Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/02/2024

Tiềm năng dầu hỏa ngoài khơi Việt Nam Cộng Hòa trước 1975

Nguyễn Tiến Hưng - PetroTimes

Xuân Ất Mão 1975 : Tại sao Sài Gòn vẫn tưng bừng ăn Tết ?

Nguyễn Tiến Hưng, BBC, 06/02/2024

Sáng sớm ngày mùng một Tết Ất Mão (nhằm ngày 11/2/1975), Thủ tướng Trần Thiện Khiêm hướng dẫn Nội các đến Dinh Độc Lập chúc tết Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

saigon1

Đường phố đã lên đèn. Sài Gòn ‘đêm ba mươi’ thật nhộn nhịp. Người người tưng bừng đón giao thừa, chào đón ngày đầu Xuân.

Tuy bối cảnh của thời điểm ấy thật là khó khăn - với tình hình kinh tế ảm đạm và chiến trường sôi động, mọi người vẫn cố gắng quên đi những lo lắng để chúc nhau sức khỏe và may mắn trong năm mới.

Mà may mắn thật. Ngay buổi trưa hôm ấy đã có một tin thật vui. Sự kiện mà mọi người chờ mong bao nhiêu lâu nay thì bây giờ đã đến. Đài phát thanh bất chợt ngắt chương trình ca hát mừng Xuân để loan một tin nóng :

"Hãng Mobil khoan dầu ngoài khơi cho biết : ngày 11/2/1975 đã thực sự thu được lượng dầu với sản lượng là 430 thùng một ngày và 5.600 mét khối khí đốt".

Từ mùa Hè 1974, báo chí đã luôn luôn đăng tải những tin tức khả quan về dầu lửa ở thềm lục địa. Dư luận xôn xao, nhưng chưa ai trông thấy dầu, trừ một lượng rất nhỏ. Văn phòng Tổng thống đã yêu cầu hãng dầu gửi về Sài Gòn một thùng dầu thô và được đưa đến Biên Hòa.

Ngày Chiến sĩ Trận vong (3/11/1974), lúc sương mù vẫn còn lãng đãng trên đồi Nghĩa trang Quân đội, toàn thể nội các và nhân viên Văn phòng Tổng thống đã có mặt. Nghi lễ đặt vòng hoa bắt đầu, Tổng thống Thiệu châm lửa vào một vạc dầu lớn để ngay trước đài tưởng niệm.

saigon2

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu châm lửa vào vạc dầu đầu tiên để phúng viếng các chiến sĩ trận vong

Lửa bốc cháy sáng rực, át đi cả ánh bình minh lúc vừa hé rạng. Ban Quân nhạc chầm chậm cử bài Chiêu hồn tử sĩ, mọi người chắp tay vái lạy, cầu xin hương hồn các chiến sĩ anh hùng phù hộ cho đất nước trong giờ phút hiểm nghèo này.

Đó là ‘Ngày Chiến sĩ Trận vong’ cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.

Bây giờ, bản tin của Mobil Oil giống như một món quà đầu Xuân chợt được gửi đến, mọi người lại vui vẻ ăn Tết mặc dù tình hình chiến sự đen tối. Người vui nhất có lẽ là Tổng thống Thiệu. Vài ngày sau Tết, ông gọi tôi vào Dinh Độc Lập để hàn huyên. Nhìn thấy nụ cười hiếm hoi, tôi chia sẻ được tâm tư của người lãnh đạo miền Nam. Biết đâu, biết đâu đấy, Trời đã gửi đến một tia sáng ở cuối đường hầm. Rồi ông nói : "Anh đi với tôi ra thăm giàn khoan xem sao".

Chỉ ba tuần trước, sau khi Phước Long thất thủ, ông đã phải viết hai lá thư liên tục (ngày 14 và 15 tháng 1/1975) cho Tổng thống Mỹ Gerald Ford mô tả tình trạng co cụm của người quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và yêu cầu tiếp viện. Trong thư có câu :

"Cường độ tấn công mãnh liệt của quân đội Bắc Việt, yểm trợ bằng hỏa lực và thiết giáp ồ ạt". Và ngược lại, "quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải đếm từng viên đạn khi bắn để cầm cự được lâu hơn".

Nhưng cả hai thư đều không có hồi âm (như được ghi lại về trận chiến Phước Long trong cuốn sách Bức tử Việt Nam Cộng Hòa – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm – được xuất bản nay mai).

