Mười năm trước, gần như không cần phát súng nào, Liên Bang Nga đã chiếm được bán đảo Crimea từ tay Ukraine chỉ trong vòng 3 tuần. Với vụ sáp nhập ngoạn mục này, Vladimir Putin thực sự thách thức phương Tây, lúc đó vừa bàng quan, vừa bất lực.
Tại sân vận động Olympic Luzhniki, Vladimir Putin kỷ niệm 8 năm sáp nhập Crimea vào Moscow, ngày 18/3/2023. © Mikhail Klimentyev, AFP
Rạng sáng ngày 27/02/2014, khoảng 50 "binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây" đã xuất hiện ở Quốc hội Crimea tại thành phố Simferopol. Cầm vũ khí, đội mũ trùm đầu và không đeo phù hiệu, nhóm lính này treo cờ Liên Bang Nga lên đỉnh tòa nhà Quốc hội.
Ukraine lúc đó đang trong tình trạng hỗn loạn sau nhiều tháng bị khủng hoảng chính trị đi kèm với những cuộc biểu tình. Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych bị phế truất hai ngày trước đó, và không ai biết nhóm binh sĩ này là ai và có ý đồ gì.
Buổi tối cùng ngày, trước sự chứng kiến của nhóm lính vũ trang này, Sergei Axionov được bầu làm thủ tướng Crimea. Axionov là một doanh nhân bị nghi ngờ có dính líu đến tội phạm có tổ chức, là lãnh đạo đảng "Thống nhất Nga". Ngay lập tức, Axionov yêu cầu sự hỗ trợ từ phía Moskva và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập bán đảo vào Nga.
Ngày hôm sau, 28/02/2014, lực lượng biên phòng Ukraine thông báo về sự xuất hiện của trực thăng quân sự Nga không đáp lại các cuộc gọi của họ. Xuống trực thăng, nhóm lính này ngay lập tức nắm quyền kiểm soát các sân bay Sevastopol và Simferopol. Họ cũng không đeo phù hiệu và tự nhận là "tình nguyện viên, có mặt để ngăn chặn cuộc đổ bộ của những kẻ phát xít hoặc những kẻ cực đoan đến từ miền Tây Ukraine".
Ngày 01/03/2014, hai ngày sau sự xuất hiện của "nhóm binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây", Vladimir Putin yêu cầu Duma, Hạ Viện Nga, bật đèn xanh cho việc đưa quân đến Crimea. Tại Kiev, chính phủ mới lên nắm quyền sau phong trào Maidan thân Châu Âu hiểu rằng đó là một "cuộc xâm lược" và một "cuộc chiếm đóng vũ trang" và ra lệnh đóng không phận, nhưng đã quá muộn.
Ngày 06/03/2014, Quốc hội Crimea yêu cầu được sáp nhập với Nga. 10 ngày sau đó, hai triệu cư dân Crimea bỏ phiếu về việc sáp nhập với Nga, với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo 96,77%, trong một cuộc trưng cầu dân ý mà cả Ukraine lẫn cộng đồng quốc tế đều không công nhận.
Những người lính vũ trang không có phù hiệu đứng gác trước một căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea, tại thành phố Perevalne ngày 15/3/2014. AP - Vadim Ghirda
Hoa Kỳ, Pháp và Đức đều lên án "mạnh mẽ" hành động sáp nhập bất hợp pháp, chiếu theo luật pháp quốc tế. Phương Tây ban hành những lệnh trừng phạt đầu tiên, chủ yếu nhắm vào các nhà tài phiệt và ngân hàng Nga. Tuy nhiên, mọi người tỏ ra vui sướng ở Moskva. Arnaud Dubien, giám đốc đài quan sát Pháp-Nga ở Moskva, giải thích rằng uy tín của Vladimir Putin đã tăng vọt, "bởi đối với người dân Nga, việc Crimea thuộc về Ukraine luôn bị coi là sự phi lý tột cùng".
Dubien nói thêm : "Vào thời điểm đó, tôi có thể khẳng định toàn bộ nước Nga phấn khởi. Tôi thấy những người chống Putin cũng tán thành việc sáp nhập Crimea. Có một cảm giác hưng phấn kéo dài vài tháng".
Xung đột Nga-Ukraine và chiến lược đế quốc
Theo Arnaud Dubien, "hành động sáp nhập Crimea là một phản ứng trực tiếp của Moskva đối với việc tổng thống Yanukovych bị Kiev lật đổ. Nếu không xảy ra phong trào Maidan, Crimea sẽ không bị Nga sáp nhập. Đây là bước đầu của phản ứng từ Nga đối với điều mà Putin coi là một cuộc đảo chính do phương Tây tiến hành".
Tuy nhiên, theo Michel Foucher, đại sứ Pháp tại Latvia vào những năm 2000, tốc độ và phương thức hành động của vụ sáp nhập Crimea cho thấy đó không phải là quyết định được đưa ra một cách chóng vánh. Kế hoạch tái chiếm Ukraine từng bước một, là dự án của Vladimir Putin kể từ khi ông trở thành tổng thống năm 2000. Ông Foucher cho rằng tổng thống Nga, người đã đặt tượng bán thân của sa hoàng Pierre Đại Đế và Ekaterina II trong văn phòng ở điện Kremlin, luôn mơ ước "khôi phục nước Nga vĩ đại, hay chính xác hơn là giành lại quyền kiểm soát cái gọi là thế giới Nga (Russkiy Mir), tức là tất cả các vùng lãnh thổ có người Nga nói tiếng Nga".
