…và bài học cho lực lượng "còn Đảng, còn mình" ?
Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng – Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, người từng nổi tiếng với "trận đánh đẹp" ở Tiên Lãng. Ở tuổi 66, ông Ca lại trở thành bị cáo đứng trước vành móng ngựa, trong một vụ án lừa đảo.
Bị cáo Đỗ Hữu Ca (Ảnh : Nguyễn Dương).
Báo Thanh Niên ngày 12/4 đưa tin, "Cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca lãnh án 10 năm tù". Bản tin cho biết, ngày 12/4, sau 2 ngày xét xử và nghị án, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca 10 năm tù, với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Chung vụ với ông Ca còn 12 bị cáo khác, liên quan việc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ; trốn thuế ; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ; nhận hối lộ và đưa hối lộ", với những bản án khác nhau.
Cụ thể, bị cáo Trương Xuân Đước bị tuyên phạt 9 năm tù ; bị cáo Ngọc Anh – vợ của Trương Xuân Đước, nhận mức án 4 năm 6 tháng tù ; các bị cáo còn lại, bị tuyên phạt từ 18 đến 24 tháng tù, cùng với số tiền phạt từ 300 triệu đến 2,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của cơ quan công tố, đây là vụ án điển hình của lợi ích nhóm, với sự câu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ công quyền, đã gây thiệt hại đáng kể cho nhà nước.
Đối với bị cáo Đỗ Hữu Ca, mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng ông Đước thoát án mua bán hóa đơn trái phép, nhưng đã cố ý gian dối, hứa hẹn giúp "chạy án", và đã nhận tới 35 tỷ đồng để thực hiện hành vi này. Do đó, ông Ca phạm vào tội "lừa đảo".
Trên mạng xã hội, đa số ý kiến cho rằng, việc cựu Tướng Công an Đỗ Hữu Ca bị truy tố với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", có mức án nằm trong khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, hoặc tù chung thân. Nhưng phán quyết của toà chỉ ở mức án 10 năm tù, là bản án chưa thực sự nghiêm minh.
Bản án này quá nhẹ so với số tiền 35 tỷ mà bị cáo Đỗ Hữu Ca cố tình chiếm đoạt. Căn cứ vào khối tài sản khổng lồ mà cơ quan chức năng đã thu giữ hoặc kê biên của vợ chồng ông Ca, cho thấy, đây không phải là lần đầu Tướng Ca nhận tiền chạy án hoặc hối lộ.
Truyền thông nhà nước đưa tin, trong ngày đầu tiên của phiên tòa sơ thẩm, ông Đỗ Hữu Ca không thừa nhận việc nhận 35 tỷ đồng nói trên là để chạy án. Ông Ca khai, số tiền này là để thực hiện việc "tìm cách cứu Đước trên cơ sở quy định pháp luật, với nguyên tắc đã xâm phạm tiền Nhà nước thì phải bồi thường, để hưởng khoan hồng". Ông kiên quyết không nhận cáo buộc về việc chạy án.
Vậy mà, không rõ vì lý do gì, chỉ sau một đêm, bị cáo Đỗ Hữu Ca bất ngờ "lật kèo" những lời khai hôm trước. Tướng Ca thừa nhận tội lỗi đúng như cáo trạng truy tố, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trong lời nói cuối cùng tại tòa, Tướng Ca đã gửi lời xin lỗi đến Đảng, nhà nước, ngành công an và người dân Hải Phòng. Theo đó, "cả đời công tác không sao, đến cuối đời lại có hành động vô đức làm ảnh hưởng đến các cơ quan, đoàn thể. Một lần phạm tội lại vào thời điểm cuối đời khiến tôi vô cùng ân hận và đau khổ".
Công luận cho rằng, với tội trạng rành rành như vậy, có chối tội cũng không thể được. Việc chối tội rồi lại nhận tội của ông Ca, là điển hình cho tư duy gian xảo của các tướng lĩnh trong lực lượng "còn Đảng còn mình". Lãnh đạo công an của một thành phố lớn như Hải Phòng, mà nhận thức pháp luật như thế, thì xã hội không loạn mới là điều lạ.
Quan trọng hơn, còn biết bao tướng tá trong ngành công an vẫn chưa bị lộ, vẫn đang ung dung hưởng thụ khối tài sản khổng lồ mà họ kiếm được do nhận hối lộ, do chạy án, khi còn đương chức ?
Có một hiện tượng bất thường, đó là việc có nhiều đơn vị và cá nhân gửi đơn đến Tòa, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đỗ Hữu Ca. Trước đó, các luật sư bào chữa cho ông Ca vẫn cho rằng, bản án đề nghị đối với ông là quá nặng, vì họ cho rằng, hành vi của ông Ca "không gây nguy hại cho xã hội". Đồng thời, các luật sư này đề nghị, không cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Hội đồng Xét xử bác bỏ.
Công luận rằng, một thời, cán cân công lý luôn nghiêng về phía công an. Họ luôn được che chắn và nâng đỡ theo nguyên tắc, "tội nặng, án nhẹ" hoặc chỉ bị xử lý hành chính.
Vì vậy, bản án 10 năm tù đối với cựu Giám đốc Công an Hải Phòng – Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, sẽ là bài học cảnh tỉnh đối với các tướng lĩnh, sĩ quan trong lực lượng "còn Đảng còn mình".
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 15/04/2024
Tiền của Ca ở đâu ra ?
Châu Nam Việt, VNTB, 27/02/2024
Trong quá trình hoàn tất cáo trạng và điều tra cựu giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, lực lượng chức năng đã vô tình vén màn bí mật về khối tài sản khổng lồ của một ông tướng Công an.
Ông Ca và các đồng chí của ông sử dụng quyền lực để kiếm tiền và kiếm ra rất nhiều tiền.
Không chỉ có trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà còn một lượng lớn tiền việt, vàng, ngoại tệ, trang sức… Số lượng và giá trị của những tài sản này khiến công chúng dù không hề ngỡ ngàng, nhưng khiến người ta đặt ra câu hỏi khối tài sản của ông Đỗ Hữu Ca này ở đâu ra.
Nhìn vào sự kiện "trận đánh đẹp" năm 2009 mà ông Đỗ Hữu Ca được biết tới, chúng ta có thể tìm thấy những dấu vết và dấu hiệu để phân tích và suy luận về nguồn gốc của khối tài sản mà ông Ca sở hữu.
Trong trận này, ông Ca đã huy động công an và quân đội cưỡng chế khu đất hơn 40ha của ông Đoàn Văn Vươn. Một "trận đánh đẹp" khốc liệt, với 6 người bị thương và ngôi nhà của ông Vươn bị phá hủy, đồng thời ông Vươn cũng bị bắt và phải ngồi tù.
Điều này gợi lên suy đoán rằng có người đã có kế hoạch chiếm đoạt và kiếm lợi từ việc tịch thu và chuyển giao khu đất có diện tích lớn này cho một bên thứ ba mà ông Ca cũng không phải không được hưởng chút lợi lộc nào.
Tính chất của sự kiện "trận đánh đẹp" cũng gợi lên nghi ngờ về việc ông Ca đã được ai đó thông tin và hỗ trợ để thực hiện kế hoạch này. Ông Ca đã sử dụng lực lượng công an và quân đội để thực hiện việc cưỡng chế đất, phía sau đó có sự phân phối và chia chác lại lợi ích cho bản thân.
Việc cho rằng ông Đỗ Hữu Ca, người đứng đầu Công an Thành phố Hải Phòng, làm một công việc như vậy chỉ để ăn lương công nhật của nhà nước là thật sự ngây thơ và thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề. Những người thực sự ngây thơ trong sự kiện này có lẽ chỉ là những chiến sĩ quân đội, công an … được cấp trên điều đi làm công việc "cướp bóc hợp pháp". Họ là những người đầu tiên chịu thiệt hại nếu có bạo lực xảy ra, nhưng họ lại chỉ được hưởng những trợ cấp ít ỏi cho một ngày công làm việc là hết.
Đằng sau những vụ việc như thế này là việc kiếm tiền và kiếm ra rất nhiều tiền nhờ vào việc sử dụng quyền lực. Ông Ca, như nhiều quan chức khác, có thể lợi dụng những bất cập của hệ thống pháp luật như Luật Đất Đai, Luật Doanh Nghiệp hay việc mua bán hóa đơn để tăng tài sản. Đôi khi, họ chỉ cần "nhắm mắt làm ngơ", tức là không làm gì cả, nhưng vẫn được chia phần trong các giao dịch lớn.
Và vụ Đoàn Văn Vươn chỉ là một chấm nhỏ của tảng băng chìm.
Người cuối cùng bị thiệt trong các giao dịch mang danh luật pháp này là ai ?
Trong những vụ án như vụ cướp bóc tại đầm Tiên Lãng, nạn nhân rõ ràng là gia đình ông Vươn. Nhưng đằng sau những vụ án "không được nói ra" như vậy, nạn nhân không chỉ là người bị trực tiếp ảnh hưởng nói riêng, mà còn là những người dân bình thường, những người nghèo, những người không có quyền lực và không thể tự bảo vệ được quyền lợi của mình.
Những người dân tay trắng trong cuộc chơi quyền lực, không có khả năng đối đầu hay phòng ngự trước những quan chức tham nhũng như ông Ca. Oái ăm thay, những nạn nhân thấp cổ bé họng bị mất của vào tay những kẻ nhân danh quyền lực và công lý như ông Ca. Nhờ những phiếu bầu gian dối mà chúng có được cái quyền ngang nhiên trộm cắp công khai để vinh thân phì gia.
Châu Nam Việt
Nguồn : VNTB, 27/02/2024
****************************
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca và hai vụ án đình đám !
RFA, 27/02/2024
Cựu giám đốc công an Hải Phòng - Đỗ Hữu Ca không chỉ là tác giả của "trận đánh đẹp" tấn công cưỡng chế đất của nông dân Đoàn Văn Vươn, mà ông còn là người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ Nguyễn Văn Chưởng với quá nhiều dấu hiệu oan sai.
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca và ông Đoàn Văn Vươn (từ trái qua) - RFA edited
Đỗ Hữu Ca chỉ đạo vụ Nguyễn Văn Chưởng
Ông Đỗ Hữu Ca - thiếu tướng vừa bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", phát biểu trong một bài viết năm 2019 rằng sau ngày xảy ra vụ án, ông đã mất ăn mất ngủ, có ngày chỉ ăn một gói mì tôm, quyết tìm ra thủ phạm là Nguyễn Văn Chưởng chỉ trong 45 ngày.
