương nói thêm rằng họ sẽ "nghiên cứu, phân tích" các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ "để bổ sung, hoàn thiện lập luận" và sẽ gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Mối quan hệ này được nâng cấp trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden hồi tháng 9/2023.

Trong năm qua, hàng chục các nhà lập pháp lưỡng đảng Hoa Kỳ, trong đó có cả Thượng nghị sĩ JD Vance, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, lên tiếng kêu cầu DOC không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, do nước này chưa hội đủ các tiêu chí theo luật định của Mỹ.

"Tôi hy vọng chính phủ của chúng ta sẽ nỗ lực hợp tác với Việt Nam trong tương lai để khuyến khích thương mại công bằng và cải cách kinh tế có hệ thống để một ngày nào đó Việt Nam có thể được chào đón vào cộng đồng các nền kinh tế thị trường", Dân biểu Crawford nêu kỳ vọng.

Nguồn : VOA, 03/08/2024

****************************

Mỹ vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế "phi thị trường"

Minh Anh, RFI, 03/08/2024

Bộ Thương Mại Mỹ ngày 02/08/2024 cho biết Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xếp Việt Nam thuộc diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Quyết định này đã gây thất vọng cho Hà Nội, đối tác mà Washington không ngừng nỗ lực lôi kéo để chống Bắc Kinh.

kttt5

Ngoại trưởng Antony Blinken gặp bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25/03/2024. AP - Mark Schiefelbein

Sau một năm dài xem xét, bộ Thương Mại Mỹ, trong thông cáo, khẳng định, "Việt Nam sẽ tiếp tục bị xếp vào diện quốc gia có nền kinh tế phi thị trường để tính thuế chống bán phá giá tại Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam". Thông cáo nêu thêm, điều này có nghĩa là "phương pháp được sử dụng để tính thuế của Mỹ chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn được giữ nguyên".

Bộ Công thương Việt Nam đã có phản ứng, lấy làm tiếc về việc Hoa Kỳ vẫn không muốn công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường mặc dù nền kinh tế đất nước đã có những "cải thiện tích cực" gần đây.

Theo Reuters, những người phản đối việc nâng cấp quy chế cho Việt Nam đã phản bác rằng những cam kết chính sách của Hà Nội không tương xứng với các hành động cụ thể và hoạt động như một nền kinh tế có kế hoạch do Đảng cộng sản cầm quyền quản lý. Họ còn lập luận rằng Việt Nam ngày càng được các công ty Trung Quốc sử dụng làm trung tâm sản xuất để lách lệnh hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc của Hoa Kỳ.

Theo nhiều nhà quan sát được Reuters trích dẫn, việc bộ Thương Mại Mỹ quyết định duy trì nhãn "nền kinh tế phi trường" đối với Việt Nam có thể gây bất lợi cho mối quan hệ Hà Nội – Washington. Theo giáo sư chính trị Edmund Malesky, giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Duke, giới lãnh đạo Việt Nam xem quyết định này là một "chuẩn mực quan trọng trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ cũng như việc đạt được mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước".

Quyết định này đưa ra vào lúc Washington gia tăng các nỗ lực thắt chặt quan hệ với Hà Nội trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, vấn đề nâng cấp quy chế nền kinh tế như Việt Nam mong muốn và xem đấy như là nền tảng cho mối quan hệ Việt – Mỹ, đã trở nên khó xử khi Mỹ đang bước vào mùa bầu cử tổng thống cũng như việc đôi bên kiên định lập trường của mình về quyền người lao động.

Minh Anh

*****************************

Mỹ từ chối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam

VOA, 02/08/2024

Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 công bố rằng Việt Nam sẽ tiếp tục bị phân loại là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, sau khi trì hoãn đưa ra quyết định này trong thời gian Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

kttt1

Một người bán hàng rong ngồi trước khu vực xây dựng một tòa cao ốc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mỹ vừa từ chối yêu cầu của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường.

"Kết luận này có nghĩa là phương pháp tính thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn giữ nguyên", bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Bộ Thương mại Mỹ ban đầu dự kiến đưa ra quyết định này vào ngày 26/7 nhưng thông báo lùi thời hạn này thêm 1 tuần với lý do mà họ đưa ra là gián đoạn về công nghệ thông tin. Ngày 26/7 cũng là ngày Việt Nam tổ chức quốc tang cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cùng Tổng thống Joe Biden nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9 năm ngoái.

Việt Nam đã mong đợi được Mỹ đưa ra khỏi danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường do có sự can thiệp sâu rộng của Nhà nước vào nền kinh tế theo định danh của Mỹ. Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trong năm qua đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này và cho rằng điều này sẽ có lợi hơn cho quan hệ hai nước.