Tổng thống Thiệu đi thăm giàn khoan

Mấy hôm sau, Việt Tấn Xã loan tin :

"Hôm nay, 15 giờ, thứ hai, ngày 24-2-1975, tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã rời Sài Gòn đi quan sát giếng dầu Bạch Hổ-1X khoan cách Sài Gòn chừng 200 cây số về hướng đông nam trên thềm lục địa Việt Nam... Cùng tham dự với tổng thống hôm nay có thủ tướng chính phủ Trần Thiện Khiêm, ông tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng, ông tổng cuộc trưởng Dầu hỏa và khoáng sản Trần Văn Khởi và ông tổng giám đốc Mobil Vietnam Peter Gelpke".

Tin tức từ Việt Tấn Xã được phổ biến rộng rãi. Thấy vậy, ngoài chiến trường, những người quân nhân trong hoàn cảnh cùng cực đã phấn khởi : "Người chiến sĩ mắt sáng ngời nghe tin xuân đang về ngàn nơi" (‘Mộng đêm Xuân’ - Tuấn Khanh).

Trên chuyến trực thăng bay ra khơi, xa xa khi nhìn thấy ngọn lửa cháy sáng rực trên vòm trời từ giàn khoan, vẻ mặt ông Thiệu tươi hẳn lên, ông nhìn thật chăm chú. "Bao giờ thì mới thực sự có dầu", ông quay lại hỏi. Tôi trả lời là theo Bộ Kinh tế ước tính dựa trên những thông tin của các hãng thì muộn lắm là tới cuối 1977.

Trên giàn khoan, khi chuyên gia trình bày về khả năng sản xuất, ông Thiệu lắng nghe mọi chi tiết. Chuyên gia kết luận rằng nếu có thêm sự khuyến khích (incentive) thì hãng có thể cố gắng để đào nhanh hơn. Trên chuyến bay về Sài Gòn, ông hỏi : "Khuyến khích làm sao để họ có thể xuất cảng thất nhanh ?". Tôi trình bầy vắn gọn là có thể xem xét lại hợp đồng rồi cho họ chia phần cao hơn, hoặc dùng những điều quy định về thuế má để cho họ ưu đãi khi bắt đầu xuất cảng dầu. Ngoài ra còn có thể quy định thời gian khai thác kéo dài hơn là theo hợp đồng họ đã ký. Ông Thiệu đồng ý ngay : "Được chứ, được chứ".

Trở về Bộ Kế hoạch, chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về hồ sơ của những vị tiền nhiệm.

Hành trình đi tìm dầu lửa

Ngay từ cuối thập niên 1960, những tin tức thăm dò đã cho thấy thực sự có túi dầu lửa ở ngoài khơi. Cho dù không bằng túi dầu của Indonesia, một nước trong khối OPEC, dự trữ dầu lửa và dầu khí ở thềm lục địa miền Nam nằm trong một vùng rộng 500.000 cây số vuông thì không phải là nhỏ.

Trước hết là phải có một bộ luật về dầu lửa. Vì miền Nam chưa có kinh nghiệm nên đã nhờ Iran giúp đỡ. Iran dưới thời Quốc vương Mohammad Reza Shah thì rất gần gũi với Việt Nam Cộng Hòa cho nên đã đồng ý ngay. Như kỹ sư Trần Văn Khởi, Tổng Giám đốc Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa, đã ghi lại trong bài "Những hợp đồng tìm dầu đầu tiên ở Việt Nam" (Tập san Việt học, Năm Nhâm Thìn 2022) :

"Đầu mùa Xuân năm 1971, các chuyên viên của National Iranian Oil Company (NIOC) đến Saigon và làm việc với chuyên viên của Ủy ban Quốc gia Dầu Hỏa… Trong ba tuần lễ, các chuyên viên Iran đã kể cho chúng tôi nghe nguồn gốc và tiến hóa của chế độ đặc nhượng dầu hỏa ở Trung Đông. Họ trình bày chi tiết những tranh chấp với các công ty dầu, ngay từ những năm đầu khởi công, tiếp tục qua việc thành lập OPEC năm 1960 (Organization of Petroleum Exporting Countries) mà Tổng trưởng Jamshid Amouzegar của Iran là một người đề xướng thành lập. Nghe chuyện dầu khí họ kể thấy còn hấp dẫn hơn là truyện Ngàn lẻ một đêm. Họ thẳng thắn trả lời các câu hỏi của chúng tôi, không tỏ vẻ dấu giếm chuyện gì cả.