Luật sư Lê Văn Hòa là tổ trưởng tổ điều tra án oan của Ban Nội chính Trung ương và từ năm 2013-2014, cho biết vụ án Nguyễn Văn Chưởng do ông Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng trực tiếp chỉ đạo "phá án" từ năm 2007. Trong thời điểm đó, ông Ca đã trốn tránh làm việc với tổ điều tra án oan :
"Chúng tôi đã có kế hoạch để làm việc với nhiều cơ quan chức năng, từ Tòa án Nhân dân tối cao tới Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và ông Đỗ Hữu Ca là giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng.
Ông này cũng đã hứa tiếp tổ công tác của chúng tôi, thế nhưng mà khi chúng tôi xuống Hải Phòng thì ông ta lại tìm cách lẩn tránh, không gặp được ông ấy, ngay từ lúc đó là thái độ đã bất hợp tác rồi".
Hiện nay, ông Dương Tự Trọng đang thi hành bản án 18 năm tù, còn ông Đỗ Hữu Ca sắp hầu tòa. Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói với RFA khi hay tin ông Ca bị bắt và khởi tố :
"Tôi cảm thấy phấn khởi, bởi vì vào thời điểm đó là năm 2007, tôi đã nói ở dưới phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra của Hải Phòng là "ác giả, ác báo", nếu các anh làm điều ác thì các anh phải gánh chịu và bây giờ thì đúng là chúng nó phải gánh chịu".
Ông Chinh cho biết, ông đã gởi đơn tố cáo ông Dương Tự Trọng và Đỗ Hữu Ca - hai người trực tiếp lãnh đạo điều tra vụ án của con trai ông từ năm 2011. Tuy nhiên, sau khi ông Dương Tự Trọng bị bắt vào năm 2013 thì ông Chinh mới nhận được thông báo rằng đơn tố cáo ông Trọng đã được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ; còn đơn tố cáo ông Đỗ Hữu Ca cho tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.
Đỗ Hữu Ca "coi trời bằng vung"
Sau khi chỉ đạo đàn áp thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào năm 2012, ông Đỗ Hữu Ca được phong hàm thiếu tướng công an vào năm 2013.
Theo luật sư Lê Văn Hòa, khi ngành Công an gởi đề nghị tới các cơ quan Đảng và Chính phủ đề nghị phong tướng cho ông Ca vào năm 2012, khi ấy luật sư Hòa đang làm chuyên viên ở Ban Nội chính nên được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ :
"Chính tôi được Ban Nội chính trung ương giao để thẩm định hồ sơ của ông này và chính cá nhân tôi đề nghị là không thăng cấp tướng cho ông ta vì khi đó xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn năm 2012. Nhưng tôi cũng chả hiểu vì sao ông Đỗ Hữu Ca vẫn được đề nghị tăng lên Thiếu tướng. Cá nhân tôi trong hai năm đã không đồng ý rồi".
Luật sư Hòa, với kinh nghiệm của người đã từng là việc lâu năm trong bộ máy chính trị cho biết ông đã dự tính được rằng sớm muộn gì ông Đỗ Hữu Ca cũng bị bắt :
"Các cán bộ kiểu như ông Ca, tuy không nhiều lắm nhưng gây bức xúc cho xã hội. Ông Ca bộc lộ là quá tự cao tự đại, coi trời bằng vung lúc ông ta còn công tác, vì lúc đó thế của ông ấy rất mạnh.
Đặc biệt là vụ án của ông Đoàn Văn Vươn, tổ chức hàng trăm cảnh sát bao vây và ông ấy cũng tham gia chỉ đạo để tấn công vào nhà anh Đoàn Văn Vươn và tuyên bố rằng đây là "một trận đánh đẹp" và có thể viết thành sách để đưa vào các trường Công an để giảng dạy.
Ngay khi tôi đọc được những thông tin như thế thì tôi cho rằng ông này là một người rất tự cao tự đại cho nên sớm muộn gì cũng sẽ bộc lộ rõ bản chất của mình thôi. Ngay lúc đó tôi đã có những dự đoán như thế rồi".
Nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, bị bắt vào ngày 18/2/2023. Đến ngày 20/2/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh truy tố ông theo tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" , trong một vụ án trốn thuế, mua bán hóa đơn chứng từ nộp ngân sách Nhà nước phi pháp.
Ông Đỗ Hữu Ca, sinh năm 1958, đã từng nắm giữ chức Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2013. Ông nghỉ hưu vào tháng 7/2013 khi giữ các chức vụ bao gồm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố ; đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng khóa XIV.
Nguồn : RFA, 27/02/2024
Trân Văn, VOA, 23/02/2024
"...Phim ‘Chạy án’ của VTV dù hấp dẫn cũng chỉ là "muỗi" trước những vụ chạy án ngoài sức tưởng tượng của những kịch tác gia giỏi hư cấu nhất trước ba vụ chạy án này".
Tuần này, chuyện tòa án sắp đưa vụ án có liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca (Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, bị truy tố vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - nhận 35 tỉ để giúp chủ một doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn trái phép chạy án) không nóng bằng chuyện cáo trạng vụ án này tiết lộ, khi khám xét tư gia của ông Ca, công an đã lập biên bản - tạm giữ "nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm, hơn 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do vợ chồng ông Ca đứng tên" và "sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ" việc vợ chồng ông Ca "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến những tài sản này" (1). Không phải tự nhiên mà người sử dụng mạng xã hội quan tâm, bàn luận rôm rả...
Việt Tân đay nghiến : Các ‘ông chủ’ đã thấy tiền của của ‘đầy tớ của nhân dân’ nhiều như thế nào chưa ? Số tài sản đó ăn đến mấy đời cũng chưa hết. Đó là chưa biết Đỗ Hữu Ca đã tẩu tán bao nhiêu tài sản ! Trong khi các ‘ông chủ’ ngự trong những ‘nhà trọ’ diện tích chưa tới mười mét vuông thì ngoài các biệt thự, ‘đầy tớ’ còn hơn 40 sổ đỏ. Trong khi các ‘ông chủ" túng quẫn đến nỗi cả gia đình phải quyên sinh thì ‘đầy tớ’ sống xa hoa trên núi tài sản. Ai tin núi tài sản đó có được từ những việc như thừa kế, buôn chổi đót... Đó là tiền cướp từ dân. Ngoài việc bày tỏ sự tán thành, nhiều người góp thêm như Cuong MyTho : Không riêng ông này ! Hoặc nhắc lại thắc mắc vốn đã được công chúng nêu ra rất nhiều lần sau khi viên chức nhũng lạm bùng lên thành các scandal như Le Ngoc Anh : Quan trọng là ai đưa ông ta lên (2) ?
Giữa lúc dư luận dậy lên thành bão, Trần Vũ Hải nhắc : Nhiều người bảo rằng, ông Ca đã thôi làm Giám đốc Công an Hải phòng mà còn nhận những 35 tỉ đồng để chạy một vụ án thì khi còn là Giám đốc Công an Hải phòng, số lần và số tiền liên quan đến ‘chạy án’ chắc không thể ít ? Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, ngoài tình tiết ông Ca có biệt phủ lớn cạnh một dòng sông ở huyện Thủy Nguyên (vì cho rằng việc xây dựng biệt phủ này lấn vào hành lanh bảo vệ sông mà Tạp chí Luật sư bị đình chỉ hoạt động ba tháng và bị phạt 50 triệu đồng do đưa tin không chính xác) và một biệt thự ở quận Hải An (nơi ông Ca cư trú lúc tư gia bị khám xét), không có chứng cứ nào và cáo buộc nào liên quan đến việc ông đã nhận tiền ‘chạy án’ khi đương chức nên ông Đỗ Hữu Ca vô tội nhé ! Còn ông Ca có mấy nhà lớn và mấy chục sổ đỏ là chuyện riêng của gia đình ông nhé ! Le Tanhoa - một thân hữu của Trần Vũ Hải - tán thành : Tiền người ta đưa thì lấy chứ đâu có nhận hối lộ hoặc giống như tham nhũng không vụ lợi ! Còn Tuan Harry nhận định : Giờ, trưởng công an một huyện đã có tầm trăm tỷ thì tài sản giám đốc công an cấp tỉnh như ông Ca cỡ đó cũng bình thường thôi (3).
Bởi những scandal liên quan đến công an và "chạy án" đã trở thành quen thuộc, Truong Huy San cho rằng : Phim ‘Chạy án’ của VTV dù hấp dẫn cũng chỉ là "muỗi" trước những vụ chạy án ngoài sức tưởng tượng của những kịch tác gia giỏi hư cấu nhất trước ba vụ chạy án này - cựu Điều tra viên về "tội phạm tham nhũng" Bùi Trung Kiên nhận 3,7 triệu USD, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca nhận 35 tỷ, Thiếu tướng Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhận 2,65 triệu USD. Vẫn biết, như tuyên bố của cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – ‘Chạy án phải bằng tiền chứ không thể hô hào khẩu hiệu’ nhưng giá chạy án mà những sĩ quan công an cao cấp này đưa ra là quá mức hình dung của người dân. Nhất là giá được đưa ra từ họ, những tên tội phạm ấy, từng đứng đầu những cơ quan chống tội phạm ở những điạ phương quan trọng nhất. Đành rằng, chính công an đã phá những vụ án này, có nghĩa là ngành không dung thứ những hành vi sai trái ấy. Nhưng, có thể không phải tất cả các vụ tham nhũng trong ngành đều bị phát hiện. Và, liệu có bao nhiêu trường hợp, kẻ tham nhũng hơn lại đang đi còng tay tham nhũng ?
