Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/02/2024

Cứ lý luận cù nhầy để độc quyền cai trị ở Việt Nam

Phạm Trần

Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề chủ nghĩa xã hội và Đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận.

doctai1

Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi : Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ dân chủ đến thế ?

Thực tế "không ai trao quyền cai trị độc quyền cho Đảng". Nhân dân chưa bao giờ bỏ phiếu bầu Đảng vào vị trí lãnh đạo độc tôn. Đảng đã tự cho mình quyền lãnh đạo "toàn xã hội" như đã tự vẽ trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013, theo đó : "Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Lời lẽ "tự biên, tự diễn" này đã đưa đất nước vào 30 năm nội chiến nồi da xáo thịt (1945-1975), đất nước tan hoang và lòng người ly tán sau 94 năm đảng có mặt trên đất nước (3/2/1930 – 3/2/2024).

Bằng chứng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, người thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, đã sụp đổ khi chế độ cộng sản và khối Liên Xô tan rã năm 1991. Sau 70 năm chịu sự lãnh đạo kìm kẹp của Nhà nước Liên Xô, người dân Nga và các dân tộc chư hầu Đông Âu đã vùng lên đạp đổ thành trì cai trị hà khắc này.

Thế nhưng, 23 năm sau (1972-2024), luận điệu "chữa lửa" vẫn tồn tại gượng ép ở Việt Nam như : "Sự sụp đổ của Liên Xô và Ðông Âu trước đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, không phải do sai lầm trong lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ðây cũng không phải là sự "cáo chung" của chủ nghĩa xã hội mà chỉ là "bước thụt lùi tạm thời", là bài học kinh nghiệm quý giá trong việc nhận thức và vận dụng đúng đắn lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội, cũng như trong việc xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia, dân tộc" (Báo Nhân Dân, ngày 02/02/2024)

Lập luận "cố đấm ăn xôi" này không có cơ sở, vì sự tan rã của Liên Xô không phải là "bước thụt lùi tạm thời" mà là vĩnh viễn.

Thế nhưng, với thái độ ù lỳ và quan điểm chậm tiến, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cố bám lấy chiếc áo rách để lập luận : "Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội" (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa Xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011)

Sa lầy và tham nhũng

Hy vọng hão huyền này đã lật tẩy mặt trái của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực và suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên, nhất là giới lãnh đạo, đã phơi ra "con người thật" của Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng nhìn nhận đã có "một số không nhỏ" đảng viên "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa", công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Những người này chê Đảng lỗi thời, chậm tiến và ngoan cố không nhận ra chế độ cộng sản đã chết. Họ cũng biết Đảng cố bám lấy hình ảnh Hồ Chí Minh để làm chiếc phao cứu sống. Đảng cũng phải sử dụng Quân đội và Công an để bảo vệ chế độ, chống dân chủ và đàn áp đối lập.

Những lập luận "chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ ưu việt nhất" của Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam, đã bị thực tế phủ nhận. Bằng chứng là thế giới cộng sản do Liên Xô - Trung Quốc lãnh đạo đã tan rã. Trên thế giới ngày nay, chỉ còn lại Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn và Cuba còn bám vào chủ nghĩa cộng sản.

Để tồn tại, Việt Nam đã phải dựa vào Trung Quốc trên hầu hết mọi phương diện, từ chính trị đến kinh tế và ngoại giao. Việt Nam không dám "quay trục" sang tư bản chủ nghĩa khi Trung Quốc vẫn còn do Đảng cộng sản độc quyền cai trị. Việt Nam cũng không dám chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, dù đã mất quần đảo Hoàng Sa và một số vị trí chiến lược quan trọng ở quần đảo Trường Sa.

Hơn nữa Việt Nam đã phải lê thuộc vào kinh tế của Trung Quốc để tồn tại. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam "nhập siêu" từ Trung Quốc từ 50 đến 60 tỷ Mỹ kim, tập trung chủ yếu vào những mặt hàng máy móc và dân dụng lỗi thời mà chính người Trung Quốc không còn muốn sử dụng.

Sự lê thuộc này là "chén thuốc độc" của Việt Nam. Tình hình sẽ nguy hiểm đến sự tồn vong của đất nước, nếu Trung Quốc "quay mặt" trừng phạt Việt Nam như họ đã làm trong 10 năm chiến tranh biên giới từ 1979 đến 1989.

Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam đã phải rập khuôn theo Trung Quốc cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" do nhà nước lãnh đạo. Kinh tế tư nhân được nhà nước đề cao, nhưng cũng do nhà nước giám sát.

Với chủ trương kinh tế "giở trăng, giở đèn" như vậy, Việt Nam không vượt qua được những khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Bởi vì "cái bóng" Trung Quốc đã bao phủ mọi lĩnh vực. Do đó, khi bị chỉ trích, Tuyên giáo đảng đã bịa ra chuyện kinh tế tư bản đã bóc lột công nhân và người lao động để làm giầu cho thiểu số tư sản là giới tài phiệt và siêu giầu.

Đảng cộng sản Việt Nam cũng rêu rao kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm phục vụ "quảng đại quần chúng", nhưng thực tế chỉ có một số "tư bản đỏ" mới giầu lên trong nền kinh tế chỉ huy này.