Bộ Công thương hôm 2/8 nói rằng họ "lấy làm tiếc" về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.

"Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt nam vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ", Bộ Công thương được Tuổi Trẻ trích dẫn khi phản ứng về quyết định của Hoa Kỳ. "Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng ‘giá trị thay thế’ của một nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá".

Hàng chục nhà lập pháp Mỹ trong những lần khác nhau đã gửi thư lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để yêu cầu bộ này không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam với lý do rằng Việt Nam vẫn vận hành như một nền kinh tế kế hoạch được điều chỉnh bởi các nghị quyết của Đảng cộng sản. Các thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ cũng đã nêu ra những quan ngại về quyền lao động hay mối liên hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên liệu sản xuất.

Bộ Công thương cho rằng nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt nam "một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 71 nền kinh tế khác đã công nhận", trong đó bao gồm Anh, Canada, Australia và Nhật Bản, theo Tuổi Trẻ.

Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ nói với VOA vào tháng trước, khi trả lời yêu cầu bình luận về những phản đối và quan ngại của các nhà lập pháp Mỹ cũng như các nhà sản xuất thép ở Hoa Kỳ, rằng bộ sẽ xem xét tất cả những điều đó khi đưa ra quyết định.

Ngay sau khi Bộ Thương mại đưa ra kết luận bác bỏ yêu cầu cấp quy chế thị trường của Việt Nam, ông Kevin Dempsey, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Sắt và Thép Hoa Kỳ (AISI) hôm 2/8 cho biết AISI hoan nghênh quyết định này.

"Cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam là không thích đáng dựa trên thực tế – xét đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong việc lách luật thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hoá Trung Quốc và các quốc gia khác, việc thao túng tiền tệ, các hạn chế xuất khẩu liên tục đối với nguyên vật liệu thô để sản xuất thép và các hoạt động hạn chế thương mại khác của Việt Nam", ông Dempsey, người đã ra điều trần trước Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5, nói trong một tuyên bố.

Giải thích lý do AISI hoan nghênh việc này, ông Dempsey nói rằng nếu Việt Nam, quốc gia mà ông cho là "tham gia vào nhiều hoạt động thương mại không công bằng", được Mỹ nâng cấp lên kinh tế thị trường thì việc này sẽ "khuyến khích gian lận thương mại nhiều hơn nữa trong khi gây tổn hại cho ngành thép của Hoa Kỳ và nhiều ngành công nghiệp khác tại Mỹ".

Trong khi các nhà sản xuất của Mỹ phản đối việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam thì những nhà bán lẻ ở Mỹ lại ủng hộ việc này. Ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, nơi ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam, nói tại buổi điều trần của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 rằng "Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường".

Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh nói rằng ông "không hoàn toàn ngạc nhiên và ủng hộ" quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.

"Việc thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào thời điểm này là không thực tế, là một sai lầm địa chính trị chiến lược và gây bất lợi cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ", Luật sư Khanh, cũng là tổng thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam, nói.

Bộ Công thương Việt Nam, khi đệ trình yêu cầu việc rà soát quy chế kinh tế phi thị trường lên Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 9/2023, nói rằng Việt Nam đã có những cải cách trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Mỹ xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, và cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Bộ này nói hôm 2/8 rằng trong thời gian tới, họ sẽ "nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt nam của Bộ Thương mại Mỹ". Mục tiêu, mà theo Bộ này cho biết, là để "bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị thương mại hai chiều lên đến hơn 120 tỷ USD vào năm ngoái. Hoa Kỳ đã khởi xướng nhiều vụ kiện chống bán phá giá của một số mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, như tôm và thép, trong những năm qua.

Theo Tuổi Trẻ, Bộ Công thương khẳng định rằng họ sẽ "đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam".

Dù bị Mỹ chối nâng cấp lên nền kinh tế thị trường, nhưng với việc Mỹ đang tìm cách đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia được Hoa Kỳ chọn cho việc hợp tác ở các nước bằng hữu giữa bối cảnh Washington tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và trên thế giới.

Luật sư Khanh cho biết ông ủng hộ việc đưa Việt Nam trở thành "đối tác thân thiện, tích cực và đáng tin cậy trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ nếu Việt Nam "quyết tâm điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính trị, kinh tế hướng tới nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh".

Nguồn : VOA, 02/07/2024

****************************

Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'

BBC, 02/08/2024

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm nay 2/8 đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

kttt2

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từ chối nâng cấp Việt Nam từ nền kinh tế phi thị trường lên thành nền kinh tế thị trường.

