Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/02/2024

Trung Quốc nhức đầu vì mối quan hệ Nga - Bắc Triều Tiên

Thanh Hà

Hoa Kỳ và cả Trung Quốc cùng "quan ngại" trước mối quan hệ thắm thiết giữa Nga và Bắc Triều Tiên ? Hợp tác quân sự và chiến lược giữa Moskva và Bình Nhưỡng, hai đồng minh của Bắc Kinh, có thể là một thách thức mới đối với ông Tập Cận Bình, nếu như đây là cái cớ để Đông Bắc Á lao vào một cuộc chạy đua vũ trang và tạo cơ hội để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Châu Á Thái Bình Dương.

kim1

Kim Jong-un và Vladimir Putin trong cuộc gặp tại sân bay vũ trụ Vostochny, ngày 13/09/2023. AP

Nhưng cũng có thể Washington bị chia trí về bán đảo Triều Tiên, đây cũng là thời cơ cho phép Bắc Kinh thôn tính Đài Loan ?

Nhiều nhà quan sát phương Tây nói đến "bộ ba Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên" bắt tay nhau để đương đầu với phương Tây, nhưng nhìn từ Châu Á, một số nhà phân tích cho rằng chưa chắc ông Tập Cận Bình thực sự thoải mái khi thấy hai đồng mình sát cạnh liên kết để phát triển quân sự.

Trong bài viết mang tựa đề "Putin-Kim, một vấn đề đối với Trung Quốc", nhà báo Micah McCartney đặc trách về quan hệ Mỹ-Trung, về an ninh Đông Á và Đông Nam Á của tuần báo tuần báo Mỹ Newsweek (ngày 07/02/2024) ghi nhận, Tập Cận Bình đang lúng túng trước liên minh chặt chẽ Vladimir Putin -Kim Jong-un.

Báo Hồng Kông South China Morning Post (25/12/2023) nhấn mạnh đến thái độ "thận trọng" của Bắc Kinh trước quan hệ "nồng thắm" của trục Moskva - Bình Nhưỡng. Báo Nhật Bản The Diplomat tháng 11/2023 phân tích những "được, thua" nhìn từ Trung Quốc qua thỏa thuận "đổi kỹ thuật chế tạo tên lửa lấy đạn dược" để phục vụ chiến trường Ukraine.

Từ năm ngoái,  các hoạt động ngoại giao giữa Nga và Bắc Triều Tiên đã dồn dập, mà đỉnh điểm là cuộc hội ngộ giữa tổng thống Putin và lãnh đạo họ Kim ở vùng Viễn đông Nga hôm 13/09/2023. Trong chuyến công du dài ngày ở Liên Bang Nga, chủ tịch Bắc Triều Tiên đã dành nhiều thời gian để tham quan các các nhà máy vũ khí của nước láng giềng sát cạnh.

Trước đó, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đã dự lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng, đánh dấu điểm khởi đầu đôi bên "nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới".

Theo thẩm định của chính quyền Mỹ, Bình Nhưỡng đã gửi hơn 1.000 contener thiết bị quân sự sang Nga trong giai đoạn 07/09/2023-01//10/2023.

Trong thông cáo chung ngày 09/01/2024, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cùng với các đồng cấp đại diện cho "hơn 40 quốc gia" mạnh mẽ lên án Bình Nhưỡng tiếp tay Moskva đánh Ukraine.

Từ nửa cuối 2023, Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa tầm trung, tầm xa. Ông Kim Jong-un ra lệnh sửa đổi Hiến Pháp, xem Hàn Quốc là "kẻ thù chính" của chế độ. Bình Nhưỡng lần lượt cắt đứt những kênh liên lạc còn rất mong manh với Seoul, gần đây nhất là quyết định hủy bỏ mọi hợp tác kinh tế với nước láng giềng phương nam.

Những hành động nói trên buộc Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục phối hợp với Hoa Kỳ để tìm cách "đối phó". 

Mỹ, Nhật, Hàn trong tình trạng"báo động" 

Chính quyền Biden thực sự "quan ngại" về liên hệ chặt chẽ giữa Nga và Bắc Triều Tiên, về những "ý đồ của Kim Jong-un". Đây cũng là một trong hai hồ sơ lớn mà Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đã thảo luận với ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc họp ở Bangkok, Thái Lan, hai ngày 26-27/01/2024.

Nếu như với sự yểm trợ của Nga, kỹ thuật phóng vệ tinh, tên lửa và các chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên được cải thiện, điều đó sẽ có lợi cho Trung Quốc hay không ? Nhiều nhà qua sát trả lời là không, bởi tính toán của ông Kim Jong-un đẩy Đông Bắc Á vào một cuộc chạy đua vũ trang. 

Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Nga, Châu Âu và Châu Á, bà Theresa Fallon, được tuần báo Mỹ Newsweek trích dẫn, xem mối quan hệ nồng thắm gần đây giữa tổng thống Putin và lãnh đạo họ Kim chứng tỏ "Putin không là chư hầu của Tập". Điểm mạnh của chủ nhân điện Kremlin là "khả năng gây rối và Tập Cận Bình có thể bị đau đầu vì Vladimir Putin".

Những nước cờ của tổng thống Nga buộc Trung Quốc phải "suy nghĩ", vì theo bà Fallon, "chương trình đổi vũ khí đạn dược lấy công nghệ đạn đạo và tên lửa khiến Nhật Bản và Hàn Quốc vô cùng lo lắng". Hai quốc gia Đông Bắc Á này sẽ phải tăng chi phí quân sự, nâng cao khả năng phòng thủ. Tokyo chủ trương "nâng ngân sách quốc phòng lên tới 2 % GDP vào lúc mà Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư".

Tại Seoul, ngày càng có nhiều người đòi Hàn Quốc cũng được trang bị vũ khí nguyên tử để tự vệ. Nhật, Hàn tăng cường khả năng quân sự không phải là kịch bản tối ưu đối với Bắc Kinh.

Khả năng Mỹ can thiệp

Bên cạnh đó, tình hình trên bán đảo Triều Tiên mà càng bất ổn thì Hoa Kỳ lại càng có lý do để "tăng cường hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên" như đánh giá của nhà phân tích Ken Gause, Thuộc Viện Nghiên Cứu Hải Quân Mỹ. Đó là điều hiển nhiên khi Washington phải bảo vệ lực lượng hơn 28.000 quân đang đồn trú tại Hàn Quốc. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích lời một chuyên gia Trung Quốc đánh giá liên minh chặt chẽ Mỹ-Nhật- Hàn trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên khiến tình hình trong khu vực trở nên "cực kỳ nguy hiểm". 

Ngoài ra còn nhiều câu hỏi khác chưa thể giải đáp, chẳn hạn như viễn cảnh Bắc Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân, làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa có phải là điều mà Trung Quốc mong muốn hay không ? Moskva và Bình Nhưỡng thân thiện với nhau quá cũng có thể là bài toán trắc nghiệm về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với hai "đối tác" quan trọng này.

Thách thức hay cơ hội ?

Bên cạnh những đánh giá Nga và Bắc Triều Tiên quá thân thiện bất lợi cho Trung Quốc, cũng có những nhà quan sát cho rằng biết đâu Kim Jong-un lại phục vụ lợi ích của ông Tập Cận Bình trong lúc này. Cũng tuần báo Newsweek của Mỹ giải thích : Với điểm tựa quân sự là Nga, Bắc Triều Tiên thừa thắng xông lên và khi đã trở thành một mối đe dọa thực sự thì bắt buộc Washington phải chú ý đến quốc gia khép kín này, qua đó giảm bớt mức độ "tập trung" của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.

 Xung đột ở bán đảo Triều Tiên "có thể là cơ hội để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với Đài Loan". Chuyên gia về Châu Á, Sean King điều hành một văn phòng tư vấn của Mỹ tại New York, Park Strategies, nhận định : Rất có thể, theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, trục Nga-Bắc Triều Tiên bất lợi cho Hoa Kỳ, mà tất cả những gì không tốt cho nước Mỹ đều là điềm lành với Bắc Kinh. 

Bên cạnh đó, theo nhà quan sát này, "xác suất hai cuộc chiến xảy ra cùng một lúc trên bán đảo Triều Tiên và ở eo biển Đài Loan là rất thấp". Tuy nhiên "Bắc Kinh cũng có vẻ nóng lòng chờ xem hỏa lực của Bắc Triều Tiên lợi hại đến mức độ nào, nếu như quốc gia này phải đọ sức với các đồng minh của Mỹ trong khu vực là Nhật và Hàn Quốc".

Cuối cùng, đành rằng tất cả các chuyên gia về Trung Quốc và kể cả các giới chức quân sự của Mỹ đều đánh giá Bắc Kinh trước mắt không có kế hoạch thôn tính Đài Loan bằng vũ lực, nhưng biết đâu ông Tập Cận Bình lại chẳng thừa nước đục thả câu, nếu Hoa Kỳ bị chi phối bởi tình hình bán đảo Triều Tiên ?

Một chuyên gia được báo South China Morning Post trích dẫn khẳng định : Trung Quốc không trực tiếp khuấy động thêm tình hình để xảy chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên ngay sát cạnh, vì một cuộc xung đột quân sự không có lợi gì cho Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình chỉ muốn duy trì mối đe dọa Bắc Triều Tiên để mặc cả với Mỹ. 

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 337 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)