Nhìn một cách tổng quát, khả năng chịu đựng của nhân viên y tế ở Việt Nam có lẽ là nhất thế giới và so với thiên hạ, trong quan hệ với giới cầm quyền, có lẽ nhân viên y tế ở Việt Nam thuộc loại "ngoan" nhất thế giới !
Áp lực công việc cao cộng với thu nhập thấp là 2 trong 4 nguyên nhân dẫn đến 9.680 nhân viên y tế Việt Nam xin thôi việc, bỏ việc trong 18 tháng qua.
Ngoài việc bị ngược đãi về thu nhập, chưa biết đến lúc nào mới có thể sống bằng lương, nhân viên y tế ở Việt Nam còn bị ngược đãi về khối lượng công việc phải đảm trách, môi trường làm việc thiếu đủ thứ, từ nhân sự đến trang bị, thiết bị, dược phẩm...
Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa "đề nghịBộ Y tế nghiên cứu chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế trong tổng thể chính sách tiền lương" (1). Không thể xác định ông Huệ là người thứ mấy trong số các viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong 48 năm vừa qua đề cập đến "chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế" và cũng không thể xác định đây là lần thứ bao nhiêu từ khi Đảng cộng sản Việt Nam quyết định đổi quốc hiệu thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những cá nhân như ông Huệ hứa hẹn, chỉ đạo về "chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế" bởi không thể đếm xuể ! Không thể đếm xuể cả những thông tin, ý kiến về việc nhân viên y tế không đủ sống(2) !
Ngoài việc bị ngược đãi về thu nhập, chưa biết đến lúc nào mới có thể sống bằng lương, nhân viên y tế ở Việt Nam còn bị ngược đãi về khối lượng công việc phải đảm trách, môi trường làm việc thiếu đủ thứ, từ nhân sự đến trang bị, thiết bị, dược phẩm, bị cưỡng ép giảm chi nên phải mua, phải dùng những thứ kém chất lượng(3), bị bảo hiểm y tế "đè đầu, cưỡi cổ" hành hạ đủ kiểu(4), bị bệnh nhân và thân nhân lăng mạ, hành hung thường xuyên tới mức phải đề nghị cấp áo giáp, khiên(5). Hồi cuối năm ngoái, khi thay mặt nhân viên y tế kể khổ tại nghị trường, một số đại biểu Quốc hội còn lưu ý đến chuyện, do chính sách bất cập, nhân viên y tế còn phải đối diện với nguy cơ bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự(6).
Nhìn một cách tổng quát, khả năng chịu đựng của nhân viên y tế ở Việt Nam có lẽ là nhất thế giới và so với thiên hạ, trong quan hệ với giới cầm quyền, có lẽ nhân viên y tế ở Việt Nam thuộc loại "ngoan" nhất thế giới !
***
Nam Hàn đang đối diện với khủng hoảng y tế hiếm có – khoảng 55% bác sĩ nội trú (6.415 người) trên toàn quốc nộp đơn từ nhiệm để phản đối chính quyền. Trong ngày 20/2/2024 có 25% bác sĩ nội trú (1.630 người) không đến bệnh viện. Đã có khoảng 30 trường hợp không được chữa bệnh (đa số là phẫu thuật) theo đúng lịch điều trị(7). Để đối phó với tình huống vừa kể, chính phủ Nam Hàn đã ra lệnh cho quân đội Nam Hàn mở cửa 12 quân y viện nhằm tiếp nhận các bệnh nhân cần cấp cứu(8). Chưa biết đến bao giờ cuộc đối đầu giữa các bác sĩ nội trú ở Nam Hàn với chính quyền mới kết thúc.
Nam Hàn đang đối diện với khủng hoảng y tế hiếm có – khoảng 55% bác sĩ nội trú (6.415 người) trên toàn quốc nộp đơn từ nhiệm để phản đối chính quyền.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa kể vì chính phủ Nam Hàn muốn các trường y tuyển thêm 2.000 sinh viên vào năm tới. Từ 2006 đến nay, mỗi năm, các trường y ở Nam Hàn chỉ tuyển 3.058 sinh viên, ít hơn 499 sinh viên theo dự định lúc đầu (3.507) cũng vì bị giới bác sĩ thời đó phản đối. Chính phủ Nam Hàn giải thích, sở dĩ phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 2.000 kể từ năm tới vì số người già đang tăng rất nhanh (người già sẽ chiếm 20% dân số vào năm 2025 và tỷ lệ này sẽ là 30% vào năm 2035), nhiều chuyên khoa thiếu bác sĩ. Hiện nay, số bác sĩ tính trên 1.000 dân của Nam Hàn chỉ là 2,2 thấp hơn nhiều so với các quốc gia thành viên của OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (mức trung bình là 3,7 bác sĩ trên 1.000 dân)...
Với thực tế như thế, chính phủ Nam Hàn ước đoán, đến 2035, quốc gia này sẽ thiếu khoảng 15.000 bác sĩ và đó là lý do phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y. Đồng thời chính phủ Nam Hàn còn dẫn việc nhiều quốc gia khác tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y (Pháp tăng số lượng tuyển sinh vào các trường y từ 3.850 vào năm 2000 lên 10.000 vào năm 2020, Nhật tăng số lượng tuyển sinh vào các trường y từ 7.625 từ năm 2007 lên 9.384 vào năm 2023, sau khi nâng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y lên 9.000/năm Đức đã quyết định tuyển thêm 5.000 sinh viên/năm nữa cho các trường y...) để biện minh cho quyết định của họ, tuy nhiên giới bác sĩ ở Nam Hàn đã chỉ trích những lý do này hết sức gay gắt.
