Khi CA vừa là ‘công an’, vừa là ‘chạy án’ !
Trân Văn, VOA, 23/02/2024
"...Phim ‘Chạy án’ của VTV dù hấp dẫn cũng chỉ là "muỗi" trước những vụ chạy án ngoài sức tưởng tượng của những kịch tác gia giỏi hư cấu nhất trước ba vụ chạy án này".
Tuần này, chuyện tòa án sắp đưa vụ án có liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca (Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, bị truy tố vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - nhận 35 tỉ để giúp chủ một doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn trái phép chạy án) không nóng bằng chuyện cáo trạng vụ án này tiết lộ, khi khám xét tư gia của ông Ca, công an đã lập biên bản - tạm giữ "nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm, hơn 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do vợ chồng ông Ca đứng tên" và "sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ" việc vợ chồng ông Ca "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến những tài sản này" (1). Không phải tự nhiên mà người sử dụng mạng xã hội quan tâm, bàn luận rôm rả...
Việt Tân đay nghiến : Các ‘ông chủ’ đã thấy tiền của của ‘đầy tớ của nhân dân’ nhiều như thế nào chưa ? Số tài sản đó ăn đến mấy đời cũng chưa hết. Đó là chưa biết Đỗ Hữu Ca đã tẩu tán bao nhiêu tài sản ! Trong khi các ‘ông chủ’ ngự trong những ‘nhà trọ’ diện tích chưa tới mười mét vuông thì ngoài các biệt thự, ‘đầy tớ’ còn hơn 40 sổ đỏ. Trong khi các ‘ông chủ" túng quẫn đến nỗi cả gia đình phải quyên sinh thì ‘đầy tớ’ sống xa hoa trên núi tài sản. Ai tin núi tài sản đó có được từ những việc như thừa kế, buôn chổi đót... Đó là tiền cướp từ dân. Ngoài việc bày tỏ sự tán thành, nhiều người góp thêm như Cuong MyTho : Không riêng ông này ! Hoặc nhắc lại thắc mắc vốn đã được công chúng nêu ra rất nhiều lần sau khi viên chức nhũng lạm bùng lên thành các scandal như Le Ngoc Anh : Quan trọng là ai đưa ông ta lên (2) ?
Giữa lúc dư luận dậy lên thành bão, Trần Vũ Hải nhắc : Nhiều người bảo rằng, ông Ca đã thôi làm Giám đốc Công an Hải phòng mà còn nhận những 35 tỉ đồng để chạy một vụ án thì khi còn là Giám đốc Công an Hải phòng, số lần và số tiền liên quan đến ‘chạy án’ chắc không thể ít ? Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, ngoài tình tiết ông Ca có biệt phủ lớn cạnh một dòng sông ở huyện Thủy Nguyên (vì cho rằng việc xây dựng biệt phủ này lấn vào hành lanh bảo vệ sông mà Tạp chí Luật sư bị đình chỉ hoạt động ba tháng và bị phạt 50 triệu đồng do đưa tin không chính xác) và một biệt thự ở quận Hải An (nơi ông Ca cư trú lúc tư gia bị khám xét), không có chứng cứ nào và cáo buộc nào liên quan đến việc ông đã nhận tiền ‘chạy án’ khi đương chức nên ông Đỗ Hữu Ca vô tội nhé ! Còn ông Ca có mấy nhà lớn và mấy chục sổ đỏ là chuyện riêng của gia đình ông nhé ! Le Tanhoa - một thân hữu của Trần Vũ Hải - tán thành : Tiền người ta đưa thì lấy chứ đâu có nhận hối lộ hoặc giống như tham nhũng không vụ lợi ! Còn Tuan Harry nhận định : Giờ, trưởng công an một huyện đã có tầm trăm tỷ thì tài sản giám đốc công an cấp tỉnh như ông Ca cỡ đó cũng bình thường thôi (3).