Họ giúp soạn thảo một Hợp đồng đặc nhượng mẫu (Model Concession Agreement) để cùng với Luật Dầu hỏa và các sắc lệnh, nghị định liên hệ sẽ làm căn bản cho hồ sơ gọi thầu quốc tế. Chúng tôi thảo luận ngày này qua ngày kia cách thức và thủ tục gọi thầu, và những đề mục (bid items) của đề cung (offer), sao cho phản ảnh đúng những ưu tiên Việt Nam Cộng Hòa nhắm trong công cuộc tìm dầu, và sao cho việc thẩm lượng, so sánh các đề cung được dễ dàng, minh bạch, tránh mâu thuẫn và mơ hồ…

Việc giúp đỡ của các chuyên viên Iran thực sự đã rất hữu hiệu và bổ ích, (i) cho chúng tôi những bài học sâu rộng về kỹ nghệ dầu khí và tương quan với công ty dầu, (ii) soạn thảo một hợp đồng mẫu tiến bộ và đầy đủ, (iii) đúc kết những thủ tục gọi thầu và chọn lựa đề mục đề cung, sau này giúp việc gọi thầu và chọn thầu được suôn sẻ, nhanh chóng ; (iv) xác nhận tiềm năng dầu khí sáng sủa ở ngoài khơi, và (v) đã làm hết thảy công việc đó nhanh chóng vào đúng lúc mình cần".

Ban hành luật số 011/70

Luật Dầu hỏa Việt Nam Cộng Hòa được Tổng thống Thiệu ký và ban hành. Theo đó, thời gian các công ty tìm kiếm dầu được quy định là 5 năm, có thể gia hạn thêm 5 năm ; riêng thời gian sản xuất là 30 năm, có thể gia hạn thêm 10 năm. Đạo luật quy định cụ thể diện tích đặc nhượng tìm kiếm dầu hỏa, được chia thành từng nhượng địa, gọi là "lô". Mỗi nhượng địa không quá 20.000 km2. Mỗi công ty không được cấp quá 5 nhượng địa, tức không quá 100.000 km2.

Quy định này là khôn ngoan vì giúp có nhiều công ty cạnh tranh với nhau cũng như tránh dẫn đến tình trạng ngành dầu hỏa quốc gia phải phụ thuộc quá nhiều vào sự độc quyền của một công ty quốc tế.

Tới tháng 6/1971, Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc công bố sẽ cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu mỏ tại thềm lục địa với thể thức đấu thầu.

Toàn bộ vùng này nằm trong thềm lục địa miền Nam Việt Nam, được chia thành 61 nhượng địa, tức 61 lô. Trong đó 60 nhượng địa có diện tích tương đối bằng nhau, riêng nhượng địa thứ 61 rộng hơn với tổng diện tích khoảng 300.000km2.

Kết quả đo đạc địa vật lý năm 1970 của Công ty Ray Geophycical Madrel trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam để làm cơ sở cho các công ty đấu thầu.

Những bước tiến về nỗ lực thăm dò, khai thác dầu hỏa của Việt Nam Cộng Hòa được đánh giá là rất nhanh chóng so với các nước khác (với thời gian thăm dò kéo dài tới 10 năm).

Năm 1973, vừa hô lên đã có bao nhiêu hãng dầu quốc tế nhảy vào, bất chấp là tình hình an ninh chưa ổn định. Hai vòng đấu thầu năm đó cũng đã mang lại được 17 triệu đôla. Giá trị về tâm lý của số tiền này còn lớn hơn gấp mấy lần. Năm 1974, người kế nhiệm ông Ngọc là Nguyễn Đức Cường, Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ, lại thu được trên 30 triệu đôla do các hãng dầu nộp thêm. Đây là số tiền tuy nhỏ nhoi nhưng thật quý giá vào lúc đó, khi dự trữ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chẳng còn bao nhiêu.

Chính phủ cấp giấy phép cho sáu tổ hợp công ty dầu lửa được khai thác 13 địa điểm trong một khu vực 82.000 cây số vuông. Đó mới chỉ là 16,4% của thềm lục địa.

saigon3

Các lô đặc nhượng đầu tiên được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phân chia trên thềm lục địa Việt Nam : 8 lô trúng thầu được đóng bìa da với 4 màu khác nhau cho bốn công ty trúng thầu : xanh nhạt (Mobil), xanh biển (Sunningdale), đỏ (Esso) và nâu (Pecten) - Ảnh : Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Vết sáng trên bầu trời ảm đạm

Mùa Hè 1974, giữa bối cảnh lạm phát phi mã và những tin tức bi đát về viện trợ, lại có những tin vui được loan đi liên tục. Các hãng thăm dò dầu lửa báo cáo đã thực sự tìm thấy dầu trên thềm lục địa. Ngày 17/8/1974, hãng Pecten đào được dầu ở lô 08-TLD, đặt tên là Hồng-1X.

