Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2024

Vấn đề biên giới tiếp giáp giữa Tây Bắc Việt Nam và Trung Quốc

Phạm Văn Lực

1. Vài nét khái quát về địa giới của Tây Bắc trong lịch sử

Cho đến nay về địa giới của Tây Bắc vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau ; nhưng theo chúng tôi, Tây Bắc chủ yếu bao gồm các tỉnh : Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và một phần của Hòa Bình. Trong lịch sử cũng như hiện nay, Tây Bắc luôn là một phần của lãnh thổ Việt Nam, một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam, là địa bàn sinh sống lâu đời của trên 20 dân tộc anh em : Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, La Ha, Khơ Mú, Kháng, Mảng, La Hủ, Mường, Tày, Dao, Kinh, Hoa…

biengioi1

Hai bên tuần tra từ cột mốc số 2 đến cột mốc số 3 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh : Anh Dũng

Từ thời các vua Hùng dựng nước chia nước ta thành 15 bộ : Văn Lang, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Tân Hưng ; Tây Bắc thuộc bộ Tân Hưng. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi : "Tây Bắc xưa thuộc bộ Tân Hưng" [5, tr.33].

Thời Bắc thuộc, trong bối cảnh chung của dân tộc Việt Nam, Tây Bắc bị sát nhập trở thành bộ phận của Giao châu (Trung Quốc). Sau khi khôi phục quyền tự chủ (thế kỷ X) địa giới của Tây Bắc từng bước được khôi phục trong cương vực lãnh thổ của Đại Việt. Dưới triều Lý (XI) Tây Bắc thuộc châu Lâm Tây, Đăng ; thời Trần thuộc lộ Đà Giang và Quy Hóa sau đổi là trấn Thiên Hưng. Dưới triều Lê thế kỷ (XV), Tây Bắc là vùng 16 châu Thái (tiếng địa phương gọi là Síp hốc châu Táy". Thời Lê – Trịnh thuộc phủ An Tây, đến triều Nguyễn (XIX) gọi là vùng "Thập châu" [7, tr.41].

Tây Bắc là vùng đất có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng "địa đầu" của Tổ quốc, che chắn cho trấn như "giậu" như "phên" án ngữ cho châu làm "Then" làm "chốt" và nơi đây cũng được coi là vùng đất "Tam Mãnh" qua Lào vào Vân Nam và Hưng Hóa. Trong bài phú "Thiên Hưng trấn" của Nguyễn Bá Thống viết :

"Quan ải Ai Lao liên lạc tiện đường, biên giới Vân Nam khống chế mọi mặt. Đây là nơi xung yếu của Bách Man, cửa ngõ của Lục Chiếu, che giữ cho trấn như "giậu" như "phên" án ngữ miền thượng du là "then" làm "chốt"… Lúa bát ngát ruộng, dâu gai mơn mởn thành hàng. Lông (thú), cánh (chim), ngà (voi), da, tràn ngập sáng lán quốc ; bạc, vàng châu báu đầy dẫy nơi biên cương" [1, tr.15].

Hiện nay, Tây Bắc có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và trong quan hệ giao lưu quốc tế.

Xuất phát từ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Tây Bắc, nên nơi đây đã trở thành đối tượng nhòm ngó xâm lược của nhiều thế lực ngoại bang như : giặc Lự, giặc Pẻ hay còn gọi là Pọng (toán cướp từ Lào) ; nhất là các thổ quan ở Vân Nam – Trung Quốc. Vì vậy, vùng biên cương Tây Bắc nói chung, phần biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng thường xuyên không ổn định. Sự xâm lấn của các thổ quan tỉnh Vân Nam và cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt của các tù trưởng, tộc trưởng ở Tây Bắc và chính quyền phong kiến trung ương Đại Việt nhằm bảo vệ vùng biên ải thiêng liêng của Tổ quốc kéo dài đến Hiệp ước Pháp – Thanh (1895).

2. Quá trình xác lập đường biên giới tiếp giáp giữa Tây Bắc (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc) dưới triều đại nhà Lê (thế kỷ XV) đến năm 1888

Kháng chiến chống Minh thắng lợi, nhà Hậu Lê được thành lập (1427). Ngay từ khi thành lập, nhà Lê đã đặc biệt quan tâm đến việc củng cố quốc gia phong kiến tập quyền thống nhất, trong đó có vấn đề biên cương ở cả phía Nam và phía Bắc.

