Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/02/2024

Trung Quốc có thể "chiếm hữu theo thời hiệu" đối với Hoàng Sa và một phần Trường Sa không ?

Hoàng Việt, Lê Vĩnh Trương

Quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng đều bị nước này giành lấy từ những cuộc tấn công quân sự đối với Việt Nam. Năm 2024 là 50 năm Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Năm nay cũng là 36 năm Trung Quốc tấn công một số thực thể ở Trường Sa và lần đầu hiện diện ở phía nam Biển Đông.

RFA có cuộc trao đổi với hai nhà nghiên cứu là Luật gia Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, một tổ chức phi chính phủ đăng kí tại Pháp, về một số vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với hai quần đảo lớn nhất này trên Biển Đông. 

chiemhuu0

Liệu Trung Quốc có thể sử dụng quyền "chiếm hữu theo thời hiệu" để giành được chủ quyền về mặt pháp lý đối với những thực thể này không ?

Chiếm đóng bằng vũ lực 

Trao đổi với RFA qua email, Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương cho rằng đối với Hoàng Sa và các thực thể ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng, bất kể nước này quản lý các thực thể đó bao lâu đi nữa, họ cũng không thể nhận được sự công nhận của quốc tế về mặt chủ quyền. Theo Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, đến nay thì Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa trên thực tế đã 50 năm, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến tính chính nghĩa của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa. Bởi lẽ Trung Quốc đã đánh chiếm lãnh thổ Hoàng Sa bằng vũ lực, vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc và Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1970, theo đó không công nhận bất kỳ lãnh thổ nào được thụ đắc bằng bạo lực. Việt Nam không cần lo lắng họ chiếm Hoàng Sa càng lâu thì mình mất chính nghĩa đối với vùng lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Từ sau khi thế giới có Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Nghị quyết 2625 năm 1970 thì Trung Quốc có chiếm đóng Hoàng Sa bao lâu đi nữa cũng không ai công nhận chủ quyền của họ cả.

Theo Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, Việt Nam chỉ mất Hoàng Sa thực sự khi công khai thừa nhận chủ quyền của họ đối với quần đảo này. Nhưng Việt Nam sẽ không bao giờ làm như vậy. Hôm 20/1 mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa đã tuyên bố  chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nhân 50 năm Trung Quốc đánh chiếm quần đảo bằng bạo lực.

Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương nhấn mạnh rằng 14 năm sau Hoàng Sa, đến 1988, Trung Quốc một lần nữa dùng bạo lực để tiến xuống Trường Sa. Đây là lần đầu tiên họ thụ đắc lãnh thổ ở Trường Sa. Có thể nói, lịch sử thụ đắc lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông phần lớn là bằng con đường bạo lực, xâm lược, trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ngày nay, họ vẫn đang tiếp tục tăng cường quân sự hóa ở Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách xây dựng đảo nhân tạo, lắp đặt thêm vũ khí tối tân. Họ làm cho Biển Đông có nguy cơ trở thành điểm nóng của khu vực. Ông Lê Vĩnh Trương cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ không làm ngơ trước điều đó vì đây là tuyến hàng hải huyết mạch này của thế giới.

"Chiếm hữu theo thời hiệu"

Theo luật gia Malcolm N. Shaw, trong sách "International Law", bản in năm 2008 xuất bản lần sáu, thì "chiếm hữu theo thời hiệu" (prescription acquisitive) là cách thức thụ đắc lãnh thổ bằng con đường chiếm hữu liên tục trong thời gian dài, bất kể lãnh thổ đó được chiếm hữu một cách bất hợp pháp, nhưng việc chiếm hữu kéo dài một một khoảng thời gian dài mà quốc gia có chủ quyền với nó lại không phản đối trong một thời gian dài. Trung Quốc đã chiếm hữu Hoàng Sa và một phần Trường Sa bằng vũ lực trong một thời gian dài, 50 năm với Hoàng Sa và 36 năm với một phần Trường Sa.

RFA đặt câu hỏi với Luật gia Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh rằng liệu Trung Quốc có thể sử dụng quyền "chiếm hữu theo thời hiệu" để giành được chủ quyền về mặt pháp lý đối với những thực thể này không. Thạc sĩ Hoàng Việt nói :

"Luật pháp quốc tế về chủ quyền không có một quy định rõ ràng, mà nó rải rác qua nhiều văn bản, như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các án lệ quốc tế, các học thuyết pháp lý quốc tế. Trong các văn bản trên, không có chỗ nào nói một vùng lãnh thổ sẽ bị mất, không thể kiện sau khi bị chiếm hữu 50 năm. 

Chủ quyền là câu chuyện kéo dài có thể hàng trăm năm vẫn không chấm dứt được. Ta lấy ví dụ tranh chấp đối với đảo Falkland / Malvinas giữa Anh quốc và Argentina. Năm 1982, lúc đó nước Anh đã chiến thắng tại Tòa Công lý Quốc tế và thậm chí còn chiến thắng trong một cuộc hải chiến trên biển đối với Argentina. Thế nhưng bây giờ nếu hỏi người Argentina là họ đã từ bỏ giấc mơ đòi lại quần đảo Falkland / Malvinas hay chưa thì câu trả lời là chưa. 

Rất nhiều vùng lãnh thổ khác trên thế giới cũng vậy. Ví dụ vùng lãnh thổ Sabah đã thuộc về Malaysia từ lâu nhưng vẫn là nỗi đau trong lòng người Philippines. Người Philippines chưa quên được. Hoặc như tranh chấp quần đảo Kuril giữa Nga và Nhật Bản vẫn chưa ngừng. Có thể nói đó là những tranh chấp kéo dài hằng trăm năm vẫn không thể hết. 