Bởi những scandal liên quan đến công an và "chạy án" đã trở thành quen thuộc, Truong Huy San cho rằng : Phim ‘Chạy án’ của VTV dù hấp dẫn cũng chỉ là "muỗi" trước những vụ chạy án ngoài sức tưởng tượng của những kịch tác gia giỏi hư cấu nhất trước ba vụ chạy án này - cựu Điều tra viên về "tội phạm tham nhũng" Bùi Trung Kiên nhận 3,7 triệu USD, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca nhận 35 tỷ, Thiếu tướng Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhận 2,65 triệu USD. Vẫn biết, như tuyên bố của cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – ‘Chạy án phải bằng tiền chứ không thể hô hào khẩu hiệu’ nhưng giá chạy án mà những sĩ quan công an cao cấp này đưa ra là quá mức hình dung của người dân. Nhất là giá được đưa ra từ họ, những tên tội phạm ấy, từng đứng đầu những cơ quan chống tội phạm ở những điạ phương quan trọng nhất. Đành rằng, chính công an đã phá những vụ án này, có nghĩa là ngành không dung thứ những hành vi sai trái ấy. Nhưng, có thể không phải tất cả các vụ tham nhũng trong ngành đều bị phát hiện. Và, liệu có bao nhiêu trường hợp, kẻ tham nhũng hơn lại đang đi còng tay tham nhũng ?
Có rất nhiều người bình luận thêm về suy tư của Truong Huy San. Có người như Nguyễn Hoàng Tuyển thở dài : Phong cho lắm TƯỚNG vào, giờ thành TƯỚNG CƯỚP. Nhìn chung đất nước có bao giờ như thế này ! Đây là tên TƯỚNG bị lộ, Còn bao nhiêu tên TƯỚNG đang NGẠO NGHỄ trong bộ máy bảo vệ đảng ? Hồn thiêng sông núi nước Nam không bao giờ để cho những tên tội phạm này không bị trừng phạt theo luật nhân quả ! Có người như Pham Tri Vien nhận định : Tham nhũng đi bắt tham nhũng, tham nhũng nhiều đi bắt tham nhũng ít hơn thì cả làng Vũ Đại đều biết. Vua đứng trên lập pháp hành pháp và tư pháp nên nó mới ra cớ sự. Nguyễn Chiêu Trịnh tán thành : Chính xác, quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối. Ngân Du cũng vậy : Lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện thì sẽ tha hóa toàn diện và tuyệt đối thôi ! Phuc Tran Van bày tỏ hy vọng : Ai cũng thấy vua đang cởi truồng thế mà ông ấy luôn bảo dưới triều đại của ông ấy mặt trời luôn tỏa nắng ở xứ này. Mong có ai la lên cho ông ấy nghe mà xấu hổ ! Song Long Mai không đồng ý : Biết xấu hổ thì ông ấy đã không nói ! Đó cũng là lý do Le Tam mỉa mai : Tham nhũng mạnh như thế mà muốn hóa hổ, hóa rồng thì chỉ có hổ giấy và rồng đất (4) !
***
Sau khi biết công an có ý định "xác minh, làm rõ" chuyện vợ chồng ông Ca "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến những tài sản đang bị tạm giữ " ông Kim Van Chinh bày tỏ mong ước : Ước sao đảng và nhà nước phát huy vụ Đỗ Hữu Ca, thống kê hết tài sản của tất cả các giám đốc công an các huyện - tỉnh, các bí thư huyện - tỉnh, các chủ tịch huyện - tỉnh sau đó yêu cầu giải trình như ông Ca rồi theo quy định luật pháp mà làm Tổng tài sản thu về cho ngân sách nhà nước dùng nhiều năm chả hết. Ước nguyện rất khó vì như vậy phải thống kê cả tài sản của các cán bộ chủ chốt đương chức bộ máy đảng và nhà nước. Tuy tán thành, nhiều người không tin vào sự khả thi của mong ước vốn là đương nhiên ở các xứ khác. Chẳng hạn theo Nguyễn Thành Nhân thì đó là : Ước chỉ để ước thôi ! Tương tự là Nguyen Anh Bắc : Biết là nên thế nhưng mò kim đáy biển thì hơi khó ! Tại sao khó ? Hai Duong vặn lại người nêu mong ước : Làm xong rồi giải tán luôn hả cụ ?