Theo Đại Việt sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên, vùng Tây Bắc trên bản đồ của triều Lê được gọi là lộ Đà Giang do Sa Khả Sâm đứng đầu (thủ lĩnh dân tộc Thái ở vùng Mộc châu có công giúp Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống Minh, sau khi kháng chiến thắng lợi ông được vua đổi sang quốc tính và được phong tước đứng đầu lộ Đà Giang). Lộ Đà Giang gồm có 16 châu Thái, cụ thể là : Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường Tiến (Chiếu Tấn), Mường Sang (Mộc châu), Mường Tấc (Phù Yên, Bắc Yên – Sơn La), Mường Vạt (Yên châu – Sơn La), Mường Mụa (Mai Sơn – Sơn La), Mường La (huyện Mường La – Sơn La), Mường Muổi (Thuận châu – Sơn La), Mường Thanh (Điện Biên – tỉnh Điện Biên), Mường Lay (huyện Mường Lay – tỉnh Điện Biên), Mường Tùng (Tùng Lăng), Mường Hoàng (Hoàng Nham), Mường Tiêng (Lễ Tuyền), Mường Chiềng Khiêm (châu Khiêm), Mường Chúp (Tuy Phụ), Mường Mì (Hợp Phì). Dưới thời Lê Thánh tông, năm 1490, vua cho vẽ bản đồ chia nước ta làm 13 đạo, vùng đất Tây Bắc là đạo Đà Giang ; nơi đây thường xuyên bị những toán cướp từ Lào và Vân Nam (Trung Quốc) sang cướp phá, rồi cả sự "nghiêng ngả" của các tù trưởng Thái buộc Lê Thánh tông phải mang đại quân lên đánh dẹp giữ yên vùng biên ải Tây Bắc năm 1479 [4, tr.52].

Sau triều đại Lê Thánh tông (1460 – 1497), nhà Lê bước vào thời kỳ suy yếu. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra triều Mạc, gia tộc nhà Lê phải chạy vào Thanh Hóa. Được các cựu thần và Ai Lao (Lào) giúp đỡ, nhà Lê đã từng bước khôi phục lại vương triều, đánh bại nhà Mạc phải chạy lên Cao Bằng (1592) chấp nhận cắt đất cho nhà Minh để được nhận sắc phong An Nam đô thống sứ ty để yên mặt Bắc và tồn tại đến năm 1677 mới chấm dứt hẳn.

Dưới thời Mạc Kính Khoan, do lục đục nên 6 châu của vùng Đà Giang (Tây Bắc) bị bọn thổ quan vùng Vân Nam (Trung Quốc) cướp mất là : Mường Tùng (Tùng Lăng), Mường Hoàng (Hoàng Nham), Mường Tiêng (Lễ Tuyền), Mường Chiềng Khiêm (châu Khiêm), Mường Chúp (Tuy Phụ), Mường Mì (Hợp Phì) ; mãi đến đầu thời Lê – Trịnh mới đòi lại được.

Trong thời gian từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, xung đột giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra quyết liệt hơn, nhất là cuộc xung đột giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài ; khởi nghĩa nông dân diễn ra trên diện rộng trong phạm vi cả nước. Trong thời kỳ này nhiều tù trưởng, tộc trưởng miền núi cũng do mâu thuẫn với họ Mạc hoặc với nhà Lê – Trịnh nên cấu kết với các thế lực ngoại bang, tạo cớ để ngoại bang xâm lấn vùng biên ải.

Năm 1672, nhân lúc triều đình sơ hở, chúa Trịnh mang đại quân đi đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Vũ Công Tuấn (con của Vũ Công Đức trấn trị vùng Tuyên Quang) trốn về Tuyên Quang cướp bóc nhân dân. Tuấn câu kết với dòng dõi họ Mạc là Mạc Kính Vũ, tự xưng Tiểu Giao Cương Vương và chạy sang Vân Nam nhờ nhà Thanh giúp sức. Thổ ty phủ Khai Hóa (Vân Nam) nhà Thanh nhân dịp này chiếm đất hai châu Vị Xuyên, Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa, cướp dân của Đại Việt, cho đặt tuần ty ở các động ven biên giới để thu thuế.

