Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/03/2024

"Lừa đảo" và "bị lừa đảo" ở đâu ra mà ngày càng nhiều vậy (?)

Nguyễn Ngọc Già

Trước 1975 - ngay tại đô thành Sài Gòn - hầu như không bao giờ thấy chữ "lừa đảo" và "bị lừa đảo" trong cuộc sống thường nhựt, dù lúc bấy giờ thời cuộc khá nhiễu nhương, bởi xã hội vẫn còn chiến tranh với sự khủng bố từ Việt Cộng, như : chọi lựu đạn, đặt mìn, ám sát, thủ tiêu... Môi trường kinh doanh - sản xuất an hòa, lồng trong môi trường sống an bình của người dân. Dĩ nhiên là như vậy ! 

luadao1

Món ăn chơi bình dân thịnh hành của dân Sài Gòn, đặc biệt là của sinh viên, học sinh từ xưa đến nay : Bò bía.

Ba tôi - Một chủ hãng sản xuất đồ gỗ lớn nhứt nhì Sài Gòn lúc bấy giờ - bỏ mối (lúc bấy giờ không gọi "cung cấp") cho các con đường chuyên bán đồ gỗ, như : Minh Mạng (bây giờ là Ngô Gia Tự), Hồng Thập Tự (bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai) và nhiều tỉnh khác, như : Long An, Đồng Nai, Bình Dương, v.v... Thời đó, dân chúng không gọi furniture như sau này, dù đông đảo người giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp.

"Thanh toán gối đầu" và "lấy hàng trước - trả tiền sau" là điều quá quen thuộc, đối với đời sống tại Sài Gòn trước 1975. Các hình thức thanh toán qua ngân hàng, đều ngang ngửa với các quốc gia phương Tây cùng thời, như : Ký chèque - Chuyển khoản. Những hãng xưởng lớn hầu như không dùng tiền mặt là mấy, bởi số tiền thanh toán khá lớn, cùng với các ngân hàng đầy uy tín. Thời bấy giờ chưa có thẻ ATM, quét mã QR, v.v... Còn việc cạnh tranh trong làm ăn là điều tất yếu, kể cả việc "giành mối" làm ăn lâu năm. Để giữ mối mang, ngoài việc giữ đúng phẩm chất hàng hóa với giá phải chăng (lúc bấy giờ không gọi "giá hợp lý") và sáng tạo thêm những mẫu mới, người sản xuất luôn biết phải lấy lòng mối lái bằng cách cư xử bặt thiệp và các cách xã giao khác. 

"Chơi hụi", "đánh đề", "bài bạc", "gái gú", "đi bar", "dancing", "ăn nhậu", "vé số" (nhưng đúng nghĩa kiến thiết quốc gia), v.v... cũng là những chuyện thường ngày, như hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn. Bức tranh về "khuôn mặt" Sài Gòn không phải như một số người vẽ lên, tựa chàng tráng sĩ văn võ song toàn Lục Vân Tiên hay trung trinh tiết liệt như nàng Kiều Nguyệt Nga.

Sau 1975, chữ "lừa đảo" và "bị lừa đảo" cũng hầu như không thấy xuất hiện. Dễ hiểu vô cùng, vì Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung đều bị phủ trùm một màu đen tối thê lương, từ Bên Thắng Cuộc. Bởi tất cả đều thuộc về "nhà nước quản lý". Trong cuộc sống đói khổ và lầm than đó, ngay cả trong những người ăn xin để độ nhựt qua ngày, cũng không thấy "lừa đảo" lẫn nhau !

luadao2

Các em bé Sài Gòn thật hồn nhiên và dễ thương trong cuộc sống tạm bợ, vất vả giữa cuộc chiến.

Báo Tiền Phong ra ngày 15/12/2023 cho biết, có tới 4.500 "nạn nhơn bị lừa đảo" từ công ty Alibaba của Nguyễn Thái Luyện [1].

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 23/11/2023 cho biết, có tới 6.600 "nạn nhơn bị lừa đảo" từ tập đoàn Tân Hoàng Minh của Đỗ Anh Dũng [2].

Báo Công An Nhân Dân ra ngày 3/10/2023 cho biết, có tới 42.000 "nạn nhơn bị lừa đảo" từ tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan [3].

Điểm qua sơ sơ ba kẻ lừa đảo kể trên, cho thấy tổng số tiền chúng "lừa đảo" lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng (!).

Không biết tự bao giờ, "lừa đảo" và "bị lừa đảo" ngày càng xuất hiện đầy các mặt báo và trên mạng xã hội ?! Mỉa mai nhứt ! "Kẻ lừa đảo" và "nạn nhơn bị lừa đảo" đều có tiền. Thậm chí, rất nhiều tiền là khác ! Dân chúng xứ thiên đàng quá... giàu có ! Không giàu làm sao có tiền để bị lừa (?).

Với cách tính toán lương hiện tại, hầu hết dân quèn đều thừa nhận : Không thể sống bằng đồng lương. Thử hỏi, số tiền khổng lồ của các "nạn nhơn" ở đâu họ có, để dễ dàng "bị lừa đảo" hết lần này đến lần khác ? 

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, Bên Thắng Cuộc dù muộn màng, cũng nên định nghĩa lại khái niệm "lừa đảo" và "bị lừa đảo" cùng các tội danh mang tính hình sự. Việc này không chỉ giúp cho các ngành : công an - viện kiểm sát - tòa án bớt áp lực ngày càng chồng chất lên đầu họ mà còn hữu ích cho hàng trăm ngàn "nạn nhơn bị lừa đảo", họ phải biết chịu trách nhiệm trong cuộc sống của từng người, thay vì như những đứa trẻ đua đòi, hở ra là bù lu bù loa khóc lóc và kêu gào như những khẩu hiệu : Nhà nước ơi ! Cứu dân !

Nhà nước được sanh ra - để quản trị quốc gia - không phải để làm cha mẹ dân. Những cha mẹ yêu thương con mù quáng thường làm hư con thêm mà thôi !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 20/03/2024

Ghi chú :

"Nạn nhơn bị lừa đảo" và "kẻ lừa đảo" trong việc "chơi hụi" có số liệu không nhỏ. Chính nó cùng các tệ nạn khác (cho vay nặng lãi, đánh đề, bài bạc, v.v...) vẫn đang làm đau đầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay.

[1] https://congthuong.vn/vu-an-dia-oc-alibaba-hon-4500-nan-nhan-duoc-boi-th...

[2] https://tuoitre.vn/vu-an-tan-hoang-minh-6-600-nha-dau-tu-bi-chiem-doat-8...

[3] https://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/vu-tap-doan-van-thinh-phat-khoang-...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già
Read 286 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)