Cần phải xác quyết rằng loài người đã bước qua thời kỳ Đức trị với sự sụp đổ của chế độ phong kiến. Việc nó đang loay hoay quay trở ở những nước như Trung Quốc và Việt Nam thể hiện một sự bế tắc chiến lược giữa Chủ nghĩa Cộng sản và nền kinh tế thị trường.
Giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam có thể sử dụng chiến dịch "đốt lò" như một phần quan trọng để đảm bảo tính chính danh và duy trì quyền lực trong hệ thống quản trị của mình, sẽ kéo dài mãi mãi.
Nguyễn Phú Trọng là người thứ 3 trong lịch sử từng kiêm nhiệm 2 chức vụ quan trọng nhất là Tổng bí thư và Chủ tịch nước, chỉ sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.
Mặc dù lớn tuổi và sức khoẻ suy sụp, ông vẫn là nhân vậtquyền lực nhất Việt Nam, đứng trên cả Điều 17 Điều lệ đảng khi cầm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp và trên cả Điều 86 - Hiến pháp khi thay mặt cả chủ tịch nước tiếp tổng thống Hoa kỳ.
Là tổng bí thư của Đảng, ông còn giữ hàng loạt chức vụ quan trọng nhất của chế độ như : Chủ tịch Quân uỷ trung ương, Uỷ viên thường vụ Bộ Công an, Trưởng ban Phòng chống tham nhũng. Ông còn là Trưởng tiểu banVăn kiện đại hội để xây dựng đường lối lãnh đạo, kiêm luôn cả Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản.
Dưới thời của ông, hàng loạt văn bản của đảng "có lớp lang" được ban hành. Ông củng cố bộ máy của đảng từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt thành lập 63 Ban phòng chống tham nhũng ở 63 tỉnh thành, lũng đoạn và làm thay hầu hết công tác của tất cả các quan tư pháp ở địa phương.
Hình ảnh của ông Trọng gợi nhớ về những ông vua trong chế độ phong kiến đang theo chế độ Đức Trị để điều hành quốc gia. Vậy đức trị là gì ?
Chế độ đức trị đang quay lại ?
Đức trị là một học thuyết chính trị chủ trương "Điều hành chính sự bằng đạo đức" xuất hiện từ thời Tây Chu và được Khổng Tử đúc kết và nâng lên thành học thuyết. Ông gom góp kiến thức đời xưa, biên tập và xây dựng một hệ thống quan niệm về đạo đức – chính trị trong đó chủ trương việc trị quốc căn bản phải dựa vào nhân đức của người cầm quyền mà không cần phải dùng đến pháp luật.
Nho giáo nói chung, Khổng tử nói riêng, bị nhiều người trong quá khứ cũng như hiện tại phê phán. Trong cuốn trong cuốnTổ Quốc Ăn năn, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng đã tung những "cú tát" học thuật nảy đom đóm vào học thuyết Nho giáo nói chung và về Sự nghiệp và nhân cách của Khổng Khâu nói riêng, thật đáng để người Việt chúng ta tìm đọc.
Cùng với sự tan rã của chế độ phong kiến và sự tiến bộ xã hội, Nho giáo đã dần dần được xếp vào một góc trong bảo tàng lịch sử về các học thuyết quản trị nhà nước. Trào lưu Khai sáng và văn minh nhân loại trong mấy trăm năm qua đã nhấn chìm dần tư tưởng Đức trị trong việc quản trị quốc gia.
Thế nhưng hình như phương thức quản trị này đang quay trở lại với một vị "vua già" hơn 80 tuổi, lòng đau đáu với sự tồn vong của vương triều, mà cụ thể là đảng của mình. Ông đã bị "ngộ độc" về tư tưởng cộng sản và bây giờ đang loay hoay tìm con đường chỉnh đốn nhân cách của các đảng viên trong một nền kinh tế thị trường đầy thế tục.
May thay, giống như Tập Cận Bình đối với xã hội Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng đã gặp được"Vạn Thế Sư Biểu - Thầy của muôn đời" của mình là Khổng Tử. Ông tóm được chiếc phao này nằm bàng bạc đâu đó trong tiềm thức của Nhân dân, ẩn giấu dưới hàng ngàn năm phong kiến Việt Nam và bắt đầu tin tưởng vào nó. Đầu tiên là đốt lò và sau đó là nói về nhân nghĩa để xây dựng tính chính danh.
Người ta bắt đầu sử dụng các văn bản nội bộ của của Đảng cộng sản như Quy định Số 41/QĐ-TW và Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về đạo đức và trách nhiệm nêu gương, trước khi nói đến câu chuyện pháp luật, pháp lý hay tòa án.
Chế độ Pháp trị ra đi ?