Theo tờ tấu của sứ thần Đại Việt năm 1691, trong các năm 1688 và 1690, thổ ty nhà Thanh đã chiếm của Đại Việt các châu động sau :

1. Thổ ty Khai Hóa (Vân Nam) chiếm các xã thôn : Bách Đích, Mỹ Phong, Túc Lẫm, Hữu Sào, Ngọc Tỷ ở châu Bảo Lạc (Tuyên Quang) ; các động Đông Mông, Vô Cửu, Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên ở châu Vị Xuyên (Tuyên Quang) và 28 thôn ở các động ở châu Thủy Vĩ (thuộc Hưng Hóa).

2. Thổ ty Mông Tự (Vân Nam) xâm chiếm 25 thôn của động Trình Hàm ở châu Thủy Vĩ (thuộc Hưng Hóa).

3. Thổ tù họ Nùng ở (Vân Nam) xâm lấn 4 động ở châu Quỳnh Nhai, 3 động ở châu Chiêu Tấn và các châu Quang Lang, Hoàng Nham, Hợp Phi (Hưng Hóa).

Trong những vùng bị lấn chiếm, nhiều nơi có khoáng sản quý (chì, đồng). Tuy nhiên, bản tấu trình này của nhà Lê không được vua Khang Hy nhà Thanh trả lời [6].

Năm 1699, Vũ Công Tuấn bị triều đình nhà Lê bắt giết. Cùng năm, Sầm Trì Phượng ở châu Tiểu Trấn Yên bên Trung Quốc lại sang quấy rối vùng biên thuộc châu Bảo Lạc (Tuyên Quang). Năm 1701, thổ ty phủ Tư Lăng nhà Thanh là Vi Vinh Diệu kéo sang lấn ruộng lúa của dân châu Lộc Bình.

Trước tình hình đó, các chúa Trịnh kiên trì chính sách ngoại giao để đòi lại đất. Năm 1725, thời vua Ung Chính, sứ giả Đại Việt lại được Trịnh Cương cử sang thương thuyết về vấn đề biên giới, hai bên giằng co nhưng không có kết quả. Sang năm 1726, vua Ung Chính chấp nhận trả lại 80 dặm trong số 120 dặm chiếm ở hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ, còn 40 dặm chỗ có xưởng đồng thì nhà Thanh không trả. Tới năm 1728, Ung Chính mới đồng ý trả nốt 40 dặm có mỏ đồng Tụ Long. Trịnh Cương cho Nguyễn Huy Nhuận và Nguyễn Công Thái làm sứ lên nhận đất. Ban đầu thổ ti phủ Khai Hóa nhà Thanh muốn giữ lại các sách ở Bảo Sơn nên chỉ sai chỗ khác, bảo đó là sông Đổ Chú. Tuy nhiên, Nguyễn Công Thái biết là gian trá, bèn tự mình xông pha lặn lội vào chỗ hiểm trở, đi qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đổ Chú. Thổ ty phủ Khai Hóa phải thừa nhận và Nguyễn Công Thái dựng bia làm nơi giáp ranh, lấy sông Đổ Chú làm ranh giới hai nước.

Khi các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài nổ ra (1739), chúa Trịnh phải lo đối phó và không kiểm soát nổi toàn bộ biên giới, đất đai phủ An Tây (Hưng Hóa) giáp Vân Nam cũng bị nhà Thanh dưới thời Càn Long lấn chiếm. Nguyên phủ An Tây có 10 châu : Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Ninh Biên, Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phi, Lễ Truyền, Khiêm châu và Tuy Phụ. Sau Hoàng Công Chất nổi dậy đã chiếm giữ vùng Hưng Hóa phía Tây Bắc. Năm 1769, Công Chất chết, con là Hoàng Công Toản bị dẹp, chạy sang Vân Nam. Nhà Thanh nhân lúc đó lấn chiếm 6 châu : Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phi, Lễ Truyền, Khiêm châu và Tuy Phụ. Những vùng đất chiếm được ở Tây Bắc nhà Thanh sát nhập vào các huyện Mông Tự, châu Kiến Thủy, Lâm An… thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) [4, tr.55].

Vào năm Tân Sửu (1761), tức năm Cảnh Hưng thứ 42, Trịnh Sâm đã dâng biểu lên Càn Long xét lại vấn đề sáu châu ở vùng Hưng Hóa (Tây Bắc). Nhà Thanh không xét, mà họ Trịnh phải im đó là vì họ không có lực lượng làm hậu thuẫn. Đến khi chúa Trịnh Sâm chết (1782) việc này không thực hiện được. Sáu châu thuộc Hưng Hóa của Đại Việt cho đến khi kết thúc nhà Lê (1786) vẫn không đòi lại được.

