Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2024

Tại sao trí thức, thanh niên ngại vào Đảng ?

Phạm Trần

Đảng cộng sản Việt Nam hay nói "trí thức là "nguyên khí của quốc gia", làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc, "trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc" ; hay "thanh niên là rường cột của nước nhà", nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ Đảng ?

trithuc1

Đội ngũ trí thức là nguyên khí của quốc gia, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc nhưng ngày nay mọi người đều muốn bỏ chạy ra khỏi Đàng. Ảnh minh họa

Lý do vì Đảng chỉ muốn gom trí thức và thanh niên "vào chung một rọ để nắm tóc". Có hai loại trí thức và hai loại thanh niên. Một là trí thức và thanh niên theo Đảng để được nuôi ăn thì được chăm nom, bảo vệ. Hai là trí thức và thanh niên "đứng ngoài Đảng" thì không được Đảng và Nhà nước quan tâm, và thường xuyên bị trù dập.

Theo Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thì trí thức của Đảng đứng chung trong tổ chức "Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam" bao gồm 156 hội thành viên (trong đó 63 liên hiệp hội ở các địa phương và 93 hội ngành toàn quốc), gần 600 tổ chức khoa học và công nghệ, hình thành một mạng lưới các tổ chức thành viên và trực thuộc rộng khắp cả nước, đa ngành, đa lĩnh vực ; tập hợp, thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước" (Tạp chí Cộng sản, ngày 24/3/2023).

Đứng ngoài Đảng

Như vậy, 4,4 triệu (2/3) trí thức còn lại đứng ngoài Đảng, trong khi thanh niên thì có tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với khoảng 6,4 triệu đoàn viên trên tổng số khoảng 23,6 triệu thanh niên Việt Nam (từ 16 - 35 tuổi). Như vậy số thanh niên không gia nhập Đảng là 17,2 triệu ngưới.

Nhưng không phải những ai đã đứng vào hàng ngủ Đảng cũng "tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Ngược lại, Đảng nhìn nhận đã có "một số không nhỏ "suy thoái tư tưởng chính trị và lối sống đạo đức" rồi "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa", quay lưng lại với Bác và chủ trương của Đảng.

Cũng nên biết Đảng cộng sản Việt Nam, do Hồ Chí Minh thành lập, ra đời ở Hương Cảng (Hong Kong) ngày 03/02/1930 đến nay có trên 5 triệu đảng viên, trên tổng số ngót 100 triệu dân.

Thế nhưng vì Đảng cộng sản là tổ chức chính trị duy nhất, lại độc quyền cai trị và độc tài lãnh đạo nên Việt Nam không có tự do và dân chủ. Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ đã tuyên bố không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Quốc hội đều do Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng, tổ chức từ khâu chọn ứng cử viên đến tổ chức bầu cử và đếm phiếu. Cử tri chỉ biết đi bỏ phiếu theo phương án "đảng cử dân bầu".

Vì gần như tuyệt đại đa số đại biểu quốc hội đều là đảng viên Đảng cộng sản nên việc bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng chính phủ cũng là người của Đảng. Tuy nhiên, những người được chọn phải do Bộ Chính trị, bầu lên từ Ban Chấp hành trung ương đảng mỗi khóa, đồng ý. Thành ra mọi chuyện đếu do Đảng thực hiện. Người dân chỉ biết "bảo đâu ngồi đó", không có quyền phản biện hay từ chối. Do đó, các cuộc bầu cử đều có kết quả từ 90% trở lên. Lề lối làm việc độc quyền này đã làm nản lòng những trí thức và thanh niên, do đó phần lớn không muốn phục vụ dưới lá cờ của Đảng.

Đó là lý do tại sao nhiều du học sinh không chịu về giúp nước sau khi đã tốt nghiệp ở nước ngoài. Theo tin của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam thì trong giai đoạn 2013 – 2022, Bộ đã cử 11.657 người du học bằng tiền nhà nước, nhưng chỉ có khoảng 7.186 người tốt nghiệp (61%) về nước, 4.471 người còn lại (39%) chưa trở về nước làm việc dù đã đến hạn.

Bộ này cũng cho hay hiện có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài, kể cả những người du học tự túc. Số sinh viên Việt tại Mỹ có khoảng 21.000 người và trong năm học 2022-2023, du học sinh Việt đã đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 816 triệu USD, tăng so với 721 triệu USD của năm học trước (Tiền Phong online, ngày 14/11/2013).

Đảng và trí thức

Để chứng minh Đảng cũng quan tâm đến trí thức, có hai Nghị quyết được ban hành cách nhau 15 năm. Một là Nghị quyết số 27  ngày 6/8/2008, do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ký, "về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và hai là Nghị quyết số 45  ngày 24/11/2023, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, "về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới".

Cả hai Nghị quyết đều rập khuôn vừa ca tụng và hoan nghênh những đóng góp của trí thức trong và ngoài nước vào công cuộc xây dựng đất nước, nhưng đồng thời cũng vạch ra những yếu kém về kiến thức và thái độ chính trị của một số người.

Nghị quyết 27 viết : "Trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém.

Số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính... trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hụt hẫng ; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.

Trong khoa học tự nhiên và công nghệ, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn quá ít.

- Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn, nhiều công trình còn sơ lược, sao chép.

- Trong văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu vẻ vang của đất nước, sự sáng tạo và hy sinh lớn lao của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

- Trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin.

- Một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan đến chính trị. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác. Một số trí thức không thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, thiếu chí khí và hoài bão. Nhiều trí thức trẻ có tâm trạng thiếu phấn khởi, chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn".

Nghị quyết 45 nói gì ?

15 năm sau, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại thay mặt Đảng ký Nghị quyết số 45  ngày 24/11/2023. Nhưng Nghị quyết mới này không cho thấy có tiến bộ nào trong công tác trí thức mà còn nêu lên những bất cập.

Theo đó thì : "Việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, hạn chế ; một số nội dung của Nghị quyết chậm được thể chế ; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn. Cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng ; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội...".

Ngoài ra, Nghị quyết 45 còn cho thấy : "Việc xây dựng đội ngũ trí thức chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến phát triển đội ngũ trí thức. Chưa xây dựng được Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Vậy nguyên nhân thất bại của 15 năm thi hành Nghị quyết 27 thời Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từ đâu ?

Nghị quyết 45 trả lời : "Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc ; việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả ; chậm khắc phục hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Một bộ phận trí thức chưa nhận thức đầy đủ vai trò đối với phát triển đất nước, còn thụ động, trông chờ, ngại bày tỏ chính kiến ; năng lực, phẩm chất, uy tín chưa đáp ứng yêu cầu".

Khi phê bình chung chung như vậy, không ai biết "loại trí thức nào, "theo Đảng" hay "đứng ngoài Đảng" đã bị đặt lên bàn cân. Nhưng ai cũng biết tiền đóng thuế của dân chi cho đội ngũ "trí thức của Đảng" trong tổ chức "Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam" không ít. Vậy loại trí thức này đã làm nên cơm cháo gì trong việc mở mang dân trí và xây dựng đất nước ?

Do đó, cả 2 Nghị quyết 27 thời Nông Đức Mạnh và Nghị quyết 45 thời Nguyễn Phú Trọng đều muốn "cào bằng" trách nhiệm khi "lôi dân vào gánh vác thất bại với Đảng"

Bằng chứng này ghi trong Nghị quyết 27 năm 2008 : "Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định".


Trong khi Nghị quyết 45 năm 2013 cũng "tát nước theo mưa" : "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững ; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội". Như vậy là "bất công". Khi thắng thì Đảng nhận công, khi thất bại thì dân cũng phải gánh trách nhiệm là "vô trách nhiệm".

Hèn chi, sau khi đọc hai Nghị quyết này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống từ trong nước cũng phải phê bình : "Cho rằng xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng… là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Như thế là chấp nhận được. Còn cho rằng, là trách nhiệm của toàn xã hội thì hơi hồ đồ".

Trí thức bỏ Đảng

Theo Bách khoa Toàn thư mở thì ông Nguyễn Đình Cống, sinh năm 1937 tại Quảng Bình là một giáo sư, tiến sĩ ngành xây dựng, nhà giáo nhân dân tại Đại học Xây dựng . Ông là một trong những kỹ sư đầu tiên ở Việt Nam chuyên về nghiên cứu bê tông  và các lĩnh vực khác trong ngành xây dựng. Ông đã có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu giảng dạy đào tạo trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 3/2/2016, trên trang mạng cá nhân, ông Nguyễn Đình Cống tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản. Ông cho biết lý do : "Tôi vào Đảng với nguyện vọng đóng góp trí tuệ và công sức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thế nhưng càng ngày tôi càng nhận ra rằng chủ nghĩa Mác Lênin có nhiều độc hại, rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là ảo tưởng, rằng thể chế hiện tại của Việt Nam là sự độc tài toàn trị của Đảng.

Tôi đã viết nhiều bài phân tích sai lầm của Mác, viết nhiều thư gửi tổ chức Đảng góp ý kiến về việc từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin và thay đổi thể chế, viết ý kiến đóng góp cho Đại hội 12 với hy vọng đại hội sẽ có chuyển biến tốt về phía dân chủ. Thế nhưng Đại hội 12 vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối chính trị cũ.

Tôi thấy không còn lý do để tiếp tục ở trong Đảng, cũng là để tỏ thái độ dứt khoát với chủ nghĩa Mác Lênin và sự độc tài toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam. Vậy tôi thông báo từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam từ ngày 03/02/2016. Yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên tôi khỏi danh sách".

Quyết định của Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã gây bất ngờ cho toàn xã hội, nhưng phải đợi đến khi Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tuyên bố ra khỏi Đảng ngày 15/11/2018 thì đã có ít nhất thêm 13 trí thức khác tuyên bố "ra khỏi Đảng". Trong số này có những người nổi tiếng như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Mạc Văn Trang, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (viện Hán Nôm) v.v…

Như vậy mới thấy chủ trương của Đảng về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đất nước cũng chỉ nhằm xếp hàng trí thức đảng vào hàng ngũ những kẻ "gọi dạ bảo vâng" mà thôi. Đội ngũ này, nhất định không phải là những "trí thức của dân, do dân và vì dân".

Phạm Trần

(08/02/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 255 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)