Có rất nhiều người bình luận thêm về suy tư của Truong Huy San. Có người như Nguyễn Hoàng Tuyển thở dài : Phong cho lắm TƯỚNG vào, giờ thành TƯỚNG CƯỚP. Nhìn chung đất nước có bao giờ như thế này ! Đây là tên TƯỚNG bị lộ, Còn bao nhiêu tên TƯỚNG đang NGẠO NGHỄ trong bộ máy bảo vệ đảng ? Hồn thiêng sông núi nước Nam không bao giờ để cho những tên tội phạm này không bị trừng phạt theo luật nhân quả ! Có người như Pham Tri Vien nhận định : Tham nhũng đi bắt tham nhũng, tham nhũng nhiều đi bắt tham nhũng ít hơn thì cả làng Vũ Đại đều biết. Vua đứng trên lập pháp hành pháp và tư pháp nên nó mới ra cớ sự. Nguyễn Chiêu Trịnh tán thành : Chính xác, quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối. Ngân Du cũng vậy : Lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện thì sẽ tha hóa toàn diện và tuyệt đối thôi ! Phuc Tran Van bày tỏ hy vọng : Ai cũng thấy vua đang cởi truồng thế mà ông ấy luôn bảo dưới triều đại của ông ấy mặt trời luôn tỏa nắng ở xứ này. Mong có ai la lên cho ông ấy nghe mà xấu hổ ! Song Long Mai không đồng ý : Biết xấu hổ thì ông ấy đã không nói ! Đó cũng là lý do Le Tam mỉa mai : Tham nhũng mạnh như thế mà muốn hóa hổ, hóa rồng thì chỉ có hổ giấy và rồng đất (4) !
***
Sau khi biết công an có ý định "xác minh, làm rõ" chuyện vợ chồng ông Ca "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến những tài sản đang bị tạm giữ " ông Kim Van Chinh bày tỏ mong ước : Ước sao đảng và nhà nước phát huy vụ Đỗ Hữu Ca, thống kê hết tài sản của tất cả các giám đốc công an các huyện - tỉnh, các bí thư huyện - tỉnh, các chủ tịch huyện - tỉnh sau đó yêu cầu giải trình như ông Ca rồi theo quy định luật pháp mà làm Tổng tài sản thu về cho ngân sách nhà nước dùng nhiều năm chả hết. Ước nguyện rất khó vì như vậy phải thống kê cả tài sản của các cán bộ chủ chốt đương chức bộ máy đảng và nhà nước. Tuy tán thành, nhiều người không tin vào sự khả thi của mong ước vốn là đương nhiên ở các xứ khác. Chẳng hạn theo Nguyễn Thành Nhân thì đó là : Ước chỉ để ước thôi ! Tương tự là Nguyen Anh Bắc : Biết là nên thế nhưng mò kim đáy biển thì hơi khó ! Tại sao khó ? Hai Duong vặn lại người nêu mong ước : Làm xong rồi giải tán luôn hả cụ ?
Trong số thân hữu của ông Kim Van Chinh, có người như Ngoc Anh Nguyen nhẩm tính : 63 tỉnh x 10 ông rồi cộng với trung ương khoảng 100 ông nữa thì nước mình phải có cỡ 730 tỉ phú USD không công bố bác ạ ! Có thể vì vậy nên Duc Nguyen lưu ý : Nếu làm đúng như bác mong ước thì chẳng khác gì ‘vạch áo cho người xem lưng’. Li Chen ngậm ngùi : Bởi vì ước mơ không bị đánh thuế nên chúng ta cứ ước thôi ạ ! Em ước chế độ cộng sản ‘mãi mãi’ trong sạch vững mạnh, công bằng văn minh, không tơ hào cây kim sợi chỉ của dân (5) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/02/2024
Chú thích
*******************************
Trường hợp Đỗ Hữu Ca
Trân Văn, VOA, 23/02/2024
Thật ra "soi" như đã "soi" ông Ca hoàn toàn hợp lý và cần thiết nhưng tại sao các hệ thống bảo vệ pháp luật chưa bao giờ "soi" ông nào theo kiểu này ?
Nếu quan tâm đến nguồn gốc và phương thức vợ chồng ông Ca thủ đắc tài sản, vì sao Kết luận điều tra và Cáo trạng chỉ loan báo "nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm" chứ không bạch hóa giá trị ?
Cáo trạng vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, nhận hối lộ và đưa hối lộ" có liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca đang khuấy động dư luận. Trong vụ án vừa kể, viên tướng từng là giám đốc công an thành phố Hải Phòng bị truy tố vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do đã nhận 35 tỉ đồng của cặp vợ chồng chuyên mua bán hóa đơn trái phép để giúp họ thoát nạn nhưng lại không làm gì cả(1).
Tuy nhiên đó chưa phải là chuyện đáng chú ý nhất. Khi khám xét tư gia của ông Đỗ Hữu Ca, công an đã lập biên bản tạm giữ "nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm, hơn 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất dovợ chồng ông Ca đứng tên" và chuyện đáng chú ý nhất nằm ở chỗ, công an cho rằng vợ chồng ông Ca "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến những tài sản này" nên "sẽtiếp tục xác minh, làm rõ" (2). Đây là lần đầu tiên công an Việt Nam có ý định điều tra về cách thức thủ đắc tài sản của một viên chức nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự của ông ta vì hình như khối tài sản này có nguồn gốc bất minh !
***
Tục ngữ có câu "nhất bên trọng, nhất bên khinh" để khái quát lối hành xử bất thường và bất công, điển hình của tùy tiện, vô lối, vô pháp – cùng một loại việc nhưng ứng xử khác nhau, đặt nặng việc này nhưng xem nhẹ việc kia hoặc việc này thì xử nặng nhưng việc kia thì xử cho có, thậm chí không làm gì cả ! Chuyện công an có ý định điều tra "về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan đến khối tài sản của ông Ca" vì cho rằng ông Ca "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân" là hết sức bất thường và "bất công" với ông Ca. Muốn biết công an đối xử với ông Ca bất thường và "bất công" thế nào thì cứ đối chiếu với trường hợp ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc công an thành phố Hà Nội.
Ông Tuấn cũng là thiếu tướng như ông Ca, chức vụ cũng suýt soát với ông Ca. Giống như ông Ca, ông Tuấn cũng nhận tiền chạy án cho một số cá nhân liên quan đến đại án được ví von là "giải cứu". Giống như ông Ca, ông Tuấn cũng đòi tiền chẵn, không thèm tiền lẻ. Tổng số tiền mà ông Tuấn đã nhận để chạy án là 2,85 triệu Mỹ kim và ông khai đã chuyển cho ông Hoàng Văn Hưng (Điều tra viên cao cấp) 2,2 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên ông Hưng bảo rằng ông chỉ nhận có 800.000 Mỹ kim nên ông Tuấn bị buộc phải nộp lại 1,8 triệu Mỹ kim. Khác với ông Ca (không chỉ ra được đã móc nối với ai nên bị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), ông Tuấn túm được cổ, lôi được đàn em cùng xuống hố nên tội danh ông bị truy tố cũng "sang" hơn. Đó là "môi giới hối lộ" !
Bất thường và "bất công" nằm ở chỗ, khi đưa vụ án "giải cứu" ra xét xử phúc thẩm, dù ông Tuấn không kháng cáo (điều này đồng nghĩa với chuyện ông "tâm phục, khẩu phục", xem hình phạt năm năm tù mà mà Hội đồng xét xử sơ thâm đã tuyên là "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật") nhưng đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố vẫn đề nghị khoan hồng hơn nữa - giảm án cho ông Tuấn. Hội đồng xét xử phúc thẩm vừa chấp nhận đề nghị đó - giảm cho ông Tuấn một năm tù (hình phạt chỉ còn bốn năm tù), vừa chấp nhận thêm một đề nghị nữa của Viện Kiểm sát tuyên trả lại cho gia đình ông Tuấn "146 lượng vàng, 210.000 Mỹ kim, dỡ bỏ lệnh phong tỏa một tỉ đồng của gia đình ông Tuấn tại ngân hàng" (2).
Tại sao không những không thắc mắc gia đình ông Tuấn đã "đầu tư, kinh doanh" những gì để có khối tài sản lớn hơn nhiều lần so với thu nhập chính thức của một sĩ quan công an để kiểm tra – xác định xem ông Tuấn và gia đình có hoặc đã "thực hiện kê khai thu nhập cá nhân", mà các cơ quan bảo vệ pháp luật còn cùng nhau tung hừng để hoàn trả cho bằng được khối tài sản khổng lồ này ? So với trường hợp ông Ca, đó chính là bất thường và "bất công", chứng tỏ sự bất nhất trong thực thi pháp luật !
***
Thật ra "soi" như đã "soi" ông Ca hoàn toàn hợp lý và cần thiết nhưng tại sao các hệ thống bảo vệ pháp luật chưa bao giờ "soi" ông nào theo kiểu này ? Không thể xem việc săm soi riêng ông Ca là thượng tôn pháp luật hay nghiêm minh khi đó chỉ là cá biệt. Nếu quan tâm đến nguồn gốc và phương thức vợ chồng ông Ca thủ đắc tài sản, vì sao Kết luận điều tra và Cáo trạng chỉ loan báo "nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm" chứ không bạch hóa giá trị ?
Úp úp, mở mở như thế có khác gì công an, viện kiểm sát đang dùng chiêu trong cuộc chơi với cá nhân nào đó hay nhóm nào đó ? Ngoài yếu tố vừa đề cập, người viết bài này không tin công an nói riêng và hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật tại Việt Nam sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự vợ chồng ông Ca vì "không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân" bởi đi theo lối này sẽ tạo ra tiền lệ hết sức nguy hiểm cho "các ông, các bà" đã cũng như đang "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh".
Đâu phải tự nhiên mà bất chấp khuyến cáo của nhiều chính phủ, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, đề nghị của nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn cương quyết gạt bỏ nỗ lực hình sự hóa "giàu có bất thường" (điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) ra khỏi Luật Hình sự khi sửa vào các năm 2015 và 2017(3) và Luật Phòng – chống tham nhũng vào năm 2018(4).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/02/2024
Chú thích
(3) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
(4) https://tuoitre.vn/chong-tham-nhung-van-bo-tay-voi-tai-san-bat-minh/20171121095053431.htm
1. Đứng đầu lực lượng công an thành phố lớn, thành phố cảng Hải Phòng, đại tá Đỗ Hữu Ca đã mang sức mạnh bạo lực nhà nước, cảnh sát vũ trang với đầy đủ súng đạn hiện đại, dàn thế trận, rải quân trên bộ, rải quân đường biển, vây chặt bốn hướng ngôi nhà dưới cả cấp bốn, nhỏ bé, mong manh, lẻ loi, chơ vơ trên bãi biển của gia đình người nông dân quả cảm khai hoang mở đất ở Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng.
Đại tá Đỗ Hữu Ca - Ảnh minh họa
Thế trận bao vây đã khép chặt, con gà trên mặt đất, con chim trên trời cũng không thể lọt qua vòng vây, Đỗ Hữu Ca liền thúc quân nã đạn xối xả vào cuộc sống bình yên, nã đạn vào ngôi nhà nhỏ bé như cái chòi chăn vịt của gia đình người dân lương thiện Đoàn Văn Vươn.
