Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/03/2024

Hợp tác an ninh hàng hải Úc và Việt Nam

Nguyễn Thế Phương

"Không phô trương" như với Philippines

Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện ngày 07/03/2024 đưa Úc trở thành một trong 7 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Quốc phòng và an ninh nằm trong số những lĩnh vực được tăng cường hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận mới.

ucviet0

(Từ trái sang phải) Tàu HQ-382 lớp Tarantal-V của Hải quân Nhân dân Việt Nam và tàu HMAS Toowoomba của Hải quân Hoàng gia Úc thực hiện diễn tập giám sát trong đợt triển khai hiện diện khu vực 2023 ngoài khơi Thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Ảnh : LSIS Ernesto Sanchez

Đối với Úc, Việt Nam trở thành cửa ngõ để dấn sâu vào khu vực Đông Nam Á lục địa trong bối cảnh Canberra xoay trục sang ASEAN. Còn Việt Nam có thể đặt "niềm tin ", trông cậy vào việc "Úc ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế ở khu vực và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982", theo phát biểu của thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tuy nhiên, hợp tác an ninh quốc phòng song phương sẽ "không phô trương" như hợp tác giữa Úc và Philippines, đặc biệt tại Biển Đông.

Đây là một trong những nhận định trong buổi phỏng vấn với RFI tiếng Việt của nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.

***

RFI : Việt Nam và Úc tổ chức cuộc họp cấp thứ trưởng về hợp tác an ninh lần thứ 3 vào tháng 02/2023. Mối quan hệ song phương về lĩnh vực này được hình thành và phát triển như thế nào ?

Nguyễn Thế Phương : Đặt trong bối cảnh 50 quan hệ song phương, mối quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Úc chỉ là một mảng rất mới, và nổi bật chắc từ tầm 2019-2020, khi đó Việt Nam bắt đầu chú trọng việc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là với các nước trung cường.

Cho tới trước khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, điểm nổi bật nhất trong hợp tác an ninh quốc phòng song phương là Úc hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề liên quan tới gìn giữ hòa bình, thông qua hỗ trợ tài chính, huấn luyện, đặc biệt là dạy tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam. Ngoài ra, Úc cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc di chuyển quân nhân Việt Nam tới những khu vực mà Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Hợp tác quốc phòng giữa hai bên còn có một số điểm nhưng không đến mức nổi bật. Ví dụ, Úc cũng bán lại cho Việt Nam một số vật tư kỹ thuật để Việt Nam có thể kéo dài tuổi thọ của một số loại vũ khí thuộc hệ Mỹ và Châu Âu trong biên chế của quân đội Việt Nam, bởi vì từ sau chiến tranh năm 1975, Việt Nam kế thừa rất nhiều vũ khí của Mỹ. Trong hơn 30 năm sử dụng, những vũ khí đó cũ đi và cần phải thay thế, bảo trì. Úc cũng có kinh nghiệm sử dụng vũ khí Mỹ, nên họ hỗ trợ một phần trong việc Việt Nam duy trì và bảo dưỡng một số loại vũ khí, khí tài.

Ngoài ra, hai nước có một số hợp tác nhỏ trong an ninh hàng hải, những trao đổi, thăm viếng lẫn nhau… nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. So với những quốc gia khác, như Ấn Độ, mảng hợp tác an ninh quốc giữa Việt Nam và Úc còn nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai, đặc biệt là sau khi hai nước nâng quan hệ lên hàng Đối tác Chiến lược Toàn diện.

RFI : Sau khi nâng cấp quan hệ thì trong tương lai, hai nước có thể khai thác quan hệ hợp tác này như thế nào về mặt an ninh quốc phòng ?

Nguyễn Thế Phương : An ninh quốc phòng là một trong những mặt hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Úc trong tương lai và được đặt trên một nền tảng, đó là "niềm tin" về mặt chính trị giữa hai nước đã được thiết lập. Nhìn vào tuyên bố chung thì tăng cường "niềm tin chính trị" rất là quan trọng, bởi vì trong hợp tác an ninh quốc phòng, đặc biệt là giữa Việt Nam và các quốc gia khác, "niềm tin chính trị" đóng vai trò nút thắt rất lớn.

