Trên ti vi, John Oliver đã đưa ra một "bản hợp đồng" để mời Thẩm phán Thomas ký và cho biết chính ông sẽ chi tiền túi của mình ra, "Tôi không lấy tiền của chương trình HBO, chính tôi là người chịu trách nhiệm...".
John Oliver là một nhà hài hước, đề nghị mua Thẩm phán Clarence Thomas với giá một triệu đô la một năm trong chương trình ti vi HBO, cho nên ông Thomas có thể coi đây chỉ là chuyện đùa.
Ông John Oliver công khai nói trên đài truyền hình, đề nghị mua Thẩm phán Clarence Thomas với giá một triệu đô la một năm, trả từ nay cho đến khi một trong hai người qua đời. Đổi lại, ông Thomas tự ý rút lui khỏi Tối cao Pháp viện. Thẩm phán Thomas có thể sống rất lâu, giá mua sẽ lên tới vài chục triệu mỹ kim !
John Oliver là một nhà hài hước, đưa đề nghị này trong chương trình ti vi HBO, cho nên ông Thomas có thể coi đây chỉ là chuyện đùa. Nhưng Oliver nói rất nghiêm trang : "Thẩm phán Clarence Thomas ảnh hưởng mạnh nhất trong Tòa Tối cao hiện nay và ông có vẻ không thích công việc đó. Ông từng nói, ‘Không bỏ với nỗi mệt nhọc phải chịu.’ Bây giờ, ông nghĩ sao nếu có thể vẫn được hưởng những thứ đang có mà không phải mệt nhọc nữa ?"
Ông Thomas thực sự có lúc đã ngỏ ý muốn rút lui để trở về hoạt động trong lãnh vực tư. Nếu tham gia một tổ hợp luật sư, ông có thể kiếm lợi tức rất cao vì ít có người đầy đủ những kinh nghiệm luật pháp như ông. Nếu ông từ nhiệm, Tối cao Pháp viện sẽ mất một tiếng nói bảo thủ hùng hồn. Giới bảo thủ cố giữ ông lại ; còn John Oliver hiến giá để thúc đẩy ông nghỉ hưu !
Sợ bị chê là số tiền còn quá, John Oliver xin trả thêm, bằng một chiếc "xe nhà ở" lưu động trị giá 2,4 triệu USD kê chiếc giường rộng thênh thang, có cả lò sưởi với 4 cái ti vi để ngồi góc nào cũng coi được. Oliver đã nghiên cứu biết Thẩm phán Thomas và bà vợ, Virginia, quen gọi là "Ginni" rất thích du lịch. Năm 1999 hai ông bà đã vay tiền của tỷ phú Anthony Welters, mua một chiếc xe "nhà lưu động" nhãn hiệu Le Mirage XL, trị giá 267.230 đô la. Số tiền vay này, theo nguồn tin từ quốc hội, vẫn chưa trả lại hết.
Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ Clarence Thomas – Ảnh minh họa
Clarence Thomas là vị Thẩm phán kỳ cựu nhất trong Tòa Tối cao, ông quen biết nhiều nhà tỷ phú mà ông coi là bạn thân. Hai ông bà đã từng được mời sử dụng chiếc máy bay riêng và du thuyền dài 54 mét của đại gia Harlan Crow, đi du lịch chín ngày trong vùng quanh nước New Zealand. Chuyến đi này, nếu phải trả tiền túi, sẽ tốn đến nửa triệu đô la, một vị thẩm phán không đủ tiền để trả, theo báo New York Times.
Thẩm phán Thomas đã bị chê trách là ông không khai báo gì khi được tặng những món quà lớn như vậy, theo thông lệ. Nhưng ông Thomas đã bác bỏ luận điệu đó, cho biết ông đã hỏi ý kiến nhiều người và biết rằng không cần phải khai báo các món quà do nhà giàu hiến tặng, những người ông coi là bạn thân thiết nhất. Hồi tháng Tư năm ngoái, ông nói với nhật báoThe Washington Post, "Khi mới nhậm chức, tôi đã thỉnh ý các bạn đồng viện và nhiều người trong giới tư pháp. Họ khuyên tôi rằng các món quà do bạn thân thiết tặng thì không cần khai báo, vì những người bạn đó không bao giờ bị đem xử trước Tòa án Tối cao". Mạng thông tin ProPublica cho biết ông Harlan Crow chỉ quen biết Thẩm phán Thomas sau khi lên ngồi Tòa, nhưng ông và công ty của ông chưa bao giờ có việc gì phải ra trước Tòa Tối cao.
John Oliver nghĩ khác, như ông giải thích, "Tôi không nói các nhà tỷ phú đã tặng quà cho ông Thomas để thay đổi ý kiến khi xét xử, nhưng họ rất thích quan điểm của ông cho nên đã tìm cách lưu giữ ông ngồi lại trong Tòa dầu tốn tiền bạc. Hai chuyện này khác nhau, nhưng hậu quả không thay đổi".
John Oliver cũng nêu trường hợp Thẩm phán Samuel A. Alito Jr., ông cũng không khai báo đã được một đại gia cung cấp một chuyến du lịch trong vùng Alaska, với những bữa tiệc uống rượu vang giá 1.000 đô la một chai, theo mạng ProPublica kể.
