Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2024

Những nghịch lý tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc

Marina Yue Zhang

Những chỉ số tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc đã che khuất những chênh lệch và bất an xã hội tiềm ẩn.

tangtruong1

Một tàu container chở du khách đi ngắm cảnh ở Tiamen, tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc vào ngày 26/12/2023 – Ảnh AP/Andy Wong

Trung Quốc là một minh chứng điển hình cho nghịch lý tăng trưởng, nơi các chỉ số kinh tế ấn tượng đã che khuất những chênh lệch và bất an xã hội tiềm ẩn. Một so sánh giữa các con số kinh tế ấn tượng của Trung Quốc và thực tế đời sống của doanh nghiệp và người dân nước này sẽ giải thích cách những mâu thuẫn này cùng tồn tại. Hiểu được những khác biệt này và tìm kiếm giải pháp để thu hẹp chúng sẽ mang lại tác động đáng kể đến quỹ đạo kinh tế và vị thế toàn cầu của Trung Quốc.

Nghịch lý tăng trưởng

Ngày 17/01, Cục Thống kê Quốc gia công bố tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 đạt 5,2%, một con số rất đáng khen ngợi và đứng trong top đầu thế giới. Con số đó cho thấy nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa đã đạt được mức tăng trưởng ổn định và nhanh chóng.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy những dấu hiệu căng thẳng rõ ràng: Người tiêu dùng đang tiết kiệm thu nhập khả dụng (vốn đang bị thu hẹp) thay vì chi tiêu, và các doanh nghiệp đang tạm dừng đầu tư do lo ngại lợi nhuận và giá trị công ty suy giảm.

Năm 2023, tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu loại A ở Trung Quốc giảm khoảng 8,5 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương với tổng chi phí của Sáng kiến Vành đai và Con đường trong suốt thời gian nó hoạt động (ước tính khoảng 1,2-1,3 nghìn tỷ USD, tương đương 8-9 nghìn tỷ nhân dân tệ). Sự suy giảm này xảy ra trong bối cảnh thị trường vốn đang tăng trưởng ở Mỹ, nhiều nước Châu Âu, và Ấn Độ. Chỉ riêng trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024, thêm 7 nghìn tỷ nhân dân tệ nữa đã bị thổi bay. Thị trường chứng khoán phản ánh tâm lý chung của các nhà đầu tư, theo đó cho thấy sự mất niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Những người mà tôi trò chuyện trong chuyến đi gần đây tới Trung Quốc đã chia sẻ những cảm nhận sau: Người giàu ít có niềm tin vào việc gia tăng hoặc thậm chí duy trì tài sản của mình, còn người nghèo ít có hy vọng thăng tiến. Hai cụm từ "nội quyển" (cạnh tranh nội bộ) và "thảng bình" (nằm thẳng) gói gọn những gì đã xảy ra trong năm qua. Nội quyển là một thuật ngữ xã hội học mô tả tình trạng cạnh tranh quá mức và không hiệu quả, dẫn đến một trò chơi có tổng bằng không, trong đó các nguồn lực dù được phân phối lại nhưng chỉ tạo ra giá trị đích thực tối thiểu. Thảng bình, một từ tiếng lóng trên mạng, đặc trưng cho thái độ của những người từ chối tham gia cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ này, thay vào đó, họ chọn cách chấp nhận hoàn cảnh của mình và phó mặc số phận cho thời gian.

Theo thuật ngữ kinh tế xã hội, "nghịch lý tăng trưởng" mô tả một hiện tượng trong đó có sự khác biệt giữa dữ liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế và phúc lợi kinh tế thực tế của người dân bình thường. Sự chênh lệch này liên quan đến các vấn đề cơ cấu phức tạp, đòi hỏi phải điều chỉnh chính sách và chiến lược phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện.

Lợi ích không đồng đều của tăng trưởng kinh tế

Nghịch lý tăng trưởng chủ yếu là do sự phân bổ không đồng đều các lợi ích của tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp lớn và tầng lớp thượng lưu thành thị tích lũy của cải vượt trội, hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Thành công của họ làm lu mờ sự tăng trưởng chậm hơn và cơ hội hạn chế hơn cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và cư dân nông thôn.