Kết quả cho thấy có dầu dưới độ sâu 1.374 mét. Rồi giếng thứ hai, Dừa 1-X, trong cùng một diện tích lại tìm được khả năng dầu thô và dầu khí còn cao hơn. Thử nghiệm cho thấy tất cả có hai nguồn : mỗi nguồn có khả năng khai thác ngay 1.514 thùng dầu thô mỗi ngày và 5,8 triệu thước khối (cubic feet) dầu khí.

Tới tháng 10/1974, hãng Mobil khoan giàn Bạch Hổ 1 (White Tiger), tại lô 04-TLD, xác định là thực sự có "lượng dầu quan trọng" dưới độ sâu trên 2,7 cây số (9.000 feet).

Rồi Bạch Hổ tiếp tục thử nghiệm ở độ sâu trên 9.000 feet cho thấy khả năng của túi dầu có thể khai thác là 2.400 thùng dầu thô (3.400 lít) và 25.000 thước khối dầu khí một ngày.

Hãng Marathon và Union Texas quyết định khoan giếng đầu tiên vào cuối 1974.

Một sự trùng hợp lạ lùng : hai hãng Esso và Sunningdale có kế hoạch khoan dầu – lại đự định đào dầu vào chính ngày 30 tháng Tư 1975.

Dựa trên báo cáo của các hãng tìm dầu, khả năng xuất cảng được ước tình là vào năm 1977 Việt Nam Cộng Hòa sẽ có thể xuất cảng dầu lửa từ 6 giàn khoan với số tiền là 1 tỷ USD mỗi năm - với giá dầu thô (vào lúc ấy) chỉ là 12 USD mỗi thùng.

Như vậy là ông Trời đã gửi đến một vì sao cứu tinh ? Đang khi xoay xở chỉ có 300 triệu đôla để mua xăng nhớt, tiếp liệu mà cũng không thành công, bây giờ có khả năng là dầu sẽ mang tới cả tỷ đôla.

Ngoài giá trị vật chất, nó còn có một giá trị tinh thần : số tiền này đã mang đến một niềm hy vọng – dù chỉ là hy vọng dang dở - cho cả lãnh đạo lẫn người dân miền Nam.

Khi nộp đơn đấu thấu, dù các công ty chưa biết có thực sự đào được dầu hay không và còn phải chi tiêu nhiều tiền cho công việc tìm kiếm, nhân sự, giàn khoan, mà họ đã phải nộp tiền trước.

Như vậy là chắc chắn lắm rồi ? Miền Nam có thể nghĩ tới khả năng phát triển lâu dài và bền vững.

saigon4

Ảnh chụp vệ tinh đảo Trường Sa Lớn

Ba điểm đáng lưu ý về dầu khí

Trở lại quá trình tìm kiếm dầu lửa, chúng tôi xin ghi lại nơi đây 3 điểm đáng lưu ý :

1. Trong chuyến viếng thăm giàn khoan dầu cùng với Tổng thống Thiệu, các chuyên gia còn cho biết rằng : Túi dầu lửa lớn của Việt Nam Cộng Hòa ở quần đảo Trường Sa có ăn thông vào với túi dầu của Indonesia. Như vậy, ta có thể hỏi liệu Indonesia – một trong những thành viên của tập đoàn dầu lửa OPEC - đã và đang khai thác dầu lửa (và dầu khí) của Việt Nam ?

2. Mùa Xuân 1975, hãng GSI (Geophysical Service Incorporation (GSI) bắt đầu khảo sát dầu lửa ở vùng Duyên hải miền Trung lên tới vĩ tuyến 17. Hai tàu được dùng vào công cuộc khảo sát là Dunlap và Cecile Green. Hãng GSI đã có kế hoạch bán tài liệu kỹ thuật về kết quả khảo sát cho những hãng nào muốn tham gia tìm và đào dầu ở khu vực này. Việt Nam Cộng Hòa cho GSI khảo sát với điều kiện sẽ phải chia 50% lợi nhuận thu được cho chính phủ.

3. Có lần chúng tôi được nghe một anh phi công trực thăng người Pháp nói : "Theo kinh nghiệm làm việc cho các hãng dầu lửa nhiều năm, tôi thấy ở nơi nào có nhiều tôm là có dầu lửa". Tôi liền hỏi : "Vậy anh nghĩ Việt Nam có dầu ở đất liền không ?". Anh ta vui vẻ trả lời : Tôi không biết rõ, nhưng tôi nghĩ rằng các ông có dầu lửa ở Đồng bằng Cửu Long".

