Việt Nam không thực tâm thực thi công ước quốc tế về công đoàn
Dù tuyên bố sẽ thực thi công ước quốc tế về công đoàn và quyền lập hội của người lao động, chỉ thị mật của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy họ đang làm ngược lại.
Công đoàn là tổ chức chịu sự quản lý của Đảng cộng sản Việt Nam
Chỉ thị 24-CT/TW đóng dấu "mật" bị rò rỉ gần đây do Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành ngày 13/7/2023 về "Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng" có 9 nội dung chính liên quan tới nhiều lãnh vực của đất nước.
Riêng về lãnh vực lao động, chỉ thị này hé lộ cho ta thấy chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam như thế nào.
Chỉ thị 24/CT/TW ra lệnh xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh ?
Theo sát chỉ thị này, Nghị quyết đại hội Công đoàn Việt Nam kỳ thứ 13 được tổ chức đầu tháng 12/2023 vừa qua đã vạch ra kế hoạch để xây dựng, đổi mới Công đoàn, gói ghém trong "ba khâu đột phá" như là nhiệm vụ trọng tâm.
Ba "khâu đột phá" này là gì ?
Khâu thứ nhất : Đẩy mạnh thương lượng tập thể với trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
Nếu chỉ nhìn nội dung khâu thứ nhất này thì không có gì sai. Chuyện bảo vệ người lao động của một tổ chức tự gọi là đại diện người lao động hiển nhiên phải là như vậy. Nhưng tại sao bây giờ lại gọi đó là "đột phá" ?
"Đột phá" theo định nghĩa là "tạo nên những bước chuyển biến mới và mạnh mẽ". Điều đó có nghĩa là Công đoàn thú nhận là từ xưa tới nay chưa làm được việc này, mà công việc chính yếu của Công đoàn Việt Nam như chúng ta thấy là làm tuyên truyền cho Đảng cộng sản Việt Nam và làm từ thiện, ban phát quà cáp những dịp hiếu hỉ cho giới lao động. Chỉ bây giờ mới có "đột phá" đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động ? Dù nhận thức này muộn màng, nhưng có còn hơn không.
Công đoàn tại Việt Nam chưa có tính độc lập nên có nhiều hạn chế về hoạt động
Tuy nhiên, một câu hỏi vô cùng quan trọng còn bỏ ngỏ là khâu đột phá này có tính tới chuyện sẵn sàng sử dụng đình công như là biện pháp gây áp lực với giới chủ doanh nghiệp khi thương lượng tập thể hay không ?
Cần phải nhắc lại là trong quá khứ, dưới thời chính quyền do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Công đoàn chưa bao giờ tổ chức hay hướng dẫn bất cứ một cuộc đình công nào. Tất cả những thành quả về tăng lương hay tăng thưởng tới nay đều do đình công tự phát đem lại, kể cả ở những xí nghiệp có tổ chức công đoàn.
Nếu không có "đột phá" trong vấn đề này thì sức mạnh của Công đoàn chẳng khác gì sức mạnh của một con hổ không có răng. Né tránh đình công, Công đoàn không thể nào đấu tranh hiệu quả cho người lao động.
Khâu thứ hai : Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập mới các công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Bất cứ đoàn thể nào cũng cần đông đảo đoàn viên để lớn mạnh, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đối với công đoàn, khâu này cực kỳ quan trọng, mà theo các quan chức cao cấp của Công đoàn Việt Nam, là mang tính sống còn. Bởi số lượng đoàn viên của một tổ chức lao động sẽ có tính quyết định là tổ chức đó có quyền đại diện cho người lao động tham dự thương lượng tập thể hay không, trong bối cảnh sẽ có thêm cạnh tranh từ những tổ chức khác bên cạnh Công đoàn Việt Nam.
Vì tính chất quan trọng của nó, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 02NQ/TW vào năm 2021 chỉ đạo số lượng đoàn viên mà Công đoàn phải đạt được theo những mốc thời gian cụ thể.
Việc chiêu dụ người lao động gia nhập công đoàn cơ sở trong thời gian đầu không quá khó. Bởi, như thú nhận của một số quan chức, cán bộ Công đoàn đính kèm giấy xin gia nhập Công đoàn vào hồ sơ hợp đồng làm việc. Người lao động ký các giấy tờ, đinh ninh rằng tất cả là cần thiết để có thể được đi làm. Sau này một số lớn sẽ ra khỏi Công đoàn vì thấy Công đoàn là vô bổ mà lại phải mất đi 1% tiền lương cho đoàn phí.
Năm 2023, tuy các cấp công đoàn đã kết nạp 853.389 đoàn viên nhưng số đoàn viên tăng thực sự chỉ có 192.733 đoàn viên. Đây là con số rất thấp so với chỉ tiêu đề ra (tăng thêm 887.666 đoàn viên), theo tạp chí Lao động và Công đoàn trong bài viết Cán bộ công đoàn"hiến kế" đẩy mạnh phát triển đoàn viên ngày 4/3/2024.
