Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/03/2024

Giải quyết nợ ở cấp địa phương Trung Quốc : Thất bại được báo trước

Alex Payette, Thanh Hà

Khóa họp Lưỡng Hội Trung Quốc 2024 kết thúc với kết quả "3 Không" : "Không thuyết phục được giới đầu tư quay lại Hoa Lục ; Không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% và Không có chính sách kinh tế rõ ràng". Chuyên gia về Trung Quốc, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius tại Montréal, Canada, Alex Payette nhận xét như trên về sự kiện chính trị vừa khép lại tại Bắc Kinh hôm 11/03/2024.

CHINA-ECONOMY-PROPERTY-EVERGRANDE

Quý Châu là con domino đầu tiên của các vụ phá sản cấp tỉnh ở Trung Quốc ?

Cho dù lần này thủ tướng Lý Cường đã không họp báo như thông lệ bên lề khóa họp Quốc hội nhưng trong phiên khai mạc hôm 05/03/2024, như mọi năm, chủ tịch Quốc Vụ Viện thông báo mục tiêu tăng trưởng và Bắc Kinh dự phóng GDP năm nay tăng 5%. Tuy nhiên không một nhà quan sát nào tin vào con số đó. Các nhà đầu tư thất vọng trước những thông báo bị cho là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" của Bắc Kinh trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và cũng không ai tin tưởng vào mục tiêu giải quyết nợ cho các chính quyền địa phương, đã tương đương với 50% GDP của Trung Quốc theo thẩm định của nhiều cơ quan tài chính quốc tế.

Mục tiêu tăng trưởng 5% KHÔNG có cơ sở

Trước hết về về mục tiêu tăng trưởng được ông Lý Cường loan báo, giám đốc và đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius cho rằng chỉ tiêu GDP tăng 5% cho năm 2024 "không thực tế". Lý do là tiêu thụ nội địa không khởi động lại từ sau đại dịch Covid mà đây là hệ quả từ khủng hoảng địa ốc kéo dài. Nhìn đến xuất khẩu, các chỉ số đều cho thấy hoạt động tăng chậm lại khi mà hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Châu Âu thận trọng hơn với hàng rẻ Trung Quốc, khi mà bất ổn ở Hồng Hải gây xáo trộn các tuyến đường giao thương trên biển trong lúc mà tiêu thụ ở Châu Phi, tại Đông Nam Á và cả Nga đã không tăng nhanh như mong muốn.

KHÔNG có những biện pháp cụ thể chặn chẩy máu đầu tư

Vẫn về kinh tế, điểm thứ nhì khóa họp Chính Hiệp và Quốc hội Trung Quốc lần này gây thất vọng là "ngoại trừ một vài con số và khẩu hiệu được đưa ra", về thực chất sự kiện vừa rồi đã "không cung cấp bất kỳ một thông tin nào đáng chú ý về chính sách của Trung Quốc cho năm nay". Thất vọng hơn nữa theo chuyên gia Alex Payette là vào lúc tình hình kinh tế đang xấu đi và giới quan sát chờ đợi Bắc Kinh phải đưa ra một số biện pháp mạnh để "điều chỉnh" lại tình hình, thí dụ như là ngăn chận hiện tượng "chảy máu tư bản" khỏi Hoa Lục, thì chỉ thấy Bắc Kinh cảnh báo sẽ gia tăng kiểm soát hoạt động của các thị trường tài chính.

Mới chỉ một vài năm trước đây, các kỳ hợp Lưỡng Hội diễn ra trong vòng từ 10 đến 15 ngày, thì lần này sự kiện chính trị đó đã bị thu gọn trong đúng 1 tuần lễ, rồi sự kiện thủ tướng Lý Cường -người quản lý các bộ và cơ quan ngang bộ, hủy cuộc họp báo thường niên, như thể Lưỡng Hội và Quốc Vụ Viện "chỉ còn là cái vỏ rỗng", thực quyền và vai trò của bộ phận này đã "được dịch chuyển đi nơi khác".

Hệ quả là cho dù các bộ trưởng trưởng liên quan, các giới chức kinh tế, tài chính tổ chức một họp báo hôm 06/03/2024 với sự tham gia của bộ trưởng Thương mại, Tài chính, Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương và Chủ tịch Ủy Ban Điều Tiết Chứng Khoán... Các quan chức cao cấp này đã đề cập đến những hồ sơ như định hướng phát triển, hỗ trợ thương mại, đầu tư, điều tiết thị trường tài chính, ngân sách nhà nước… Nhưng theo giới phân tích, kết thúc cuộc họp báo đường lối sắp tới của Trung Quốc vẫn là một "chiếc hộp đen".