Đổ mồ hôi, đổ cả máu, mất cả mạng sống của đứa con trong gia đình trong công cuộc khai hoang lấn biển, gia đình Đoàn Văn Vươn bền chí nối tiếp sự nghiệp mở cõi ngàn đời của ông cha, lam lũ làm tiếp công việc đầy khốn khó, gian nan nhưng vô cùng cần thiết, cao cả và vẻ vang mà Nguyễn Công Trứ đã làm và được lịch sử ghi công.
Đỗ Hữu Ca chỉ huy những tay súng công an bắn vào cuộc sống bình yên của người dân
Không phải chỉ có công khai hoang, lấn biển, mở cõi, gia đình Đoàn Văn Vươn còn cần cù lao động sáng tạo phát triển kinh tế, làm giầu cho gia đình, đóng góp cho đất nước ngoài tiền thuế còn tạo ra của cải vật chất cho xã hội và nêu tấm gương sáng về đạo đức và tư thế hiên ngang của người lao động quả cảm và sáng tạo.
Lao động sáng tạo, gia đình Đoàn Văn Vươn đã thực hiện đúng tiêu chí phấn đấu của đảng và nhà nước được ghi rành rành trong mọi nghị quyết, mọi chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội là phấn đấu xây dựng xã hội "dân giầu, nước mạnh".
Lực lượng công an dưới sự chỉ huy của đại tá công an Đỗ Hữu Ca tấn công gia đình người nông dân lương thiện Đoàn Văn Vươn.
2. Khai hoang lấn biển và sản xuất kinh doanh trên bãi biển khai hoang của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn đều trong khuôn khổ pháp luật nhà nước về đất đai, được thể hiện bằng các hợp đồng giao diện tích khai hoang, hợp đồng sử dụng mặt đất, mặt biển khai hoang giữa gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn với chính quyền nhà nước quản lí lãnh thổ. Đó là mối quan hệ dân sự hết sức thông thường đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước.
Quá trình thực hiện hợp đồng giao đất và sử dụng đất không tránh khỏi nảy sinh khác biệt, mâu thuẫn giữa hai bên kí hợp đồng cũng là điểu bình thường, luôn luôn xảy ra như là điều tất yếu của cuộc sống và sự khác biệt, mâu thuẫn trong đời sống biến động đó chỉ là tranh chấp dân sự thường tình. Tranh chấp dân sự phải giải quyết bằng tòa án dân sự và chỉ có tòa án phân xử mới giải quyết được thỏa đáng mọi tranh chấp dân sự. Tòa án cấp nào cũng có lực lượng thi hành án dân sự bảo đảm thực thi phán quyết của tòa án.
Lực lượng công an dưới sự chỉ huy của đại tá công an Đỗ Hữu Ca trong cuộc xả đạn vào ngôi nhà của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn.
Nhà nước Việt Nam luôn tự hào khẳng định là nhà nước pháp quyền. Suốt mấy chục năm nay trên khắp đất nước, ở đâu người dân cũng thấy slogan ngạo nghễ như lời nhắc nhở người dân và lời cam kết của chính quyền nhà nước với người dân "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Một xã hội có luật pháp, một nhà nước pháp quyền không cho phép sử dụng công cụ bạo lực nhà nước, sử dụng quân đội và công an, sử dụng súng đạn trong tranh chấp dân sự.
Người dân đổ mồ sôi sôi nước mắt làm ra của cải vật chất cho xã hội và đóng thuế nuôi nhà nước, nuôi quân đội, nuôi công an. Nhân dân trang bị súng đạn cho quân đội để quân đội đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Nhân dân trang bị công cụ bạo lực hiện đại cho công an để công an trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân.
Dù phải chấp nhận cuộc sống đầy kham khổ, trăm bề thiếu thốn, người dân vẫn dành cho công an rất nhiều đãi ngộ, bảo đảm cho công an có đời sống vật chất và tinh thần cao hơn mặt bằng xã hội. Đó là ơn nghĩa lớn lao, cao cả người dân dành cho công an.
Dù chỉ là công cụ bạo lực nhà nước nhưng là con người, những người được người dân trao cho khẩu súng phải nhận thức được nghĩa vụ bảo vệ dân và càng phải khắc cốt ghi tâm một nguyên tắc, một chân lí và một đạo lí là nhân dân ở phía sau khẩu súng. Bất kì tình thế nào cũng không được chĩa nòng súng vào nhân dân. Không có luật pháp nhà nước, không có lương tâm con người và không có đạo lí xã hội nào đẩy người dân lương thiện ra trước nòng súng của công an nhân dân. Dù chỉ là công cụ bạo lực nhà nước nhưng là con người, những người cầm súng được người dân chăm bẵm nuôi dưỡng và ưu ái đãi ngộ phải đinh ninh trong dạ ơn nghĩa nhân dân.
Thành quả cuộc xả súng bắn dân của đại tá công an Đỗ Hữu Ca. Căn nhà trên bãi biển khai hoang của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn chỉ còn là đống gạch vụn
Chỉ những kẻ mất trí, mất tính người mới nhận thức rằng "Công an nhân dân còn đảng còn mình", mới coi công an chỉ là công cụ của đảng, chỉ biết có đảng, không biết đến nhân dân. Đó là nhận thức của kẻ lú lẫn, mê muội, cuồng tín, coi đảng, một tổ chức chính trị nhất thời như một tôn giáo của muôn đời, như một đức tin duy nhất và tuyệt đối. Sự thật trong thực tế và trong lịch sử, đảng chỉ là tổ chức chính trị của một số người trong một giai đoạn lịch sử nhất thời. Chỉ nhân dân mới vĩnh hằng.
Đảng chính trị có lúc đúng, lúc sai và đảng đương quyền đã để lại cho nhân dân, cho lịch sử đầy rẫy sai lầm, đầy rẫy tội ác đẫm máu. Chỉ có nhân dân muôn đời là chân lí, là lẽ phải. Đảng chính trị dù có tới vài triệu đảng viên, so với nhân dân cũng chỉ là một dúm người theo đuổi một lí tưởng chính trị nhất thời. Khi không còn phù hợp với thực tế, lí tưởng chính trị chỉ còn là mớ xác chữ chết khô, giáo điều. Chỉ có nhân dân là hiện thực, là cuộc sống xanh tươi, vô cùng, vô tận, Chỉ có nhân dân đồng nghĩa với dân tộc, với tổ quốc mới là mãi mãi.
3. Khi giám đốc công an Hải Phòng, đại tá Đỗ Hữu Ca chỉ huy lực lượng cảnh sát trang bị vũ khí hiện đại xả đạn vào gia đình người nông dân Đoàn Văn Vươn là khi gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn còn đang khiếu kiện, nhờ luật pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng. Tòa án chưa xét xử. Gia đình Đoàn Văn Vươn vẫn là những nông dân lương thiện, những người lao động chân chính có công mở cõi với đất nước và có công bằng lao động chính đáng làm ra của cải vật chất cho xã hội.
Chỉ huy công an xả đạn bắn vào người dân lương thiện, bắn vào cuộc sống bình yên, đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc công an Hải Phòng cũng xả đạn bắn vào luật pháp, xả đạn bắn vào nhà nước pháp quyễn xã hội chủ nghĩa.
Xả đạn bắn người dân lương thiện mà Ca huênh hoang : Phải nói rằng trận đánh đẹp, hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng trận đánh này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng, rất là đẹp.
Sau "trận đánh đẹp" chỉ huy công an xả súng bắn vào gia đình nông dân lương thiện Đoàn Văn Vươn, đại tá công an Đỗ Hữu Ca được bộ trưởng bộ công an, đại tướng Trần Đại Quang trao quyết định phong hàm thiếu tướng
4. Từ việc làm đến lời nói của Ca đã bộc lộ đầy đủ, rõ ràng một nhận thức rất thấp kém, sai trái tệ hại, bộc lộ một nhân cách xấu xa, một con người bất nhân, thất đức, một công chức u mê, ngu xuẩn và ngông cuồng đến mức lùa quân xả súng bắn người dân lương thiện, bắn vào cuộc sống lao động bình yên, bắn vào luật pháp.
Tổ chức chính quyền quản lí Ca nhận thức được đầy đủ con người thấp hèn của Ca, nhận thức được tội trạng ghê tởm của Ca, phải loại Ca ra khỏi bộ máy quyền lực nhà nước, loại Ca ra khỏi đảng cầm quyền thì Ca không còn cơ hội phơi bày cái thấp hèn, cái khốn nạn ghê tởm của Ca. Nhưng tổ chức chính quyền quản lí Ca đã bao che, dung dưỡng cái thấp hèn của Ca bằng cách chạy cho Ca có được hàm tướng công an để với hàm tướng công an Ca lại làm điều thấp hèn lớn hơn, tệ hại hơn. Không có hàm tướng, Ca không thể nhận được 35 tỉ tiền chạy tội cho một tội phạm đang đục phá nền kinh tế đất nước.
Cạp cục tiền lớn hối lộ bị bại lộ, Ca bị khởi tố. Nhưng dung dưỡng con người thấp hèn, phong tướng công an cho con người thấp hèn để tướng công an thấp hèn Đỗ Hữu Ca có cơ hội tiếp tục bộc lộ cái thấp hèn, tồ chức chính quyền phong tướng cho cái thấp hèn thì vô can, sẽ còn nảy nòi thêm nhiều Đỗ Hữu Ca.
Phạm Đình Trọng
(24/02/2024)
Thêm một tướng Công an "Học tập làm theo"
Đỗ Hữu Ca, nguyên Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hải Phòng bị bắt vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ông Đỗ Hữu Ca tại một buổi tiếp xúc cử tri trong năm 2018 - Ảnh : Thủy Nguyên
Vụ án làm rúng động dư luận bởi con số tiền mà Đỗ Hữu Ca đã nhận để chạy án là 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều mà người ta chú ý ở vụ án này, bởi Đỗ Hữu Ca là một nhân vật đặc biệt, một nhân vật vốn đã nổi tiếng trên dư luận xã hội từ khá lâu trước đây.
Đó là vụ án cưỡng chế, cướp đất Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trong hàng trăm, hàng ngàn vụ án cưỡng chế, cướp đất đai tài sản và gây tội ác đối với dân chúng, thì vụ Đoàn Văn Vươn có thể được coi là trong một chừng mực nào đó, đem đến một thắng lợi cho dư luận xã hội và những người hoạt động xã hội kết hợp với việc báo chí được cho mở miệng.