Dù các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc chiếm đến 99,8% tổng số doanh nghiệp và sử dụng gần 80% lực lượng lao động, nhưng họ lại đang suy yếu do khả năng tiếp cận vốn hạn chế, các rào cản pháp lý phức tạp, và cạnh tranh quá mức trong một thị trường đang thu hẹp. Dữ liệu Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong tháng 10/2023 đã nhấn mạnh sự chênh lệch này: Các doanh nghiệp lớn có chỉ số PMI là 50,3%, với các doanh nghiệp nhà nước là 50,0%, và các doanh nghiệp tư nhân lớn là 50,7%, tất cả đều cho thấy sự mở rộng. Ngược lại, các doanh nghiệp vừa có chỉ số PMI là 48,6% và các doanh nghiệp nhỏ thì ở mức 47,5%, cả hai đều nằm trong vùng thu hẹp.

Mô hình này phản ánh sự khác biệt rộng hơn về sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát đã đạt mức tăng trưởng 7% vào năm 2023, so với mức khiêm tốn 5% của các doanh nghiệp tư nhân, hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xét đến số lượng lớn nhân viên trong nhóm SME này, ngày càng có nhiều người cảm nhận được sức ép của suy thoái kinh tế.

Dư thừa và Thiếu hụt Công suất

Là công xưởng của thế giới, năng lực sản xuất của Trung Quốc đã được định hướng để cung cấp cho thị trường toàn cầu trong thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa, từ năm 1999 đến năm 2018. Tuy nhiên, kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra, những nỗ lực giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã tác động đặc biệt đến lĩnh vực chế tạo của nước này.

Các doanh nghiệp SME, xương sống của ngành chế tạo xuất khẩu của Trung Quốc, đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng về lợi nhuận, với nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Việc một công ty định hướng xuất khẩu có doanh số bán hàng giảm mạnh có thể ảnh hưởng đáng kể không chỉ đến lợi nhuận, định giá, và giá cổ phiếu của công ty đó, mà còn ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp SME khác trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Tình trạng này đã tạo ra một vòng luẩn quẩn, trong đó lợi nhuận giảm cản trở đầu tư vào R&D, tăng trưởng sản xuất, và tạo việc làm, trong khi cạnh tranh khốc liệt về giá theo kiểu nội quyển càng làm giảm lợi nhuận, và trong một số trường hợp, đã buộc doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Vòng luẩn quẩn này nhấn mạnh những khó khăn khi doanh nghiệp vận hành trong một nền kinh tế đang phải đối mặt với cầu giảm, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và thất nghiệp nghiêm trọng.

Mặt khác, những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo đã dẫn đến một tình thế lưỡng nan về địa chính trị. Trung Quốc đã vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, hiện đại hóa ngành công nghiệp của mình. Sự trỗi dậy này đi kèm với việc điều chỉnh vị thế quốc tế một cách quyết đoán hơn, nhằm phản ánh sức mạnh kinh tế đang bùng nổ, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, quỹ đạo đi lên này bị kiềm chế bởi sự dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu mở đối với sản lượng sản xuất. Điều này khiến Trung Quốc dễ bị Mỹ trừng phạt về các công nghệ tiên tiến và chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các đối tác gần (nearshoring) hoặc là bạn bè của Mỹ (friendshoring).

Lĩnh vực bán dẫn là một ví dụ sinh động về điểm này. Trung Quốc đang phải đối mặt với những "điểm nghẽn" đáng kể do Mỹ và các đồng minh áp đặt trong lĩnh vực sản xuất chip, dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip cao cấp, đặc biệt là chip AI. Đồng thời, các khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc vào sản xuất các dòng chip cũ (mature-node chipmaking) có nguy cơ tạo ra cạnh tranh nội bộ và dư thừa công suất, từ đó dẫn đến các hạn chế thương mại chống bán phá giá từ các quốc gia khác.