Trả lời RFI Việt ngữ, từ Montréal- Canada, chuyên gia về Trung Quốc Alex Payette giải thích rõ hơn :

Alex Payette : "Trong cuộc họp báo (hôm 06/03/2024), ông Ngô Thanh (Wu Qing), chủ tịch Ủy Ban Điều Tiết Chứng Khoán Trung Quốc đã đưa ra một số thông báo liên quan đến thị trường tài chính, đến lĩnh vực địa ốc và ngân hàng. Ông cam kết là sẽ ‘nghiêm ngặt trừng phạt’ những nhà đầu cơ làm lũng đoạn thị trường và xem việc bảo vệ các cổ đông cò con là một ‘ưu tiên’. Những tuyên bố này dễ hiểu trong bối cảnh nhiều cổ đông tư nhân đang phẫn nộ vì bị thua lỗ quá nhiều trong thời gian gần đây nhưng cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động mua bán bất động sản, trong giới ngân hàng… không nhằm trấn khuyến khích đầu tư vào Trung Quốc. Giới quan sát cũng đã thất vọng vì kết thúc khóa họp lưỡng hội, chính quyền Bắc Kinh không hề đưa ra bất kỳ một đường lối rõ ràng nào về chính sách tài chính và kinh tế của Trung Quốc trong tương lai".

Alex Payette sở dĩ chú ý đến phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Điều Tiết Chứng Khoán Trung Quốc Ngô Thanh, do ông này vừa được bổ nhiệm hồi đầu tháng 2/2024 và nổi tiếng là nghiêm khắc, ông từng mạnh tay "khai tử những con vịt què trên các sàn chứng khoán". Ông Ngô Thanh còn chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tât cả những doanh nghiệp muốn tham gia sàn chứng khoán. Về thực chất theo Alex Payette, "lành mạnh hóa" thị trường tài chính là điều chính đáng và quả là từ khi ông được chỉ định điều hành ủy bàn này, chỉ số tài chính ở Thượng đã tăng lên 14% sau khi đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2019. Có điều chủ trương "gia tăng kiểm duyệt" tài chính đó không chắc sẽ có sức thu thút đầu tư của Trung Quốc và nước ngoài vào lúc mà Trung Quốc đang bị thất thoát vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Cũng không chắc đường lối này giúp Trung Quốc nhanh chóng trở thành một "cường quốc tài chính" như tham vọng từng được ông Tập Cận Bình đề xướng.

KHÔNG chắc Trung Quốc muốn giải quyết nợ LGFV 

Nhưng điểm khiến đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius lo ngại hơn cả là những mâu thuẫn trong phát biểu của bộ trưởng tài chính Lam Phật An (Lan Po’An), vừa đòi các chính quyền địa phương cắt giảm chi tiêu, vừa loan báo Bắc Kinh phát hành công trái phiếu, bơm thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (138 tỷ đô la) để kích cầu, thí dụ như là để "đẩy mạnh đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số" vì đó là công nghệ của tương lai. :

Alex Payette : "Trung Quốc không có sự chọn lựa nào khác là phải phát triển công nghệ số bởi vì thứ nhất các hoạt động công nghiệp truyền thống không còn có tương lai. Không còn mấy ai muốn lam lũ làm việc trong các nhà máy như 10 hay 20 năm trước nữa. Thứ nhì, là công nghệ kỹ thuật số đang là một lĩnh vực của tương lai, không cần quá nhiều nguồn lực mà lại có triển vọng nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và có lãi nhiều. Thành thử chúng ta dễ hiểu khi mà Trung Quốc dồn nỗ lực để phát triển công nghệ".

Nhưng vừa cắt giảm chi tiêu vừa đi vay thêm để thúc đẩy tăng trưởng, liệu có là một cái vòng luẩn quẩn báo trước Trung Quốc không bao giờ thanh toán được bớt nợ, nhất là những khoản nợ "không chính thức" mà các chính quyền địa phương đã đi vay dưới dạng trái phiếu mà không được Trung ương đứng ra bảo lãnh, gọi tắt theo tiếng Anh là LGFV (local government financing vehicle) ?