Tại vụ án đó, Đỗ Hữu Ca nổi danh với vai trò Giám đốc Công an, người cầm đầu việc tổ chức cưỡng chế trái luật pháp và đạo lý, trái lương tâm đối với tài sản đất đai của anh em người nông dân Đoàn Văn Vươn và đã bị phản ứng bằng súng hoa cải và nổ bình gaz. Lực lượng hùng hậu của đoàn cưỡng chế bao gồm cả công an, cả quân đội được huy động để tập kích cướp đất, phá nhà, đã lãnh hậu quả là 4 công an và 2 bộ đội bị thương mặc dù không bắt được anh em nhà Đoàn Văn Vươn.
Thế nhưng khi trả lời báo ngày 8/1/2012, Đỗ Hữu Ca, nói rằng : "vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả".
Lực lượng cưỡng chế rà mìn trên lối vào khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn (DR)
Thế rồi, khi người ta vạch trần ra rằng thì là cái vụ tập kích ấy, vụ hợp đồng tác chiến công phu ấy, đã đánh nhầm vào khu vực công an, quân đội chẳng có nhiệm vụ gì. Và Công an, Quân đội đã hô nhau đi phá nhà dân trái luật pháp, dùng súng đạn bắn thẳng vào dân, gây tội ác, vì khu vực bị cưỡng chế không phải nơi diễn ra "Trận đánh đẹp". Ngay lúc đó, cũng chính cái miệng Đỗ Hữu Ca, lại leo lẻo rằng thì "cái nhà, cái boongke có hầm ngầm kiên cố" ấy, chỉ là cái chòi chăn vịt". Và cái mà Ca bảo rằng "không ai phàn nàn về chuyện ấy cả" là một làn sóng phẫn nộ của dư luận xã hội, của báo chí, của quan chức đương cũng như cựu.
Phản ứng của Đoàn Văn Vươn thể hiện sự cùng đường của người nông dân khi bị dồn vào chỗ chết và vụ án đã đi theo một hướng khác không như ý ban đầu của tập đoàn công quyền tội ác ở đây.
Dù vậy, thì Đỗ Hữu Ca cũng cứ an nhiên tự tại, thậm chí còn được phong từ đại tá lên thiếu tướng ngay trước ngày vụ xử Phúc thẩm anh em Đoàn Văn Vươn như một sự nhạo báng dư luận rằng : Là Công an, quyền chức trong tay, ai làm gì được tao.
Có lẽ quá tin tưởng vào thế mạnh của mình, nên Đỗ Hữu Ca đã bất chấp mọi sự nguy hiểm để nhận vụ chạy án này. Người ta đặt câu hỏi rằng : Khi đã nghỉ hưu, Ca còn nhận một vụ chạy án đến 35 tỷ, vậy khi Ca còn đương chức, đương quyền, với quyền sinh quyền sát đang trong tay mình, thì những vụ khác sẽ là bao nhiêu ? Người ta chưa biết được, chỉ biết được rằng : Khi khám nhà Ca là các biệt thự khổng lồ tại hai địa điểm khác nhau, lực lượng chức năng phát hiện trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức…
Cơ quan chức năng đã tạm giữ nhiều đồ vật, tài sản là tiền Việt Nam đồng ; tiền ngoại tệ, các trang sức, vàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (mang tên Đỗ Hữu Ca cùng vợ và các cá nhân khác, sổ tiết kiệm mang tên vợ Ca và các cá nhân khác.
Điều hài hước, ở đây là với khối tài sản khổng lồ đó, Đỗ Hữu Ca khai trước cơ quan điều tra rằng : "Số đồ vật, tài sản trên có được thông qua việc tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của cá nhân ông Ca và của vợ".
Thế nhưng, người ta biết tỏng tòng tong là với tuổi của Ca, những năm ấy nếu không phải là thành phần cốt cán, thành phần cơ bản của giai cấp công nhân hoặc nông dân – nghĩa là nghèo truyền kiếp 7 đời trước – thì Ca làm sao mà vào được ngành công an khi mà đảng chỉ tụng niệm và ưu tiên Giai cấp công nông vô sản ? Kể cả răng hồi đó cũng không thể bán được thì bố mẹ Ca lấy đâu ra của cải mà để lại cho Ca ?
Còn tiền lương ư ? Thử xem trên đất nước này từ xưa đến nay, đã có cán bộ nào sống được bằng tiền lương của mình hay chưa, nói chi đến khối tài sản khổng lồ đó ?
Với ít nhất hai khối biệt thự, thậm chí là còn xâm lấn đất công, và khối tài sản bị thu kia, là người phải kê khai tài sản, Đỗ Hữu Ca chắc sẽ không có khoản kê vừa làm Giám đốc Công an lại vừa đi buôn bán bất động sản. Bởi người ta chỉ ra rằng : Ca chẳng có hồ sơ nào về việc kinh doanh hay nộp thuế kinh doanh bất động sản khi mà có số tài sản khổng lồ đó.
Nghe chuyện này, người dân bảo nhau rằng : "Với khối tài sản đó, Ca chưa khai do chạy xe ôm hoặc buôn chổi đót hoặc làm thêm thối cả móng tay là may rồi".
Trên mạng Internet, khi thấy tấm hình Đỗ Hữu Ca với bộ mặt béo phị đứng dưới tấm bảng : "Học tập và làm theo Đạo đức Hồ Chí Minh" thì người dân lại nhớ tấm gương tày liếp mà Hoàng Chí Bảo đã kể về vụ Hồ Chí Minh lừa đảo tại Paris năm xưa. Còn ở đây, cụ thể thì Ca lại đang thực hiện phong trào viết "Nhật ký Trong tù".
Kết cục nào cho Đỗ Hữu Ca ? "Nhân văn" hay thù địch ?
Vụ án Đỗ Hữu Ca sẽ đi về đâu, là câu hỏi được đặt ra hiện nay.
Hẳn nhiên là ai cũng biết được rằng lẽ ra, sẽ căn cứ vào điều nọ, luật kia, sẽ căn cứ vào dấu hiệu phạm tội không chỉ lừa đảo ở vụ 35 tỷ này mà phải triệt để mở rộng vụ án để "không bỏ lọt tội phạm"…
Thế nhưng, điều đó sẽ xảy ra, nếu Đỗ Hữu Ca là một công dân bình thường mà nói theo ngôn ngữ dân gian hiện nay là "Công dân thẳng".
Còn ở đây lại khác. Thế nên người ta mới đặt ra câu hỏi cho vụ án này.
Người ta đặt ra câu hỏi đó bởi nhiều lẽ. Trước hết, Ca là Công an, lại còn từng là Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hải Phòng, một thành phố quan trọng của cả nước.
Hẳn nhiên là đã quan trọng vậy thì mối quan hệ nhiều, chiếc ghế kiếm được phải vững chân và bền rễ mới vượt qua sóng gió xưa nay. Sai lầm mà Ca đã phạm phải ở đây, chỉ là quá chủ quan mà không nhớ rằng mình đã về hưu. Bởi quan chức cộng sản mà đã có quyết định về hưu, có nghĩa là gió đã đổi chiều và tình bạn, tình đồng chí, đồng hương, đồng môn, đồng bọn… đều thay đổi.
Thế nhưng, như vậy cũng không có nghĩa là Ca sẽ phải được xử công bằng như một công dân bình thường.
Bởi nếu là công dân bình thường, chẳng ai ngu dại gì mà chạy đến mang cả số tiền khổng lồ ấy đổ vào nhà.
Bởi công dân bình thường, làm sao ai tin rằng có khả năng chạy án, bởi chẳng ai có thể chạy án tốt bằng các quan chức trong các ngành luật pháp như Công an, kiểm sát, tòa án… là những ngành mà "muốn xử có tội cũng được mà có công cũng được".
Bởi việc Ca nhận hàng chục tỷ đồng rồi bỏ tủ cất đi cứ như không có chuyện gì xảy ra, nó chứng tỏ một điều rằng đây chỉ là vài vụ lẻ tẻ và lặt vặt không cần tốn công động não mấy.
Khi Ca là công an, lại là tướng Công an biến thành Tướng Cướp, thì có nghĩa là câu chuyện nghề nghiệp bị sa cơ lỡ chân mà thôi. Vậy nên, vẫn còn nhiều đàn em, vẫn có nhiều đồng chí không vì tình, mà vì tiền, vì những quyền lợi, nghĩa vụ trong những phi vụ liên quan. Vì thế cái câu của cha ông rằng "Mở miệng mắc quai" là câu chuyện ví dụ vẫn tồn tại.
Và do đó, nếu "đánh chó, phải ngó chủ nhà" là điều hiển nhiên.
Chẳng vậy mà các tướng cướp công an phạm các tội "lẫy lừng" như Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa khi ra tòa mới được hưởng sự "Khoan hồng, nhân văn" của đảng đến thế bằng mấy năm tù ví dụ, chứ còn nếu là "công dân thẳng thì chắc không tru di thì cũng "tùng xẻo".
Nói đâu xa xôi, mới đây Nguyễn Anh Tuấn cũng là "Tướng Công an chuyển sang tướng cướp" trong vụ Chuyến bay giải cứu là một ví dụ điển hình.
Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận tiền chạy án, mà nhận nhiều hẳn hoi, tận 2,8 triệu đola nghĩa là khoảng 65 tỷ chứ không chỉ 35 tỷ như Đỗ Hữu Ca. Nhận xong, Tuấn chỉ đưa có 800.000 đôla đi chạy án, còn 2 triệu (nghĩa là 50 tỷ) đem bỏ két cất. Chỉ đến khi vụ việc bị vỡ lở, thì Tuấn mới lộ ra số tiền đó.
Mà khi khám nhà Tuấn, công an còn thu được hàng trăm lượng vàng, tiền tỷ và các thứ tài sản khác dù đã được báo động, được "rung chà cho cá nhảy" trước hàng tháng trời.
Vậy mà dù ngay trước Tòa, một cựu công an khác đã yêu cầu khởi tố Tuấn tội lừa đảo như Ca, nhưng Tòa lại bị… điếc đột ngột, quyết không nghe yêu cầu khởi tố Tuấn tội lừa đảo. Để rồi cho Tuấn một mức án ví dụ là 5 năm tù như sự đùa cợt cái gọi là "Nhà nước pháp quyền".