Nếu có "niềm tin chính trị" và hai bên sẵn sàng cởi mở với nhau thì sẽ mở khóa những mảng an ninh quốc phòng có chiều sâu và thực chất hơn. Ví dụ, trong tương lai, cả hai bên có thể hợp tác trong công nghiệp quốc phòng. Đây là một trong những lĩnh vực mà quân đội Việt Nam đang chú trọng rất nhiều và đầu tư rất nhiều. Nếu có niềm tin thì hai bên mới có khả năng chia sẻ với nhau về công nghệ, đầu tư và những chia sẻ khác có liên quan tới vũ khí hoặc thông tin tình báo.

Thứ hai là mở rộng hơn nữa hợp tác trong an ninh hàng hải, có thể liên quan tới huấn luyện, chia sẻ thông tin tình báo, thăm viếng lẫn nhau. Tần suất và số lượng về mảng hợp tác này giữa Việt Nam và Úc sẽ tăng lên.

Thứ ba, Việt Nam và Úc sẽ tăng cường trao đổi quân nhân với nhau. Việt Nam sẽ cử sang học ở Úc, đặc biệt là học trong các Học viện Quốc phòng cũng như trong các trường đại học lớn có những chương trình về an ninh quốc gia có tiếng. Trước đây đã có hoạt động này nhưng sau khi tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, Việt-Úc sẽ đẩy mạnh mảng này hơn nữa, không chỉ liên quan đến quân nhân mà cả dân sự nữa.

Từ khoảng 2-3 năm nay, Việt Nam đã cử cán bộ cấp trung qua Úc học rất nhiều, thay vì qua Singapore hoặc Trung Quốc như ngày xưa. Đây cũng là một điểm chứng tỏ rằng nếu như có "niềm tin chính trị", thì thông qua niềm tin đó, biên giới những mặt hợp tác sẽ được mở rộng ra và đào sâu hơn rất nhiều so với trước đây khi mà "niềm tin chiến lược" chưa đủ mức độ.

RFI : Lần đầu tiên Úc tổ chức tuần tra chung trên biển và trên không với Philippines ở Biển Đông vào tháng 11/2023. Liệu Úc có thể tiến hành tương tự với Việt Nam ?

Nguyễn Thế Phương : Hiện tại, khả năng Úc tiến hành hoạt động tuần tra chung với Việt Nam, với quy mô và tính chất tương tự với Philippines, là không có. Bởi vì chính sách của Việt Nam hiện nay vẫn khá dè dặt trong việc tham gia các hoạt động mang tính tuần tra hoặc là tập trận chung với một lực lượng quân sự của một nước khác, ngay cả song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN còn chưa có. Việc Việt Nam tiến hành các hoạt động tương tự thì sẽ rất khó, ít nhất là về mặt ngắn hạn.

Hợp tác về an ninh hàng hải và an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Úc nói riêng và với các quốc gia phương Tây nói chung, ngay cả Hàn Quốc và Nhật Bản, sẽ không mang tính phô trương theo kiểu Philippines, hiện tại mà chỉ mang tính "mềm" đằng sau, như huấn luyện, trao đổi thông tin. Ví dụ Úc sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hoặc Việt Nam sẽ tham gia cùng với Úc bên trong một cơ chế mang tính đa phương. Đó là cách thức Việt Nam sẽ tiến hành những hoạt động mang tính an ninh quốc phòng với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước trung cường, chứ không có quy mô và mức độ như những gì mà Úc và Philippines đang làm.

RFI :Úc tuyên bố là tương lai của Úc là nằm trong khu vực. Ổn định hàng hải trong khu vực cũng sẽ liên quan đến nước này. Vậy Canberra có thể đóng vai trò như thế nào ?