Alex Payette"Chúng tôi ghi nhận hai thông điệp hoàn toàn trái ngược nhau về tình hình tài chính của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo, bộ trưởng Tài Chính Lam Phật An cho biết Bắc Kinh sẽ phát hành công trái phiếu trong dài hạn để tài trợ rất nhiều dự án phát triển trong những lĩnh vực khác nhau, vì mục tiêu hỗ trợ kinh tế, vì mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng trong công nghệ kỹ thuật số, vì mục tiêu phát triển công nghệ cao… Nhưng ngay sau đó cũng vị bộ trưởng này tuyên bố chủ trương cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách. Ông Lam đã trực tiếp chỉ trích các chính quyền địa phương, từ lâu nay vay mượn quá trớn để tài trợ hàng loạt các dự án xây dựng vô cùng tốn kém mà xây dựng xong thì cũng không biết là để làm gì. Hệ quả kèm theo là giờ đây các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang ngồi trên những núi nợ khổng lồ. Nhìn dưới góc độ đó, kêu gọi "thắt lưng buộc bụng" là hoàn toàn có cơ sở (…)

Điều mà bộ trưởng Tài Chính Trung Quốc không nói ra ở đây là nợ mà các chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh đi vay là để thanh toán nợ đáo hạn cho các ngân hàng, để trả tiền lương cho công nhân viên chức nhà nước, để tiếp tục đài thọ cho một số công trình xây dựng đang bị bỏ dở... Vậy nếu ngân sách của các chính quyền địa phương thì hậu quả sẽ ra sao ? Kinh tế địa phương lại còn tiếp tục đổ dốc thêm nữa. Thế rồi khi mà chính phủ thông báo giải ngân 1. 000 tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho các chương trình đầu tư lâu dài … thì số tiền đó sẽ được sử dụng vào việc gì ? Trung Quốc đã bị lôi vào vòng xoáy nợ nần, nhưng vẫn thông báo phát hành thêm công trái phiếu dài hạn để tài trợ cho các dự án phát triển …. Nợ lại càng lớn thêm lên thôi ! Thành thử những thông điệp từ đại hội vừa rồi đầy mâu thuẫn và Bắc Kinh lại chuẩn bị bơm thêm tiền vào cho các chính quyền địa phương để có được thành tích tăng trưởng một cách giả tạo".

Giải quyết nợ LGFV : nhiệm vụ bất khả thi 

Chiến thuật "một bước tiến, hai bước lùi" nói trên của Bắc Kinh khiến Nikkei Asia, báo tài chính Nhật Bản (ngày 18/03/2024) cho rằng những nỗ lực để giải quyết núi nợ hơn cả chục ngàn tỷ đô la của các chính quyền địa phương Trung Quốc đều sẽ thất bại.

Bắc Kinh ý thức được là không còn nhiều thời gian khi mà khối nợ "không chính thức" LGFV, ước tính lên tới từ 10.000 đến 12.000 tỷ đô la (tương đương với 2 lần GDP của toàn nước Đức và bằng 50% so với GDP của Trung Quốc). Từ nửa cuối 2023, Bắc Kinh đã có một số biện pháp "hỗ trợ các chính quyền ở cấp tỉnh tái cơ cấu nợ, giảm thiểu nguy cơ mất khả năng thanh toán". Hiện tại Trung ương can thiệp theo 2 phướng : một là huy động các ngân hàng nhà nước đứng ra bảo lãnh một phần khối nợ LGFV (với lãi suất hơn 10%) và giải pháp thứ nhì là kêu gọi các tỉnh thành đi vay thêm để thanh toán nợ đáo hạn. Ngay chính các chuyên gia Trung Quốc được báo Nhật Nikkei Asia và tờ báo tài chính Trung Quốc Caixin trích dẫn đồng loạt ghi nhận đấy chỉ là những "giải pháp tạm thời". Vấn đề nợ của Trung Quốc chỉ có thể được giải quyết một khi mà các khoản "chi, thu" và cả "trách nhiệm" giữa cấp trung ương và địa phương được "san sẻ một cách cân đối hơn".

Bên cạnh những thất vọng vừa nêu sau khóa họp Lưỡng Hội lần này tại Bắc Kinh, Alex Payette tuy nhiên cũng nhắc lại ; thông thường vai trò của Chính Hiệp và Quốc hội Trung Quốc không nhằm đề xuất các chính sách hay các biện pháp cải tổ. Cuộc họp này chỉ nhằm nhắc lại những đường lối chính đã được thông qua trong các cuộc họp kín của Đảng trước đó. Có điều lần này khóa họp từ ngày 04-05 đến 10 và 11/03/2024 tuyệt đối không "nói lên được một điều gì" ngoại trừ khả năng là ở trong hậu trường, ngay cả trên vấn đề kinh tế, các giới chức Trung Quốc dường như cũng đang có một cuộc đấu đá ác liệt để ghi điểm với ông Tập Cận Bình. Đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius không loại trừ khả năng thủ tướng Lý Cường đang trong tư thế khá tế nhị : hoặc là vai trò của ông điều hành các hoạt động kinh tế đang bị thu hẹp lại, hoặc là nhân vật này chụi áp lực lớn đến nỗi tự ý hủy cuộc họp báo thường niên trong dịp này. 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 19/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Alex Payette, Thanh Hà
Read 407 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)