Những thách thức trong nước và địa chính trị

Sự mất kết nối giữa tăng trưởng kinh tế (theo dữ liệu thống kê) và tâm lý bất an chung nảy sinh từ sự không đồng nhất giữa các xu hướng kinh tế vĩ mô với các hoạt động kinh tế vi mô ở Trung Quốc. Các chính sách của chính phủ tập trung nhiều vào cải thiện cơ cấu và chất lượng của nền kinh tế trong dài hạn, hơn là vào tăng trưởng việc làm và thu nhập ngắn hạn, những điều mà công chúng có thể không hiểu hoặc chấp nhận ngay lập tức. Tăng trưởng GDP theo định hướng chính sách trong các dự án lớn hoặc đầu tư vào một số lĩnh vực hoặc ngành nghề nhất định có thể không trực tiếp chuyển thành cơ hội việc làm hoặc tăng thu nhập cho dân thường.

Một mặt, các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xe điện, và chế tạo công nghệ cao – được coi là ba động lực mới cho GDP của Trung Quốc – vẫn tiếp tục mang đến những con đường tăng trưởng đầy hứa hẹn. Mặt khác, các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức đáng kể do chính sách khó lường, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, chi tiêu chính phủ giảm, và xu hướng thận trọng của người tiêu dùng trong nước. Những thách thức này đang lan tỏa khắp chuỗi giá trị kinh tế.

Sự sụp đổ của một số tập đoàn bất động sản hàng đầu vào năm ngoái đã gây ra hiệu ứng domino trên toàn chuỗi cung ứng, dẫn đến giảm sản lượng trong các ngành công nghiệp thượng nguồn như sản xuất thép, xi măng, và xây dựng, cũng như ảnh hưởng đến các lĩnh vực hạ nguồn như trang trí và nội thất. Nỗi sợ về sự bất ổn kinh tế lan rộng và sự mất niềm tin của nhà đầu tư có thể theo sau. Ở cấp độ xã hội, tâm lý chung bao gồm kỳ vọng thấp hơn về thu nhập trong tương lai; tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ; bất bình đẳng thu nhập ngày một lớn do sự tập trung của cải vào một số ngành và khu vực nhất định; và tăng chi phí (hữu hình và vô hình) trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và chăm sóc người già.

Trên toàn cầu, Trung Quốc đang phải đối mặt với bối cảnh địa chính trị ngày càng thù địch, như đã thể hiện trong lĩnh vực bán dẫn. Áp lực địa chính trị dẫn đến tình trạng thiếu hụt công nghệ nghiêm trọng và đẩy Trung Quốc hướng tới phát triển một hệ sinh thái tự cung tự cấp để giảm thiểu ảnh hưởng của nước ngoài và đảm bảo tương lai kinh tế của mình.

Quan hệ Mỹ-Trung giữ vị trí cốt lõi trong tình cảnh địa chính trị phức tạp của Trung Quốc. Trong gần nửa thế kỷ, quan hệ giữa hai nước đã phát triển từ hợp tác ngoại giao đến hợp tác kinh tế sâu rộng, và hiện nay là trạng thái cạnh tranh chiến lược. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 200 lần trong 45 năm, với đầu tư song phương vượt quá 260 tỷ USD và hơn 70.000 công ty Mỹ đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc.

Gần đây, quan hệ kinh tế giữa hai nước đã chuyển sang một kỷ nguyên cạnh tranh công nghệ mới, được đánh dấu bằng sự cạnh tranh chiến lược để giành quyền kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu về các công nghệ và khoáng sản thiết yếu. Sự cạnh tranh này có khả năng dẫn đến phân tách về công nghệ. Những diễn biến này đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Trung Quốc, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu SME bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do quá trình cải tổ chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ dẫn đầu.

Một Trung Quốc hướng nội hơn ?

Đứng trước những thách thức này, Trung Quốc dần chuyển sang chiến lược hướng nội. Nước này đang xây dựng một hệ sinh thái tự chủ, tập trung vào việc củng cố thị trường nội địa rộng lớn và lưu thông nội bộ, nhằm trở nên ít bị ảnh hưởng bởi các nhân tố nước ngoài.

Trung Quốc đã tự cô lập mình suốt ba năm trong đại dịch Covid-19. Trong thời kỳ hậu đại dịch, họ bắt đầu thận trọng mở cửa biên giới. Tuy nhiên, khi quan sát những con đường nhộn nhịp ở Trung Quốc, ngay cả ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến, người ta nhận thấy một sự vắng mặt kỳ lạ: Gần như không có bóng dáng người nước ngoài.