Cùng ngày, Bộ Công thương Việt Nam cho biết "lấy làm tiếc" về quyết định của phía Mỹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này, trong đó có việc nhà nước vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng của Đảng cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tệ nạn tham nhũng.

Đây được coi là một bước thụt lùi đối với nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ - thị trường quan trọng nhất của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã tăng cường vận động hành lang  để Mỹ xem xét việc nâng cấp này kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023.

Mỹ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường từ năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.

Hiện chỉ có 12 quốc gia bị Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam.

Mỹ từ chối dựa trên lý do gì ?

kttt0

Chính phủ Việt Nam được xem là vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh kinh tế

Quá trình Mỹ xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường - mà Bộ Thương mại Mỹ gọi là Cuộc đánh giá điều chỉnh tình huống (CCR) - được thực hiện theo Đạo luật Thuế quan 1930.

Theo đó, định nghĩa thuật ngữ "quốc gia với nền kinh tế phi thị trường" là một quốc gia mà Bộ Thương mại không xác định là "hoạt động theo các nguyên tắc thị trường về cấu trúc chi phí hoặc giá cả, để việc bán hàng hóa tại quốc gia đó không phản ánh giá trị công bằng của hàng hóa".

Điều 771(18)(B) của đạo luật liệt kê sáu yếu tố mà Bộ Thương mại Mỹ phải xem xét trong bất kỳ cuộc điều tra nào được thực hiện để đánh giá một quốc gia là nền kinh tế thị trường hay phi thị trường, bao gồm :

- Khả năng chuyển đổi đồng tiền.

- Tiền lương được xác định thông qua thương lượng tự do

- Cho phép đầu tư nước ngoài

- Sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất

- Sự kiểm soát của nhà nước đối với giá cả và sản xuất của các công ty

- Các yếu tố khác mà phía Mỹ xem là quan trọng

Văn bản của Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 nêu :

Kể từ khi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra quyết định về tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam (2002), Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các cải cách đáng kể theo định hướng thị trường để thúc đẩy phát triển hệ thống kinh tế dựa trên thị trường hơn.

Những cải cách này đã giúp làm cho tiền đồng của Việt Nam dễ dàng chuyển đổi hơn, tăng cường sự mở cửa của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài, và dần giảm bớt sở hữu của chính phủ đối với các phương tiện sản xuất trong nền kinh tế.

Mặc dù đã có những cải cách theo định hướng thị trường, chính phủ vẫn giữ vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa độc lập và tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối để ảnh hưởng đến giá trị của tiền đồng.

Các công đoàn lao động vẫn bị chi phối bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do nhà nước kiểm soát, cản trở việc đàm phán tập thể và cuối cùng tạo điều kiện cho mức lương và chi phí lao động bị kìm hãm.

Mặc dù Việt Nam đã thực hiện các bước để làm cho môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn, các rào cản đối với tiếp cận thị trường, sự thiếu minh bạch của các quy định và luật lệ, các hạn chế về quyền kiểm soát doanh nghiệp và sở hữu nước ngoài vẫn tồn tại.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đặc trưng bởi sự sở hữu và kiểm soát đáng kể của nhà nước đối với các phương tiện sản xuất, đặc biệt là đối với các công ty và đất đai.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định giá và phân bổ tín dụng ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhà nước kiểm soát một lượng tín dụng cho vay không tương xứng, bên cạnh các lợi thế khác, mặc dù hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước tương đối thấp hơn so với các doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Chính phủ Việt Nam cũng tuân theo chỉ đạo của nhà nước để truyền đạt các mục tiêu của mình cho nền kinh tế về kết quả kinh doanh và phân bổ tài nguyên, và các biện pháp kiểm soát giá cả do chính phủ thực hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến giá hàng hóa ở Việt Nam.

Cuối cùng, ảnh hưởng của Đảng cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tham nhũng vẫn xảy ra đã tiếp tục làm suy yếu một số sáng kiến cải cách của Việt Nam.

Hành trình Mỹ xem xét việc nâng cấp cho Việt Nam

kttt04

Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội tháng 9/2023 và hai nước nhân dịp này đã nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện

Tài liệu từ Cục Quản lý Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ mà BBC có trong tay, có tên "Kết quả cuối cùng của Đánh giá điều chỉnh tình huống đối với Thuế chống bán phá giá", viết :

Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định rằng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam) vẫn là một quốc gia nền kinh tế phi thị trường (Non Market Economy-NME) theo Luật Thuế chống bán phá giá (Antidumping Duty-AD) của Hoa Kỳ do sự ảnh hưởng liên tục và sâu rộng của chính phủ đối với các hoạt động kinh tế của quốc gia này.

