Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2024

Tết bao cấp : Dĩa lạp xưởng xuyên thấu

Nguyễn Nhơn

"Bộ đội như Dũng, trốn về từ 23 tết, dọn nhà, xong chạy lung tung xin việc làm làm lấy tiền tiêu tết. Nó bảo kiếm lấy vài hào (giờ hào để chỉ đồng).

Năm 1980, chỉ nhập đủ dầu để thắp đèn ở nông thôn.

Một sinh viên đói quá, không dám ra đến đường, sợ thấy hàng quà thì thèm.

Các cơ quan thi nhau lấy xăng nhà nước mang bán lấy tiền, đi mua lợn ăn tết

Thịt lợn lên 40 đ/kg".

baocap01

Các quầy mậu dịch bán thịt ngày Tết luôn đông khách.

Dịch giả, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn viết trên trang mạng Facebook của ông một số ký ức về thời bao cấp. Đoạn trên trích trong bài viết có tên Chuyện đời sống 1979.

Tết của những người không sợ bệnh tiểu đường

1979. Đó là năm thứ tư sau khi đất nước thống nhất.

Gia đình tôi cũng đã trở về miền Nam được hơn hai năm rồi. Khá nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự : cha tập kết, ra Bắc lấy vợ sinh con rồi sau 1975 thì mang vợ con trở về quê hương. Có gia đình, người vợ không chịu vào Nam theo chồng nên đành chia hai, nửa số con vào Nam với cha, nửa số con ở lại đất Bắc với mẹ.

Gia đình tôi thuộc loại Nam kỳ toàn tòng : ba tôi là cán bộ tập kết, còn má ra Bắc theo dạng con em cán bộ tập kết. Ba và má tôi quê ở hai nơi khác nhau, sau 1975 thì được trong ngành điều về làm việc tại miền Nam, nhưng ở một địa phương thứ ba. Ở đó, chúng tôi đã ăn những cái Tết của thời bao cấp đầu tiên trên đất miền Nam.

Đâu khoảng gần 20 Tết thì má tôi bắt đầu mang về túi quà Tết-một túi nilon chứa tất cả những thứ thức ăn chỉ ăn trong dịp Tết, theo quan điểm của ngành thương nghiệp. Nói "mang về" mà không phải "mua về" vì hồi ấy mọi thứ lương thực thực phẩm của cán bộ công nhân viên chức đều do Nhà nước phân phối theo tem phiếu, chế độ. Bán thứ gì, chất lượng ra sao và bán vào ngày nào đều là quyền của ngành thương nghiệp, người được hưởng chế độ chỉ biết giao gì nhận nấy, không có quyền thắc mắc.

baocap2

Cảnh chợ những ngày Tết ở miền Bắc thật bình yên trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước.

"Thực phẩm Tết" thường gồm : một chai hoặc hai chanh rượu chanh hoặc rượu cam-thứ rượu mùi nhẹ, thơm thơm vị cam hoặc vị chanh. Một gói khoảng nửa ký hoặc gần 1 ký gồm kẹo đậu phộng, kẹo mè đen và kẹo trứng chim trộn lẫn. Giờ chắc mấy đứa nhỏ không biết kẹo trứng chim là gì. Nó chỉ là một hột đậu phộng rang giòn, lăn qua rất nhiều lần bột mì trắng tạo thành một lớp vỏ cứng cũng sấy giòn bao bên ngoài, tròn tròn trắng trắng gợn gợn hệt một cái trứng chim. Kẹo đậu phộng cán thành thanh to cỡ hơn ngón tay, đường nhiều hơn đậu, lớp đường liên kết giữa các hột đậu vỡ cứng chắc và vàng đậm. Cắn vỡ được thanh kẹo này có khi mẻ răng. Người răng yếu hoặc các ông bà già ì phải kêu con cháu lấy cái chày đập vỡ ra từng mảnh nhỏ hoặc cứ liếm liếm gặm gặm cho nó ướt và rã ra dần. Các cô, các chị đến nhà chúc Tết thấy kẹo này thì chỉ ngồi cười thôi chứ thách cũng chẳng dám ăn !

