Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/02/2024

Giải pháp nào cho những xung đột ngầm giữa Việt Nam và Campuchia

Bửu Nguyễn

Trong nhiều thế kỷ, Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến mối quan hệ đầy biến động giữa Việt Nam và Campuchia. Tuy trong những năm gần đây, hợp tác được đẩy lên thành nét chủ đạo trong quan hệ giữa hai nước, nhưng hóa giải hết những cơn sóng ngầm để đạt được một nền hòa bình lâu dài vẫn là điều khó nắm bắt.

vietmien1

Thủ tướng Campuchia Hun Manet (trái) và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) trong cuộc gặp tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 11/12/2023

Mặc dù cuộc chuyển giao quyền lực từ cựu Thủ tướng Hun Sen sang con trai mình vào tháng 8/2023 trông có vẻ suôn sẻ nhưng lại ẩn chứa nhiều thách thức nội bộ.

Chủ nghĩa dân tộc Campuchia cùng với quá khứ thân Việt Nam của Hun Sen đã dẫn tới sự chống đối từ các phe phái đối lập, dẫn đầu là Sam Rainsy, cáo buộc Hun Sen đã tạo điều kiện cấp phép chuyển nhượng đất đai cho các công ty Việt Nam.

Cân bằng quan hệ chiến lược giữa hai ông lớn

Thăm chính thức Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, tân Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet kỳ vọng sẽ thúc đẩy "tình hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới". Thế nhưng, đằng sau bức màn lịch sử có rất nhiều trở ngại có khả năng cản trở việc đạt được những mục tiêu này.

Ông Hun Manet, 46 tuổi, là một trong những lãnh đạo trẻ nhất thế giới nhưng vẫn chưa là gì khi so với cha ông, người nắm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương thủ tướng ngày nay) của Cộng hòa Nhân dân Campuchia khi mới 33 tuổi.

Trải qua nhiều thăng trầm trong suốt hàng chục năm nắm quyền, khi dựa vào Việt Nam, lúc ngả sang Trung Quốc, ông Hun Sen đã xây dựng và chuyển giao thành công quyền lực sang người con trai lớn của mình.

Di sản Hun Sen để lại cho con mình chứa đựng nhiều thách thức, nhất là việc cân bằng mối quan hệ với các đồng minh truyền thống Việt Nam và Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất ở hiện nay.

Nguồn gốc tranh chấp

Mầm mống căng thẳng được gieo từ thế kỷ thứ 7 khi Đế quốc Chân Lạp và Đế quốc Đại Việt tranh giành sức ảnh hưởng trong khu vực. Nhiều thế kỷ xung đột và trao đổi lãnh thổ diễn ra sau đó, hình thành nên một bối cảnh địa chính trị mong manh.

Thế kỷ 19 chứng kiến sự trỗi dậy của triều Nguyễn, việc mở rộng về phía nam đã sáp nhập lãnh thổ mà một số người Campuchia vẫn coi là "Kampuchea Krom" (Thủy Chân Lạp). Đây là một vết thương vẫn tiếp tục mưng mủ đến ngày nay.

Trong câu chuyện xung đột kéo dài nhiều thế kỷ ấy, chương tàn khốc và gần đây nhất diễn ra trong Chiến tranh Campuchia-Việt Nam (1978–1989).

Trước sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ, Việt Nam đã can thiệp, lật đổ chính phủ diệt chủng nhưng đã để lại di sản là sự ngờ vực và oán giận sâu sắc. Việc Khmer Đỏ nhắm mục tiêu vào cộng đồng người Việt – với khẩu hiệu lạnh lùng "cáp Duồn" (chặt đầu người Việt) vẫn còn văng vẳng bên tai một số người – đã phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa hai nước.

Vượt ra ngoài những tuyên bố chính thức

Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia mang nhiều sắc thái phức tạp, vừa hợp tác, vừa nghi kỵ, vừa muốn bỏ quên quá khứ nhưng lại không thể nào rũ bỏ được.

Điều tối quan trọng là phải hiểu được nhận thức của công chúng hai nước vì các tài liệu lịch sử đơn thuần không thể phản ánh đầy đủ những dòng cảm xúc ngầm hình thành nên mối quan hệ giữa hai bên.