Trong những năm qua, nhiều người thỏa mãn về những ý kiến của các Thẩm phán Alito và Thomas cho nên họ tặng quà để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Có thể nói, các quan tòa có khuynh hướng bảo thủ thường cũng đưa ra các phán quyết phù hợp với quan điểm của giới kinh doanh bảo thủ. Cho nên, các đại gia tặng quà để lưu giữ họ ngồi lại, không quay về công việc làm luật sư dù lợi tức sẽ cao hơn.
Ông Oliver cho biết đã tham khảo ý kiến các luật gia và họ cho rằng đề nghị trả tiền cho một vị thẩm phán nghỉ hưu không trái với pháp luật. Có thể coi đây là một hành động hối lộ hay không ? Rất khó, vì người ta không trả tiền để ảnh hưởng đến một phán quyết. Ông Oliver hiện không có việc gì phải ra tòa !
Nhưng một nhà hài hước dám đưa ra đề nghị "mua" một Thẩm phán Tối cao Pháp viện có thể coi là việc "bất kính". John Oliver dám đưa ra đề nghị này, dù biết không bao giờ được chấp nhận, vì biết dân chúng Mỹ hiện nay không kính trọng Tòa án Tối cao như trong truyền thống nữa.
Năm ngoái, một cuộc nghiên cứu dư luận của hãng Gallup cho thấy chỉ còn 9 phần trăm dân Mỹ "tin tưởng hoàn toàn" vào "ngành tư pháp do Tối cao Pháp viện dẫn đầu". Có đến 58% không đồng ý với các phán quyết của Tòa Tối cao, tỷ số cao nhất kể từ khi Gallup bắt đầu những cuộc nghiên cứu này, năm 2000. Công ty giải thích : "Mối quan tâm của mọi người về chuyện các thẩm phán đã nhận được các quà tặng và những chuyến du lịch sang trọng đắt tiền khiến công chúng mất niềm tin vào Tòa tối cao". Không những thế, người ta nghĩ rằng guồng máy chính quyền bị các thế lực tiền bạc thao túng ; niềm tin vào chế độ tự do dân chủ đã giảm bớt.
Nhiều đại biểu Dân chủ trong quốc hội đã đề nghị phải thông qua một bản quy tắc đạo đức cho các Thẩm phán Tối cao, như các thẩm phán cấp lâu nay vẫn thi hành. Trước tình trạng giảm mất uy tín đó, tháng 11 năm ngoái, Tối cao Pháp viện đã thông qua một bản "quy tắc hành sử" mới, tuy nhiên không biết Tòa sẽ làm gì để áp dụng các quy tắc này.
Khi các thông tin về Thẩm phán Thomas được đãi đằng xa xỉ, Dân biểu Bill Pascrell Jr., tiểu bang New Jersey đã lên tiếng yêu cầu ông từ chức. Năm 1969, chuyện này đã xảy ra. Thẩm phán Tối cao Abe Fortas do một vị tổng thống đảng Dân chủ đề cử, bị tố cáo đã đóng vai cố vấn và nhận 20.000 đô la của một tổ chức vận động dân quyền. Đây là chuyện bình thường, như các Thẩm phán William O. Douglas đã làm cố vấn cho Albert Parvin Foundation, và Warren Burger đã cộng tác với Mayo Foundation. Nhưng ông Fortas đã nhận tiền để giúp một tổ chức do Louis Wolfson thành lập. Ông này lúc đó đã bị bộ Tư pháp điều tra về các tội trạng tài chánh, rồi khi đưa ra tòa, bị kết án "thao túng thị trường chứng khoán". Khi tuần báo Life đăng tải các vi phạm pháp luật của Wolfson, do Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Richard Nixon cung cấp, các đại biểu đảng Cộng hòa yêu cầu Thẩm phán Fortas phải từ chức. Các đại biểu Dân chủ cũng ủng hộ ý kiến này, dù biết rằng sau đó Tổng thống Nixon sẽ đề nghị một Thẩm phán Tối cao mới, với khuynh hướng Cộng hòa, thay đổi cán cân trong Tối cao Pháp viện !
Nếu Thẩm phán Clarence Thomas từ chức, ông Joe Biden có thể sẽ đề cử một người mới, chắc chắn sẽ được Thượng viện, với đa số đảng Dân chủ, chấp thuận, và cán cân trong Tối cao Pháp viện sẽ thay đổi : Bốn Dân chủ, năm Cộng hòa, thay vì tỷ lệ 6 Cộng hòa – 3 Dân chủ hiện nay. Nhưng chắc chắn Thẩm phán Thomas sẽ không từ chức. Vì vậy, nhà hài hước John Oliver mới đưa ra đề nghị "mua" ông Thomas với giá một triệu mỹ kim một năm cho tới mãn đời !
Trên ti vi, John Oliver đã đưa ra một "bản hợp đồng" để mời Thẩm phán Thomas ký và cho biết chính ông sẽ chi tiền túi của mình ra, "Tôi không lấy tiền của chương trình HBO, chính tôi là người chịu trách nhiệm. Tôi sẽ đi trình diễn các màn hài hước lấy tiền trả cho ông thẩm phán nghỉ hưu trong những năm tới".
John Oliver đề nghị trong 30 ngày Thẩm phán Thomas phải quyết định ! Nhưng ai cũng biết ông Thomas không thèm trả lời, vì cuối cùng, đây chỉ là một màn hài hước trên đài truyền hình !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 21/02/2024