Văn bản nêu bối cảnh từ khi Việt Nam bị Mỹ xếp vào nhóm các nước có nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 và hành trình Mỹ xem xét nâng cấp Việt Nam lên thành nền kinh tế thị trường theo đề nghị của Hà Nội.

Năm 2002 : Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nhất quán coi Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường trong tất cả các cuộc điều tra và xem xét hành chính liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Vào ngày 8/9/2023, chính phủ Việt Nam đã gửi một bức thư đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu xem xét lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam trong bối cảnh của một cuộc đánh giá điều chỉnh tình huống (Change Circumstances Review-CCR) đối với lệnh Thuế chống bán phá giá (AD) đối với mật ong thô từ Việt Nam.

Đáp lại, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng một cuộc CCR về NME và công bố trên Tạp chí Liên bang vào ngày 30/10/2023. Cuộc xem xét này kiểm tra liệu Việt Nam có vẫn là một quốc gia NME theo luật AD hay không.

Để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của công chúng và các bên liên quan trong cuộc điều tra này, Bộ Thương mại Mỹ đã mời công chúng cho ý kiến về tình trạng kinh tế của Việt Nam như một quốc gia NME.

Tất cả các ý kiến và phản hồi đã được nhận vào ngày 21/12/2023 và 1/2/2024.

Vào ngày 8/3/2024, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã nhận được thông tin mới từ một số ngành công nghiệp trong nước cáo buộc rằng Chính phủ Việt Nam đã gửi các tuyên bố sai lệch và bỏ sót các sự thật quan trọng liên quan đến các cải cách được cho là của Việt Nam.

Các cáo buộc này được gửi đến trong bối cảnh Mỹ đang xem xét tình trạng NME của Việt Nam.

Vì Bộ Thương mại Mỹ có quyền bảo vệ tính toàn vẹn của các thủ tục của mình, họ đã chấp nhận thông tin cáo buộc này như một phần của hồ sơ hành chính và cho phép tất cả các bên liên quan cũng như công chúng gửi ý kiến về những cáo buộc này cho đến ngày 5/4/2024.

Vào ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại cũng đã tổ chức một phiên điều trần công khai về CCR liên quan đến tình trạng quốc gia NME của Việt Nam. Phiên điều trần này đã cho phép các bên liên quan và công chúng tham gia vào cuộc điều tra bày tỏ quan điểm của họ.

Nguồn : BBC, 02/07/2024

******************************

Hoa Kỳ tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường

RFA, 02/08/2024

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vào ngày 2/8 công bố quyết định tiếp tục xếp kinh tế Việt Nam vào dạng phi thị trường.

kttt4

Hà Nội từ nhiều năm qua đã tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhằm giúp giảm thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. AFP

Thông cáo của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ nêu rằng : "Kết luận (không công nhận nền kinh tế Việt Nam là thị trường) có nghĩa phương pháp được sử dụng để tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ vẫn như cũ".

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 24/7 cho biết bộ này đã lùi lại thời điểm đưa ra quyết định có công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không cho đến đầu tháng 8. Lý do vì trục trặc mạng internet sau sự cố phần mềm CrowdStrike.

Theo dự kiến, quyết định vừa nêu của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ lẽ ra được công bố vào thứ sáu ngày 26/7. Nhiều nhà sản xuất ở Mỹ trong lĩnh vực thép, tôm, nông dân sản xuất mật ong phản đối quyết định công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên những nhà bán lẻ ở Mỹ và một số tập đoàn lại ủng hộ.

Hà Nội từ nhiều năm qua đã tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhằm giúp giảm thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Reuters trích dẫn một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại Mỹ cho biết do sự cố về mạng internet, ngày đưa ra quyết định cuối cùng sẽ được kéo dài thêm tổng cộng sáu ngày nữa.

Reuters dẫn lời một người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ cho biết một số nhỏ các hồ sơ nộp liên quan đến chống phá giá và chống trợ cấp đã bị gián đoạn do vụ CrowdStrike khiến hệ thống máy tính toàn thế giới bị ảnh hưởng.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, thời hạn cho các hồ sơ này cũng sẽ được gia hạn cùng với thời hạn đưa ra quyết định về quy chế thị trường đối với Việt Nam, dự kiến vào ngày 2/8.

Ngày 26/7, ngày dự kiến đưa ra quyết định ban đầu, cũng trùng đúng vào ngày quốc tang ở Việt Nam sau khi ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng qua đời.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 26/7 nhân chuyến công du Châu Á. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken đến thăm gia đình ông Trọng vào cuối tuần đó.

Nguồn : RFA, 02/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, RFI, VOA; BBC, RFA
Read 377 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)