Kẹo mè đen-hay còn gọi là thèo lèo cứt chuột ăn ngon hơn kẹo đậu phộng vì vị mè thơm bùi hơn, nhưng hình dáng cũng xấu xí không kém. Chúng hình như đều được làm thủ công, cán và cắt bằng tay nên xù xì, không đều, vết cắt thì nham nhở. Nhưng đừng có chê-thực phẩm Tết đấy nhé, quanh năm chỉ đến Tết thì con em nhà cán bộ mới được phân phối những thứ (ngon lành) này, nên chúng rất được nâng niu. Tôi nhớ khi má mang thực phẩm Tết về nhà thì cả nhà mừng rỡ lắm, xúm vào nâng lên đặt xuống ngắm nghía bình phẩm. Ngắm nghía chán chê rồi thì má tôi đem cất tất cả vào một cái thùng gánh nước bằng tôn dày, có nắp lật, đậy kín lại. Phía trên còn chèn thật kỹ bằng mấy viên gạch để chuột không ăn vụng được. Đến đúng 30 Tết, cái nắp thùng mới được má tôi trịnh trọng mở ra, lấy từng thứ xếp lên bàn thờ, cúng ông bà rồi hạ dần xuống đãi khách và ăn Tết.

baocap03

Thực phẩm Tết còn có mứt bí, mứt dừa, trà khô gói trong giấy mỏng xộc xệch, mấy bao thuốc lá… Giờ Tết đến tôi chẳng thấy nhà nào còn ăn mứt-ai cũng sợ tiểu đường. Nhưng hồi đó thì chỉ Tết mới có mứt ăn, mới được ăn mứt. Vì đường thiếu lắm, ngày thường chả có mà ăn, lấy đâu ra làm mứt, lãng phí.

Mứt bí và mứt dừa là thông dụng nhất, vì rẻ. Dừa thì còn đỡ, chứ còn mứt bí thì bây giờ bọn trẻ nghe thấy là chạy biến không dám quay đầu : nó ngọt lịm, ngọt lỉm, ngọt lim, gọi là một cục đường thì đúng hơn là mứt. Cách làm mứt bí hồi ấy nó thế : xắt phần cùi bí đao già thành miếng to hơn ngón tay, ngâm phèn chua với nước vôi qua đêm cho trong, đem luộc rồi ướp kỹ với đường và sên lên cho khô. Miếng bí mềm ngấm đường vào tận ruột, sên xong đường áo trắng kín bên ngoài đã đành mà tận bên trong cũng toàn đường lấp lánh. Nhưng hồi đấy thế đã là ngon lắm, nhất là buổi xế, dọn đĩa mứt pha bình trà đậm (giờ tôi mới hiểu vì ăn kèm đồ quá ngọt nên trà phải pha đậm cho đỡ ngán), quây quần nói chuyện trên trời dưới đất thì cảm giác tết nhất sướng đời phê pha phết ha ha ha !

Mứt dừa thì toàn bằng cùi dừa già xác, đến nỗi có khi nhai lấy nước xong phải nhả bã.

Có những năm khá lên thì thậm chí còn được phân phối mứt hạt sen. Nhưng mứt sen cũng y như mứt bí : đường áo bên ngoài dày cộm, đến nỗi những lớp ngoài cùng không thể bám chặt vào hạt sen mà cứ rụng ra trắng xóa dưới đáy đĩa. Lớp đường dày đến nỗi hạt sen mất luôn hình dạng, chỉ còn là những cục tròn tròn sần sùi trắng ngà ngà, không nhìn thấy lớp da của hạt sen trần. Ấn tượng về mứt sen khó phai đến nỗi sau này khi ăn hạt sen sấy hay mứt sen ít ngọt, má tôi lại cảm khái một tràng về đĩa mứt hạt sen thời bao cấp.