Và vui hơn nữa, hài hơn nữa và "Nhân văn" hơn nữa, đó là dù Tuấn thấy chỉ mấy năm tù ấy đã thở phào nhẹ nhõm không cần kháng án. Thì tòa vẫn thấy phân vân, thấy áy náy vì chưa đủ "nhân văn" nên đến phiên phúc thẩm, Tòa đột ngột giảm thêm cho 1 năm nữa.
Thế mới là "Nhà nước pháp quyền định hướng XHCN".
Còn hôm nay, Đỗ Hữu Ca sẽ được đối xử như thế nào ? Đó là điều khó đoán trước.
Sẽ là nhân văn hay thù địch, điều đó phụ thuộc vào quá trình vận động thời gian qua và quá trình xét xử sắp tới.
Và điều quan trọng nhất, là gia đình Ca không gặp phải đối tượng nhận tiền rồi để đó không chịu chạy án như chính Ca đã làm trong vụ án này.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 21/02/2024
Ông Ca gia nhập lực lượng công an nhân dân năm 17 tuổi và phục vụ lực lượng này 44 năm (1975 – 2019), đã từng được đào tạo tại Trường Công an Hải Phòng, Trường Văn hóa – Ngoại ngữ của Bộ Công an, Đại học An ninh nhân dân.
Tướng công an Đỗ Hữu Ca ngày còn tại chức.
Phần 1
Bốn ngày sau khi tiến hành khám xét tư gia và tạm giữ ông Đỗ Hữu Ca – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, hôm 22/2/2023, Công an Quảng Ninh loan báo đã khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với bị can là ông Ca.
Vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phát sinh từ vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" và "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhiệt điện Đông Triều thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong quá trình điều tra, công an Quảng Ninh phát giác Công ty Nhiệt điện Đông Triều tham gia mua bán hóa đơn để "trốn thuế". Khi điều tra thêm hoạt động "mua bán hóa đơn, chứng từ" thì phát giác Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương đứng phía sau một nhóm doanh nghiệp chuyên kinh doanh "hóa đơn, chứng từ" trong hàng chục năm qua tại hàng chục tỉnh, thành phố với "doanh số" đến 7.500 tỉ. Do vậy, vợ chồng, cháu ông chủ Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương và ba người khác bị bắt.
Chuyện chưa ngừng ở đó bởi sau đó, thân nhân của vợ chồng ông chủ Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương tố cáo đã giao cho ông Ca 35 tỉ để "chạy án" nhưng không hiệu quả như đã đặt hàng !
Theo Công an Quảng Ninh, ông Ca nhìn nhận có nhận tiền nhưng "không chủ động thông báo đến cơ quan chức năng để tiến hành lập biên bản, bàn giao lại số tiền mà giữở trong nhà" nên bị xem là "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (1).
***
Thiên hạ đã ôn lại "trận đánh đẹp" hồi 2012 ở Tiên Lãng – Hải Phòng mà ông Ca muốn đưa vào "giáo trình" nên kẻ viết bài này không muốn bàn thêm. Chỉ muốn lưu ý là sau "trận đánh đẹp" khiến toàn quốc rúng động ấy, ông Ca vẫn được phong tướng !
Đâu phải tự nhiên mà thân nhân vợ chồng ông chủ Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương tìm đến tư gia của ông cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, tự nguyện giao cho ông ta 35 tỉ.
Công an nhân dân Việt Nam phải như thế nào thì người ta mới tin là có thể "chạy án" và đi tìm những người như ông Ca. Ông Ca chỉ là thêm một "ca". Đã có vô số "ca" liên quan đến các ông tướng công an và "ca" nào cũng xứng đáng đưa vào "giáo trình".
Ví dụ, năm 2012 – thời điểm công an Việt Nam khởi tố vụ án "tham ô tài sản" xảy ra ở Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (mua ụ nổi đã hết hạn sử dụng với giá 2,3 triệu Mỹ kim rồi nâng lên thành 19 triệu Mỹ kim, chưa kể còn áp dụng phương thức này trong nhiều dự án đầu tư khác để nâng khống giá trị, chiếm đoạt số tiền tính bằng ngàn tỉ), ông Dương Chí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) đột nhiên biến mất ngay trước ngày công an thực hiện lệnh bắt. Sau khi bị dẫn độ về Việt Nam, phải ra tòa, trước tòa, ông Dũng khai chính ông Phạm Quý Ngọ - Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban chuyên án Vinalines gọi điện thoại để khuyên ông bỏ trốn. Ông Dũng còn khai thêm nhiều chuyện động trời khác.
Chẳng hạn một người tên Tiệp từng giúp bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vạn Thịnh Phát) giao cho ông Dũng 20 tỉ để ông Dũng chuyển cho ông Ngọ. Theo lời ông Dũng, lúc đó nhân vật tên Tiệp bảo ông Dũng : "Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa.
Cũng theo lời ông Dũng :Sau đó ít ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang Bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là : Anh Ngọ có giới thiệu công ty như thế.Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả. Ông Dũng còn khai thêm ông từng đưa 30.000 mỹ kim cho hai sĩ quan của C48[2].
Không rõ có phải vì thành khẩn như đã tường thuật hay không mà kết quả chung thẩm vẫn là ông Dương Chí Dũng bị phạt tử hình. Tháng sau (2/2014), ông Phạm Quý Ngọ đột tử(3). Cả đơn tố cáo mà ông Dương Chí Dũng gửi nhiều lãnh đạo đảng, nhà nước sau phiên xử sơ thẩm lẫn lời khai của ông tại phiên xử phúc thẩm chỉ khuấy động dư luận được một thời gian ngắn rồi rơi tõm vào quên lãng. Toàn bộ hệ thống tư pháp, từ Tòa án, Viện Kiểm sát tới Bộ Công an không làm gì cả, trừ chuyện Bộ Công an công bố quyết định khởi tố phóng viên Nguyễn Hùng của BBC(4) vì trong tường thuật về phiên phúc thẩm ông Dũng đã ám chỉThiếu tướng Trần Quang Tiệp - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quangtrong khi Dũng khai tên người đưa tiền là ‘Tiệc’ (5).
Tháng 4/2016, ông Trần Đại Quang thôi làm Bộ trưởng Công an để đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
***
Ông Ca gia nhập lực lượng công an nhân dân năm 17 tuổi và phục vụ lực lượng này 44 năm (1975 – 2019), đã từng được đào tạo tại Trường Công an Hải Phòng, Trường Văn hóa – Ngoại ngữ của Bộ Công an, Đại học An ninh nhân dân. Trong công việc từng là cán bộ công an huyện, Đội trưởng An ninh, lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an Hải Phòng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an Hải Phòng, Giám đốc nên chắc chắn là một cá nhân lão luyện về mặt nghề nghiệp.
Ông Ca còn nổi tiếng là giàu có - chủ thửa đất có diện tích đến 7.000 mét vuông được làm kè, dựng tường bao cạnh bờ sông Giá. Diện tích xây dựng trên thửa đất này được ước đoán cả ngàn mét vuông, ngoài khu nhà ở còn có khu nhà thờ, khu nhà ăn... Bởi sự đồ sộ ấy, đã từng có cơ quan truyền thông cho rằng, ông Ca lấn sông để xây dựng dinh thự nguy nga này nhưng chính quyền địa phương khẳng định, một nửa diện tích là đất hương hỏa, nửa còn lại do gia đình ông Ca mua thêm, không hề lấn chiếm(6).
Có đúng là ông Ca nhận 35 tỉ nhưng "không chủ động thông báo đến cơ quan chức năng để tiến hành lập biên bản, bàn giao lại số tiền mà giữở trong nhà" chấp nhận bị khởi tố vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hay rút kinh nghiệm từ những... Dương Chí Dũng ?
(Trân Văn)
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/ong-do-huu-ca-nhan-bao-nhieu-ti-dong-de-chay-an-20230223081843984.htm
(2) https://giaoduc.net.vn/duong-chi-dung-khai-gi-ve-nhung-lan-hoi-lo-nguoi-cua-bo-cong-an-post136923.gd
(3) https://petrotimes.vn/tuong-pham-quy-ngo-tu-tran-161129.html
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/blogs/2014/04/140424_duong_chi_dung_and_the_millions_blog
(5) https://vov.vn/phap-luat/khoi-to-vu-an-vu-khong-lien-quan-den-bai-bao-dang-tren-bbc-323292.vov
************************
Phần 2
Rõ ràng án tù dành cho những Vĩnh, Hóa, Tân, Thành, Tuấn... hay các hình thức kỷ luật đã áp dụng đối với hàng loạt sĩ quan mang hàm tướng của Tổng cục Cảnh sát như.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh từng mất chức vì dàn nhãn 'bình phong' cho một công ty tổ chức đánh bạc qua internet. Ông Ca chỉ là thêm một ca.
Ngoài yếu tố Công an nhân dân Việt Nam phải như thế nào thì thân nhân vợ chồng ông chủ Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương mới tin có thể "chạy án" và mạnh dạn xuất tiền, chuyện ông Ca thản nhiên nhận 35 tỉ từ họ còn bộc lộ một yếu tố khác cũng rất đáng chú ý. Đó là trong nhận thức của những sĩ quan công an cao cấp như ông Thiếu tướng - cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, bảo vệ - thực thi pháp luật và phòng chống tham nhũng – tiêu cực ở Việt Nam chỉ là trò hề mà ông Ca có thể tác động !
Bởi xem bảo vệ - thực thi pháp luật và phòng chống tham nhũng – tiêu cực chỉ là trò hề, có thể chủ động dàn dựng nên Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm Công nghệ cao) mới đem nhãn "bình phong" dán cho Công ty CNC để CNC công khai tổ chức đánh bạc qua Internet trên toàn quốc(1)... Thượng tướng Trần Việt Tân và Trung tướng Bùi Văn Thành cùng là Thứ trưởng Công an, Trung tướng Phan Hữu Tuấn (Tổng cục phó Tổng cục Tình báo) mới tuyển Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") làm "tình báo viên", lấy nhãn "bình phong" dán cho một số doanh nghiệp do Vũ "Nhôm" lập ra để thâu tóm công thự, công sản rồi chia lợi cho mình (2).