Cho dù sáp nhập Crimea là phản ứng trước chiến thắng của phe thân phương Tây ở Kiev, hay là một kế hoạch nung nấu từ lâu của chính quyền Moskva, "thì đối với Nga, Ukraine là một quốc gia rất đặc biệt mà họ chia sẻ lịch sử lâu đời", theo Arnaud Dubien. "Viễn cảnh Ukraine ngả theo phương Tây, cụ thể là gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), là một lằn ranh đỏ khiến Putin phải đưa ra những quyết định quyết liệt vào năm 2014, và sau đó là vào năm 2022. Đối với chính quyền Nga, tầm quan trọng của Ukraine biện minh cho việc chấp nhận rủi ro lớn".
Sự mù quáng của phương Tây
Năm 2014, việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến chính phủ Ukraine bất ngờ và phương Tây cũng không có phản ứng gì. Chỉ 2 tháng sau đó, Moskva phát động một chiến dịch tương tự ở Donbass của Ukraine. Tháng 04/2014, Nga huy động các nhóm lính địa phương tiếp quản các vùng (khu vực) Donetsk và Luhansk, lấy lý do hỗ trợ những người dân nói tiếng Nga đang bị "phát xít" ở Kiev đàn áp. Michel Foucher cho biết "nhóm lính này cũng không có phù hiệu, và không thể chứng minh đó là lực lượng đặc biệt của Nga, khi họ tự nhận là lực lượng tự vệ địa phương, một sự dàn dựng hoàn hảo".
Tuy nhiên, Kiev đã có phản ứng với chiến dịch ở Donbass, nhằm hạn chế sự kiểm soát của lực lượng thân Nga và "nhóm binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây" đối với hai nước cộng hòa ly khai khỏi Ukraine. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, từ năm 2014 đến năm 2022, cuộc chiến ở Donbass giữa Kiev và Moskva đã khiến 15.000 người thiệt mạng ở cả hai phe.
Ngày 24/02/2022, 8 năm sau hai cuộc tấn công ở Crimea và Donbass, Vladimir Putin quyết định xua quân tấn công toàn bộ Ukraine. Moskva có ý định đánh chiếm Kiev trong vài ngày và sau đó là phần còn lại của đất nước. Từ Crimea, quân đội Nga nắm quyền kiểm soát phần lớn miền nam Ukraine và đe dọa thành phố Odessa. Đó là cú sốc rất lớn đối với phương Tây, bởi điều mà họ coi là xung đột Nga-Ukraine năm 2014 đã trở thành mối đe dọa ở sát biên giới của họ.
MicheL Foucher tỏ ra tiếc nuối : "Phương Tây đã thể hiện sự yếu kém vào năm 2014. Chúng ta đã nói với Ukraine, 'mọi chuyện đã kết thúc, hãy quên Crimea đi, bán đảo này chưa bao giờ thuộc về Ukraine', với hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Đối với Đức, chính vì phụ thuộc vào khí đốt của Nga mà thủ tướng Angela Merkel lẫn Gerhard Schroeder đã chấp nhận Nordstream (cả hai đều ủng hộ việc xây dựng hai đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho Đức dưới biển Baltic). Về phía Pháp, chúng ta vẫn bị mê hoặc bởi một nước Nga thần thánh và văn hóa Nga, nghĩa là chúng ta có một tầm nhìn quá lãng mạn về nước Nga. Chỉ có Anh Quốc là tỏ ra sáng suốt. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Luân Đôn đã bắt đầu huấn luyện một phần binh sĩ Ukraine. Bởi đối với Anh Quốc, Nga vẫn luôn là một đối thủ ở Địa Trung Hải và Châu Á".
Tham vọng địa chính trị của Nga tái sinh
Việc sáp nhập Crimea 10 năm trước đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Thay cho một nước Nga tàn tạ thời hậu Xô Viết là một cường quốc chống phương Tây dường như quyết tâm sắp xếp lại bàn cờ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Từ năm 2006, Vladimir Putin đã lên án việc NATO và Liên Âu liên tục mở rộng tới đường biên giới Nga. Theo chủ nhân điện Kremlin, đó là kết quả của sự sỉ nhục về chính trị và kinh tế mà đất nước ông đã hứng chịu trong những năm 1990.
Arnaud Dubien giải thích : "Việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 là thành quả của một quá trình được khởi động từ trước đó rất lâu, và có thể bắt nguồn ở Kosovo từ năm 1999. Đối với Nga, việc NATO can thiệp vào Kosovo thể hiện sự hai mặt của phương Tây và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Việc Hoa Kỳ can thiệp vào Irak trong năm 2003 sau đó đã củng cố suy nghĩ này".
Sau khi sáp nhập Crimea, Vladimir Putin đã điều quân can thiệp vào Syria hồi tháng 09/2015, một lần nữa tạo điều kiện cho Nga có tiếng nói về mặt quân sự và ngoại giao ở Trung Đông. Moskva cũng xuất hiện trở lại ở Châu Phi, tại Libya, Cộng Hòa Trung Phi, Mali và Madagascar.
Đối với Arnaud Dubien, "việc sáp nhập Crimea là một bước ngoặt lớn. Kể từ đó, chính quyền Nga cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn. Điện Kremlin cho rằng họ không cần phải thuyết phục phương Tây hưởng ứng về lập luận hay tính chính đáng của những lợi ích của họ. Nga giờ đây hành động mà không màng đến ý kiến của phương Tây".
David Gormezano
Nguyên tác : L’annexion de la Crimée en 2014, acte de naissance d’un nouvel impérialisme russe ? / France 24, 03/03/2024
Phan Minh
Nguồn : RFI, 05/03/2024