Ngay từ khi còn là sinh viên học luật, các trường phái trị quốc đã được bàn thảo nhiều, trong đó chúng tôi đều được các giáo viên hướng đến sự Thượng-Tôn-Pháp-Luật (Rule of Law) mà học thuyết củaHàn Phi là chủ đạo.
Trong đó Hàn Phi Tử đã tập hợp Pháp, Thuật, Thế của Thương ưởng, Thận Đáo và Thân Bất Hại, chủ trương dùng pháp luật để cai trị xã hội và trị quốc an dân. Ông coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để đem lại công bằng, ổn định và thịnh vượng của một quốc gia. Ông minh định rõ "Pháp luật không phân biệt sang hèn" (pháp bất a quý) hay "hình phạt không kiêng dè bậc đại thần, tưởng thưởng không bỏ sót kẻ thất phu" (hình quá bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tử phu).
Các Nhà Nho luôn muốn thần thánh hóa các bậc lãnh đạo nhưng Hàn Phi đã tước bỏ ý nghĩa thần thánh của họ đi và coi vua cũng chỉ là một người bình thường như những người khác. Ông nêu rõ "pháp luật đúng đắn, bày ra hình phạt nghiêm khắc để chữa cái loạn của dân chúng, khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thoả lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành. Biên giới không bị xâm lấn, vua và tôi thân yêu nhau, Cha con giữ gìn cho nhau"(*).
Tiếc thay, trong những năm gần đây ông Nguyễn Phú Trọng quan tâm hơn đến việc trách nhiệm chính trị và nghĩa vụ nêu gương chứ không phải là hành vi vi phạm. Ăn năn, nước mắt và hoàn tiền là công thức phổ biến để được án nhẹ của các quan tham. Trong vụ án Chuyến bay giải cứu, tòa thậm chí còn dừng xét xử để thu thêm tiền trước khi ra phán quyết.
Ông còn dùng 4 chữ Nhân (nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình) để nói về chiến dịch đốt lò và phòng chống tham nhũng mà quên mất một chữ nhân quan trọng là nhân phẩm (dignity). Đó là phẩm giá bình đẳng của một con người được Thượng đế trao tặng bất kể sang hèn.
Pháp quyền nghĩa là mọi công dân đều phải tuân theo pháp luật dù người đó là ai, tổng thống hay dân thường, chủ tịch quân uỷ Trung ương hay một người lính, một người dân nghèo đã chết tức tưởi vì Covid và Kit test dởm, hay bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Về nhân phẩm thì họ ngang nhau và không thể tước bỏ ; về quyền lực là do pháp luật trao ban qua cơ chế lập pháp.
Chống tham nhũng là trò tiêu khiển mới
Chống tham nhũng là một cuộc săn lùng không bao giờ kết thúc. Giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam có thể sử dụng chiến dịch "đốt lò" như một phần quan trọng để đảm bảo tính chính danh và duy trì quyền lực trong hệ thống quản trị của mình, sẽ kéo dài mãi mãi.
Chống tham nhũng chính là trò tiêu khiển mới mà đảng bắt đầu dành cho dân chúng để cùng tạo cảm hứng vui vầy. Nó tạo nên công việc của Đảng và đảm bảo sự xúc động chân thành vừa phải của nhân dân, nó có thể trở thành một phần tất yếu với liều lượng ngày càng càng cao thì độ ép phê càng lớn.
Trước đây chúng ta từng thấy rất nhiều khẩu hiệu "Sống và Làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật". Đây chính là cách đề cao sự thượng tôn pháp luật, biểu hiện rất rõ trường phái pháp trị nhưng giờ đây thì chỉ còn"trách nhiêm chính trị" và nghĩa vụ nêu gương.
Lò chống tham nhũng trở thành một người bạn đồng hành chung thuỷ cùng trường phái Đức trị và sự trở lại của Nho giáo. Nó được sử dụng để loại bỏ bất kỳ ai đi chệch khỏi quỹ đạo đạo đức của mình, dù thuộc bên tả hay bên hữu, trên hay dưới mà đôi khi không vì một mục đích chính đáng nào cả.
Cần phải xác quyết rằng loài người đã bước qua thời kỳ Đức trị với sự sụp đổ của chế độ phong kiến. Việc nó đang loay hoay quay trở ở những nước như Trung Quốc và Việt Nam thể hiện một sự bế tắc chiến lược giữa Chủ nghĩa Cộng sản và nền kinh tế thị trường.
Nó đang làm phai nhạt Nhà nước pháp quyền và những giá trị như nhân phẩm, tự do và dân chủ. Điều này là vô cùng nguy hiểm cho tương lai Việt Nam. Tôi sợ rằng ông Trọng sẽ mãi không tìm được người kế vị và "Sau ông là hồng thủy".
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 17/02/2024
(*) Hàn Phi Tử, trang 130, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2001)