Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới đây truy tố bà Đặng Thị Hàn Ni về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo kết quả điều tra được truyền thông nhà nước trích dẫn, bà Hàn Ni đã đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư nhằm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của bà Nguyễn Phương Hằng và chồng bà Hằng là ông Huỳnh Uy Dũng, gây ảnh hưởng đến quỹ từ thiện Hằng Hữu, Công ty cổ phần Đại Nam.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại tòa ngày 21/9/2023. Photo : CAND
Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 năm tù do thực hiện nhiều buổi livestream có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân ; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà : Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà.
Cả hai bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, từng có gần 30 năm làm việc ở Việt Nam, hiện đang ở Hoa Kỳ, nói với RFA hôm 1/2/2024 :
"Việc Việt Nam áp dụng Điều 331 và Điều 117 là nhằm mục đích bảo vệ chế độ và đàn áp người dân. Thế nhưng họ lại áp dụng một cách quá nặng nề, bởi vì hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho người dân tất cả các quyền tự do dân chủ, cũng như quyền đóng góp ý kiến xây dựng nhà nước. Đó là quyền công dân.
Thực tế trong cuộc sống, khi người dân có sự chỉ trích lẫn nhau, hoặc có ý kiến gì đó không tích cực đối với nhà nước thì lập tức chính quyền sẽ áp dụng Điều 331 và Điều 117 để bỏ tù người dân. Khi áp dũng như vậy, họ vi phạm luôn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên.
Giữa hai người dân có thể mạ lị, phỉ báng nhau trên không gian mạng. Trong trường hợp này, bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng cho họ quyền kiện ra tòa dân sự, yêu cầu bên kia bồi thường. Mình có quyền chứng minh thiệt hại và yêu cầu bên kia bồi thường. Hiện nay, họ áp dụng tràn lan Điều 331 và Điều 117 là do có bàn tay của công an, có bàn tay của nhà nước".
Để chứng minh có bàn tay công an, Luật sư Miếng kể về trường hợp ông Đinh Nhật Uy, người được coi là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam sử dụng facebook bị kết tội vi phạm Điều 258 (bây giờ là Điều 331) cách đây 10 năm :
"Nhân ngày lễ 2 tháng 9, ông Uy viết bài trên facebook nói rằng bà tổ trưởng không có việc gì làm, chỉ có mỗi việc nhắc người ta treo cờ và thu tiền… Khi ông Uy bị bắt thì có một lá đơn của bà tổ trưởng tố cáo Uy xúc phạm bà trên không gian mạng. Tôi là luật sư của Đinh Nhật Uy.
Bà tổ trưởng khai rằng, bà không sử dụng facebook, không sử dụng internet. Bà cũng không biết ông Uy viết gì về bà. Bà được công an gọi lên báo là có người xúc phạm bà trên mạng và yêu cầu bà làm đơn tố cáo bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Rõ ràng, đây là công an xúi giục bà làm đơn tố cáo !"
Một số chuyên gia luật pháp cho rằng, tội xúc phạm danh dự người khác nằm trong khung luật dân sự, phải bồi thường danh dự cho người khác bằng một số hình thức, nhưng không bị tù như bên luật hình sự.
Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên từng có nhiều năm làm phó khoa trường luật ở California, Hoa Kỳ (Lincoln Law School of San Jose) nói với RFA hôm 1 tháng 2 năm 2024 :
"Hệ thống pháp lý của các nước phương Tây, Hoa Kỳ hay những nước có hệ thống pháp lý tương tự Tây phương như Nam Hàn hay Đài Loan, tội phỉ báng, mạ lị, vu khống… chỉ là tội dân sự mà thôi. Còn Việt Nam, họ ra luật một cách tùy tiện với những tội danh này với mục đích là để bảo vệ cho mấy ông quan chức, cán bộ.
Vì thế họ tự động đưa những người phạm tội mạ lị, vu khống…vào khung tội hình sự. Ai mà nói xấu ông tổng bí thư đảng hay ông thủ tướng chẳng hạn là sẽ bị tù. Do đó, không thể dùng tiêu chuẩn luật pháp của các nước độc tài hay các nước cộng sản mà so sánh với các nước phương Tây được".
Nói về luật pháp của Hoa Kỳ, tháng 9/2019, báo Người Việt có bài viết "Bắc California : Thắng kiện ‘mạ lỵ, vu khống,’ một phụ nữ gốc Việt được bồi thường $545,625".
Bà Thanh Nga, người thắng kiện kể với RFA rằng, tuy bà bị xúc phạm nặng nề trên mạng xã hội, ảnh hưởng tới cuộc sống của bà, nhưng do đây là tội về dân sự nên bị đơn chỉ bồi thường cho bà chứ không bị kết án tù. Bà nói với RFA sáng ngày 1/2/2024 :
"Thật sự ra, chuyện mạ lị, vu khống nó chỉ nằm trong khung dân sự thôi. Mình phải kiện, và muốn thắng kiện thì mình phải chứng minh là mình bị ảnh hưởng tai tiếng, bị mất danh dự. Nhất là những người làm kinh doanh mà bị thất thoát, mất thu nhập. Khi mình bị mang tiếng và được bác sĩ tâm lý chứng minh sự mạ lị, vu khống ảnh hưởng đến tinh thần của mình, ảnh hưởng đến công việc, đến kinh doanh của mình thì người bị kiện không chỉ phải bồi thường danh dự cho mình, mà người bị kiện còn bị phạt răn đe, tức là bị cảnh cáo. Cái này nó còn nặng hơn cả cái bồi thường danh dự".
Trong Bộ Luật Hình sự 2015, Điều 117 quy về "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ; Điều 331 về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Người nào bị kết tội lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người nào bị kết tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 02/012024