Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/02/2024

Tại sao Liên Âu rụt rè lấy lãi từ tài sản phong tỏa của Nga để tái thiết Ukraine ?

Thu Hằng

Chiến tranh càng kéo dài, Nga càng giầu. Khối tài sản của Nga bị phong tỏa ở nước ngoài cũng sinh lời. Gần hai phần ba tổng số 300 tỉ euro của Ngân hàng Trung ương Nga được giữ ở Châu Âu, do tập đoàn tài chính Euroclear, có trụ sở ở Bruxelles (Bỉ), quản lý và sinh lãi gần 5 tỉ euro trong vòng hai năm. Liên Hiệp Châu Âu được quyền sử dụng số tiền lãi này để đầu tư cho quốc phòng và tái thiết Ukraine nhưng chặng đường sắp tới vẫn đầy bất trắc.

taisan1

Đồng rúp của Nga. Reuters/Ilya Naymushin

Khối tài sản khổng lồ này hiện ngủ yên tại tập đoàn tài chính Euroclear. Tháng 03/2022, chỉ vài ngày sau khi Nga đưa quân chiếm Ukraine, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các đồng minh đã quyết định phong tỏa nguồn dự trữ ngoại hối bằng đô la, euro, bảng Anh hay franc Thụy Sĩ của Ngân hàng Trung ương Nga. Chính quyền Moskva vẫn sở hữu khối tài sản này nhưng không thể sử dụng để đầu tư cho chiến tranh hoặc vận hành cỗ máy kinh tế.

Ngay khi quyết định được đưa ra, đã có rất nhiều tiếng nói đề xuất tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản, theo nhận định của tuần báo Pháp L’Express ngày 18/02. Dưới sức ép của các nước vùng Baltic, Ba Lan và Hoa Kỳ, vào đầu năm 2023, Ủy Ban Châu Âu chấp nhận lập một tổ công tác để thảo luận về cách sử dụng khối tài sản này.

Một năm sau, một đạo luật được thông qua ngày 12/02/2024 cho phép Ủy Ban Châu Âu sử dụng mọi khoản lãi từ tài sản bị phong tỏa để đầu tư cho quốc phòng và tái thiết Ukraine. Ủy Ban Châu Âu sẽ chịu trách nhiệm chuyển 5 tỉ này vào ngân sách của khối, sau đó chuyển sang cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện chưa có lịch trình cụ thể và có thể kéo dài. Thực tế cho thấy Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành 12 đợt trừng phạt các thực thể và cá nhân Nga, cũng như Belarus nhưng để thông qua được mỗi đợt là cả một quá trình đàm phán kéo dài giữa 27 nước.

Ý tưởng tịch thu và sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga cũng gây chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu và các nhà lãnh đạo. Khối 27 nước không thể làm mạnh tay như Hoa Kỳ, tịch thu tài sản của Afghanistan sau khi phe Taliban nắm chính quyền. Thứ nhất, điểm trước đây được cho là "ưu thế" hiện giờ lại thành "bất lợi" cho Châu Âu. Thực vậy, phần lớn khối tài sản ở nước ngoài của Nga lại nằm ở Châu Âu, và phần lớn do tập đoàn Euroclear quản lý.

Trong số những người phản đối biện pháp tịch thu, nhiều quan chức Châu Âu, trong đó có chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Christine Lagarde, dè chừng bởi vì sẽ gây nguy hiểm cho "vị thế đồng tiền dự trữ của euro". Bà Agathe Demarais, chuyên gia về địa-kinh tế tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu (European Council on Foreign Relations) giải thích : "Tịch thu tài sản Nga được giữ ở Châu Âu có nguy cơ làm suy yếu ưu thế của phương Tây trong cấu trúc tài chính thế giới và khuyến khích việc thành lập những giải pháp thay thế cho Euroclear, như tại Trung Quốc chẳng hạn".

Thứ hai, hiện giờ có lẽ không phải là thời điểm thích hợp. Cyrille Bret, nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Jacques-Delors, cảnh báo "Châu Âu phải cẩn thận, nhất là trong viễn cảnh ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ bởi vì Châu Âu sẽ một mình đối phó với tổng thống Putin và tương lai của khối tài sản này có thể sẽ thành vũ khí trong các cuộc đàm phán".

Trái với nhận định trên, hai dân biểu Pháp Julien Bayou (đảng EELV) và Benjamin Haddad (LR) lại cho rằng cần hành động ngay lúc này. Theo ông Bayou, "không làm những việc nằm trong quyền hạn của chúng ta thì sau này sẽ có nguy cơ trả giá đắt. Đây là lúc cần hành động, khi Bỉ đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, đến tháng 07 sẽ nhường chức cho Hungary của thủ tướng Viktor Orban, ít hào hứng hơn".

Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu còn lưỡng lự hai vẫn đề khác : Tịch thu để làm gì ? Ai quản lý ? Một số người ủng hộ dùng tiền của Nga để tài trợ cho cuộc kháng chiến của Ukraine, một số khác đề xuất để tái thiết Ukraine, bồi thường nạn nhân chiến tranh. Khối tài sản đó có thể do Nhà nước Ukraine hoặc một định chế Châu Âu (Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu (BEI) hoặc Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu (BERD) quản lý. Hiện còn quá nhiều thắc mắc, được Kiev cho rằng chỉ nảy sinh từ những nước sống trong hòa bình, trong khi tình hình trên chiến trường "vô cùng khó khăn" buộc quân Ukraine lui về thế thủ sau hai năm bị Nga xâm lược.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 270 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)