Luật quốc tế không có điều khoản nào hạn chế một thời hiệu theo cái nghĩa là sau bao nhiêu năm thì không được khởi kiện nữa. Như trong vụ Tòa án Công lý Quốc tế xét xử tranh chấp đối với đảo Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore, trong đó Malaysia lập luận rằng họ có một tiểu vương đã thiết lập chủ quyền đầu tiên. Nhưng người tới đảo sớm nhất này đã không tiếp tục giữ chủ quyền mà bỏ đi. Sau này là người Singapore đã giữ đảo, rồi người Anh chiếm giữ và sau đó trao trả lại cho Singapore. Tòa đã phán quyết là người thiết lập chủ quyền đầu tiên là Malaysia, nhưng người chiếm giữ thực tế một cách hòa bình và lâu dài là Singapore nên đã trao quyền sở hữu cho Singapore. 

Câu chuyện Hoàng Sa thì hoàn toàn khác. Trung Quốc không phải dùng biện pháp hòa bình mà dùng bạo lực, trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Nghị quyết 2625 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1970. Trong luật quốc tế cũng có quy định rằng nếu một lãnh thổ bị xâm chiếm mà không lên tiếng phản đối thì sẽ mặc nhiên bị coi là công nhận chủ quyền của bên chiếm đóng. 

Nhưng với trường hợp Hoàng Sa thì Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã ngay lập tức lên tiếng phản đối. Sau đó Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, cũng liên tục lên tiếng phản đối Trung Quốc, hằng năm hoặc mỗi khi có sự kiện liên quan. 

Đó là chưa kể trong các "cuộc chiến công hàm" năm 2019, 2020, 2021 thì Việt Nam đã liên tục lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa). Ngoài ra, trong các năm trước đó, những năm như 2014, 2011 thì Việt Nam cũng gửi rất nhiều công hàm khẳng định chủ quyền. Như vậy, không thể nói Việt Nam im lặng và như vậy mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trong trường hợp này".

Hằng năm, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam vẫn thường lặp đi lặp lại một câu nói theo mẫu là "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

RFA đặt câu hỏi với Luật gia Hoàng Việt rằng sự lặp đi lặp lại một cách "nhàm chán" và đôi khi "gây cười trên mạng xã hội" này có phải là một cách phá bỏ khả năng "chiếm hữu theo thời hiệu" của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa ? Ông Hoàng Việt giải thích : 

"Không phải. Không hẳn như vậy. Vì "chiếm hữu theo thời hiệu" đòi hỏi mấy yếu tố, trước hết là phải chiếm hữu bằng biện pháp hòa bình. Mà ngay đối với điều kiện đầu tiên này thì Trung Quốc đã không thỏa mãn rồi. Một khi đã chiếm giữ lãnh thổ bằng cách vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, vi phạm Nghị quyết 2625 năm 1970 thì không thể "chiếm hữu theo thời hiệu" được. 

Còn người phát ngôn Bộ ngoại giao phát biểu liên tục hằng năm rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa là để ít nhất luôn luôn nhắc nhở quốc tế về thái độ và lập trường của Việt Nam đối với vấn đề này, chứ không phải Việt Nam im lặng". 

Việt Nam cần có sức mạnh tổng hợp 

Mặc dù Trung Quốc không thể nhận được sự đồng thuận quốc tế đối với "chủ quyền" của họ ở những thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa nhưng nước này lại đang kiểm soát trên thực tế đối với Hoàng Sa và có sức mạnh quân sự lớn nhất ở Trường Sa.

Trao đổi với RFA về sự chênh lệch lực lượng này giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông, Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương cho rằng mặc dù Trung Quốc đã chiếm ưu thế trên Biển Đông nhưng không phải là Việt Nam đã bị bịt đường ra biển. Việt Nam vẫn còn một phần Trường Sa. Việt Nam quản lý trên thực tế nhiều thực thể địa lý nhất ở đó. Dù nguồn lực kinh tế của Việt Nam không bằng Trung Quốc nhưng nhà cầm quyền có những động thái nỗ lực. 

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, Trung Quốc đòi hỏi đường lưỡi bò chiếm hơn 80% Biển Đông, nhưng theo Luật biển Quốc tế thì Biển Đông có một phần lớn là vùng biển quốc tế. Các vùng giàu tài nguyên dầu khí nằm gần bờ biển Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều đối tác quốc tế có thể hợp tác về công nghệ, tài chính và có thể một phần nào là chính trị để cùng khai thác, phát triển. Bên cạnh đó, các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, và một số nước khác nếu có thể giải quyết bằng biện pháp thương lượng hòa bình thì sẽ càng giúp cho Việt Nam giữ được biển, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển sức mạnh trên biển. Sức mạnh trên biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh tồn của dân tộc trong hiện tại và tương lai. 

Cuối cùng, vị thành viên lâu năm của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng sức mạnh tổng hợp bao gồm kinh tế , chính trị, ngoại giao và cả quân sự là vô cùng cần thiết cho Việt Nam. Nếu không có sức mạnh tổng hợp thì mơ ước khó mà thành hiện thực. Có sức mạnh tổng hợp thì mới phát huy được thế mạnh pháp lý đối với Hoàng Sa Trường Sa và Biển Đông. 

Nguồn : RFA, 06/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Việt, Lê Vĩnh Trương
Read 152 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)