Thực hư không biết, nhưng đầu năm 1975, qua sự giới thiệu của Trung tướng Đặng Văn Quang (Cố vấn Quân sự của Tổng thống Thiệu), đại diện của một hãng dầu lửa quốc tế ở Hồng Kông (chúng tôi không nhớ tên) đã đến Bộ Kế hoạch để trình bày rằng họ đã tìm thấy dầu khí ở vùng Đồng bằng Cửu Long. "Ở đâu ?", tôi vội vàng hỏi. "Chúng tôi không thể trả lời ông được, vì phải chi phí tốn kém mới có những thông tin này". Họ đề nghị chính phủ hai điểm : thứ nhất, cho công ty đào ngay mà không phải qua thủ tục đấu thầu, thủ tục hành chánh rườm rà ; và thứ hai, khi khai thác và xuất cảng được dầu thì sẽ chia đều 50% giữa họ và Chính phủ.

Chúng tôi báo cáo với Tổng thống Thiệu và ông chỉ thị phải xúc tiến ngay.

Tại Bộ Kế hoạch, anh em hết sức vui mừng. Đặc biệt là Kỹ sư Nguyễn Kim Cương, nguyên Tổng Giám đốc Ngân sách Ngoại viện. Vui mừng vì triển vọng thành công của Kế hoạch Ngũ niên 1976-1980 là trông thấy. Kế hoạch này nhằm tiến tới tự túc tự cường và hết còn phải phụ thuộc vào "viện trợ Mỹ".

Thế nhưng niềm vui của ngày Tết Ất Mão đã qua mau. Nó như môt tia sáng đã lóe lên rồi vụt tắt !

Tới ngày 10/3/1975 thì những tiếng đại pháo đã vang rền trên bầu trời Ban Mê Thuột, rồi tới Huế, Đà Nẵng, Xuân Lộc…

***

Nhìn lại lịch sử, ta thấy ông Trời đã ban phát cho nhân dân Việt Nam một tài nguyên lớn lao. "Tiền rừng" thì chẳng có là bao, nhưng "bạc biển" thì cất kỹ ở ngay ngoài khơi.

Những thành công ban đầu của Việt Nam Cộng Hòa đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành dầu lửa và dầu khí của Việt Nam ngày nay. Và mỏ dầu Bạch Hổ vẫn tiếp tục đóng vai chủ lực. Trong những thập niên qua, xuất cảng dầu lửa và dầu khí đã mang tới cả trăm tỷ đôla. Theo Statistica Reseach thì năm 2012, trị giá xuất cảng dầu đã lên tới 8,3 tỷ USD (cao nhất).

Ấy là chưa kể túi dầu ở Trường Sa Lớn. Nếu như thông tin của chuyên gia Mobil Oil về túi dầu của Việt Nam ăn thông với những mỏ dầu của Indonesia (như đề cập trên đây) là chính xác thì thật là thiệt thòi cho Việt Nam trong bao nhiêu năm qua.

Ngày Tết Giáp Thìn, chúng ta cầu mong cho tiềm năng dầu lửa ở Trường Sa sẽ mãi mãi thuộc về sở hữu của người dân Việt.

Nguyễn Tiến Hưng

Nguồn : BBC, 06/02/2024

**************************

Hoạt động thăm dò dầu khí ở miền Nam trước năm 1975

PetroTimes, 01/05/012

Theo các tài liệu lưu trữ, trong thời kỳ 1954 đến 1961 đã không có bất kỳ hoạt động khảo sát địa chất dầu khí nào được tiến hành ở miền Nam Việt Nam. Năm 1967, với hy vọng có dầu khí ở thềm lục địa do khảo sát địa vật lý mang lại, Nha Tài nguyên thiên nhiên thuộc Bộ Kinh tế, chính quyền Việt Nam Cộng hòa được giao nhiệm vụ soạn thảo Luật Dầu hỏa, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của Iran.

Ngày 1/12/1970, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ban hành Đạo luật Dầu hỏa số 011/70 ấn định việc tìm kiếm, khai thác dầu mỏ cùng điều kiện thuế khóa và hối đoán liên quan. Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu tóm lược về hoạt động thăm dò dầu khí ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

saigon5

Hoạt động thăm dò, khảo sát của Naval Oceanographic Office ngày nay. Trước đó, từ năm 1964, đơn vị này đã tiến hành khảo sát địa chấn ở Biển Đông và vịnh Thái Lan (ảnh Victor Cornin)

Nghiên cứu địa chất – địa vật lý

Năm 1966, theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế Châu Á của Liên Hiệp Quốc (ECAFE), các nước trong khu vực thành lập Ủy ban Điều phối chương trình điều tra khoáng sản ngoài khơi Châu Á (CCOP) (tháng 10-2001 đổi tên là Ủy ban Điều phối các chương trình khoa học địa chất ở Đông và Đông Nam Châu Á) nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực triển khai thăm dò và tìm kiếm tài nguyên khoáng sản ở ngoài khơi.