Dưới thời Quang Trung, vua Quang Trung cũng đưa biểu đòi đất 6 châu ở phủ An Tây (Hưng Hóa) bị nhà Thanh cướp mất dưới thời Hoàng Công Toản, trong biểu có đoạn nói :

"Trước đây trấn mục nước tôi bảo cho biết dân 6 châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì, Tuy Phụ, Khiêm châu bị quân nội địa (Trung Quốc) cho lính đi bắt phải cải trang đeo bài đóng thuế… Tiểu phiên tôi xét kỹ căn do thì thấy (đầu đuôi như sau) : Năm Càn Long thứ 5 (1740) nghịch dân nước tôi là Hoàng Công Chất, bố Hoàng Công Toản, chiếm giữ 7 châu đủ ba mươi năm. Trước kia nhà Lê nấn ná không chịu xét. Dân 7 châu cho là địa thế xa xôi, nước tôi không thể khống chế được, nên cứ nấn ná phụ thuộc vào nội địa. Quan nội địa cứ đánh thuế. Sự việc đến nỗi như thế là vì nhà Lê không thể làm trọn chức trách phòng thủ của mình…

Tiểu phiên tôi có đất, có dân, đều là do Đại Hoàng đế ban cho. Bốn cõi tới đâu đều chép ở sách báu, không dám không bày tỏ rõ ràng… Từ năm Khang Hy thứ 28 (1689) có tra xét về việc 3 động là Nguyễn Dương, Hồ Điệp và Phố Viên ; đến năm Ung Chính thứ 6 (1728) mới định lấy sông Đỗ Chú làm giới hạn… Từ Đỗ Hà trở về tây đến nước Xa Lý, tức 7 châu, thật ở trong địa giới Hưng Hóa (nước tôi), cột đá còn đó chưa mất. Tiểu phiên tôi nghĩ đến phong cương làm trọng, tình hình ra sao đều phải thực tình bày tỏ…"[3, tr.33].

Trong thời kỳ này, dựa vào thế mạnh của mình, vua Quang Trung đã kiên quyết đòi nhà Thanh phải trả lại các vùng đất đã chiếm ở phủ An tây (Hưng Hóa) ; thậm chí, vua Quang Trung còn có ý định sai Vũ Văn Dũng làm chánh sứ sang triều cống để kết hôn với công chúa nhà Thanh và xin của hồi môn là 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây… Thế nhưng, những ý tưởng đó không thực hiện được do Quang Trung bị mất đột ngột (29/7/1792).

Đến khi nhà Nguyễn thành lập (1802), do bị phụ thuộc chặt chẽ vào nhà Thanh nên triều Nguyễn không đặt ra vấn đề đòi đất ; vì thế đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc nói chung và phần tiếp giáp giữa Tây Bắc (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) không có những biến động lớn. Tuy nhiên, suốt vùng biên giới tiếp giáp giữa Tây Bắc nước ta với Vân Nam (Trung Quốc) vẫn lẻ tẻ có những vụ xâm lấn của các thổ quan tỉnh Vân Nam, nhưng không lớn.

Nhìn chung, trong các thế kỷ XVI – XIX, đường biên giới giữa Tây Bắc nước ta với Vân Nam (Trung Quốc) có những biến động và phức tạp kéo dài. Nguyên do là sự xâm lấn của các thổ ty nhà Thanh ở Vân Nam (Trung Quốc) và cuộc đấu tranh đòi lại đất của các tù trưởng của ta ở Tây Bắc và chính quyền trung ương Đại Việt. Đến khi triều Nguyễn được thành lập (1802), do phụ thuộc vào nhà Thanh nên nhà Nguyễn không dám đặt ra vấn đề đòi đất.

3. Sự hình thành đường biên giới tiếp giáp giữa Tây Bắc (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong Hiệp ước Pháp – Thanh (1895)

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Sau khi cơ bản bình định được vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, năm 1887 thực dân Pháp hình thành Liên bang Đông dương gồm 3 xứ của Việt Nam và Cao Miên. Để khẳng định phạm vi ảnh hưởng của mình và loại trừ ảnh hưởng của Mãn Triều khỏi vấn đề Việt Nam, năm 1887 thực dân Pháp và triều đình phong kiến Mãn Thanh đã thỏa thuận với nhau và đi đến ký kết Hiệp ước Pháp – Thanh (hay còn có tên là Công ước Constans 1887).