Đây là lý do tại sao cần có những nghiên cứu khám phá cách cả người Việt Nam và người Campuchia nhìn nhận những xung đột lịch sử này cũng như tác động của chúng đến cuộc sống của họ để thu hẹp khoảng cách giữa những câu chuyện trong sách giáo khoa và những trải nghiệm sống này.

Tài liệu chính thống thường vẽ nên bức tranh hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước. Nhưng những tranh chấp biên giới chưa được giải quyết, bom mìn chưa nổ từ các cuộc xung đột trong quá khứ và hệ thống chính trị khác nhau đã tạo ra những trở ngại sâu sắc. Bóng ma quá khứ vẫn tiếp tục đeo bám, cản trở tiến trình hướng tới sự hòa giải thực sự.

vietmien2

Xuyên suốt quá khứ xung đột ấy, thiệt thòi nhất vẫn là những cộng đồng dân cư sống xen lẫn giữa hai quốc gia. Để thoát khỏi nỗi ám ảnh này, hai quốc gia phải vượt ra ngoài những câu chuyện mang tính ngoại giao để có được hòa giải thực sự.

Xung đột giữa hai nước vẫn đang tiếp diễn, với các cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Campuchia, thậm chí đôi khi do các nhà sư Phật giáo lãnh đạo, những người vốn được coi là trung lập.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ Campuchia 2013 – 2014 với sự có mặt của nhiều nhà sư đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo về những xung đột âm ỉ giữa hai nước có thể biến thành bạo lực bất kỳ lúc nào. Điều này đã và sẽ tiếp tục gây khó khăn cho cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia, phản ánh những căng thẳng lâu dài giữa hai nước.

Sự hiện diện của các nhà sư Phật giáo trong các cuộc biểu tình là điều đặc biệt đáng chú ý bởi sức ảnh hưởng đáng kể của các nhà sư ở một quốc gia mà Phật giáo là quốc giáo. Điều này cho thấy sự chuyển hướng quan hệ chiến lược sang Trung Quốc của Hun Sen có thể là một nỗ lực nhằm lôi kéo người dân Campuchia.

Triển vọng hòa bình lâu dài

Xây dựng một nền hòa bình lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia đòi hỏi phải đối mặt với những vấn đề cốt lõi gây ra những xung đột lịch sử giữa hai nước. Điều quan trọng là phải xác định được các yếu tố khiến những xung đột này tiếp tục âm ỉ, nắm bắt quan điểm của công chúng về việc đạt được hòa bình và phát triển các chương trình giáo dục thúc đẩy sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Giảm khoảng cách giữa các câu chuyện lịch sử và trải nghiệm đương đại chính là chìa khóa để đạt được điều này. Bằng cách đó, Việt Nam và Campuchia cuối cùng sẽ có thể vượt qua xung đột và xây dựng một nền hòa bình lâu dài.

Không có cách khắc phục nào là nhanh chóng. Nó đòi hỏi một cam kết thực sự từ cả hai phía để thừa nhận quá khứ và giải quyết những bất bình trong lịch sử. Các chương trình giáo dục cộng đồng mang lại sự đồng cảm và nhận thức về lịch sử có thể thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ.

Xây dựng lòng tin thông qua hợp tác thiết thực trong những lĩnh vực có lợi ích chung như bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có thể thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác hòa bình giữa hai bên.

Đồng bằng sông Cửu Long, chứng nhân thầm lặng của xung đột hàng thế kỷ, cũng có thể trở thành biểu tượng của sự hợp tác. Những nỗ lực bảo tồn chung và các sáng kiến phát triển bền vững dọc dòng sông có thể thúc đẩy ý thức trách nhiệm chung và sự phụ thuộc lẫn nhau.

Hành trình hướng tới hòa bình lâu dài sẽ còn dài và gian khổ nhưng thông qua đối thoại bền vững, hòa giải thực sự và hợp tác thực chất, Việt Nam và Campuchia cuối cùng có thể định hướng lịch sử chung của mình và vạch ra lộ trình hướng tới một tương lai hòa bình.

Bửu Nguyễn

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/02/2024

Tác giả Bửu Nguyễn là một nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng tại Nan Tien Institute, Wollongong, New South Wales, Úc

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bửu Nguyễn
Read 262 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)