Nguyễn Thế Phương : Việc tăng cường quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Úc đến từ nhu cầu nội sinh của cả hai bên. Đặc biệt là với Úc, Đông Nam Á là một khu vực trọng tâm về mặt phát triển kinh tế, cũng như là an ninh quốc phòng, bởi vì hướng đe dọa mà hiện giờ Úc lo ngại nhất vẫn là từ phía Trung Quốc.

Ngoài khu vực Đông Nam Á, khu vực truyền thống của Úc từ trước đến nay là khu vực các đảo ở Nam Thái Bình Dương. Nhưng hiện tại, Úc bắt đầu dịch chuyển trọng tâm chiến lược của họ từ các đảo Thái Bình Dương sang khu vực Đông Nam Á. Đó là lý do tại sao mà Úc quan tâm như vậy tới khu vực. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Úc ở Đông Nam Á, cả về hợp tác kinh tế lẫn hợp tác về những mảng khác, như giáo dục, văn hóa, con người…

Úc cũng mong muốn có một ảnh hưởng nhất định nào đó ở khu vực Đông Nam Á lục địa. Vì từ trước đến nay, họ quan tâm nhiều hơn tới Đông Nam Á hải đảo, ví dụ với Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, bây giờ họ mong muốn mối quan hệ và sự hiện diện của Úc ở cả khu vực Đông Nam Á lục địa nữa, trong đó Việt Nam được coi là một cửa ngõ, một bản lề để Úc có thể xâm nhập sâu hơn vào Đông Nam Á lục địa. Đó là tầm nhìn tương đối chiến lược của Úc đối với Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng.

Từ việc xem Đông Nam Á như là một trọng tâm chiến lược thứ hai, Úc mong muốn có một khả năng bao quát mang tính phòng thủ với những gì mà Trung Quốc đang làm, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông. Những chuyển động gần đây từ AUKUS, từ việc Úc bắt đầu coi Trung Quốc như là một mối đe dọa an ninh lớn, tăng cường quan hệ với các trung cường, như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, cho thấy tư duy của Úc hiện nay ngày càng tương đồng với Mỹ, với các quốc gia đồng minh của Mỹ, xem Trung Quốc làm một mối đe dọa lớn.

ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cách thức Úc sẽ đối phó với quá trình trỗi dậy của Trung Quốc trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc lan ngày càng gần tới Úc hơn, đe dọa an ninh quốc gia của Úc hơn bao giờ hết từ Đông Nam Á cho tới cả vấn đề nội bộ của Úc, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Do đó, vai trò của ASEAN sẽ rất quan trọng.

RFI :Song song đó, chúng ta cũng thấy là Canberra đang tìm cách cải thiện quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc, đối tác lớn của Úc. Liệu đây có phải là một điểm hạn chế trong phạm vi hoạt động hợp tác của Úc với các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc ?

Nguyễn Thế Phương : Việc Úc cố gắng tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng mối quan hệ hiện nay với ASEAN và đặc biệt, cũng sẽ không tác động lớn tới việc Úc xích lại gần Mỹ, cũng như với những dự án an ninh của Úc với Mỹ cùng các đồng minh, như AUKUS.

Dù gì Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia có trọng lượng kinh tế lớn nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Không một quốc gia nào trong khu vực có thể loại bỏ được ảnh hưởng này của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Úc cũng có một chính sách không hoàn toàn tách ra khỏi Trung Quốc, ví dụ về mặt khai khoáng, hoặc những mặt hàng nông sản của Úc vẫn cần thị trường Trung Quốc.

Cho nên việc Úc tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc một mặt giúp cho mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc ổn định hơn, từ đó sẽ giúp cho Úc tìm kiếm, định hình lại lợi ích của Úc với Trung Quốc. Việc đó giúp cải thiện một số yếu tố kinh tế cũng như chính trị trong nội bộ Úc. Và đó chỉ là một phần trong quá trình tái định hình chính sách của Úc và sẽ không ảnh hưởng nhiều tới mối quan hệ của Úc với ASEAN, với Việt Nam, cũng như là với các nước khác ngoài khu vực.

RFI :RFI tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 11/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thế Phương, Thu Hằng
Read 389 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)