Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/02/2024

Việt Nam yêu cầu Mỹ cấp quy chế ‘kinh tế thị trường’

David Hutt

Suốt một năm qua Hà Nội vận động hành lang ráo riết để thuyết phục Washington đưa các quy định chống bán phá giá của Hoa Kỳ giống với các quy định của EU hơn.

kinhtethitruong1

Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản là nền kinh tế phi thị trường - Ảnh Danh Lam/ANN/picture alliance

Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng thay đổi các quy định về cáo buộc "bán phá giá" xuất khẩu, đưa các quy định này tiệm cận hơn đến các tiêu chí cải cách của Liên Hiệp Châu Âu.

Một quan chức chính phủ Việt Nam yêu cầu giấu tên, cho biết Hà Nội "rất mong muốn" chính quyền Biden thay đổi cách phân loại "nền kinh tế phi thị trường" trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Hoa Kỳ tiếp tục xếp loại Việt Nam dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản là một nền kinh tế phi thị trường, có thể hiểu là nền kinh tế tại một quốc gia có nhà nước độc quyền hoặc gần độc quyền về thương mại.

Trung Quốc và Nga cũng nằm trong danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường của Washington.

Tác động đến thủ tục chống bán phá giá

Việc chỉ định này chủ yếu ảnh hưởng đến các phản ứng đối với "bán phá giá", khi giá xuất khẩu của một quốc gia được coi là cố tình đặt thấp hơn giá trong nước, do đó gây tổn hại cho các ngành công nghiệp ở nước nhập khẩu.

Washington sử dụng các tiêu chí khác nhau để đánh giá hành vi bán phá giá ở các nền kinh tế thị trường và phi thị trường, trong đó các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao hơn nhiều.

Ngày 24 tháng 10 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố sẽ xem xét lại việc phân loại nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, một quyết định phải được đưa ra trong vòng 270 ngày, nghĩa là vào khoảng giữa tháng 7.

Các nhà phân tích cho biết, việc Washington thay đổi tình trạng về cơ bản sẽ khiến các quy định chống bán phá giá của Mỹ phù hợp với các quy định của EU.

Sự khác biệt giữa cách tiếp cận của EU và Mỹ

Vào tháng 12 năm 2017, EU đã xóa bỏ sự phân biệt giữa "nền kinh tế thị trường" và "nền kinh tế phi thị trường". Thay vào đó, hiện nay có sự phân biệt giữa các quốc gia là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và những quốc gia không phải thành viên, một quan chức EU cho biết..

Nguồn tin giải thích, đối với các thành viên WTO, bao gồm cả Việt Nam, EU sử dụng tiêu chuẩn không bị bóp méo để xác định "giá trị thông thường" của sản phẩm. Hệ thống mới của EU đơn giản hóa việc Brussels xác định giá thành của một sản phẩm tại thị trường nội địa như thế nào, điều này mang lại nhiều ý nghĩa hơn cho ước tính của nước xuất khẩu khi đánh giá liệu có tham gia vào hoạt động chống bán phá giá hay không.

So với EU, Hoa Kỳ vì coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường nên đánh giá giá trị của một sản phẩm Việt Nam dựa trên giá trị của sản phẩm đó ở một nước thứ ba có nền kinh tế thị trường và sau đó cho rằng đây là chi phí sản xuất có thể cần có đối với một công ty Việt Nam, thay vì sử dụng dữ liệu do chính công ty cung cấp.

Theo Trung tâm WTO và Thương mại quốc tế Việt Nam, một đơn vị trực thuộc Phòng Thương mại Việt Nam, cách tính này khiến "biên độ bán phá giá bị đẩy lên rất cao" và không phản ánh đúng thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam.

‘Vị thế kinh tế thị trường có ích cho Việt Nam’

Bất chấp những thay đổi, EU vẫn giám sát Việt Nam về cáo buộc bán phá giá. Ví dụ, vào tháng 11, Ủy ban Châu Âu đã tiến hành điều tra thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo một tuyên bố của EU, động thái này dựa trên đánh giá rằng "các biện pháp chống bán phá giá hiện tại đối với hàng nhập khẩu sản phẩm liên quan đang bị phá vỡ bởi việc nhập khẩu sản phẩm đang bị điều tra".

Trước đó tháng 7 năm 2023, Brussels đã gia hạn thuế đối với nhiều loại thép nhập khẩu từ Việt Nam cho đến cuối tháng 6 năm 2024 như một biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép Châu Âu.

Hà Nội đã mất cả năm qua để vận động mạnh Washington nhằm đưa các quy định chống bán phá giá của Hoa Kỳ đến gần hơn với khuôn khổ của EU.

Theo Reuters, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết tại một hội nghị do một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington tổ chức hồi tháng trước : "Tất nhiên, chúng tôi muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường của Hoa Kỳ". 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã thảo luận vấn đề này với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo trong cuộc gặp ở Washington vào tháng 9 năm ngoái.

Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực Châu Á tại Natixis, một công ty con ngân hàng của Tập đoàn ngân hàng Pháp BPCE, cho biết : "Quy chế kinh tế thị trường giúp Việt Nam tránh được thuế chống bán phá giá của Mỹ, do đó, nếu có được quy chế này, Việt Nam sẽ có thể khiến sản phẩm của họ trở nên cạnh tranh hơn"..

Bà nói thêm : "Mỹ là thị trường trọng điểm nên việc có được vị thế đó sẽ có lợi cho Việt Nam".

Thêm áp lực cho Việt Nam

Một khía cạnh nữa của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay dường như cũng đang gây thêm áp lực cho Việt Nam.

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa, cho biết ông dự định áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu tái đắc cử – gấp 5 lần mức trung bình hiện tại – theo truyền thông Mỹ.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump cũng chỉ trích Việt Nam bán phá giá hàng hóa giá rẻ vào thị trường Mỹ cũng như thặng dư thương mại khổng lồ của Hà Nội. Năm 2019, Trump thậm chí còn gọi Việt Nam là "kẻ lạm dụng tồi tệ nhất", ám chỉ tác động của việc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ đối với ngành công nghiệp Mỹ.

Ngay cả ở EU, một số nghị viện quốc gia thành viên, trong đó có cơ quan lập pháp của Đức, Pháp, Bỉ và Hà Lan, vẫn chưa phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA).

Mặc dù Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn EVIPA vào tháng 2 năm 2020 cùng với Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, nhưng hiệp định đầu tư sẽ chỉ có hiệu lực khi nghị viện quốc gia của tất cả 27 quốc gia thành viên EU đồng ý. Hiện tại, 10 quốc gia vẫn phê chuẩn EVIPA.

Chính phủ của một số quốc gia này tuần trước đã thông báo rằng họ sẽ xúc tiến quá trình phê chuẩn sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Bộ trưởng EU-ASEAN lần thứ 24 tại Brussels.

Tuy nhiên, lý do hàng đầu cho sự chậm trễ là do một số đảng chính trị tại các nghị viện Châu Âu đang cảnh giác rằng việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam sẽ gây tổn hại cho các ngành công nghiệp nội địa của họ, theo một bài báo đăng trên Tạp chí Đầu tư Việt Nam, tờ báo trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Việt Nam.

David Hutt

Nguyên tác : Vietnam pushes US to grant it 'market economy' status, Deutsche Welle, 05/02/2024

Anh Khoa biên dịch

Nguồn : VNTB, 06/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Hutt
Read 126 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)