Có một người bạn hỏi tôi : "Với văn hóa phong bì hiện tại, có cách nào để chấn chỉnh và làm sạch không ?". Tôi rất bất ngờ với câu hỏi này khi chị đặt nó vào tôi, bởi với một người trên răng dưới dép như tôi thì làm gì được mà hỏi với trả lời câu ấy ! Bởi mọi thứ đã thành nếp, thành tư duy thì chấn chỉnh kiểu gì đây ?
Với văn hóa phong bì hiện tại, có cách nào để chấn chỉnh và làm sạch không ?
Nhưng ngẫm lại, câu hỏi của chị bạn thật hay và lớn lao. Hay bởi chị nghĩ rằng đã là con người, đã là công dân của một xã hội, thì anh phải có đóng góp, phải suy tư, phải trăn trở cho xã hội mình đang sống, đó là trách nhiệm chung của loài người, chẳng phải riêng ai. Chối bỏ, chống lại cái xấu là bổn phận làm người, và tìm ra phương hướng tốt đẹp cho xã hội là trách vụ, lương tri của con người.
Lớn lao bởi câu hỏi ấy không còn mang tính cá nhân, nó là câu hỏi có tính đại thể, một câu hỏi lớn mà trả lời được nó thì xã hội sẽ thay đổi đáng kể, theo chiều hướng tốt đẹp hơn, trong sạch hơn và lòng tự trọng, tự do, dân chủ cũng được dồi dào, đầy đủ hơn.
Thử nghĩ, nhà nước có khuyến cáo phong bì không ? Có, nhà nước không những khuyến cáo, cảnh báo về nạn phong bì mà còn cấm tuyệt đối. Thế nhưng nhà nước là ai ? Nhà nước là tập hợp hệ thống cán bộ nhà nước, trong hệ thống đó, mỗi cán bộ như một tế bào, một cơ phận xây dựng nên nhà nước và chính quyền.
Cổ máy chỉ tốt, lành lặn khi các cơ phận của nó tốt đẹp, không bị lỗi. Còn, với hệ thống cán bộ Việt Nam, cho dù có thắp đuốc tìm một trăm năm nữa cũng không tìm ra cán bộ trong sạch. Bởi trong một hệ thống mà văn hóa xin - cho, đút lót, tham nhũng, hối lộ đã thành nếp, thành văn hóa ứng xử thì rất khó để tìm ra những kẻ lập dị trong hệ thống đó. Trong hệ thống cán bộ Việt Nam hiện nay, kẻ nào trong sạch chắc chắn là lập dị, mà tính Đảng là tính tập thể, quyền lợi tập thể không bao giờ dung nạp kẻ lập dị.
Chính vì nguyên tắc bất thành văn "thiểu số phải phục tùng đa số" của tập thể mà hầu hết tất cả những yếu tố liêm chính khi bước vào tập thể bất chính sẽ ngay tức thời thay đổi và thích ứng. Trong khi đó, khuynh hướng thích ứng có lợi cho bản thân, cho gia đình, cho tham vọng vật dục thì chắc chắn người ta chọn thay đổi. Hơn nữa, chưa kể một số nhân tố nếu có lý tưởng, trong sáng thì ngay trong sự trong sáng, lý tưởng của họ cũng đã có mối giằng co dữ dội giữa liêm chính và vật dục. Đến môi trường vật dục réo gọi, lấn áp thì chuyện giữ lý tưởng hay liêm chính trở nên xa xỉ.
Trong một xã hội mà người dân đã sống quá lâu, cơ chế xin - cho, nịnh bợ, chui luồn, dấn sâu, leo cao, đội trên đạp dưới, đâm bị thóc thọc bị gạo, toa rập và áp phe, bắt tay dưới gầm bàn... đã nhiễm vào máu, đã thành một tập tính nhân dân thì chuyện bứt thoát ra khỏi nó là chuyện bất khả thể nếu cứ nhìn theo góc nhìn xã hội thuần túy, nếu cứ nghĩ rằng đốt một cái lò chống tham nhũng lên, tha hồ hốt củi tươi, củi khô hoặc giả thay một hệ thống cán bộ, thay một bộ phận cán bộ ở một khu vực, lĩnh vực nào đó, chuyện này rất khó để đạt kết quả nào, nếu không muốn nói hệ lụy của nó còn ghê gớm hơn những gì diễn ra lúc đầu.
Bởi tham nhũng hay phong bì là sinh quyển chứ không phải là phần tử, trong khi thứ anh đưa vào lò là phần tử, mà có bao nhiêu phần tử giấu mặt, bao nhiêu đồng chí chưa bị lộ, đó là ẩn số thời đại. Trong một sinh quyển tham nhũng, người dân cũng tự trang bị cho mình cung cách của nhân dân dính chàm, tức đã không có việc thì thôi, khi hữu sự, chắc chắn người ta nghĩ ngay đến chiếc phong bì để bôi trơn công việc. Từ việc cho con đến trường cho đến việc tết nhứt trong cơ quan, xin việc, xin nghỉ phép đi khám chữa bệnh hoặc khám bệnh, thậm chí sinh con đẻ cái cũng phải nghĩ đến phong bì.
Thời đại bây giờ, nếu bạn không chuẩn bị phong bì trước, khi vào đến bệnh viện, mọi việc có vẻ rắc rối to. Thực tâm mà nói, chính sách bảo hiểm y tế của nhà nước có lắm chuyện buồn cười, nhưng dẫu sao thì đây cũng là một chính sách tốt, những ai từng mua bảo hiểm y tế, lỡ có việc gì đến sức khỏe đều yên tâm, chỉ cần thủ trong người chừng nửa triệu đồng là có thể vào bệnh viện, nằm viện để điều trị, thậm chí nếu bệnh nhẹ, khi ra viện còn có thể nhận lại được đôi ba trăm ngàn trong số nửa triệu đồng đã ứng.