Đáng lưu ý, chính phủ dẫn OECD để biện minh thì giới bác sĩ ở Nam Hàn cũng dẫn OECD để phản đối. Chẳng hạn tỷ lệ chăm sóc ngoại trú cho dân chúng Nam Hàn hiện là 14,7 lần/năm, cao hơn gấp đôi mức trung bình của OECD (5,9 lần/năm). Ước đoán thiếu bác sĩ không chính xác vì dân số đang giảm. Nhiều chuyên khoa (nhi, sản khoa – phụ khoa...) thiếu bác sĩ vì lỗi hệ thống, bảo hiểm y tế thanh toán thù lao quá thấp, trong khi thù lao mà dân chúng tự trả khi đến bác sĩ da liễu, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ cao hơn nhiều. Sinh viên trường y sẽ chọn Da liễu khi điều trị da bằng laser nhận thù lao cao hơn nhiều lần thù lao mà một bác sĩ sản khoa được trả khi hộ sinh Theo giới bác sĩ, Nam Hàn đã đủ bác sĩ, tăng thêm bác sĩ sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ y tế trong tương lai.
Đối với hiện trạng, các bác sĩ (chủ yếu là bác sĩ nội trú) xin từ nhiệm hoặc tự ý bỏ việc hàng loạt để phản đối ý định của chính phủ Nam Hàn - nâng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000/năm kể từ 2024, một số chuyên gia (chủ yếu là giáo sư thuộc khoa đào tạo quản lý bệnh viện ở các đại học) bảo với Korea Herald rằng, giới bác sĩ phản đối bởi Nam Hàn có nhiều bệnh viện, phòng khám tư và nhiều bác sĩ sẽ làm thu nhập của họ sụt giảm, chưa kể cách tính phí theo từng dịch vụ riêng biệt cũng là nguyên nhân. Giáo sư Jeong Hyoung-sun của Đại học Yonsei, giải thích : Nhiều bác sĩ hơn thì cạnh tranh nhiều hơn ! Giáo sư Lee Ju-yul của Đại học Namseoul cũng nhận định tương tự : Nhiều bác sĩ hơn thì miếng bánh sẽ nhỏ hơn.
Năm 2020, chính phủ Nam Hàn đã từng có ý định nâng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 4.000 sinh viên song con số này được chia ra trong mười năm (từ 2022 đến 2032). Tuy nhiên chính phủ Nam Hàn phải bỏ ý định này vì điều đó bị giới bác sĩ phản đối trong khi đại dịch Covid-19 ở ngay trước cửa. Thế còn công chúng nghĩ sao ? Dường như họ ủng hộ chính phủ. Kết quả một cuộc khảo sát do Nghiệp đoàn nhân viên y tế Nam Hàn thực hiện hồi cuối năm ngoái xác định có 89,3% dân chúng Nam Hàn ủng hộ tăng thêm bác sĩ. So với kết quả khảo sát cùng loại được thực hiện vào năm 2020 (69,6%) thì đã tăng thêm khoảng 20%(9).
***
Chưa biết kết quả cuộc đối đầu giữa chính phủ Nam Hàn và giới bác sĩ Nam Hàn ra sao. Người viết bài này không có ý định lạm bàn về đúng – sai. Mục đích của việc thuật lại chỉ nhằm cung cấp dữ liệu để so sánh. Nếu dân chủ thuần túy, không phải "dân chủ xã hội chủ nghĩa" như Việt Nam thì chính quyền không thể áp đặt ý muốn của họ lên bất kỳ giới nào, kể cả khi điều đó liên quan đến lợi ích cộng đồng (quyền được khám bệnh, chữa bệnh của tất cả mọi người). Điều chỉnh là nghĩa vụ của tất cả các bên và bên nào cũng phải quan sát, ngẫm nghĩ về thái độ, phản ứng của công chúng. Tại sao nhân viên y tế Việt Nam lại "ngoan", cắn răng chấp nhận đủ điều phi lý từ năm này sang năm khác, từ thập niên này đến thập niên khác ?
Câu trả lời là không "ngoan" thì chết ! Trong một xã hội thực thi "dân chủ xã hội chủ nghĩa", cá nhân công dân hay cộng đồng chẳng là gì cả. Dù muốn hay không cũng phải tuân phục đảng cầm quyền vô điều kiện ! Ở Việt Nam, có giới nào không "ngoan" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/02/2024
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/ong-vuong-dinh-hue-can-dai-ngo-phu-hop-cho-nhan-vien-y-te-4713403.html
(2) https://laodong.vn/xa-hoi/luong-khong-du-song-benh-vien-kho-giu-chan-bac-si-1262460.ldo
(3) https://tuoitre.vn/vi-sao-dao-mo-rach-3-lan-moi-qua-da-vao-duoc-benh-vien-2022082212020956.htm
(5) https://cand.com.vn/y-te/bac-si-kien-nghi-sam-khien-ao-giap-de-phong-bi-tan-cong--i663940/
(7) https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=61682
(8) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2024-02-20/south-korea-doctors-strike-13058110.html