Với tổng số đoàn viên hơn 11 triệu tính tới cuối năm 2022, cộng với số đoàn viên tăng thực sự kể trên của năm 2023, thì tổng số đoàn viên năm 2023 chỉ là khoảng 11,3 triệu. Có nghĩa là con số 12 triệu đoàn viên tới năm 2023 là chỉ tiêu của Nghị quyết 02 NQ/TW đã không đạt được.
Tương tự như vậy, ta có thể dự đoán là mục tiêu 15 triệu đoàn viên vào năm 2028 là không thể thực hiện.
Khâu thứ ba : Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ
Công đoàn Việt Nam được tổ chức theo 4 cấp : Cao nhất là trung ương (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), thấp hơn là "liên đoàn lao động tỉnh, thành phố", "công đoàn ngành trung ương". Sau đó là "liên đoàn lao động quận, huyện". Thấp nhất là "công đoàn cơ sở" ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội.
Nhiệm vụ của công đoàn cơ sở rất nặng nề : Công đoàn là một tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Song song với nhiệm vụ này, công đoàn cơ sở trên nguyên tắc là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động tại cơ sở, phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động… (theo Luật Công đoàn 2012).
Bộ luật Lao động 2019 còn quy định thêm là công đoàn cơ sở cũng như các tổ chức đại diện người lao động khác có quyền thương lượng tập thể, tổ chức đối thoại với chủ doanh nghiệp và cả quyền tổ chức đình công…
Để đáp ứng các nhiệm vụ nói trên, chủ tịch công đoàn cơ sở phải "có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực, có kiến thức, kỹ năng, thái độ tích cực trong công việc. Họ phải có năng lực đoàn kết, tập hợp quần chúng vào tổ chức, có tác phong liên hệ mật thiết với đoàn viên, người lao động. Đồng thời, có kỹ năng tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động để giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, có bản lĩnh dám đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động" theo lời một cán bộ công đoàn cấp cao được trích trong cùng bài báo nói trên của tạp chí Lao động và Công đoàn.
Tính tới cuối năm 2022, cả nước có gần 125.000 công đoàn cơ sở. Chủ tịch của những công đoàn cơ sở này là ai ? Họ cũng chỉ là những công nhân lãnh lương của chủ doanh nghiệp. Họ phải làm chu toàn công việc ở hãng xưởng, cũng phải làm thêm giờ phụ trội để có đủ tiền sinh sống. Kiêm nhiệm thêm công việc công đoàn, họ là cái gai dưới con mắt nghi kỵ của chủ doanh nghiệp, rất dễ bị chủ doanh nghiệp trù dập.
Làm thế nào để tìm được quãng 125.000 con người "tài đức vẹn toàn" như vậy để làm chủ tịch công đoàn cơ sở ? Chỉ nhìn khối lượng công việc được giao phó và số lượng cùng chất lượng con người cần thiết cũng nhận ra rằng "khâu đột phá" này khó lòng thành công.
Chỉ thị 24-CT/TW tuyên bố sẽ phê chuẩn Công ước 87 (về tự do hiệp hội của Tổ chức Lao động Quốc tế, ILO), sẽ cho thành lập thí điểm tổ chức độc lập đại diện người lao động, nhưng không nêu thời điểm cụ thể
Với chỉ thị 24-CT/TW, Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục tuyên bố sẽ chủ động tham gia Công ước 87 của ILO về tự do hiệp hội, bảo vệ quyền được tổ chức, nhưng lại không ấn định thời điểm sẽ phê chuẩn công ước này.
Họ tuyên bố sẽ cho phép thành lập thí điểm vài tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp như đòi hỏi của các hiệp ước thương mại EVFTA (giữa Việt Nam và EU), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng cũng không nêu cụ thể bao giờ cho phép, đồng thời kèm thêm đe dọa sẽ "giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức lao động hoạt động vi phạm pháp luật" và "ngăn chặn việc thành lập các tổ chức lao động trên cơ sở sắc tộc hoặc tôn giáo".
Chỉ thị 24-CT/TW ra lệnh tăng cường sức mạnh cho Công đoàn Việt Nam, cũng là để củng cố quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này không mới, đã được Nghị quyết 02-NQ/TW lên kế hoạch từ năm 2021, nhưng những biện pháp đề ra không hiệu quả.
Việc trì hoãn sự thành lập các tổ chức độc lập của người lao động đi kèm với những đe dọa cũng nằm trong chính sách yểm trợ công đoàn nhà nước.
Trong lãnh vực lao động, chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam không có những thay đổi đáng kể, cho ta thấy họ không thực tâm thi hành những cam kết quốc tế đã ký.
T.K. Trần (Stuttgart, Đức)
Nguồn : BBC, 11/03/2024