Vậy mà Đảng vẫn quanh co rằng : "Ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là kinh tế thị trường tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa, mà là một mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Các nước xã hội chủ nghĩa lựa chọn kế thừa những thành quả của nhân loại không phải là việc từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa tư bản điều chỉnh, thích nghi không phải là thay đổi về bản chất. Cho nên, việc xác định chế độ chính trị, đi theo con đường nào cho đến ngày nay vẫn là cần thiết. Theo quy luật vận động khách quan của lịch sử xã hội loài người, chủ nghĩa xã hội vẫn là một chế độ xã hội mang bản chất ưu việt cần hướng tới, là một tất yếu" (báo Nhân Dân, ngày 02/02/2024).

Đảng nói vậy mà "không phải vậy". Đảng đã "tư bản hóa" chủ trương kinh tế, nhưng vẫn nắm quyền kiểm soát để hưởng lợi. Đảng không dám nói thẳng ra là nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" chỉ là cách nói để nhân dân không nghi ngờ. Vì vậy, Đảng vẫn không từ bỏ độc quyền cai trị và độc đảng cầm quyền theo phương châm "đổi mới nhưng không đổi mầu, hòa hợp mà không hòa tan".

Do đó, mỗi khi bị chỉ trích độc tài, Đảng lại ra sức chống đỡ và chống đòi hỏi "đa nguyên, đa đảng". Với những luận điệu cũ rích : "Các đối tượng xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam. Ra sức tuyên truyền cho luận điệu "chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời" ; "chủ nghĩa Mác - Lênin là lý thuyết suông về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không có thực"... Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Mục đích của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam đối với lịch sử của dân tộc, lấy cớ cổ súy cho ý đồ xây dựng, hình thành những đảng phái chính trị đối lập, chống phá từ bên trong" (báo Công an Nhân dân, ngày 05/02/2024).

Từ lâu các lãnh đạo đảng, kể cả ông Võ Văn Thưởng, đương kim Chủ tịch nước, tuyên bố Việt Nam không chấp nận đa nguyên, đa đảng. Nhưng câu hỏi đặt ra là : Tại sao Đảng cộng sản lại sợ dân chủ đến thế ?

Đảng sợ vì muốn độc quyền cai trị để hưởng lợi ? Hay Đảng sợ phải chia quyền với các đảng chính trị khác ?

Dù trong trường hợp nào thì Đảng cộng sản cũng không che được lòng tham và dùng võ lực để bảo vệ quyền này. Cũng chính vì vậy mà Đảng đã phản bội lời tuyên bố của Hồ Chí Minh ngày 07/6/1960 khi nói : "Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác".

Ông Hồ cũng đề cao quyền lợi của nhân dân, chống lại cá nhân chủ nghĩa, nhưng ngày nay "cá nhân chủ nghĩa" đã bàng bạc trong nội bộ đảng, tạo ra bất công xã hội và lợi ích nhóm.

Như vậy, Đại hội XIII của Đảng (tháng 2/2021) đã bịp dân khi tự đánh giá : "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay".

Kết luận một chiều này không bảo đảm Việt Nam đã có dân chủ trong nhân dân vì Đảng chỉ chấp nhận có "dân chủ trong đảng" mà thôi. Bằng chứng như Hội đồng nhân dân và Quốc hội, hai cơ chế do dân bầu nhưng thực chất chỉ là "Đảng cử Dân bầu" để làm đẹp chế độ. Nhân dân không có quyền "không bỏ phiếu". Quyền tự ứng cử chỉ là hình thức mà mắt thiên hạ và người nước ngoài vì tổ chức vệ tinh của Đảng cộng sản là Mặt trận Tổ quốc để sàn lọc và loại bỏ những ứng cử viên độc lập hay đối lập với Đảng.

Trường hợp bị loại ngay từ vòng "hiệp thương" năm nào của hai ứng cử viên Quốc hội sáng giá gồm ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn và Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, con nhà thơ Cù Huy Cận là một bằng chứng phi dân chủ và độc tài. Ông Cù Huy Hà Vũ sau đó đã bị buộc ra nước ngoài sống lưu vong.

Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh

Tình hình phi dân chủ đã nhắc ta nhớ lại tuyên bố đanh thép của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh năm 2017, theo đó ông nói : "Đảng cộng sản Việt Nam nay đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được ! Đảng đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa ! Trong các hư hỏng trên, có 3 hư hỏng nguy hiểm nhất :

- Một là, Đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được ! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì !

- Hai là, Đảng cộng sản Việt Nam không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong Đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành nhau quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi Đảng Lao động Việt Nam trước đây nữa !

- Ba là, Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào Đảng cộng sản Trung Quốc ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990) với Đảng cộng sản Trung Quốc, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào Đảng cộng sản Trung Quốc ! Đảng cộng sản Việt Nam làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn Trung Quốc xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi Trung Quốc ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đòi Việt Nam phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam !".

Với những nhận xét rõ ràng của cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, "Ta có thể hiểu tại sao trong Đảng hiện nay không thiếu những kẻ chỉ muốn Đảng tồn tại mãi để được vinh thân, phì gia.

Phạm Trần

(18/02/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)