Năm 1967, Cơ quan Hải dương học Mỹ tiến hành khảo sát toàn bộ thềm lục địa Nam Việt Nam bằng từ hàng không (tỉ lệ 1/250.000, tiết diện 10 gamma). Tiếp theo, năm 1967-1968 Công ty Alping Geophysical Corporation cũng triển khai nghiên cứu ở vùng này.

Năm 1968, Không quân Hoa Kỳ đã tiến hành đo từ hàng không phần phía nam của Việt Nam Cộng hòa, chủ yếu là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phần biển nông ven bờ. Cũng trong năm này, nhiều công ty của Anh tiến hành thăm dò địa chấn sơ bộ ở Biển Đông và vịnh Thái Lan. Kết quả phát hiện một tầng trầm tích dày khoảng 3-4km có cấu trúc cấu – kiến tạo khá thuận lợi cho việc chứa dầu.

Năm 1969, Naval Oceanographic Office tiến hành khảo sát địa chấn ở Biển Đông và vịnh Thái Lan với mạng lưới tuyến có chiều dài hơn 16.000km. Công ty Ray Geophysical "Mandrel" đã tiến hành đo địa vật lý ở vùng thềm lục địa miền Nam và vùng phía nam Biển Đông với tổng số vào khoảng 3.482km tuyến.

Kết quả các khảo sát này được đăng trên tạp chí của CCOP, đã hấp dẫn các công ty dầu quốc tế quan tâm đến tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Một số nước trong vùng Đông Nam Á như Brunei, Malaysia,

Indonesia tiếp cận vùng Biển Đông đối diện với Việt Nam, đã phát hiện và khai thác dầu từ lâu. Do vậy, một nhóm công ty dầu quốc tế đã hợp tác thuê Công ty Ray Geophysical "Mandrel" thực hiện chương trình khảo sát địa chấn, từ và trọng lực tương đối chi tiết hơn trên thềm lục địa Việt Nam. Khoảng 8.400km tuyến địa vật lý đã được khảo sát trong 2 năm 1969 và 1970 theo mạng lưới 30km x 40km.

Đầu năm 1970, Công ty Mandrel đã tiến hành đo đợt hai ở phía nam Biển Đông và dọc theo bờ biển miền Nam với khối lượng 8.639km tuyến địa vật lý, bảo đảm mạng lưới tuyến 30km x 50km kết hợp giữa các phương pháp địa chấn, trọng lực và từ. Tổng khối lượng nghiên cứu địa vật lý thực là 9.935km tuyến.

Các tuyến địa vật lý khu vực của Công ty Mandrel cũng như các công ty khác đã cho phép lập các sơ đồ đẳng thời tỉ lệ 1/500.000, cho thấy các tầng phản xạ, chiều dày tối thiểu của lớp trầm tích nơi này có thể hơn 2km. Qua đó có thể xác định được một số đơn vị cấu trúc như đới nâng Khorat, đới nâng Côn Sơn, 3 bồn trầm tích: Sài Gòn – Brunei (sau là bể Nam Côn Sơn), Mekong (sau là bể Cửu Long) và vịnh Thái Lan (sau là bể Malay – Thổ Chu) đều có triển vọng chứa dầu rất cao.

Chuẩn bị gọi thầu

Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, dầu khí thế giới đã có những chuyển biến quan trọng. Năm 1960, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được thành lập. Một số nước trong OPEC đã bắt đầu áp dụng một vài kiểu hợp đồng khác với đặc nhượng : hợp đồng phân chia sản phẩm – PSC (Iran, Indonesia), hợp đồng dịch vụ (Iran, Venezuela) và hợp đồng đồng điều hành – JOC (Algerie, 1969). Tại các hợp đồng phân chia sản phẩm và dịch vụ như ở Iran, Indonesia và Venezuela, công ty dầu trở thành nhà thầu chịu trách nhiệm sản xuất và được chia tỉ lệ dầu sản xuất 40/60, 25/75 v.v… với nước chủ quyền hoặc được nước chủ quyền trả phí dịch vụ bằng dầu. Ở Venezuela, hợp đồng dịch vụ được Công ty Dầu khí Venezuela (CVP) áp dụng kể từ năm 1968. Ở Iran, năm 1966, Công ty Dầu của Pháp là ERAP nhận làm dịch vụ tìm và sản xuất dầu cho Công ty Dầu quốc gia của Iran (NIOC) để nhận tiền công bằng số dầu do hai bên thỏa thuận. Thực ra, sau một thời gian dài áp dụng hợp đồng đặc nhượng, các nước này đã tích lũy được kinh nghiệm và đủ mạnh về kỹ thuật và tài chính, nên đã thành lập Công ty Dầu khí quốc gia Pertamina ở Indonesia, NIOC ở Iran, CVP ở Venezuela v.v… Đặc biệt, Mexico là nước phản ứng mạnh nhất và tiến bộ nhất bằng việc quốc hữu hóa công nghiệp dầu mỏ với sự thành lập Công ty Dầu quốc gia PEMEX. Nói chung, qua các hợp đồng này, chủ quyền mỏ dầu thuộc về nước có dầu chứ không còn thuộc về công ty dầu như trong hợp đồng đặc nhượng.

