Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/02/2024

Đưa thông tin DNA công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia

Diễm Thi

Có nên đưa thông tin DNA, giọng nói và mống mắt công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia ?

Bộ Công an Việt Nam vào tuần đầu tiên của tháng 2 năm 2024 thông báo sẽ thu thập và tích hợp các thông tin như DNA, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước mới. Việc này nhằm giúp quản lý dân cư ; đấu tranh phòng chống tội phạm ; tìm kiếm tung tích nạn nhân.

dna0

Công an tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (Ảnh minh họa : Trần Lê).

Không yên tâm về bảo mật

Trung tá Vũ Minh Trí, cựu cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội (Tổng cục II) cho rằng, việc tích hợp như thế có mặt lợi và có mặt hại. Ông phân tích với RFA sáng 13/2/2024 :

"Nếu nói về mặt lợi thì cũng tương đối nhiều, đặc biệt trong phòng chống tội phạm. Hoặc căn cứ vào cây phả hệ, với DNA, người ta có thể tìm được người thân đã mất tích thất lạc… Đấy là một trong những cái lợi của nó. Về mặt hại, thì rõ ràng mỗi người đều muốn có tự do cá nhân. Và cái quyền bí mật về nhân thân cũng như bí mật về thông tin cá nhân là quyền của mọi công dân và nên được tôn trọng.

Vì thế, tôi nghĩ rằng, việc nhà nước muốn quản lý những thông tin cá nhân như vậy chỉ thực sự tốt khi những thông tin đấy trước hết phải được bảo mật thật tốt. Chỉ được dùng trong những trường hợp chính đáng theo những quy định của pháp luật. Tôi chưa nói về thể chế cũng như mục đích, ví dụ như Trung Quốc dùng thông tin cá nhân để đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ, nhân quyền ở Hồng Kông chẳng hạn… chỉ với tình trạng thuần túy về mặt bảo mật thôi tôi đã cảm thấy rất không yên tâm rồi".

Việc ông Trí không yên tâm, nhất là vấn đề bảo mật hoàn toàn có cơ sở, khi trước đó (hồi tháng 10 năm 2023), Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, cho truyền thông Nhà nước hay rằng, số lượng lộ thông tin tệp khách hàng của ngân hàng ở Việt Nam đang rất nhiều, do kẻ gian tấn công mạng, và do bị chính nhân viên ngân hàng chia sẻ.

Vào tháng 8 năm 2022, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất thu thập thông tin về đặc điểm sinh trắc học gồm cả mống mắt, DNA và giọng nói làm cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Luật sư Đặng Đình Mạnh, lúc bấy giờ, nói với RFA rằng, đề xuất này đáng lo ngại cả về phương diện pháp lý lẫn bảo mật cá nhân :

"Về pháp lý, các đặc điểm mống mắt, DNA đều là những thông tin cá nhân, thuộc về quyền nhân thân, quyền thân thể được hiến pháp minh thị bảo vệ. Một đạo luật như Luật Căn cước Công dân không thể phủ nhận quyền do Hiến pháp quy định, trừ khi công dân tự nguyện ưng thuận từ bỏ quyền được Hiến pháp bảo vệ, nhưng đây chỉ là khả năng mang tính cá biệt mà thôi.

Đồng thời, trong thực tế, mống mắt hoặc giọng nói đều là những cách thức bảo mật của người dân để thực hiện sự bảo vệ các tài khoản ngân hàng, danh khoản chứng khoán, mạng xã hội, mở khóa điện thoại di động cá nhân, wifi, cổng nhà, camera an ninh và rất nhiều các loại bảo mật khác trong sinh hoạt của người dân. Vì lẽ đó, việc chính quyền thu thập các thông tin về mống mắt, DNA và giọng nói, cho dù nhân danh với bất kỳ lý do nào cũng đều gây nên sự lo ngại của người dân một khi khả năng rò rỉ thông tin luôn luôn hiện hữu".

Vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền

Một số chuyên gia y tế khi chia sẻ về vấn đề này cũng cho rằng, sinh trắc học là dữ liệu để khẳng định được danh tính của một người nên phải thận trọng và phải căn cứ vào tính pháp lý. Không thể cứ ban hành luật mà bỏ qua hiến pháp. Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có ghi rõ : "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình ; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình".

Là một nước thành viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc cũng tham gia Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR) ; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Nhưng Trung Quốc lại bị coi là nước thu thập thông tin DNA của người dân một cách tùy tiện.

Một báo cáo được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố  vào năm 2022 chỉ ra rằng, Trung Quốc đã thu thập DNA của người dân ở tất cả bảy quận và thành phố trực thuộc Khu tự trị Tây Tạng, bao gồm phần phía tây của Cao nguyên Tây Tạng. Người dân được thông báo rằng, việc thu thập DNA là cần thiết "để các cơ quan công an phát hiện nhiều vụ án bất hợp pháp khác nhau và trấn áp một cách hiệu quả các phần tử bất hợp pháp và tội phạm, nâng cao hiệu quả xác minh và giúp bắt những người bỏ trốn".

Một bài báo  của tác giả Tara Francis Chan viết năm 2017 cho hay, các nhà chức trách ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc bắt đầu thu thập các mẫu DNA, dấu vân tay, quét mống mắt và nhóm máu từ tất cả cư dân Tân Cương trong độ tuổi từ 12 đến 65. Cơ quan y tế sẽ thu thập các mẫu sinh trắc học này gửi đến cơ quan cảnh sát "để lập hồ sơ".

Bài viết dẫn lời bà Sophie Richardson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc, cho biết : "Việc lưu trữ dữ liệu bắt buộc về dữ liệu sinh học của toàn bộ người dân, bao gồm cả DNA, là vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và thậm chí còn đáng lo ngại hơn nếu nó được thực hiện một cách lén lút, dưới vỏ bọc của một chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 13/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 197 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)