Thế nhưng đây cũng là rắc rối, vì đến bệnh viện nhà nước đã có bảo hiểm lo, muốn bảo hiểm lo cho đàng hoàng thì bạn phải nhờ đến bác sĩ, tức bác sĩ cho pháp đồ điều trị loại gì, thuốc loại gì và được tiêm thuốc tốt hay không... Muốn vậy, bạn phải nhờ đến bác sĩ, y tá, nhờ đủ các thứ, và phải có phong bì. Châm ngôn "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" là châm ngôn thời đại. Hễ người nhà bị bệnh, việc đầu tiên bạn phải nhét phong bì vào túi bác sĩ cho được.
Thời xưa chưa có camera an ninh, bạn gởi phong bì dễ lắm, mọi thứ diễn ra nhan nhản, con bây giờ, có camera an ninh rồi, không chừng bị bác sĩ quát nạt. Mà phải hiểu sự quát nạt ấy là lấy điểm trước cái camera, chứ phong bì thì bạn phải khôn khéo tìm tới nhà bác sĩ để gởi, nếu không nhét được vào túi bác sĩ thì người nhà của bạn vẫn được chữa trị giống mọi người, nhưng thuốc thì khác và không chừng, chữa mãi không lành, bệnh nhẹ biến thành bệnh nặng... Mọi thứ đều có thể xảy ra.
Triết lý "Lương Y Như Từ Mẫu" là xương sống của ngành y, nhưng đến thời điểm này, nó trở thành câu khẩu hiệu, người ta hô khẩu hiệu khắp mọi nơi và khẩu hiệu có mặt khắp mọi nơi. Thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi bác sĩ đều là nhà kinh doanh, người ta giỏi ém hàng, tung hàng, ém sản phẩm và tung sản phẩm. Tức có một số thứ, muốn chữa được, phải gặp riêng bác sĩ, phải đến phòng khám riêng của bác sĩ hoặc nhờ vả bác sĩ ngay tại bệnh viện nhưng chi phí thì tự hiểu lấy, đời chẳng ai cho không ai thứ gì.
Thời bây giờ, mỗi bác sĩ, mỗi nhà tu, mỗi thầy giáo, mỗi cán bộ là một nhà kinh doanh, họ kinh doanh trên thế mạnh của họ, thầy giáo kinh doanh con chữ, nhà tu kinh doanh niềm tin, bác sĩ kinh doanh sức khỏe, họ vừa là dược trình viên trực tiếp cho các hãng thuốc, vừa là thầy thuốc, vừa là thầy phù thủy trước sinh mệnh người bệnh. Hiếm có thứ quyền lực nào mạnh hơn quyền lực bác sĩ mặc dù nó chẳng liên quan gì đến quyền lực. Chính vì vậy, trong xã hội này, một xã hội vốn quen với phong bì và đút lót, họ chỉ cần bắt tay thỏa hiệp, chỉ cần bật đèn xanh thì mọi thứ trở nên rối rắm và khó lường.
Trong một xã hội dân trí thấp, mặc cảm xã hội cao, tổn thương xã hội luôn ở mức báo động thì việc tìm cho mình một ảo giác về quyền lực tồn tại nơi bệnh viện là điều dễ hiểu. Người ta đút lót, quà cáp cho bác sĩ để được đối đãi tốt, để thấy mình oai, để thấy mình hơn các bệnh nhân khác thay vì trong hoàn cảnh bệnh tật, tương thân tương ái. Không, bước vào một phòng bệnh bất kì nào tại Việt Nam, cái cảm giác kèn cựa, hơn thua giữa các bệnh nhân luôn có mặt nhưng cảm giác tương thân tương ái rất hiếm thấy. Chính vì kèn cựa nên người ta tranh nhau đút lót, bác sĩ chỉ cần bật đèn xanh với cái gật đầu, hứa hảo điều gì đó thì người ta tự động và mãn nguyện trong việc đút lót.
Một xã hội như thế, một sinh quyển y tế như vậy, việc tôn vinh ngày thầy thuốc nên đổi thành việc tôn vinh ngày quyền lực thầy thuốc. Ở đây, phải hiểu rằng quyền lực được làm cho bệnh nhân hoang mang và sợ sệt, làm cho bệnh nhân tự cung phụng mình, chứ không phải quyền lực y đức. Bởi bây giờ, y đức là một thứ rất hiếm hoi trong ngành y.
Tuy vậy, vẫn còn không ít bác sĩ giỏi, có tâm đức, nhưng chắc chắn họ bị đẩy lùi về phía nào đó ít được tiếp xúc với bệnh nhân, họ bị biến thành những công nhân chữa bệnh và chẳng có tiếng nói gì to tát trong ngành. Thay vào đó, những kẻ biết mánh lới, biết đội trên đạp dưới, thậm chí đội và đạp đến mức có thể lên làm lãnh đạo ngành như Nguyễn Thanh Long đã và đang làm mưa làm gió trong sinh quyển y tế Việt Nam.
Càng nói chỉ càng thêm thấy buồn, và nên thay Ngày Thầy thuốc Việt Nam thành Ngày Quyền lực Thầy thuốc Việt Nam thì hợp bản chất hơn vậy !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 27/02/2024