Cuối năm 1970, Công ty Conoco (Mỹ) tiếp xúc với Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng hòa để tìm hiểu về hợp đồng đặc nhượng. Hai kỹ sư Võ Anh Tuấn (Nha Tài nguyên thiên nhiên) và Trần Văn Khởi (lúc bấy giờ là Trưởng phòng Đầu tư, Bộ Kinh tế) được giao nhiệm vụ làm việc với Conoco để tìm hiểu về công nghiệp dầu khí. Conoco đề xuất nên cấp những lô đặc nhượng lớn để việc khai thác được tối ưu, không nên quan hệ với các công ty khổng lồ như Shell và Esso vì các công ty này có thể chỉ giữ chỗ vì đang bận rộn với những mỏ dầu ở những nơi khác. Conoco chỉ mong muốn được thương lượng với chính quyền Việt Nam Cộng hòa để xin cấp một lô lớn ít nhất là 10.000km2, mà không cần phải qua đấu thầu. Sau này, Conoco đã không dự thầu.

Ngay sau khi thành lập Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản, Văn phòng Tổng cuộc đã mời các chuyên gia luật và kỹ thuật của Iran giúp soạn thảo bản hợp đồng đặc nhượng mẫu và các văn kiện và gọi thầu, sau đó mời một luật gia người Anh chuyên ngành dầu mỏ để tham khảo thêm ý kiến. Đạo luật Dầu hỏa không quy định phải có đấu thầu. Nhưng các chuyên gia tư vấn góp ý là nên tổ chức những cuộc gọi thầu rộng rãi, không nên thương lượng song phương. Các văn kiện gọi thầu gồm thông báo ý định tiến hành tìm kiếm và khai thác dầu ở thềm lục địa, thư mời, bản "vấn đề lục" và hợp đồng mẫu. Trong "đề cung" (offer) dự thầu, các công ty phải nêu ra năng lực, kế hoạch, kinh nghiệm, khả năng kỹ thuật, khả năng tài chính cho việc tìm dầu và ý định khác của họ như việc đào tạo công nhân viên Việt Nam trong ngành công nghiệp này.

Sau này, khi kết quả đấu thầu được công bố vào tháng 7/1973, Văn phòng tiến hành in hợp đồng đặc nhượng chính thức để chuẩn bị việc ký kết với các công ty dầu vào tháng 8/1973. Việc in ấn hợp đồng được giao cho nhà in SAIGON, song Văn phòng lại phải hằng ngày có mặt tại nhà in trên đường Trần Quốc Toản hiện nay, để theo dõi, đôn đốc, sửa lỗi morate, kiểm tra số trang trước khi đóng tập. Trong đợt 1 cấp quyền đặc nhượng, 32 bản hợp đồng chính (16 bản tiếng Anh và 16 bản tiếng Việt) cho 8 lô trúng thầu được đóng bìa da với 4 màu khác nhau cho bốn công ty trúng thầu : xanh nhạt (Mobil), xanh biển (Sunningdale), đỏ (Esso) và nâu (Pecten). Các bản chính này được dùng để ký kết và mỗi bên giữ 2 bản. Một số bản phụ với bìa giấy trắng dày có chữ theo 4 màu nói trên được in thêm để sử dụng khi cần và để lưu trữ.

Ranh giới thềm lục địa – những tranh chấp

Sau khi cùng với luật sư Vương Văn Bắc (Ủy viên Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa) và Giám đốc Trần Văn Khởi dự Hội thảo về pháp luật dầu hỏa do ECAFE tổ chức ở Bangkok năm 1971, Nguyễn Văn Vĩnh được Văn phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu tập tài liệu ECAFE này để vẽ bản đồ ranh giới tạm thời thềm lục địa miền Nam chủ yếu ở phía đông trong khu vực từ Phan Thiết ra đến khu vực biển có độ sâu 200m và từ kinh tuyến 1100 xuống phía nam và vòng qua vịnh Thái Lan. Miền Trung có thềm lục địa hẹp dự kiến sẽ được khảo sát và phân lô sau này. Đường cơ sở dùng để xây dựng ranh giới thềm lục địa vào thời điểm đó là đường chính giữa tính từ đất liền hoặc hải đảo của mỗi nước trong vùng Biển Đông. Các đảo chính được sử dụng làm đường cơ sở là Phú Quý, Côn Sơn, Hòn Khoai, Thổ Chu, Pirates và Phú Quốc.

