Trung Quốc hôm 18/2 đã điều tàu hải cảnh đi vào khu vực các lô dầu khí của Việt Nam ở vùng biển Bãi Tư Chính, theo ghi nhận của SeaLight Project, một tổ chức chuyên theo dõi tình hình Biển Đông có trụ sở ở Hoa Kỳ.
Ngày 18/2/2024, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5402 tuần tra xâm nhập các mỏ dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính. Tàu Kiểm ngư 261 đi theo giám sát tàu Hải cảnh Trung Quốc. Raymond Powell / SeaLight Project
Động thái này diễn ra chỉ một tháng sau khi lực lượng hải cảnh của Trung Quốc điều tàu lớn nhất của họ, với lượng giãn nước 12.000 tấn, tiến vào cùng biển xung quanh bãi đá ngầm này.
Dài 63km và rộng 11km, Bãi Tư Chính cách bờ biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 160 hải lý, tức là nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Những động thái gần đây của Trung Quốc biến khu vực này trở thành tâm điểm của sự đối đầu giữa nước này với Việt Nam trên khu vực Biển Đông.
Việt Nam là nước duy nhất có sự hiện diện ở khu vực bãi ngầm Tư Chính thông qua hệ thống năm nhà giàn, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1995, trong số đó, ba nhà giàn vẫn được vận hành ở thời điểm hiện tại.
Ngoài xây nhà giàn để khẳng định chủ quyền, Việt Nam cũng bắt đầu các hoạt động thăm dò dầu khí ở đây từ khá sớm, với việc dầu mỏ được tìm thấy lần đầu tiên ở Bãi Tư Chính vào năm 1994.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp tìm cách cản trở các hoạt động khai thắc và thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực này. Khiến cho quốc gia Đông Nam Á phải huỷ các hợp đồng thăm dò với các công ty nước ngoài, và chịu thiệt hại về tài chính.
Đơn cử như trong năm 2020, Việt Nam đã phải huỷ các hợp đồng thăm dò với hai công ty nước ngoài là Repsol và Noble, dẫn đến việc hai công ty này đệ đơn kiện đòi bồi thường.
Mục đích của Trung Quốc, theo các chuyên gia nghiên cứu tình hình Biển Đông, là ngăn không cho Việt Nam mở rộng phạm vi thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính, và cho đến nay, chiến lược này tỏ ra khá hiệu quả.
Trao đổi với đài Á Châu Tự do, ông Ray Powell, Giám đốc Trung tâm SeaLight Gordian Knot for National Security Innovation, của trường Đại học Standford, cho biết nhận định :
"Tôi cho rằng Trung Quốc đã khá thành công, một phần là vì họ đã thành công trong việc ngăn cản các công ty thương mại hợp tác với phía Việt Nam, đơn cử như trường hợp của công ty Repsol của Tây Ban Nha một vài năm trước.
Bằng việc khiến cho các hoạt động thăm dò mới trở nên quá tốn kém và rủi ro, Trung Quốc đã thành công ngăn chặn Việt Nam mở rộng hoạt động".
Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, điển hình là các công ty của Nga. Liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro cũng là công ty duy nhất đang thực hiện khai thác ở Bãi Tư Chính.
Với việc quan hệ Nga - Trung Quốc trở nên khăng khít hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và hứng chịu các đòn cấm vận từ Phương tây, thì có lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ thuyết phục Nga từ bỏ hợp tác với Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của đài RFA, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết đến cả Nga cũng sẽ khó có thể giúp Việt Nam :
"Trước khi Nga xâm lược Ukraine, tập đoàn dầu khi Gasprom là cổ đông lớn nhất của mỏ Natuna, thuộc Indonesia. Họ muốn xây đường ống kết nối Natuna với Bãi Tư Chính, rồi dẫn lên bờ ở Việt Nam để phát triển. Nhưng dự án đó đã bị huỷ bỏ.
Nếu tiến hành thì dự án đó sẽ khiến Trung Quốc phản ứng, còn Nga thì quá yếu để kháng cự.
Tôi cho rằng Nga sẽ phải nằm im thở khẽ để tránh khiêu khích Trung Quốc, bởi vì họ cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc chiến với Ukraine.
Và đây sẽ là một dạng bình thường mới".
Bằng việc ép các công ty nước ngoài từ bỏ hợp tác với Việt Nam, Trung Quốc hy vọng sẽ buộc Việt Nam phải hợp tác với chính Trung Quốc nếu muốn tiếp tục thăm dò và khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính, và các khu vực khác trên Biển Đông.
Và điều đó có nghĩa là công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực này.
Hẳn nhiên, đây là viễn cảnh rất khó chấp nhận đối với Việt Nam, tuy nhiên, cái giá của việc từ chối hợp tác với Trung Quốc, cũng không phải nhỏ. Theo ông Ray Powell :
"Chúng ta có thể nhìn vào trường hợp của Philippines, nước này gần đây không phát triển được bất cứ mỏ khí đốt mới nào ở khu vực Biển Đông, trong bối cảnh các mỏ hiện tại đang dần cạn trữ lượng thì Philippines sẽ phải đối diện với tình trạng an ninh năng lượng bị đe doạ. Do vậy nước này đang ở trong thế khó trong việc ứng xử với Trung Quốc, mà đối với Trung Quốc thì họ chỉ chấp nhận phương án phát triển chung".
Còn giáo sư Carlyle Thayer thì cho rằng ‘chi phí cơ hội’ là thứ mà Việt Nam đang phải gánh chịu trước chiến lược của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính :
"Trong kinh tế tồn tại khái niệm chi phí cơ hội, Việt Nam đang không thể khai thác tài nguyên mà họ cần, trong trường hợp này là nguồn cung năng lượng, và khí đốt là một trong số đó, mà nguyên nhân chính là sức ép từ Trung Quốc".
Trường Sơn
Nguồn : RFA, 21/02/2024