Công ước Pháp-Thanh năm 1887 được thực hiện giữa Pháp và nhà Thanh nhằm thi hành Điều khoản 3 của Hòa ước Thiên Tân mà hai bên đã ký năm 1885. Nội dung của công ước này nhằm phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc.

Trong quá trình hai bên tiến hành phân chia đường biên giới ; đại diện nhà Thanh là Lý Hồng Chương đã nói với với Đô đốc Pháp Rieunier : nước Pháp đã đạt được nhiều quyền lợi khi chiếm được Bắc Kỳ, một nước chư hầu của Trung Hoa 600 năm nay ; việc này là nhờ trung gian của tôi. Nó đã gây cho tôi nhiều phiền phức ; tôi nghĩ rằng một sự đền bồi dưới dạng nhượng vài vùng đất nhỏ trên vùng biên giới là cần thiết.

Thực dân Pháp nghe nói và cũng muốn để cho Trung Hoa công nhận sự chiếm đóng Bắc Kỳ của Pháp và không gây khó khăn trong quá trình xác lập chế độ thuộc địa ở Đông Dương nên đã nhân nhượng và thực hiện như sau :

Biên giới trên đất liền, Pháp đồng ý :

1. Cắt 3/4 đất tổng Tụ Long thuộc tỉnh Hà Giang, có diện tích 750km2 cho tỉnh Vân Nam – Trung Quốc

2. Cắt 9 xã rưỡi thuộc tổng Kiền Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Quảng Yên cho tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc.

Thực tế chúng ta cũng cần phải thấy được sự nhượng bộ của Pháp không phải chỉ có vậy, mà theo bản đồ địa giới Bắc Kỳ năm 1879 (khi đó lấy sông Dương Hà hay còn gọi là sông An Nam Giang làm biên giới giữa tỉnh Quảng Yên và tỉnh Quảng Đông) toàn bộ vùng đất gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu ; các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên là thuộc Bắc Kỳ. Thế nhưng, sau khi Hiệp ước Pháp – Thanh được kí kết (1887) thì biên giới nước ta bị chuyển xuống phía nam, lấy cửa sông Bắc Luân ở Hải Ninh (Móng Cái) làm địa giới, cho nên toàn bộ vùng đất gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu ; các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên lại thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) quản lý.

Sau khi Hiệp ước Pháp – Thanh (1887) được ký kết, vấn đề nhà Thanh với Bắc Kỳ được giải quyết, thực dân Pháp có điều kiện để tập trung bình định nốt phần đất còn lại ở thượng du Bắc Kỳ (Tây Bắc) năm 1888 và hoàn tất vào năm 1896. Năm 1900, thực dân Pháp sát nhập Quảng Châu Loan vào Bắc Kỳ (Quảng Châu Loan là vùng đất phía đông của bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc trở thành tô giới của Pháp từ 1898 ; sau Hiệp định Hoa – Pháp ngày 28/2/1946, vùng đất này lại được trả lại cho quân Tưởng). Tới năm 1893, thực dân Pháp tiếp tục gây chiến với Xiêm La (Thái Lan) tranh quyền kiểm soát các vùng đất của Lào, kết quả thực dân Pháp thắng và đã hợp nhất các vùng Thượng Lào (Luang Phabang), Trung Lào (Vientiane) và Hạ Lào (Chambassac) thành một xứ Ai Lao thuộc Liên bang Đông Dương vào năm 1893.