Chính sự bất đồng quan điểm về hải đảo được chấp nhận hay không giữa các nước đã tạo ra 2 vùng tranh chấp giữa Việt Nam với Indonesia, Malaysia. Tại thời điểm này, Indonesia và Malaysia đã ấn định đường ranh giới thềm lục địa ở Biển Đông rồi, còn ở phía tây, Thái Lan và Campuchia chưa chính thức công bố ranh giới.

Ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia, đã có những phần lấn vào nhau tạo ra một vùng tranh chấp rộng nhất, khoảng 25.000km2. Đường chính giữa của Việt Nam là đường cách đều giữa đảo Côn Sơn (chỉ cách bờ biển khoảng 70km) và bờ biển Kalimantan. Indonesia chọn đường chính giữa của đảo Natuna (cách bờ biển của họ 150km) và bờ biển Việt Nam. Không bên nào chấp nhận đảo của đối phương làm đường cơ sở.

Giữa Việt Nam và Malaysia, vùng tranh chấp rộng khoảng 15.000km2 nhưng không quá căng thẳng về đường cơ sở vì những hòn đảo phía tây Malaysia như Trengganu tương đối khá gần bờ biển của họ.

Năm 1972, Việt Nam và Campuchia đã có một cuộc họp sơ bộ về thềm lục địa giữa hai cơ quan dầu mỏ tại Phnôm Pênh. Campuchia không đồng ý đường ranh giới của Việt Nam lấy đảo Phú Quốc và một số đảo nhỏ làm đường cơ sở. Nguyễn Văn Vĩnh đã thuyết trình về đường ranh giới này với phía Campuchia. Cuối cùng hai bên đồng ý không đưa ra giải pháp nào mà chỉ nhằm mục đích tìm hiểu quan điểm của nhau trước khi tiến đến một phiên họp cấp cao hơn. Đột nhiên vào tháng 8/1974, dù chưa chính thức công bố đường ranh giới, chính quyền

Campuchia vẫn cho phép tổ hợp Elf – Esso mang tàu khoan dầu Glomar IV vào khoan bên trong ranh giới thềm lục địa Việt Nam về phía tây nam đảo Phú Quốc, Việt Nam Cộng hòa đã phản kháng và yêu cầu chính quyền

Campuchia cho ngừng ngay hoạt động khoan ở bên trong ranh giới thềm lục địa Việt Nam đã công bố. Vào giữa tháng 9/1974, tàu Glomar IV đã nhổ neo rời khỏi vị trí khoan.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh nguyên là Giám đốc Cuộc Dầu hỏa của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản kể lại: "Cả sáu người của Văn phòng cùng nhau chia sẻ mọi công việc cần phải làm, dịch bản hợp đồng đặc nhượng gốc tiếng Anh sang tiếng Việt.

Để kịp trình Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa cứu xét cho việc chuẩn bị đấu thầu, cả nhóm cùng nhau thức đêm hôm, nhất là trong giai đoạn thực hiện in roneo 2 bản hợp đồng đặc nhượng mẫu tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài cái máy roneo và giấy được Bộ Kinh tế cấp, những vật tư văn phòng khác như cái đục lỗ, kẹp Acco và những thứ lặt vặt khác, Văn phòng phải đi lùng mua ở chợ trời nơi bán hàng phế thải Mỹ.

Bà Trước đánh máy, chúng tôi chữa lỗi từng trang stencil đến mờ mắt trong ánh sáng yếu ớt của văn phòng vào ban đêm, quay roneo trên giấy trắng cỡ 21cm x 33cm, in bìa, đục lỗ rồi kẹp đóng thành tập dày khoảng 1cm. Các hợp đồng đặc nhượng mẫu này cùng với các văn kiện khác sẽ được trao cho các công ty tham khảo trước khi dự thầu. Toàn bộ các văn bản này đã được Văn phòng hoàn tất trong vòng 6 tháng và đã được Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa chấp nhận".

 

(Theo Lịch sử Dầu khí)

Nguồn : PetroTimes, 01/05/2012

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Tiến Hưng, PetroTimes
Read 329 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)