Tiền của Ca ở đâu ra ?
Châu Nam Việt, VNTB, 27/02/2024
Trong quá trình hoàn tất cáo trạng và điều tra cựu giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, lực lượng chức năng đã vô tình vén màn bí mật về khối tài sản khổng lồ của một ông tướng Công an.
Ông Ca và các đồng chí của ông sử dụng quyền lực để kiếm tiền và kiếm ra rất nhiều tiền.
Không chỉ có trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà còn một lượng lớn tiền việt, vàng, ngoại tệ, trang sức… Số lượng và giá trị của những tài sản này khiến công chúng dù không hề ngỡ ngàng, nhưng khiến người ta đặt ra câu hỏi khối tài sản của ông Đỗ Hữu Ca này ở đâu ra.
Nhìn vào sự kiện "trận đánh đẹp" năm 2009 mà ông Đỗ Hữu Ca được biết tới, chúng ta có thể tìm thấy những dấu vết và dấu hiệu để phân tích và suy luận về nguồn gốc của khối tài sản mà ông Ca sở hữu.
Trong trận này, ông Ca đã huy động công an và quân đội cưỡng chế khu đất hơn 40ha của ông Đoàn Văn Vươn. Một "trận đánh đẹp" khốc liệt, với 6 người bị thương và ngôi nhà của ông Vươn bị phá hủy, đồng thời ông Vươn cũng bị bắt và phải ngồi tù.
Điều này gợi lên suy đoán rằng có người đã có kế hoạch chiếm đoạt và kiếm lợi từ việc tịch thu và chuyển giao khu đất có diện tích lớn này cho một bên thứ ba mà ông Ca cũng không phải không được hưởng chút lợi lộc nào.
Tính chất của sự kiện "trận đánh đẹp" cũng gợi lên nghi ngờ về việc ông Ca đã được ai đó thông tin và hỗ trợ để thực hiện kế hoạch này. Ông Ca đã sử dụng lực lượng công an và quân đội để thực hiện việc cưỡng chế đất, phía sau đó có sự phân phối và chia chác lại lợi ích cho bản thân.
Việc cho rằng ông Đỗ Hữu Ca, người đứng đầu Công an Thành phố Hải Phòng, làm một công việc như vậy chỉ để ăn lương công nhật của nhà nước là thật sự ngây thơ và thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề. Những người thực sự ngây thơ trong sự kiện này có lẽ chỉ là những chiến sĩ quân đội, công an … được cấp trên điều đi làm công việc "cướp bóc hợp pháp". Họ là những người đầu tiên chịu thiệt hại nếu có bạo lực xảy ra, nhưng họ lại chỉ được hưởng những trợ cấp ít ỏi cho một ngày công làm việc là hết.
Đằng sau những vụ việc như thế này là việc kiếm tiền và kiếm ra rất nhiều tiền nhờ vào việc sử dụng quyền lực. Ông Ca, như nhiều quan chức khác, có thể lợi dụng những bất cập của hệ thống pháp luật như Luật Đất Đai, Luật Doanh Nghiệp hay việc mua bán hóa đơn để tăng tài sản. Đôi khi, họ chỉ cần "nhắm mắt làm ngơ", tức là không làm gì cả, nhưng vẫn được chia phần trong các giao dịch lớn.
Và vụ Đoàn Văn Vươn chỉ là một chấm nhỏ của tảng băng chìm.
Người cuối cùng bị thiệt trong các giao dịch mang danh luật pháp này là ai ?
Trong những vụ án như vụ cướp bóc tại đầm Tiên Lãng, nạn nhân rõ ràng là gia đình ông Vươn. Nhưng đằng sau những vụ án "không được nói ra" như vậy, nạn nhân không chỉ là người bị trực tiếp ảnh hưởng nói riêng, mà còn là những người dân bình thường, những người nghèo, những người không có quyền lực và không thể tự bảo vệ được quyền lợi của mình.
Những người dân tay trắng trong cuộc chơi quyền lực, không có khả năng đối đầu hay phòng ngự trước những quan chức tham nhũng như ông Ca. Oái ăm thay, những nạn nhân thấp cổ bé họng bị mất của vào tay những kẻ nhân danh quyền lực và công lý như ông Ca. Nhờ những phiếu bầu gian dối mà chúng có được cái quyền ngang nhiên trộm cắp công khai để vinh thân phì gia.
Châu Nam Việt
Nguồn : VNTB, 27/02/2024
****************************
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca và hai vụ án đình đám !
RFA, 27/02/2024
Cựu giám đốc công an Hải Phòng - Đỗ Hữu Ca không chỉ là tác giả của "trận đánh đẹp" tấn công cưỡng chế đất của nông dân Đoàn Văn Vươn, mà ông còn là người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ Nguyễn Văn Chưởng với quá nhiều dấu hiệu oan sai.