Trong số thân hữu của ông Kim Van Chinh, có người như Ngoc Anh Nguyen nhẩm tính : 63 tỉnh x 10 ông rồi cộng với trung ương khoảng 100 ông nữa thì nước mình phải có cỡ 730 tỉ phú USD không công bố bác ạ ! Có thể vì vậy nên Duc Nguyen lưu ý : Nếu làm đúng như bác mong ước thì chẳng khác gì ‘vạch áo cho người xem lưng’. Li Chen ngậm ngùi : Bởi vì ước mơ không bị đánh thuế nên chúng ta cứ ước thôi ạ ! Em ước chế độ cộng sản ‘mãi mãi’ trong sạch vững mạnh, công bằng văn minh, không tơ hào cây kim sợi chỉ của dân (5) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/02/2024
Chú thích
*******************************
Trường hợp Đỗ Hữu Ca
Trân Văn, VOA, 23/02/2024
Thật ra "soi" như đã "soi" ông Ca hoàn toàn hợp lý và cần thiết nhưng tại sao các hệ thống bảo vệ pháp luật chưa bao giờ "soi" ông nào theo kiểu này ?
Nếu quan tâm đến nguồn gốc và phương thức vợ chồng ông Ca thủ đắc tài sản, vì sao Kết luận điều tra và Cáo trạng chỉ loan báo "nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm" chứ không bạch hóa giá trị ?
Cáo trạng vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, nhận hối lộ và đưa hối lộ" có liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca đang khuấy động dư luận. Trong vụ án vừa kể, viên tướng từng là giám đốc công an thành phố Hải Phòng bị truy tố vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do đã nhận 35 tỉ đồng của cặp vợ chồng chuyên mua bán hóa đơn trái phép để giúp họ thoát nạn nhưng lại không làm gì cả(1).
Tuy nhiên đó chưa phải là chuyện đáng chú ý nhất. Khi khám xét tư gia của ông Đỗ Hữu Ca, công an đã lập biên bản tạm giữ "nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm, hơn 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất dovợ chồng ông Ca đứng tên" và chuyện đáng chú ý nhất nằm ở chỗ, công an cho rằng vợ chồng ông Ca "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến những tài sản này" nên "sẽtiếp tục xác minh, làm rõ" (2). Đây là lần đầu tiên công an Việt Nam có ý định điều tra về cách thức thủ đắc tài sản của một viên chức nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự của ông ta vì hình như khối tài sản này có nguồn gốc bất minh !
***
Tục ngữ có câu "nhất bên trọng, nhất bên khinh" để khái quát lối hành xử bất thường và bất công, điển hình của tùy tiện, vô lối, vô pháp – cùng một loại việc nhưng ứng xử khác nhau, đặt nặng việc này nhưng xem nhẹ việc kia hoặc việc này thì xử nặng nhưng việc kia thì xử cho có, thậm chí không làm gì cả ! Chuyện công an có ý định điều tra "về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến khối tài sản của ông Ca" vì cho rằng ông Ca "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân" là hết sức bất thường và "bất công" với ông Ca. Muốn biết công an đối xử với ông Ca bất thường và "bất công" thế nào thì cứ đối chiếu với trường hợp ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc công an thành phố Hà Nội.