Có khi có hạt dưa. Hạt dưa lẫn đầy hạt lép và chỉ còn nửa vỏ, dính chặt nhau, nhuộm đỏ tươi, bằng thứ màu gì đó trời cũng chả biết, nhưng chỉ cần cầm lên tay là đã thôi màu ra. Khách đến nhà, chủ nhà dọn ra đĩa hạt dưa, đĩa mứt, bình trà. Cắn hạt dưa lép bép một hồi thì cả miệng cả tay đỏ nhoe nhoét, đăng đắng. Nhưng kệ, chả ai thấy có vấn đề gì !

"Thực phẩm Tết" chỉ có thế. Những thứ khác thì phải mua "ngoài", tức là mua trên thị trường tự do, không do Nhà nước phân phối. Nhưng tiền đâu mà mua ?

Lạp xưởng xuyên thấu

baocap04

Má tôi tự gói bánh tét, làm bánh nếp. Bánh nếp chỉ là nếp giã dẻo ướp đường và thêm hương hoa nhài, lăn bột khô rồi cắt thành từng thỏi. Nhưng trong thời đói khổ bao cấp, món nào ngọt cũng đều ngon và hiếm cả. Phải để dành đến Tết mới ăn.

Đến năm nào đó bắt đầu xóa bao cấp, kinh tế khá lên dần dần thì có lạp xưởng. Cũng phải đến Tết mới dám mua một ít, vì mắc lắm. Lạp xưởng đỏ sẫm, khô quắt, phải nấu trong nước riu riu thật lâu cho nở mềm căng mọng rồi lăn lăn trên bếp cho khô da lại, hơi sém. Mùi gia vị đặc trưng bốc lên nồng nàn. Thịt ít, mỡ nhiều, nhưng là món ít được ăn nên cảm giác rất ngon. Tôi xắt lạp xưởng khéo lắm, từng miếng dài đều đặn chen lẫn thịt đỏ và mỡ trắng trong, mỏng lét đến nỗi xếp lên đĩa gần như nhìn xuyên thấu được.

baocap5

À, mua ngoài còn có bánh in nữa. Bánh in giờ cũng thất truyền rồi, vì nó chỉ là bột và đường, bên trong có một lớp nhân đậu xanh mỏng tang. Bột ngào đều sấy khô, khô trắng tinh, cắn một miếng bột rơi xuống áo lả tả, phần còn lại thì nghẹn trong cổ. Bánh in cũng thuộc loại cấm đụng của các cô các chị, vì lẽ đó. Người ta in bánh bằng khuôn gỗ, ép từng tấm bánh thật to và dày hình chữ nhật, cỡ 6-7 lạng một cái chứ không ít, mặt trên in nổi hình mai lan cúc trúc, bọc ngoài bằng giấy bóng kiếng đỏ sẫm. Do cái màu này nên bánh in thường để cúng ông bà, rồi qua Tết, thủng thẳng khi những thức ngọt đã ăn hết thì mới đến lượt nó vô dĩa. Kèm trà đậm, tất nhiên !

Những món ăn rất thông thường trong ngày Tết của miền Nam như tôm khô củ kiệu, thịt kho hột vịt, măng khô kho thịt… hay lạp vịt, lạp xưởng thịt heo như tôi đã kể, thì mãi sau này, khi đã xóa bao cấp, kinh tế thị trường và đời sống người dân hồi phục dần thì mới dần có mặt lại trên bàn ăn.

Tết thì ăn thế, ngày thường thì ăn sao ? Bài sau tôi kể.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 28/02/2024

Tham khảo :

https://www.facebook.com/people/Nhan-Vuong-Tri/pfbid0JzNxeu5Xfty1UaZrT1fmAmyNNmfK1EPbHNwRpGZzHyzBbzwq9BRXUGZ9UALC2hSsl/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nhơn
Read 326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)