Trong tháng 2 vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng 2, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường. Làn sóng truy lùng, bắt bớ có tính càn quét những cá nhân có tư tưởng chống đối chế độ độc tài đã diễn ra từ nhiều năm qua. Song, vụ bắt bớ ngày 29 tại Hà Nội có thể đã gây ra một cảm giác bi quan trong dư luận, rằng đây là những người đấu tranh cuối cùng.
Tạp chí chuyên nghành về dân chủ, Journal of Democracy số tháng 10/2023.
Phải chăng thế giới dân chủ, như nhiều người nghĩ, đang suy thoái và có khả năng bị thất bại trước các lực lượng độc tài, phản dân chủ ?
Phải chăng công cuộc đấu tranh giải cộng, cứu nước của người Việt Nam đang bị đè nát, lâm vào ngõ cụt ?
Để trả lời cho câu hỏi đầu, có lẽ nhiều độc giả sẽ khẳng định ngay : đúng thế, thế giới dân chủ đang thoái trào. Nhưng một nghiên cứu nghiêm túc có tính khoa học của giới học giả chính trị mới đây đã chứng minh điều ngược lại : Chế độ dân chủ không hề thoái trào mà còn tỏ ra rất bền bỉ, dẻo dai trước các tấn công, thách thức của các cá nhân, lực lượng phi dân chủ.
Đó là kết luận của hai học giả, Steven Levitsky, Giáo sư Đại học Harvard, Lukan A. Way, Giáo sư Đại học Toronto, trong một nghiên cứu, Democracy’s Surprising Resilience, được giới thiệu và tóm tắt rõ ràng với các con số, chứng minh cụ thể trên tạp chí chuyên nghành về dân chủ, Journal of Democracy số tháng 10/2023.
Về câu hỏi thứ hai liên quan tới Việt Nam, người viết cũng có suy nghĩ lạc quan và tích cực tương tự như bản nghiên cứu vừa đề cập về tình hình dân chủ trên toàn thế giới.
Chế độ dân chủ không hề thoái trào mà còn tỏ ra rất bền bỉ, dẻo dai trước các tấn công, thách thức của các cá nhân, lực lượng phi dân chủ.
Lý do nào có thể đưa đến sự lạc quan trước tình trạng chính quyền độc tài gia tăng bắt bớ như đã và đang diễn ra tại Việt Nam ?
Ở đây, người viết xin đưa ra hai lý do.
Thứ nhất, sự gia tăng bắt bớ cả về số lượng lẫn mở rộng phạm vi bắt bớ sang nhiều lĩnh vực dường như không liên quan trực tiếp tới chính trị, như các nhà hoạt động môi trường, các nhà nghiên cứu chính sách thân chính quyền, là dấu hiệu khách quan cho thấy tư tưởng bất mãn, chống đối chế độ độc tài đã thâm nhập sâu hơn và phát triển rộng hơn trong xã hội.
Nếu so với số cá nhân bị bắt trong cuộc khủng bố vào đầu những năm 2000, phong trào chống đối ngày nay đã mạnh lên và lan tỏa gấp nhiều lần. Bài viết này không đủ khả năng để liệt kê hết những gương mặt chống đối nổi bật hiện nay. Số cá nhân bị chính quyền bắt luôn luôn chỉ là một phần nhỏ của cả khối người có cùng khát vọng, tư tưởng. Do đó, sự tiếp tục bắt bớ hay gia tăng bắt bớ còn cho thấy sự bế tắc, cùng quẫn của kẻ cai trị. Chúng muốn bắt để khủng bố dân chúng nhằm dập tắt sự chống đối ngay từ trong tư tưởng. Nhưng kết quả lại là điều ngược lại.
Thứ hai, nói về truyền thống của người Việt Nam, chúng ta phải thừa nhận trong suốt hàng trăm hoặc nhiều ngàn năm tồn tại, ngoại trừ 20 năm Việt Nam Cộng Hòa, người Việt Nam chỉ biết chống người cai trị ngoại tộc (bất kể xấu, tốt) nhưng không hề biết đấu tranh, chống đối, phòng ngừa sự cai trị độc đoán, tàn ác của những kẻ nội tộc. Với một lịch sử như thế, những phong trào hay những cá nhân độc lập có tư tưởng chống đối chế độ độc tài cộng sản Việt Nam là một sự tiếp nối rất quí giá nhưng cũng vô cùng gian khó.
Quí giá là bởi chúng ta có quá ít kinh nghiệm đấu tranh, chống đối kiểu này. Gian khó là vì những người đấu tranh vừa đồng thời phải đối mặt với một chế độ tàn ác, xảo quyệt vừa đồng thời phải chấp nhận sự cô độc do khối quần chúng rộng lớn không có truyền thống lịch sử chống độc tài nội tộc. Song, chính những yếu tố này lại chứng tỏ sức sống mãnh liệt, bền bỉ, quả cảm không thể dập tắt của những người Việt Nam có tư tưởng chống chế độ độc tài nội tộc do Đảng Cộng Sản Việt Nam duy trì.
Luật sư Trần Danh San (1937 – 2013) và Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (1939-2012)
Trước khi kết thúc, người viết xin thuật lại câu chuyện của hai người đã bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt và giam cầm trong những bối cảnh đen tối, khép kín gấp vạn lần hôm nay.
Luật sư Trần Danh San (1937 – 2013), một trí thức Việt Nam Cộng Hòa, bị chính quyền cộng sản bắt năm 1977 sau khi ông có những hoạt động công khai chống đối sự độc tài, tàn ác của chính quyền. Trong tù, Luật sư Trần Danh San không chỉ vẫn giữ tư tưởng chống đối mà còn tổ chức làm báo truyền bá tư tưởng chống đối. Nhà cầm quyền đã dùng nhiều thủ đoạn dã man, hèn hạ hòng khuất phục ông. Các bạn tù kể rằng : "Sau những trận đòn chạm tới điểm chết, sau những tháng kiên giam nơi hầm tối của anh, viên cán bộ trưởng trại Phan Đăng Lưu có câu hỏi : Anh có ngừng chống đối không ? Trần Danh San trả lời chắc chắn : Chống đối là điều tất nhiên !"
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (1939-2012), sinh ra và lớn lên trên miền Bắc "xã hội chủ nghĩa", đã phải đi tù nhiều lần tổng cộng 27 năm vì có tư tưởng bất ưng, tố cáo bản chất độc tài, bất nhân của chế độ Hồ Chí Minh. Trong suốt 27 năm tù ròng rã, Nguyễn Chí Thiện không bao giờ được xã hội biết đến, chứ đừng nói nhắc đến. Thế nhưng, Nguyễn Chí Thiện vẫn có niềm tin như thế này :
Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lớp người đói rét
Phục sẵn những đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử.
(1976)
Hai nhân vật vừa kể, và rất nhiều người đáng kính khác, đã trở thành người thiên cổ, nhưng tinh thần, khát vọng mãnh liệt chống độc tài cộng sản của họ đã được truyền tiếp, một cách kỳ diệu, vào các cá nhân, lớp người của ngày hôm nay – những người đang bị bắt, đã bị bắt, đã lại bị bắt và có thể sẽ bị bắt. Bởi chừng nào chế độ Hà Nội còn tồn tại, "chống đối là điều tất nhiên".
Phạm Hồng Sơn
(05/03/2024)