Rõ ràng án tù dành cho những Vĩnh, Hóa, Tân, Thành, Tuấn... hay các hình thức kỷ luật đã áp dụng đối với hàng loạt sĩ quan mang hàm tướng của Tổng cục Cảnh sát như Trung tướng Nguyễn Công Sơn (Tổng cục phó), Trung tướng Nguyễn Văn Ba (Tổng cục phó), Thiếu tướng Lê Đình Nhường (Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra), Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ (Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát), Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh (Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế)... hay các viên tướng khác của Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật như Trung tướng Lê Văn Minh (Tổng cục trưởng), Trung tướng Bùi Xuân Sơn(Tổng cục phó), Thiếu tướng Trần Quốc Cường (Cục trưởng Cục Chính trị Hậu cần của Tổng cục Tình báo)[3] không có chút tác động răn đe, giáo dục nào !
Vì sao lại thế ? Vì trước giờ, Công an nhân dân vốn vẫn càn rỡ và luôn được hưởng ngoại lệ khi bảo vệ - thực thi pháp luật và phòng chống tham nhũng – tiêu cực. Bị xử lý hành chính hay tệ hơn – bị truy cứu trách nhiệm hình sự chẳng qua là không may do tình thế thay đổi. Câu chuyện Dương Chí Dũng – Phạm Quý Ngọ - Trần Đại Quang đã đề cập ở kỳ trước hay danh tính những viên tướng vừa nêu ở phần trên của kỳ này chỉ là một phần trong một chuỗi các "ca" đan xen giữa may và rủi, không có chỗ cho luật pháp.
***
Năm 2014, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone xúc tiến việc mua lại cổ phần của Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Thương vụ này đã bị một số thành viên Mobifone tố cáo cả bằng đơn, thư gửi cho các cá nhân, cơ quan hữu trách lẫn bày ra trên Internet như một kiểu cảnh báo. Không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào bận tâm đến những tố cáo và cảnh báo ấy. Đầu năm 2016, thương vụ hoàn tất. Tố cáo và cảnh báo vẫn không ngừng. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định giao cho Thanh tra của chính phủ tiến hành thanh tra thương vụ này. Dù Tổng bí thư và Ban Chỉ đạo phòng - chống tham nhũng liên tục đốc thúc nhưng Thanh tra vẫn không công bố Kết luận Thanh tra(4).
Ngày 12/3/2018, Mobifone và AVG đạt được thỏa thuận hủy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Hai hôm sau – 14/3/2018 – Thanh tra Chính phủ mới công bố Kết luận chính thức về cuộc thanh tra thương vụ này. Theo đó, giá trị thực của AVG chỉ khoảng 1.900 tỉ đồng và nhiều bên trong đó có Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an… hoặc vô tình, hoặc cố ý tham gia vở kịch nâng giá trị của AVG lên 7.000 tỉ nữa.
Tình tiết AVG chủ động hoàn lại cho Mobifone 8.900 tỉ trước khi Thanh tra của chính phủ chính thức công bố kết luận về thương vụ này hai ngày rất kịch ! Nhờ sự chủ động từ bỏ khoản lợi lên tới 7.000 tỉ đó, ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG) chỉ bị phạt ba năm tù trong khi những viên chức cao cấp như Nguyễn Bắc Son (Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) bị phạt 14 năm tù, Lê Nam Trà (Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone) bị phạt 23 năm tù, Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Mobifone) bị phạt 14 năm tù ! Song đó chưa phải là đỉnh của vở kịch Mobifone mua 95% cổ phần của AVG bởi đỉnh nằm ở Bộ Công an và Thượng tướng Tô Lâm là người đứng trên cùng.
***
Trong Kết luận của Thanh tra chính phủ về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG có một đoạn dành cho Bộ Công an. Nguyên văn như sau :
Đối với Bộ Công an
Qua các văn bản của Bộ Công an tham gia ý kiến với Bộ Thông tin và truyền thông, cho thấy việc Bộ Công an có Văn bản số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất ; mặt khác, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng trên cơ sở đề nghị của Bộ Thông tin và truyền thông (Văn bản’số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015), Bộ Công an có Văn bản số 418/BCA-TCAN ngày 09/3/2015, thống nhất với Bộ Thông tin và truyền thông về việc đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ Thông tin và truyền thông với mức độ "MẬT", thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, là chưa phù hợp.
Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có Văn bản số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 gửi Bộ Thông tin và truyền thông, trong đó có nội dung : Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án do Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật ; có điều kiện và cơ sở đế giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu. Phương án Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty AVG như trong Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 của Bộ Thông tin và truyền thông đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá…
Các ý kiến nêu trên của Bộ Công an là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.
Cũng vì vậy, trong Kết luận vừa đề cập, Thanh tra kiến nghị :Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành 03 văn bản tham gia ý kiến với Bộ Thông tin và truyền thông nêu tại điểm 6 Mục II(5).
Nhận định của Thanh tra trong Kết luận về việc thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG chưa đủ để cảm nhận tường tận về đỉnh của đỉnh. Muốn cảm nhận tường tận cần đọc cả ba văn bản có liên quan đến thương vụ này do Bộ Công an phát hành. Cả ba đều có trên Internet dưới dạng ảnh nên nhiều người lười xem(6) và dưới đây là nguyên văn :
Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 8/12/2014
gửi Bộ Thông tin và truyền thông,
v/v Công ty AVG chào bán cổ phần.
Tối mật
Phúc đáp Công văn số 200/BTTTT-VP ngày 26/11/2014 của Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị Bộ Công an cho ý kiến về việc hướng dẫn Công ty AVG chào bán cổ phần cho một công ty nước ngoài, Bộ Công an có ý kiến như sau :
Theo quy định pháp luật về lĩnh vực viễn thông hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng trên cơ sở hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép thiết lập mạng viễn thông tại Việt Nam, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam hiện là thành viên (hiện là WTO). Theo đó, đối tác nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần. Mặt khác hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị vì liên quan đến hoạt động báo chí, do vậy tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cần phải khống chế thấp hơn nữa bảo đảm không để phía nước ngoài nắm quyền kiểm soát hạ tầng truyền dẫn và nội dung phát sóng.
AVG đang sở hữu hạ tầng truyền dẫn phát sóng số mặt đất và số vệ tinh trên phạm vi toàn quốc, được cấp 2 giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cho phát sóng số mặt đất và số vệ tinh, 2 giấy phép kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền, 4 tần số để phát sóng truyền hình số mặt đất. Đây là tài nguyên viễn thông và thương quyền mà Nhà nước cấp cho AVG để kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền. Công ty AVG được định giá cao như vậy (700 triệu USD) thực chất là bao gồm cả tài nguyên số và thương quyền đã được cấp phép, do vậy việc chuyển nhượng cần phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, ngăn chặn mua bán giấy phép.
AVG đang hợp tác với các đài truyền hình Bình Dương và Hà Nội kiểm duyệt nội dung phát sóng. Về hình thức, Nhà nước thông qua các cơ quan báo chí để quản lý nội dung chương trình truyền hình. Tuy nhiên việc cho phép một công ty nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG có thể dẫn tới việc chi phối tiêu chí quản lý kiểm duyệt thông qua sự ràng buộc về kinh tế, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên làm công tác kiểm duyệt nội dung. Vì vậy cần phải tính toán thận trọng, đảm bảo đúng định hướng của Bộ Chính trị về quy hoạch báo chí sắp tới.
Từ những nội dung trên, Bộ Công an đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất. Quá trình xử lý không nên tuyên truyền để dư luận hiểu là Nhà nước "quốc hữu hóa" hoặc thâu tóm doanh nghiệp.
Bộ Công an xin trao đổi và cám ơn sự hợp tác của Quý Bộ.
KT. Bộ trưởng – Thứ trưởng,
Thượng tướng Tô Lâm
--------------------------
Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015
gửi Bộ Thông tin và truyền thông
V/v Công ty AVG chuyển nhượng cổ phần cho Tổng Công ty Mobifone
Tối mật
Trả lời Công văn số 44/BTTTT-QLDN ngày 5/3/2015 của Bộ Thông tin và truyền thông về việc Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu – AVG chuyển nhượng cổ phần cho Tổng Công ty Mobifone, Bộ Công an có ý kiến như sau :
Việc chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và Mobifone là giao dịch kinh tế giữa hai doanh nghiệp, có sự định hướng của Nhà nước. Để tránh dư luận hiểu lầm là Nhà nước "quốc hữu hóa" hoặc thâu tóm doanh nghiệp, Bộ Thông tin và truyền thông đã chỉ đạo hai doanh nghiệp trên không công khai, tuyên truyền sự việc trên và quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Công an nhất trí với đề nghị của Bộ Thông tin và truyền thông không công khai tuyên truyền về việc này và thống nhất đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ Thông tin và truyền thông, mức độ "Mật". Ngoài ra, đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp này.
Bộ Công an xin trao đổi Quý Bộ xem xét, quyết định.
KT Bộ trưởng – Thứ trưởng,
Thượng tướng Tô Lâm
-----------------------
Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015,
trả lời công văn số 235/BTTTT-QLDN
Mật
Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện đối với Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone do Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật, có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề an ninh như Bộ Công an đã nêu.
Phương án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (Công ty AVG) như trong mục 2.1 của Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá. Việc mua này sẽ đảm bảo được một doanh nghiệp nhà nước sẽ kiểm soát được mạng hạ tầng truyền dẫn và nội dung phát sóng, không chỉ thực hiện đúng chiến lược đầu tư phát triển dịch vụ truyền hình của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mà còn góp phần đảm bảo an ninh văn hóa, tư tưởng, thông tin, truyền thông.
Dự án này không chỉ thuần túy về kinh tế, nhằm mục đích kinh doanh của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, mà còn nhằm quản lý khai thác hệ thống truyền hình được đầu tư hiện đại, phủ sóng toàn quốc, có ý nghĩa đảm bảo an ninh, chính trị, tư tưởng, văn hóa. Do vậy, đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cùng các đơn vị chức năng cùng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, có những chính sách đặc thù để Tổng Công ty Viễn thông Mobifone tiếp nhận, quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả dự án cũng như thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Bộ Công an xin trao đổi để Quý Bộ nghiên cứu và sớm triển khai.
KT. Bộ trưởng - Thứ trưởng
Thượng tướng Tô Lâm
-------------------------
Sau khi công bố kết luận, Thanh tra của chính phủ đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Bộ Công an để xem xét trách nhiệm hình sự những cá nhân có liên quan. Không có bất kỳ sĩ quan công an nào dính chàm cho dù đối chiếu những tình tiết được dùng để luận tội, kết án các bị cáo trong vụ án Mobifone – AVG ắt sẽ thấy, từ đầu đến cuối thương vụ, Bộ Công an đứng cùng bên với các bị cáo. Cả ba công văn của Bộ Công an chứng tỏ, đại diện Bộ Công an – Thượng tướng Tô Lâm rất sốt sắng trong việc phúc đáp Bộ Thông tin và truyền thông. Có công văn tính từ lúc Bộ Thông tin và truyền thông ký đến khi trải qua quá trình tiếp nhận – phân loại – trình cho cá nhân có thẩm quyền xem xét - chỉ đạo - soạn văn bản trả lời – ký tên, đóng dấu tại Bộ Công an chỉ vỏn vẹn bốn ngày. Sự sốt sắng đó còn thể hiện ở chỗ, bắt kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người ký cuối cùng.