Ông Tuấn cũng là thiếu tướng như ông Ca, chức vụ cũng suýt soát với ông Ca. Giống như ông Ca, ông Tuấn cũng nhận tiền chạy án cho một số cá nhân liên quan đến đại án được ví von là "giải cứu". Giống như ông Ca, ông Tuấn cũng đòi tiền chẵn, không thèm tiền lẻ. Tổng số tiền mà ông Tuấn đã nhận để chạy án là 2,85 triệu Mỹ kim và ông khai đã chuyển cho ông Hoàng Văn Hưng (Điều tra viên cao cấp) 2,2 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên ông Hưng bảo rằng ông chỉ nhận có 800.000 Mỹ kim nên ông Tuấn bị buộc phải nộp lại 1,8 triệu Mỹ kim. Khác với ông Ca (không chỉ ra được đã móc nối với ai nên bị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), ông Tuấn túm được cổ, lôi được đàn em cùng xuống hố nên tội danh ông bị truy tố cũng "sang" hơn. Đó là "môi giới hối lộ" !
Bất thường và "bất công" nằm ở chỗ, khi đưa vụ án "giải cứu" ra xét xử phúc thẩm, dù ông Tuấn không kháng cáo (điều này đồng nghĩa với chuyện ông "tâm phục, khẩu phục", xem hình phạt năm năm tù mà mà Hội đồng xét xử sơ thâm đã tuyên là "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật") nhưng đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố vẫn đề nghị khoan hồng hơn nữa - giảm án cho ông Tuấn. Hội đồng xét xử phúc thẩm vừa chấp nhận đề nghị đó - giảm cho ông Tuấn một năm tù (hình phạt chỉ còn bốn năm tù), vừa chấp nhận thêm một đề nghị nữa của Viện Kiểm sát tuyên trả lại cho gia đình ông Tuấn "146 lượng vàng, 210.000 Mỹ kim, dỡ bỏ lệnh phong tỏa một tỉ đồng của gia đình ông Tuấn tại ngân hàng" (2).
Tại sao không những không thắc mắc gia đình ông Tuấn đã "đầu tư, kinh doanh" những gì để có khối tài sản lớn hơn nhiều lần so với thu nhập chính thức của một sĩ quan công an để kiểm tra – xác định xem ông Tuấn và gia đình có hoặc đã "thực hiện kê khai thu nhập cá nhân", mà các cơ quan bảo vệ pháp luật còn cùng nhau tung hừng để hoàn trả cho bằng được khối tài sản khổng lồ này ? So với trường hợp ông Ca, đó chính là bất thường và "bất công", chứng tỏ sự bất nhất trong thực thi pháp luật !
***
Thật ra "soi" như đã "soi" ông Ca hoàn toàn hợp lý và cần thiết nhưng tại sao các hệ thống bảo vệ pháp luật chưa bao giờ "soi" ông nào theo kiểu này ? Không thể xem việc săm soi riêng ông Ca là thượng tôn pháp luật hay nghiêm minh khi đó chỉ là cá biệt. Nếu quan tâm đến nguồn gốc và phương thức vợ chồng ông Ca thủ đắc tài sản, vì sao Kết luận điều tra và Cáo trạng chỉ loan báo "nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm" chứ không bạch hóa giá trị ?
Úp úp, mở mở như thế có khác gì công an, viện kiểm sát đang dùng chiêu trong cuộc chơi với cá nhân nào đó hay nhóm nào đó ? Ngoài yếu tố vừa đề cập, người viết bài này không tin công an nói riêng và hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật tại Việt Nam sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự vợ chồng ông Ca vì "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân" bởi đi theo lối này sẽ tạo ra tiền lệ hết sức nguy hiểm cho "các ông, các bà" đã cũng như đang "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh".
Đâu phải tự nhiên mà bất chấp khuyến cáo của nhiều chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đề nghị của nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn cương quyết gạt bỏ nỗ lực hình sự hóa "giàu có bất thường" (điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) ra khỏi Luật Hình sự khi sửa vào các năm 2015 và 2017(3) và Luật Phòng – chống tham nhũng vào năm 2018(4).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/02/2024
Chú thích
(3) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
(4) https://tuoitre.vn/chong-tham-nhung-van-bo-tay-voi-tai-san-bat-minh/20171121095053431.htm