Năm 2023, Trung Quốc báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) âm lần đầu tiên kể từ năm 1998. FDI từng đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, việc làm, năng suất, và đổi mới công nghệ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài và các nhân viên nước ngoài của họ hoặc đang vội vã rời khỏi Trung Quốc hoặc chưa quay trở lại sau đại dịch.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến của Trung Quốc cũng trở thành rào cản ảo đối với người nước ngoài. Người dân Trung Quốc đã nhiệt tình đón nhận các công nghệ mới. Nước này đã trở thành một xã hội không tiền mặt, nơi mã QR đóng vai trò là cây đũa thần của thương mại. Chúng cho phép dễ dàng mua hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả các dịch vụ công cộng như bệnh viện, trường học, và hải quan ở biên giới, chỉ bằng một lần quét đơn giản. Tuy nhiên, đối với người ngoài, đặc biệt là những người không có giấy phép cư trú tại Trung Quốc – vốn là thứ bắt buộc phải có đối với người nước ngoài để mở tài khoản ngân hàng, và từ đó lập mã QR để thanh toán di động – cuộc sống ở Trung Quốc có thể chứa đầy rắc rối.

Ngoài rào cản ảo này, khoảng cách số có lẽ là điều đáng chú ý nhất đối với du khách nước ngoài. Vạn lý Hoả thành, hiện đã được tăng cường AI, đang ngày càng mở rộng và chia cách thế giới trực tuyến ở Trung Quốc. Những nỗ lực nhằm vượt qua rào cản kỹ thuật số này, thậm chí bằng VPN, thường là vô ích.

Con đường phía trước

Hiện thực của nền kinh tế Trung Quốc, qua lăng kính nghịch lý tăng trưởng, đã cho thấy sự chênh lệch giữa các chỉ số kinh tế với tâm lý của người dân và doanh nghiệp. Những khác biệt này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chiến lược tăng trưởng toàn diện hơn. Trong lúc Trung Quốc vượt qua những thách thức trong nước và bất ổn về địa chính trị, thước đo thực sự cho mức độ thành công kinh tế của nước này sẽ là khả năng thu hẹp hiệu quả những chênh lệch đó, đảm bảo rằng thành quả của tăng trưởng được phân bổ đồng đều hơn cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Con đường phía trước đòi hỏi một cách tiếp cận cân bằng, hài hòa giữa sự phát triển do nhà nước dẫn đầu với tinh thần kinh doanh theo định hướng thị trường, thúc đẩy một môi trường nơi các doanh nghiệp và doanh nhân nước ngoài và tư nhân có thể lấy lại lòng tin để đầu tư cho tương lai và gia tăng tài sản thông qua sự đổi mới và tinh thần làm việc chăm chỉ. Để niềm tin quay trở lại, không chỉ cần các cơ hội tăng trưởng, mà còn cần các chính sách ổn định và có thể dự đoán được, cũng như một thị trường toàn cầu thân thiện và cởi mở hơn.

Cụ thể, việc chuyển trọng tâm từ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sang tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực góp phần đảm bảo an sinh xã hội, y tế, và giáo dục sẽ thúc đẩy niềm tin của người dân về tương lai của họ. Nhờ đó, cách tiếp cận này có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, sự cởi mở với cộng đồng quốc tế và việc liên tục tạo ra môi trường kinh doanh quốc tế hóa, dựa trên luật pháp và định hướng thị trường là rất quan trọng để đạt được mục tiêu này. Loại bỏ các rào cản đối với người nước ngoài đến Trung Quốc để kinh doanh, học tập, hoặc du lịch, đồng thời nâng cao sự thuận tiện trong sinh hoạt, du lịch, và làm việc tại Trung Quốc là những bước đi thiết yếu đầu tiên.

Tiến sĩ Marina Yue Zhang là phó giáo sư tại Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc của Đại học Công nghệ Sydney (UTS: ACRI). Bà có bằng cử nhân khoa học sinh học tại Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc, đồng thời có bằng MBA và bằng tiến sĩ về nghiên cứu đổi mới của Đại học Quốc gia Australia.

Marina Yue Zhang

Nguyên tác : "The Tale of 2 Economies: Navigating the Growth Paradox in China", The Diplomat, 17/02/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Marina Yue Zhang, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 280 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)