Khó mà kể hết những viên chức đủ cấp không bị xử lý hình sự thì cũng bị xử lý hành chánh chỉ vì đã ký những văn bản mở đường cho tham ô, nhũng lạm gây hậu quả nghiêm trọng dù hệ thống tư pháp không thể chứng minh đương sự có tư lợi nhưng điều này hiếm khi xảy ra với các cá nhân ở Bộ Công an, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Công an. Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, Thượng tướng Tô Lâm – Thứ trưởng Bộ Công an nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng – Bộ trưởng Công an và đang chỉ đạo Bộ Công an "tả xung, hữu đột" bảo vệ - thực thi pháp luật, phòng – chống tham nhũng. Có thể trong công chúng vẫn còn có người tin bảo vệ - thực thi pháp luật, phòng – chống tham nhũng ở Việt Nam "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" nhưng bằng hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân của một người trong ngành, ông Đỗ Hữu Ca không tin và lần này, ông không may như những lần trước. Vậy thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/02/2023
Chú thích
(3) https://tienphong.vn/diem-danh-loat-tuong-linh-sy-quan-cong-an-bi-ky-luat-xu-ly-post1137170.tpo
Chuyện Công an Quảng Ninh phát giác và bắt ông Đỗ Hữu Ca – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng – làm nhiều bà con mình nức lòng. Ông Ca trở thành một cái gai làm bà con mình ngứa ngáy, muốn nhổ từ hồi ổng tổ chức "trận đánh đẹp" ở Tiên Lãng – thành phố Hải Phòng và muốn ghi "trận đánh đẹp" ấy vào "giáo trình". Không may cho bà con mình là sau "trận đánh đẹp" vào nhân tâm, dân ý ấy, ông Ca vẫn tiếp tục thăng tiến và hạ cánh an toàn.
Bắt Đỗ Hữu Ca – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng – làm nhiều người dân nức lòng
Cũng vì vậy, việc ông Ca bị tạm giữ rồi chính thức bị tống giam do "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (nhận 35 tỉ đồng để chạy án cho một ông trùm chuyên mua bán hóa đơn, chứng từ nhưng nghe nói không chịu chi ra đồng nào) khiến nhiều bà con mình phấn khích. Họ khẳng định đó là "ác giả, ác báo", là "nhân quả báo ứng"… Không khó để hiểu tại sao bà con mình hả hê khi có thể "tận mục sở thị" những cá nhân như ông Ca "đền tội". Ở xứ này có mấy người không bất bình khi phải thấy cái xấu, cái ác lộng hành, thậm chí còn là nạn nhân thường trực của cái xấu, cái ác nhưng vì nhiều lý do phải cúi đầu cam chịu, cắn răng nuốt giận mà sống. Cũng vì vậy, ông Đinh Văn Nơi – Thiếu tướng, tân Giám đốc Công an Quảng Ninh, nơi vừa bắt ông Ca quy án – tiếp tục nổi như cồn.
*****************
Ông Nơi – 47 tuổi – có sinh quán và trú quán ở Cần Thơ. Đủ tuổi vào đời là ông Nơi gia nhập lực lượng công an nhân dân và leo dần đến vị trí Phó Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ. Giữa năm 2020, ông Nơi được điều động về An Giang làm Giám đốc Công an tỉnh này. Cũng kể từ đó, mấy cậu mần nhật trình bắt đầu tô vẽ ông Nơi như một viên ngọc trong đá. Nào là ổng đột vô sòng bạc này, ổng phá tổ chức mua bán ma túy, tổ chức buôn lậu kia… tới mức đám tội phạm quyết định chi 20 tỷ để điều ổng đi chỗ khác (1).
Thời buổi mà quan chức nói chung và công an nói riêng như ai cũng thấy, cũng biết thì tự nhiên một ông như ông Nơi trở thành hiếm và quý. Thiệt tình là trong thời buổi nhiễu nhương, hỗn loạn, quan chức nói chung và công an nói riêng chỉ nghĩ tới chuyện ăn và "nén bạc" có thể "đâm toạc" mọi thứ "giấy" thì việc giữa đám bùn ấy đột nhiên mọc ra một ông tuyên bố khơi khơi : Tui lựa mấy người nào quen lớn tôi bắt trước (2) dễ làm bà con mình mát lòng, mát dạ, ít ai nghĩ tới chuyện chỉ du đãng mới dùng giọng đó, bảo vệ và thực thi pháp luật để bảo đảm công bằng, trật tự xã hội hổng cho phép "lựa" và cũng hổng cho phép bắt "trước" hay bắt "sau". Sai là phải bắt, vậy thôi ! Cũng vì vậy, ở mấy xứ văn minh đâu có ông nào dám tự đánh bóng bằng những tuyên bố kiểu như ông Nơi.
Tuy cũng mơ có ngày xứ mình sẽ an ổn, trộm cướp, côn đồ không còn lộng hành và sạch bóng tham quan ô lại như bà con nhưng tui hổng dám đặt gì vào "cửa" ông Nơi hết. Bà con nghĩ đi, nếu ông Nơi thiệt sự thẳng thắn, hết lòng, hết sức vì trật tự trị an, vì dân sao ổng hổng làm gì coi cho được hồi còn ở Cần Thơ ? Hổng lẽ Cần Thơ hổng có gì để làm ? Cứ như những gì xưa giờ bà con đã biết về công an xứ mình thì một người thẳng thắn, hết lòng, hết sức vì trật tự, trị an có "leo" được đến vị trí Giám đốc Công an một tỉnh không hay đã bị đá ra ngoài từ… vòng gửi xe ? Giám đốc Công an một tỉnh mà "lựa" người để "bắt" thì chuyện "bắt" dẫu cho là "quen biết lớn" đó có phải là vì dân hay chỉ vì tên tuổi của ai ?
Có hai chuyện tuy nhỏ nhưng với tui là lớn và làm tui thấy rờn rợn mỗi khi nghĩ về hay nghe ai đó khen ông Nơi. Chuyện thứ nhất là ổng có học vị "Tiến sĩ ngành An ninh và trật tự xã hội" (3). Người thật sự tử tế và tự trọng thì tử tế và tự trọng trong mọi chuyện kể cả chuyện học, cứ như những gì đã biết về xứ mình thì "Tiến sĩ ngành An ninh và trật tự xã hội" có học hành tử tế và tự trọng hay không thì bà con cứ tự nghĩ và xác định câu trả lời cho riêng mình. Chuyện thứ hai là hồi xảy ra đại dịch, ông Nơi là người ra lệnh cho Công an An Giang cưỡng bức dân "ngoáy mũi". Thậm chí ra lệnh khởi tố, đề nghị truy tố một cậu tên là Nguyễn Hoàng Suốt, 33 tuổi ở xã Khánh An, huyện An Phú để răn đe vì cậu này kháng cự chuyện cưỡng bức "ngoáy mũi" (4).
"Ngoáy mũi" là hay hay dở, nên hay không nên thì bà con mình biết rồi – biết ngay từ hồi nẩm. Nếu ngay từ đầu chịu nghe lời các chuyên gia đừng cưỡng bức "ngoáy mũi", đừng săn lùng, cưỡng bức "cách ly tập trung" thì hậu quả không thê thảm như vậy. Tại sao cưỡng bức "ngoáy mũi" thì sau này bà con mình cũng biết luôn. Liệu một người xua quân đi cưỡng bức dân lành "ngoáy mũi" và "cách ly tập trung" để chứng tỏ sự mẫn cán của va thì va có đủ trí và tâm như mình mong muốn không ?
***
Xã hội bất công nên từ già tới trẻ, từ đàn ông tới đàn bà ai cũng khát khao công lý. Rồi vì phải vật lộn, phải gánh chịu đủ thứ do xã hội đầy dẫy bất toàn, ai cũng mong có anh hùng "cứu nhân, độ thế". Biết vậy nên lâu lâu, mấy anh mần nhật trình cho đảng, nhà nước lại giới thiệu một "anh hùng" để bà con mình bơm vào đó niềm tin, hy vọng. Chẳng lẽ mới đó mà bà con mình đã quên ông Đinh La Thăng "trảm tướng" (5), ông Nguyễn Bá Thanh "hốt liền" (6), ông Nguyễn Việt Thành mà bà con từng trầm trồ vì "ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân" chỉ huy công an tấn công tội phạm có tổ chức và những "đồng đội bán mình" cũng rứa. Cảm kích, khen xong, mấy người biết ổng lạm quyền, chỉ đạo bắt doanh nhân để tống tiền, cưỡng đoạt tài sản, khiến gia đình, sự nghiệp của họ tiêu vong (7).
Sự bất quá tam, đừng để mấy anh mần nhật trình cho đảng, nhà nước gạt thêm. Đừng trao niềm tin và hy vọng nhầm chỗ. Muốn biết ông Nơi tốt – xấu, thiệt – giả cứ thản nhiên ngồi coi như coi tuồng. Xét cho đến cùng, xưa giờ, chuyện mấy ổng mần đâu có khác gì diễn tuồng mà đã là tuồng thì cứ chờ hạ màn rồi hãy quyết định vỗ tay hay không, bình phẩm thế nào – đâu có muộn ! Kẻ gian chỉ toan gạt người nếu thấy dễ gạt, đảng này, nhà nước này cũng vậy.
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 25/02/2023
Tham khảo
(2) https://plo.vn/chuyen-ong-dinh-van-noi-tui-lua-may-nguoi-nao-quen-lon-toi-bat-truoc-post696421.html
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Đinh_Văn_Nơi
(4) https://giaothong24h.vn/an-giang-luc-luong-cong-an-quyet-liet-tai-tam-dich-an-phu.html
(5) https://vov.vn/chinh-tri/ong-dinh-la-thang-va-nhung-lan-manh-tay-tram-tuong-477643.vov
(6) https://vietnamnet.vn/cho-hot-lien-khong-noi-nhieu-104754.html