Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam 2013 khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) lên Nhà nước và xã hội. Đại hội lần thứ VI của Đảng cũng tái khẳng định quan điểm của ông Hồ Chí Minh về tôn chỉ, lý tưởng của Đảng rằng : "Đảng không có mục đích nào khác ngoài đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân" ; "Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII rằng : "Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".
AFP
Thực tế ra sao ?
Thực tế Đảng cộng sản Việt Nam có đem lại hạnh phúc cho dân, có làm hợp lòng dân như những gì họ nói hay không ? Trung tá Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản vào năm 2014, sau 31 năm là đảng viên, nói với RFA quan điểm của ông :
"Từ khi thành lập Đảng thì lúc nào họ chả nói mục đích xuyên suốt là đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Khẩu hiệu của họ là ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’. Nhưng khác ở chỗ là họ làm thế nào thôi. Có cái họ đạt được, có cái chưa.
Cái đạt được mà ai cũng thấy là thống nhất được đất nước ; từ một nước đói ăn, giờ xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới ; về đối ngoại, Việt Nam đã có quan hệ đối ngoại chiến lược toàn diện với hầu hết các nước lớn trên thế giới. Về kinh tế, quan hệ thương mại với Mỹ đứng đầu các nước ASEAN, đứng thứ tám trên thế giới.
Cái chưa đạt được là chưa hội nhập hoàn toàn với thế giới về các điều luật, các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đã ký kết. Tôi nói về pháp luật, họ nói ‘mọi người bình đẳng trước pháp luật’, nhưng thực tế không như thế. Cán bộ đảng viên vẫn được xử nhẹ hơn. Thậm chí nộp tiền thì án lại giảm. Tức là hàng rào pháp luật thì họ có nhưng khi thực hiện lại theo chỉ đạo của đảng. Đặt đảng lên trên pháp luật. Không có tư pháp độc lập. Tòa xử không theo luật mà chỉ theo chỉ đạo của Đảng, như ông Trọng nói, cương lĩnh của Đảng đứng trên Hiến pháp thì đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thôi".
Trong buổi nói chuyện cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm hôm 28/9/2013, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất, sau Cương lĩnh của Đảng".
Đảng cộng sản Việt Nam thành lập vào ngày 3/2/1930, sau đó đổi tên thành Đảng cộng sản Đông Dương. Ngày 11/11/1945, Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán và tổ chức ra Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Việc giải tán này thực chất được nói là đảng rút vào hoạt động bí mật.
Năm 1951, Đảng cộng sản Đông Dương quyết định ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 3/3/1951, tại Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Đảng Lao động Việt Nam chính thức ra mắt quốc dân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của đảng diễn ra từ ngày 14 đến 20/12/1976, Đảng Lao động Việt Nam được đổi tên lại thành Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nhận định về Đảng cộng sản Việt Nam :
"Khi ông Mikhail Gorbachov - Cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô - lên cầm quyền, trong giai đoạn cuối mà Đảng cộng sản Liên Xô tan rã, bị chấm dứt hoạt động, ông có nói một câu rất đanh thép : ‘Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng : Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá’. Như thế là đủ hiểu !".
Theo ông Nguyễn Khắc Toàn, con đường mà trước đây Đảng đi theo mô hình của Liên Xô xã hội chủ nghĩa thì cũng bế tắc, đưa đến những thất bại, nhưng nhờ có tư duy thay đổi từ Đại hội VI đến nay theo mô hình của Trung Quốc thì đất nước cũng thu được một chút thành tựu. Ông Toàn nói tiếp :
"Nhưng thành tựu như thế thì Đảng không nên thỏa mãn, bởi so với những nước như Hàn quốc, Đài Loan, Nhật Bản… là những nước cũng bị chiến tranh tàn phá nhưng chỉ trong 25, 30 năm họ đã trở thành hiện tượng kỳ diệu về kinh tế. Việt Nam với hơn 40 năm, tức gần gấp đôi thời gian phục hồi kinh tế của Hàn quốc, Đài Loan, Nhật Bản… mà bình quân đầu người chỉ có 4.000 đô la thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn để lãng phí nguồn lực của đất nước ; lãng phí thời gian và công sức của nhân dân.
Phải có đổi mới. Muốn đổi mới mạnh để mang lại hạnh phúc cho nhân dân ; để đưa đất nước thật sự cất cánh, thì chỉ có một con đường là cải cách thể chế chính trị để thu hút người tài. Nhất là trong giới trí thức. Phải chọn những người tài trong giới trí thức ngoài xã hội. Họ có thể không phải là đảng viên nhưng họ có tài năng, trí tuệ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của nhà cầm quyền, đưa đất nước đi lên".
Giải pháp
Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam năm 2011 nêu rõ, phải tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Mục đích của Đảng luôn được tuyên truyền là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Hai năm sau, năm 2013, khi phát biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Phú Trọng có nói rằng : "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là ‘đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ chuẩn hơn".
Cho đến nay, chỉ còn bốn quốc gia theo Xã hội chủ nghĩa dựa trên nền chủ nghĩa Marx-Lenin là : Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nói về sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam mấy chục năm qua, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận xét :
"Người cộng sản thì họ nói rất là hay, nhưng khi chúng ta nhìn vào thực tế thì chúng ta thấy, trong 94 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam đã tìm mọi cách dành quyền lãnh đạo, và họ đã sử dụng tất cả những biện pháp cứng rắn như đàn áp, bắt giữ những người có tiếng nói đối lập, không cho các tổ chức đối lập hoạt động.
Đặc biệt là trong hơn ba thập kỷ qua, kể từ khi đổi mới đất nước, khi nền kinh tế phát triển, họ đã tạo ra một hệ thống tham nhũng trên toàn quốc. Ngay cả những người lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam từ thời ông Lê Khả Phiêu đến thời ông Nguyễn Phú Trọng đều nhiều lần thừa nhận tham nhũng đã trở thành quốc nạn, trở thành giặc nội xâm của đất nước.
Với tất cả những gì Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang làm cho đất nước, họ không thể nào tự cải cách chính bản thân họ. Bởi họ thiếu đi động lực từ các đảng đối lập, từ báo chí tự do, từ các tổ chức xã hội dân sự. Cho nên, giải pháp tốt nhất là người dân Việt Nam phải được cầm trong tay lá phiếu để quyết định lựa chọn người lãnh đạo đất nước, cũng như lựa chọn đảng cầm quyền thì đất nước mới khá được".
Nhiều trí thức Việt Nam cho rằng, Việt Nam muốn giàu có, thịnh vượng thì phải dũng cảm từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, từ bỏ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 05/02/2024