Trong thời kỳ này, thực dân Anh cũng đã đưa toàn bộ Miến Điện vào thuộc địa của mình, thực dân Pháp lúc đó xem Xiêm là một đồng minh của Anh nên lo ngại ảnh hưởng của Anh sẽ lan đến vùng Tây Bắc, Bắc Kỳ. Kết hợp với Trung Hoa trên đà suy yếu sau khi bại trận trước Nhật trong cuộc Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất (1894 – 1895 hay còn gọi là chiến tranh Giáp Ngọ). Thực dân Pháp tận dụng thời cơ đó ép nhà Thanh phân chia lại đường biên giới ở phía Tây Bắc (Bắc Kỳ) với Vân Nam

Việc đàm phán ngay lập tức được tiến hành và kết quả, vào ngày 20 tháng 06 năm 1895, tại Bắc Kinh đại diện của thực dân Pháp ở Trung Hoa là Đại sứ Gérard và đại diện Trung Hoa là Hoàng Thân Kinh – Chủ tịch Tổng lý Nha môn đã ký kết bản Công ước Pháp – Thanh (hay còn có tên gọi Công ước Gérard 1895) để phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, nhằm bổ túc cho Công ước Pháp – Thanh năm 1887 [6].

Theo bản Công ước (1895), Pháp đã đưa ra hai đường biên giới với nhà Thanh, một là đường biên giới Bắc Kỳ – Vân Nam và hai là đường biên giới Ai Lao – Vân Nam :

+ Đường biên giới Bắc Kỳ – Vân Nam gồm phần lớn vùng đất các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu ; các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên bị cắt cho Vân Nam quản lý (1887) lại được chuyển trả về cho Bắc Kỳ như cũ.

+ Đường biên giới Ai Lao – Vân Nam : Toàn bộ tỉnh Phong-sa-lì hiện nay của Lào, lúc đó đang thuộc Vân Nam quản lý chuyển về lãnh thổ của Ai Lao.

Như vậy, đường biên giới tiếp giáp giữa Tây Bắc (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về cơ bản được xác định ổn định, cụ thể bao gồm toàn bộ địa giới của các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu ; các huyện Mường Chà, Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên ; còn phần thuộc tỉnh Lào Cai, một phần của Hà Giang không có biến động nhiều. Công ước Pháp – Thanh (1895) cũng chính là văn bản có tính pháp lý quan trọng để phân định lãnh thổ giữa nước ta với Trung Quốc về sau này.

4. Kết luận

Việc xác lập đường biên giới tiếp giáp giữa các tỉnh Tây Bắc (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là cả một quá trình lâu dài và hết sức phức tạp. Nguyên nhân của sự phức tạp đó là do sự xâm lấn của các thổ quan tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ; sự đấu tranh đòi đất của các tù trưởng, tộc trưởng người Việt ở Tây Bắc và chính quyền Trung ương Đại Việt ; sự thỏa thuận, đổi chác giữa thực dân Pháp với nhà Thanh…

Qua tìm hiểu về quá trình xác lập đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc (phần tiếp giáp giữa các tỉnh Tây Bắc (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chúng ta càng thấy rõ ý đồ thực dân của Pháp chứ không phải là vì "quyền lợi" của nhân dân An Nam như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Tuy nhiên, về mặt khách quan của lịch sử, các Công ước 1887, 1895 được ký kết giữa thực dân Pháp với nhà Thanh thực sự là những văn bản pháp lý có tính ràng buộc đầu tiên về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc thời bấy giờ cũng như về sau này.

Phạm Văn Lực (Đại học Tây Bắc)

Nguồn : Biên Phòng Việt Nam, 15/08/2021

Tài liệu tham khảo :

1. Các tộc người ở Tây Bắc Việt Nam (1975), Ban dân tộc Khu tự trị Tây Bắc xuất bản.

2. Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1, 2, 3, 4) (1998), Viện khoa học xã Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội.

3. Nhân dân các dân tộc Tây Bắc chống thực dân Pháp xâm lược (1858 – 1930). Tập 1 (Sơ thảo) (1972), Ban dân tộc Khu tự trị Tây Bắc.

4. Đặng Nghiêm Vạn, Đinh Xuân Lâm (1975), Điện Biên trong lịch sử, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Nguyễn Trãi (1959) : Dư địa chí (Bản dịch của Phan Huy Tiếp ; Hà Văn Tấn chú thích và giới thiệu). Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội.

6. Công ước Pháp – Thanh (1887), 1895, Bản dịch của Trung Tâm lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

7. Quắm tố mương của (Kể chuyện bản mường) của dân tộc Thái ở Tây Bắc, Bản dịch của Hoàng Trần Nghịch, Tài liệu lưu tại kho lưu trữ Sở Văn hóa tỉnh Sơn La.

8. Táy Pú Xấc (Những bước đường chinh chiến của cha ông), Tài liệu lưu tại Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Văn Lực
Read 285 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)