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca và ông Đoàn Văn Vươn (từ trái qua) - RFA edited
Đỗ Hữu Ca chỉ đạo vụ Nguyễn Văn Chưởng
Ông Đỗ Hữu Ca - thiếu tướng vừa bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", phát biểu trong một bài viết năm 2019 rằng sau ngày xảy ra vụ án, ông đã mất ăn mất ngủ, có ngày chỉ ăn một gói mì tôm, quyết tìm ra thủ phạm là Nguyễn Văn Chưởng chỉ trong 45 ngày.
Luật sư Lê Văn Hòa là tổ trưởng tổ điều tra án oan của Ban Nội chính Trung ương và từ năm 2013-2014, cho biết vụ án Nguyễn Văn Chưởng do ông Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng trực tiếp chỉ đạo "phá án" từ năm 2007. Trong thời điểm đó, ông Ca đã trốn tránh làm việc với tổ điều tra án oan :
"Chúng tôi đã có kế hoạch để làm việc với nhiều cơ quan chức năng, từ Tòa án Nhân dân tối cao tới Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và ông Đỗ Hữu Ca là giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng.
Ông này cũng đã hứa tiếp tổ công tác của chúng tôi, thế nhưng mà khi chúng tôi xuống Hải Phòng thì ông ta lại tìm cách lẩn tránh, không gặp được ông ấy, ngay từ lúc đó là thái độ đã bất hợp tác rồi".
Hiện nay, ông Dương Tự Trọng đang thi hành bản án 18 năm tù, còn ông Đỗ Hữu Ca sắp hầu tòa. Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói với RFA khi hay tin ông Ca bị bắt và khởi tố :
"Tôi cảm thấy phấn khởi, bởi vì vào thời điểm đó là năm 2007, tôi đã nói ở dưới phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra của Hải Phòng là "ác giả, ác báo", nếu các anh làm điều ác thì các anh phải gánh chịu và bây giờ thì đúng là chúng nó phải gánh chịu".
Ông Chinh cho biết, ông đã gởi đơn tố cáo ông Dương Tự Trọng và Đỗ Hữu Ca - hai người trực tiếp lãnh đạo điều tra vụ án của con trai ông từ năm 2011. Tuy nhiên, sau khi ông Dương Tự Trọng bị bắt vào năm 2013 thì ông Chinh mới nhận được thông báo rằng đơn tố cáo ông Trọng đã được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ; còn đơn tố cáo ông Đỗ Hữu Ca cho tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.
Đỗ Hữu Ca "coi trời bằng vung"
Sau khi chỉ đạo đàn áp thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào năm 2012, ông Đỗ Hữu Ca được phong hàm thiếu tướng công an vào năm 2013.
Theo luật sư Lê Văn Hòa, khi ngành Công an gởi đề nghị tới các cơ quan Đảng và Chính phủ đề nghị phong tướng cho ông Ca vào năm 2012, khi ấy luật sư Hòa đang làm chuyên viên ở Ban Nội chính nên được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ :
"Chính tôi được Ban Nội chính trung ương giao để thẩm định hồ sơ của ông này và chính cá nhân tôi đề nghị là không thăng cấp tướng cho ông ta vì khi đó xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn năm 2012. Nhưng tôi cũng chả hiểu vì sao ông Đỗ Hữu Ca vẫn được đề nghị tăng lên Thiếu tướng. Cá nhân tôi trong hai năm đã không đồng ý rồi".
Luật sư Hòa, với kinh nghiệm của người đã từng là việc lâu năm trong bộ máy chính trị cho biết ông đã dự tính được rằng sớm muộn gì ông Đỗ Hữu Ca cũng bị bắt :
"Các cán bộ kiểu như ông Ca, tuy không nhiều lắm nhưng gây bức xúc cho xã hội. Ông Ca bộc lộ là quá tự cao tự đại, coi trời bằng vung lúc ông ta còn công tác, vì lúc đó thế của ông ấy rất mạnh.
Đặc biệt là vụ án của ông Đoàn Văn Vươn, tổ chức hàng trăm cảnh sát bao vây và ông ấy cũng tham gia chỉ đạo để tấn công vào nhà anh Đoàn Văn Vươn và tuyên bố rằng đây là "một trận đánh đẹp" và có thể viết thành sách để đưa vào các trường Công an để giảng dạy.
Ngay khi tôi đọc được những thông tin như thế thì tôi cho rằng ông này là một người rất tự cao tự đại cho nên sớm muộn gì cũng sẽ bộc lộ rõ bản chất của mình thôi. Ngay lúc đó tôi đã có những dự đoán như thế rồi".
Nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, bị bắt vào ngày 18/2/2023. Đến ngày 20/2/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh truy tố ông theo tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" , trong một vụ án trốn thuế, mua bán hóa đơn chứng từ nộp ngân sách Nhà nước phi pháp.
Ông Đỗ Hữu Ca, sinh năm 1958, đã từng nắm giữ chức Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2013. Ông nghỉ hưu vào tháng 7/2013 khi giữ các chức vụ bao gồm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố ; đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng khóa XIV.
Nguồn : RFA, 27/02/2024