Tô Đại đang phá hệ thống tham nhũng có tổ chức của Tổng Bạc ra sao ?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C03), khẳng định lực lượng Cảnh sát kinh tế sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, triển khai hiệu quả các mặt công tác trong thời gian tới - Ảnh Bộ Công an
C03 Bộ Công an những ngày gần đây đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo, của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Quảng Ngãi.
Đáng chú ý, Vĩnh Phúc trở thành địa phương thứ 2, sau tỉnh Lâm Đồng, có cặp đôi Bí thư – Chủ tịch đương nhiệm cùng vô lò. Dù rằng, theo đồn đoán, hai nhân vật Bí thư và Chủ tịch này, có mâu thuẫn gay gắt.
Hai nhân vật này là, bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh ủy, và ông Lê Duy Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Cả 2 cùng bị truy tố về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự, liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn.
Ở tỉnh Lâm đồng, đại gia Nguyễn Cao Trí – ông chủ của siêu dự án Đại Ninh, cũng đưa hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của tỉnh này xếp hàng vô tù.
Theo giới quan sát, vào thời điểm cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Tô Lâm đã liên tiếp cho bắt giữ các nhân vật trọng yếu trong hệ thống chính trị Việt Nam. Đáng chú ý, có nhiều nhân vật được đánh giá là có mối quan mật thiết với Tổng Trọng.
Với tần suất khởi tố, bắt giam dày đặc, liên tục không ngừng nghỉ, với hàng loạt nhân vật là bí thư tỉnh ủy các tỉnh, như : Trịnh Văn Chiến (Thanh Hóa), Lê Đức Thọ (Bến Tre), Trần Đức Quận (Lâm Đồng), Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh), Hoàng Thị Thúy Lan (Vĩnh Phúc), và danh sách bắt giữ chắc chắn còn tiếp tục nối dài.
Bỏ qua những đánh giá "ác ý" của công luận, muốn khoét sâu mâu thuẫn, khi cho rằng, ông Tô Lâm đang cố gắng "giành ngôi, đoạt vị" của Tổng Trọng. Rõ ràng, các quan chức nói chung và các bí thư tỉnh ủy nói riêng, nếu họ sạch sẽ, không dính chàm, thì làm sao Bộ Công an có thể tìm cớ để bắt họ ?
Theo giới phân tích, kể từ sau Đại hội 12 năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn là cái bóng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những gì Tổng Trọng "phán", thì buộc các ủy viên Trung ương phải xem đó là nghị quyết. Những gì ông Trọng viết ra, thì bộ máy tuyên truyền lập tức thổi phồng thành "thánh chỉ".
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với 200 ủy viên chính thức và dự khuyết, từng được ca tụng là "tinh hoa", là lớp "lãnh đạo ưu tú" của Đảng, nay đang sống trong tâm trạng của "tội phạm dự khuyết". Đa số đã bị "nhúng chàm" và nhúng rất sâu. Họ không biết khi nào sẽ tới phiên mình bị "bắt" như các đồng chí đã bị lộ.
Điều đó có nghĩa là, công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng, chỉ là trò chơi của các quan tham chưa bị lộ, "vờn bắt" những kẻ đã bị lộ.
Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng là "tập trung dân chủ", trên tinh thần tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng từ sau Đại hội 12 năm 2016, với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, nguyên tắc này đã bị vứt vào sọt rác. Tất cả các quyết định quan trọng của Đảng, kể cả vấn đề bổ nhiệm nhân sự, đều do một mình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng toàn quyền quyết định.
Tổng Trọng đã nắm quyền lực tuyệt đối trong Đảng, và một khi"Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối". Đồng thời, đó cũng là lỗ hổng dẫn tới sự thất bại không thể cứu vãn của Đảng cộng sản Việt Nam nói chung và ông Nguyễn Phú Trọng nói riêng, vào thời điểm hiện nay.
Chưa bao giờ, nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam lại xảy ra tình trạng cán bộ chạy chức chạy quyền, "mua quan, bán chức" công khai, xảy ra trầm trọng như thời ông Trọng làm Tổng bí thư hiện nay.
Một quy trình khép kín đầy tội lỗi : Bỏ tiền mua chức – tham nhũng để lấy lại vốn – tiếp tục mua ghế có quyền lực cao hơn – tham nhũng được nhiều hơn… đã hình thành rõ nét và trở thành một vòng xoáy, thu hút biết bao nhiêu các con thiêu thân đâm đầu vào chỗ chết.
Quy trình trên trầm trọng đến mức, tất cả các quan chức lãnh đạo các cấp của Đảng, đều biết rằng, không sớm thì muộn, họ sẽ vô tù. Nhưng, những con thiêu thân ấy lại không hề biết sợ. Họ vẫn nhắm mắt tham nhũng với triết lý mù quáng : "đen thì phải chấp nhận, còn đỏ thì quên đi". Nghĩa là, đảng viên Cộng sản đã coi việc làm lãnh đạo như một canh bạc, được thì ăn, thua thì chịu.
Công tác tổ chức nhân sự của Tổng Trọng, cho đến hôm nay, rõ ràng, đã rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Số lượng các ủy viên Trung ương, lãnh đạo cao cấp, lũ lượt dắt tay nhau vào tù mấy năm gần đây, lớn cả về số lượng lẫn quy mô chức tước.
Trong gần 3 nhiệm kỳ làm Tổng bí thư, ông Trọng đã chọn và sắp xếp nhân sự, để tạo điều kiện cho ban lãnh đạo địa phương tham nhũng tràn lan. Tất cả đều sử dụng phương châm, "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 14/03/2024